Phần Giúp Đỡ Học Tập
Smith, Joseph, Jr.


Smith, Joseph, Jr.

Vị tiên tri được chọn để phục hồi Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô lại trên thế gian. Joseph Smith sinh tại tiểu bang Vermont ở Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và sống từ năm 1805 đến 1844.

Năm 1820, Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô hiện ra cùng Joseph Smith, và ông học biết được rằng không có một giáo hội nào trên thế gian là giáo hội chân chính (JS—LS 1:1–20). Về sau ông được thiên sứ Mô Rô Ni viếng thăm. Vị thiên sứ này tiết lộ chỗ chôn giấu các bảng khắc bằng vàng, là những bảng khắc chứa đựng biên sử của các dân tộc thời xưa ở trên lục địa Mỹ Châu (JS—LS 1:29–54).

Joseph Smith phiên dịch các bảng khắc bằng vàng này và vào năm 1830 cho ấn hành thành Sách Mặc Môn (JS—LS 1:66–67, 75). Năm 1829, ông nhận được thẩm quyền chức tư tế từ Giăng Báp Tít và từ Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng (GLGƯ 13; 27:12; 128:20; JS—LS 1:68–70).

Được Thượng Đế hướng dẫn, vào ngày 6 tháng Tư năm 1830, Joseph và vài người khác đã tổ chức Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô (GLGƯ 20:1–4). Dưới sự lãnh đạo của Joseph, Giáo Hội đã phát triển ở Gia Nã Đại, Anh Quốc và một phần phía đông của Hoa Kỳ, nhất là ở Ohio, Missouri và Illinois. Sự ngược đãi khắc nghiệt đã đeo đuổi Joseph và các Thánh Hữu ở bất cứ nơi nào mà họ định cư. Vào ngày 27 tháng Sáu năm 1844, Joseph và anh của mình là Hyrum đã tuẫn đạo ở Carthage, Illinois ở Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Thánh thư do Tiên Tri Joseph Smith mang lại

Joseph Smith phiên dịch các phần của các bảng khắc bằng vàng do thiên sứ Mô Rô Ni trao cho ông, và bản phiên dịch này được ấn hành thành Sách Mặc Môn trong năm 1830. Ông cũng nhận được nhiều điều mặc khải từ Chúa phác họa các giáo lý căn bản và tổ chức của Giáo Hội. Nhiều điều mặc khải này được sưu tập lại thành một cuốn sách mà ngày nay được gọi là Giáo Lý và Giao Ước. Ông cũng có trách nhiệm mang lại Sách Trân Châu Vô Giá, là sách chứa đựng những bài phiên dịch soi dẫn của một số văn phẩm của Môi Se, Áp Ra Ham và Ma Thi Ơ, những đoạn trích từ lịch sử cá nhân và chứng ngôn của ông, và mười ba điều tuyên bố về giáo lý và tín ngưỡng của Giáo Hội.