Phần Giúp Đỡ Học Tập
Đa Vít


Đa Vít

Vua Y Sơ Ra Ên thời xưa trong Cựu Ước.

Đa Vít là con trai của Y Sai thuộc chi tộc Giu Đa. Ông là một thanh niên can đảm đã giết chết một con sư tử, một con gấu và Gô Li Át, người Phi Li Tin khổng lồ (1 SMÊn 17). Đa Vít được chọn và xức dầu làm vua Y Sơ Ra Ên. Như Sau Lơ, trong cuộc sống trưởng thành ông đã có những tội lỗi rất trầm trọng, nhưng khác với Sau Lơ là ông đã thật sự hối hận về những tội lỗi của mình. Vì thế ông đã có thể nhận được sự tha thứ, ngoại trừ tội giết U Ri (GLGƯ 132:39). Cuộc đời của ông có thể được chia ra làm bốn giai đoạn: (1) ở Bết Lê Hem, nơi mà ông làm kẻ chăn chiên (1 SMÊn 16–17); (2) trong triều vua Sau Lơ (1 SMÊn 18:1–19:18); (3) là một kẻ bị truy nã (1 SMÊn 19:18–31:13; 2 SMÊn 1); (4) làm vua Giu Đa ở Hếp Rôn (2 SMÊn 2–4), và về sau làm vua toàn xứ Y Sơ Ra Ên (2 SMÊn 5–24; 1 Vua 1:1–2:11).

Tiếp theo tội ngoại tình của Đa Vít với Bát Sê Ba là một loạt những chuyện bất hạnh xảy ra đã làm tàn tạ hai mươi năm cuối cùng của đời ông. Cả nước nói chung rất thịnh vượng dưới triều đại của ông, nhưng bản thân Đa Vít đã phải chịu khổ sở vì hậu quả của tội lỗi của mình. Luôn có chuyện thù nghịch trong gia đình, mà, như trường hợp của Áp Sa Lôm và A Đô Ni Gia, đã kết thúc bằng sự phản nghịch công khai. Những biến cố này đã làm ứng nghiệm lời của vị tiên tri Na Than nói với Đa Vít vì tội lỗi của ông (2 SMÊn 12:7–13).

Mặc dù có những tai họa này, nhưng triều đại của Đa Vít là triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử dân Y Sơ Ra Ên, vì (1) ông đã đoàn kết các chi tộc lại thành một quốc gia, (2) ông củng cố quyền sở hữu của đất nước mà không có sự tranh giành, (3) ông đặt nền tảng chính quyền trên một tôn giáo chân chính để cho ý muốn của Thượng Đế là luật pháp của Y Sơ Ra Ên. Vì những lý do này, triều đại của Đa Vít về sau được coi như là thời đại vàng son của quốc gia và tượng trưng cho một thời đại vinh quang hơn khi Đấng Mê Si đến. (ÊSai 16:5; GRMi 23:5; ÊXCÊn 37:24–28).

Cuộc đời của Đa Vít minh họa cho thấy sự cần thiết cho tất cả mọi người phải kiên trì trong sự ngay chính cho tới cùng. Khi còn niên thiếu, người ta nói rằng ông là một người theo “lòng” Chúa (1 SMÊn 13:14); khi lớn lên, ông nói chuyện bằng lời của Thánh Linh và nhận được nhiều mặc khải. Nhưng ông đã trả một giá đắt vì sự bất tuân của ông đối với các lệnh truyền của Thượng Đế (GLGƯ 132:39).