Lớp Giáo Lý
Đơn vị 27: Ngày 2, 3 Nê Phi 24–26


Đơn vị 27: Ngày 2

3 Nê Phi 24–26

Lời Giới Thiệu

Trong 3 Nê Phi 24–25, Chúa Giê Su Ky Tô làm tròn lệnh truyền của Cha Thiên Thượng để ban cho dân chúng một số lời tiên tri của Ma La Chi. Ma La Chi đã tuyên bố về việc gia tộc Y Sơ Ra Ên cần phải hối cải và trở về cùng Chúa để chuẩn bị cho sự hiện đến của Đấng Cứu Rỗi. Như đã được ghi trong 3 Nê Phi 26:3, Chúa Giê Su Ky Tô giải thich cho dân chúng “tất cả mọi việc, từ lúc ban đầu cho đến ngày Ngài đến trong vinh quang.” Sau đó, Mặc Môn đã dạy rằng những người tin Sách Mặc Môn sẽ có những điều lớn lao hơn được biểu lộ cho họ biết (xin xem 3 Nê Phi 26:9).

3 Nê Phi 24:1–6

Chúa Giê Su Ky Tô trích dẫn những lời được ban cho Ma La Chi về Ngày Tái Lâm

Hình Ảnh
Ngày Tái Lâm

Khi Ngài đọc một số lời tiên tri của Ma La Chi cho dân Nê Phi, Chúa Giê Su Ky Tô đã nói đến những hình ảnh về lửa và thuốc tẩy. Hãy tưởng tượng ra một ngọn lửa rực rỡ và thuốc tẩy. Hãy nghĩ về điều mà hai vật này có thể có điểm chung như là các tác nhân làm thanh khiết hoặc tẩy sạch.

Đọc 3 Nê Phi 24:2–3. Trong 3 Nê Phi 24:2, Chúa Giê Su Ky Tô được so sánh với lửa của thợ luyện và thuốc tẩy của thợ giặt vì điều Ngài sẽ làm vào Ngày Tái Lâm. Trong 3 Nê Phi 24:3, Ngài được so sánh với một thợ luyện bạc, là người tinh chế bạc. Để hiểu được những câu này, thật là hữu ích để biết rằng tiến trình tinh chế bạc đòi hỏi người thợ luyện bạc phải để một miếng bạc lên trên phần nóng nhất của lửa để đốt cháy các tạp chất. Người thợ luyện phải theo dõi kỹ miếng bạc, vì nếu miếng bạc để hơi lâu một chút trong lửa, thì nó sẽ bị tiêu hủy. Một người thợ giặt là một người giặt hoặc tẩy trắng quần áo bằng xà phòng. Các “con trai của Lê Vi” là những người nắm giữ chức tư tế trong thời Y Sơ Ra Ên xưa; thuật ngữ này có thể áp dụng cho tất cả dân của Chúa thời nay.

Hãy suy ngẫm về điều mà hình ảnh này gợi ý sẽ diễn ra vào Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong thánh thư của các em bên cạnh 3 Nê Phi 24:2–3, các em có thể muốn viết: Vào Ngày Tái Lâm của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô sẽ thanh tẩy dân Ngài.

Đọc 3 Nê Phi 24:5–6, và nhận ra người nào sẽ bị và người nào sẽ không bị thiêu hủy hoặc bị hủy diệt vào ngày Đấng Cứu Rỗi hiện đến. (Hãy lưu ý rằng trong đoạn này “các con trai của Gia Cốp” là dân giao ước của Chúa trong gia tộc Y Sơ Ra Ên). Những câu này dạy nguyên tắc: Chúa Giê Su Ky Tô sẽ phán xét kẻ tà ác khi Ngài hiện đến.

  1. Viết tiêu đề sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Tôi phải làm gì để chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi các em tiếp tục học 3 Nê Phi 24–26, hãy liệt kê dưới tiêu đề này điều các em học được mà sẽ giúp các em chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô.

3 Nê Phi 24:7–18

Ma La Chi dạy cho gia tộc Y Sơ Ra Ên biết cách để trở về cùng Chúa

Hãy tưởng tượng rằng một người bạn thân hoặc người trong gia đình dường như không quan tâm rằng những hành động của một người có thể ảnh hưởng đến người ấy như thế nào trong Ngày Phán Xét, Ngày Tái Lâm hoặc trong thời vĩnh cửu. Hãy suy nghĩ về điều các em có thể nói để cố gắng giúp đỡ người này. Đọc 3 Nê Phi 24:7, và nhận ra điều Chúa phán với các con trai của Gia Cốp đã bắt đầu rời xa Ngài. Các em nghĩ rằng những người đã “xây bỏ” các giáo lệnh của Chúa có nghĩa là gì?

Trong Giáo Hội, một giáo lễ là một hành động thiêng liêng, chính thức được thực hiện bởi thẩm quyền của chức tư tế. Một số giáo lễ rất cần thiết cho sự tôn cao của chúng ta. Các giáo lễ này được gọi là “các giáo lễ cứu rỗi.” Các giáo lễ này bao gồm phép báp têm, lễ xác nhận, lễ sắc phong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc (cho nam giới), lễ thiên ân trong đền thờ, và lễ gắn bó hôn nhân. Với mỗi giáo lễ này, chúng ta lập các giao ước long trọng với Chúa. Các em có thể muốn liệt kê các giáo lễ cứu rỗi dưới tiêu đề trong phần chỉ định trong nhật ký 1. Hãy nghĩ về cách các giáo lễ này giúp chúng ta chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm như thế nào.

Mặc dù dân của Chúa đã đi sai lạc khỏi các giáo lễ và các giao ước của phúc âm, nhưng hãy lưu ý đến lời hứa trong 3 Nê Phi 24:7, mà Chúa đã ban cho họ nếu họ chịu trở lại cùng Ngài. Các em có thể muốn đánh dấu lời hứa này trong thánh thư của mình để giúp các em nhớ rằng nếu chúng ta trở lại cùng Chúa, thì Ngài sẽ trở lại cùng chúng ta.

Đọc 3 Nê Phi 24:8–10, và tìm kiếm một cách mà Chúa cho biết là các con trai của Gia Cốp có thể trở về với Ngài và do đó chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm. Các em có thể muốn gồm vào việc đóng tiền thập phân và các của lễ dâng trong bản liệt kê dưới tiêu đề trong phần chỉ định của nhật ký.

Đọc lời khuyên dạy sau đây của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley về việc đóng tiền thập phân: “Chúng ta có thể đóng tiền thập phân của chúng ta. Đây không phải là về tiền bạc mà là về đức tin” (“Let Us Move This Work Forward,” Ensign, Tháng Mười Một năm 1985, 85).

Suy ngẫm trong một lát về việc các em sẵn lòng để đóng tiền thập phân và của lễ lên Chúa là một sự biểu lộ về đức tin của các em nơi Ngài như thế nào. Đọc 3 Nê Phi 24:10–12, và tập trung vào các phước lành dành cho những người đóng tiền thập phân trọn vẹn và chân thật.

  1. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Các phước lành nào các em đã nhận được từ việc tuân theo luật thập phân?

    2. Các em nghĩ việc tuân giữ lệnh truyền phải đóng tiền thập phân và các của lễ dâng đã giúp các em tự chuẩn bị như thế nào về phần thuộc linh cho Ngày Tái Lâm?

Một số người ở Y Sơ Ra Ên thời xưa đã ta thán rằng việc tuân giữ các lệnh truyền của Chúa đã không mang lại lợi ích gì cho họ. Họ cảm thấy rằng các nỗ lực của họ đều vô ích, hoặc vô nghĩa (xin xem 3 Nê Phi 24:14). Mặt khác, họ cãi lẽ rằng kẻ kiêu ngạo và tà ác “có hạnh phúc”, “tấn tới”, và “được giải cứu” (3 Nê Phi 24:15). Nói cách khác, những người này cho rằng kẻ tà ác khấm khá hơn so với người ngay chính.. Chúa trả lời cho những lời phàn nàn này bằng cách phán rằng những người kính sợ Chúa và tưởng nhớ đến danh Ngài, và những người thường gặp nhau để trò chuyện, thì sẽ thấy tên họ được viết trong “một cuốn sách ghi nhớ” (3 3 Nê Phi 24:16). Họ sẽ là những người sẵn sàng cho ngày Chúa đến và được dung tha như là các “báu vật” của Ngài (xin xem 3 Nê Phi 24:16–17). Chúa thách thức những người phàn nàn phải chờ đợi và quan sát kết quả cuối cùng khi họ có thể “trở lại và phân biệt giữa người ngay chính với kẻ tà ác” (3 Nê Phi 24:18). Họ sẽ thấy rằng cuối cùng thì người ngay chính được phước nhiều hơn.

3 Nê Phi 25

Chúa Giê Su Ky Tô trích dẫn lời tiên tri của Ma La Chi rằng Ê Li sẽ trở lại trước Ngày Tái Lâm của Chúa

Hình Ảnh
Ê Li Khôi Phục Lại các Chìa Khóa của Quyền Năng Gắn Bó của Chức Tư Tế

Đọc 3 Nê Phi 25:1–3, và tìm kiếm lý do tại sao Ngày Tái Lâm sẽ là một phước lành cho những người trung thành với Chúa Giê Su Ky Tô. Từ rễ trong câu 1 ám chỉ tổ tiên, và cành ám chỉ con cháu. Như vậy, trong cuộc sống mai sau, kẻ tà ác sẽ không được hưởng các phước lành của việc được làm lễ gắn bó cùng tổ tiên hoặc con cháu của họ. Bò tơ “lớn mạnh … trong chuồng” là một biểu tượng về các trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, và có tất cả những thứ cần thiết cho chúng khi chúng lớn lên.

Đấng Cứu Rỗi đã chia sẻ với dân Nê Phi điều Ma La Chi đã viết về một sự kiện sẽ diễn ra trước khi Ngày Tái Lâm và sẽ liên quan đến tiên tri Ê Li trong thời Cựu Ước. Đọc 3 Nê Phi 25:5–6, và tìm kiếm điều Ma La Chi đã dạy rằng Ê Li sẽ làm để giúp chuẩn bị thế gian cho ngày Chúa đến.

Sự trở lại thế gian của Ê Li là một phần thiết yếu của Sự Phục Hồi phúc âm. Ngày 3 tháng Tư năm 1836, Ê Li hiện đến cùng Joseph Smith và Oliver Cowdery trong Đền Thờ Kirtland mới được làm lễ cung hiến (xin xem GLGƯ 110). Ông đã ban cho họ quyền năng gắn bó của chức tư tế, làm cho các gia đình có thể được làm lễ gắn bó trong suốt các thế hệ. Các em nghĩ lời phát biểu rằng “người sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, và làm cho lòng con cái trở lại cùng cha” (3 Nê Phi 25: 6) có nghĩa là gì?

Những câu này dạy rằng khi lòng của chúng ta trở lại cùng cha chúng ta, thì chúng ta đang giúp chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô.

  1. Viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em một kinh nghiệm của các em hoặc những người trong gia đình các em mà đã giúp lòng các em trở lại cùng tổ tiên của mình. Điều này có thể bao gồm việc được làm lễ gắn bó trong đền thờ thánh, sưu tầm lịch sử gia đình của các em, hoặc tham gia vào việc làm phép báp têm cho người chết. Nếu các em không thể nghĩ ra một kinh nghiệm nào, thì hãy viết một đoạn văn ngắn về ước muốn của các em để tham gia vào công việc này. (Dưới phần chỉ định của nhật ký 1, các em có thể muốn viết: tiếp nhận các giáo lễ đền thờ cho chính mình và gia đình mình, tham dự đền thờ, và thu thập thông tin lịch sử gia đình).

3 Nê Phi 26

Điều gì cần phải được thực hiện để nhận được những điều lớn lao hơn mà Chúa Giê Su Ky Tô đã mặc khải

Chúng ta học được từ 3 Nê Phi 26:3 rằng Đấng Cứu Rỗi đã dạy cho dân Nê Phi “tất cả mọi sự việc sẽ xảy ra trên mặt đất này.” Đọc 3 Nê Phi 26:6–8, tìm kiếm xem có bao nhiêu phần của bài giảng của Đấng Cứu Rỗi được ghi lại trong Sách Mặc Môn. Học 3 Nê Phi 26:9–11 để tìm hiểu lý do tại sao Mặc Môn không bao gồm hết mọi điều.

Chúa truyền lệnh cho Mặc Môn chỉ gồm vào một phần nhỏ những lời giảng dạy đó nhằm thử thách đức tin của chúng ta. Từ 3 Nê Phi 26:1–21 chúng ta biết được rằng khi tin điều Chúa đã mặc khải, thì chúng ta tự chuẩn bị mình để nhận được sự mặc khải lớn lao hơn. Các em nghĩ tại sao việc tin các lẽ thật chúng ta đã nhận được là cần thiết trước khi chúng ta nhận được thêm lẽ thật nữa? (Xin xem An Ma 12:9–11). Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy rằng chúng ta tin điều Chúa đã mặc khải?

  1. Để áp dụng nguyên tắc in đậm ở trên, hãy trả lời cho câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Các em đang làm gì trong cuộc sống của mình để cho thấy niềm tin của mình nơi Sách Mặc Môn?

Như đã được ghi lại trong phần còn lại của 3 Nê Phi 26, Mặc Môn đã tóm tắt giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi và ảnh hưởng của giáo vụ này đến dân Nê Phi. Đọc 3 Nê Phi 26:13–21, và cân nhắc việc đánh dấu cách dân chúng thi hành lời của Chúa Giê Su Ky Tô.

  1. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học 3 Nê Phi 24–26 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: