Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 2: Ngày 4, 1 Nê Phi 5–6; 9


Đơn Vị 2: Ngày 4

1 Nê Phi 5–6; 9

Lời Giới Thiệu

Vợ của tiên tri Lê Hi, là Sa Ri A, sợ rằng các con trai của bà sẽ không trở về từ Giê Ru Sa Lem. Lê Hi đã an ủi bà bằng cách biểu lộ đức tin của ông nơi Chúa. Khi các con trai của bà trở về an toàn với các bảng khắc bằng đồng, thì Sa Ri A đã đạt được một lời chứng vững mạnh hơn về bàn tay của Thượng Đế trong việc hướng dẫn và bảo tồn gia đình của bà. Khi Lê Hi nghiên cứu các bảng khắc bằng đồng, ông “được đầy dẫy Thánh Linh, rồi bắt đầu nói tiên tri về dòng dõi của ông” (1 Nê Phi 5:17). Khi các em học bài học này, hãy nghĩ về việc nghiên cứu thánh thư riêng của các em và điều các em có thể làm để nhận được quyền năng đến từ việc tìm kiếm lời của Thượng Đế.

1 Nê Phi 5:1–9

Các con trai của Lê Hi trở về an toàn với gia đình của họ trong vùng hoang dã

Cuộc hành trình đi Giê Ru Sa Lem và trở về của Nê Phi và các anh của ông có lẽ đã mất vài tuần. Hãy nghĩ về khoảng thời gian khi một người anh em, chị em, cha, mẹ, hoặc một người nào khác các em biết đã rời nhà trong một thời gian dài—chẳng hạn như đi truyền giáo, đi học, hoặc đi nghĩa vụ quân sự. Các em có những mối quan tâm hoặc lo lắng nào (hoặc các em nghĩ cha hay mẹ mình có thể có những mối lo lắng nào) khi rời xa những người thân yêu trong một thời gian dài? Đọc 1 Nê Phi 5:1–3, và nhận ra những mối quan tâm mà Sa Ri A bày tỏ với Lê Hi liên quan đến cuộc hành trình của các con trai của bà trở lại Giê Ru Sa Lem.

Nghiên cứu 1 Nê Phi 5:4–6, và tìm kiếm phản ứng của Lê Hi đối với mối quan tâm của Sa Ri A.

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy trình bày lại bằng lời riêng của các em câu trả lời của Lê Hi cho vợ ông.

Suy ngẫm về các câu hỏi sau đây:

  • Điều gì gây ấn tượng cho các em về cách Lê Hi phản ứng đối với mối quan tâm của Sa Ri A?

  • Những lời nói của Lê Hi cho thấy đức tin và lòng can đảm đạt được từ những điều mặc khải mà Thượng Đế đã ban cho ông như thế nào?

Theo 1 Nê Phi 5:6, chứng ngôn của Lê Hi đã có hiệu quả nào đối với Sa Ri A ?

Hai lẽ thật chúng ta có thể học được từ kinh nghiệm này của Lê Hi và Sa Ri A là Chúa có thể ban phước cho chúng ta với sự bảo đảm khi chúng ta tuân theo sự soi dẫn của Ngài và chúng ta có thể an ủi và củng cố những người khác khi chúng ta bày tỏ đức tin của mình nơi Thượng Đế.

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy mô tả khoảng thời gian khi các em cảm thấy được sự trấn an của Thượng Đế trong một thời gian khó khăn, đã chia sẻ chứng ngôn của mình để an ủi và củng cố một người nào khác, hoặc đã được an ủi và củng cố bởi lời nói của một người nào khác về đức tin.

Hãy đọc 1 Nê Phi 5:7–9, và tìm kiếm ảnh hưởng mà kinh nghiệm này đã có đối với đức tin của Sa Ri A.

  • Sa Ri A đã học được gì từ kinh nghiệm này?

  1. Trả lời câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Chứng ngôn của Sa Ri A trong 1 Nê Phi 5:8 giống như thế nào với chứng ngôn của Nê Phi trong 1 Nê Phi 3:7?

1 Nê Phi 5:10–22

Lê Hi tra cứu các bảng khắc bằng đồng

Nê Phi và các anh của ông đã liều mạng sống của mình, hy sinh của cải của gia đình họ, hành trình rất xa, và đã được Chúa bảo vệ trong cuộc hành trình của họ để lấy được các bảng khắc bằng đồng. Nếu các em là một người trong gia đình của Lê Hi, thì các nỗ lực của họ đã ảnh hưởng đến thái độ của các em về việc học tập những điều được ghi trên các bảng khắc bằng đồng như thế nào?

Sau khi các con trai của ông đã trở lại an toàn, Lê Hi bắt đầu tra cứu các nội dung của các bảng khắc bằng đồng. Đọc 1 Nê Phi 5:11–14, và gạch dưới điều được chứa đựng trong các bảng khắc bằng đồng.

Đọc 1 Nê Phi 5:17–20, tìm kiếm việc nghiên cứu các bảng khắc bằng đồng đã ảnh hưởng đến Lê Hi như thế nào. Dựa trên điều các em học được trong những câu này, các em sẽ kết thúc việc trình bày nguyên tắc sau đây như thế nào? (xin xem 1 Nê Phi 5:17): Khi tra cứu thánh thư, chúng ta có thể

Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ xác nhận lẽ thật này:

“Khi muốn nói chuyện với Thượng Đế, chúng ta cầu nguyện. Và khi muốn Ngài nói với mình, thì chúng ta tìm hiểu thánh thư; vì lời của Ngài được phán qua các vị tiên tri của Ngài. Rồi Ngài sẽ dạy chúng ta khi chúng ta lắng nghe những thúc giục của Đức Thánh Linh.

“Nếu gần đây các anh chị em chưa nghe tiếng Ngài phán cùng các anh chị em, thì hãy quay lại với thánh thư với đôi tai và đôi mắt mở rộng để sẵn sàng lãnh hội. Thánh thư là đường dây cứu rỗi phần thuộc linh của chúng ta.” (“Thánh Thư: Quyền Năng của Thượng Đế cho Sự Cứu Rỗi của Chúng Ta,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2006, 26–27).

  1. Hãy viết vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em về một thời gian mà các em tra cứu thánh thư và cảm nhận được Thánh Linh của Chúa.

Đọc 1 Nê Phi 5:21–22, và tìm kiếm lý do tại sao các bảng khắc “có một giá trị lớn lao” đối với Lê Hi và gia đình của ông.

Xem xét các phước lành mà có thể đến qua việc tra cứu thánh thư. Hãy suy nghĩ về việc các em đọc thánh thư hàng ngày. Các em có thể cải thiện việc học thánh thư của mình như thế nào?

Có sự khôn ngoan trong việc nghiên cứu thánh thư trong khi chúng ta trải qua cuộc sống trần thế—vùng hoang dã của chúng ta. Hãy nhớ rằng việc lấy được các bảng khắc bằng đồng là qua đức tin và sự hy sinh, và nếu không có các bảng khắc bằng đồng thì Lê Hi và gia đình của ông sẽ không nhận được các phước lành cần thiết trong cuộc hành trình của họ (xin xem 1 Nê Phi 5:22). Khi tra cứu thánh thư, các em có thể được tràn đầy Thánh Linh của Chúa và nhận được sức mạnh và đức tin để tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.

1 Nê Phi 6:1–6

Nê Phi viết để thuyết phục tất cả mọi người đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô

Chọn một cuốn sách trong nhà của các em hoặc nghĩ về một cuốn sách quen thuộc với các em. Các em nghĩ mục đích của tác giả là gì khi viết cuốn sách đó? Việc biết được mục đích của tác giả giúp đỡ các em như thế nào khi các em đọc sách đó?

Đọc 1 Nê Phi 6:3–6, và gạch dưới mục đích của Nê Phi khi ông viết biên sử của ông. Cụm từ “Thượng Đế của Áp Ra Ham, và Thượng Đế của Y Sác, và Thượng Đế của Gia Cốp” (câu 4) nói đến Đức Giê Hô Va, chính là Chúa Giê Su Ky Tô. Mục đích của Nê Phi được tiếp tục bởi tất cả những người có bài viết được tìm thấy trong Sách Mặc Môn: Một mục đích của Sách Mặc Môn là để thuyết phục tất cả mọi người đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô.

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy mô tả việc hiểu mục đích của Nê Phi khi ông viết biên sử của ông sẽ ảnh hưởng đến cách các em học Sách Mặc Môn như thế nào.

Hình Ảnh
Nê Phi làm các bảng khắc

1 Nê Phi 9

Nê Phi làm hai bộ bảng khắc

Trong 1 Nê Phi 9 (xin xem thêm chương 6), Nê Phi giải thích rằng ông đã được truyền lệnh phải làm hai bộ biên sử — hai bộ biên sử này được gọi là các bảng khắc nhỏ và các bảng khắc lớn của Nê Phi. Các bảng khắc nhỏ chứa đựng lịch sử thiêng liêng của dân ông—giáo vụ của các vị tiên tri và những điều mặc khải của Chúa—và các bảng khắc lớn chứa đựng lịch sử thế tục (xin xem 1 Nê Phi 9:2–4). Nê Phi sử dụng các cụm từ “những bảng khắc này” và “những bảng khắc ấy” để chỉ hai bộ bảng khắc mà Chúa đã truyền lệnh cho ông phải làm. Ở ngoài lề của trang thánh thư của các em bên cạnh 1 Nê Phi 9, hãy viết một ghi chú như sau để giúp các em nhớ các bảng khắc Nê Phi nào đã đề cập đến: “những bảng khắc này” = những bảng khắc nhỏ (thiêng liêng); “những bảng khắc khác” = những bảng khắc lớn (thế tục).

Khi nghiên cứu Sách Mặc Môn, các em sẽ tiến đến việc hiểu lý do tại sao Nê Phi đã giữ hai bộ biên sử. Nê Phi được soi dẫn để tóm lược, một phiên bản rút gọn, lời tường thuật của cha ông (được tìm thấy trong 1 Nê Phi 1–8) trên các bảng khắc nhỏ. Gần 1.000 năm về sau, tiên tri Mặc Môn được Chúa hướng dẫn để gồm các bảng khắc nhỏ của Nê Phi vào với các bảng khắc bằng vàng (xin xem Lời Mặc Môn 1:7). Cả hai người này đều không biết tại sao họ đã phải làm điều họ đã làm (xin xem 1 Nê Phi 9:5), nhưng họ đã tuân theo lệnh truyền của Chúa.

  1. Khi các em đọc 1 Nê Phi 9 trong việc học tập riêng của mình, thì hãy suy ngẫm và ghi lại trong nhật ký học hỏi thánh thư của các em lý do tại sao là điều quan trọng để vâng lời Chúa ngay cả khi chúng ta không hoàn toàn hiểu các lý do của Ngài.

  2. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã nghiên cứu 1 Nê Phi 5–6 và 9 và hoàn tất bài học này vào ngày.

    Các câu hỏi, ý nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: