Lớp Giáo Lý
Đơn vị 26: Ngày 3, 3 Nê Phi 19


Đơn vị 26: Ngày 3

3 Nê Phi 19

Lời Giới Thiệu

Các sự kiện được ghi lại trong 3 Nê Phi 11–18 tất cả đã diễn ra trong một ngày. Vào lúc kết thúc ngày hôm đó, tin đồn về sự hiện đến của Đấng Cứu Rỗi và sự trở lại của Ngài vào ngày hôm sau loan truyền rộng rãi trong dân chúng, và họ “đã làm việc hết mình suốt đêm đó để sáng mai họ có thể đến nơi Chúa Giê Su sẽ xuất hiện trước đám đông” (3 Nê Phi 19:3). Vào buổi sáng, mười hai môn đồ giảng dạy cho dân chúng và cầu nguyện với họ. Sau đó Nê Phi làm phép báp têm cho mười hai môn đồ, và họ nhận được Đức Thánh Linh và được các thiên sứ bao quanh. Trong sự biểu hiện này, Chúa Giê Su Ky Tô đã hiện đến và truyền lệnh cho các môn đồ phải cầu nguyện, và Ngài cũng cầu nguyện lên Đức Chúa Cha thay mặt cho đám đông. Nhờ vào đức tin của họ, các môn đồ được tràn đầy Đức Thánh Linh. Họ được thanh tẩy, và họ đã trở thành hiệp một với Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử.

3 Nê Phi 19:1–14

Mười hai môn đồ phục sự dân chúng theo như Đấng Cứu Rỗi đã truyền lệnh

Hãy tưởng tượng các em có thể cảm thấy như thế nào và các em có thể làm gì nếu các em biết rằng ngày mai Chúa Giê Su Ky Tô sẽ đến một ngôi đền thờ ở xa các em. Các em sẽ cố gắng nhiều như thế nào để đi đến đó? Các em sẽ muốn mang người khác đi với mình không? Các em sẽ làm gì để chuẩn bị cho kinh nghiệm này?

Đọc 3 Nê Phi 19:1–3, tìm kiếm phản ứng của dân Nê Phi đối với lời hứa của Đấng Cứu Rỗi rằng Ngài sẽ trở lại vào ngày hôm sau. Sau khi đám đông đã quy tụ lại, mười hai môn đồ chia đám đông ra thành mười hai nhóm và bắt đầu giảng dạy cho họ. Họ chỉ dẫn đám đông quỳ xuống cầu nguyện và dạy cho họ cũng những lẽ thật mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy ngày hôm trước. (Xin xem 3 Nê Phi 19:4–7).

  1. Đọc 3 Nê Phi 19:8–9, và trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Các môn đồ đã mong muốn điều gì nhất? Từ kinh nghiệm của các em, tại sao ân tứ Đức Thánh Linh lại được mong muốn nhiều như vậy?

    2. Mười hai môn đồ sẽ điều khiển những công việc của Giáo Hội ở châu Mỹ sau khi Đấng Cứu Rỗi ra đi. Tại sao là điều thiết yếu để họ có được Đức Thánh Linh hướng dẫn?

Sau khi các em đã hoàn tất bài tập chỉ định trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của mình, hãy suy ngẫm những câu hỏi này: Các em mong muốn nhất một vài điều gì khi cầu nguyện? Các em cầu nguyện để có được Đức Thánh Linh thường xuyên như thế nào?

Đọc 3 Nê Phi 19:10–12, và tìm kiếm điều mà các môn đồ đã làm sau khi họ đã cầu nguyện. Phép báp têm được mô tả trong các câu 10–12 là phép báp têm thứ hai dành cho mười hai môn đồ. Giáo Hội đã được thành lập trong nhiều năm ở giữa dân Nê Phi, và các anh em chức tư tế này có lẽ đã được làm báp têm trước đây rồi, mặc dù phép báp têm thứ nhất của họ không được ghi lại trong thánh thư. Phép báp têm thứ hai này là một trường hợp đặc biệt, như đã được Chủ Tịch Joseph Fielding Smith giải thích: “Đấng Cứu Rỗi truyền lệnh cho Nê Phi và dân chúng phải được báp têm một lần nữa, vì Ngài đã tổ chức Giáo Hội theo phúc âm một lần nữa. Trước đó Giáo Hội đã được tổ chức theo luật [của Môi Se]” (Doctrines of Salvation, do Bruce R. McConkie xuất bản, 3 quyển. [1954–56], 2:336).

Hãy nhớ rằng các môn đồ và các dân Nê Phi khác xứng đáng được ở nơi hiện diện của Đấng Cứu Rỗi. Đọc 3 Nê Phi 19:13, tìm kiếm điều mà mười hai môn đồ đã được ban cho vì có những ước muốn ngay chính.

  1. Lập một bản liệt kê các phước lành trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em đã đến với cuộc sống của một người có được ân tứ Đức Thánh Linh và sống xứng đáng với ân tứ đó. Sau đó so sánh bản liệt kê của các em với lời trích dẫn sau đây của Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và thêm vào bản liệt kê của các em bất cứ ý nghĩ mới nào mà các em tìm thấy:

    Hình Ảnh
    Anh Cả Robert D. Hales

    “Đức Thánh Linh ban cho chúng ta sức mạnh và lòng can đảm để sống cuộc sống của chúng ta theo những cách thức của vương quốc của Thượng Đế và là nguồn gốc của chứng ngôn của chúng ta về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử. …

    “Chúng ta cần Đức Thánh Linh làm người bạn đồng hành thường xuyên của mình để giúp chúng ta lựa chọn tốt hơn trong các quyết định hàng ngày. Các thiếu niên và thiếu nữ của chúng ta phải đối đầu với những điều xấu xa trên thế gian. Sự đồng hành với Thánh Linh sẽ cho họ sức mạnh để chống lại điều ác và khi cần thiết, hối cải và trở lại con đường chật và hẹp. Không một ai trong chúng ta được miễn trừ khỏi những cám dỗ của kẻ nghịch thù. Tất cả chúng ta đều cần sự củng cố có sẵn qua Đức Thánh Linh. … Việc có được ân tứ Đức Thánh Linh giúp những người trong gia đình có những lựa chọn khôn ngoan, những lựa chọn mà sẽ giúp họ trở về với gia đình của họ cùng Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, để sống với hai Ngài vĩnh viễn” (“The Covenant of Baptism: To Be in the Kingdom and of the Kingdom,” Ensign, tháng Mười Một năm 2000, 8).

Dựa trên điều các em học trong 3 Nê Phi 19:1–14, hãy suy ngẫm về phước lành nào các em mong muốn nhất trong cuộc sống của mình và lý do tại sao các em muốn phước lành đó.

Hoàn tất lời phát biểu về nguyên tắc sau đây dựa trên 3 Nê Phi 19:9, 13: Qua những ước muốn và việc cầu nguyện nghiêm túc, chúng ta có thể .

3 Nê Phi 19:14–36

Đấng Cứu Rỗi hiện đến và cầu nguyện cho dân chúng được thanh tẩy qua đức tin của họ

Hình Ảnh
Chúa Giê Su cầu nguyện với dân Nê Phi

Đọc 3 Nê Phi 19:14–16 để biết được điều đã xảy ra sau khi mười hai môn đồ chịu phép báp têm và được đầy dẫy Đức Thánh Linh.

Sau khi các môn đồ và đám đông đã quỳ xuống rồi, Đấng Cứu Rỗi truyền lệnh cho mười hai môn đồ của Ngài phải cầu nguyện. Đọc phần tường thuật về lời cầu nguyện của họ trong 3 Nê Phi 19:17–18, 24–26, 30. Đây là nơi duy nhất trong thánh thư ghi lại nơi mọi người cầu nguyện trực tiếp lên Chúa Giê Su Ky Tô. Trong lời cầu nguyện của mình, chúng ta cầu nguyện lên Thượng Đế Đức Chúa Cha trong tôn danh của Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Không có nơi nào trong thánh thư mà chúng ta được dạy phải cầu nguyện Chúa Giê Su.

Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ gợi ý một lý do tại sao các môn đồ có thể cầu nguyện Chúa Giê Su trong trường hợp đặc biệt này: “Chúa Giê Su đã dạy họ phải cầu nguyện trong danh của Ngài lên Đức Chúa Cha, họ đã làm điều này trước tiên [xin xem 3 Nê Phi 19:8–9]. … Nhưng lần này ‘họ cầu nguyện Chúa Giê Su, gọi Ngài là Chúa của họ và Thượng Đế của họ.’ [3 Nê Phi 19:18.] Chúa Giê Su đã hiện diện trước mặt họ như là biểu tượng của Đức Chúa Cha. Việc nhìn thấy Ngài thì cũng giống như họ đã nhìn thấy Đức Chúa Cha; việc cầu nguyện Ngài thì cũng giống như họ đã cầu nguyện lên Đức Chúa Cha. Đó là một tình huống đặc biệt và độc đáo” (The Promised Messiah: The First Coming of Christ [1978], 560–61). Chính Đấng Cứu Rỗi đã nói: “Họ cầu nguyện con vì con đang ở cùng họ” (3 Nê Phi 19:22).

  1. Trong khi dân chúng đang quì xuống thì họ đã chứng kiến Chúa Giê Su Ky Tô dâng lên ba lời cầu nguyện riêng biệt cho các môn đồ của Ngài và cho họ. Sao chép biểu đồ sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em. Đọc các phần tham khảo thánh thư đã được chỉ định và hoàn tất biểu đồ này.

Đoạn thánh thư

Đấng Cứu Rỗi đã cầu nguyện về điều gì?

Các em có thể áp dụng điều các em đã học được từ lời cầu nguyện của Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống của mình như thế nào?

3 Nê Phi 19:19–23

3 Nê Phi 19:27–29

3 Nê Phi 19:31–34

Đọc 3 Nê Phi 19:24. Các em nghĩ “không lặp đi lặp lại nhiều lời” có nghĩa là gì? Anh Cả Bruce R. McConkie đã dạy về những lời cầu nguyện trong đó chúng ta được ban cho để nói những lời nhằm biết được mình phải cầu nguyện về điều gì: “Những lời cầu nguyện hoàn hảo là những lời cầu nguyện được soi dẫn trong đó Đức Thánh Linh mặc khải cho những lời cần phải được sử dụng” (Mormon Doctrine, xuất bản lần thứ 2 [1966], 586).

Để giúp các em hiểu rõ hơn một số nguyên tắc Đấng Cứu Rỗi đã dạy trong những lời cầu nguyện của Ngài, hãy xem lại 3 Nê Phi 19:28 và đánh dấu những từ hoặc cụm từ giảng dạy về nguyên tắc này: Khi sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể được thanh tẩy. Hãy suy ngẫm những cách trong đó các môn đồ đã sử dụng đức tin trong suốt những kinh nghiệm đã được ghi lại trong 3 Nê Phi 19. Do đức tin của họ, các môn đồ đã được tràn đầy Đức Thánh Linh (xin xem 3 Nê Phi 19:13), và việc nhận được Đức Thánh Linh là cần thiết để được thanh tẩy.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Marion G. Romney

Đọc lời phát biểu sau đây từ Chủ Tịch Marion G. Romney thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, và tìm kiếm ý nghĩa của việc được thanh tẩy: “‘Và rồi các người sẽ được báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh.’ [2 Nê Phi 31:13.] Phép báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh ở đây mà Nê Phi nói đến ảnh hưởng đến sự thay đổi lớn lao trong lòng của con người như đã được An Ma đề cập đến [xin xem An Ma 5:14]. Phép báp têm này thay đổi họ từ xác thịt đến phần thuộc linh. Phép báp têm này thanh tẩy, chữa lành và làm thanh khiết tâm hồn. … Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, và phép báp têm bằng nước đều là sơ bộ và điều kiện tiên quyết cho phép báp têm đó, nhưng phép báp têm đó là tuyệt đích [kết thúc cuối cùng]. Để nhận được phép báp têm này là quần áo của một người phải được tẩy rửa trong máu chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô” (Learning for the Eternities, do George J. Romney biên soạn [1977], 133).

  1. Suy ngẫm về ý nghĩa của việc được thanh tẩy, và trả lời câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Việc sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô giúp chúng ta trở nên thanh khiết và trong sạch như thế nào?

Chúa Giê Su đã dâng một lời cầu nguyện tuyệt vời vào đêm trước khi Ngài hy sinh chuộc tội rất giống với những lời cầu nguyện Ngài đã dâng lên ở giữa dân Nê Phi vào ngày thứ hai của sự hiện đến của Ngài cùng họ. Đọc 3 Nê Phi 19:23, 29Giăng 17: 9, 11, 21–22. Đánh dấu cụm từ “để chúng ta trở thành một.” Suy ngẫm cách Chúa Giê Su Ky Tô và Đức Chúa Cha trở thành một như thế nào. Chúng ta học được điều gì từ những câu này về cách chúng ta có thể trở thành một với Chúa Giê Su Ky Tô?

Hình Ảnh
Anh Cả D. Todd Christofferson

Một trong những nguyên tắc được giảng dạy trong những câu này là: Qua đức tin chúng ta có thể được thanh tẩy và trở thành một với Chúa Giê Su Ky Tô, vì Ngài hiệp một với Đức Chúa Cha. Đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ về cách chúng ta có thể hiệp một với Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử: “Chắc chắn là chúng ta sẽ không hiệp một với Thượng Đế và Đấng Ky Tô cho đến khi nào chúng ta làm ý muốn và mối quan tâm của hai Ngài thành ước muốn lớn lao nhất của chúng ta. Sự tuân phục như thế không phải đạt được trong một ngày mà phải qua Đức Thánh Linh, Chúa sẽ giảng dạy chúng ta nếu chúng ta sẵn lòng cho đến khi đến kỳ định, để có thể nói một cách chính xác rằng Ngài ở trong chúng ta cũng như Đức Chúa Cha ở trong Ngài. Đôi lúc, tôi sợ hãi khi suy xét những gì có thể được đòi hỏi để đạt đến điều đó, nhưng tôi biết rằng chỉ trong sự đồng nhất toàn vẹn thì mới có thể tìm thấy được một niềm vui trọn vẹn” (“Để Họ Cũng Hiệp Làm Một Như Chúng Ta Vậy,” Ensign, tháng Mười Một năm 2002, 73).

Kết thúc buổi học hôm nay bằng cách đọc và suy ngẫm 3 Nê Phi 19:35–36.

  1. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học 3 Nê Phi 19 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: