Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 32: Ngày 2, Mô Rô Ni 8–9


Đơn Vị 32: Ngày 2

Mô Rô Ni 8–9

Lời Giới Thiệu

Mô Rô Ni 8 là một bức thư Mặc Môn đã viết cho con trai của ông là Mô Rô Ni về lý do tại sao trẻ thơ không cần phép báp têm. Trong bức thư, Mặc Môn cũng dạy về cách chúng ta có thể chuẩn bị để ở cùng với Thượng Đế. Ông kết thúc bằng cách bày tỏ mối quan tâm về sự tà ác và sự hủy diệt sắp tới của dân Nê Phi. Mô Rô Ni 9 chứa đựng bức thư cuối cùng được ghi lại do Mặc Môn viết cho con trai của ông. Ông bày tỏ nỗi buồn về tình trạng tà ác của dân Nê Phi và khuyên nhủ Mô Rô Ni nên cố gắng siêng năng để giúp dân Nê Phi hối cải. Mặc dù tình trạng đồi bại của dân ông, ông khuyến khích con trai mình nên trung tín với Đấng Ky Tô và để cho lời hứa về cuộc sống vĩnh cửu mãi mãi ghi sâu trong tâm trí của con trai mình.

Mô Rô Ni 8:1–24

Mặc Môn đã viết thư cho con trai của ông là Mô Rô Ni về những người cần phép báp têm

Các em có bao giờ muốn biết tại sao trẻ em trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đã không được báp têm cho đến khi chúng được tám tuổi không? Trong một lá thư viết cho con trai của mình là Mô Rô Ni, Mặc Môn đã dạy một số lẽ thật quan trọng về sự cứu rỗi của trẻ thơ và phép báp têm, kể cả lý do tại sao trẻ em không được báp têm cho đến khi chúng được tám tuổi. Mặc Môn đã bắt đầu bức thư của ông viết cho Mô Rô Ni bằng cách nói về một cuộc tranh luận (sự bất đồng) đang diễn ra giữa dân Nê Phi. Đọc Mô Rô Ni 8:4–6, và tìm kiếm giáo lý dân Nê Phi đang tranh luận. (Khi các em đọc, có thể hữu ích để biết rằng từ lớn lao trong văn cảnh này có nghĩa là vô cùng nghiêm trọng).

Đọc Mô Rô Ni 8:7, và nhận ra điều Mặc Môn đã làm khi ông nghe nói về vấn đề này. Đấng Cứu Rỗi đã đáp ứng lời cầu nguyện của Mặc Môn bằng cách giải thích lý do tại sao trẻ thơ không cần làm phép báp têm trước tuổi chịu trách nhiệm. Đọc Mô Rô Ni 8:8–9, và tìm kiếm điều Chúa Cứu Rỗi đã nói về lý do tại sao trẻ sơ sinh và trẻ thơ không được báp têm.

Trong Mô Rô Ni 8:8, “lời nguyền rủa A Đam” ám chỉ việc tách rời A Đam khỏi sự hiện diện của Thượng Đế do Sự Sa Ngã. Hiển nhiên, một số dân Nê Phi đã không hiểu giáo lý báp têm. Do đó, họ đã lầm tin rằng trẻ thơ không được xứng đáng ở trong sự hiện diện của Thượng Đế nếu không có giáo lễ báp têm, và họ muốn làm phép báp têm cho trẻ em khi chúng còn rất nhỏ. Để hiểu câu này, cũng có thể hữu ích để nhớ rằng tội lỗi là “cố tình bất tuân những điều giáo lệnh của Thượng Đế” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Tội lỗi,” scriptures.lds.org). Để hiểu giáo lý trong câu này một cách trọn vẹn hơn, các em có thể muốn tham khảo chéo Mô Rô Ni 8:8 với tín điều số hai.

Đọc {Mô Rô Ni 8:10, và tìm kiếm những từ hoàn tất lẽ thật sau đây: Sự hối cải và phép báp têm là cần thiết cho tất cả những ai .

Vì sự hối cải và phép báp têm là chỉ cần thiết cho những người chịu trách nhiệm giải trình và có khả năng phạm tội, nên Mặc Môn đã dạy rằng việc làm phép báp têm cho trẻ thơ trước khi chúng chịu trách nhiệm giải trình là sai. Đọc Mô Rô Ni 8:11–13, 18–22, và tìm kiếm lời giải thích của Mặc Môn về lý do tại sao việc làm phép báp têm cho trẻ thơ là sai. Những câu này dạy giáo lý sau đây: Trẻ thơ được cứu rỗi qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chúa đã quy định tuổi tác khi trách nhiệm giải trình bắt đầu—tám tuổi (xin xem GLGƯ 68:25–27; Bản Dịch Joseph Smith, Sáng Thế Ký 17:11 [trong bản phụ lục Kinh Thánh]). Trước khi trẻ em lên tám, chúng không thể phạm tội vì Sa Tan không có được quyền năng để cám dỗ trẻ thơ (xin xem GLGƯ 29:46–47). Bất cứ lỗi lầm nào trẻ em phạm phải trước khi tám tuổi cũng không được xem là tội lỗi.

Hình Ảnh
em bé gái chịu phép báp têm
Hình Ảnh
Anh Cả Dallin H. Oaks

Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích lý do tại sao trẻ thơ không thể phạm tội: “Chúng ta hiểu từ giáo lý của mình rằng trước tuổi chịu trách nhiệm một đứa trẻ ‘không có khả năng phạm tội’ (Mô Rô Ni 8:8). Trong thời gian đó, trẻ em có thể mắc phải lỗi lầm, ngay cả những lỗi lầm rất nghiêm trọng và gây tai hại mà cần phải được sửa chữa, nhưng hành vi của chúng không được xem là tội lỗi” (“Sins and Mistakes,” Ensign, tháng Mười năm 1996, 65).

Là một phần bức thư của ông, Mặc Môn cũng đã làm chứng rằng trẻ thơ “sống trong Đấng Ky Tô” và rằng nếu chúng chết trước khi được tám tuổi, thì chúng được cứu chuộc qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Mô Rô Ni 8:12–15, 22).

Trong khi giải thích lý do tại sao trẻ sơ sinh và trẻ thơ không cần phép báp têm, Mặc Môn làm chứng về nguyên tắc này: Thượng Đế là hoàn toàn công chính trong những sự giao tiếp với các con cái của Ngài. Điều này có nghĩa là Thượng Đế sẽ bảo đảm rằng mọi người đều có một cơ hội chính đáng và công bằng để nhận được sự cứu rỗi.

  1. Sinh hoạt sau đây có thể giúp các em học cách giải thích các giáo lý được giảng dạy trong phần đầu của Mô Rô Ni 8. Chọn một (hoặc cả hai) trong những tình huống dưới đây, và trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, nhận ra một hoặc hai câu thánh thư Mô Rô Ni 8:8–24 mà giúp trả lời mối quan tâm của người đó trong tình huống ấy. Sau đó viết một hoặc hai đoạn đối phó với tình huống đó. Sử dụng những câu thánh thư trong câu trả lời của các em.

    1. Là người truyền giáo, các em gặp một người chân thành tìm kiếm lẽ thật. Người này giải thích rằng suốt cuộc đời của mình, ông đã được dạy rằng trẻ thơ có tội khi chúng sinh ra vì sự phạm giới của A Đam. Người này chắc chắn rằng khi trẻ sơ sinh chết mà không được báp têm, thì chúng có tội và không thể được cứu.

    2. Một người mới cải đạo đồng ý rằng phép báp têm cho trẻ em tám tuổi là một ý kiến tốt, nhưng hỏi: “Thực sự là không quan trọng nếu người ta chịu phép báp têm vào lúc tám tháng, hoặc tám tuổi, phải không?”

Mô Rô Ni 8:25–30

Mặc Môn dạy chúng ta phải làm gì để được ở với Thượng Đế

Sau khi giảng dạy lý do tại sao trẻ thơ không cần phép báp têm, Mặc Môn đã dạy rằng những người đã đến tuổi chịu trách nhiệm mới phải được làm phép báp têm. Ông cũng giải thích điều chúng ta phải làm sau khi chịu phép báp têm để được ở với Thượng Đế.

Đọc Mô Rô Ni 8:25–26, và tìm kiếm điều chúng ta phải làm và các đặc tính chúng ta phải phát huy để được ở với Thượng Đế. Các em có thể muốn đánh dấu những điều này trong quyển thánh thư của mình. Có thể là hữu ích để hiểu rằng “sự nhu mì” có nghĩa là phục tùng theo ý muốn của Thượng Đế, và “sự khiêm tốn trong lòng” có nghĩa là thực sự khiêm nhường.

Các em có thể muốn viết nguyên tắc sau đây trong quyển thánh thư của các em bên cạnh Mô Rô Ni 8:25–26: Qua sự trung tín tuân theo các lệnh truyền, chúng ta có thể nhận được Đức Thánh Linh, là điều chuẩn bị cho chúng ta để được ở với Thượng Đế.

  1. Các câu hỏi sau đây sẽ giúp các em hiểu rõ hơn Mô Rô Ni 8:25–26. Hãy xem xét tất cả các câu hỏi, và sau đó chọn hai hoặc nhiều câu hỏi hơn để trả lời trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Các em nghĩ tại sao việc nhận được sự xá miễn tội lỗi của các em có thể dẫn đến tính nhu mì và khiêm tốn trong lòng?

    2. Tính nhu mì và khiêm tốn trong lòng có thể mời Đức Thánh Linh vào cuộc sống của các em như thế nào?

    3. Việc có được Đức Thánh Linh sẽ giúp các em chuẩn bị để sống với Thượng Đế như thế nào?

    4. Mặc Môn đã dạy rằng nếu chúng ta muốn lòng mình được tràn đầy tình yêu thương bền bỉ, thì chúng ta phải siêng năng cầu nguyện. Các em nghĩ tại sao việc cầu nguyện siêng năng là cần thiết nếu chúng ta muốn lòng mình được tràn đầy tình yêu thương?

Như đã được ghi trong Mô Rô Ni 8:27, Mặc Môn lên án tội lỗi của tính kiêu ngạo ở giữa dân Nê Phi. Đọc Mô Rô Ni 8:27, và tìm kiếm kết quả của tính kiêu ngạo của dân Nê Phi. Sau đó hãy so sánh kết quả này với kết quả của tính nhu mì và khiêm tốn trong lòng, được tìm thấy trong Mô Rô Ni 8:26.

Mặc Môn khuyến khích Mô Rô Ni cầu nguyện cho dân Nê Phi để có lẽ họ có thể hối cải và nhận được những phước lành mà ông đã mô tả trong bức thư của ông (xin xem Mô Rô Ni 8:28–30). Bằng cách sử dụng lời khuyên dạy của Mặc Môn cho con trai của ông, hãy cân nhắc việc cầu nguyện cho những người cụ thể mà các em biết là đang cần nhận các phước lành của phúc âm, và tìm kiếm những cách để giúp đỡ những người đó.

Mô Rô Ni 9:1–20

Mặc Môn mô tả sự tà ác của dân Nê Phi và dân La Man

Hãy nhớ lại một thời gian mà các em cố gắng giúp đỡ một người nào đó và người đó từ chối các nỗ lực của các em. Một số người phản ứng như thế nào khi những ý định tốt của họ nhiều lần bị những người mà họ đang cố gắng để giúp đỡ từ chối? Khi các em học bức thư thứ hai của Mặc Môn viết cho con trai của mình là Mô Rô Ni, được tìm thấy trong Mô Rô Ni 9, thì hãy tìm kiếm điều Mặc Môn đã nói để khuyến khích con trai của ông không được bỏ mặc dân Nê Phi.

Đọc Mô Rô Ni 9:1, và tìm kiếm từ mà Mặc Môn đã sử dụng để mô tả tình huống ông sẽ thảo luận trong bức thư của mình. Hãy lưu ý rằngđau buồn trong văn cảnh này có nghĩa là vô cùng đau lòng. Như đã được ghi trong Mô Rô Ni 9:2–19, Mặc Môn mô tả một số điều đau lòng đang diễn ra trong dân chúng, cho thấy dân chúng đã trở nên tà ác như thế nào. Giống như vị tiên tri của dân Gia Rết là Ê The, Mặc Môn đã chứng kiến cơn giận dữ và cảnh tà ác đã khuất phục dân của ông. Ông sợ rằng Thánh Linh của Chúa đã ngừng tranh đấu với họ (xin xem Mô Rô Ni 9:4).

Suy ngẫm về lý do tại sao Mặc Môn tiếp tục lao nhọc ở giữa dân Nê Phi mặc dù họ đã cứng lòng đối với lời nói của Thượng Đế và chối bỏ các nỗ lực của các vị tiên tri để giúp đỡ họ.

Mặc Môn đã đưa ra cho Mô Rô Ni một số lời khuyên dạy hùng hồn về cách ông phục sự cho những người có tâm hồn cởi mở. Đọc Mô Rô Ni 9:3–6, và đánh dấu các từ hoặc cụm từ dạy về nguyên tắc này: Chúng ta phải siêng năng lao nhọc trong sự phục vụ của Thượng Đế ngay cả khi những người chúng ta phục vụ không đáp ứng theo như mong muốn. Câu 6 là đặc biệt hữu ích trong việc giảng dạy nguyên tắc này.

Mô Rô Ni 9:21–26

Mặc Môn khuyến khích Mô Rô Ni phải trung thành

Hãy suy nghĩ về các sự kiện gần đây trong cộng đồng, quốc gia hay thế giới của các em mà dân chúng có thể cảm thấy chán nản về những sự kiện đó. Đọc Mô Rô Ni 9:25–26 để khám phá ra lời khuyên dạy Mặc Môn đã đưa ra cho Mô Rô Ni về điều họ có thể làm trong những hoàn cảnh chán nản.

  1. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Mặc Môn đã nói với Mô Rô Ni những điều gì sẽ “tồn tại mãi mãi trong tâm trí con”? (Mô Rô Ni 9:25). Việc tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài có thể giúp đỡ các em khi các em đang gặp khó khăn hay bị bao quanh bởi sự tà ác?

Từ lời khuyên dạy của Mặc Môn cho Mô Rô Ni, chúng ta có thể học được nguyên tắc này: Nếu chúng ta trung thành nơi Chúa Giê Su Ky Tô, Ngài có thể nâng đỡ chúng ta ngay cả khi những nỗi khó khăn và tà ác vây quanh chúng ta. “Trung thành nơi Đấng Ky Tô” có thể có nghĩa là luôn luôn cố gắng để hành động giống như một người môn đồ chân chính của Đấng Cứu Rỗi, tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài, và trung thành tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư, viết về một kinh nghiệm trong cuộc sống của các em hoặc trong cuộc sống của một người nào đó gần gũi với các em cho thấy rằng nguyên tắc trước đó là chân chính.

Hãy suy nghĩ về một cách các em có thể trung thành nơi Đấng Ky Tô hơn khi bị bao vây bởi sự tà ác hoặc hoàn cảnh khó khăn.

  1. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học Mô Rô Ni 8–9 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: