Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 29: Ngày 3, Ê The 1–2


Đơn Vị 29: Ngày 3

Ê The 1–2

Lời Giới Thiệu

Sách Ê The là phần tóm lược của Mô Rô Ni về lịch sử của dân Gia Rết. Dân Gia Rết là những người đã đến Tây Bán Cầu nhiều thế kỷ trước khi dân của Lê Hi. Tiếp theo Cơn Đại Hồng Thủy trong thời Nô Ê, nhiều con cháu của những người đã được cứu mạng trở nên tà ác. Một nhóm người đã cố gắng xây lên một cái tháp, “chót cao đến tận trời” (Sáng Thế Ký 11:4). Câu chuyện về dân tộc Gia Rết bắt đầu với việc xây lên Tháp Ba Bên. Chúa giải quyết sự tà ác lan tràn bằng cách làm lộn xộn ngôn ngữ chung và phân tán con người trên khắp mặt đất (xin xem Sáng Thế Ký 11:5–8; Ê The 1:33). Câu chuyện này trong sách Ê The bắt đầu với Gia Rết và anh của ông tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa khi Ngài làm lộn xộn ngôn ngữ của con người tại Tháp Ba Bên. Chúa bảo tồn ngôn ngữ của Gia Rết, anh của ông và gia đình cùng bạn bè của họ dẫn họ qua vùng hoang dã đến vùng đất hứa. Sau đó Chúa chỉ dẫn cho anh của Gia Rết đóng tám chiếc thuyền để chở dân của ông trên biển.

Hình Ảnh
những người đàn ông nói chuyện tại chân tháp Ba Bên

Ê The 1:1–33

Mô Rô Ni ghi lại gia phả của Ê The trở ngược lại từ thời Gia Rết tại Tháp Ba Bên

Để giúp các em hiểu sách Ê The đến từ đâu, hãy xem lại “Khái Quát của Sách Mô Si A 7–24” từ Đơn Vị 12: Ngày 1 bài học (trang 116). Tham khảo cuộc hành trình 4, và lưu ý điều mà dân Lim Hi tìm thấy trên cuộc hành trình này.

Hãy xem phần đầu sách Ê The, và tìm phần mô tả vắn tắt của sách này dưới tiêu đề đó. Phần mô tả này giải thích rằng biên sử của dân Gia Rết được lấy ra từ 24 bảng khắc bằng vàng được dân Lim Hi tìm thấy.

Sau khi Mô Rô Ni hoàn tất biên sử của cha ông, thì ông lấy biên sử của dân Gia Rết và làm thành một phiên bản ngắn hơn của sách đó để gồm vào trong Sách Mặc Môn. Đọc Ê The 1:1–4, và tìm kiếm điều Mô Rô Ni đã nói là ông đã không gồm vào trong phiên bản của ông về biên sử của dân Gia Rết. Sau đó đọc Ê The 1:5, và tìm kiếm phần nào của truyện ký này Mô Rô Ni đã gồm vào trong biên sử của ông. Cái tháp được đề cập đến trong Ê The 1:5 là Tháp Ba Bên. Như đã được giải thích trong Ê The 1:33, Chúa “làm lộn xộn” (làm lẫn lộn) tiếng nói của dân chúng đã tìm cách xây lên cái tháp để họ không thể hiểu nhau, và Ngài đã phân tán dân chúng trên khắp thế gian.

Như đã được ghi trong Ê The 1:6–33, một người tên là Ê The đã viết biên sử của dân Gia Rết. Mô Rô Ni ghi lại tổ tiên của Ê The trở ngược lại từ một người tên là Gia Rết, là người đã sống trong thời kỳ của Tháp Ba Bên.

Ê The 1: 33–43

Anh của Gia Rết cầu nguyện để được giúp đỡ, và những người trong gia đình và bạn bè của ông nhận được lòng thương xót và sự hướng dẫn

Các em có bao giờ ở trong một quốc gia hay khu vực nào mà người ta nói một ngôn ngữ các em không hiểu không? Các em nghĩ mình sẽ cảm thấy như thế nào nếu các em không thể hiểu được ngôn ngữ mà những người xung quanh các em đang nói? Nếu có thể chỉ chọn một vài người để giao tiếp trong tình huống đó, thì các em sẽ chọn người nào? Tình huống này hiện hữu cho một người tên là Gia Rết và anh của mình, cũng như gia đình của họ, là những người sống trong thời kỳ Tháp Ba Bên. Đọc Ê The 1:33–37, và tìm kiếm những người mà Gia Rết muốn có khả năng để giao tiếp. Sau khi anh của Gia Rết nhận được một lời hứa từ Chúa để ngôn ngữ của họ sẽ không bị làm cho lộn xộn (xin xem Ê The 1:34–35), ông đã cầu nguyện cho bạn bè của mình (xin xem Ê The 1:36–37). Như đã được anh của Gia Rết cho thấy, một trong những đặc điểm của người trung tín là cầu nguyện cho bạn bè của họ để nhận được các phước lành của Chúa.

Chúa ban phước cho gia đình của Gia Rết và anh của ông cùng bạn bè của họ để ngôn ngữ của họ không bị làm cho lộn xộn. Sau đó, Gia Rết đã yêu cầu anh của mình cầu nguyện lên Thượng Đế, cầu vấn Ngài là gia đình của họ nên đi đâu. (Xin xem Ê The 1:38–40).

Đọc Ê The 1:40–43, và nhận ra những chỉ dẫn Chúa đã ban cho dân Gia Rết để hướng dẫn họ trong cuộc hành trình của họ. Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng cho Gia Rết và anh của ông để tuân theo những chỉ dẫn từ Chúa?

Ê The 2:1–12

Dân Gia Rết bắt đầu cuộc hành trình của họ hướng tới đất hứa

Đọc Ê The 2:1–3 để khám phá ra việc dân Gia Rết đã đáp ứng như thế nào với những chỉ dẫn Chúa đã ban cho họ về việc chuẩn bị để đi đến một vùng đất hứa (xem Ê The 1:41–42). Sau đó đọc Ê The 2:4–6, và tìm kiếm điều gì đã xảy ra tiếp theo đó. Hãy lưu ý rằng vì dân Gia Rết đã tuân theo những chỉ dẫn của Chúa, nên Ngài ban thêm cho họ những hướng dẫn. Hãy suy ngẫm về các phước lành và sự hướng dẫn mà dân Gia Rết nhận được vì họ đã tuân theo những chỉ dẫn của Chúa.

Từ kinh nghiệm của dân Gia Rết chúng ta biết được nguyên tắc này: Khi hành động trong đức tin theo sự hướng dẫn Chúa đã ban cho mình, chúng ta có thể nhận được thêm sự hướng dẫn từ Ngài. Các em có thể muốn viết nguyên tắc này trong thánh thư của các em bên cạnh Ê The 2:6.

Các em có thể nghĩ ra một ấn tượng hoặc sự thúc giục mà các em đã nhận được từ Chúa trong khi cầu nguyện, học thánh thư, hoặc tham dự một buổi họp Giáo Hội không? Ghi nhớ ấn tượng hay sự thúc giục đó khi các em đọc lời phát biểu sau đây từ Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ về cách chúng ta thường nhận được sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện: “Hiếm khi các [anh chị] em sẽ nhận được một câu trả lời trọn vẹn [cho lời cầu nguyện] cùng một lúc. Điều đó sẽ đến từng phần một, từng phần nhỏ để các [anh chị] em sẽ tăng trưởng trong khả năng. Khi mỗi phần được tuân theo trong đức tin, thì các [anh chị] em sẽ được dẫn đến những phần khác cho đến khi các [anh chị] em có được toàn bộ câu trả lời. Mẫu mực đó đòi hỏi các [anh chị] em phải sử dụng đức tin nơi khả năng đáp ứng của Đức Chúa Cha. Mặc dù đôi khi rất khó nhưng điều đó sẽ đưa đến sự tăng trưởng đáng kể của cá nhân” (“Sử Dụng Ân Tứ Cầu Nguyện Thiêng Liêng,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2007, 9).

  1. Hãy viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em cách các em trả lời (hoặc có thể đáp ứng) đối với sự thúc giục của Thánh Linh mà các em nghĩ đến trước đó. Các em cũng có thể gồm vào các phước lành mình đã nhận được (hoặc có thể nhận được) từ việc hành động theo sự thúc giục đó.

Như được ghi trong Ê The 2:7–12, Chúa phán với anh của Gia Rết rằng khi ông và dân của ông đến vùng đất hứa, thì họ sẽ cần phải “phục vụ Ngài là Thượng Đế chân thật và duy nhất, bằng không họ sẽ bị quét sạch” (Ê The 2:8).

Ê The 2:13–15

Chúa khiển trách anh của Gia Rết vì đã không kêu cầu Ngài trong lời cầu nguyện

Đọc Ê The 2:13–15, và tìm kiếm điều đã xảy ra khi dân Gia Rết đến biển lớn phân cách các xứ. Họ được Chúa hướng dẫn qua vùng hoang dã vì họ nghe theo Chúa và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Tuy nhiên, sau khi họ đã cắm trại bên bờ biển lớn trong bốn năm, Chúa hiện đến với anh của Gia Rết và khiển trách ông vì đã không cầu nguyện.

Ê The 2:14–15 giúp chúng ta học được những nguyên tắc này: Chúa không hài lòng khi chúng ta không kêu cầu Ngài trong lời cầu nguyện. Chúa muốn chúng ta phải kêu cầu Ngài thường xuyên trong lời cầu nguyện.

Khi các em đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Donald L. Staheli, là người đã phục vụ với tư cách là thành viên của Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, hãy suy nghĩ về việc các em cầu nguyện thường xuyên như thế nào: “Những lời cầu nguyện khẩn thiết hằng ngày để tìm kiếm sự tha thứ và giúp đỡ cùng hướng dẫn đặc biệt là thiết yếu đối với cuộc sống của chúng ta và trong việc nuôi dưỡng chứng ngôn của chúng ta. Khi trở nên vội vã, nhắc đi nhắc lại, hững hờ, hoặc cẩu thả trong khi cầu nguyện, chúng ta có khuynh hướng đánh mất sự gần gũi của Thánh Linh, và điều này thật là thiết yếu trong sự hướng dẫn liên tục mà chúng ta cần có, để giải quyết một cách thành công những thử thách trong cuộc sống hằng ngày của mình” (“Đạt Được Chứng Ngôn của Chúng Ta” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2004, 39).

Trong nhật ký cá nhân của các em hoặc trên một tờ giấy rời, hãy trả lời các câu hỏi sau đây:

  • Các em cảm thấy như thế nào về mức độ thường xuyên của lời cầu nguyện cá nhân của các em?

  • Các em cảm thấy như thế nào về sự chân thành của lời cầu nguyện cá nhân của các em?

  • Trong lời cầu nguyện cá nhân của mình, các em có cảm thấy rằng mình thực sự giao tiếp với Cha Thiên Thượng không? Tại sao có, hoặc tại sao không?

  • Nếu các em có thể thực hiện một sự thay đổi để cải thiện những lời cầu nguyện cá nhân của mình thì sự thay đổi đó có thể là gì?

Như đã được ghi trong Ê The 2:16, anh của Gia Rết hối cải các tội lỗi của mình và cầu nguyện lên Chúa cho những người trong gia đình và bạn bè của ông. Chúa phán với ông rằng ông đã được tha thứ nhưng ông vẫn phải tiếp tục trong sự ngay chính để được dẫn đến vùng đất hứa.

Ê The 2:16–25

Dân Gia Rết đóng thuyền để vượt qua đại dương đến vùng đất hứa

Hình Ảnh
các chiếc thuyền của dân Gia Rết

Hãy nghĩ về một quyết định cá nhân quan trọng mà các em đang phải đối phó hoặc có thể đối phó trong tương lai, chẳng hạn như làm thế nào để đối phó với một tình huống gia đình hoặc xã hội khó khăn, làm thế nào để học giỏi trong trường, kết hôn với ai, hoặc theo đuổi nghề nghiệp gì. Các em có nghĩ về việc Chúa có thể ban cho các em sự hướng dẫn hoặc giúp đỡ trong tình huống đó như thế nào không? Khi các em học phần còn lại của sách Ê The 2, hãy suy ngẫm về quyết định các em đã nhận thấy và tìm kiếm các nguyên tắc mà sẽ giúp các em nhận được sự trợ giúp của Chúa.

Đọc Ê The 2:16–17, và tìm kiếm điều Chúa đã phán bảo dân Gia Rết phải làm để tiến triển tới vùng đất hứa. Anh của Gia Rết đối phó với ba vấn đề phát sinh từ việc thiết kế các chiếc thuyền. Đọc Ê The 2:18–19, và đánh dấu ba vấn đề mà anh của Gia Rết đã đề cập với Chúa.

  1. Để giúp các em hình dung điều các em đã đọc trong Ê The 2:16–19, hãy vẽ hình các em nghĩ các chiếc thuyền đó có thể đã trông giống như vậy vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em.

Biểu đồ sau đây sẽ giúp các em khám phá ra cách Chúa đã giúp anh của Gia Rết với vấn đề về các chiếc thuyền. Học các câu thánh thư trong biểu đồ, và sau đó sử dụng thông tin đó để điền vào cột “Giải Pháp cho Vấn Đề” của biểu đồ.

Các Câu Thánh Thư

Vấn Đề với Các Chiếc Thuyền

Giải Pháp cho Vấn Đề

Ê The 2: 20–21

Không có không khí

Ê The 6:4–9

Không có bánh lái

Ê The 2:22–3:6

Không có ánh sáng

Điều Chúa đã làm và điều Ngài đã đòi hỏi anh của Gia Rết phải làm đều khác nhau đối với mỗi vấn đề. Từ mỗi vấn đề và giải pháp, chúng ta có thể học được một lẽ thật khác nhau về cách Chúa phụ giúp chúng ta khi chúng ta cần được giúp đỡ. So sánh các giải pháp mà các em đã viết trong biểu đồ với các giải pháp trong bản liệt kê sau đây:

Không có không khí (Ê The 2:20–21). Để giải quyết vấn đề này, Chúa phán bảo anh của Gia Rết điều ông phải làm. Sau đó anh của Gia Rết đã có đức tin để làm theo những chỉ dẫn của Chúa.

Không có bánh lái (Ê The 6:4–9). Để giải quyết vấn đề này, chính Chúa đã cung cấp giải đáp cho vấn đề.

Không có ánh sáng (Ê The 2:22–3:6). Để giải quyết vấn đề này, Chúa đã ban cho anh của Gia Rết một số hướng dẫn. Sau đó anh của Gia Rết đã phải nghĩ ra một giải pháp cho vấn đề—dựa vào thông tin ông đã có—và cầu xin Chúa chấp thuận và giúp đỡ trong việc thực hiện giải pháp đó.

Từ kinh nghiệm của anh của Gia Rết, chúng ta học được nguyên tắc này: Khi cố gắng để làm phần vụ của mình để giải quyết các vấn đề của mình, chúng ta có thể nhận được sự giúp đỡ của Chúa. Khi suy nghĩ về quyết định cá nhân mà các em đã nghĩ trước đó, làm thế nào việc biết đuợc nguyên tắc này có thể giúp các em nhận đuợc sự giúp đỡ hoặc hướng dẫn liên quan đến quyết định này? Các em nghĩ Chúa có thể kỳ vọng các em phải làm điều gì trong việc đưa ra quyết định của các em?

  1. Viết một đoạn trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em để giải thích điều các em đã học được từ những kinh nghiệm của anh của Gia Rết về việc cầu nguyện và về việc nhận được sự giúp đỡ và hướng dẫn của Chúa trong cuộc sống của các em.

  2. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học Ê The 1–2 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: