Lớp Giáo Lý
Đơn vị 21: Ngày 4, An Ma 59–63


Đơn vị 21: Ngày 4

An Ma 59–63

Lời Giới Thiệu

Hê La Man đã viết thư gửi cho Lãnh Binh Mô Rô Ni, nói cho ông biết về những nỗ lực của quân đội và yêu cầu sự giúp đỡ từ chính phủ Nê Phi. Lãnh Binh Mô Rô Ni vui mừng khi biết về những thành công của Hê La Man, nhưng ông đã tức giận chính phủ vì đã xao lãng việc gửi quân tiếp viện. Lãnh Binh Mô Rô Ni viết một lá thư khiển trách trưởng phán quan Pha Hô Ran. Khi đáp lời, Pha Hô Ran kể về một cuộc nổi loạn chống lại chính phủ. Mô Rô Ni tiến quân về tiếp viện và đánh bại quân nổi dậy. Sau đó, quân đội Nê Phi đã có thể đoàn kết lại và đánh bại dân La Man. Sau 14 năm chiến tranh, dân Nê Phi đã có hòa bình lại trong xứ, để cho Hê La Man và những người anh em của ông tập trung vào việc xây đắp Giáo Hội.

An Ma 59

Dân Nê Phi mất một đồn lũy, và Lãnh Binh Mô Rô Ni đau buồn vì sự tà ác của dân chúng

Khi Lãnh Binh Mô Rô Ni đã nhận được một lá thư từ Hê La Man mô tả những sự thành công của quân đội ông, thì Mô Rô Ni và dân của ông vui mừng. Sau đó Mô Rô Ni đã gửi thư cho người lãnh đạo của dân Nê Phi ở Gia Ra Hem La là Pha Hô Ran và yêu cầu ông gửi quân tiếp viện và lương thực tiếp tế cho Hê La Man. Nhưng quân tiếp viện không được gửi tới. Do đó, khi dân La Man tấn công thành phố Nê Phi Ha, dân Nê Phi Ha bắt buộc phải chạy trốn và dân La Man chinh phục thành phố.

Đọc An Ma 59:9–12 để biết phản ứng của Mô Rô Ni trước chiến thắng của dân La Man. Cân nhắc việc đánh dấu trong thánh thư của các em cụm từ này trong An Ma 59:9: ″giữ cho thành phố ấy khỏi rơi vào tay dân La Man thì dễ hơn là đánh chiếm lại.″ Từ cụm từ này, chúng ta có thể học được nguyên tắc này: Việc luôn trung tín thật là dễ dàng và tốt hơn việc trở về với đức tin sau khi đi lạc lối.

  1. Nghiên cứu cụm từ mà các em đã đánh dấu trong An Ma 59:9 và nguyên tắc đã được tô đậm trong đoạn trước. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Tại sao là điều dễ dàng để tránh sự nghiện ngập các chất độc hại hơn là khắc phục cơn nghiện ngập?

    2. Tại sao là điều dễ dàng để duy trì một chứng ngôn hơn là lấy lại sau khi đã mất chứng ngôn đó?

    3. Tại sao là điều có thể dễ dàng cho một người để vẫn luôn tích cực trong Giáo Hội hơn là trở về với Giáo Hội từ việc không tích cực?

Hình Ảnh
thiếu niên dựa vào tủ đựng đồ

An Ma 60–62

Mô Rô Ni hỏi Pha Hô Ran về nguyên nhân thờ ơ của chính phủ

Sau khi thành phố Nê Phi Ha đã bị dân La Man chiếm nên Lãnh Binh Mô Rô Ni quyết định viết thư cầu cứu với Pha Hô Ran, trưởng phán quan ở Gia Ra Hem La. Đọc An Ma 60:17–24, và tìm kiếm những lời cáo buộc mà Mô Rô Ni đã đưa ra về Pha Hô Ran và dân chúng ở Gia Ra Hem La.

Đọc lại An Ma 60:23, và lưu ý đến đoạn Lãnh Binh Mô Rô Ni nói tới việc tẩy sạch ″mặt trong của bình″ trước đã. Ông đã nói đến sự cần thiết phải loại bỏ cảnh tham nhũng trong chính phủ Nê Phi và những người của chính phủ. Tuy nhiên, câu này cũng có thể áp dụng cho cuộc sống của chúng ta. Hãy tưởng tượng việc để bụi đất hoặc bùn vào bên trong một cái tách. Ngay cả khi các em rửa sạch bên ngoài tách nhưng các em sẽ cảm thấy thoải mái để uống từ tách đó không?

  1. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Nếu chúng ta nghĩ mình là cái ″bình,″ thì các em nghĩ việc tẩy sạch bên trong cái bình có nghĩa là gì?

    2. Tại sao việc tẩy sạch bên trong cái bình của chúng ta giúp chúng ta phục vụ hữu hiệu hơn trong vương quốc của Chúa?

Như đã được ghi trong An Ma 60:33–36, Lãnh Binh Mô Rô Ni nói với Pha Hô Ran phải nhanh chóng gửi người và lương thực tiếp tế cho quân đội của ông và quân đội của Hê La Man. Nếu Pha Hô Ran không làm thế thì Mô Rô Ni nói rằng ông sẽ dẫn một lực lượng quân sự đến Gia Ra Hem La và bắt buộc Pha Hô Ran phải làm những điều này. Pha Hô Ran nhận được thư Mô Rô Ni và nhanh chóng viết hồi âm cho ông. Đọc An Ma 61:1–5 để khám phá ra điều gì đang xảy ra ở Gia Ra Hem La.

Đọc An Ma 61:9–14, và suy nghĩ về cách mà Pha Hô Ran trả lời cho những lời buộc tội của Mô Rô Ni. Hãy cân nhắc việc đánh dấu những lời nói nào tiết lộ tính cao thượng của Pha Hô Ran. Thay vì phật lòng, Pha Hô Ran đã mời Mô Rô Ni cùng đoàn kết với ông trong sức mạnh của Chúa để chống lại kẻ thù. Đọc An Ma 62:1 để khám phá cảm nghĩ của Mô Rô Ni khi ông nhận được thư trả lời của Pha Hô Ran.

Hãy cân nhắc việc viết các lẽ thật sau đây vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Chúng ta có thể chọn để không bị phật lòng trước những lời nói hoặc hành động của người khác. Khi chúng ta đoàn kết trong sự ngay chính với những người khác, thì chúng ta sẽ vững mạnh hơn trong các trận chiến của mình chống lại điều xấu xa.

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Hình Ảnh
Anh Cả David A. Bednar

″Nhờ vào quyền năng củng cố của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, các anh chị em và tôi có thể được ban phước để tránh bị phật lòng và thắng được điều đó. ′Phàm kẻ nào yêu mến luật pháp Chúa được bình yên lớn; chẳng có sự gì gây cho họ sa ngã’ (Thi Thiên 119:165). …

“… Mô Rô Ni … viết thư cho Pha Hô Ran ′để lên án′ (An Ma 60:2) và nghiêm khắc buộc tội ông đã thờ ơ, chậm trễ và sao lãng. Pha Hô Ran đáng lẽ đã dễ dàng phẫn nộ đối với Mô Rô Ni và bức thư của Mô Rô Ni, nhưng ông đã chọn không để bị phật lòng. …

″Một trong những điều quan trọng nhất mà cho thấy sự trưởng thành thuộc linh của chúng ta là trong cách chúng ta đối phó với các hành động yếu kém, thiếu kinh nghiệm và có thể gây tổn thương của những người khác. Một sự việc, một sự kiện hoặc một sự diễn đạt có thể làm phật lòng, nhưng các anh chị em và tôi có thể chọn không để cho bị phật lòng—và nói như Pha Hô Ran: ′việc đó không quan hệ gì’ [An Ma 61:9]” (“Chẳng Có Sự Gì Gây Cho Họ Sa Ngã (Phật Lòng),” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2006, 90–91).

  1. Hãy nghĩ về một thời gian khi các em đã chọn không bị phật lòng trước những lời hoặc hành động của người khác. Viết một đoạn văn ngắn về tầm quan trọng của việc chọn không bị phật lòng.

Như đã được ghi trong An Ma 62, Lãnh Binh Mô Rô Ni đem quân của mình đến Gia Ra Hem La để giúp Pha Hô Ran lật đổ những người bảo hoàng—những người dân Nê Phi ly khai muốn lập lên một vị vua và liên minh với dân La Man. Những người bảo hoàng đã ngăn chặn Pha Hô Ran gửi người và đồ tiếp tế để trợ giúp Mô Rô Ni và Hê La Man. Sau đó Mô Rô Ni và Pha Hô Ran kết hợp lực lượng của họ lại và nhận được sự giúp đỡ từ các đạo quân Nê Phi khác để đánh đuổi dân La Man ra khỏi xứ. Trong thời gian này nhiều dân La Man hối cải và gia nhập với dân Am Môn.

Hãy tưởng tượng một số thử thách mà có thể đã tồn tại trong các gia đình, cá nhân vào cuối một cuộc chiến tranh như vậy. Đọc An Ma 62:39–41 để thấy là dân Nê Phi đã bị ảnh hưởng bởi những thử thách của chiến tranh như thế nào. Khi các em đọc, hãy tìm kiếm các lẽ thật mà các em có thể nhận ra trong những câu này.

Viết nguyên tắc hay lẽ thật sau đây vào thánh thư của các em bên cạnh An Ma 62: 39–41 hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Chúng ta có thể gần gũi Chúa hơn trong lúc thử thách của mình.

  1. Viết các câu trả lời cho các câu hỏi sau đây vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Tại sao các em nghĩ một số người gần gũi với Chúa khi đối phó với các thử thách trong khi những người khác xa lánh Ngài?

    2. Những chương nói về chiến tranh đã dạy cho các em biết điều gì về việc làm môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô trong những lúc khó khăn hay thử thách?

An Ma 63

Nhiều dân Nê Phi đi đến vùng đất phía bắc

Sau khi Hê La Man chết (xin xem An Ma 62:52), anh trai của ông là Síp Lân nắm giữ các biên sử thiêng liêng. Đọc An Ma 63:1–2 để xem Síp Lân là người như thế nào. Như đã được ghi trong An Ma 63, Mô Rô Ni và Síp Lân chết, và con trai của Mô Rô Ni là Mô Rô Ni Ha nắm quyền chỉ huy quân đội Nê Phi.

Đọc An Ma 63:10–13. Trước khi chết, Síp Lân giao cho Hê La Man, là con trai của Hê La Man, trách nhiệm về các biên sử thiêng liêng. Hê La Man bảo tồn các biên sử đã được viết ra và bắt đầu giữ biên sử mà sẽ trở thành sách Hê La Man.

An Ma 63:5–8 ghi lại rằng nhiều dân Nê Phi đi bằng tàu đến các vùng đất phía bắc và không bao giờ được nghe nói tới nữa. Ngoài ra, phần cuối An Ma 63 cho thấy một lần nữa có một số tranh chấp bắt đầu giữa dân La Man và dân Nê Phi, do đó kết thúc sách An Ma dài và đầy soi dẫn.

  1. Viết điều sau đây ở dưới cùng của phần chỉ định trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em ngày hôm nay:

    Tôi đã học xong An Ma 59–63 và hoàn tất bài học này vào (ngày, tháng, năm).

    Tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi thêm những câu hỏi, ý nghĩ, và những sự hiểu biết: