Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 31: Ngày 1, Ê The 13–15


Đơn Vị 31: Ngày 1

Ê The 13–15

Lời Giới Thiệu

Tiên tri Ê The nói tiên tri về Tân Giê Ru Sa Lem. Ông cũng đã cảnh báo Cô Ri An Tum Rơ, vua của dân Gia Rết, rằng dân của hắn sẽ bị hủy diệt vì sự tà ác, và ông khuyên nhủ Cô Ri An Tum Rơ và gia đình của hắn phải hối cải. Khi Cô Ri An Tum Rơ và dân chúng từ chối hối cải, thì chiến tranh và sự tà ác leo thang trong nhiều năm cho đến khi toàn thể dân Gia Rết bị hủy diệt. Chỉ có Ê The và Cô Ri An Tum Rơ sống sót để chứng kiến sự ứng nghiệm của lời tiên tri của Ê The.

Hình Ảnh
trận chiến của dân Gia Rết

Ê The 13:1–12

Mô Rô Ni ghi lại những lời tiên tri của Ê The về Tân Giê Ru Sa Lem và Giê Ru Sa Lem thời xưa

Hãy nghĩ đến một số thành phố ngày nay có các biệt danh cho thấy một đặc tính quan trọng của thành phố đó. Ví dụ, Paris, Pháp, còn được gọi là Thành Phố của Ánh Sáng. Để bắt đầu, hãy xem các em có thể so các thành phố dưới đây cho phù hợp với các biệt danh đúng của chúng không (câu trả lời được đưa ra ở cuối bài học).

Cairo, Ai Cập

Thành Phố Lộng Gió

Manila, Philippines

Thành Phố Có Một Ngàn Ngọn Tháp

Chicago, Hoa Kỳ

Thành Phố Vĩnh Cửu

Mexico City, Mexico

Hòn Ngọc Phương Đông

Rome, Ý

Thành Phố của Các Cung Điện

Bài học ngày hôm nay thu hút sự chú ý đến hai thành phố quan trọng trong những ngày sau cùng: (1) Giê Ru Sa Lem và (2) Tân Giê Ru Sa Lem. Trong những ngày sau, hai thành phố này sẽ trở nên được biết đến vì sự ngay chính của chúng. Ê The dạy dân Gia Rết rằng vùng đất nơi họ sống là địa điểm cho một thành phố trong tương lai được gọi là Tân Giê Ru Sa Lem.

Đọc Ê The 13:2–8. Chúa đã mặc khải cho Tiên Tri Joseph Smith rằng Tân Giê Ru Sa Lem được nhận ra trong Ê The 13:6 sẽ được xây dựng lên ở Hạt Jackson, Missouri, Hoa Kỳ (xin xem GLGƯ 57:1–4; 84:1–4). Ê The đã nói gì về hai thành phố này trong Ê The 13:3, 5? Hãy suy ngẫm về việc sống trong một thành phố giống như thế thì sẽ như thế nào. Học Ê The 13:10–11 để biết những điều mà một người nào đó phải trải nghiệm được để sống trong hai thành phố thánh Tân Giê Ru Sa Lem và Giê Ru Sa Lem của thời xưa (mà sẽ là thánh khi được xây dựng lên cho Chúa; xin xem Ê The 13:5).

Tên gọi khác của Tân Giê Ru Sa Lem là Si Ôn (xin xem Môi Se 7:62; Những Tín Điều 1:10). Mặc dù chúng ta có thể không sống ở Giê Ru Sa Lem hay Tân Giê Ru Sa Lem, nhưng tất cả các tín hữu của Giáo Hội có thể đang tìm cách thiết lập Si Ôn. Chúng ta có thể chuẩn bị để sống trong những nơi thánh thiện kể cả thượng thiên giới của Thượng Đế, nếu chúng ta trở nên trong sạch nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Ê The 13:13–15:34

Dân Gia Rết chối bỏ Ê The và khăng khăng sống trong cảnh tà ác và chiến tranh cho đến khi bị hủy diệt

Đọc Ê The 13:13–19, và tìm kiếm các tình trạng của xã hội của dân Gia Rết trong thời Ê The. Học Ê The 13:20–22 để khám phá ra sứ điệp của Ê The mang đến cho Cô Ri An Tum Rơ và Cô Ri An Tum Rơ và dân của hắn đã phản ứng như thế nào.

  1. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Các em đã thấy những người trong thời kỳ chúng ta cứng lòng và chối bỏ các tôi tớ của Chúa về những phương diện nào?

    2. Các em sẽ làm gì để giữ cho mình vững mạnh trong đức tin và lưu ý đến những lời của các vị tiên tri?

Như đã được ghi trong Ê The 13:23–14:20, Cô Ri An Tum Rơ đã đánh những trận chiến với một số người cố gắng chiếm vương quốc của hắn, kể cả Sa Rết, Ga La Át, và Líp. Cuối cùng, toàn thể dân tộc Gia Rết trở nên đắm chìm trong chiến tranh. Kẻ thù cuối cùng của Cô Ri An Tum Rơ là một người tên là Si Giơ. Mức độ tàn phá ở giữa dân Gia Rết từ những cuộc chiến tranh này được mô tả chi tiết trong Ê The 14:21–25Ê The 15:1–2.

Đọc Ê The 15:3–6 để khám phá ra điều mà Cô Ri An Tum Rơ cố gắng làm để cứu số dân chúng còn lại khỏi sự hủy diệt. Hãy nghĩ về lý do tại sao Si Giơ khước từ lời đề nghị của Cô Ri An Tum Rơ và lý do tại sao những người trong cả hai quân đội đều từ chối đầu hàng (xin xem thêm Ê The 14:24).

Đọc Ê The 15:12–17, và tìm kiếm những chi tiết về tình huống của dân Gia Rết. Các em thấy điều gì đặc biệt là bi thảm hoặc buồn thảm về tình trạng của họ? Hãy nhớ rằng Ê The đã dành ra nhiều năm để cảnh báo dân chúng phải hối cải (xin xem Ê The 12:2–3; 13:20). Đọc Ê The 15:18–19, và nhận ra những hậu quả đến từ việc chối bỏ những lời cảnh cáo của Chúa phải hối cải. Dựa vào điều các em đọc, hãy hoàn tất lời phát biểu này: Nếu chúng ta chối bỏ những lời cảnh cáo của Chúa phải hối cải, thì .

Trong khoảng trống ở trên, các em có thể đã viết một nguyên tắc giống như sau: Nếu chúng ta chối bỏ những lời cảnh cáo của Chúa phải hối cải, thì Thánh Linh của Ngài rút lui và Sa Tan đạt được quyền hành đối với tâm hồn chúng ta.

  1. Bằng cách sử dụng Ê The 15:19 và nguyên tắc chúng ta học được từ câu thánh thư đó, hãy giải thích lý do tại sao một người nào đó có thể đưa ra ngày nay về một hoặc nhiều lý lẽ để biện minh sau đây để từ chối hối cải là sai:

    1. Tôi biết những cuốn phim tôi xem là không phù hợp với tiêu chuẩn của Giáo Hội, nhưng những phim đó dường như không có ảnh hưởng gì đến tôi.

    2. Việc tôi uống rượu với bạn bè không phải là tồi tệ lắm đâu. Chúng tôi chỉ muốn vui thôi.

    3. Đó chỉ là một chút hình ảnh khiêu dâm thôi. Không giống như tôi đi ra ngoài và trở nên vô đạo đức. Ngoài ra, tôi có thể ngừng những điều đó bất cứ lúc nào tôi cảm thấy muốn làm như vậy.

    4. Tôi không cần phải hối cải bây giờ. Điều đó có thể chờ cho đến khi tôi sắp đi truyền giáo hoặc khi sắp kết hôn trong đền thờ.

Ê The 15:20–32 thuật lại cách hai quân đội Gia Rết đánh với nhau cho đến khi chỉ còn những người chỉ huy của họ còn sống, là Cô Ri An Tum Rơ và Si Giơ. Sau đó Cô Ri An Tum Rơ giết chết Si Giơ.

Lịch sử của dân Gia Rết cho thấy một tấm gương sinh động về điều xảy đến với một dân tộc khi tất cả họ đều chối bỏ các nỗ lực lặp đi lặp lại của Thượng Đế để thuyết phục họ phải hối cải. Mặc dù chúng ta có thể không phải đối diện với sự hủy diệt thể xác bởi việc từ chối hối cải, nhưng chúng ta sẽ trải qua những cảm giác tội lỗi nếu chúng ta chối bỏ những lời cảnh cáo của Chúa phải hối cải.

Hình Ảnh
những người chết trên chiến trường
Hình Ảnh
Anh Cả Neil L. Andersen

Suy ngẫm lời phát biểu sau đây của Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ: “Tôi làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi có khả năng và tha thiết để tha thứ tội lỗi của chúng ta. Ngoại trừ tội lỗi của một số người chọn cảnh diệt vong sau khi đã biết được sự trọn vẹn thì sẽ không có tội lỗi nào mà không thể được tha thứ. Thật là một đặc ân kỳ diệu đối với mỗi người chúng ta để từ bỏ tội lỗi của mình và đến cùng Đấng Ky Tô. Sự tha thứ thiêng liêng là một trong những trái tuyệt vời nhất của phúc âm, việc loại bỏ tội lỗi và nỗi đau đớn khỏi tâm hồn của chúng ta và thay vào đó bằng niềm vui và lương tâm yên ổn” (“Hối Cải … Để Ta Có Thể Chữa Lành cho Các Ngươi,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 40–41).

Hãy xem xét bất cứ điều gì các em có thể đang làm mà có thể ngăn cản ảnh hưởng của Đức Thánh Linh trong cuộc sống của các em. Hãy xem xét việc các em có thể trông cậy vào quyền năng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô để có những thay đổi cần thiết mà sẽ giúp các em nhận được Thánh Linh và chống lại quyền lực của Sa Tan.

Từ Ê The 13–15 chúng ta biết rằng cơn tức giận và sự trả thù dẫn chúng ta đến những lựa chọn làm tổn thương bản thân mình và những người khác. Đọc hoặc đọc lại các đoạn sau đây, và đánh dấu các từ hoặc cụm từ dạy về lẽ thật này: Ê The 13:27; 14:24; 15:6, 22, 28.

Hãy suy ngẫm về việc không kiềm chế được cơn tức giận có thể mang đến những hậu quả nào trong một gia đình hoặc các mối quan hệ khác. Hãy suy nghĩ về một tình huống trong cuộc sống của mình mà các em có thể cần phải từ bỏ cảm nghĩ tức giận hay trả thù.

Khi các em đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả David E. Sorensen, một thành viên danh dự của Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, thì hãy tìm kiếm cách các em có thể vượt qua cảm nghĩ giận dữ hoặc ước muốn tìm cách trả thù: “Khi một người nào đó làm tổn thương chúng ta hoặc những người chúng ta quan tâm đến, thì nỗi đau đớn có thể gần như không chống lại được. Điều đó có thể cảm thấy như thể cơn đau hoặc sự bất công đó là điều quan trọng nhất trên thế gian và chúng ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tìm cách trả thù. Nhưng Đấng Ky Tô, Hoàng Tử Bình An, dạy chúng ta một cách tốt hơn. Có thể rất khó để tha thứ cho một người nào đó về sự thiệt hại mà họ đã gây ra cho chúng ta, nhưng khi chúng ta tha thứ thì chúng ta mở lòng mình cho một tương lai tốt hơn. Việc làm sai trái của một người nào khác không còn kiềm chế được hướng đi của chúng ta nữa. Khi chúng ta tha thứ cho người khác, thì điều đó làm cho chúng ta tự do lựa chọn cách sống cuộc sống của mình. Sự tha thứ có nghĩa là các vấn đề của quá khứ không còn điều khiển số phận của chúng ta nữa, và chúng ta có thể tập trung vào tương lai với tình yêu thương của Thượng Đế trong tâm hồn” (“Forgiveness Will Change Bitterness to Love,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2003, 12).

  1. Trả lời câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Khi nào các em hay một người quen của mình đã trải qua kinh nghiệm được chữa lành và tự do sau khi chọn để tha thứ?

Các em có thể khắc phục bất cứ cảm nghĩ tức giận và trả thù nào nếu các em chịu tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô và nhận được quyền năng của sự tha thứ và an ủi qua Sự Chuộc Tội của Ngài. Hãy nhớ tìm đến Chúa trong lời cầu nguyện để có được sự giúp đỡ các em có thể cần trong những tình huống đó.

  1. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học Ê The 13–15 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi:

  • Các câu trả lời cho sinh hoạt so cho phù hợp đầu bài học: Cairo, Ai Cập (Thành Phố Có một Ngàn Ngọn Tháp); Manila, Philippines (Hòn Ngọc Phương Đông); Chicago, Mỹ (Thành phố Lộng Gió); Thành Phố Mexico, Mexico (Thành Phố của Các Cung Điện); Rome, Ý (Thành phố Vĩnh Cửu).