Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 1: Ngày 2, Kế Hoạch Cứu Rỗi


Đơn Vị 1: Ngày 2

Kế Hoạch Cứu Rỗi

Lời Giới Thiệu

Cha Thiên Thượng của chúng ta đã cung ứng cho chúng ta, con cái của Ngài, một kế hoạch nhằm đưa tất cả chúng ta đến hạnh phúc vĩnh cửu và sự tôn cao. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là trọng tâm kế hoạch của Ngài. Sự Chuộc Tội khắc phục những ảnh hưởng của Sự Sa Ngã và làm cho chúng ta có thể hối cải và được tẩy sạch tội lỗi của mình để chúng ta có thể có được niềm vui trong cuộc sống này và trong thời vĩnh cửu.

Hình Ảnh
Tượng Đấng Ky Tô

Bài học này sẽ mang đến cho các em cái nhìn khái quát ngắn gọn về kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng. Kế hoạch này có thể giúp các em nhìn thấy cách mà các lẽ thật phúc âm các em sẽ học trong năm nay có liên quan đến nhau và đến mục đích của các em trên thế gian. Khi các em hiểu thêm về kế hoạch cứu rỗi thì đức tin của các em nơi Thượng Đế và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, sẽ gia tăng, cũng như có khả năng để làm tròn phần vụ của mình trong kế hoạch đó. Kế hoạch cứu rỗi là “phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô, nhằm mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu của con người. Kế hoạch này gồm có Sự Sáng Tạo, Sự Sa Ngã, và Sự Chuộc Tội, cùng với tất cả các luật pháp, giáo lễ và giáo lý do Thượng Đế ban cho. Kế hoạch này làm cho tất cả mọi người đều có thể được tôn cao và sống vĩnh viễn với Thượng Đế” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Kế Hoạch Cứu Chuộc,” scriptures.lds.org).

Kế Hoạch Này Giúp Chúng Ta Hiểu Mục Đích của Mình trên Trần Thế

Kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng giải đáp nhiều thắc mắc mà hầu hết mọi người đều đã suy nghĩ vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ. Các em có bao giờ suy ngẫm về những câu hỏi như: ″Tôi từ đâu đến?″ ″Tại sao tôi ở đây?″ ″Tôi đi đâu sau cuộc sống này?″

Trước khi được sinh ra trên thế gian, chúng ta đã sống nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng với tư cách là những đứa con linh hồn của Ngài. Chúng ta thật sự là con cái của Ngài, và Ngài yêu thương chúng ta. Kế hoạch cứu rỗi của Ngài là cách để cho mỗi người chúng ta trở nên giống như Ngài và vui hưởng tất cả các phước lành của Ngài. Chúng ta đã hiểu và chấp nhận kế hoạch của Ngài trước khi đến thế gian.

Sách Mặc Môn đóng một vai trò chính yếu trong sự hiểu biết của chúng ta về kế hoạch cứu rỗi. Các vị tiên tri trong Sách Mặc Môn đã sử dụng nhiều từ khác nhau khi đề cập đến kế hoạch này.

  1. Đọc các câu thánh thư được liệt kê dưới đây, và nhận ra tên đã được sử dụng cho kế hoạch của Cha Thiên Thượng trong mỗi câu. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết xuống tên bên cạnh phần tham khảo thánh thư. Tên đầu tiên được nhận ra cho các em.

    1. 2 Nê Phi 9:6 ″Kế hoạch thương xót của Đấng Sáng Tạo vĩ đại″

    2. 2 Nê Phi 11:5

    3. An Ma 12:25

    4. An Ma 24:14

    5. An Ma 42:8

    6. An Ma 42:15

Các từ như thương xót, sự giải thoát, sự cứu rỗi, hạnh phúc,sự cứu chuộc nhấn mạnh đến giáo lý mà kế hoạch của Cha Thiên Thượng được thiết kế nhằm mang lại cho con cái của Ngài sự cứu rỗi và hạnh phúc vĩnh cửu.

  1. Trả lời câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Làm thế nào việc biết rằng Cha Thiên Thượng có một kế hoạch cho hạnh phúc và sự tôn cao của các em tạo ra một sự khác biệt trong cuộc sống của các em?

Vai Trò của Quyền Tự Quyết và Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va trong Kế Hoạch Cứu Rỗi

A Đam và Ê Va là hai người con đầu tiên của Cha Thiên Thượng đến thế gian này. Ngài đặt hai người này vào trong Vườn Ê Đen và ban cho họ quyền tự quyết ″khả năng và đặc ân… để lựa chọn và hành động lấy một mình″ (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, ″Quyền Tự Quyết,″ scriptures.lds.org). Ngài truyền lệnh cho họ không được ăn trái cây của sự hiểu biết về điều thiện và điều ác. Việc tuân theo lệnh truyền này có nghĩa rằng họ sẽ có thể ở lại trong vườn, nhưng họ không thể tiến triển bằng cách trải qua sự tương phản trong cuộc sống trần thế. Họ không thể biết được niềm vui vì họ không thể trải qua nỗi buồn khổ và đau đớn.

Đọc 2 Nê Phi 2:17 20 và tìm kiếm điều đã xảy ra với A Đam và Ê Va sau khi họ đã chọn để không tuân theo lệnh truyền của Thượng Đế. Trong khoảng trống dành cho đó, hãy mô tả điều mà A Đam và Ê Va đã chọn để làm và hai trong số các ảnh hưởng mà sự lựa chọn đó—thường được đề cập đến là Sự Sa Ngã—đã có đối với họ:

Đọc 2 Nê Phi 2:22 26 và nhận ra thêm các hậu quả về sự lựa chọn của A Đam và Ê Va. Đánh dấu trong thánh thư của các em thêm các lẽ thật mà các em học được về ảnh hưởng của Sự Sa Ngã.

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy hoàn tất đoạn sau đây bằng cách mô tả các ảnh hưởng của Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va đến cá nhân các em. Hãy gồm vào những ý kiến về những lựa chọn, quyền tự quyết, thể xác, cái chết, con cái, và tội lỗi.

    ″Vì sự phạm giới của A Đam và Ê Va, nên tôi cũng ở trong trạng thái sa ngã và …”

Vai trò của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô trong Kế Hoạch Cứu Rỗi

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô phục sinh tại ngôi mộ

Tội lỗi và cái chết tách rời chúng ta khỏi sự hiện diện của Cha Thiên Thượng. Chúng ta không thể quay trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế mà không có sự giúp đỡ thiêng liêng. Chúng ta phải hiểu vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài trong kế hoạch cứu rỗi để chúng ta có thể có đức tin nơi Ngài và tuân theo kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Nghiên cứu Mô Si A 3:17–19, tìm kiếm các cụm từ mô tả cách mà Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô khắc phục được những ảnh hưởng của Sự Sa Ngã và giúp chúng ta đạt được hạnh phúc và trở về cùng Cha Thiên Thượng. Tóm tắt những câu này theo cách của các em: Hãy tóm lược các câu này bằng lời riêng của các em:

Một nguyên tắc chúng ta học được là: Chúa Giê Su Ky Tô là nhân vật chính trong kế hoạch cứu rỗi, và Sự Chuộc Tội của Ngài là điều làm cho kế hoạch tác động đến tất cả các con cái của Thượng Đế.

  1. Đọc các đoạn thánh thư sau đây: 2 Nê Phi 2:8; Mô Si A 3:7–11; 16:4–8; An Ma 34:9, 15–16; Mặc Môn 9:13–14. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết một đoạn giải thích điều các đoạn thánh thư đó dạy về vai trò chính yếu của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô trong kế hoạch cứu rỗi. Các em có thể muốn gạch dưới các cụm từ có ý nghĩa đối với các em.

Trách Nhiệm của Chúng Ta trong Kế Hoạch Cứu Rỗi

Cha Thiên Thượng đã cung ứng kế hoạch hoàn hảo của Ngài để mang lại hạnh phúc vĩnh cửu và sự tôn cao của chúng ta với Ngài và những người thân yêu của chúng ta. Chúa Giê Su Ky Tô đã làm tròn vai trò của Ngài trong kế hoạch, khắc phục cái chết và làm cho chúng ta có thể khắc phục được tội lỗi và trở lại sống với Cha Thiên Thượng. Tuy nhiên, điều này không loại trừ trách nhiệm của chúng ta trong kế hoạch.

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết Một số các trách nhiệm của tôi trong kế hoạch cứu rỗi, và liệt kê điều mà mỗi câu thánh thư sau đây dạy về trách nhiệm cá nhân của chúng ta để mời quyền năng của Sự Chuộc Tội vào cuộc sống của chúng ta và hoàn toàn dự phần các phước lành của kế hoạch cứu rỗi:

    1. 2 Nê Phi 2:25–27

    2. Mô Si A 3:12–13

    3. An Ma 12:24–25, 32–34

    4. 3 Nê Phi 27:13–14, 20–22, 27

Các câu thánh thư này có thể giúp chúng ta hiểu rằng khi chọn để sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và tuân theo kế hoạch của Thượng Đế, thì chúng ta chuẩn bị tiếp nhận cuộc sống vĩnh cửu qua Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi.

  1. Giả sử các em được yêu cầu nói chuyện trong nhà thờ về kế hoạch cứu rỗi. Bằng cách sử dụng điều các em đã học được từ các câu thánh thư trong chỉ định ở trên, hãy viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em điều các em sẽ nói về trách nhiệm cá nhân của chúng ta trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng.

Hãy suy ngẫm điều các em có thể làm để làm tròn hơn trách nhiệm của mình trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng và mời quyền năng của Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống của các em. Hãy cân nhắc việc chia sẻ những ý nghĩ của các em với cha hoặc mẹ của các em, một anh chị em, hoặc một người bạn thân.

Kế Hoạch Cứu Rỗi Cung Cấp Các Câu Trả Lời và Sự Hướng Dẫn

Một sự hiểu biết về kế hoạch cứu rỗi có thể hướng dẫn các em khi đưa ra những quyết định và tìm kiếm những câu trả lời cho các câu hỏi mà các em hoặc những người khác có thể gặp phải.

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy trả lời một trong số các câu hỏi dưới đây bằng cách cho biết việc hiểu biết kế hoạch cứu rỗi cung cấp sự hướng dẫn và những câu trả lời như thế nào:

    1. Việc biết được các em là một con trai hay con gái thực sự của Thượng Đế ảnh hưởng đến cảm nghĩ của các em về giá trị bản thân như thế nào?

    2. Các em sẽ trả lời như thế nào cho một người nói rằng ″Đây là cuộc sống của tôi—Tôi muốn làm gì thì tôi làm″?

    3. Làm thế nào việc hiểu được kế hoạch cứu rỗi có thể giúp một người nào đó khắc phục những cảm nghĩ rằng cuộc sống chỉ nhằm có được vui thú và thỏa mãn ước muốn riêng của mình để được khoái lạc?

    4. Làm thế nào các em có thể sử dụng sự hiểu biết của mình về kế hoạch cứu rỗi để giúp một người nào đó đang trải qua thử thách và cảm thấy đó là vì Thượng Đế không yêu thương người ấy?

Sự hiểu biết về kế hoạch cứu rỗi có thể giúp các em tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế vì nó giải thích lý do tại sao chúng ta cần phải tuân theo các giáo lệnh này (xin xem An Ma 12:32).

  1. Hãy đọc 2 2 Nê Phi 2:25, và tóm lược mục đích của kế hoạch cứu rỗi bằng cách trả lời câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Trong những phương diện nào kế hoạch cứu rỗi đã mang lại niềm vui cho các em và gia đình của các em?

  2. Viết điều sau đây vào dưới cùng của bài tập của ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học bài học ″Kế Hoạch Cứu Rỗi″ và đã hoàn tất bài học này (vào ngày).

    Các câu hỏi, ý nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: