Lớp Giáo Lý
Đơn vị 22: Ngày 2, Hê La Man 3–4


Đơn vị 22: Ngày 2

Hê La Man 3–4

Lời Giới Thiệu

Trong thời gian được mô tả trong các chương đầu của Hê La Man, dân Nê Phi vui hưởng những thời kỳ thái bình và chịu đựng những thời gian tranh chấp. Hàng chục ngàn dân Nê Phi gia nhập Giáo Hội trong thời kỳ thái bình. Tiếp theo sự thịnh vượng lớn lao này, các tín hữu khiêm tốn hơn của Giáo Hội đều gia tăng đức tin của họ mặc dù bị ngược đãi bởi những người đã trở nên kiêu ngạo. Vì nhiều dân Nê Phi trở nên tà ác, nên họ đã để mất tất cả các vùng đất phía nam của họ vào tay dân La Man.

Hê La Man 3

Nhiều dân Nê Phi di chuyển lên phía bắc trong khi Giáo Hội thịnh vượng ở giữa sự tà ác và ngược đãi

Đọc Hê La Man 3:1–2, và lưu ý rằng trong nhiều năm đã không có “sự tranh chấp nào” ở giữa dân Nê Phi. Bây giờ đọc Hê La Man 3:3, 19, và nhận ra các từ hoặc cụm từ cho thấy những điều đã thay đổi ở giữa dân Nê Phi.

Hê La Man 3:4–16 giải thích rằng khi sự tranh chấp gia tăng ở giữa dân Nê Phi, thì nhiều người đã di chuyển lên phía bắc. Nhiều dân Nê Phi trở nên tà ác và gia nhập với dân La Man.

Mặc dù có sự tranh chấp và tà ác, nhưng Hê La Man đã chọn sống theo cách khác. Hê La Man đang phục vụ với tư cách là trưởng phán quan của dân Nê Phi và cũng là một vị tiên tri ở giữa họ. Đọc Hê La Man 3:20, và nhận ra điều mô tả Hê La Man. (Từ bình đẳng có nghĩa là công bằng hoặc không thiên vị).

Điều gì gây ấn tượng cho các em về Hê La Man? Tại sao các em nghĩ rằng ông ta vẫn rất mạnh mẽ trong thời kỳ tranh chấp và tà ác này? Các em có thể muốn đánh dấu từ luôn luôn trong Hê La Man 3:20.

Đọc Hê La Man 3:22–26, và đánh dấu cách dân Nê Phi bắt đầu thay đổi tốt hơn. Có bao nhiêu người đã gia nhập Giáo Hội?

Mặc Môn thường sử dụng các cụm từ “do đó chúng ta có thể thấy,” “do đó chúng ta thấy,” và “chúng ta thấy” để chỉ ra các lẽ thật mà ông muốn chúng ta học. Trong Hê La Man 3:27–30 những cụm từ này được sử dụng nhiều lần, cho thấy rằng Mặc Môn muốn chúng ta học một số bài học quan trọng. Đọc Hê La Man 3:27–30, và đánh dấu các cụm từ chính yếu và nhận ra các bài học mà Mặc Môn muốn chúng ta học.

  1. Hoàn tất các bài tập sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Viết điều Mặc Môn muốn các em biết từ Hê La Man 3:27–30 về lời của Thượng Đế.

    2. Viết về việc các em học thánh thư đã giúp các em tránh sự tà ác và giữ các em trên con đường hướng đến nơi hiện diện của Thượng Đế như thế nào.

Đọc Hê La Man 3:32–34, và lưu ý rằng một số tín hữu Giáo Hội bắt đầu ngược đãi các tín hữu Giáo Hội. Những kẻ ngược đãi là những người nói rằng họ thuộc vào Giáo Hội, nhưng lòng họ thực sự tràn đầy tính kiêu ngạo và không tin vào những lời giảng dạy của Giáo Hội. Các hành động của họ đã khiến cho các tín hữu khiêm nhường của Giáo Hội phải chịu nhiều hoạn nạn. Hãy nghĩ xem thật là khó khăn biết bao khi đi nhà thờ và bị các tín hữu khác của Giáo Hội ngược đãi vì các em đã chọn để noi theo các vị tiên tri và các giáo lệnh của Thượng Đế.

Đọc Hê La Man 3:35 để biết các tín hữu trung thành của Giáo Hội đã hành động như thế nào trong suốt thời gian họ bị ngược đãi và hoạn nạn.

  1. Dựa trên việc các em họcvề Hê La Man 3:35, hãy trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Đức tin của các tín hữu khiêm nhường của Giáo Hội đã gia tăng hay giảm bớt trong thời gian họ bị hoạn nạn?

    2. Các tín hữu khiêm nhường của Giáo Hội đã làm điều gì để củng cố đức tin của họ?

    3. Các tín hữu Giáo Hội này đã nhận được các phước lành nào?

Bằng cách học Hê La Man 3:33–35, chúng ta có thể biết rằng mỗi cá nhân xác định được sự ngược đãi và hoạn nạn sẽ ảnh hưởng đến họ như thế nào. Hoàn tất lời phát biểu này dựa trên điều các em đã học được từ những câu này: Mặc dù bị ngược đãi và thử thách nhưng đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô có thể gia tăng khi chúng ta . (Có một số cách để hoàn tất câu này). Các em có thể muốn viết câu của các em vào thánh thư của mình bên cạnh Hê La Man 3:33–35.

  1. Để giúp các em hiểu rõ hơn những lời giảng dạy của những câu này, hãy trả lời cho hai hoặc tất cả các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Việc cầu nguyện hoặc nhịn ăn đã giúp đỡ các em như thế nào trong thời gian bị ngược đãi hoặc thử thách?

    2. Các em nghĩ việc hiến dâng lòng mình lên Thượng Đế có nghĩa là gì?

    3. Khi nào đức tin của các em nơi Chúa Giê Su Ky Tô đã gia tăng trong lúc bị ngược đãi hoặc thử thách?

Đọc Hê La Man 3:36–37, và nhận ra trạng thái thuộc linh của hầu hết dân Nê Phi vào lúc Hê La Man chết.

Hê La Man 4

Thánh Linh của Chúa rút khỏi dân Nê Phi, và dân La Man chinh phục tất cả các vùng đất phía nam của dân Nê Phi

Như đã được ghi trong Hê La Man 4, sau khi Hê La Man chết, tính kiêu ngạo và mối bất hòa ở giữa dân Nê Phi đã khiến cho nhiều người Nê Phi gia nhập với dân La Man. Dân La Man đánh với dân Nê Phi. Đọc Hê La Man 4:4–8, và đánh dấu trên bản đồ lãnh thổ mà các em nghĩ rằng dân La Man đã chinh phục.

Hình Ảnh
Territory Map
  1. Chia một trang trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em bằng cách vẽ một đường thẳng đứng ở giữa trang. Trên đầu của một bên trang hãy viết: Các cụm từ cho thấy thái độ và các hành động của dân Nê Phi. Ở phía bên kia của trang hãy viết: Các cụm từ cho thấy điều đã xảy ra vì những hành động này. Đọc Hê La Man 4:11–13, 21–26, và viết ít nhất ba cụm từ dưới mỗi tiêu đề.

Một trong các nguyên tắc quan trọng chúng ta học được từ Hê La Man 4 là như sau: Tính kiêu ngạo và sự tà ác tách rời chúng ta khỏi Thánh Linh của Chúa và bỏ mặc chúng ta cho sức mạnh của chính mình. Các em có thể muốn viết nguyên tắc này trong thánh thư của mình bên cạnh Hê La Man 4:23–25.

Theo kinh nghiệm của dân Nê Phi, việc bị bỏ mặc cho sức mạnh của họ thường có nghĩa là thua trận và mất đất đai của họ (xin xem Hê La Man 4:25–26). Trong cuộc sống của chúng ta, việc bị bỏ mặc cho sức mạnh của chúng ta có thể có nghĩa là mất đi sự đồng hành của Thánh Linh.

  1. Hãy nghĩ về các “trận chiến” các em gặp phải trong cuộc sống của mình, và viết về một hoặc nhiều trận chiến trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em. Viết ít nhất một điều các em có thể làm để duy trì sự đồng hành của Thánh Linh trong cuộc sống của các em. Cũng hãy viết những cảm nghĩ của các em về tầm quan trọng của việc có được Thánh Linh trong cuộc sống của mình để giúp các em đối phó với các trận chiến trong cuộc sống của các em với sức mạnh của Chúa.

  2. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã nghiên cứu Hê La Man 3–4 và hoàn tất bài học này (vào ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: