Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 14: Ngày 3, Mô Si A 28–29


Đơn Vị 14: Ngày 3

Mô Si A 28–29

Lời Giới Thiệu

Sau khi cải đạo, các con trai của Mô Si A cảm thấy một ước muốn mạnh mẽ để thuyết giảng phúc âm cho dân La Man. Vua Mô Si A ủng hộ quyết định của họ, nhưng sau đó ông không có người kế vị ngai vàng của mình và một người trông nom giữ gìn các biên sử thánh thư. Ông đã giao cho An Ma (con trai của An Ma) trách nhiệm trông coi các biên sử đó. Thay vì chỉ định một nhà vua khác, ông đã thiết lập một hệ thống các phán quan như là một hình thức chính quyền mới.

Hình Ảnh
Mô Si A và các con trai

Mô Si A 28:1–9

Các con trai của Mô Si A mong muốn thuyết giảng cho dân La Man

Bên cạnh mỗi lời phát biểu dưới đây, hãy đánh giá những ước muốn của các em trong các lĩnh vực sau đây. Sử dụng thang điểm từ 1 đến 10 (1 cho thấy “không có ước muốn,” và 10 cho thấy một “ước muốn vô cùng mạnh mẽ”).

  • Tôi có một ước muốn chân thành để giúp người khác tìm thấy hạnh phúc vĩnh cửu.

  • Tôi sẵn lòng hy sinh để giúp đỡ người khác.

  • Tôi có một ước muốn để chia sẻ phúc âm với những người khác.

  • Nếu các em là một thanh niên, hãy đánh giá ước muốn của các em để phục vụ truyền giáo toàn thời gian. (Nếu là một thiếu nữ, thì các em cũng có thể chọn để đánh giá ước muốn của mình).

Xem lại Mô Si A 27:8–10, và nhận ra xem An Ma và các con trai của Mô Si A đáng lẽ đã đánh giá trong những lời phát biểu ở trên trước khi họ cải đạo như thế nào.

Bây giờ hãy đọc Mô Si A 28:1–3, và nhận ra xem các con trai của Mô Si A đã thay đổi như thế nào trong các lĩnh vực đã được nhận ra ở trên. Khi các em đọc, hãy nhớ rằng từ diệt vong ám chỉ bị mất phần thuộc linh.

Viết các câu trả lời của các em cho các câu hỏi sau đây:

Các con trai của Mô Si A muốn chia sẻ phúc âm với ai?

Từ những điều các em đã học được trong Sách Mặc Môn đến nay, các con trai của Mô Si A có thể đã gặp phải những khó khăn hay nguy hiểm nào trong công việc truyền giáo cho dân La Man?

Đọc Mô Si A 28:4, và xem coi các em sẽ nói lại bằng lời riêng của mình như thế nào. Hãy lưu ý sự cải đạo của các con trai của Mô Si A đã ảnh hưởng như thế nào đến ước muốn của họ để chia sẻ phúc âm. Trong Mô Si A 28:1–4 chúng ta học nguyên tắc: Khi sự cải đạo của chúng ta là nhiệt thành, thì ước muốn của chúng ta để chia sẻ phúc âm gia tăng.

Hình Ảnh
Anh Cả Dallin H. Oaks

Đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ (các em có thể muốn viết lời phát biểu này ở ngoài lề trang thánh thư bên cạnh Mô Si A 28:1–4): “Sự mãnh liệt của ước muốn chúng ta để chia sẻ phúc âm là sự đo lường quan trọng mức độ cải đạo của cá nhân chúng ta” (“Chia Sẻ Phúc Âm,” Liahona, tháng Giêng năm 2002, 7).

Trong câu đầu tiên của Mô Si A 28:4, đánh dấu việc các con trai của Mô Si A đã được ảnh hưởng như thế nào trong ước muốn của họ để chia sẻ phúc âm. Hãy lưu ý rằng Thánh Linh của Chúa có một vai trò quan trọng trong việc gia tăng ước muốn của chúng ta để chia sẻ phúc âm.

  1. Trả lời một trong những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Ước muốn của các em để chia sẻ phúc âm đã gia tăng như thế nào khi các em củng cố chứng ngôn của mình?

    2. Những kinh nghiệm nào trong cuộc sống của các em đã dẫn dắt các em đến việc muốn chia sẻ phúc âm với những người khác?

    3. Nếu các em không cảm thấy rằng mình có được một ước muốn mạnh mẽ để chia sẻ phúc âm vào lúc này thì các em có thể làm gì để gia tăng ước muốn đó? (Đọc An Ma 17:2–3.)

  1. Hãy tưởng tượng ra một thanh niên là tín hữu của Giáo Hội, nhưng có ít hoặc không có ước muốn để phục vụ truyền giáo toàn thời gian. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết thư cho cậu ta, đề nghị điều cậu ta có thể làm để gia tăng ước muốn để chia sẻ phúc âm. Các em có thể muốn nói đến điều gì đã làm cho các em trở nên cải đạo hơn theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và đề nghị các sinh hoạt hoặc kinh nghiệm tương tự cho người thanh niên này. Hãy nhớ rằng khi các em viết rằng nếu càng được cải đạo sâu hơn thì sẽ càng có nhiều ước muốn hơn để chia sẻ phúc âm với những người khác.

Khi các em tiếp tục học Mô Si A 28, hãy tưởng tượng cảm nghĩ của các em sẽ như thế nào nếu một người mà các em yêu thương muốn đi sống ở giữa một dân tộc hung bạo và ghét những người không giống như họ. Đọc Mô Si A 28:5–9, và nhận ra lý do tại sao Mô Si A để cho các con trai của ông đi phục vụ một công việc truyền giáo nguy hiểm như vậy. Trong sách của An Ma, các em sẽ học về “nhiều người tin lời chúng” (Mô Si A 28:7)—hàng ngàn dân La Man đã được cải đạo nhờ nỗ lực của các con trai của Mô Si A.

Mô Si A 28:10–20

Mô Si A phiên dịch các bảng khắc Gia Rết và trao tất cả các biên sử ông đã lưu giữ cho An Ma

Phần còn lại của Mô Si A 28 ghi lại rằng Vua Mô Si A đã trở nên lớn tuổi và cảm thấy cần phải chọn người kế tiếp để trông nom gìn giữ các biên sử thiêng liêng trước khi ông qua đời. Vì hai thế hệ trước, nhà vua đã trao các bảng khắc cho vị vua kế tiếp. Nhưng vì các con trai của Vua Mô Si A đã đi truyền giáo, nên ông đã không có con trai để thừa kế ngai vàng và do đó không có người trông nom gìn giữ các biên sử. Các bảng khắc Gia Rết được gồm vào trong các biên sử này là do Mô Si A phiên dịch nhờ vào quyền năng của Thượng Đế (xin xem Mô Si A 28:11–19).

Hình Ảnh
ngôi vua
Hình Ảnh
các bảng khắc bằng vàng

Nếu các em phải chọn một người nào đó để trông nom gìn giữ các biên sử thiêng liêng, thì các em muốn người đó phải có những đặc điểm nào?

Hãy mô tả cảm nghĩ của các em nếu một người nào đó chọn các em để trông nom gìn giữ các bảng khắc.

Đọc Mô Si A 28:20, và tìm kiếm tên của người Mô Si A đã chọn để trông nom gìn giữ các bảng khắc.

  1. Viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em về quyết định của Vua Mô Si A giảng dạy điều gì cho các em về sự thay đổi trong lòng của An Ma. (Để trả lời cho câu hỏi này, các em có thể cần phải xem xét các hành động trước đây của An Ma, đã được ghi lại trong Mô Si A 27). Ngoài ra, cũng giải thích việc Mô Si A tin cậy vào An Ma có thể đem lại hy vọng cho những người hối cải như thế nào.

Mô Si A 29

Dân của Mô Si A chọn một hệ thống các phán quan như là một hình thức chính quyền mới

Hình Ảnh
An Ma là phán quan

Như đã được ghi lại trong Mô Si A 29, Vua Mô Si A đã đề nghị rằng chính quyền Nê Phi không còn được một nhà vua, mà được một hệ thống các phán quan điều hành. Đọc và so sánh Mô Si A 23:7–8Mô Si A 29:13, 16–18. Theo các câu thánh thư này, một chế độ quân chủ (do một nhà vua hoặc nữ hoàng cầm quyền) là một hình thức chính quyền tốt trong hoàn cảnh hoặc điều kiện nào? Tại sao Mô Si A khuyên bảo dân Nê Phi chống lại việc tiếp tục chế độ quân chủ?

Đọc Mô Si A 29:11, 25, và khoanh tròn những câu trả lời sau đây cho thấy điều Mô Si A đã nói về các phán quan phải xét xử dân chúng như thế nào: (a) với lòng thương xót lớn lao, (b) dựa theo pháp luật, (c) dựa theo các giáo lệnh của Thượng Đế, (d) với sự nghiêm minh.

Đọc Mô Si A 29:26, 30, 33–34, 37–38, và khám phá ra vai trò của dân chúng trong hình thức chính quyền mới mà Vua Mô Si A đề nghị.

  1. Viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em lý do tại sao các em tin rằng là điều quan trọng để mỗi công dân của một quốc gia phải “gánh chịu lấy phần của mình” trong việc phục vụ đất nước của mình (Mô Si A 29:34).

An Ma được chỉ định làm vị phán quan đầu tiên, và ông đã làm tròn vai trò của mình trong sự ngay chính (xin xem Mô Si A 29:41–43).

Bằng lời riêng của các em, hãy viết một nguyên tắc các em đã học được từ Mô Si A 29:

Chương này dạy một nguyên tắc là: Mỗi người có một nhiệm vụ ủng hộ luật pháp và các vị lãnh đạo ngay chính.

  1. Viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em một cách mà các em có thể hỗ trợ luật pháp và các vị lãnh đạo ngay chính ở đất nước của mình.

  2. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học Mô Si A 28–29 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: