Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 6: Ngày 1, 2 Nê Phi 4–5


Đơn Vị 6: Ngày 1

2 Nê Phi 4–5

Lời Giới Thiệu

Trong 2 Nê Phi 4 các em sẽ đọc về cách Lê Hi kêu gọi con cháu của ông quy tụ lại để đưa ra cho họ lời khuyên dạy và phước lành cuối cùng trước khi ông qua đời. Sau khi Lê Hi qua đời, La Man và Lê Mu Ên trở nên tức giận Nê Phi vì đã thuyết giảng cho họ về “những lời khiển trách của Chúa” (xin xem 2 Nê Phi 4:13–14). Buồn phiền vì thái độ và hành động của các anh của mình cũng như vì những yếu kém và tội lỗi của mình, Nê Phi đã ghi lại những cảm nghĩ của mình bằng lời lẽ truyền cảm và đầy thi vị (xin xem 2 Nê Phi 4:15–35). Như đã được ghi trong 2 Nê Phi 5, Chúa cảnh báo Nê Phi và những người ủng hộ ông phải chạy trốn La Man, Lê Mu Ên, và các con trai của Ích Ma Ên. Tiếp theo sự tách rời này, dân Nê Phi sống trong sự ngay chính và hạnh phúc, trong khi những người ở lại với La Man và Lê Mu Ên tự tách rời phần thuộc linh khỏi Chúa. Lòng tận tụy của Nê Phi đối với Chúa đã củng cố ông để khắc phục tội lỗi và sự chán nản. Sau đó, Nê Phi ghi lại việc ông và dân của ông “được sống trong hạnh phúc” như thế nào (2 Nê Phi 5:27).

2 Nê Phi 4:3–11

Lê Hi khuyên dạy và ban phước cho gia đình của mình

Hãy nghĩ về một thời gian mà các em nhận được lời khuyên dạy hoặc lời khuyên bảo từ mẹ, cha, hoặc những người lãnh đạo của các em. Các em có tuân theo lời khuyên đó không? Tại sao các em có tuân theo hoặc không tuân theo lời khuyên đó? Các em có bất cứ điều gì hối tiếc không? Trong 2 Nê Phi 4:1–11, Nê Phi đã ghi lại lời khuyên bảo và phước lành cuối cùng của Lê Hi cho gia đình của ông. Đọc 2 Nê Phi 4:4–5, và nhận ra lời khuyên bảo Lê Hi đã đưa ra cho con cái của ông mà cũng có thể áp dụng cho các em. Cha mẹ, những người trong gia đình, hoặc những người lãnh đạo của các em có bao giờ đưa ra cho các em lời khuyên bảo tương tự không?

Hình Ảnh
Lê Hi cầm các bảng khắc bằng đồng
  1. Lập một bản liệt kê trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em về một số phước lành đã đến với cuộc sống của các em nhờ vào việc lắng nghe lời khuyên bảo của những người quan tâm tới các em. Các phước lành nào đã đến từ việc tuân theo các lệnh truyền của Chúa?

2 Nê Phi 4:12–35

Nê Phi bày tỏ niềm tin cậy của mình nơi Chúa và thừa nhận sự yếu kém của mình

Trong 2 Nê Phi 4:12–35, Nê Phi đã viết “những điều trong tâm hồn [ông]” (2 Nê Phi 4:15). Đọc 2 Nê Phi 4:15–16, và tìm kiếm điều Nê Phi đã vui thích.

Hãy nghĩ về những điều lành mạnh mang lại cho các em niềm vui lớn lao. Hãy hoàn tất cụm từ sau đây với vài câu trả lời: Tâm hồn tôi rất vui thích .

  1. Viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em việc các em nghĩ vui thích trong những sự việc của Chúa có nghĩa là gì.

Nê Phi đã nói rằng “lòng tôi suy ngẫm nhiều” (2 Nê Phi 4:15) về thánh thư. Suy ngẫm có nghĩa là không những suy tư và suy nghĩ cặn kẽ về thánh thư mà còn mở rộng lòng của chúng ta cho sự mặc khải và sự hiểu biết.

Nê Phi đã trải qua những giây phút vui mừng lớn lao trong cuộc sống của ông; tuy nhiên, ông cũng gặp phải những giây phút khó khăn. Xem lại 2 Nê Phi 4:12–13 để khám phá ra một số thử thách khó khăn Nê Phi đã gặp phải vào thời điểm đó trong cuộc sống của ông.

Đọc 2 Nê Phi 4:17–18, và tìm kiếm điều nào khác nữa đã làm cho Nê Phi sầu khổ. Khi các em đọc, hãy ghi nhớ những định nghĩa sau đây: Khốn thay có nghĩa là đau khổ hoặc vô dụng. Xác thịt ám chỉ sự yếu kém trong trạng thái hữu diệt của chúng ta. Quấy nhiễu có nghĩa là bao vây hoặc thúc ép mọi phía, gây phiền hà, hay quấy rầy. Mặc dù Nê Phi cảm thấy đau khổ vì tội lỗi của mình, nhưng các em cũng đừng nên hiểu lầm rằng có nghĩa là ông đã phạm vào bất cứ tội lỗi nghiêm trọng nào.

Hãy xem xét một thời gian trong cuộc sống của các em khi các em có thể thông cảm với cảm nghĩ của Nê Phi (chẳng hạn như khi các em bị mất một người thân, những người khác đã tức giận các em vì noi theo Chúa, các em phải đối phó với nỗi gian khổ hoặc thất vọng, hoặc các em cảm thấy đau khổ vì tội lỗi, những yếu kém, và cám dỗ của các em). Đọc 2 Nê Phi 4:19, và nhận ra cụm từ diễn tả niềm hy vọng của Nê Phi bất chấp nỗi buồn của ông. Các em nghĩ Nê Phi đã có ý nói gì khi ông nói: “Tôi biết mình đã đặt lòng tin cậy nơi ai rồi.”? Bằng cách nào các em có thể đặt niềm tin cậy lớn lao hơn nơi Thượng Đế?

Khi các em tiếp tục học, thì hãy tìm kiếm bằng chứng về nguyên tắc phúc âm rằngThượng Đế hỗ trợ những người đặt lòng tin cậy nơi Ngài.

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy trả lời các câu hỏi trong biểu đồ sau đây:

Phần Tham Khảo Thánh Thư

Những Câu Thánh Thư Này Đã Áp Dụng cho Nê Phi Như Thế Nào

Những Câu Thánh Thư Này Có Thể Áp Dụng cho Các Em Như Thế Nào

2 Nê Phi 4:20–25

  1. Chúa đã ban phước cho Nê Phi như thế nào trong quá khứ vì ông đã đặt niềm tin cậy nơi Ngài?

  1. Chúa đã ban phước cho các em như thế nào khi các em đã đặt niềm tin cậy nơi Ngài?

2 Nê Phi 4:26–30

  1. Việc ghi nhớ các phước lành của ông đã ảnh hưởng như thế nào đến những ước muốn của Nê Phi để sống ngay chính?

  1. Các phước lành của Chúa đã ảnh hưởng như thế nào đến ước muốn của các em để sống ngay chính?

2 Nê Phi 4:31–33

  1. Nê Phi cầu nguyện về điều gì?

  1. Các em có thể áp dụng những câu thánh thư này trong lời cầu nguyện của các em như thế nào?

Đọc 2 Nê Phi 4:34–35, và đánh dấu các cụm từ cho thấy sự tin tưởng của Nê Phi nơi Chúa.

  1. Viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em điều các em đã học được từ việc nghiên cứu 2 Nê Phi 4:17–35 và những cách các em muốn gia tăng niềm tin cậy của các em nơi Chúa.

2 Nê Phi 5:1–8

Chúa tách rời dân Nê Phi ra khỏi dân La Man

Khi các em học 2 Nê Phi 5, hãy nghĩ về các vấn đề và quyết định khó khăn các em có thể đang trải qua hoặc đã trải qua. Trong chương này, Nê Phi đã giải thích rằng các anh của mình đã “tìm cách lấy mạng sống của tôi” (2 Nê Phi 5:2). Hãy lưu ý rằng trong 2 Nê Phi 5:1 điều Nê Phi đã làm để tìm ra một giải pháp cho vấn đề. Sau đó đánh dấu trong thánh thư của các em điều Chúa đã làm để giúp Nê Phi trong 2 Nê Phi 5:5.

Hình Ảnh
nhóm dân Nê Phi

Do lời cảnh báo này, Nê Phi và “tất cả những người nào … là những người tin vào những sự báo trước và mặc khải của Thượng Đế” (2 Nê Phi 5:6) rời bỏ mảnh đất thừa hưởng đầu tiên của họ. Họ đã hành trình “suốt nhiều ngày” (2 Nê Phi 5:7) và định cư ở một nơi mà họ gọi là Nê Phi. Kinh nghiệm này cho thấy rằng sự an toàn có được từ việc tuân theo những điều mặc khải của Thượng Đế.

Đọc chứng ngôn sau đây từ Anh Cả Paul V. Johnson thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi: “Không ngạc nhiên để thấy rằng khi chúng ta gặp phải điều xấu xa và cám dỗ khủng khiếp thì Chúa không bỏ mặc chúng ta để một mình tìm ra con đường của mình. Quả thật, nhiều sự hướng dẫn đầy đủ có sẵn cho mỗi người chúng ta nếu chúng ta chịu lắng nghe. Các em đã nhận được ân tứ Đức Thánh Linh để hướng dẫn và soi dẫn cho mình. Các em có thánh thư, cha mẹ, các vị lãnh đạo và giảng viên trong Giáo Hội. Các em cũng có lời của các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải là những người sống trong thời kỳ chúng ta. “Có rất nhiều sự hướng dẫn và chỉ dẫn để các em sẽ không làm những lỗi lầm nghiêm trọng trong cuộc sống của mình trừ khi các em cố tình bỏ qua sự hướng dẫn mà các em nhận được” (“Các Phước Lành của Đại Hội Trung Ương,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2005, 51).

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết một lời cảnh báo các em đã nhận được từ Chúa, các vị tiên tri của Ngài, hoặc các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội. Các em đang làm điều gì để lưu tâm đến lời cảnh báo đó? Việc lưu tâm đến lời cảnh báo đó đã giúp các em trong cuộc sống của mình như thế nào, và làm thế nào việc đó sẽ giúp các em trong tương lai?

2 Nê Phi 5:9–18, 26–27

Dân Nê Phi được sống trong hạnh phúc

Sau khi kể lại các tình huống dẫn đến sự chia rẽ của gia đình Lê Hi, Nê Phi đã mô tả cuộc sống của “dân Nê Phi” như thế nào (2 Nê Phi 5:9). Đọc 2 Nê Phi 5:27, và đánh dấu cụm từ dùng để chỉ cách sống của dân Nê Phi. Các em nghĩ “trong hạnh phúc” có nghĩa là gì?

  1. Hãy đọc kỹ 2 Nê Phi 5:10–18, 26, và đánh dấu trong thánh thư của các em điều mà dân Nê Phi đã có hoặc đã làm để góp phần vào hạnh phúc của họ. Chọn một trong những điều này, và viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em về hành động hoặc thái độ đó đã góp phần vào hạnh phúc của các em như thế nào. Ví dụ, nếu các em chọn sự kiện rằng dân Nê Phi xây cất một đền thờ (xin xem 2 Nê Phi 5:16), các em có thể viết là đền thờ đã mang lại hạnh phúc lớn lao hơn cho các em hay gia đình của các em như thế nào.

Những hành động và thái độ mà các em đã nhận ra là một phần của việc sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Các em có thể muốn viết nguyên tắc sau đây trong thánh thư của các em bên cạnh 2 Nê Phi 5:27: Khi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trở thành cách sống của mình, thì chúng ta tiến triển trong hạnh phúc. Điều này đúng đối với dân Nê Phi ngay cả trong một thời gian rất khó khăn. Hãy xem xét cuộc sống của các em và xác định một điều mà các em sẽ làm để sống một cách trọn vẹn hơn trong hạnh phúc. Hãy viết điều này vào trong nhật ký cá nhân hoặc trong thánh thư của các em. Các nguyên tắc các em đã học ngày hôm nay đều dẫn đến hạnh phúc.

  1. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học 2 Nê Phi 4–5 và hoàn tất bài học này (vào ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: