Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 10: Ngày 1, Gia Cốp 5–6


Đơn Vị 10: Ngày 1

Gia Cốp 5–6

Lời Giới Thiệu

Gia Cốp 5 chứa đựng chuyện ngụ ngôn cây ô liu lành và cây ô liu dại, chính là câu chuyện do vị tiên tri tên là Giê Nốt kể đầu tiên. Gia Cốp đã sử dụng chuyện ngụ ngôn này để giảng dạy rằng Chúa luôn luôn cố gắng mang lại sự cứu rỗi cho dân giao ước của Ngài, ngay cả khi họ quay lưng lại với Ngài. Chuyện ngụ ngôn này cho thấy rằng Chúa đã phân tán những thành phần của gia tộc Y Sơ Ra Ên—dân giao ước của Ngài—trên khắp thế gian và Ngài sẽ quy tụ dân của Ngài trong những ngày sau. Câu chuyện ngụ ngôn này áp dụng cụ thể cho chúng ta và cá nhân chúng ta ngày nay với tư cách là các thành viên trong gia tộc Y Sơ Ra Ên và các tôi tớ của Chúa. Trong Gia Cốp 6, Gia Cốp đã nhấn mạnh đến lòng thương xót và công lý của Chúa trong khi khuyến khích dân của ông—và chúng ta—nên hối cải.

Gia Cốp 5:1–12

Gia Cốp trích dẫn Giê Nốt, là người đã so sánh gia tộc Y Sơ Ra Ên với một cây ô liu lành

Các em có biết một người bạn hoặc một người thân yêu nào có thắc mắc về tình yêu thương của Thượng Đế đối với người đó không, nhất là trong một thời gian thử thách khi người này có thể đã quay lưng lại với Ngài? Xem xét các ví dụ sau đây:

  • Một người nắm giữ chức tư tế trẻ tuổi nhiễm phải một thói quen tội lỗi. Anh ta tin rằng những người khác có thể được tha thứ, nhưng anh ta nghĩ rằng Chúa sẽ không chấp nhận sự hối cải của anh ta.

  • Một thiếu nữ vi phạm một giáo lệnh. Em ấy nếm mùi tội lỗi, và cảm thấy khủng khiếp về bản thân mình, và tự hỏi không biết Chúa vẫn còn yêu thương mình hay không.

Gia Cốp tiên tri rằng dân Do Thái sẽ chối bỏ Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Gia Cốp 4:15). Ông cũng tiên tri rằng Chúa Giê Su Ky Tô sẽ tiếp tục lao nhọc để cứu rỗi dân Ngài ngay cả sau khi họ đã chối bỏ Ngài. Để minh họa lẽ thật này, Gia Cốp đã trích dẫn một chuyện ngụ ngôn được một vị tiên tri tên là Giê Nốt kể (xin xem Gia Cốp 5:1). Chuyện ngụ ngôn cũng giống như một ẩn dụ, là một câu chuyện sử dụng các nhân vật, các đồ vật, và hành động mang tính chất biểu tượng để giảng dạy các lẽ thật. Khi các em học Gia Cốp 5, hãy xem xét xem Chúa luôn luôn giúp đỡ các em như thế nào ngay cả khi các em đã phạm tội.

Đọc Gia Cốp 5:2, và đánh dấu trong thánh thư của các em Giê Nốt đã nhắm vào người nào để giảng dạy điều này.

Vì đã lập các giao ước với Chúa qua phép báp têm, nên các em cũng là một thành viên của gia tộc Y Sơ Ra Ên. Các em là một phần của câu chuyện được kể trong Gia Cốp 5. Đọc Gia Cốp 5:3, và đánh dấu điều Giê Nốt đã sử dụng trong câu chuyện ngụ ngôn của ông để tiêu biểu cho gia tộc Y Sơ Ra Ên. Cũng đánh dấu điều đã bắt đầu xảy ra với cây ô liu lành.

Hình Ảnh
cây ô liu

Lưu ý rằng cước chú d trong Gia Cốp 5:3 cho thấy rằng sự tàn tạ của cây tiêu biểu cho sự bội giáo. Sự bội giáo xảy ra khi các cá nhân hoặc nhóm người quay lưng lại với Chúa và phúc âm của Ngài.

Biểu đồ sau đây liệt kê các biểu tượng giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của câu chuyện ngụ ngôn của Giê Nốt. Cũng có các câu được liệt kê ở chỗ các biểu tượng này xuất hiện lần đầu tiên. Đánh dấu các biểu tượng này trong thánh thư của các em. Các em cũng có thể muốn viết ý nghĩa của một số biểu tượng ở bên lề của thánh thư của các em.

Gia Cốp 5: Chuyện Ngụ Ngôn về Cây Ô Liu Lành và Cây Ô Liu Dại

Biểu tượng

Ý nghĩa

Cây ô liu lành (câu 3)

Gia tộc Y Sơ Ra Ên, dân giao ước của Thượng Đế

Vườn nho (câu 3)

Thế gian

Sự tàn tạ (câu 3)

Tội lỗi và sự bội giáo

Chủ vườn (câu 4)

Chúa Giê Su Ky Tô

Tỉa xén, vun xới và chăm bón (câu 4)

Các nỗ lực của Chúa để giúp chúng ta sống ngay chính và đem lại những việc làm tốt

Nhánh (câu 6)

Nhóm người

Cây ô liu dại (câu 7)

Dân Ngoại—những người đã không lập giao ước với Chúa. Về sau trong câu chuyện ngụ ngôn, cây ô liu thiên nhiên, tượng trưng cho các thành phần của gia tộc Y Sơ Ra Ên trong sự bội giáo, cũng được mô tả là “dại.”

Cắt bỏ và ghép vào các cành cây (các câu 7–8)

Sự phân tán và quy tụ dân giao ước của Chúa. Ngoài ra, việc ghép cành ô liu dại vào cây ô liu lành tượng trưng cho việc cải đạo của những người dân Ngoại, họ là những người trở thành một phần dân giao ước của Chúa qua phép báp têm.

Thiêu cháy các cành (câu 7)

Sự đoán phạt của Thượng Đế đối với kẻ tà ác

Trái cây (câu 8)

Cuộc sống hoặc việc làm của dân chúng

Rễ của cây ô liu lành (câu 11)

Các giao ước Chúa lập với những người noi theo Ngài. Rễ cũng có thể tượng trưng cho những người mà Chúa đã giao ước thời xưa, như Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp (xin xem Gia Cốp 6:4).

Đọc Gia Cốp 5:4–6, và đánh dấu điều Chủ vườn nho đã làm trước tiên để cứu cây ô liu lành. Hãy nhìn vào biểu đồ trên, và xem ai là Chủ vườn nho và các hành động cắt tỉa, vun xới, và nuôi dưỡng tượng trưng cho điều gì.

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giải thích những điều mà câu chuyện ngụ ngôn này có dụng ý nói đến. Khi các em đọc lời giải thích của ông hãy gạch dưới điều gì ông giảng dạy là có ý nghĩa sâu sắc hơn của câu chuyện ngụ ngôn này.

“Như đã được Gia Cốp thuật lại, ngay từ đầu câu chuyện ngụ ngôn này đã dự định nói về Đấng Ky Tô [Chủ vườn nho]. …

“Ngay cả khi Chúa vườn nho và những người làm công của ông cố gắng củng cố, tỉa xén, làm sạch, và nói cách khác, làm cho cây có năng suất cao, như đã được tóm lược trong một chương lịch sử về sự phân tán và quy tụ của dân Y Sơ Ra Ên, thì ý nghĩa sâu sắc hơn về Sự Chuộc Tội làm thúc đẩy và ảnh hưởng đến những công việc của họ” (Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [1997], 165).

Mặc dù Gia Cốp 5 dường như nói về cây ô liu, những câu chuyện ngụ ngôn này kể về những người đã quay lưng lại với Chúa trong tội lỗi và những nỗ lực của Chúa để giúp họ trở về với Ngài. Chương này dạy rằng Chúa yêu thương chúng ta và lao nhọc cần mẫn vì sự cứu rỗi của chúng ta. Khi các em tiếp tục nghiên cứu câu chuyện ngụ ngôn này, hãy tìm kiếm bằng chứng về lẽ thật này bằng cách chú ý kỹ tới những cảm nghĩ của Chúa đối với Y Sơ Ra Ên—cây ô liu lành—và những nỗ lực bền bỉ của Ngài để cứu cái cây đó. Ví dụ, hãy đọc Gia Cốp 5:7, và suy ngẫm cụm từ “Ta rất đau buồn nếu phải mất cây này.” Các em nghĩ Chúa đã cho thấy những cảm xúc nào ở đây, và tại sao?

Đọc cụm từ này một lần nữa, và lần này thay tên của các em vào chỗ “cây này”: “Ta rất đau buồn nếu phải mất [tên của các em].” Bằng cách thay tên của các em vào những chỗ có ý nghĩa và thích hợp trong Gia Cốp 5, các em sẽ có thể liên kết câu chuyện ngụ ngôn này với chính mình và tìm hiểu thêm về mối quan tâm của Chúa dành cho các em.

Đọc Gia Cốp 5:7–11, và tìm kiếm điều Chúa vườn nho đã làm tiếp theo đó để cứu cây ô liu lành.

Hình Ảnh
ghép cành cây
  1. Bằng cách sử dụng ý nghĩa của các ký hiệu trên biểu đồ, hãy viết một lời giải thích trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em về điều Chúa vườn nho và tôi tớ của Ngài trong Gia Cốp 5:7–11 đã cố gắng để cứu con cái của Cha Thiên Thượng.

Chúa mang những người không thuộc gia tộc Y Sơ Ra Ên và ghép họ vào gia tộc Y Sơ Ra Ên, làm cho họ thành một phần dân giao ước của Ngài. Để cứu gia tộc Y Sơ Ra Ên, Ngài cắt bỏ các cành (những người) tà ác nhất và hủy diệt chúng.

Đọc Gia Cốp 5:13–14, và tìm kiếm điều Chúa đã làm với các cành non và mềm mại từ cây ô liu lành như đã được đề cập trong câu 6. Các em có thể muốn viết ở ngoài lề trang của mình rằng xa nhất có nghĩa là thấp nhất hoặc khó thấy nhất.

  1. Bằng cách sử dụng ý nghĩa của các ký hiệu trên biểu đồ, hãy giải thích trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em về gia đình của Lê Hi có thể đã được so sánh như thế nào với một cành non và mềm mại bị che khuất ở phần xa nhất trong vườn nho.

Chủ Tịch Joseph Fielding Smith giải thích rằng các tôi tớ của Chúa “đã lấy một số cành và ghép chúng vào với tất cả các cây ô liu dại. Ai là những cây ô liu dại? Dân Ngoại. Và như vậy Chúa đã sai các tôi tớ của Ngài đến tất cả các phần của vườn nho Ngài tức là thế gian, và trồng các cành cây này. …

Hình Ảnh
Joseph Fielding Smith

“Bây giờ trong chuyện ngụ ngôn đó cây ô liu là gia tộc Y Sơ Ra Ên. … Trong quê hương của nó, nó bắt đầu chết. Vậy nên, Chúa đã lấy các cành giống như dân Nê Phi, như các bộ lạc bị thất lạc, cũng như những người khác Chúa dẫn dắt mà chúng ta không biết gì về họ, đến các phần đất khác của thế gian. Ngài đã trồng chúng trong khắp vườn nho của Ngài, đó là thế gian. Chắc chắn là Ngài đã gửi một số các cành này đến Nhật Bản, đến Hàn Quốc, đến Trung Quốc. Chắc chắn là như vậy, vì Ngài đã gửi các cành đến khắp nơi trên thế giới ” (Answers to Gospel Questions, do Joseph Fielding Smith Jr. biên soạn, 5 tập. [1957–66], 4:204–5).

Chủ Tịch Smith cũng đã dạy rằng “việc giải thích chuyện ngụ ngôn này … là câu chuyện về sự phân tán của Y Sơ Ra Ên và sự pha trộn dòng máu của Y Sơ Ra Ên với các cây ô liu dại, hay các dân Ngoại, khắp nơi trên thế gian. Do đó chúng ta thấy ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, và ở tất cả các nước nào khác có dân Ngoại sinh sống rằng dòng máu Y Sơ Ra Ên đã được phân tán rải rác, hay ‘được ghép,’ ở giữa họ” (Answers to Gospel Questions, 4:40–41).

Gia Cốp 5:15–77

Chúa vườn nho và các tôi tớ của Ngài lao nhọc để giúp vườn nho sinh ra trái tốt

Nhiều câu thánh thư trong Gia Cốp 5 mô tả các khoảng thời gian và các sự kiện khác nhau về nhiều phần khác nhau của gia tộc Y Sơ Ra Ên đang sống rải rác trên khắp thế gian và công việc của Đấng Cứu Rỗi để quy tụ họ. Chương này kết thúc với Thời Kỳ Ngàn Năm và sự thanh tẩy cuối cùng của thế gian.

Để nhấn mạnh mối quan tâm của Chúa đối với các cây trái trong vườn nho của Ngài và nỗ lực liên tục của Ngài để cứu chúng, Giê Nốt đã lặp lại một vài cụm từ quan trọng trong suốt câu chuyện ngụ ngôn của ông. Đọc Gia Cốp 5:20, 23–25, 28, 31, và đánh dấu mỗi lần Chúa đề cập đến các nỗ lực của Ngài để nuôi dưỡng các cây trái trong vườn nho của Ngài.

Mặc dù các nỗ lực của Chúa và tôi tớ của Ngài để giúp vườn nho sinh ra trái tốt, cuối cùng tất cả các trái của vườn nho đều trở nên hư hết (xin xem Gia Cốp 5:39). Đọc Gia Cốp 5:41–42, 46–47, và đánh dấu các cụm từ trong thánh thư của các em cho thấy tình yêu thương, mối quan tâm của Chúa, hay nỗi buồn về vườn nho của Ngài.

Vì cây đang sinh ra trái xấu mặc dù tất cả những gì Ngài đã làm, nên Chúa vườn nho nghĩ đến việc đốn hết các cây (xin xem Gia Cốp 5:49). Đọc Gia Cốp 5:50–51. Phần còn lại của Gia Cốp 5 tiêu biểu cho các nỗ lực của Chúa và các tôi tớ của Ngài để cứu những người sống trong những ngày sau cùng. Ngài quy tụ dân của Ngài lại và nuôi dưỡng họ một lần cuối cùng (xin xem Gia Cốp 5:52–77).

Chủ Tịch Joseph Fielding Smith dạy rằng sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên được mô tả trong Gia Cốp 5 đang xảy ra bây giờ: “Trong ngày quy tụ này Chúa đang làm tròn các mục đích của Ngài và đang gọi con cái của Áp Ra Ham” trở lại vào bầy chiên của Đấng Chăn Chân Chính” (Answers to Gospel Questions, 4:41).

  1. Viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em điều các em đã học được từ Gia Cốp 5 về tình yêu thương của Chúa dành cho các em. Ghi lại một ví dụ về các em đã thấy tình yêu thương của Ngài được cho thấy trong cuộc sống của các em hoặc trong cuộc sống của một người nào đó mà các em quen biết như thế nào.

Gia Cốp 6

Gia Cốp dạy về lòng thương xót và công lý của Thượng Đế và mời gọi chúng ta phải hối cải

Gia Cốp 6 chứa đựng phần tóm lược của Gia Cốp về các lẽ thật quan trọng từ câu chuyện ngụ ngôn về cây ô liu. Đọc Gia Cốp 6:4–6, và tìm kiếm điều mà Gia Cốp đã nhấn mạnh về thiên tính của Thượng Đế. Các em thường sử dụng từ nào để tóm lược điều mà Gia Cốp muốn chúng ta phải học về Thượng Đế?

Gia Cốp đã kết luận sứ điệp của ông trong Gia Cốp 6:7–13 bằng cách làm chứng rằng chúng ta khôn ngoan để chuẩn bị ngay bây giờ cho sự phán xét bằng cách hối cải và nhận được lòng thương xót của Chúa.

  1. Xem lại Gia Cốp 6:5. Hãy lưu ý rằng Gia Cốp đã khuyến khích chúng ta “hãy gắn bó với Thượng Đế cũng như Ngài đã gắn bó với các người.” Gắn bó có nghĩa là bám chặt hoặc nắm chặt. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Các em đã học được gì từ câu chuyện ngụ ngôn về cây ô liu có minh họa cách Thượng Đế gắn bó hoặc nắm chặt các em?

    2. Các em có thể làm gì để gắn bó với Ngài hơn như Ngài gắn bó với các em?

  2. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học Gia Cốp 5–6 và hoàn tất bài học này (vào ngày).

    Các câu hỏi, ý nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: