Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 28: Ngày 1, 4 Nê Phi 1


Đơn Vị 28: Ngày 1

4 Nê Phi 1

Lời Giới Thiệu

Sau lần hiện đến và giáo vụ của Chúa Giê Su Ky Tô ở châu Mỹ, dân chúng áp dụng những lời giảng dạy của Ngài và vui hưởng 200 năm đoàn kết, thịnh vượng và hạnh phúc. Tuy nhiên, cuối cùng, dân chúng bắt đầu trở nên kiêu hãnh và càng ngày càng trở nên tà ác. Chẳng bao lâu, họ trở nên chia rẽ thành dân Nê Phi và dân La Man một lần nữa, và sau 300 năm, cả dân Nê Phi lẫn dân La Man đã trở nên tà ác, chỉ còn lại một số ít người ngay chính.

4 Nê Phi 1:1–18

Tất cả dân chúng đều được cải đạo và có được sự bình an và hạnh phúc

Hình Ảnh
ba thiếu nữ tươi cười

Điều gì giúp các em thực sự hạnh phúc?

Các em nghĩ sự khác biệt giữa những điều mang lại cho các em hạnh phúc tạm thời và những điều có thể dẫn đến hạnh phúc lâu dài là gì? Đọc 4 Nê Phi 1:16 để tìm thấy điều Mặc Môn đã viết về dân chúng sau khi Đấng Cứu Rỗi hiện đến cùng họ. Các em có thể muốn đánh dấu cụm từ “quả thật, chẳng có một dân tộc nào … được hạnh phúc hơn dân này.”

  1. Viết tiêu đề Chẳng Có một Dân Tộc Nào … Được Hạnh Phúc Hơn Dân Này trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, và vẽ một vòng tròn bên dưới như đã được cho thấy trong sơ đồ sau đây. (Các em sẽ viết ở bên trong và xung quanh vòng tròn). Đọc 4 Nê Phi 1:1–2, và tìm kiếm những điều mọi người đã làm để có thể có được hạnh phúc. Liệt kê những điều các em tìm được trong vòng tròn.

Hình Ảnh
vòng tròn

Vì áp dụng những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi, nên “tất cả dân chúng khắp nơi trong xứ đều được cải đạo theo Chúa” (4 Nê Phi 1:2) và vui hưởng hạnh phúc tuyệt vời.

Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích về sự cải đạo và hạnh phúc được liên kết với nhau như thế nào. Khi các em đọc lời của ông, hãy gạch dưới ý nghĩa của việc được cải đạo:

Hình Ảnh
Anh Cả Richard G. Scott

“Hạnh phúc của các [anh chị] em hiện giờ và mãi mãi tùy thuộc vào mức độ các anh chị em cải đạo và thay đổi mà những điều này mang đến cho cuộc sống của các [anh chị] em. Vậy thì làm thế nào các [anh chị] em có thể trở nên thật sự cải đạo? Chủ Tịch [Marion G.] Romney mô tả những bước các [anh chị] em cần phải tuân theo:

“‘Vai trò tín hữu trong Giáo Hội và sự cải đạo không nhất thiết phải đồng nghĩa với nhau. Việc được cải đạo và có được một chứng ngôn cũng không nhất thiết phải cùng là một điều. Một chứng ngôn đến khi Đức Thánh Linh ban cho người thiết tha tìm kiếm một lời chứng về lẽ thật. Một chứng ngôn đầy cảm động củng cố đức tin. Tức là điều đó đem lại sự hối cải và tuân theo các giáo lệnh. Sự cải đạo là kết quả hay phần thưởng cho sự hối cải và vâng lời’ [trong Conference Report, Đại Hội Giáo Vùng Guatemala năm 1977, 8–9].

“Nói một cách đơn giản, sự cải đạo thực sự là kết quả của đức tin, sự hối cải,sự vâng lời liên tục. …

“Sự cải đạo thực sự sinh ra kết quả của hạnh phúc lâu dài mà có thể được thụ hưởng ngay cả khi thế giới đang hỗn loạn và đa số mọi người không có hạnh phúc” (“Sự Cải Đạo Hoàn Toàn Mang Đến Hạnh Phúc,” Ensign, tháng Năm năm 2002, 25–26).

  1. Đọc 4 Nê Phi 1:2–3, 5, 7, 10–13, 15–18, và tìm kiếm các từ và cụm từ mô tả những điều dân chúng đã kinh nghiệm được vì tất cả mọi người đều đã được cải đạo theo Chúa. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết một số từ và cụm từ xung quanh bên ngoài của vòng tròn mà các em đã vẽ trong bài tập trước.

Chúng ta có thể học hỏi từ thời kỳ hạnh phúc và thịnh vượng chưa từng thấy này ở giữa dân Nê Phi rằng khi một nhóm người được cải đạo theo Chúa, thì điều đó mang lại tình đoàn kết và hạnh phúc. Các em có thể muốn viết nguyên tắc này trong thánh thư của mình gần 4 Nê Phi 1:16 hoặc trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em.

Hãy ngẫm nghĩ về sự suy nghĩ của các em sẽ như thế nào nếu mọi người xung quanh mình đều được thực sự cải đạo theo Chúa.

  1. Trả lời những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Các em nghĩ những lợi ích nào sẽ đến với gia đình của các em nếu mọi người trong gia đình của các em sống giống như những người trong 4 Nê Phi?

    2. Hãy nghĩ về một thời gian trong cuộc sống của mình khi các em đã được ban phước vì thuộc vào một nhóm được hiệp nhất trong sự ngay chính—chẳng hạn như trong gia đình, nhóm túc số hay lớp học, hoặc nhóm bạn bè của các em. Các em nghĩ điều gì đã giúp nhóm này được hiệp nhất trong sự ngay chính? Các em và những người sống với các em đã nhận được các phước lành nào?

4 Nê Phi 1:19–49

Sự tà ác trở lại và lan tràn cho đến khi chỉ còn lại một số ít người ngay chính

Các em nghĩ điều gì có thể phá hủy một xã hội hạnh phúc như những người được mô tả trong 4 Nê Phi đã gặp phải?

  1. Hãy viết tiêu đề “Sự Phá Hủy một Xã Hội Hạnh Phúc” trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, và vẽ một vòng tròn bên dưới, tương tự như sơ đồ của các em trong bài tập thứ nhất. Đọc 4 Nê Phi 1:20, 23–24, và tìm kiếm điều đã bắt đầu phá hủy hạnh phúc và sự bình an của dân chúng. Viết những điều các em tìm thấy trong vòng tròn.

Các em có thể muốn viết lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn trong thánh thư của các em bên cạnh 4 Nê Phi 1:24 hoặc trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: “Tính kiêu ngạo là kẻ đại thù của tình đoàn kết” (“Chúng Ta Đồng Tâm Đoàn Kết,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2008, 70). Các em nghĩ rằng tính kiêu ngạo là kẻ thù của tình đoàn kết về những phương diện nào?

Lời phát biểu sau đây từ Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn mang đến sự hiểu biết sâu sắc về tính kiêu ngạo. Gạch dưới các cụm từ giải thích lý do tại sao tính kiêu ngạo là rất tai hại.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf

“Tính kiêu hãnh là tội lỗi … vì nó sinh ra lòng căm thù hoặc thái độ thù địch và đặt chúng ta trong vị thế chống lại Thượng Đế cũng như đồng loại của mình. Theo bản chất, tính kiêu hãnh là tội so sánh, vì nó thường bắt đầu với câu nói ‘Hãy xem tôi tuyệt vời như thế nào và những điều trọng đại mà tôi đã làm,’ nó thường kết thúc với câu ‘Do đó, tôi giỏi hơn mấy người nhiều.’

“Khi lòng tràn đầy kiêu hãnh, chúng ta phạm một tội rất nặng vì chúng ta vi phạm hai lệnh truyền lớn [xin xem Ma Thi Ơ 22:36–40]. Thay vì thờ phượng Thượng Đế và yêu mến người lân cận của mình, chúng ta bộc lộ ra đối tượng thờ phượng và yêu thương của mình—đó là hình ảnh chúng ta thấy trong gương” (“Tính Kiêu Hãnh và Chức Tư Tế,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 56).

  1. Đọc 4 Nê Phi 1:25–27, 30–35, 38–45, và tìm kiếm những từ và cụm từ mô tả ảnh hưởng của tính kiêu hãnh trong dân chúng. Viết các từ và cụm từ xung quanh bên ngoài vòng tròn trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em cho bài tập 4.

Chúng ta có thể học được một lẽ thật từ những sự kiện này là tội lỗi của tính kiêu hãnh tạo ra tình trạng chia rẽ và dẫn đến sự tà ác nhiều hơn. Các em có thể muốn viết cụm từ này trong thánh thư của mình. Tính kiêu hãnh của một hoặc hai người có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc của cả nhóm như thế nào?

Xem người nào trong các tình huống sau đây có thể bị ảnh hưởng xấu bởi tính kiêu hãnh của một cá nhân:

  • Một học viên của một lớp học trong Hội Thiếu Nữ không muốn nghe những bài học mà giảng viên của em ấy đã chuẩn bị về các phước lành đến từ việc tuân theo Lời Thông Sáng. Em ấy cảm thấy rằng mình không cần phải được giảng dạy lần nữa về Lời Thông Sáng và trở nên quấy rối và từ chối tham gia trong lớp học.

  • Một người bạn thường trêu chọc hoặc khinh thường một người khác trong nhóm vì cách ăn mặc của người ấy cho thấy là người ấy không có nhiều tiền.

  1. Suy ngẫm xem có những yếu tố kiêu hãnh nào trong cuộc sống của các em không. Có thể là điều hữu ích để xem lại lời phát biểu của Chủ Tịch Uchtdorf trong khi các em suy ngẫm. Hãy suy nghĩ về điều các em có thể làm để chống lại tính kiêu hãnh và tìm kiếm sự giúp đỡ trong việc gia tăng tình đoàn kết và sự ngay chính trong gia đình, nhóm túc số, lớp học, hoặc nhóm bạn của mình. Viết những ý nghĩ và mục tiêu của các em trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em.

  2. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học 4 Nê Phi 1 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: