Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 12: Ngày 1, Mô Si A 7–8


Đơn Vị 12: Ngày 1

Mô Si A 7–8

Lời Giới Thiệu

Hình Ảnh
Vua Bên Gia Min Truyền Giao Vương Quốc Lại cho Mô Si A

Vua Mô Si A là con trai của Vua Bên Gia Min. Vua Bên Gia Min là con trai của Mô Si A đệ nhất đã được đề cập trong Sách Mặc Môn. Khoảng 80 năm trước khi Mô Si A trở thành vua, một người tên là Giê Níp dẫn đầu một nhóm dân Nê Phi từ Gia Ra Hem La trở về sống trong xứ Nê Phi (xin xem Ôm Ni 1:27–30). Mô Si A 7 giải thích rằng Vua Mô Si A cho phép “một người mạnh mẽ và uy thế” tên là Am Môn (Mô Si A 7:3) và một nhóm nhỏ đi đến xứ Nê Phi (đôi khi được gọi là xứ Lê Hi-Nê Phi) để xác định số phận của nhóm người Giê Níp. Am Môn khám phá ra con cháu của dân Giê Níp, là những người bây giờ được cháu nội của Giê Níp là Lim Hi lãnh đạo. Việc Am Môn đến đã mang lại hy vọng cho Lim Hi và dân của ông, và những điều bất chính của họ đã để cho họ bị ở trong cảnh làm nô lệ cho dân La Man. Trước đó, trong khi cố gắng tìm kiếm Gia Ra Hem La và yêu cầu được giúp đỡ, một nhóm người dân Lim Hi đã tìm thấy 24 bảng khắc bằng vàng với những điều chạm khắc trên đó. Khi Lim Hi hỏi Am Môn là ông có thể phiên dịch các bảng khắc không, Am Môn giải thích rằng một vị tiên kiến, giống như Vua Mô Si A, có thể phiên dịch các biên sử cổ xưa.

Khái quát về Mô Si A 7–24

Các em có bao giờ muốn được giải thoát khỏi những cảm nghĩ buồn bã, một tình huống đau đớn, một hoàn cảnh khó khăn hoặc bị áp bức, hoặc cảm giác tội lỗi không? Những kinh nghiệm của những người mà các em sẽ học trong Mô Si A 7–24 có thể dạy cho các em về sự giải thoát—tìm kiếm sự giải thoát ở đâu, làm thế nào để mời gọi việc đó, và thậm chí làm thế nào để chờ đợi việc đó. Hãy tìm kiếm những cách các em có thể áp dụng các câu chuyện của dân Giê Níp và con cháu của họ vào cuộc sống của các em, kể cả một ước muốn được giải thoát khỏi một điều gì đó áp bức các em.

Trước khi học Mô Si A 7, sẽ rất hữu ích để các em trở nên quen thuộc với các cuộc hành trình khác nhau được ghi lại trong Mô Si A 7–24. Sinh hoạt sau đây sẽ cung cấp cho các em một khái quát về những cuộc hành trình này, mà đã xảy ra trong một thời gian khoảng 80 năm (năm 200 Trước Công Nguyên đến năm 120 Trước Công Nguyên ). Chi tiết trong các ô được tô đậm trên biểu đồ giải thích điều đã xảy ra giữa các cuộc hành trình.

Hành trình

Người Nào Đi Đâu

1

Giê Níp và những người Nê Phi khác đi từ Gia Ra Hem La đến xứ Nê Phi, là nơi đã bị dân La Man chiếm đóng. Những người dân Nê Phi đã chiến đấu với nhau, và những người sống sót trở về Gia Ra Hem La (xin xem Ôm Ni 1:27–28; Mô Si A 9:1–2).

2

Giê Níp và những người khác rời bỏ Gia Ra Hem La và định cư ở xứ Nê Phi (xin xem Ôm Ni 1:29–30; Mô Si A 9:3–7).

Sau khi Giê Níp băng hà, con trai của ông là Nô Ê trị vì trong sự tà ác. Chúa sai tiên tri A Bi Na Đi đến để cảnh báo mọi người phải hối cải. Một trong những thầy tư tế của Vua Nô Ê là An Ma đã tuân theo sứ điệp của A Bi Na Đi và giảng dạy sứ điệp đó cho những người khác (xin xem Mô Si A 11–18).

3

An Ma đã trốn thoát đến Dòng Suối Mặc Môn và sau đó dẫn đầu một nhóm người tin đến xứ Hê Lam (xin xem Mô Si A 18:4–5, 32–35; 23:1–5, 19–20).

Dân La Man tấn công dân của Nô Ê ở xứ Nê Phi. Về sau Nô Ê bị giết chết, và con trai của ông là Lim Hi trị vì. Dân Lim Hi ở trong cảnh làm nô lệ cho dân La Man (xin xem Mô Si A 19–20).

4

Lim Hi gửi một nhóm dân Nê Phi đi tìm Gia Ra Hem La. Sau khi bị thất lạc trong vùng hoang dã, nhóm người này đã phát hiện ra tàn tích của một dân tộc bị hủy diệt và một biên sử được viết trên 24 bảng khắc bằng vàng (xin xem Mô Si A 8:7–9; 21:25–27).

5

Am Môn và 15 người khác đi từ Gia Ra Hem La để tìm kiếm những người đã trở về xứ Nê Phi (xin xem Mô Si A 7:1–6; 21:22–24).

6

Lim Hi và dân của ông trốn thoát khỏi dân La Man và được Am Môn và các anh em của mình dẫn đến Gia Ra Hem La (xin xem Mô Si A 22:10–13).

Sau khi dân Lim Hi trốn thoát, dân La Man gửi một đạo quân đuổi theo họ. Đạo quân bị thất lạc trong vùng hoang dã khi họ phát hiện ra An Ma và những người dân của ông ở xứ Hê Lam. Dân La Man đưa họ vào cảnh nô lệ. Dân của An Ma đã cầu nguyện để được giúp thoát khỏi cảnh nô lệ (xin xem Mô Si A 22–24).

7

Chúa giải thoát An Ma và dân của ông và hướng dẫn họ đến Gia Ra Hem La (xin xem Mô Si A 24:20–25).

Đánh số mỗi cuộc hành trình trong vòng tròn thích hợp trên bản đồ:

Hình Ảnh
sơ đồ các cuộc hành trình

Mô Si A 7:1–8:4

Am Môn tìm thấy xứ Nê Phi (Lê Hi–Nê Phi), và Vua Lim Hi mô tả việc dân của ông đã bị lâm vào vòng nô lệ như thế nào

Trong Mô Si A 7, Am Môn và 15 người khỏe mạnh khác đi từ Gia Ra Hem La để tìm hiểu điều gì đã xảy ra cho những người mà Giê Níp đã dẫn đến xứ Nê Phi 80 năm trước (xin xem Mô Si A 7:2; xem thêm cuộc hành trình 5 trên bản đồ). Khi đến xứ Nê Phi, Am Môn và ba trong số những người anh em của ông bị bắt và ném vào nhà giam (xin xem Mô Si A 7:6–11). Sau hai ngày họ đã được đem ra khỏi nhà giam và được Vua Lim Hi chất vấn. Vua Lim Him là cháu nội của Giê Níp. Đọc Mô Si A 7:12–15 để xem cách Am Môn giải thích về sự hiện diện của ông ở xứ Nê Phi và cách Lim Hi trả lời.

Hãy lưu ý rằng cước chú b về Mô Si A 7:14 chỉ dẫn các em tham khảo Mô Si A 21:25–26. Đọc những câu này để hiểu thêm lý do tại sao Lim Hi “quá đỗi mừng rỡ” để biết được Am Môn đã từ đâu mà đến.

Bằng cách sử dụng điều các em đã học được trong Mô Si A 21:25–26, hãy giải thích vắn tắt lý do tại sao Lim Hi rất vui mừng khi biết rằng Am Môn đến từ Gia Ra Hem La:

Nhóm Lim Hi gửi đi tìm kiếm sự giúp đỡ đã tìm thấy những tàn tích đổ nát của dân tộc Gia Rết. Họ lầm tưởng đó là Gia Ra Hem La và rằng dân Nê Phi ở đó đã bị hủy diệt rồi (xin xem cuộc hành trình 4 trên bản đồ). Các em sẽ học về dân tộc Gia Rết trong sách Ê The.

Vua Lim Hi quy tụ dân của ông lại để giới thiệu Am Môn với họ. Lim Hi ngỏ lời với dân của ông về cảnh họ làm nô lệ dân La Man và bày tỏ hy vọng rằng Thượng Đế sẽ sớm giải thoát cho họ (xin xem Mô Si A 7:17–19). Đọc Mô Si A 7:20, 24–26, và đánh dấu những lý do tại sao dân Lim Hi lâm vào vòng nô lệ. (Vị tiên tri được đề cập trong Mô Si A 7:26 là A Bi Na Đi, người đã bị dân chúng thiêu đến chết trong thời kỳ triều đại của Vua Nô Ê, trước khi Am Môn đến xứ này).

Hình Ảnh
Vua Lim Hi ngỏ lời

Các em có thể muốn đánh dấu câu “các lý do mà chúng ta phải than khóc quá lớn lao” trong Mô Si A 7:24 để giúp các em nhớ rằng điều bất chính, hoặc tội lỗi, sẽ có hậu quả của nó. Trong trường hợp này, nhiều người đã bị giết chết khi dân La Man tấn công và những người khác bị lâm vào vòng nô lệ. Than khóc có nghĩa là cảm thấy buồn bã hay hối tiếc. Suy ngẫm trong một lát nếu các em đã từng than khóc “do điều bất chính mà ra.”

Mặc dù điều tốt hơn là không phạm tội, nhưng việc học hỏi từ những lỗi lầm của các em, tìm đến Thượng Đế để được giúp đỡ, và hối cải mang các em đến gần Thượng Đế hơn. Đọc Mô Si A 7:29–32, và tìm kiếm thêm bằng chứng rằng Lim Hi đã hiểu mối liên hệ giữa điều bất chính của dân ông và nỗi buồn bã họ đang trải qua. (“Gặt lấy rơm” trong câu 30 có nghĩa là nhận được một điều gì đó vô dụng, “gặt lấy ngọn gió đông” trong câu 31 có nghĩa là bị hủy diệt).

  1. Trả lời cho những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Các hậu quả của tội lỗi có thể là hữu ích trong cuộc sống của chúng ta về những phương diện nào? Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng những điều chúng ta học được và không lặp lại tội lỗi?

    2. Tại sao là điều quan trọng để nhận ra và thừa nhận rằng các tội lỗi của chúng ta nghiêm trọng đến mức độ nào? Tại sao là điều quan trọng để cảm thấy buồn rầu theo ý Chúa về những điều đó? (xin xem 2 Cô Rinh Tô 7:10; nỗi buồn rầu theo ý Chúa là một sự nhận thức sâu sắc rằng các hành động của chúng ta đã xúc phạm Cha trên Trời). Tại sao là điều quan trọng để chúng ta không trì hoãn việc nhận ra và cảm thấy đau khổ vì tội lỗi?

Sau khi Lim Hi giải thích cho dân của ông về mức độ nghiêm trọng của tội lỗi họ, thì ông khuyến khích họ nên làm một số điều nào đó. Đánh dấu điều Lim Hi đã khuyến khích dân của ông nên làm trong Mô Si A 7:33.

Từ kinh nghiệm của dân của Lim Hi, chúng ta biết rằng việc nhận ra những điều bất chính của chúng ta và cảm thấy buồn rầu theo ý Chúa về những điều đó có thể dẫn chúng ta quay về với Chúa để được giải thoát.

Hãy tưởng tượng rằng một người bạn hoặc một người trong gia đình cảm thấy hối hận vì những tội lỗi của mình và có một ước muốn chân thành để hối cải rồi quay về với Chúa nhưng không biết chắc phải làm điều đó như thế nào. Tra cứu Mô Si A 7:33, và xem lại các cụm từ dạy cách thực sự “quay về với Chúa.”

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết thư cho người bạn này hoặc người trong gia đình này để dạy cho người này cách quay về với Chúa. Hãy chia sẻ ba cụm từ Mô Si A 7:33 các em đã khám phá được, và giải thích ý nghĩa của mỗi cụm từ bằng cách (1) nói lại bằng lời riêng của các em hoặc (2) đưa ra một ví dụ về những hành động hoặc thái độ nào chúng ta có thể nhìn thấy trong cuộc sống của một người đang cố gắng để áp dụng cụm từ đó.

Cân nhắc xem nếu các em có những tội lỗi mà các em đã không hối cải thì có thể làm cho các em cũng như những người mình thương yêu buồn rầu và hối tiếc. Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đưa ra lời khuyên sau đây về việc bắt đầu tiến trình hối cải: “Nghiên cứu và suy ngẫm để xác định mức độ nghiêm trọng về sự phạm giới do Chúa định rõ như thế nào. Điều đó sẽ mang lại nỗi buồn rầu và hối hận. Điều đó cũng sẽ mang lại một ước muốn chân thành để thay đổi và sẵn lòng tuân phục mọi đòi hỏi cho sự tha thứ” (“Finding Forgiveness,” Ensign, tháng Năm năm 1995, 76).

Mô Si A 8:5–21

Am Môn biết được về 24 bảng khắc của dân Gia Rết và nói cho Lim Hi biết về một vị tiên kiến có thể phiên dịch các bảng khắc

Hãy nhớ lại từ cuộc hành trình 4 trên bản đồ ở đầu bài học này mà những người đã cố gắng tìm đường đến Gia Ra Hem La phát hiện ra những tàn tích đổ nát của cả một dân tộc đã bị hủy diệt. Họ cũng tìm thấy 24 bảng khắc bằng vàng mà họ đã đem về cho Lim Hi (xin xem Mô Si A 8:5–9). Lim Hi hỏi Am Môn xem ông có biết một người nào có khả năng để phiên dịch các bảng khắc không (xin xem Mô Si A 8:12). Am Môn đã giải thích rằng một số cá nhân có thể được Thượng Đế ban cho khả năng để phiên dịch. Đọc Mô Si A 8:13, và đánh dấu điều Am Môn dùng để gọi những người đã được ban cho khả năng này.

Am Môn giải thích rằng Mô Si A, vua Nê Phi ở Gia Ra Hem La, là một vị tiên kiến. Tra cứu Mô Si A 8:16–18, và đánh dấu các khả năng mà một vị tiên kiến được ban cho ngoài khả năng phiên dịch.

Những câu này dạy rằng Chúa ban cho các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải để làm lợi ích cho nhân loại. Ngày nay, mỗi thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ là một vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải.

Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ dạy: “Mười lăm người mà chúng ta tán trợ này đều là các vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải đã được ban cho quyền năng thiêng liêng để thấy điều mà đôi khi [những người khác] không thấy được” (“Hãy Coi Chừng Điều Ác Đằng Sau Đôi Mắt Tươi Cười,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2005, 47).

Hình Ảnh
bên trong Trung Tâm Đại Hội
  1. Trả lời cho những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Tại sao các em nghĩ rằng là điều khôn ngoan để lắng nghe những người có thể nhìn thấy những điều mà các em không thể thấy được?

    2. Các em đã được hưởng lợi ích như thế nào từ việc lắng nghe các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải thời nay?

    3. Các em có thể học hỏi được một số cách thức nào từ các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải thời nay?

  2. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học Mô Si A 7 8 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: