Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 32: Ngày 3, Mô Rô Ni 10:1–7, 27–29


Đơn Vị 32: Ngày 3

Mô Rô Ni 10:1–7, 27–29

Lời Giới Thiệu

Mô Rô Ni khuyên nhủ dân La Man, và tất cả những người khác sẽ đọc chứng ngôn của ông, để tự mình tìm hiểu lẽ thật về lời nói của ông bằng cách cầu vấn Thượng Đế. Ông dạy rằng một chứng ngôn về Sách Mặc Môn và về Chúa Giê Su Ky Tô sẽ đến bởi quyền năng của Đức Thánh Linh. Mô Rô Ni mạnh dạn tuyên bố rằng ông sẽ gặp các độc giả của ông trước rào phán xét của Thượng Đế, là nơi Đức Chúa Trời sẽ xác nhận sự thật về những lời nói của ông.

Mô Rô Ni 10:1–7

Mô Rô Ni khuyên nhủ chúng ta phải đạt được một chứng ngôn về Sách Mặc Môn và về Chúa Giê Su Ky Tô

Xem lại các bài học giới thiệu về Sách Mặc Môn trong đơn vị 1 của sách học này. Các em có thể ghi nhớ mục đích của viên đá đỉnh vòm trong một khung vòm và một viên đá đỉnh vòm liên quan như thế nào đến Sách Mặc Môn? Lật đến phần giới thiệu Sách Mặc Môn (được tìm thấy ở phần đầu của sách này), và đọc lời phát biểu của Tiên Tri Joseph Smith trong đoạn thứ sáu.

Hình Ảnh
khung vòm với viên đá đỉnh vòm

Tiên Tri Joseph Smith đã mô tả Sách Mặc Môn là “nền tảng” của tôn giáo chúng ta, có nghĩa là chứng ngôn của chúng ta về Sách Mặc Môn giữ vững và củng cố chứng ngôn của chúng ta về tất cả các lẽ thật của phúc âm phục hồi. Đọc đoạn cuối cùng của lời giới thiệu Sách Mặc Môn, và tìm kiếm các lẽ thật mà một người có thể tiến đến việc biết được bằng cách đạt được một chứng ngôn về Sách Mặc Môn. Cũng giống như một viên đá đỉnh vòm giữ chặt một khung vòm với nhau, thì chứng ngôn của các em được giữ chặt với nhau và được củng cố bởi Sách Mặc Môn như thế nào?

Khoảng 1.400 năm trước khi Joseph Smith nhận được các bảng khắc bằng vàng, Mô Rô Ni kết thúc biên sử của cha ông bằng cách viết lời khuyên nhủ cuối cùng của ông cho những người sẽ nhận được Sách Mặc Môn trong những ngày sau cùng (xin xem Mô Rô Ni 10:1–2). Từ khuyên nhủ có nghĩa là nhiệt tình khuyến khích một người nào đó. Mô Rô Ni sử dụng từ này tám lần trong chương cuối cùng của Sách Mặc Môn. Ông khuyên nhủ tất cả những người nhận được Sách Mặc Môn tìm kiếm một chứng ngôn về lẽ thật và sự thiêng liêng của sách này.

Đọc Mô Rô Ni 10:3–4, và nhận ra những điều mà Mô Rô Ni đã nói chúng ta nên làm để đạt được một chứng ngôn về Sách Mặc Môn. Các em có thể muốn đánh dấu những điều này trong quyển thánh thư của các em. Học thông tin sau đây về mỗi điều mà Mô Rô Ni nói chúng ta nên làm:

“Đọc những điều này”

Bước đầu tiên trong việc đạt được một bằng chứng rằng Sách Mặc Môn là chân chính là phải đọc sách đó. Anh Cả Tad R. Callister thuộc Chủ Tịch Đoàn của Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã chia sẻ về một thiếu nữ được hưởng lợi ích từ việc đọc toàn bộ Sách Mặc Môn như thế nào:

“Một bé gái 14 tuổi … nói rằng em ấy đã thảo luận về tôn giáo với một trong số những người bạn học ở trường. Bạn của em nói với em: “Bạn theo đạo nào?”

“Em ấy đáp: ‘Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, hay là Mặc Môn.’

“Người bạn của em đáp: ‘Tôi biết Giáo Hội đó rồi, và tôi cũng biết là Giáo Hội đó không chân chính.’

Em ấy đáp: “‘Làm sao bạn biết được?’

“Bạn em nói: ‘Vì tôi đã tìm tòi nghiên cứu về Giáo Hội đó.’

‘“Vậy bạn đã đọc Sách Mặc Môn chưa?’

“‘Câu trả lời là: ‘Chưa, tôi chưa đọc sách đó.’

“Rồi bé gái tuyệt vời này đáp: ‘Vậy thì bạn chưa tìm tòi nghiên cứu về Giáo Hội của tôi đâu vì tôi đã đọc mỗi trang Sách Mặc Môn và tôi biết Giáo Hội này là chân chính’” (“Sách Mặc Môn—một Quyển Sách từ Thượng Đế,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2011, 76).

Các em nghĩ tại sao việc đọc Sách Mặc Môn là cần thiết để đạt được một chứng ngôn về lẽ trung thực của sách đó?

“Hãy nhớ Chúa đã thương xót con cái loài người biết bao”

Bước tiếp theo trong tiến trình này là “hãy nhớ Chúa đã thương xót con cái loài người biết bao.” Việc ghi nhớ lòng thương xót của Chúa trong cuộc sống của chúng ta có thể làm mềm lòng chúng ta và chuẩn bị cho chúng ta để nhận được Đức Thánh Linh. Hãy suy ngẫm về thời gian trong cuộc sống của mình khi các em cảm nhận được lòng thương xót của Chúa .

Trong phần mở đầu của Sách Mặc Môn, Nê Phi đã tuyên bố rằng qua các bài viết của ông, ông sẽ cho chúng ta thấy những ví dụ về lòng thương xót dịu dàng của Chúa (xin xem 1 Nê Phi 1:20). Vào cuối Sách Mặc Môn, Mô Rô Ni yêu cầu chúng ta nên nhớ đến lòng thương xót của Chúa đối với chúng ta (xin xem Mô Rô Ni 10:3). Các em có thể muốn viết phần tham khảo chéo 1 Nê Phi 1:20 bên cạnh Mô Rô Ni 10:3.

  1. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Các em đã thấy bằng chứng nào về lòng thương xót của Chúa trong cuộc sống của các em?

    2. Các em nghĩ việc ghi nhớ lòng thương xót của Chúa giúp một người nào đó nhận được một chứng ngôn về Sách Mặc Môn như thế nào?

Việc ghi nhớ lòng thương xót của Chúa đối với người khác và đối với chúng ta có thể chuẩn bị cho chúng ta để suy ngẫm về sứ điệp của Sách Mặc Môn dành cho chúng ta.

“Suy ngẫm [điều đó] trong lòng [mình]”

Bước tiếp theo Mô Rô Ni đã dạy là “suy ngẫm [điều đó] trong lòng [mình].” Anh Cả Marvin J. Ashton thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích về việc suy ngẫm có thể giúp chúng ta nhận được Đức Thánh Linh trong cuộc sống của mình như thế nào:

Hình Ảnh
Anh Cả Marvin J. Ashton

“Khi học thánh thư, tôi đã được thử thách và xúc động bởi từ suy ngẫm được sử dụng rất thường xuyên trong Sách Mặc Môn. Tự điển ghi rằng suy ngẫm có nghĩa là cân nhắc về mặt tinh thần, suy nghĩ sâu sắc, thận trọng, ngẫm nghĩ. … Mô Rô Ni sử dụng từ này khi ông kết thúc biên sử của ông [xin xem Mô Rô Ni 10:3].

“Bằng cách suy ngẫm, chúng ta để cho Thánh Linh một cơ hội để gây ấn tượng và hướng dẫn. Việc suy ngẫm là một mối liên kết mạnh mẽ giữa tấm lòng và tâm trí. Khi chúng ta đọc thánh thư, tấm lòng và tâm trí của chúng ta được cảm động. Nếu sử dụng ân tứ để suy ngẫm, chúng ta có thể nhận lấy các lẽ thật vĩnh cửu này và nhận biết cách làm thế nào chúng ta có thể kết hợp các lẽ thật này vào hành động hàng ngày của mình. …

“Việc suy ngẫm là một sự theo đuổi không ngừng về mặt tinh thần. Đó là một ân tứ tuyệt vời cho những người đã học được cách sử dụng ân tứ đó. Chúng ta tìm được sự hiểu biết, kiến thức sâu sắc và sự áp dụng thực tiễn nếu chúng ta chịu sử dụng ân tứ suy ngẫm” (“There Are Many Gifts,” Ensign, tháng Mười Một năm 1987, 20).

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy trả lời một hoặc cả hai câu hỏi sau đây:

    1. Việc suy ngẫm đã giúp các em cảm nhận được Đức Thánh Linh như thế nào khi các em học Sách Mặc Môn?

    2. Các em có thể làm gì để suy ngẫm một cách kiên định và hiệu quả hơn khi học thánh thư?

Hình Ảnh
người thiếu niên đang đọc

“Cầu vấn với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô”

Khi người ta “cầu nguyện chân thành và có chủ ý thật sự”, thì điều đó có nghĩa là họ “có ý định hành động theo sự đáp ứng mà họ nhận được từ Thượng Đế” (Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta [2004], 111).

Một người tên là Rodolfo Armando Pérez Bonilla học được tầm quan trọng của việc cầu nguyện với chủ ý thật sự. Anh ta chịu phép báp têm lúc chín tuổi nhưng gia đình của anh ta đã không tích cực trong Giáo Hội. Khi trở thành một thiếu niên, anh ta bắt đầu suy nghĩ về phúc âm và đã có kinh nghiệm sau đây:

“Thỉnh thoảng, tôi cầu nguyện để biết điều gì đúng, nhưng điều đó là một ý nghĩ thoáng qua nhiều hơn là một câu hỏi chân thành. Rồi một buổi tối nọ, tôi đã quyết định phải cầu nguyện với ‘chủ ý thật sự.’

“Tôi thưa với Cha Thiên Thượng rằng tôi muốn biết Ngài và muốn làm một phần tử của Giáo Hội chân chính của Ngài. Tôi đã hứa rằng: ‘Nếu Cha cho con biết có phải Joseph Smith là một vị tiên tri thực sự và Sách Mặc Môn là chân chính không, thì con sẽ làm bất cứ điều gì Cha muốn con phải làm. Nếu Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là Giáo Hội chân chính, thì con sẽ tuân theo Giáo Hội và không bao giờ rời bỏ Giáo Hội.’

“Tôi đã không nhận được một sự biểu hiện ngoạn mục nào, nhưng tôi cảm thấy bình an và đi ngủ. Vài giờ sau, tôi thức dậy với một ý nghĩ rõ rệt: ‘Joseph Smith là vị tiên tri chân chính, và Sách Mặc Môn là chân chính.’ Ý nghĩ đó được kèm theo với cảm giác bình an không thể tả được. Tôi ngủ thiếp đi một lần nữa, rồi sau đó thức dậy với cùng một ý nghĩ và cảm nghĩ giống y như trước.

“Kể từ lúc đó, tôi không bao giờ nghi ngờ về việc Joseph Smith là vị tiên tri chân chính nữa. Tôi biết rằng đây là công việc của Đấng Cứu Rỗi và Cha Thiên Thượng sẽ đáp ứng những lời cầu xin chân thành của chúng ta” (“Làm Thế Nào Tôi Biết Được,” Ensign, tháng Mười năm 2011, 64).

  1. Hãy nghĩ về việc các em muốn có được một chứng ngôn vững mạnh về lẽ trung thực của Sách Mặc Môn biết bao. Viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em một số điều các em đã làm để đạt được một chứng ngôn về Sách Mặc Môn. Sau đó viết điều các em có thể làm để đạt được một chứng ngôn vững mạnh hơn về Sách Mặc Môn.

Hình Ảnh
người thiếu nữ cầu nguyện

Tìm kiếm Mô Rô Ni 10:4, và nhận ra điều Mô Rô Ni đã làm chứng rằng Thượng Đế sẽ làm cho những người tuân theo tiến trình đọc, ghi nhớ, suy ngẫm, và cầu vấn này. Các em có thể muốn đánh dấu lời hứa này trong thánh thư của mình. (Mô Rô Ni 10:4–5 là một đoạn thánh thư thông thạo).

Đọc Mô Rô Ni 10:5–7, và tìm kiếm xem Mô Rô Ni đã hứa điều nào nữa mà chúng ta có thể biết được qua Đức Thánh Linh.

Một nguyên tắc chúng ta có thể học được từ Mô Rô Ni 10:3–7 là: Nếu tìm kiếm trong đức tin, thì chúng ta có thể nhận được một chứng ngôn về Sách Mặc Môn và về Chúa Giê Su Ky Tô qua Đức Thánh Linh.Các em có thể muốn viết nguyên tắc này trong quyển thánh thư của các em bên cạnh những câu này.

  1. Làm điều sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Ghi lại việc đọc, ghi nhớ, suy ngẫm, và cầu nguyện trong năm nay đã củng cố chứng ngôn của các em về Sách Mặc Môn như thế nào và các lẽ thật mà sách đó dạy hoặc đã giúp các em có được một chứng ngôn về sách đó như thế nào.

    2. Hãy nghĩ về lúc các em đã cảm nhận được Đức Thánh Linh làm chứng cho các em về lẽ trung thực của Sách Mặc Môn hoặc một lẽ thật khác của phúc âm. Là điều quan trọng để nhớ rằng hầu hết sự mặc khải không đến một cách ngoạn mục. Hầu hết mọi người sẽ cảm thấy những thúc giục lặng lẽ và tinh tế từ Đức Thánh Linh, chẳng hạn như một cảm giác ấm áp, thanh thản hay một sự bảo đảm về lẽ thật. Thánh Linh cũng có thể làm chứng về các lẽ thật phúc âm từng hàng chữ một, giúp chúng ta dần dần học được các lẽ thật theo thời gian. Viết về một thời gian khi các em cảm thấy bằng chứng xác nhận của Đức Thánh Linh.

Mô Rô Ni 10:27–29

Mô Rô Ni làm chứng rằng ông sẽ gặp chúng ta tại rào phán xét của Thượng Đế

Đọc Mô Rô Ni 10:27–29, và cân nhắc xem những câu thánh thư này dạy nguyên tắc sau đây như thế nào: Những người đã nhận được Sách Mặc Môn sẽ chịu trách nhiệm với Thượng Đế về phản ứng của họ đối với sách đó. Hãy tưởng tượng rằng các em có cơ hội để gặp Mô Rô Ni tại rào phán xét của Thượng Đế. Suy ngẫm về điều các em sẽ nói với ông về Sách Mặc Môn và sách đó đã ảnh hưởng đến cuộc sống của các em như thế nào.

Hình Ảnh
biểu tượng thông thạo thánh thư
Thông Thạo Thánh Thư—Mô Rô Ni 10:4–5

Việc thuộc lòng Mô Rô Ni 10:4–5 có thể giúp đỡ các em rất nhiều trong việc chia sẻ sứ điệp của Sách Mặc Môn với những người khác. Hãy cân nhắc việc dành ra một số thời gian bây giờ để thuộc lòng đoạn đó từng chữ một. Một cách để làm điều này là phải đọc to đoạn đó vài lần. Sau đó viết đoạn đó ra từng chữ một ba lần trên một tờ giấy hoặc trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em. Khi các em đã hoàn tất, hãy xem các em có thể đọc thuộc lòng những câu này từ trí nhớ không.

  1. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học Mô Rô Ni 10:1–7, 27–29 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: