Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 28: Ngày 3, Mặc Môn 3–6


Đơn Vị 28: Ngày 3

Mặc Môn 3–6

Lời Giới Thiệu

Sau khi lấy lại xứ của họ từ dân La Man, thì dân Nê Phi một lần nữa chuẩn bị cho chiến tranh. Mặc Môn đã khẩn nài với dân Nê Phi nên hối cải; thay vì thế, họ tự hào về sức mạnh của mình và thề sẽ trả thù cho các anh em của họ đã bị giết chết. Vì Chúa đã nghiêm cấm dân Ngài tìm cách trả thù, nên Mặc Môn từ chối chỉ huy quân đội của họ, và họ đã bị đánh bại. Khi dân Nê Phi vẫn còn sống trong sự tà ác, Thượng Đế đã trút xuống những sự đoán phạt của Ngài lên trên họ và dân La Man bắt đầu càn quét họ khỏi mặt đất. Cuối cùng, Mặc Môn trở lại chỉ huy dân Nê Phi trong trận chiến, nhưng vì họ từ chối hối cải nên họ đã bị dân La Man hủy diệt. Mặc Môn than khóc cho sự sa ngã và việc họ không sẵn lòng để trở về cùng Chúa Giê Su Ky Tô. Ông đã tiên tri rằng biên sử của dân chúng sẽ ra đời trong những ngày sau cùng, và ông khuyến khích những người chịu đọc biên sử đó phải hối cải và chuẩn bị cho sự phán xét của họ trước mặt Thượng Đế.

Mặc Môn 3–4

Vì dân Nê Phi gia tăng trong sự tà ác nên Mặc Môn từ chối chỉ huy quân đội của họ, và dân La Man bắt đầu càn quét dân Nê Phi khỏi mặt đất

Các em có bao giờ cảm thấy rằng Chúa muốn các em thay đổi điều gì đó trong cuộc sống của các em không? Các em có nghĩ rằng Ngài đã khuyến khích hoặc giúp các em thay đổi một điều gì đó trong cuộc sống của các em mà các em không nhận ra không?

Trong thời kỳ của Mặc Môn, dân Nê Phi thường không nhận ra hoặc biết ơn cách Chúa đã ảnh hưởng đến các trận chiến của họ với dân La Man. Sau khi dân Nê Phi lập hiệp ước với dân La Man và bọn cướp Ga Đi An Tôn, Chúa để cho họ trải qua 10 năm mà không hề có xung đột. Trong suốt những năm đó, họ đã sửa soạn khí giới để phòng bị cho những cuộc tấn công sắp tới (xin xem Mặc Môn 2:28; 3:1).

Đọc Mặc Môn 3:2–3, và tìm kiếm một cách thức quan trọng hơn trong đó Chúa muốn dân Nê Phi phải tự chuẩn bị cho các cuộc tấn công của dân La Man. Dân Nê Phi đã phản ứng như thế nào? Theo Mặc Môn 3:3, tại sao Chúa đã dung tha dân Nê Phi trong các trận chiến gần đây của họ mặc dù họ tà ác?

Như được ghi trong Mặc Môn 3:4–8, Chúa đã bảo vệ dân Nê Phi hai lần nữa trong trận chiến. Một lẽ thật của giáo lý chúng ta có thể học được từ những đường lối của Chúa với dân tộc Nê Phi tà ác là trong lòng thương xót của Ngài, Chúa ban cho chúng ta đầy đủ cơ hội để hối cải các tội lỗi. Những cơ hội này là bằng chứng về lòng kiên nhẫn và nhân từ của Thượng Đế và của ước muốn của Ngài rằng tất cả con cái của Ngài đều sống sao cho có thể hội đủ điều kiện cho các phước lành trọn vẹn của Sự Chuộc Tội.

  1. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em (các em có thể trả lời các câu hỏi này trong nhật ký riêng của mình nếu các câu trả lời này quá thiêng liêng hoặc kín nhiệm):

    1. Chúa đã khuyến khích các em phải hối cải và ban cho các em cơ hội để làm như vậy bằng cách nào? Điều này dạy cho các em điều gì về cá tính của Ngài?

    2. Các em có thể làm gì để không được làm ngơ hoặc cứng lòng đối với lời khuyến khích này, như dân Nê Phi đã làm trong Mặc Môn 3:3?

Các cơ hội và những lời mời gọi từ Chúa để thay đổi trong cuộc sống của các em có thể đến thường xuyên hơn là các em có thể nhận ra. Ví dụ, các cơ hội và những lời mời gọi này có thể đến khi các em dự phần Tiệc Thánh hoặc khi các em cảm thấy được Đức Thánh Linh thúc giục để cải thiện bản thân mình hoặc để phục vụ người khác. Khi các em tìm kiếm những cơ hội đó và phản ứng bằng cách thay đổi nhanh chóng, thì các em sẽ mời quyền năng cứu chuộc của Chúa vào cuộc sống của mình. Để giúp các em hiểu việc dân Nê Phi chống cự những cố gắng của Chúa để tiếp cận họ, hãy đọc Mặc Môn 3:9–10 và tìm kiếm cách họ đã hành động để đáp lại nhiều chiến thắng của họ đối với dân La Man. (Khi các em đọc, có thể là điều hữu ích để biết rằng từ trả thù trong câu 9 có nghĩa là báo thù cho một thương tích).

Dân Nê Phi đã phản ứng như thế nào sau khi họ chiến thắng dân La Man? Đọc Mặc Môn 3:11–13, và tìm kiếm phản ứng của Mặc Môn đối với lời thề của quân đội phải tìm cách trả thù (báo thù).

Mặc Môn đã chỉ huy quân đội Nê Phi trong hơn 30 năm, mặc dù sự tà ác hiển nhiên của họ. Lời từ chối của Mặc Môn để chỉ huy quân đội vào thời kỳ đó dạy chúng ta biết gì về mức độ nghiêm trọng của việc tìm cách báo thù?

Đọc Mặc Môn 3:14–16, và đánh dấu các cụm từ mà cho biết điều Chúa đã dạy Mặc Môn về việc trả thù (hoặc tìm cách báo thù). Một lẽ thật chúng ta học được từ những câu này làChúa nghiêm cấm chúng ta tìm cách trả thù.

  1. Trả lời những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Các em có từng muốn tìm cách trả thù hoặc trả đũa một người nào đó về một điều gì đó mà người ấy đã làm cho các em không? Tại sao các em nghĩ rằng đây là một phản ứng nguy hiểm hoặc sai? Các em nghĩ ai sẽ bị nguy hại nhất vì việc kiếm cách trả thù của các em?

    2. Tại sao chúng ta nên để sự phán xét và trả thù vào tay của Chúa thay vì tự mình làm?

Mặc dù chúng ta có thể biết rằng mình nên dẹp qua một bên những cảm nghĩ trả thù và có ước muốn làm như vậy, nhưng thường là có thể rất khó để khắc phục những cảm nghĩ này khi cảm nghĩ ấy đến. Khi các em đọc những lời khuyên sau đây của Chủ Tịch James E. Faust thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, hãy gạch dưới các cụm từ mà giúp các em biết điều các em có thể làm gì để khắc phục những cảm nghĩ trả thù khi các em có những cảm nghĩ này:

Hình Ảnh
Chủ Tịch James E. Faust

“Chúng ta cần phải nhận ra và thừa nhận những cảm nghĩ tức giận. Sẽ phải có lòng khiêm nhường để làm điều này, nhưng nếu chúng ta chịu quỳ xuống và cầu xin Cha Thiên Thượng ban cho một cảm nghĩ tha thứ, thì Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta. Chúa đòi hỏi chúng ta ‘phải tha thứ tất cả mọi người’ [GLGƯ 64:10] vì lợi ích của chúng ta bởi vì ‘lòng căm thù sẽ cản trở sự tăng trưởng phần thuộc linh’ [Orson F. Whitney, Gospel Themes (1914), 144]. Chỉ khi nào chúng ta tự mình từ bỏ lòng căm thù và nỗi cay đắng thì Chúa mới có thể ban sự an ủi cho tâm hồn của chúng ta. …

“… Khi thảm cảnh xảy ra, chúng ta không nên phản ứng bằng cách tìm kiếm cách trả thù cá nhân, mà thay vì thế hãy để cho công lý xét xử, và rồi quên đi. Không phải là điều dễ dàng để quên đi và trút nỗi oán giận day dứt ra khỏi lòng mình. Đấng Cứu Rỗi đã ban cho tất cả chúng ta một sự bình an quý báu nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài, nhưng điều này chỉ có thể xảy ra được khi chúng ta sẵn lòng loại bỏ những cảm nghĩ tiêu cực, tức giận, thù oán hoặc trả thù. Đối với tất cả chúng ta là những người tha thứ cho ‘những ai xúc phạm đến mình’ [Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 6:13], ngay cả những người phạm vào tội nghiêm trọng, thì Sự Chuộc Tội sẽ mang đến một mức độ bình an và an ủi” (“Quyền Năng Chữa Lành của Sự Tha Thứ,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2007, 69).

Hãy suy ngẫm về cách các em có thể áp dụng lời khuyên này để quên đi bất cứ mối hận thù, tức giận, hoặc những cảm nghĩ không nhân từ nào các em có thể có đối với người khác.

Sau khi từ chối chỉ huy quân đôi Nê Phi, Mặc Môn đã chuyển sự chú ý của ông đến việc viết cho những người sẽ đọc lời của mình trong những ngày sau cùng. Ông muốn mỗi người chúng ta phải hối cải và chuẩn bị để “đứng trước ghế phán xét của Đấng Ky Tô” (xin xem Mặc Môn 3:18–22).

Đọc Mặc Môn 4:1–2, và tìm kiếm điều đã xảy ra cho quân đội Nê Phi khi họ tìm cách trả thù dân La Man. Đọc Mặc Môn 4:4, và tìm kiếm lý do tại sao quân đội Nê Phi đã không thắng thế (chiến thắng). Đọc Mặc Môn 4:5, và nhận ra bất cứ lẽ thật nào về kết quả của việc khăng khăng sống trong sự tà ác. Các em tìm thấy được điều gì?

Một trong số các lẽ thật các em có thể đã thấy là những sự đoán phạt của Thượng Đế sẽ đuổi kịp kẻ tà ác. Thường thì “cũng chính do những kẻ tà ác này mà những kẻ tà ác kia bị trừng phạt” (Mặc Môn 4:5). Kẻ tà ác từ chối sự giúp đỡ của Thượng Đế và từ chối tìm kiếm sự bảo vệ thiêng liêng của Ngài. Đọc Mặc Môn 4:11–14, 18, và tìm kiếm xem những sự đoán phạt của Thượng Đế đã trút xuống dân Nê Phi như thế nào.

  1. Trả lời những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Theo ý kiến của các em, phần đáng buồn nhất của tình huống dân Nê Phi trong Mặc Môn 3–4 là gì?

    2. Các giáo lý hoặc các lẽ thật các em đã học cho đến nay có liên quan với nhau như thế nào? (Hãy xem xét mối quan hệ giữa sự hối cải, sự trả thù, và những sự đoán phạt của Thượng Đế).

Suy ngẫm điều Chúa muốn các em làm để áp dụng các lẽ thật này.

Mặc Môn 5–6

Mặc Môn quyết định một lần nữa để chỉ huy quân đội Nê Phi, nhưng dân La Man chiến thắng; Mặc Môn than khóc về sự hủy diệt của dân ông

Có một sự khác biệt giữa nỗi buồn rầu mà có thể đi cùng với cái chết của một người nào đó đã sống một cuộc sống ngay chính và một người nào đó sống tà ác rồi chết không? Các em nghĩ sự khác biệt này là gì?

Sau hơn 13 năm từ chối chỉ huy quân đội Nê Phi, Mặc Môn một lần nữa nắm quyền chỉ huy. Tuy nhiên, ông đã dẫn dắt họ mà không có hy vọng vì những người này từ chối hối cải và kêu cầu Chúa giúp đỡ. Sau khi đẩy lùi được một vài đợt tấn công của dân La Man, dân Nê Phi chạy trốn. Những người không thể chạy trốn kịp thì bị huỷ diệt. Mặc Môn viết thư cho vua La Man để yêu cầu ông chờ một thời gian để cho dân Nê Phi quy tụ lại cho một trận chiến cuối cùng (xin xem Mặc Môn 5:1–7; 6:1–6).

Đọc Mặc Môn 6:7–11, và cố gắng hiểu nỗi buồn rầu của Mặc Môn khi ông chứng kiến sự hủy diệt dân của ông. Các em nghĩ tại sao cái chết có thể là nỗi sợ hãi đối với những người đang sống tà ác?

  1. Đọc Mặc Môn 6:16–22, trả lời những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Tại sao các vị tiên tri, các vị lãnh đạo, và các bậc cha mẹ đều sốt sắng khuyến khích chúng ta phải hối cải?

    2. Hy vọng về sự chấp nhận của Chúa giúp các em hối cải như thế nào? (xin xem Mặc Môn 6:17).

Suy ngẫm xem có bất cứ điều gì Chúa muốn các em phải hối cải ngay bây giờ trong cuộc sống của các em. Các em có thể muốn viết về điều này trong nhật ký riêng của các em và đặt mục tiêu để hoàn thành điều này.

  1. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học Mặc Môn 3–6 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: