Lớp Giáo Lý
Bài 8: Ngày 2, 2 Nê Phi 28


Bài 8: Ngày 2

2 Nê Phi 28

Lời Giới Thiệu

Nê Phi đã tiên tri về một số tình trạng đầy thử thách trong những ngày sau, kể cả những lời giảng dạy sai lạc và sự kiêu ngạo của nhiều giáo hội giả mà sẽ được thành lập. Ông giảng dạy cách nhận ra các giáo lý sai lạc và thái độ của thế gian cùng nhận ra những cách mà Sa Tan sẽ cố gắng để làm xao lãng những người nam và người nữ khỏi một cuộc sống ngay chính.

2 Nê Phi 28:1–19

Nê Phi mô tả những giáo hội giả và những ý nghĩ sai lạc của thời kỳ chúng ta

Trong hầu hết các nền văn hóa đều có những dấu hiệu giao thông cảnh báo khách đi đường khi có bất cứ nguy hiểm nào đang ở phía trước trên con đường hoặc lối đi. Trong quốc gia và thị trấn nơi các em sinh sống, hình dạng và màu sắc nào là các dấu hiệu giao thông cảnh báo cho những người lái xe về một mối nguy hiểm đang ở phía trước? Tương tự như vậy, những thuốc độc và các chất độc hại khác thường được đánh dấu bằng các biểu tượng và những lời cảnh báo trên bao bì và thùng chứa. Các món đồ này được đánh dấu như thế nào nơi các em sinh sống?

Giống như các dấu hiệu cảnh báo về thể chất, Sách Mặc Môn chứa đựng những lời cảnh báo để giúp các em tránh các ảnh hưởng có hại cho tinh thần của các em. Chủ Tịch Ezra Taft Benson nhận ra Sách Mặc Môn có thể cảnh báo và củng cố các em chống lại những kế hoạch tà ác của Sa Tan: “Sách Mặc Môn vạch trần các kẻ thù của Đấng Ky Tô. Sách khuynh đảo các giáo lý sai lạc và chấm dứt các mối tranh chấp. (Xin xem 2 Nê Phi 3:12). Sách củng cố các tín đồ khiêm nhường của Đấng Ky Tô chống lại các kế hoạch, các chiến lược, và các học thuyết tà ác của quỷ dữ trong thời kỳ của chúng ta. Loại bội giáo trong Sách Mặc Môn tương tự như loại bội giáo chúng ta có ngày nay. Thượng Đế, với sự biết trước vô hạn của Ngài, đã ung đúc Sách Mặc Môn để chúng ta có thể thấy được lỗi lầm và biết cách chống lại các khái niệm giáo dục, chính trị, tôn giáo, và triết học của thời kỳ chúng ta” (“The Book of Mormon Is the Word of God,” Ensign, tháng Giêng năm 1988, 3).

Sách Mặc Môn vạch trần những ý kiến sai lạc của quỷ dữ và củng cố chúng ta chống lại những kế hoạch tà ác của nó. Như được ghi trong 2 Nê Phi 28, Nê Phi đã chỉ ra một số những lời giảng dạy sai lạc của quỷ dữ tương tự trong tất cả các thế hệ. Tra cứu 2 Nê Phi 28:3–9, và đánh dấu những lời dạy sai lạc và lừa dối của Sa Tan mà các em tìm hiểu ở đó. (Hãy chú ý rằng 2 Nê Phi 28:7–9 là một đoạn thánh thư thông thạo. Các em có thể muốn đánh dấu đoạn này trong một cách đặc biệt để các em có thể tìm ra đoạn đó trong tương lai).

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư, ghi lại từ 2 Nê Phi 28:3–9 một trong những điều giảng dạy sai lạc các em nghĩ là nguy hiểm nhất đối với giới trẻ ngày nay, và giải thích lý do của các em. Cũng bao gồm một ví dụ về những người trẻ tuổi có thể trở nên bị cám dỗ bởi điều giảng dạy sai lạc đó như thế nào.

Đọc 2 Nê Phi 28:12–14, và tìm kiếm điều Nê Phi đã cảnh báo sẽ xảy ra cho nhiều giáo hội và dân chúng, thậm chí một số “những tín đồ khiêm nhường của Đấng Ky Tô” (câu 14). Những điều này là do tính kiêu căng và giáo lý sai lạc các em đọc trong 2 Nê Phi 28:3–9. Đọc 2 Nê Phi 28:15–16, 19, và nhận ra một số hậu quả về những giáo lý sai lạc. Các em có thể muốn đánh dấu cụm từ trong 2 Nê Phi 28:19 có giải thích điều quỷ dữ sẽ làm với những người không hối cải.

Hình Ảnh
biểu tượng thông thạo thánh thư
Thông Thạo Thánh Thư—2 Nê Phi 28:7–9

  1. Đọc to 3 Nê Phi 28:7–9. Dành ra thời giờ để thuộc lòng 2 Nê Phi 28:8. Các em có thể muốn viết câu này trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em từ trí nhớ hoặc đọc thuộc lòng cho một người trong gia đình hoặc người bạn. Trong những ngày sau cùng, nhiều người sẽ giảng dạy các học thuyết sai lạc, vô ích và điên rồ. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy liệt kê một số cách mà các giáo lý điên rồ này được khuyến khích và giải thích vắn tắt cách các em có thể nhận ra các giáo lý điên rồ của thế gian và tránh xa chúng.

2 Nê Phi 28:20–32

Nê Phi cảnh báo những điều dối trá của Sa Tan

Để chuẩn bị cho việc học tập của các em về phần còn lại của 2 Nê Phi 28, hãy đọc kinh nghiệm sau đây của Chủ Tịch Boyd K. Packer, Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, khi ông đến tham quan một khu bảo tồn động vật hoang dã trong khi đang đi công tác ở Châu Phi:

“Chúng tôi dừng chân lại tại một đầm nước để xem các loài động vật đến uống nước. Trời rất khô vào mùa đó và không có nhiều nước, thực sự chỉ là chỗ bùn lầy. …

Hình Ảnh
Chủ Tịch Boyd K. Packer

“Nhất là con linh dương đã rất lo lắng. Chúng thường đến gần lỗ bùn, chỉ để quay lại và bỏ chạy trong nỗi sợ hãi vô cùng. Tôi có thể thấy là không có sư tử quanh đó và hỏi người hướng dẫn tại sao chúng không uống nước. Câu trả lời của người ấy, và đây chính là phần quan trọng của câu chuyện, là ‘Cá sấu.’

“Tôi biết rằng người ấy nói đùa, và nghiêm chỉnh hỏi người ấy: ′Có vấn đề gì thế?′ Câu trả lời lần nữa là: ′Cá sấu.′

Tôi nói: “‘Vô lý.’ ‘Không có cá sấu ở ngoài đó. Ai cũng có thể thấy điều đó.’ …

“Người ấy có thể biết là tôi không tin người ấy, và tôi nghĩ rằng người ấy quyết tâm dạy cho tôi một bài học. Chúng tôi lái xe đến một địa điểm khác, ở đó chiếc xe hơi của chúng tôi đậu trên con đường đắp cao phía trên một lỗ bùn, nơi chúng tôi có thể nhìn xuống dưới. Người ấy nói: ‘Đó kìa,’ ‘Ông nhìn cho biết.’

“Tôi không thể thấy bất cứ thứ gì ngoại trừ bùn, một chút nước, và các động vật đang bồn chồn hoảng sợ ở phía xa. Rồi bỗng nhiên tôi thấy nó!—một con cá sấu to, nằm im trong bùn, chờ đợi một số động vật không nghi ngờ và khát nước đủ để đi uống nước.

“Bỗng nhiên tôi trở thành người tin! Khi có thể thấy tôi sẵn lòng lắng nghe, người ấy tiếp tục với bài học. Người ấy nói: ‘Có cá sấu ở khắp nơi trong công viên, chứ không phải chỉ dưới sông mà thôi. Chúng tôi không có chỗ nào có nước mà không có một con cá sấu ở đâu đó gần bên, và ông nên tin như vậy.’ …

“Trong một chuyến đi khác đến Châu Phi, tôi đã thảo luận kinh nghiệm này với một nhân viên kiểm lâm trong một công viên khác. …

“Sau đó, ông chỉ cho tôi thấy nơi đã xảy ra một thảm kịch. Một thanh niên đến từ nước Anh đang làm việc trong khách sạn vào mùa đó. Mặc dù có những lời cảnh báo liên tục và lặp đi lặp lại, người thanh niên ấy đã đi qua khoảng đất rào kín để xem xét một thứ gì đó nằm giữa vũng nước cạn chỉ ngập đến đôi giày thể thao của mình.

“Người kiểm lâm nói: ‘Người ấy chưa đi được hai bước thì một con cá sấu đã vồ lấy người ấy rồi, và chúng tôi đã không thể cứu được người ấy’” (“Các Con Cá Sấu Thuộc Linh,” Ensign, tháng Năm năm 1976, 30–31).

Mối nguy hiểm về việc nghi ngờ là có cá sấu không khi các em không thể nhìn thấy chúng là gì? Kinh nghiệm của Chủ tịch Packer và người thanh niên giống như thế nào với điều mà Nê Phi đã mô tả trong 2 Nê Phi 28:22?

Chủ tịch Packer giải thích:

“Những người lớn tuổi hơn các anh chị em đã có kinh nghiệm trong cuộc sống để cảnh báo các anh chị em về những nguy hiểm trước mặt như là những con cá sấu. Không phải chỉ là những con cá sấu to lớn, màu xám có thể cắn các anh chị em ra từng mảnh, mà là những con cá sấu thuộc linh, vô cùng nguy hiểm, lừa đảo và ít được nhận thấy hơn ngay cả so với những loài bò sát ngụy trang rất kỹ ở Châu Phi.

“Những con cá sấu thuộc linh này có thể giết chết hoặc cắn xé linh hồn của các anh chị em. Chúng có thể hủy diệt sự bình an trong tâm trí của các anh chị em và của những người các anh chị em yêu thương. Đó là những con cá sấu phải được cảnh báo và hầu như không có một chỗ nào trên khắp thế gian này mà không bị chúng tràn vào quấy phá” (“Những Con Cá Sấu Thuộc Linh,” 31).

Trên những dòng sau đây, hãy trả lời câu hỏi sau đây: Trong những phương diện nào các con cá sấu ở châu Phi có thể tương tự như những cám dỗ và chiến thuật của Sa Tan?

Đọc 2 Nê Phi 28:20–21, 24–26, và tìm những cách mà Sa Tan tìm kiếm để hủy diệt chúng ta. (Có thể là điều hữu ích để biết rằng từ dẹp yên trong 2 Nê Phi 28:21có nghĩa là làm dịu, ru ngủ, hoặc đưa vào giấc ngủ thuộc linh). Theo những câu này, Sa Tan sử dụng các phương pháp nào để cố gắng dẹp yên chúng ta và dẫn dắt chúng ta vào quyền lực của nó? .

Một nguyên tắc quan trọng được giảng dạy trong những câu này là: Sa Tan sử dụng nhiều chiến thuật để cố gắng chế ngự chúng ta, chẳng hạn như bằng cách khích động chúng ta tức giận, dẹp yên và ru ngủ chúng ta, và nịnh hót chúng ta.

  1. Trả lời một hoặc nhiều câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Bằng cách nào Sa Tan sử dụng cơn giận dữ để đánh lừa và hủy diệt các cá nhân, gia đình và cộng đồng?

    2. Một số điều tốt đẹp mà Sa Tan đã cám dỗ các cá nhân để tức giận là gì?

    3. Mô tả ít nhất là hai ví dụ về một số người đã được dẹp yên và trở nên mù quáng đối với những nguy hiểm của Sa Tan như thế nào.

Hình Ảnh
Giám Trợ Richard C. Edgley

Đọc lời giải thích sau đây của Giám trợ Richard C. Edgley, một cố vấn trong Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa, liên quan đến tiến trình dần dần mà Sa Tan sử dụng để bẫy chúng ta: “Chúng ta không thể nói rằng mình sẽ vi phạm một vài tội lỗi trong thời niên thiếu hoặc mình sẽ chỉ ở xung quanh tội lỗi một chút xíu mà thôi. Không ở xung quanh tội lỗi. “Mỗi hành động, tốt hay xấu, đều có một kết quả. Mỗi hành động tốt cải thiện khả năng của chúng ta để làm điều tốt và đứng vững vàng hơn nhằm chống lại tội lỗi hoặc thất bại. Mỗi sự phạm giới, cho dù nhỏ đến đâu đi nữa, cũng làm cho chúng ta dễ bị ảnh hưởng của Sa Tan hơn vào lần sau khi nó cám dỗ chúng ta. Sa Tan dần dần túm bắt chúng ta, lừa dối chúng ta vì hậu quả của cái gọi là tội lỗi nhỏ nhặt cho đến khi nó bắt giữ chúng ta trong tội lỗi nghiêm trọng. Nê Phi mô tả kỹ thuật này là một trong cách dẹp yên, ru ngủ và nịnh hót chúng ta cho đến khi Sa Tan ′túm được [chúng ta] bằng những xiềng xích ghê gớm của nó, và từ đó, không có sự giải thoát ra được nữa’ (2 Nê Phi 28:22; xin xem thêm câu 21)” (“That Thy Confidence Wax Strong,” Ensign, tháng Mười Một năm 1994, 40).

Sa Tan sử dụng những chiến thuật tinh tế này để thuyết phục chúng ta phải suy nghĩ, nói, và làm những điều sai trái. Đọc 2 Nê Phi 28:27–29, và tìm kiếm thêm những lời cảnh báo.

Chúa đã đưa ra một lời cảnh báo và phước lành khác, mà được gồm vào ở gần cuối của chương này. Đọc 2 Nê Phi 28:30–32, và suy ngẫm các câu hỏi sau đây: Tại sao Thượng Đế gọi một số người là được phước? Làm thế nào việc tuân theo lời khuyên dạy của Thượng Đế sẽ giúp chúng ta khắc phục những chiến thuật của quỷ dữ?

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết về điều các em đã học được từ bài học này mà sẽ giúp các em khắc phục những chiến thuật của Sa Tan. Một số nơi, sinh hoạt, hoặc thái độ nào các em muốn tránh để không tiếp xúc với ảnh hưởng của Sa Tan?

  2. Hãy nghĩ về cuộc thảo luận về những dấu hiệu cảnh báo ở phần đầu của bài học này. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy vẽ một dấu hiệu cảnh báo để minh họa một mối nguy hiểm thuộc linh mà các em nghĩ giới trẻ cần phải được cảnh báo trong thời nay. Hãy chuẩn bị để chia sẻ điều này với giảng viên và các học viên của các em.

  3. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập của ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học 2 Nê Phi 28 và hoàn tất bài học này vào(ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: