Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 29: Ngày 4, Ê The 3


Đơn Vị 29: Ngày 4

Ê The–3

Lời Giới Thiệu

Chúa hỏi anh của Gia Rết: “Ngươi muốn ta làm gì cho các ngươi có ánh sáng trong thuyền?” (Ê The 2:23). Để đáp lại, anh của Gia Rết chuẩn bị kỹ 16 viên đá và khiêm tốn cầu nguyện Chúa để Ngài sẽ sờ tay vào chúng “làm cho nó chiếu sáng nơi tối tăm” (Ê The 3:4). Nhờ vào đức tin lớn lao của anh của Gia Rết, nên ông nhìn thấy ngón tay của Đấng Cứu Rỗi khi Đấng Cứu Rỗi sờ tay vào các viên đá. Sau đó, Chúa tự biểu hiện cho anh của Gia Rết thấy và truyền lệnh cho ông viết điều ông đã thấy và nghe.

Ê The 3:1–20

Chúa sờ tay vào các viên đá để cung cấp ánh sáng cho các chiếc thuyền của dân Gia Rết, và Ngài tự biểu hiện cho anh của Gia Rết thấy

Một số ví dụ về điều các em hoặc những người trẻ tuổi khác chân thành cầu nguyện là gì? Hãy chọn một trong những điều này, và viết xuống ở đây:

Khi các em học về tấm gương của anh của Gia Rết trong Ê The 3, hãy tìm kiếm những hiểu biết sâu sắc mà sẽ giúp các em hoặc một người bạn nhận được sự giúp đỡ từ Chúa.

Hãy suy nghĩ về lời cầu nguyện của anh của Gia Rết lên Chúa về việc cung cấp ánh sáng cho các chiếc thuyền và câu trả lời của Chúa cho ông. Ôn lại Ê The 2:22–3:1. Sau đó viết một chú thích cho mỗi tấm hình sau đây mô tả điều mà anh của Gia Rết đã làm như là phần vụ của ông để giải quyết vấn đề không có ánh sáng.

Hình Ảnh
người đàn ông với lửa và các dụng cụ

Hình Ảnh
người đàn ông leo núi

  1. Hãy viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em về điều gây ấn tượng cho các em về các nỗ lực của anh của Gia Rết để giải quyết vấn đề cần phải có ánh sáng trong các chiếc thuyền. Mặc dù anh của Gia Rết bỏ ra nhiều nỗ lực, nhưng hãy xem xét việc các viên đá nấu chảy ra của ông sẽ có hiệu quả như thế nào trong việc cung cấp ánh sáng nếu không có sự giúp đỡ của Chúa.

Đọc Ê The 3:2–5, và sau đó làm điều sau đây:

  • Nhận ra hoặc đánh dấu các cụm từ cho thấy là anh của Gia Rết rất khiêm nhường và công nhận sự phụ thuộc của ông vào Thượng Đế. Có thể là điều hữu ích để biết rằng cụm từ “bản chất của chúng con trở nên luôn luôn xấu xa” ám chỉ trạng thái tội lỗi của chúng ta trên thế gian. Vì Sự Sa Ngã của A Đam, chúng ta bị tách rời khỏi Thượng Đế về mặt thể chất. Chúng ta cũng dễ phạm tội. Nếu không có sự giúp đỡ thiêng liêng, chúng ta không bao giờ có thể trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế.

  • Nhận ra điều mà anh của Gia Rết cầu xin Chúa để làm.

  • Nhận ra hoặc đánh dấu điều mà anh của Gia Rết đã làm chứng là ông biết về Thượng Đế.

Hình Ảnh
Anh của Gia Rết Thấy Ngón Tay của Chúa
  1. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Các em có thể tìm thấy bằng chứng nào trong Ê The 3:1–5 rằng anh của Gia Rết có đức tin rằng Chúa có thể giúp ông giải quyết vấn đề của ông?

    2. Tấm gương của ông có thể giúp các em nhận ra rằng mình phụ thuộc vào Chúa như thế nào khi các em cầu xin Ngài giúp đỡ?

Đọc lời phát biểu sau đây từ Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, trong đó có nhấn mạnh đến đức tin của anh của Gia Rết: “Chắc chắn Thượng Đế, cũng như độc giả, cảm thấy một điều gì đó rất nổi bật trong sự ngây thơ như trẻ con và lòng nhiệt thành trong đức tin của người này. ‘Này, thưa Chúa, Ngài có thể làm được việc này’ [Ê The 3:5]. Có lẽ không có hàng chữ duy nhất nào mạnh mẽ hơn về đức tin do loài người nói ra trong thánh thư. … Tuy vị tiên tri chưa chắc chắn về khả năng của mình, nhưng ông đã khôngnghi ngờ về quyền năng của Thượng Đế” (“Rending the Veil of Unbelief,” trong Nurturing Faith through the Book of Mormon: The 24th Annual Sidney B. Sperry Symposium [1995], 12).

Đọc Ê The 3:6, và tưởng tượng việc ở trong tình huống được mô tả trong câu này đã có thể như thế nào.

Đọc Ê The 3:9, tìm kiếm lý do tại sao Chúa đã sẵn lòng sờ tay vào các viên đá và lý do tại sao anh của Gia Rết đã có thể thấy được ngón tay của Chúa.

Hoàn tất lời phát biểu về nguyên tắc sau đây theo điều các em đã học được cho đến bây giờ trong Ê The 3: Khi chúng ta khiêm nhường kêu cầu Chúa, thì Ngài sẽ đáp ứng cho chúng ta tùy theo của chúng ta và ý muốn của Ngài.

  1. Trả lời một hoặc cả hai câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Hãy tham khảo điều các em đã viết ở phần đầu của bài học này về điều mà các em hoặc những người trẻ tuổi khác cầu nguyện. Một người có thể cho thấy đức tin nơi Chúa như thế nào khi người ấy tìm kiếm sự giúp đỡ và hướng dẫn của Chúa trong tình huống đó?

    2. Các em đã kinh nghiệm được điều gì trong cuộc sống của mình mà đã dẫn các em đến việc biết được lẽ trung thực của nguyên tắc rằng khi chúng ta khiêm nhường kêu cầu Chúa, thì Ngài sẽ đáp ứng cho chúng ta theo đức tin của chúng ta và ý muốn của Ngài?

Hãy dành ra một giây lát và âm thầm đánh giá mức độ tin cậy Chúa của các em. Đọc Ê The 3:9–12, và tìm kiếm cùng đánh dấu bằng chứng về đức tin mà anh của Gia Rết đã có nơi Chúa.

Ôn lại Ê The 3:11, và suy nghĩ về việc các em có đủ đức tin nơi Chúa để cam kết tin và tuân theo điều Ngài sẽ mặc khải cho các em không ngay cả trước khi Ngài mặc khải điều đó.

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

Đọc lời phát biểu sau đây từ Anh Cả Jeffrey R. Holland, và gạch dưới điều chúng ta phải làm để sử dụng đức tin giống như anh của Gia Rết: “Đức tin dự bị được phát triển bởi những kinh nghiệm trong quá khứ—nhờ vào kinh nghiệm đã biết được, mà cung cấp một nền tảng cho niềm tin. Nhưng đức tin cứu chuộc thường phải được sử dụng hướng tới những kinh nghiệm trong tương lai —kinh nghiệm chưa biết, là kinh nghiệm cung cấp một cơ hội cho kinh nghiệm kỳ diệu. … Đức tin như đức tin của anh của Gia Rết, đi trước phép lạ và sự hiểu biết. Ông phải tin trước khi Thượng Đế phán bảo. Ông phải hành động trước khi khả năng để hoàn thành hành động đó là hiển nhiên. Ông phải cam kết với kinh nghiệm hoàn tất trước ngay cả đã nhận thấy điều đó đầu tiên. Đức tin là đồng ý vô điều kiện—và trước tiên—với bất cứ điều kiện nào mà Thượng Đế có thể đòi hỏi trong tương lai gần lẫn xa” (Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [1997], 18–19).

Hãy nghĩ về những kinh nghiệm của anh của Gia Rết, bắt đầu tại Tháp Ba Bên. Những kinh nghiệm nào có thể đã giúp gia tăng đức tin nơi Chúa? Các em nghĩ làm thế nào những kinh nghiệm này chuẩn bị cho ông để sử dụng “với một đức tin lớn lao như … vậy” (Ê The 3:9) vào lúc đó?

  1. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Có kinh nghiệm nào trong cuộc sống của các em đã làm gia tăng đức tin của các em nơi Chúa?

    2. Làm thế nào kinh nghiệm đó đã chuẩn bị cho các em để sử dụng đức tin lớn lao hơn trong tương lai?

Đọc Ê The 3:13–20, và tìm kiếm phước lành mà anh của Gia Rết đã nhận được nhờ vào đức tin của ông. Anh trai của Gia Rết đã biết gì về Đấng Cứu Rỗi từ kinh nghiệm đặc biệt này? Một nguyên tắc quan trọng khác mà các em có thể học được từ Ê The 3 là như sau: Khi sử dụng đức tin nơi Chúa, thì chúng ta sẽ tiến đến gần với Ngài hơn. Các em có thể muốn viết nguyên tắc này trong thánh thư của các em bên cạnh Ê The 3:11–20.

Anh Cả Jeffrey R. Holland bình luận về Ê The 3:15–16 và sự nhầm lẫn có thể phát sinh ra từ kinh nghiệm đó:

“[Một] vấn đề mà đòi hỏi phần bình luận vắn tắt phát sinh từ lời kêu lên của Chúa ‘Loài người chưa có bao giờ đến trước mặt ta với một đức tin lớn lao như ngươi vậy; vì nếu không thì ngươi đã chẳng nhìn thấy được ngón tay của ta.’ Và về sau, ‘Ta chưa bao giờ hiện ra cho loài người mà ta đã sáng tạo ra được trông thấy ta, vì chưa có bao giờ loài người tin ta như ngươi đã tin ta.’ [Ê The 3:9, 15].

“Khả năng có thể nhầm lẫn ở đây đi kèm với nhận thức rằng nhiều (và có lẽ là tất cả) vị tiên tri cao trọng sống trước thời anh của Gia Rết đã nhìn thấy Thượng Đế. Vậy thì, chúng ta giải thích lời tuyên phán của Chúa như thế nào? …

“Vấn đề này đã được nhiều tác giả Thánh Hữu Ngày Sau thảo luận, và có một số lời giải thích có thể có được, bất cứ—hoặc tất cả—lời giải thích nào trong những lời giải thích đó đều có thể giúp giải thích lẽ thật lớn lao hơn của đoạn này. Tuy nhiên, nếu không có sự mặc khải hoặc lời dẫn giải nào thêm về vấn đề này, thì bất cứ giả thuyết nào cũng chỉ là không thích đáng và không đầy đủ. …

“Một số người tin rằng Chúa muốn nói rằng Ngài chưa bao giờ tự biểu hiện trước đó cho loài người thấy ở mức độ đó hoặc chừng mực đó. Lý thuyết này cho rằng những sự hiện đến của Chúa cùng các vị tiên tri trước kia đã không có được cùng ‘sự trọn vẹn,’ mà không bao giờ trước đó tấm màn che đã được vén lên để tiết lộ trọn vẹn như vậy về thiên tính và sự xác thực của Đấng Ky Tô. …

“Một lời giải thích cuối cùng—và về đức tin của anh của Gia Rết, một lời giải thích đầy sức thuyết phục nhất—là Đấng Ky Tô đã phán với anh của Gia Rết: ‘Ta chưa bao giờ hiện ra cho loài người thấy theo cách này, tự ý ta, chỉ bởi đức tin của người nhìn thấy ta.’ Theo quy luật, các vị tiên tri được Ngài và chỉ với sự chấp thuận của Ngài mời vào nơi hiện diện của Chúa. Ngược lại, anh của Gia Rết, dường như đã tự mình xông qua bức màn che, không phải như là một vị khách không được mong muốn nhưng có lẽ nói một cách nghiêm túc như là một người không được mời. Đức Giê Hô Va phán: ‘Loài người chưa có bao giờ đến trước mặt ta với một đức tin lớn lao như ngươi vậy; vì nếu không thì ngươi đã chẳng nhìn thấy được ngón tay của ta. … Chưa có bao giờ loài người tin ta như ngươi đã tin ta.’ Hiển nhiên, chính Chúa đã nối kết đức tin chưa từng có với khải tượng chưa từng có này. Nếu tự khải tượng này không phải là duy nhất, thì phải là đức tin và cách nhận được khải tượng thì quá tuyệt vời. Cách duy nhất mà đức tin có thể là phi thường như vậy là khả năng đức tin mang vị tiên tri, không được mời, đến nơi mà những người khác đã có thể đi tới được chỉ với sự đồng ý của Thượng Đế” (Christ and the New Covenant, 20–23).

Ê The 3:21–28

Chúa truyền lệnh cho anh của Gia Rết phải viết những điều ông đã thấy và niêm phong biên sử của ông.

Đọc Ê The 3:25–26, và nhận ra điều nào khác Chúa đã cho anh của Gia Rết thấy. Như đã được ghi trong Ê The 3:21–24, 27–28, Chúa truyền lệnh cho anh của Gia Rết phải viết những điều ông đã được cho thấy trong khải tượng và niêm phong chúng. Chúa cũng giải thích rằng Ngài sẽ chuẩn bị một cách để những bài viết của anh của Gia Rết được phiên dịch trong tương lai. Một trong những cách mà lời tiên tri này được ứng nghiệm là khi Tiên Tri Joseph Smith phiên dịch sách Ê The từ các bảng khắc bằng vàng như là một phần của Sách Mặc Môn và làm cho biên sử của dân Gia Rết có sẵn cho tất cả mọi người để đọc.

Hãy suy ngẫm về cách các em có thể áp dụng điều mình học được ngày hôm nay và điều các em có thể làm để cho thấy đức tin nơi Chúa. Khi các em sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, Thượng Đế sẽ trút phước lành xuống các em, như Ngài đã làm cho anh của Gia Rết.

  1. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học Ê The 3 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: