Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 32: Ngày 4, Mô Rô Ni 10:8–26, 30–34


Đơn Vị 32: Ngày 4

Mô Rô Ni 10:8–26, 30–34

Lời Giới Thiệu

Sau khi giảng dạy cách đạt được một bằng chứng về lẽ thật của tất cả mọi sự việc qua Đức Thánh Linh, Mô Rô Ni khuyên nhủ những người sẽ đọc lời của ông nên nhận ra và nhận được các ân tứ thuộc linh. Mô Rô Ni kết thúc biên sử Sách Mặc Môn bằng cách khuyên nhủ tất cả mọi người đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô, nắm giữ mọi ân tứ tốt lành Ngài ban cho, và được toàn thiện nhờ vào Ngài.

Mô Rô Ni 10:8–26

Mô Rô Ni dạy về các ân tứ của Thánh Linh và mục đích của các ân tứ này trong công việc của Chúa

Hãy nghĩ về một thời gian mà Cha Thiên Thượng ban phước cho các em để có thể làm điều gì đó mà các em đã có thể tự mình làm được. Trong chương kết thúc của mình, Mô Rô Ni đã làm chứng về sự giúp đỡ và sức mạnh mà Chúa có thể ban cho chúng ta. Đọc Mô Rô Ni 10:8, và tìm kiếm cụm từ mô tả các khả năng thuộc linh hay các phước lành mà Cha Thiên Thượng ban cho con cái trung tín của Ngài.

Các “ân tứ của Thượng Đế” mà Mô Rô Ni đã nói tới trong Mô Rô Ni 10:8 cũng được gọi là “các ân tứ của Thánh Linh” hay là “các ân tứ thuộc linh.” Các em có thể muốn đánh dấu cụm từ “các ân tứ của Thượng Đế” trong quyển thánh thư của các em. Viết lẽ thật sau đây trong quyển thánh thư của các em bên cạnh Mô Rô Ni 10:8: Thượng Đế ban cho các ân tứ của Thánh Linh để làm lợi ích cho con cái của Ngài. Cụm từ “làm lợi ích cho con cái của Ngài” có nghĩa là có lợi hay phục vụ cho con cái của Ngài.

Đọc Mô Rô Ni 10:9–16, và đánh dấu mỗi ân tứ thuộc linh mà Mô Rô Ni đã đề cập. Điều quan trọng là phải biết rằng các ân tứ thuộc linh mà Mô Rô Ni đã thảo luận chỉ là một vài ví dụ về nhiều ân tứ thuộc linh có sẵn. Anh Cả Marvin J. Ashton thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy rằng “Thượng Đế đã ban cho mỗi người chúng ta một hoặc nhiều tài năng đặc biệt hơn”:

Hình Ảnh
Anh Cả Marvin J. Ashton

“Dường như đối với tôi, một trong những thảm kịch lớn của cuộc sống là khi nào một người tự nghĩ mình là một người không có tài năng hoặc ân tứ. … Để chúng ta kết luận rằng mình không có các ân tứ khi tự đánh giá mình về tầm vóc, trí thông minh, điểm học trung bình, sự giàu có, quyền lực, chức vụ, hoặc hình dáng bên ngoài không những là không công bằng mà còn là không hợp lý nữa. …

“… Để xem xét một cách ngẫu nhiên, tôi xin đề cập đến một vài ân tứ mà không phải luôn luôn là hiển nhiên hoặc đáng chú ý nhưng lại rất quan trọng. Trong số này có thể là các ân tứ của các [anh, chị] em—các ân tứ không quá hiển nhiên nhưng vẫn có thật và có giá trị.

“Chúng ta hãy xem lại một số ân tứ ít được để ý: ân tứ để hỏi; ân tứ để lắng nghe; ân tứ để nghe và sử dụng một giọng nói nhỏ nhẹ, êm ái; ân tứ để có thể khóc; ân tứ để tránh tranh chấp; ân tứ để đồng ý; ân tứ để tránh sự lặp đi lặp lại vô ích; ân tứ để tìm kiếm điều ngay chính; ân tứ để không phê phán; ân tứ để tìm đến Thượng Đế để được hướng dẫn; ân tứ để làm một môn đồ; ân tứ để chăm sóc cho người khác; ân tứ để có thể suy ngẫm; ân tứ để dâng lên lời cầu nguyện; ân tứ để chia sẻ một chứng ngôn vững mạnh; và ân tứ để nhận được Đức Thánh Linh.

“Chúng ta phải nhớ rằng mỗi người được Thánh Linh của Thượng Đế ban cho một ân tứ [xin xem GLGƯ 46:11–12]. Đó là quyền hạn và trách nhiệm của chúng ta để chấp nhận các ân tứ của mình và chia sẻ chúng. Các ân tứ và quyền năng của Thượng Đế đều có sẵn cho tất cả chúng ta” (“There Are Many Gifts,” Ensign, tháng Mười Một năm 1987, 20).

Đọc Mô Rô Ni 10:17, và lưu ý đến lời giảng dạy của Mô Rô Ni rằng mỗi tín hữu trung thành của Giáo Hội đều có ít nhất một ân tứ thuộc linh (xin xem thêm GLGƯ 46:11). Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy rằng “các ân tứ của Thánh Linh … sẽ giúp mỗi người chúng ta đạt được mục tiêu của mình về cuộc sống vĩnh cửu.

Hình Ảnh
Anh Cả Robert D. Hales

“Các ân tứ này của Thánh Linh được bao bọc bởi ân tứ Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh là Đấng thứ ba trong Thiên Chủ Đoàn vĩnh cửu và được nhận ra là Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh này là một ân tứ từ Thượng Đế để giúp chúng ta đưa ra quyết định nhằm cho phép chúng ta tìm kiếm và hoàn thành sứ mệnh của mình. …

“Trong những ngày sau này, một sự hiểu biết về các ân tứ của Thánh Linh đã được ban cho chúng ta qua sự mặc khải như đã được ghi trong tiết 46 của sách Giáo Lý và Giao Ước. Tiết 46 mô tả các ân tứ cụ thể của Thánh Linh như sau:

“‘Vì không phải ai cũng đều được ban cho mọi ân tứ; vì có nhiều ân tứ, và mỗi người được Thánh Linh của Thượng Đế ban cho một ân tứ’ (câu 11).

“Chúng ta được chỉ dẫn rõ ràng rằng mỗi người chúng ta đều được ban cho một ân tứ hoặc nhiều ân tứ. Chúng ta có biết ân tứ nào mình đã được ban cho không? Chúng ta có đang tìm cách kiếm ra các ân tứ của mình không?” (“Gifts of the Spirit,” Ensign, tháng Hai năm 2002, 12).

  1. Hãy nghĩ về các ân tứ thuộc linh mà các em đã nhận được từ Thượng Đế, và sau đó trả lời hai hoặc tất cả các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Các em đã được hưởng lợi như thế nào từ các ân tứ của Thánh Linh mình nhận được?

    2. Các em đã thấy những ví dụ nào về các ân tứ thuộc linh trong Giáo Hội ngày nay?

    3. Các em có thể sử dụng các ân tứ thuộc linh của mình như thế nào để ban phước cho cuộc sống của những người khác? Cuộc sống của các em đã được ban phước như thế nào bởi các ân tứ của những người khác?

Hãy cân nhắc xem các ân tứ thuộc linh là hiển nhiên như thế nào trong sự ra đời của Sách Mặc Môn. Hãy điền vào các ân tứ thuộc linh có thể thấy trong cuộc đời của Joseph Smith vào các chỗ trống, như đã được cho thấy trong mỗi tấm hình:

Hình Ảnh
Khải Tượng Thứ Nhất

Mô Rô Ni 10:11

Hình Ảnh
Mô Rô Ni Hiện Đến Cùng Joseph Smith trong Phòng của Ông

Mô Rô Ni 10:14

Hình Ảnh
Joseph Smith Nhận được Các Bảng Khắc Bằng Vàng

Mô Rô Ni 10:16

Mô Rô Ni làm chứng rằng chúng ta phải có đức tin để nhận được các ân tứ thuộc linh. Ngài dạy rằng Thượng Đế “dùng quyền năng để hành động, tùy theo đức tin của con cái loài người, hôm nay cũng như ngày mai và mãi mãi về sau” (Mô Rô Ni 10:7). Đọc Mô Rô Ni 10:19, 24, và nhận ra điều gì ngăn cản người ta nhận được và nhận ra các ân tứ thuộc linh.

  1. Viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em lý do tại sao các em nghĩ rằng những người đang ở trong tình trạng không tin đều không thể nhận ra hoặc nhận được quyền năng và ân tứ của Thượng Đế.

Đọc Mô Rô Ni 10:20–23. Hãy tìm kiếm điều Mô Rô Ni đã dạy về các ân tứ thuộc linh quan trọng của đức tin, niềm hy vọng, và lòng bác ái. Ông đã làm chứng rằng ân tứ thuộc linh dẫn đến một phước lành tuyệt vời. Xem câu 23 để tìm kiếm phước lành này. Lưu ý rằng từ thích đáng có nghĩa là “đáng mong muốn,” và cụm từ “mọi điều thích đáng đối với ta” có thể có nghĩa là “mọi điều mà ta muốn các ngươi làm.” Các em có thể muốn đánh dấu câu trong Mô Rô Ni 10:23 có dạy về nguyên tắc này: Nếu có đức tin, chúng ta sẽ có thể làm điều Cha Thiên Thượng muốn chúng ta làm.

  1. Để giúp các em nhận ra nguyên tắc này đã được hoặc có thể được ứng nghiệm như thế nàotrong cuộc sống của các em, hãy viết một vài câu trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em để trả lời một hoặc cả hai lời phát biểu sau đây:

    1. Tôi đã trải nghiệm được lời hứa trong Mô Rô Ni 10:23 khi …

    2. Lời hứa được tìm thấy trong Mô Rô Ni 10:23 có thể giúp tôi với …

  2. Hãy suy nghĩ về hai nguyên tắc các em đã học được trong Mô Rô Ni 10:8–26: Thượng Đế ban cho các ân tứ của Thánh Linh để làm lợi ích cho con cái của Ngài. Nếu có đức tin, chúng ta sẽ có thể làm điều Cha Thiên Thượng muốn chúng ta làm. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Làm thế nào việc biết được hai nguyên tắc này có thể giúp các em ngay bây giờ trong cuộc sống?

    2. Làm thế nào các nguyên tắc này có thể giúp các em với những cơ hội có thể có trong tương lai?

Mô Rô Ni 10:30–34

Mô Rô Ni kết thúc biên sử của ông bằng cách mời tất cả mọi người đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài

Hình Ảnh
Chủ Tịch James E. Faust

Các em có nghĩ là có thể được hoàn hảo trong cuộc sống này không? Chủ Tịch James E. Faust thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã giải thích lệnh truyền phải trở nên hoàn hảo: “Sự hoàn hảo là một mục tiêu vĩnh cửu. Mặc dù chúng ta không thể hoàn hảo trong trần thế, nhưng việc cố gắng để đạt được điều đó là một lệnh truyền, mà cuối cùng chúng ta có thể giữ được, qua Sự Chuộc Tội” (“This Is Our Day,” Ensign, tháng Năm năm 1999, 19).

Như Chủ Tịch Faust đã dạy, sự hoàn hảo là một mục tiêu chúng ta có thể cố gắng hướng tới bây giờ và đạt được trong cuộc sống mai sau, với sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi. Mô Rô Ni kết thúc chứng ngôn của ông bằng cách dạy điều chúng ta có thể làm để mời quyền năng thanh tẩy của Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống của chúng ta bây giờ và cuối cùng trở nên toàn thiện qua Sự Chuộc Tội của Ngài.

  1. Làm biểu đồ sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Điều tôi có thể làm

    Thượng Đế hứa điều gì

    Tìm Mô Rô Ni 10:30–33, tìm kiếm (a) điều chúng ta phải làm để trở nên thanh khiết và cuối cùng hoàn hảo và (b) điều Thượng Đế hứa sẽ làm để giúp đỡ chúng ta. Ghi lại điều các em tìm thấy trong cột thích hợp của biểu đồ các em.

Viết lời phát biểu sau đây ở bên dưới biểu đồ trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em hoặc trong quyển thánh thư của các em bên cạnh Mô Rô Ni 10:32–33: Khi đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể được thanh tẩy và toàn thiện nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài.

Việc đến cùng Đấng Ky Tô là một tiến trình suốt đời bắt đầu với việc tin tưởng nơi Ngài và sau đó khiêm nhường tìm kiếm ảnh hưởng của Ngài trong cuộc sống của chúng ta. Tiến trình này tiếp tục với việc chấp nhận phúc âm của Ngài, chấp nhận Ngài là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, hối cải, giao ước với Ngài qua các giáo lễ phúc âm, trung tín chịu đựng trong việc tuân theo các lệnh truyền của Ngài trong suốt cuộc sống của chúng ta. Cuối cùng chúng ta sẽ đến cùng Đấng Ky Tô khi chúng ta trở thành giống như Ngài; sau đó chúng ta có thể sống với Ngài trong thời vĩnh cửu.

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ tóm tắt lời mời cuối cùng của Mô Rô Ni để đến cùng Đấng Ky Tô, được tìm thấy trong Mô Rô Ni 10:30–33:

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

“[Chứng ngôn cuối cùng] của Mô Rô Ni [nhấn mạnh] đến đức tin nơi Đấng Ky Tô, hy vọng nơi Đấng Ky Tô, lòng bác ái của Đấng Ky Tô, với lời cầu nguyện rằng ba đức hạnh quan trọng này của Ky Tô hữu, ba nguyên tắc tột bậc này của Ky Tô hữu, sẽ dẫn chúng ta đến sự thanh khiết. …

“Lời kêu gọi cuối cùng, sau cùng, và đơn độc của nền tảng tôn giáo của chúng ta và cuốn sách chính xác đúng thật nhất từng được viết ra là đừng chạm tay vào điều ô uế; phải là thánh thiện và không có tì vết; phải là thanh khiết. Và sự thanh khiết đó chỉ có thể đến qua máu của Chiên Con là Đấng đã mang sự đau khổ của chúng ta, và gánh lấy sự sầu muộn của chúng ta; Chiên Con đã bị thương tích vì sự phạm giới của chúng ta, và bị bầm dập vì những điều bất chính của chúng ta; Chiên Con bị khinh miệt và đau khổ, nhưng chúng ta không quý trọng Ngài (xin xem Mô Si A 14). …

“Sự thanh khiết—qua máu của Chiên Con. Đó là điều mà [Sách Mặc Môn] khẩn nài” (“A Standard unto My People” [Hội nghị của Hệ Thống Giáo Dục Giáo Hội về Sách mặc Môn, ngày 9 tháng Tám năm 1994], 15, si.lds.org).

Ôn lại Mô Rô Ni 10:32–33, và đánh dấu các cụm từ nhấn mạnh rằng cách duy nhất chúng ta có thể được toàn thiện là phải được toàn thiện “trong Đấng Ky Tô.” Điều này có nghĩa là chúng ta không thể tự mình đạt được sự toàn thiện; chúng ta phải dựa vào quyền năng và ân điển của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Hãy suy ngẫm lý do tại sao chúng ta cần Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô để trở nên thanh khiết và toàn thiện. Các em có thể muốn đánh dấu cụm từ trong Mô Rô Ni 10:32–33 mà các em tìm thấy thật khích lệ khi các em cố gắng để có được sự thanh khiết và mục tiêu vĩnh cửu của sự toàn thiện .

Xem lại điều các em đã viết dưới “Điều tôi có thể làm” trên biểu đồ trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em. Chọn một hành động được viết ở đó và suy ngẫm về việc làm thế nào các em có thể cẩn thận hơn trong lãnh vực đó trong cuộc sống của mình.

Đọc Mô Rô Ni 10:34, và tìm kiếm bằng chứng về đức tin của Mô Rô Ni trong Chúa Giê Su Ky Tô và hy vọng nhận được cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta cũng có thể có đức tin và hy vọng khi chúng ta làm cho việc học Sách Mặc Môn thành một sự theo đuổi suốt đời và áp dụng các lẽ thật đã được giảng dạy trong các trang sách đó.

  1. Để kết thúc khóa học này về Sách Mặc Môn, hãy trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, và sẵn sàng để chia sẻ các câu trả lời của các em với giảng viên của mình:

    1. Việc học Sách Mặc Môn trong năm nay đã tạo ra sự khác biệt nào trong cuộc sống của các em?

    2. Các bài học hoặc nguyên tắc nào đã giúp các em “đến cùng Đấng Ky Tô” và củng cố đức tin của các em nơi Đấng Cứu Rỗi?

    3. Chứng ngôn của các em về Sách Mặc Môn là gì?

  2. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học Mô Rô Ni 10:8–26, 30–34 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi:

Hình Ảnh
Mô Rô Ni Đem Giấu Các Bảng Khắc trên Đồi Cumorah