Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 16: Ngày 2, An Ma 12


Đơn Vị 16: Ngày 2

An Ma 12

Lời Giới Thiệu

Những lời của A Mu Léc trong An Ma 11 đã làm cho Giê Rôm ý thức được về tội lỗi của mình vì đã nói dối và lừa gạt người khác. Sau khi A Mu Léc nói chuyện với những người dân trong xứ Am Mô Ni Ha, thì An Ma đứng trước mặt họ. Vì những người dân Am Mô Ni Ha đã trở nên tà ác, An Ma tập trung vào các lẽ thật nhằm giúp họ hối cải về sự cứng lòng và các tội lỗi khác của họ. Ông đã nhấn mạnh đến những cạm bẫy của Sa Tan, những sự phán xét xảy ra cho kẻ tà ác, và kế hoạch cứu chuộc do Vị Nam Tử của Thượng Đế mang đến để làm cho những người hối cải có thể trở lại được nơi hiện diện của Thượng Đế.

An Ma 12:1–7

An Ma cho thấy ý định tà ác của Giê Rôm

Hãy nghĩ về cách hoạt động của một cái bẫy: để bắt một con vật: Một vòng dây thừng được đặt quanh một miếng thức ăn. Khi con vật vươn qua vòng dây đó để lấy thức ăn, thì cái bẫy thắt chặt lại, và con vật bị mắc kẹt.

Hình Ảnh
dây cột vào bẫy

Ôn lại cách Giê Rôm đã cố gắng để bắt A Mu Léc vào một cái bẫy trong An Ma 11:21–25. Sau khi A Mu Léc nhận thức được ý định của Giê Rôm và trả lời hắn, thì An Ma đứng lên để ngỏ lời với Giê Rôm và đám đông đang hiện diện (xin xem An Ma 12:1–2). Hãy tìm trong An Ma 12:3–6 các từ và cụm từ mà An Ma đã sử dụng để mô tả các chiến thuật của Giê Rôm, trong đó An Ma nói là đã đến từ quỷ dữ (xin xem An Ma 12:5).

Theo An Ma 12:3, làm thế nào An Ma có thể biết được kế hoạch của Giê Rôm?

An Ma đã nói những ý định của quỷ dữ là gì trong An Ma 12:6?

An Ma dạy rằng Đức Thánh Linh có thể giúp chúng ta nhận ra những cám dỗ của kẻ nghịch thù. Trong bài học về An Ma 11, các em đã học được rằng nếu trông cậy vào Đức Thánh Linh, thì chúng ta có thể khắc phục được sự cám dỗ. Một khía cạnh quan trọng của việc khắc phục cám dỗ là có được Thánh Linh giúp chúng ta nhận ra cám dỗ và thiệt hại có thể gây ra cho chúng ta. Sau đó chúng ta có thể lựa chọn để vẫn luôn luôn thanh khiết và trung tín bằng cách tránh cám dỗ. Các em đã có kinh nghiệm nào khi Đức Thánh Linh giúp các em nhận ra và tránh một trong những cám dỗ của quỷ dữ không?

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết điều mà các em có thể và sẽ làm để gia tăng khả năng của mình nhằm nhận ra và đáp ứng những lời mách bảo của Đức Thánh Linh để các em có thể nhận ra và tránh những ″cái bẫy″ của kẻ nghịch thù.

An Ma 12:7–18

An Ma giảng dạy về sự phán xét cuối cùng của tất cả nhân loại

Hãy suy nghĩ về một nghề nghiệp mà các em thích theo đuổi. Hãy ước tính là các em có thể phải trả bao nhiêu học phí (trả tiền học) tại một trường học hoặc chương trình huấn luyện nhằm đạt được kiến thức cần thiết để thành công trong nghề nghiệp đó.

Hình Ảnh
Anh Cả David A. Bednar

Đọc phần trích dẫn sau đây, tìm kiếm ″học phí″ mà Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nói phải được trả để nhận được sự hiểu biết thuộc linh: ″Sự hiểu biết thuộc linh mà các anh chị em và tôi đã được phước để nhận được cũng như được xác nhận là chân chính trong lòng mình đều không thể chỉ giản dị đưa cho [những người khác]. Cái giá của sự chuyên cần cũng như của sự học hỏi bằng cách nghiên cứu và cũng bằng đức tin cần phải được trả để nhận được rồi cá nhân mình ′sở hữu′ sự hiểu biết đó. Chỉ bằng cách này, điều có thể được biết trong tâm trí mới có thể được cảm thấy trong lòng” (“Dùng Sự Bền Đổ Trọn Vẹn mà Tỉnh Thức,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2010, 43).

Tìm kiếm bằng chứng trong An Ma 12:7–8 rằng Giê Rôm bắt đầu sẵn lòng để trả ″học phí″ thuộc linh cần thiết để nhận được sự hiểu biết thuộc linh. Các em thấy điều gì đã cho thấy Giê Rôm bắt đầu thay đổi tâm hồn hắn để hắn có thể tìm hiểu các lẽ thật thuộc linh?

Tìm kiếm điều An Ma đã giảng dạy cho Giê Rôm biết về việc đạt được sự hiểu biết thuộc linh khi các em đọc An Ma 12:9–11. Có thể là điều hữu ích để biết rằng ″những điều kín nhiệm của Thượng Đế là các lẽ thật thuộc linh chỉ được biết đến bởi sự mặc khải. Thượng Đế mặc khải những điều kín nhiệm cho những người tuân theo phúc âm″ (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, ″Những Kín Nhiệm của Thượng Đế,” scriptures.lds.org). Các em có thể muốn viết định nghĩa này trong thánh thư của các em bên cạnh An Ma 12:9. Trong An Ma 12:9, An Ma giải thích rằng Thượng Đế sẽ ban cho một phần nhỏ lời của Ngài cho loài người theo những điều gì?

Theo An Ma 12:10–11, mối quan hệ giữa tình trạng của tâm hồn chúng ta và việc nhận được các lẽ thật thuộc linh là gì?

″Chai đá″ trong lòng có nghĩa là gì (xin xem An Ma 12:10–11), và các em nghĩ tình trạng như vậy được cho thấy như thế nào trong cuộc sống của một người nào đó?

Sứ điệp của An Ma cho Giê Rôm dạy nguyên tắc sau đây: Chúa mặc khải cho chúng ta các lẽ thật thuộc linh tùy theo sự cần mẫn và chú tâm của chúng ta đối với những lời của Ngài.

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết về một lệnh truyền hoặc lời khuyên bảo từ Chúa mà các em đang cố gắng tuân theo bằng cách ″cần mẫn và chú tâm″ đến lệnh truyền hoặc lời khuyên bảo đó. Chúa đã ban phước cho các em với sự hướng dẫn, hiểu biết thêm, hoặc các lời mách bảo của Thánh Linh Ngài bằng những cách nào vì các em đã hành động theo điều Ngài đã dạy cho các em?

Sau khi An Ma đã giải thích cách chúng ta tiến đến việc biết được lẽ thật thuộc linh, ông đã tiếp tục trả lời câu hỏi mà Giê Rôm đã hỏi trong An Ma 12:8 về cách chúng ta sẽ được phán xét. Tìm kiếm điều An Ma đã giảng dạy cho Giê Rôm trong An Ma 12:12–15 về sự phục sinh và sự phán xét. Điền vào những chỗ trống sau đây: Chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm với Thượng Đế về , , và.

Suy ngẫm câu hỏi sau đây: Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt nào trong việc lựa chọn hàng ngày của các em nếu các em nhớ rằng mình sẽ chịu trách nhiệm về những lời nói, việc làm, và ý nghĩ của mình?

Đánh dấu tham khảo chéo trong cước chú 14a cho đoạn thánh thư thông thạo Mô Si A 4:30, và sau đó đọc hoặc đọc thuộc lòng Mô Si A 4:30.

  1. Tham khảo điều các em đã viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em cho phần chỉ định 1 trong bài học ngày hôm nay về việc các em có thể nhạy bén đối với Đức Thánh Linh như thế nào. Thêm vào những ý nghĩ của các em về việc hiểu được trách nhiệm giải trình riêng của mình đối với Thượng Đế có thể gia tăng ước muốn của các em để nhận ra và tránh cám dỗ như thế nào.

An Ma 12:19–37

An Ma giải thích về việc loài người có thể khắc phục được những hậu quả của Sự Sa Ngã qua kế hoạch cứu chuộc như thế nào

Một lãnh tụ ở Am Mô Ni Ha tên là An Tô Na không tin rằng con người có thể trở nên bất diệt, và nói rằng Sự Sa Ngã đã làm cho điều đó không thể thực hiện được (xin xem An Ma 12:20–21). Dò tìm các câu từ An Ma 12 được liệt kê trong biểu đồ sau đây, và viết những điều An Ma đã dạy trong các cột ở bên dưới các tiêu đề:

Những hậu quả của Sự Sa Ngã (An Ma 12:22, 24)

Thượng Đế đã làm gì để mang đến sự cứu chuộc (An Ma 12:24–25, 28–33)

Chúng ta cần phải làm gì để được cứu chuộc (An Ma 12:24, 30, 34, 37)

Hình Ảnh
Rời Bỏ Vườn Ê Đen
  1. Khi các em điền xong vào biểu đồ, thì hãy trả lời những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô giúp chúng ta khắc phục các hậu quả của Sự Sa Ngã như thế nào?

    2. Theo như An Ma 12:24, điều gì An Ma đã giảng dạy là mục đích của cuộc sống bây giờ chính là điều Đấng Cứu Chuộc đã làm để khắc phục được các hậu quả của Sự Sa Ngã?

Hình Ảnh
Anh Cả L. Tom Perry

Từ ″trạng thái thử thách″ trong An Ma 12:24 là một cụm từ chỉ được An Ma sử dụng trong Sách Mặc Môn (xin xem thêm An Ma 42:4, 10, 13). Anh Cả L. Tom Perry thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã mô tả thời gian thử thách này: ″Mục đích chính của cuộc sống trần thế là nhằm cho phép linh hồn chúng ta, là linh hồn đã hiện hữu trước khi có thế gian, được kết hợp với thể xác chúng ta trong một thời gian cho một cơ hội lớn trên trần thế. Sự kết hợp giữa linh hồn và thể xác đã cho chúng ta đặc ân để tăng trưởng, phát triển và trưởng thành mà chúng ta chỉ có thể làm được điều đó nhờ sự kết hợp của linh hồn và thể xác. Với thể xác của mình, chúng ta trải qua một số thử thách nhất định được gọi là một trạng thái thử thách trong cuộc sống của chúng ta. Đây là một thời gian học hỏi và thử thách để tự chứng tỏ là chúng ta xứng đáng với cơ hội vĩnh cửu. Thời gian này là một phần của kế hoạch thiêng liêng của Đức Chúa Cha dành cho con cái của Ngài” (“Proclaim My Gospel from Land to Land,” Ensign, tháng Năm năm 1989, 14).

An Ma làm chứng rằng thời gian trần thế là thời gian cho chúng ta chuẩn bị để gặp Thượng Đế. Các em có thể muốn đánh dấu các cụm từ dạy giáo lý này trong An Ma 12:24. Đọc An Ma 34:32, và tham khảo chéo câu này với An Ma 12:24.

  1. Để áp dụng điều các em đã học được, hãy trả lời một hoặc cả hai câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Việc biết được mục đích của cuộc sống trần thế giúp hướng dẫn các em trong cuộc sống của các em như thế nào?

    2. Đức tin của các em nơi Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô giúp đỡ các em trong cuộc sống thử thách trên trần thế như thế nào?

Đọc An Ma 12:33–35, và lưu ý đến sự khác biệt trong điều sẽ xảy ra cho những người hối cải và cho những người không hối cải. Điều này có thể giúp các em hiểu rõ hơn những câu này để biết rằng việc bước vào chốn an nghỉ của Chúa gồm có việc nhận được sự xá miễn các tội lỗi của chúng ta và cuối cùng bước vào nơi hiện diện vinh quang của Chúa (xin xem GLGƯ 84:24).

  1. Viết điều sau đây ở dưới cùng của phần chỉ định ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học xong An Ma 12 và hoàn tất bài học này vào (ngày, tháng, năm).

    Tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi những câu hỏi, ý nghĩ, và sự hiểu biết thêm: