Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 7: Ngày 3, 2 Nê Phi 21–24


Đơn Vị 7: Ngày 3

2 Nê Phi 21–24

Lời Giới Thiệu

Nhiều lời tiên tri của Ê Sai trong Sách Mặc Môn là về những ngày sau cùng. Ông tiên tri về Sự Phục Hồi phúc âm, Tiên Tri Joseph Smith, Ngày Tái Lâm, và sự hủy diệt kẻ tà ác. Ông thấy trước rằng Chúa sẽ “dựng lên một cờ hiệu cho các nước” để quy tụ dân Ngài trong những ngày sau cùng (xin xem 2 Nê Phi 21:11–12). Ê Sai cũng làm chứng rằng Chúa sẽ chiến thắng Sa Tan và khai mở Thời Kỳ Ngàn Năm, một kỷ nguyên bình an và vui mừng.

2 Nê Phi 21:1–4, 10–12

Ê Sai thấy trước Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong những ngày sau

Ngừng lại một chút, và hãy tưởng tượng ra một ánh sáng bắt đầu xuất hiện trước mắt các em. Ánh sáng trở nên càng ngày càng sáng hơn. Đột nhiên một sứ giả từ nơi hiện diện của Thượng Đế đang đứng trước mặt các em. Vị này nói với các em rằng những lời tiên tri thời xưa sắp được ứng nghiệm và các em sẽ giúp đỡ trong việc làm ứng nghiệm những lời tiên tri này. Phản ứng, những suy nghĩ và câu hỏi đầu tiên của các em sẽ là gì?

Hình Ảnh
Mô Rô Ni Hiện Đến Cùng Joseph Smith trong Phòng của Ông

Vào cái đêm Mô Rô Ni hiện đến lần đầu cùng Joseph Smith —ngày 21 tháng Chín năm 1823—ông đã trích dẫn Ê Sai 11, mà cũng được tìm thấy trong 2 Nê Phi 21. Mô Rô Ni nói với Joseph Smith rằng những lời tiên tri trong chương đó “sắp được ứng nghiệm” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:40). Khi các em nghiên cứu những lời tiên tri này từ Ê Sai, hãy suy ngẫm lý do tại sao Nê Phi ghi lại những lời này lên trên các bảng khắc nhỏ và cũng là lý do tại sao Mô Rô Ni trích dẫn những lời này cho Joseph Smith.

Tiên Tri Joseph Smith đã nhận được một sự mặc khải mà làm sáng tỏ ý nghĩa của những lời tiên tri được ghi trong 2 Nê Phi 21. Các học giả từ lâu đã bị mê hoặc với sự cố gắng để hiểu ý nghĩa của những biểu tượng được sử dụng trong chương này. Sách Mặc Môn và các vị tiên tri hiện nay đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa đó. Ví dụ, Ê Sai đã sử dụng hình ảnh của một cái cây hoặc thực vật. Đọc 2 Nê Phi 21:1, 10, và nhận ra các phần cụ thể của cái cây hoặc thực vật mà Ê Sai đã đề cập. Sau đó đọc Giáo Lý và Giao Ước 113:1–6 để giúp các em hiểu ý nghĩa của các biểu tượng này. Có thể là điều hữu ích để viết những phần giải thích về các biểu tượng trong thánh thư của các em.

Gốc Y Sai—Chúa Giê Su Ky Tô

Một chồi non sẽ nứt ra từ gốc Y Sai—Một tôi tớ của Chúa Giê Su Ky Tô

Rễ Y Sai—Một người nắm giữ các chìa khóa chức tư tế

Hãy suy ngẫm lời phát biểu sau đây của Anh Cả Bruce R. McConkie, là người đã giải thích rằng cả “rễ Y Sai” lẫn “chồi non nứt ra từ gốc Y Sai” đều ám chỉ Tiên Tri Joseph Smith: “Chúng ta có sai không khi nói rằng vị tiên tri được đề cập đến ở đây [trong GLGƯ 113:5–6] là Joseph Smith, là người mà qua ông chức tư tế đã được phục hồi, là người đã nhận được các chìa khóa của vương quốc, và là người giơ cao cờ hiệu cho sự quy tụ của dân Chúa trong gian kỳ của chúng ta? Và ông cũng không phải là ′tôi tớ trong tay của Đấng Ky Tô, người này một phần là hậu duệ của Y Sai và cũng của Ép Ra Im, hay của gia tộc Giô Sép, và được ban cho rất nhiều quyền năng′ sao?” [GLGƯ 113:3–4]” (Millennial Messiah [1982], 339–40).

Đọc 2 Nê Phi 21:10, 12, và tìm kiếm điều mà Ê Sai đã tiên tri rằng Chúa sẽ làm qua “rễ Y Sai” (Joseph Smith). Từ cờ hiệu ám chỉ một “tiêu chuẩn” để mọi người quy tụ lại theo tiêu chuẩn đó.

Những câu này giảng dạy lẽ thật sau đây: Chúa đã phục hồi phúc âm và Giáo Hội của Ngài qua Tiên Tri Joseph Smith và hiện đang quy tụ dân Ngài trong những ngày sau cùng.

  1. Trả lời câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Bằng cách nào Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là một cờ hiệu cho thế gian?

2 Nê Phi 21:6–9; 22:1–6

Ê Sai mô tả Thời Kỳ Ngàn Năm

Một trong những đề tài thảo luận nhiều nhất giữa các Ky Tô hữu là thời gian trị vì ngàn năm của Đấng Cứu Rỗi. Các em có bao giờ nghĩ nhiều về điều đó không? Hãy tưởng tượng rằng một người bạn hỏi các em điều các em tin về Thời Kỳ Ngàn Năm. Các em sẽ nói gì?

Hình Ảnh
Không Hề Giận Dữ

Ê Sai đã tiên tri rằng sau Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi, sẽ có những thay đổi trên thế gian mà sẽ kéo dài một ngàn năm. Chúng ta gọi thời kỳ bình an này là Thời Kỳ Ngàn Năm. Đọc 2 Nê Phi 21:6–9, tìm kiếm những tình trạng trên thế gian sẽ như thế nào trong Thời Kỳ Ngàn Năm.

Theo 2 Nê Phi 21:9, một lời tiên tri về Thời Kỳ Ngàn Năm là “thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết về Chúa.” Suy nghĩ về việc ứng nghiệm lời tiên tri này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những người trên khắp thế giới. Đọc 2 Nê Phi 22:1–6, và lưu ý đến tinh thần thờ phượng mà dân chúng sẽ có trong Thời Kỳ Ngàn Năm Làm thế nào chúng ta có thể phát triển cùng một thái độ đó ngày nay?

Những câu các em đã nghiên cứu giảng dạy lẽ thật này: Trong Thời Kỳ Ngàn Năm, thế gian sẽ là một nơi bình an vì sẽ được đầy dẫy sự hiểu biết về Chúa. Các khía cạnh nào của Thời Kỳ Ngàn Năm mà các em sẽ muốn có trong cuộc sống của mình ngay bây giờ? Suy ngẫm một lát về điều gì các em có thể làm để nhận được một số trong các phước lành này.

Các em có thể muốn hát, nghe, hoặc đọc “The Lord Is My Light” (Chúa Là Ánh Sáng của Tôi) (Hymns, số 89) để bổ sung cho việc học của các em về 2 Nê Phi 22.

2 Nê Phi 23–24

Ê Sai mô tả sự sụp đổ của Ba Bi Lôn, sự sa ngã của kẻ tà ác, và sự sa xuống của Lu Xi Phe

Như đã được ghi trong 2 Nê Phi 23–24, Ê Sai lên án sự tà ác của gia tộc Y Sơ Ra Ên và so sánh sự hủy diệt của kẻ tà ác trong những ngày cuối cùng với sự hủy diệt của Ba Bi Lôn thời xưa. Ba Bi Lôn là một dân tộc rất tà ác trong thời Ê Sai và từ đó đã trở thành biểu tượng về sự tà ác của thế gian (xin xem GLGƯ 133:14).

Hãy nghiên cứu điều Ê Sai đã tiên tri sẽ xảy ra cho kẻ tà ác trong những ngày sau cùng bằng cách đọc 2 Nê Phi 23:1, 4–9, 11, 15, 19, và 22.

Ê Sai cũng so sánh sự hủy diệt của Ba Bi Lôn thời xưa với việc Lu Xi Phe (Sa Tan) từ trời sa xuống. Ông nói về Lu Xi Phe là vua tượng trưng của Ba Bi Lôn, có nghĩa là toàn thể thế gian tà ác. Ê Sai sử dụng sự sa xuống của Lu Xi Phe trên tiền dương thế nhằm minh họa về cách kẻ tà ác sẽ thất bại và sa ngã như thế nào. Học 2 Nê Phi 24:12–14, và đánh dấu các cụm từ làm nổi bật tính ngạo mạn và kiêu căng của Sa Tan.

Các em có lưu ý đến việc sử dụng từ ta trong những câu này không? Các em có thể muốn khoanh tròn các từ ta trong thánh thư của các em. Chủ Tịch N. Eldon Tanner thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã từng nói rằng Sa Tan “quan tâm đến danh vọng nhiều hơn kết quả; vinh quang và lời khen ngợi là mục đích của chính chúng” (“For They Loved the Praise of Men More Than the Praise of God,” Ensign, tháng Mười Một năm 1975, 76).

Tìm kiếm 2 Nê Phi 24:15–16 về điều sẽ xảy ra cuối cùng cho Sa Tan và người ta sẽ cảm thấy như thế nào về nó khi họ thấy con người thật của nó.

Đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Ezra Taft Benson: “Trong hội đồng tiền dương thế, chính là tính kiêu căng đã làm hại Lu Xi Phe, ‘con trai của ban mai.’ (2 Nê Phi 24:12–15; xin xem thêm GLGƯ 76:25–27; Môi Se 4:3). … Lu Xi Phe đưa ra đề nghị của nó để cạnh tranh với kế hoạch của Đức Chúa Cha mà được Chúa Giê Su Ky Tô ủng hộ. (Xin xem Môi Se 4:1–3). Nó mong muốn được vinh hiển trên tất cả mọi người khác. (Xin xem 2 Nê Phi 24:13). Nói tóm lại, ước muốn đầy kiêu ngạo của nó là truất phế ngôi Thượng Đế. (Xin xem GLGƯ 29:36; 76:28).” (“Beware of Pride,” Ensign, tháng Năm năm 1989, 4–5).

Trong 2 Nê Phi 23:22, chúng ta biết rằng các em có thể được an ủi nếu các em sống ngay chính. Thượng Đế sẽ thương xót các em, còn kẻ tà ác sẽ bị diệt vong.

  1. Hãy trả lời những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Tôi có thể thay đổi điều gì trong cuộc sống của mình ngày hôm nay để biết vâng lời hơn?

    2. Bằng cách nào tôi có thể quyết tâm để luôn vâng lời?

Cầu nguyện cho cơ hội để chia sẻ chứng ngôn của các em về các lẽ thật các em đã học được trong 2 Nê Phi 23.

  1. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học 2 Nê Phi 21–24 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: