Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 8: Ngày 4, 2 Nê Phi 31


Đơn Vị 8: Ngày 4

2 Nê Phi 31

Lời Giới Thiệu

Nê Phi giảng dạy giáo lý của Đấng Ky Tô: chúng ta phải sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải tội lỗi của chúng ta, chịu phép báp têm, tiếp nhận Đức Thánh Linh, và kiên trì đến cùng. Ông cũng làm chứng rằng khi chúng ta áp dụng những điều giảng dạy này, thì Thượng Đế sẽ ban phước cho chúng ta với sự đồng hành của Đức Thánh Linh và dẫn chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu.

2 Nê Phi 31:1–21

Nê Phi giảng dạy rằng Đấng Cứu Rỗi đã nêu lên tấm gương hoàn hảo cho chúng ta

Hình Ảnh
Giăng Báp Tít Làm Phép Báp Têm cho Chúa Giê Su

Chúa Giê Su tìm đến với Giăng Báp Tít để chịu phép báp têm. Vì Chúa Giê Su đã không phạm tội nào cả, các em nghĩ tại sao Ngài chịu phép báp têm? Tại sao các em chịu phép báp têm? Việc suy ngẫm những câu hỏi này sẽ giúp các em chuẩn bị cho bài học này.

Đọc 2 Nê Phi 31:2, 21, và đánh dấu cụm từ “giáo lý của Đấng Ky Tô.” Hãy lưu ý rằng trong câu 2, Nê Phi nói rằng ông “cần phải nói về giáo lý của Đấng Ky Tô.” Sau đó, trong câu 21 ông nói rằng ông đã nói về “giáo lý của Đấng Ky Tô.” Trong 2 Nê Phi 31:3–20 chúng ta tìm hiểu về các lẽ thật mà Nê Phi gọi là “giáo lý của Đấng Ky Tô.” Hai lẽ thật chúng ta học được là: Chúa Giê Su Ky Tô đã làm tròn mọi sự ngay chính bằng cách tuân theo tất cả các lệnh truyền của Đức Chúa Cha,chúng ta phải noi theo tấm gương vâng lời của Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách chịu phép báp têm và tiếp nhận Đức Thánh Linh.

  1. Viết những tiêu đề sau đây trong các cột song song trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Các Lý Do Tại sao Chúa Giê Su Chịu Phép Báp TêmCác Lý do Tại Sao Chúng Ta Chịu Phép Báp Têm. Sau đó đọc 2 Nê Phi 31:4–12, và liệt kê điều các em học được ở dưới mỗi tiêu đề đó.

Theo 2 Nê Phi 31:11, điều gì phải đi trước phép báp têm?

Để giúp giải thích lý do tại sao cần phải có phép báp têm bằng nước, hãy đọc lời phát biểu sau đây của Tiên Tri Joseph Smith: “Phép báp têm là dấu hiệu cho Thượng Đế, cho các thiên sứ và cho thiên thượng thấy rằng chúng ta làm theo ý muốn của Thượng Đế, và sẽ không có một cách thức nào khác dưới gầm trời mà qua đó Thượng Đế đã quy định cho loài người đến với Ngài để được cứu, và bước vào vương quốc của Thượng Đế, ngoại trừ đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, và phép báp têm để xá miễn các tội lỗi, còn bất cứ con đường nào khác đều là vô hiệu; nếu làm như vậy thì các [anh chị] em có được lời hứa của ân tứ Đức Thánh Linh.” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [2007], 91).

  1. Hãy tưởng tượng rằng một người bạn không phải là tín hữu của Giáo Hội hỏi các em tại sao phép báp têm lại quan trọng như vậy. Viết xuống cách các em sẽ trả lời như thế nào trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em.

  2. Viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em về việc noi theo gương của Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách chịu phép báp têm đã ảnh hưởng và ban phước cho cuộc sống của các em như thế nào.

Chúng ta có nhiều điều hơn để làm sau khi chịu phép báp têm. Đọc 2 Nê Phi 31:13, và đánh dấu các cụm từ mô tả thái độ một người nào đó nên có khi họ noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi.

Theo 2 Nê Phi 31:13, khi chúng ta làm tròn giao ước của mình một cách hết lòng và thực tâm, thì Cha Thiên Thượng đáp lại bằng cách hứa với chúng ta điều gì? (Các em có thể muốn đánh dấu câu này trong thánh thư). Đọc cụm từ cuối cùng trong 2 Nê Phi 31:17, và nhận ra lý do tại sao chúng ta cần phải tiếp nhận Đức Thánh Linh. Trong chỗ trống, hãy viết một câu phát biểu về giáo lý hay một nguyên tắc dựa trên thánh thư mà giải thích điều Đức Thánh Linh sẽ làm cho chúng ta.

Lửa được sử dụng để làm sạch các vật liệu như kim loại. Lửa đốt cháy các tạp chất, để có vật liệu sạch hơn. Điều này cũng tương tự như điều xảy ra cho chúng ta về mặt thuộc linh khi chúng ta nhận được ân tứ Đức Thánh Linh. Điều này cũng được biết đến là “phép báp têm bằng lửa” (xin xem 2 Nê Phi 31:13). Đức Thánh Linh làm chứng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử và mang đến sự xá miễn các tội lỗi. Chủ Tịch Marion G. Romney thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy: “Phép báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh này … thanh tẩy, chữa lành, và thanh lọc tâm hồn” (Learning for the Eternities, do George J. Romney biên soạn [1977], 133).

Để tìm kiếm một chi tiết khác của “giáo lý của Đấng Ky Tô,” hãy đọc 2 Nê Phi 31:15–16, và tô đậm điều các em tìm thấy. Liên kết các cụm từ các em khám phá ra trong 2 Nê Phi 31:13 với lời chỉ dẫn được đưa ra trong 2 Nê Phi 31:15–16, và suy nghĩ xem các em có thể kiên trì đến cùng một cách “thực tâm” và “hết lòng” như thế nào.

  1. Trả lời những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Các từ “một cách hết lòng,” “không hành động giả nghĩa và lừa dối,” và “thực tâm” có thể áp dụng như thế nào cho các sinh hoạt như học thánh thư mỗi ngày hoặc tham dự Giáo Hội?

    2. Sự khác biệt giữa một người “dâng lên lời cầu nguyện” và một người cầu nguyện “một cách hết lòng” là gì?

    3. Sự khác biệt giữa một người “dự phần Tiệc Thánh” và một người “thực tâm” dự phần Tiệc Thánh là gì?

Đọc 2 Nê Phi 31:18, và tìm kiếm nơi chúng ta sẽ đến sau khi đi xuyên qua cánh cổng hối cải và báp têm. Khi sử dụng đức tin, sự hối cải, chịu phép báp têm, và tiếp nhận Đức Thánh Linh, thì chúng ta bước vào “con đường chật và hẹp.” Chật có nghĩa là hẹp, chặt chẽ, nghiêm ngặt, và không cho phép đi sai đường. Theo 2 Nê Phi 31:18, làm thế nào chúng ta có thể biết là chúng ta đang ở trên con đường chật và hẹp?

Việc tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh không chỉ đơn giản là một cảm giác tốt đẹp mà thỉnh thoảng chúng ta nhận được. Sự đồng hành của Đức Thánh Linh là một bằng chứng của Thượng Đế rằng chúng ta đang ở trên con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.

  1. Trả lời những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Bằng cách nào sự đồng hành của Đức Thánh Linh đã giúp các em ở lại trên con đường chật và hẹp?

    2. Trong những phương diện nào khác Đức Thánh Linh đã ban phước cho cuộc sống của các em?

Đọc 2 Nê Phi 31:19–21, và lập một bản liệt kê bằng cách đánh số trong các câu thánh thư của các em những điều khác chúng ta cần phải làm để được ở lại trên con đường đó. (Hãy lưu ý rằng 2 Nê Phi 31:19–20 là một đoạn thánh thư thông thạo. Các em có thể muốn đánh dấu đoạn này trong một cách đặc biệt để các em có thể tìm ra đoạn đó trong tương lai).

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết một câu mô tả việc “tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô” (2 Nê Phi 31:20).

Trong các khoảng trống đã được chừa ra, hãy tóm tắt 2 Nê Phi 31:19–20 với một lời phát biểu về nguyên tắc:

nếu chúng ta , thì chúng ta . (Các em có thể muốn viết lời phát biểu này trong thánh thư của các em).

Anh Cả Russell M. Nelson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đưa ra lời khuyên bảo đầy hy vọng này cho những người nào cảm thấy mình đã đi lạc khỏi con đường chật và hẹp này: “Trong cuộc hành trình của các [anh chị] em trên đời, các [anh chị] em gặp nhiều trở ngại và làm một số lỗi lầm. Sự hướng dẫn của thánh thư giúp các [anh chị] em nhận ra lỗi lầm và sửa đổi khi cần. Các [anh chị] em ngừng đi sai hướng. Các [anh chị] em cẩn thận nghiên cứu thánh thư. Sau đó, các [anh chị] em tiến bước với sự hối cải và sự đền trả cần có để bước trên ‘con đường chật và hẹp dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu’ [2 Nê Phi 31:18]” (“Sống theo Sự Hướng Dẫn của Thánh Thư,” Ensign, tháng Mười Một năm 2000, 17).

Hãy suy ngẫm về lời phát biểu này và các câu thánh thư các em đã học ngày hôm nay mang lại cho các em một “niềm hy vọng hết sức sáng lạn” như thế nào (2 Nê Phi 31:20).

Hình Ảnh
biểu tượng thông thạo thánh thư
Thông Thạo Thánh Thư—2 Nê Phi 31:19–20

  1. Dành ra năm phút cố gắng học thuộc lòng 2 Nê Phi 31:20. Yêu cầu một người trong gia đình hoặc người bạn kiểm tra sự hiểu biết của các em về câu thánh thư đó, hoặc các em có thể chọn để lấy tay che lại câu thánh thưđó và cố gắng đọc mà không nhìn vào câu đó. Hãy thử viết câu thánh thư đó từ trí nhớ vào trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em.

  2. Bằng cách sử dụng 2 Nê Phi 31:20, hãy chọn một trong những điều chúng ta phải làm để ở lại trên con đường đúng mà các em đang làm một cách xuất sắc. Rồi viết một phần mô tả trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em về cách các em đang làm điều đó như thế nào. Sau đó hãy chọn ra một lãnh vực các em muốn cải thiện, và viết ra cách các em sẽ làm điều đó

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Làm thế nào chúng ta có thể tránh hành động giả nghĩa?

Nê Phi đã cảnh báo chống lại hành động giả nghĩa trong 2 Nê Phi 31:13. Hành động giả nghĩa có nghĩa là giả vờ hoặc làm bộ một phần nào cho người khác thấy mà không phản ảnh tính tình thực sự của chúng ta. Anh Cả Joseph B. Wirthlin thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nói về hành động không giả nghĩa:

Hình Ảnh
Anh Cả Joseph B. Wirthlin

“Quả thật, chúng ta có thật sự sống theo phúc âm, hoặc là chỉ tỏ ra bề ngoài ngay chính để những người xung quanh nghĩ rằng chúng ta là trung tín, khi thật sự trong lòng và các hành động không ai thấy của chúng ta là không đúng theo những điều giảng dạy của Chúa không?

“Chúng ta có chỉ cho thấy ‘hình thức bề ngoài rất tin kính’ trong khi chối bỏ ‘quyền năng của sự tin kính đó’ không [xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:19]?

“Chúng ta có ngay chính thật sự, hoặc chúng ta chỉ giả vờ vâng lời khi nào chúng ta nghĩ rằng người khác đang nhìn không?

“Chúa đã nói rõ rằng Ngài sẽ không để bị lừa bởi diện mạo bề ngoài, và Ngài đã cảnh báo chúng ta là đừng giả dối với Ngài hoặc những người khác. Ngài đã cảnh báo chúng ta phải coi chừng những người cho thấy một bề ngoài giả dối, khoác lên một bề ngoài ngay chính để che giấu một bản chất đen tối hơn. Chúng ta biết rằng Chúa ‘nhìn thấy trong lòng’ chứ không phải ‘bề ngoài’ [xin xem 1 Sa Mu Ên 16:7]” (“True to the Truth,” Ensign, tháng Năm năm 1997, 15–16).

Chúng ta “kiên trì đến cùng” bằng cách nào?

Từ “kiên trì đến cùng” (2 Nê Phi 31:16) thường được sử dụng để ám chỉ sự cần thiết phải kiên nhẫn chịu đựng những nỗi gian nan trong suốt cuộc sống của chúng ta. Anh Cả Joseph B. Wirthlin giải thích rằng việc kiên trì đến cùng cũng có nghĩa là tiếp tục trung thành với Đấng Ky Tô cho đến cuối đời của chúng ta:

“Sự kiên trì đến cùng là giáo lý về việc tiếp tục ở trên con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu sau khi một người đã bước vào con đường đó bằng đức tin, sự hối cải, phép báp têm và tiếp nhận Đức Thánh Linh. Sự kiên trì đến cùng đòi hỏi cả tấm lòng của chúng ta. …

“Sự kiên trì đến cùng có nghĩa là chúng ta neo chặt cuộc sống của mình lên trên các giáo lý phúc âm, tuân giữ các giáo lý đã được chấp nhận của Giáo Hội, khiêm nhường phục vụ đồng bào của mình, sống giống như cuộc sống của Đấng Ky Tô, và tuân giữ các giao ước của mình. Những người nào kiên trì chịu đựng đều cân nhắc, kiên định, khiêm nhường, liên tục cải tiến và không thủ đoạn. Chứng ngôn của họ không dựa lên trên những lý do của thế gian—mà dựa lên trên lẽ thật, sự hiểu biết, kinh nghiệm và Thánh Linh” (“Hãy Tiếp Tục Dấn Bước,” Liahona, tháng Mười Một năm 2004, 101).

  1. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập của ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học 2 Nê Phi 31 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: