Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 6: Ngày 3, 2 Nê Phi 9


Đơn Vị 6: Ngày 3

2 Nê Phi 9

Lời Giới Thiệu

Các em học bài giảng của Gia Cốp, bắt đầu trong 2 Nê Phi 6–8, tiếp tục trong 2 Nê Phi 9. Trong 2 Nê Phi 6–8 các em học những lời giảng dạy của Gia Cốp về lòng thương xót và quyền năng của Đấng Cứu Rỗi để giải cứu gia tộc Y Sơ Ra Ên khỏi trạng thái thất lạc và phân tán của họ. Trong chương 9, các em sẽ học chứng ngôn của Gia Cốp về quyền năng của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi để giải cứu chúng ta khỏi những ảnh hưởng của Sự Sa Ngã, kể cả cái chết thể xác và linh hồn cũng như những hậu quả của tội lỗi chúng ta. Chủ Tịch Joseph Fielding Smith dạy rằng 2 Nê Phi 9 chứa đựng “một trong số các bài thuyết giảng làm sáng tỏ nhất từ trước đến giờ mà đã được đưa ra về sự chuộc tội. … Bài thuyết giảng này cần phải được đọc kỹ bởi mỗi người đang tìm kiếm sự cứu rỗi ” (Answers to Gospel Questions, do Joseph Fielding Smith Jr. biên soạn, 5 tập. [1957–66], 4:57).

2 Nê Phi 9:1–9

Gia Cốp dạy rằng Sự Sa Ngã đã mang cái chết thể xác và linh hồn đến tất cả nhân loại

Các em nghĩ gì khi nghĩ về từ yêu quỷ?

Từ yêu quỷ thường ám chỉ một điều gì đó đáng sợ và có khả năng gây thiệt hại lớn. Mặc dù nhiều người nghĩ rằng chỉ có những sinh vật tưởng tượng khi họ nghĩ về một con yêu quỷ, nhưng hãy cân nhắc xem có bất cứ điều gì là thực sự có khả năng mang lại tác hại lâu dài cho các em và, do đó, thực sự đáng sợ. Gia Cốp sử dụng hình ảnh của một con yêu quỷ để tượng trưng cho một trạng thái đáng sợ mà tất cả chúng ta đều gặp phải trên trần thế. Đọc 2 Nê Phi 9:10, và nhận ra hai yếu tố của con yêu quỷ mà Gia Cốp đã mô tả. Sau đó, điền vào những chỗ trống trong biểu đồ dưới đây.

Con Yêu Quỷ Ghê Gớm

S C

N G

“c c t x

“c c l h

Là điều quan trọng để hiểu rằng khi Gia Cốp dạy về “cái chết linh hồn” thì ông không có ý nói rằng linh hồn của chúng ta sẽ thật sự chết, mà đúng hơn là chúng ta đang bị tách rời hoặc bị khai trừ khỏi sự hiện diện của Thượng Đế (xin xem 2 Nê Phi 9:6). Trạng thái tách rời này thường được gọi là cái chết linh hồn trong thánh thư. Các em có thể muốn viết cụm từ khai trừ khỏi sự hiện diện của Thượng Đế ở ngoài lề trang thánh thư của các em bên cạnh “cái chết linh hồn” in 2 Nê Phi 9:10.

Đọc 2 Nê Phi 9:6, và nhận thấy rằng Gia Cốp đã bắt đầu bằng cách nói về cái chết thể xác và kết thúc bằng cách thảo luận về việc bị khai trừ khỏi sự hiện diện của Thượng Đế. Tra cứu kỹ câu này. Sự kiện nào đã mang đến cái chết thể xác lẫn linh hồn cho nhân loại?

Đọc 2 Nê Phi 9:7–9, và nhận ra điều Gia Cốp đã dạy sẽ xảy ra cho thể xác và linh hồn của chúng ta nếu không có Sự Chuộc Tội thì cái chết thể xác lẫn linh hồn vẫn còn mãi mãi. Trước khi các em đọc, điều đó sẽ giúp các em biết được ý nghĩa của các từ sau đây mà Gia Cốp sử dụng trong câu 7: Cụm từ “sự đoán phạt đầu tiên đến với loài người” (2 Nê Phi 9:7) ám chỉ những kết quả của Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va. Từ sự hư nát ám chỉ thể xác hữu diệt vì nó không hoàn hảo và cuối cùng sẽ chết. Từ sự không hư nát ám chỉ thể xác phục sinh, mà sẽ sống vĩnh viễn.

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy liệt kê một vài cụm từ các em đã nhận ra trong 2 Nê Phi 9:7–9 mô tả điều sẽ xảy ra cho thể xác và linh hồn của chúng ta nếu không có Sự Chuộc Tội.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su cầu nguyện trong Vườn Ghết Sê Ma Nê

Đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ để làm sáng tỏ số phận của chúng ta sẽ ra sao nếu không có Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô: “Nếu sự tách rời của chúng ta khỏi Thượng Đế và cái chết thể xác của chúng ta là vĩnh viễn, thì tiêu chuẩn đạo đức của chúng ta sẽ không có ý nghĩa gì cả. Vâng, chúng ta sẽ được tự do lựa chọn, nhưng vấn đề đó sẽ là gì? Kết quả cuối cùng sẽ luôn luôn giống nhau bất kể hành động của chúng ta là gì đi nữa: cái chết mà không có hy vọng để phục sinh và không có hy vọng về thiên thượng. Cho dù chúng ta có thể chọn sống cuộc sống tốt lành hay xấu xa, thì cuối cùng chúng ta cũng sẽ thành ′quỷ sứ’” (“Tiêu Chuẩn Đạo Đức,” Ensign, tháng Sáu năm 2009, 50).

  1. Viết một câu trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em để giải thích bằng lời riêng của mình điều các em nghĩ Anh Cả Christofferson đã nói về trạng thái sa ngã của chúng ta. Thêm một lời giải thích ngắn vào lý do tại sao các em nghĩ rằng Gia Cốp thường so sánh cái chết thể xác và sự tách rời khỏi Thượng Đế với một “con yêu quỷ ghê gớm.”

2 Nê Phi 9:10–27

Gia Cốp giảng dạy về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi giải thoát chúng ta khỏi các ảnh hưởng của sự sa ngã và các hậu quả của tội lỗi như thế nào

Thượng Đế không bỏ mặc chúng ta phải chịu đựng những ảnh hưởng trọn vẹn của “con yêu quỷ, sự chết và ngục giới.” Đọc 2 Nê Phi 9:10, và đánh dấu điều Thượng Đế đã chuẩn bị cho chúng ta.

Đọc phép loại suy sau đây của Chủ Tịch Joseph Fielding Smith trong đó minh họa việc chúng ta cần có một Đấng Cứu Rỗi:

“Một người đàn ông đi bộ dọc theo con đường bất ngờ rơi vào một cái hố rất sâu và tối tăm đến nỗi ông không thể leo lên mặt đất và lấy lại được tự do. Bằng cách nào người ấy có thể tự cứu mình ra khỏi tình thế khó khăn đó? Không thể bằng nỗ lực của riêng người ấy, vì không có cách nào để thoát ra khỏi cái hố. Người ấy kêu cứu và khi một người nào đó tử tế nghe tiếng kêu cầu của người ấy, vội vã chạy đến giúp đỡ và bằng cách đưa một cái thang xuống, mang đến cho người ấy phương tiện để nhờ đó người ấy có thể leo lên lại mặt đất.

“Đây chính là tình trạng mà A Đam tự đặt mình và con cháu của mình khi ông ăn trái cấm. Tất cả đều đang ở dưới hố, không một người nào có thể lên trên mặt đất được để giải cứu những người khác. Cái hố là sự khai trừ khỏi sự hiện diện của Chúa và cái chết thể xác, sự rữa nát của thể xác. Và tất cả đều phải chịu chết, không một ai có thể cung cấp các phương tiện để thoát ra được.

“Vì vậy, trong lòng thương xót vô hạn của Ngài, Đức Chúa Cha đã nghe tiếng kêu khóc của con cái Ngài và gửi Con Độc Sinh của Ngài đến, là Đấng không lệ thuộc vào cái chết cũng như không lệ thuộc vào tội lỗi, để cung cấp phương tiện mà thoát ra. Điều này Ngài đã làm qua Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài và phúc âm trường cửu” (Doctrines of Salvation, do Bruce R. McConkie biên tập, 3 tập. [1954–56], 1:126–27).

Hầu hết sứ điệp của Gia Cốp trong chương 9 tập trung vào cách Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta thoát khỏi những ảnh hưởng của cái chết thể xác lẫn linh hồn, và nó bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta có thể được giải cứu.

  1. Tra cứu 2 Nê Phi 9:5, 19–21, và trả lời những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Theo 2 Nê Phi 9:5, 21, Đấng Cứu Rỗi đã trải qua điều gì để chúng ta có thể được giải cứu khỏi cái chết và ngục giới?

    2. Đấng Cứu Rỗi đã chịu đau khổ cho ai, theo như 2 Nê Phi 9:21?

Hãy nghĩ xem có bao nhiêu người “thuộc gia đình A Đam” (2 Nê Phi 9:21). Điều này bao gồm tất cả những người đã sống, hiện đang sống và sẽ sống trên thế gian—kể cả các em. Các em có thể muốn viết tên của mình bên cạnh 2 Nê Phi 9:21 để tưởng nhớ tới sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi cho các em.

Hình Ảnh
Chúa Bị Đóng Đinh

Gia Cốp dạy rằng nỗi đau khổ của Đấng Cứu Rỗi sẽ giúp chúng ta thoát khỏi con yêu quỷ ghê gớm—cái chết thể xác và bị khai trừ khỏi sự hiện diện của Thượng Đế mãi mãi. Đọc 2 Nê Phi 9:22, và nhận ra một cụm từ nói rằng chúng ta sẽ có thể khắc phục được cái chết thể xác và một cụm từ cho thấy rằng chúng ta sẽ ở trong sự hiện diện của Thượng Đế một lần nữa. Viết điều các em nhận ra trong các câu dưới đây:

Vì Sự Sa Ngã, nên thể xác của chúng ta sẽ chết, nhưng nhờ nỗi đau khổ của Đấng Ky Tô, thể xác của chúng ta sẽ .

Vì Sự Sa Ngã, nên chúng ta bị khai trừ khỏi sự hiện diện của Thượng Đế, nhưng nhờ vào nỗi đau khổ của Đấng Ky Tô, nên tất cả sẽ lại đứng .

Từ những lời giảng dạy của Gia Cốp chúng ta học được giáo lý: Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô giải cứu tất cả nhân loại khỏi cái chết thể xác và linh hồn do Sự Sa Ngã mang lại.

Ngoài sứ điệp về niềm hy vọng ra, Gia Cốp còn dạy rằng nỗi đau khổ của Đấng Cứu Rỗi cũng có thể giải cứu chúng ta khỏi cái chết linh hồn do tội lỗi của chúng ta gây ra. Đọc 2 Nê Phi 9:27, và nhận ra việc Gia Cốp đã mô tả trạng thái của những người phạm giới hoặc phạm tội như thế nào. Đọc 2 Nê Phi 9:15–16, và đánh dấu nỗi thống khổ hay đau khổ mà tội lỗi của chúng ta sẽ mang lại cho chúng ta nếu chúng ta không hối cải.

Ngoài nỗi đau khổ này ra, hãy lưu ý đến cụm từ “chúng sẽ đi vào” trong 2 Nê Phi 9:16. Nhờ vào Sự Chuộc Tội, nên tất cả nhân loại sẽ trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế để được phán xét. Tuy nhiên, nếu chúng ta không hối cải tội lỗi của mình, thì chúng ta sẽ lại bị tách rời khỏi sự hiện diện của Thượng Đế. Trong khi việc giải thoát khỏi Sự Sa Ngã là một ân tứ cho tất cả loài người, thì sự giải thoát khỏi những hậu quả của các tội lỗi chúng ta tùy thuộc phần nào vào ước muốn và hành động của chúng ta. Đọc 2 Nê Phi 9:21, 23–24. Nhờ vào Sự Chuộc Tội, chúng ta có thể làm gì để được cứu khỏi những hậu quả vĩnh cửu của tội lỗi mình?

Sau khi đọc những lời của Gia Cốp, hãy hoàn tất nguyên tắc sau đây: Qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể khắc phục được những hậu quả của tội lỗi chúng ta nếu chúng ta .

Hãy dành ra một giây lát và suy nghĩ về điều các em có thể làm để cảm thấy được quyền năng thanh tẩy của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi một cách trọn vẹn hơn. Có những điều nào mà Chúa sẽ muốn các em hối cải không? Suy ngẫm về cách các em có thể hối cải về những điều này. Các em có thể lắng nghe kỹ hơn tiếng nói của Ngài bằng cách nào?

  1. Viết một đoạn văn ngắn trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em bày tỏ cảm nghĩ của các em về sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi dành cho các em.

  2. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học 2 Nê Phi 9 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: