Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 5: Ngày 4, 2 Nê Phi 3


Đơn Vị 5: Ngày 4

2 Nê Phi 3

Lời Giới Thiệu

Trong 2 Nê Phi 3, Lê Hi đã đưa ra lời khuyên bảo và phước lành cho con trai út của ông, là Joseph. Khi làm như vậy, Lê Hi kể lại lời tiên tri của Giô Sép ở Ai Cập liên quan đến vai trò của vị tiên kiến chọn lọc Joseph Smith Jr. trong việc cho ra đời Sách Mặc Môn. Trong bài học này, các em sẽ có cơ hội để biết ơn nhiều hơn đối với Tiên Tri Joseph Smith và một chứng ngôn vững mạnh hơn về vai trò thiêng liêng được chỉ định cho ông trong Sự Phục Hồi của phúc âm.

2 Nê Phi 3:1–25

Lê Hi kể lại lời tiên tri của Giô Sép ở Ai Cập về Tiên Tri Joseph Smith

Lê Hi tiếp tục lời khuyên dạy cuối cùng cho gia đình của ông bằng cách giảng dạy cho con trai Giô Sép của ông, về ba người khác cũng có tên là Giô Sép (Joseph). Vẽ một đường từ phần tham khảo thánh thư trong 2 Nê Phi 3 đến Giô Sép hoặc những người khác cũng tên là Giô Sép mà các em học được trong câu đó.

Hình Ảnh
Joseph Stick Figures

Bài học này sẽ tập trung vào lời tiên tri của Giô Sép ở Ai Cập về Tiên Tri Joseph Smith—được đưa ra hơn 3.000 năm trước khi Joseph Smith được sinh ra!

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, bắt đầu lập ra một bản liệt kê các sự kiện và những lời giảng dạy đến với tâm trí khi các em nghĩ về Tiên Tri Joseph Smith và vai trò của ông trong Sự Phục Hồi của phúc âm. Các em sẽ thêm vào bản liệt kê này khi các em khám phá ra thêm thông tin trong suốt bài học này, do đó hãy chừa chỗ để viết thêm.

Đọc 2 Nê Phi 3:6–8, và nhận ra các từ và cụm từ mà Giô Sép ở Ai Cập đã sử dụng để mô tả Tiên Tri Joseph Smith và công việc mà ông sẽ thực hiện. Thêm bất cứ từ và cụm từ nào mà các em cảm thấy là quan trọng đối với bản liệt kê của mình về Vị Tiên Tri trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em. Trong những câu này, Giô Sép ở Ai Cập làm chứng rằng Chúa sẽ dấy lên Tiên Tri Joseph Smith để giúp mang lại Sự Phục Hồi của phúc âm. Khi các em tiếp tục học 2 Nê Phi 3, hãy tìm kiếm thêm các lẽ thật về Tiên Tri Joseph Smith mà có thể củng cố chứng ngôn của các em về sứ mệnh thiêng liêng của ông và thêm các lẽ thật này vào bản liệt kê của các em.

Để giúp các em hiểu rõ hơn lời tiên tri của Giô Sép ở Ai Cập, hãy lưu ý xem từ vị tiên kiến được đề cập đến bao nhiêu lần trong 2 Nê Phi 3:6–7, 11, và 14. Các em có thể muốn ghi lại ở ngoài lề trang bên cạnh một trong số các câu này rằng một vị tiên kiến là một người có thể biết được những điều trong quá khứ, hiện tại và tương lai (xin xem Mô Si A 8:13–17).

Hình Ảnh
Giô Sép ở Ai Cập viết về khải tượng

Trong 2 Nê Phi 3:7, Giô Sép ở Ai Cập nói rằng Chúa phán bảo ông rằng Joseph Smith sẽ “làm một công việc … sẽ có một giá trị lớn lao” đối với con cháu của ông. Tra cứu 2 Nê Phi 3:11–15, 19–21 và tìm kiếm công việc “có một giá trị lớn lao” nào mà Chúa sẽ thực hiện qua Tiên Tri Joseph. Những phương tiện trợ giúp việc học tập có sẵn cho các em (các phần tóm lược chương, các cước chú, Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, và vân vân) có thể giúp các em hiểu nhiều chi tiết mà Giô Sép ở Ai Cập đã nói tới. Khi các em tìm thấy thông tin mới về vai trò của Tiên Tri Joseph Smith, thì hãy thêm thông tin đó vào bản liệt kê trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em.

Khi đề cập tới “hậu tự [của một người nào đó]” thì thánh thư đang nói đến con cháu của người đó. Giô Sép ở Ai Cập tiên tri rằng Tiên Tri Joseph Smith, một trong những hậu duệ của ông, sẽ cho ra đời Sách Mặc Môn trong những ngày sau.

Trong 2 Nê Phi 3:12, cụm từ “hậu tự của ngươi [con cháu của Giô Sép ở Ai Cập] sẽ ghi chép” ám chỉ biên sử thánh thư được viết ra—Sách Mặc Môn—do con cháu của Giô Sép thực hiện (xin xem 2 Nê Phi 3:4). Sách Mặc Môn đã được tiên tri là sẽ “được kết hợp lại” với Kinh Thánh, một biên sử thiêng liêng được “hậu tự của Giu Đa” viết ra. Tra cứu 2 Nê Phi 3:12 để tìm ra các cụm từ mô tả ảnh hưởng mà Sách Mặc Môn và Kinh Thánh sẽ có trên thế giới khi được kết hợp lại với nhau.

Giô Sép ở Ai Cập cũng tiên tri rằng Tiên Tri Joseph Smith sẽ đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng để “dẫn dắt dân ta đến sự cứu rỗi” (2 Nê Phi 3:15).

  1. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em để giúp các em tiếp tục mở rộng lòng biết ơn đối với vai trò của Joseph Smith trong kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng:

    1. Một số ví dụ về các giao ước, thẩm quyền, hoặc giáo lệnh đã được phục hồi qua Tiên Tri Joseph Smith mà có thể giúp dẫn dắt người ta đến sự cứu rỗi là gì?

    2. Các phước lành này đã tạo ra những khác biệt nào trong cuộc sống của các em?

Hãy tìm kiếm các từ hoặc cụm từ mô tả Tiên Tri Joseph Smith trong 2 Nê Phi 3:24, và thêm các từ hoặc cụm từ này vào bản liệt kê trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em. Khi các em đọc lời trích dẫn sau đây của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, thì hãy thêm vào bản liệt kê của các em bất cứ lời giảng dạy thêm nào của Tiên Tri Joseph Smith mà xác nhận rằng ông là “một công cụ trong tay Thượng Đế”:

“Tôi xin được kể ra một vài trong số nhiều giáo lý và lối thực hành mà phân biệt chúng ta với tất cả các giáo hội khác, và tất cả những điều đó đã đến từ sự mặc khải cho Vị Tiên Tri trẻ tuổi [Joseph Smith]. …

“Dĩ nhiên, điều đầu tiên của những điều này là sự biểu hiện của chính Thượng Đế và Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô phục sinh. …

“Sự hiểu biết này về Thượng Đế, đã bị che giấu khỏi thế gian trong nhiều thế kỷ, là điều đầu tiên và lớn lao mà Thượng Đế đã mặc khải cho tôi tớ được chọn của Ngài. …

“Sách Mặc Môn ra đời nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế. …

Hình Ảnh
Anh Joseph

“Một [sự đóng góp khác nữa của Tiên Tri Joseph Smith] là chức tư tế được phục hồi. …

“Một điều mặc khải lớn lao và nổi bật khác được ban cho Vị Tiên Tri là kế hoạch cho cuộc sống vĩnh cửu của gia đình. …

“Sự ngây thơ của trẻ nhỏ là một điều mặc khải khác mà Thượng Đế đã ban cho qua Tiên Tri Joseph. …

“… Giáo lý quan trọng của sự cứu rỗi cho người chết là độc nhất vô nhị trong Giáo Hội này. …

“Tính chất vĩnh cửu của con người đã được mặc khải. …

“… Có một điều nữa mà tôi phải đề cập đến. Đây là nguyên tắc về sự mặc khải hiện đại. …

“… Trong 38 năm rưỡi ngắn ngủi của đời ông, qua ông đã có được một sự dồi dào vô song trong sự hiểu biết, các ân tứ và giáo lý.” (“Những Sự Việc Lớn Lao mà Thượng Đế Đã Mặc Khải,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2005, 80–83).

Sau khi Tiên Tri Joseph Smith tuẫn đạo, Chủ Tịch John Taylor đã viết điều mà đã trở thành Giáo Lý và Giao Ước 135. Đọc Giáo Lý và Giao Ước 135:3, và suy ngẫm về điều các em đã học được trong bài học này về vai trò của Joseph Smith trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho Sự Phục Hồi của phúc âm.

  1. Viết một câu trả lời cho một trong những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Các em đã học được hay cảm thấy gì ngày hôm nay khi các em học 2 Nê Phi 3 mà củng cố chứng ngôn của các em về Tiên Tri Joseph Smith?

    2. Joseph Smith đã làm, giảng dạy hoặc phục hồi điều gì mà các em cảm thấy là “có một giá trị lớn lao” (2 Nê Phi 3:7) đối với các em?

Hãy thành tâm tìm những cách để chia sẻ chứng ngôn của các em về Tiên Tri Joseph Smith với bạn bè và gia đình của các em để giúp họ nhận ra nhiều điều có giá trị lớn lao đã được phục hồi qua ông.

  1. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học 2 Nê Phi 3 và hoàn tất bài học này (vào ngày)

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: