Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 13: Ngày 1, Mô Si A 18


Đơn Vị 13: Ngày 1

Mô Si A 18

Lời Giới Thiệu

An Ma, một thầy tư tế của Vua Nô Ê tà ác, tin những lời của tiên tri A Bi Na Đi và hối cải tội lỗi của mình. Sau cái chết của A Bi Na Đi, An Ma đã giảng dạy những người khác một cách bí mật về Chúa Giê Su Ky Tô. Những người tin An Ma vô cùng mong muốn được thuộc vào bầy chiên của Thượng Đế. Họ lập giao ước báp têm tại một nơi gọi là Dòng Suối Mặc Môn. Khi các em học Mô Si A 18, hãy tìm kiếm điều An Ma đã giảng dạy liên quan đến những lời hứa mà các em lập khi các em chịu phép báp têm và điều Chúa sẽ làm cho các em khi các em tuân giữ những lời hứa đó.

Mô Si A 18:1–16

An Ma giảng dạy và làm phép báp têm cho dân chúng

Hình Ảnh
An Ma Làm Phép Báp Têm trong Dòng Suối Mặc Môn

Hãy suy nghĩ về phép báp têm của các em. Các em nhớ những chi tiết nào về kinh nghiệm này? Các em đã chuẩn bị cho phép báp têm của mình bằng cách nào? Các em còn nhớ những cảm nghĩ nào về phép báp têm của mình? Suy ngẫm điều các em có thể biết ơn ơn về phép báp têm của mình bây giờ còn nhiều hơn lúc các em chịu phép báp têm.

Mô Si A 18 giúp chúng ta hiểu được giao ước chúng ta lập với Thượng Đế tại lễ báp têm. Một giao ước là “sự thỏa thuận giữa Thượng Đế và loài người, nhưng Ngài và họ không hành động như nhau trong sự thỏa thuận. Thượng Đế đưa ra những điều kiện về một giao ước, và loài người đồng ý làm những điều Ngài đòi hỏi họ phải làm. Rồi thì Thượng Đế hứa ban cho loài người những phước lành nào đó cho sự vâng lời của họ” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Giao Ước,” scriptures.lds.org).

Để xem cách Mô Si A 18 giúp chúng ta hiểu giao ước báp têm, hãy lưu ý đại cương sau đây của chương này: Mô Si A 18:1–7, Chuẩn Bị cho Giao Ước; Mô Si A 18:8–16, Lập Giao Ước; và Mô Si A 18:17–30, Sống theo Giao Ước. Các em có thể muốn viết mỗi đề tài (ví dụ, Chuẩn Bị cho Giao Ước) bên cạnh các câu tương ứng trong thánh thư của các em.

Đọc Mô Si A 18:1–2, 6–7, tìm kiếm các giáo lý và nguyên tắc mà An Ma đã giảng dạy cho dân chúng để giúp họ chuẩn bị cho phép báp têm. Trong chỗ trống dưới đây, hãy viết về việc làm thế nào một sự hiểu biết về điều An Ma đã dạy dân của ông sẽ giúp một người nào đó ngày hôm nay để chuẩn bị cho phép báp têm:

Mô Si A 18:8–11 ghi lại cách mà An Ma đã giúp dân của ông hiểu những lời hứa mà họ sẽ lập và nhận được qua giao ước báp têm.

  1. Vẽ sơ đồ dưới đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em. Tra cứu Mô Si A 18:8–11 về điều mà An Ma đã giảng dạy về những lời hứa chúng ta lập với Thượng Đế (những gì chúng ta “sẵn lòng” để làm) và những lời hứa mà Thượng Đế lập với chúng ta khi chúng ta chịu phép báp têm. Viết điều các em khám phá ra trong các cột thích hợp của sơ đồ của các em.

Tôi Hứa

Thượng Đế Hứa

Một trong các nguyên tắc phúc âm hiển nhiên trong Mô Si A 18:8–11 là: Chúng tôi nhận được Thánh Linh của Chúa và lời hứa về cuộc sống vĩnh cửu bằng cách lập và tuân giữ giao ước của phép báp têm.

  1. Viết một tóm lược về điều các em đã học được về tầm quan trọng của việc lập và tuân giữ giao ước báp têm ở dưới cùng của sơ đồ trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em.

Đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Joseph B. Wirthlin thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và gạch dưới các phước lành có thể đến với chúng ta khi chúng ta hiểu những lời hứa mình lập và nhận được tại lễ báp têm: “Tôi đã nhận thấy trong suốt cuộc đời của tôi rằng khi người ta tiến đến việc hiểu trọn vẹn về các phước lành và quyền năng của giao ước báp têm của họ, cho dù đó là những người cải đạo mới hoặc các tín hữu suốt đời của Giáo Hội, thì niềm vui lớn lao sẽ đến với cuộc sống của họ và họ thi hành các bổn phận của họ trong vương quốc với sự nhiệt tình lan rộng” (“Alma the Elder: A Role Model for Today,” trong Heroes from the Book of Mormon [1995], 84).

  1. Viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em về giao ước báp têm của các em có thể ảnh hưởng đến cách các em sống mỗi ngày như thế nào. (Ví dụ, hãy xem xét lời hứa của các em để “đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào” vì nó liên quan đến cách các em giao tiếp với những người khác, kể cả cách các em đối xử với những người trong gia đình, những điều các em thảo luận với bạn bè và những người quen biết, lời lẽ ngôn ngữ các em sử dụng, các loại phim hoặc chương trình truyền hình các em xem, âm nhạc các em nghe, các mối quan hệ xã hội và hẹn hò, và cách các em phản ứng với những người chỉ trích niềm tin của các em.)

Tra cứu kỹ Mô Si A 18:12–16, và nhận ra các ví dụ về cách Chúa đã làm tròn phần giao ước của Ngài với An Ma và dân của ông sau khi phép báp têm của họ. Các em có thể muốn đánh dấu những gì các em tìm thấy.

  1. Viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư về một thời gian khi các em cảm thấy Chúa đã ban phước cho các em với Thánh Linh của Ngài khi các em giữ lời hứa đã lập tại lễ báp têm để phục vụ Ngài.

Mô Si A 18:17–30

An Ma thiết lập Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô ở giữa dân chúng

Các em thường xuyên nghĩ về các giao ước đã lập tại lễ báp têm và tái lập khi các em dự phần Tiệc Thánh đến mức nào? Các em thường xuyên nghĩ về các giao ước này đến mức nào? Các em thường dành thời gian ra để nghĩ về các giao ước này vào lúc nào?

Hình Ảnh
Chủ Tịch Henry B. Eyring

Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn dạy về tầm quan trọng của việc tuân giữ các giao ước của chúng ta với Chúa: “Các Thánh Hữu Ngày Sau là một dân giao ước. Từ ngày báp têm và qua những khoảnh khắc thuộc linh quan trọng trong cuộc sống của mình, chúng ta lập những lời hứa với Thượng Đế và Ngài lập những lời hứa với chúng ta. Ngài luôn luôn giữ những lời hứa được ban cho qua các tôi tớ được phép của Ngài, nhưng chính là thử thách quan trọng trong cuộc sống của chúng ta để xem chúng ta sẽ lập và tuân giữ các giao ước của mình với Ngài không” (”Witnesses for God,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, 30).

Đọc Mô Si A 18:17–18, 20–23, 27–29, tìm kiếm cách các tín hữu của Giáo Hội trong thời kỳ của An Ma đã tuân giữ các giao ước báp têm của họ như thế nào. Các em có thể muốn đánh dấu các từ và cụm từ cụ thể trong Mô Si A 18:22, 26, 30 cho thấy rằng các phước lành lớn lao đến với những người tuân giữ các giao ước báp têm của họ.

  1. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Các em sẽ làm một điều gì để tuân giữ các giao ước mà các em đã lập tại lễ báp têm một cách tốt đẹp hơn? Làm thế nào các em sẽ giữ cam kết này?

Mô Si A 18:31–35

Những người thuộc về Giáo Hội chạy trốn khỏi sự ngược đãi của Vua Nô Ê

Học Mô Si A 18:31–33 để tìm hiểu điều Vua Nô Ê đã làm trong thành phố Lê Hi-Nê Phi trong khi An Ma và dân của ông đang vui hưởng các phước lành lớn lao gần Dòng Suối Mặc Môn. Đọc Mô Si A 18:34 và sau đó Mô Si A 23:1–2 để tìm hiểu xem An Ma “được báo trước” như thế nào về mối nguy hiểm mà dân của ông đã gặp phải.

Cân nhắc việc viết xuống lẽ thật này bên cạnh Mô Si A 18:34: Chúa có thể báo trước cho người ngay chính biết khi nào họ gặp nguy hiểm.

Đọc kinh nghiệm sau đây do Anh Cả Neil L. Andersen của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ chia sẻ để minh họa lẽ thật này:

Hình Ảnh
Anh Cả Neil L. Andersen

“Tôi có một người bạn là một đặc viên FBI (Cục Điều Tra Liên Bang), anh ta điều tra những nhóm tội phạm có tổ chức để vận chuyển ma túy bất hợp pháp vào Hoa Kỳ.

“Vào một dịp nọ, anh ấy và một nhân viên khác đến gần một căn hộ nơi họ tin rằng một người buôn bán ma túy nổi tiếng đang phân phối bạch phiến (cocain). Người bạn tôi mô tả điều đã xảy ra như sau:

“‘Chúng tôi gõ cửa nhà của người buôn bán ma túy. Người bị tình nghi mở cửa, và khi thấy chúng tôi, thì cố gắng đứng chặn ở cửa. Nhưng đã quá trễ; chúng tôi có thể thấy bạch phiến (cocain) ở trên bàn.

“‘Một người đàn ông và một người đàn bà đang ngồi tại bàn lập tức bắt đầu dọn dẹp bạch phiến (cocain). Chúng tôi phải ngăn họ lại không cho tiêu hủy bằng chứng, nên tôi nhanh chóng đẩy người bị tình nghi buôn bán ma túy đang đứng chặn ở cửa qua một bên. Khi tôi đẩy người ấy, thì mắt của chúng tôi giao nhau. Lạ lùng thay, người ấy không tỏ ra tức giận hay sợ hãi. Người ấy đang mỉm cười với tôi.

“‘Đôi mắt và nụ cười hiền hòa của người ấy cho tôi cảm tưởng rằng người ấy vô hại, và vì vậy nên tôi nhanh chóng rời người ấy và bắt đầu đi về hướng cái bàn. Người bị tình nghi giờ đây đang ở đằng sau tôi. Vào lúc đó, tôi có một ấn tượng rõ ràng, mạnh mẽ đến với tâm trí tôi: “Hãy coi chừng điều ác đằng sau đôi mắt tươi cười.”

“‘Tôi lập tức quay lại hướng về phía người bị tình nghi. Tay của người ấy đang đút vào cái túi áo ngực lớn của người ấy. Theo bản năng, tôi chụp lấy tay người ấy và kéo ra khỏi túi áo của người ấy. Chỉ lúc đó tôi mới thấy, tay của người ấy đang nắm chặt một khẩu súng lục bán tự động sẵn sàng nhả đạn. Một cuộc vật lộn xảy ra và tôi tước được vũ khí của người ấy.’ …

“… Đức Thánh Linh đã cảnh cáo người bạn tôi về mối nguy hiểm cho phần thể chất; Đức Thánh Linh cũng sẽ cảnh cáo các em về sự nguy hiểm cho phần thuộc linh” (“Hãy Coi Chừng Điều Ác Đằng Sau Đôi Mắt Tươi Cười,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2005, 46–47).

  1. Viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em về những cảm nghĩ các em đã có từ Đức Thánh Linh hay những kinh nghiệm các em nhớ khi được cảnh báo hoặc được bảo vệ khỏi mối nguy hiểm về thể chất hoặc thuộc linh, hoặc viết về kinh nghiệm của một người mà các em quen biết hoặc đã đọc hay nghe nói.

  2. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học Mô Si A 18 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: