Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 11: Ngày 1, Lời Mặc Môn–Mô Si A 2


Đơn Vị 11: Ngày 1

Lời Mặc Môn–Mô Si A 2

Lời Giới Thiệu

Lời Mặc Môn là chiếc cầu kết nối giữa các bảng khắc nhỏ của Nê Phi và phần tóm lược các bảng khắc lớn của Nê Phi. Được viết gần 400 năm sau khi Chúa Giê Su Ky Tô giáng sinh, sách này chứa đựng một lời giải thích ngắn về các bảng khắc nhỏ của Nê Phi là gì và tại sao Mặc Môn cảm thấy rằng các bảng khắc này cần phải được bao gồm vào trong các tác phẩm thiêng liêng khác. Lời Mặc Môn cũng cung cấp sự hiểu biết sâu sắc có giá trị về lý do tại sao Vua Bên Gia Min đã có ảnh hưởng lớn như vậy đối với dân của mình.

Các bảng khắc nhỏ của Nê Phi chủ yếu dành cho các vấn đề thuộc linh và giáo vụ cùng những lời giảng dạy của các vị tiên tri. Các bảng khắc lớn của Nê Phi chứa đựng hầu hết một lịch sử thế tục của dân chúng do các vị vua, bắt đầu với Nê Phi, viết. (Xin xem 1 Nê Phi 9:2–4). Tuy nhiên, từ thời Mô Si A, các bảng khắc lớn cũng bao gồm các mục tối quan trọng về phần thuộc linh.

Các bảng khắc của Mặc Môn, hay là các bảng khắc bằng vàng được giao cho Joseph Smith, chứa đựng một phần tóm lược của Mặc Môn từ các bảng khắc lớn của Nê Phi, với nhiều bài bình luận. Các bảng khắc bằng vàng này cũng chứa đựng lịch sử tiếp nối do Mặc Môn biên soạn và được con trai của ông là Mô Rô Ni bổ sung thêm.

Hình Ảnh
sơ đồ cây cầu

Mô Si A 1 là một biên sử về những lời giảng dạy của Vua Bên Gia Min cho các con trai của ông. Ông dạy rằng thánh thư giúp chúng ta nhớ tới Thượng Đế và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Vào gần tới cuối đời của Vua Bên Gia Min, ông đã mong muốn được nói chuyện với dân của ông về sự phục vụ của ông với tư cách là nhà vua và để khuyến khích họ tuân theo Thượng Đế. Bài nói chuyện của Vua Bên Gia Min được ghi lại trong Mô Si A 2–5 và mô tả nỗi đau khổ và Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, vai trò của công lý và lòng thương xót, và sự cần thiết phải mang lấy danh của Đấng Ky Tô qua giao ước. Ở đầu bài nói chuyện của ông, được ghi lại trong Mô Si A 2, Vua Bên Gia Min đã nhấn mạnh đến việc phục vụ Thượng Đế bằng cách phục vụ những người khác là cần thiết và trạng thái hạnh phúc của những người tuân giữ các lệnh truyền.

Lời Mặc Môn 1:1–11

Mặc Môn dạy rằng Thượng Đế đã bảo tồn nhiều biên sử khác nhau theo một mục đích thông sáng

Hình Ảnh
Mặc Môn Tóm Lược Các Bảng Khắc

Hãy nghĩ về một thời gian khi các em cảm thấy được Thánh Linh thúc giục để làm một điều gì đó. Các em có biết là mọi điều sẽ ra sao nếu các em tuân theo sự thúc giục này không? Điều gì đã cho các em quyết tâm và sự tin tưởng để hành động theo thúc giục đó?

Tiên tri Mặc Môn được Thượng Đế truyền lệnh phải tóm lược các biên sử về dân của ông, là biên sử đã được lưu giữ trên các bảng khắc của Nê Phi. Vào khoảng năm 385 Sau Công Nguyên, khi ông sắp giao các biên sử đã được tóm lược của ông cho con trai của mình là Mô Rô Ni, thì ông tuân theo một sự thúc giục mặc dù ông không biết kết quả sẽ ra sao.

Mặc Môn đã tìm thấy một điều gì đó khi ông tìm kiếm trong số các biên sử. Đọc Lời Mặc Môn 1:3 để khám phá ra điều ông đã tìm thấy. (“Những bảng khắc này” ám chỉ các bảng khắc nhỏ của Nê Phi, trong đó có chứa đựng 1 Nê Phi đến Ôm Ni). Đọc Lời Mặc Môn 1:4–6, và cân nhắc việc đánh dấu trong thánh thư của các em lý do tại sao Mặc Môn đã hài lòng khi ông khám phá ra điều gì ở trên các bảng khắc nhỏ này.

Đọc Lời Mặc Môn 1:7, và nhận ra lý do tại sao Mặc Môn bao gồm các bảng khắc nhỏ này với phần tóm lược của ông về các bảng khắc của Nê Phi. Các em có thể muốn đánh dấu nguyên tắc này trong thánh thư của các em: “Chúa hiểu hết mọi điều.” Bằng cách hiểu biết và tin tưởng lẽ thật này, các em có thể phát triển đức tin để tuân theo những thúc giục từ Đức Thánh Linh mà các em nhận được.

Chúa đã truyền lệnh cho Nê Phi để làm các bảng khắc nhỏ và viết những điều thiêng liêng về dân ông vào các bảng khắc đó (xin xem 1 Nê Phi 9:3). Vào lúc đó, Nê Phi đã tuyên bố: “Chúa đã truyền lệnh cho tôi phải làm những bảng khắc này theo mục đích thông sáng của Ngài và mục đích ấy như thế nào tôi không biết được” (1 Nê Phi 9:5).

Hình Ảnh
các bảng khắc bằng vàng

Mục đích này đã được làm sáng tỏ trong nhiều thế kỷ sau đó, vào năm 1828, khi Tiên Tri Joseph Smith bắt đầu phiên dịch các bảng khắc bằng vàng. Đầu tiên ông dịch 116 trang bản thảo từ phần tóm lược của Mặc Môn về các bảng khắc lớn của Nê Phi, rồi sau đó các trang này đã bị mất hoặc bị đánh cắp khi Joseph để cho Martin Harris lấy đi. Chúa phán bảo Joseph không được dịch lại phần đã bị mất vì những người xấu đã dự định sẽ thay đổi những lời trên các trang bị mất và do đó làm cho mức độ xác thực của Sách Mặc Môn dễ bị nghi ngờ. Chúa phán bảo ông phải dịch lịch sử trên các bảng khắc nhỏ, bao gồm cùng giai đoạn lịch sử. Lịch sử này tập trung nhiều hơn vào những điều thiêng liêng. (Xin xem GLGƯ 10:10, 41–43; xin xem thêm 1 Nê Phi 9:3–4).

Kinh nghiệm này là bằng chứng quan trọng rằng Chúa biết tất cả những gì sẽ phải đến. Ngài biết rằng lịch sử trên các bảng khắc nhỏ sẽ là cần thiết, và Ngài nhắc nhở Mặc Môn phải gồm các bảng khắc vào phần tóm lược của ông.

Làm thế nào việc biết được lẽ thật này có thể giúp đỡ các em khi các em nhận được những thúc giục từ Thánh Linh?

  1. Mô tả trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư lúc các em hoặc một người nào đó mà các em quen biết đã hành động theo sự thúc giục từ Đức Thánh Linh mặc dù lúc đầu các em hoặc họ có thể không hiểu được sự thúc giục đó. Viết về các em nghĩ rằng mình có thể chuẩn bị tốt hơn như thế nào để nhận ra và đáp ứng theo những thúc giục của Chúa. Hãy nhớ rằng khi các em trung thành với những thúc giục của Thánh Linh của Chúa, Ngài sẽ tác động “[các em] làm theo ý muốn của Ngài” (Lời Mặc Môn 1:7).

Lời Mặc Môn 1:12–18

Vua Bên Gia Min đánh bại dân La Man và trị vì trong sự ngay chính

Vua Bên Gia Min là một vị vua ngay chính đã gặp nhiều trở ngại trong suốt triều đại của ông, kể cả chiến tranh với dân La Man và sự tranh cãi về giáo lý ở giữa dân của ông. Vua Bên Gia Min dẫn đầu quân đội Nê Phi “trong sức mạnh của Chúa” chống lại kẻ thù của họ và cuối cùng thiết lập hòa bình trong xứ (xin xem Lời Mặc Môn 1:13–14). Với sự giúp đỡ của “nhiều thánh nhân,” ông đã lao nhọc để khiển trách các tiên tri giả và thầy giảng giả là những người đã gây ra tranh cãi ở giữa dân chúng, và cũng nhờ đó đã thiết lập thái bình có được từ sự ngay chính (xin xem Lời Mặc Môn 1:15–18).

Đọc Lời Mặc Môn 1:12–18, và điền vào chỗ trống dưới đây bằng các con số của các câu nào giảng dạy xuất sắc nhất về các lẽ thật sau đây:

  • Chúa kêu gọi các vị tiên tri nào có thể dẫn dắt con người đến sự bình an bất chấp những thử thách.

  • Chúng ta có thể tìm thấy bình an bằng cách tuân theo sự lãnh đạo đầy soi dẫn của các vị tiên tri.

  • Trong sức mạnh của Chúa, chúng ta có thể khắc phục được những thử thách.

Mô Si A 1:1–18

Vua Bên Gia Min giảng dạy cho các con trai của ông về tầm quan trọng của thánh thư

Hãy tưởng tượng cuộc sống của các em sẽ như thế nào nếu các em chưa bao giờ có thánh thư để đọc, nghiên cứu, và được giảng dạy từ đó.

Vua Bên Gia Min dạy các con trai mình về cuộc sống của họ có lẽ đã khác như thế nào nếu họ đã không có thánh thư. Như đã được ghi trong Mô Si A 1:3–5, ông đã ba lần sử dụng một cụm từ theo cách khác nhau “nếu không nhờ những điều này [thánh thư]” để giúp các con trai của ông hiểu tầm quan trọng của thánh thư.

  1. Khi các em đọc Mô Si A 1:1–8, tìm kiếm các phước lành của dân Nê Phi sẽ bị mất nếu họ không có thánh thư. So sánh điều các em đã học với Ôm Ni 1:17–18. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, viết ba hoặc bốn cụm từ sau đây: Nếu tôi không có thánh thư …

Hãy cân nhắc việc viết nguyên tắc sau đây trong thánh thư của các em bên cạnh Mô Si A 1:1–8: Việc tra cứu thánh thư giúp chúng ta biết và tuân giữ các lệnh truyền.

Hình Ảnh
Trong Sự Phục Vụ Thượng Đế của Các Em

Vua Bên Gia Min dạy dân của ông về tầm quan trọng của lòng trung tín đối với các lệnh truyền và giải thích điều xảy ra cho những người trở nên tà ác sau khi đã được “Chúa dành cho nhiều ưu đãi này” (Mô Si A 1:13). Đọc Mô Si A 1:13–17, và so sánh Mô Si A 1:13 với An Ma 24:30. Rồi nhận ra ít nhất năm hậu quả xảy ra đối với những người quay lưng lại với Chúa. Các em có thể muốn đánh dấu hoặc đánh số những hậu quả trong thánh thư của mình.

Mô Si A 2:1–41

Dân Nê Phi quy tụ lại để nghe những lời nói của Vua Bên Gia Min

Đọc Mô Si A 2:1–9, và viết câu trả lời cho các câu hỏi sau đây:

  • Ai đã quy tụ lại với nhau?

  • Họ đã quy tụ lại ở đâu?

  • Điều gì đã được thực hiện để đám đông lớn có thể nghe những lời của Vua Bên Gia Min?

Để hiểu rõ hơn cá tính của Vua Bên Gia Min, hãy đọc Mô Si A 2:11–15 và nhận ra các cụm từ nào cho thấy Vua Bên Gia Min đã tập trung vào sự ngay chính và sự phục vụ chứ không phải là địa vị hoặc sự công nhận.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Howard W. Hunter

Sau đó suy ngẫm về lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Howard W. Hunter: “Đừng quá quan tâm tới địa vị. Các em có nhớ lại lời khuyên dạy của Đấng Cứu Rỗi về những người tìm cách ‘ngồi đầu’ hoặc ‘ngồi cao nhất’? ‘Song ai lớn hơn hết trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi.’ (Ma Thi Ơ 23:6, 11). Thật là quan trọng để được yêu thương. Nhưng chúng ta nên tập trung vào sự ngay chính, chứ không phải để được công nhận; về sự phục vụ, chứ không phải địa vị” (“To the Women of the Church,” Ensign, tháng Mười Một năm 1992, 96).

Hãy học Mô Si A 2:16–17, và đánh dấu nguyên tắc chúng ta có thể học được về sự phục vụ từ Vua Bên Gia Min: Khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng Đế của mình vậy. (Mô Si A 2:17 là một đoạn thánh thư thông thạo. Các em có thể muốn đánh dấu đoạn này một cách đặc biệt để có thể tìm ra nó trong tương lai).

Suy nghĩ về một thời gian khi một người nào đó đã ban phước cho cuộc sống của các em bằng cách phục vụ các em. Bằng cách nào các em (hoặc bằng cách nào các em có thể) cho thấy lòng biết ơn đối với Thượng Đế về người đã phục vụ các em lẫn Thượng Đế trong sự ngay chính? Bằng cách nào các em cho thấy lòng biết ơn của mình đối với người đó?

Sau khi dạy dân của ông về việc cần thiết phải phục vụ người khác, Vua Bên Gia Min đã dạy về nhiều cách trong đó Thượng Đế ban phước cho chúng ta và chúng ta cần phải biết ơn Ngài.

  1. Khi các em học Mô Si A 2:19–24, 34, cân nhắc nhiều cách trong đó Thượng Đế ban phước cho các em. Hãy suy nghĩ về cách bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với Ngài. Sau đó trả lời cho những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Tại sao Vua Bên Gia Min ám chỉ mình, người dân của mình, và chúng ta là “tôi tớ vô dụng”?

    2. Tại sao là điều quan trọng để chúng ta nhớ đến món nợ của mình đối với Thượng Đế?

Những lời của Vua Bên Gia Min dạy rằng khi chúng ta cảm thấy mắc nợ Thượng Đế, thì chúng ta muốn phục vụ những người khác và lòng biết ơn của chúng ta gia tăng.

Trong Mô Si A 2:34, Vua Bên Gia Min đã dạy rằng chúng ta nên “trả ơn” Thượng Đế với tất cả những gì chúng ta có và tình trạng của chúng ta. Trả ơn có nghĩa là “dâng hiến hoặc tuân phục.” Các em có thể muốn viết định nghĩa bên cạnh từ này trong thánh thư của các em. Hãy suy ngẫm về cách các em có thể dâng hiến lên Thượng Đế tất cả những gì các em có và tình trạng của các em. Hãy nhớ rằng khi các em tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế và tìm cách phục vụ chân thành, thì Ngài ban phước cho các em vì điều đó.

Những câu cuối cùng của Mô Si A 2 chứa đựng một lời cảnh báo quan trọng của Vua Bên Gia Min cho dân của ông. Các em có bao giờ thấy một dấu hiệu báo cho các em biết là phải “đề phòng” không? (Ví dụ, một dấu hiệu có thể cảnh báo các em về dây điện cao thế, đá rơi, động vật hoang dã, hoặc một dòng nước chảy mạnh). Đọc Mô Si A 2:32–33, 36–38 để khám phá ra điều Vua Bên Gia Min đã nói với dân của ông là phải đề phòng. (Từ lời nguyền rủa trong câu 33 có nghĩa là “nỗi buồn khổ và đau khổ”). Viết một câu mô tả điều sẽ xảy ra với những người “công khai chống lại Thượng Đế” (câu 37) hoặc những người cố ý vi phạm các lệnh truyền của Thượng Đế.

Đọc lời phát biểu sau đây: “Có một số người chủ tâm vi phạm các giáo lệnh của Thượng Đế, dự định sẽ hối cải về sau, chẳng hạn trước khi họ đi đền thờ hay phục vụ truyền giáo. Việc chủ tâm phạm tội như vậy là chế nhạo Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi” ( Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ [cuốn sách nhỏ, 2011], 29).

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nhận xét về tầm quan trọng của việc nhận ra khi nào chúng ta có thể tự lánh xa khỏi Thánh Linh:

Hình Ảnh
Anh Cả David A. Bednar

“Chúng ta nên … cố gắng để phân biệt khi nào chúng ta ‘tự lánh xa khỏi Thánh Linh của Chúa …’ (Mô Si A 2:36). …

“Tiêu chuẩn thì rõ ràng. Nếu một điều gì chúng ta suy nghĩ, nhìn thấy, lắng nghe hoặc dẫn mình xa lánh khỏi Đức Thánh Linh thì chúng ta chỉ cần ngừng suy nghĩ, nhìn, lắng nghe, hoặc làm điều đó. Ví dụ, nếu có một điều nào nhằm để giải trí, lại làm chúng ta xa lánh khỏi Đức Thánh Linh, thì chắc chắn chúng ta không nên dự phần vào loại giải trí đó. Vì Thánh Linh không thể ngự với điềi gì thô tục, thô bỉ, hoặc khiếm nhã, thì dĩ nhiên chúng ta không nên làm những điều đó. Vì chúng ta xa lánh Thánh Linh của Chúa khi tham gia vào những sinh hoạt mà chúng ta biết rằng chúng ta nên xa lánh, cho nên chúng ta dứt khoát không nên làm những điều đó” (“Để Chúng Ta Có Thể Luôn Được Thánh Linh của Ngài Ở cùng Chúng Ta,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2006, 30).

Hãy suy ngẫm về điều mà người ta đánh mất và —khi họ xa lánh khỏi Thánh Linh, thì đôi khi còn không nhận ra điều đó nữa. Đọc Mô Si A 2:40–41, và nhận ra điều Vua Bên Gia Min muốn chúng ta xem xét và ghi nhớ.

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Ghi lại một số kinh nghiệm đã dạy cho các em biết rằng nếu biết vâng lời Chúa, thì các em sẽ được ban phước về mặt vật chất lẫn tinh thần.

    2. Chọn ra một khía cạnh cuộc sống của các em khi các em muốn tuân theo nhiều hơn các giáo lệnh của Thượng Đế. Viết một mục tiêu để cải thiện trong lãnh vực đó.

Hình Ảnh
biểu tượng thông thạo thánh thư
Thông Thạo Thánh Thư—Mô Si A 2:17

Đọc Ma Thi Ơ 22:36–40; 25:40; và Mô Si A 2:17. Lập một bản liệt kê, một chuỗi hoặc một nhóm thánh thư bằng cách tham khảo chéo các câu thánh thư đó với nhau. Kỹ thuật học thánh thư này sẽ giúp làm rõ ý nghĩa và mở rộng tầm hiểu biết.

Giải thích mối liên hệ giữa các đoạn thánh thư mà các em mới vừa liên kết.

Suy ngẫm về các câu hỏi sau đây:

  • Khi nào các em đã cảm thấy rằng các em đang phục vụ Thượng Đế bằng cách phục vụ một người khác?

  • Các em có thể làm những điều cụ thể nào cho những người xung quanh mình như Đấng Cứu Rỗi cũng làm nếu Ngài có mặt ở đấy?

  1. Sau khi các em đã cố gắng để thuộc lòng Mô Si A 2:17, hãy viết đoạn đó từ trí nhớ vào trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em.

  2. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học Mô Si A 2 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: