Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 31: Ngày 4, Mô Rô Ni 7:1–19


Đơn Vị 31: Ngày 4

Mô Rô Ni 7:1–19

Lời Giới Thiệu

Mô Rô Ni ghi lại một bài giảng mà cha của ông, Mặc Môn, đã đưa ra cho “các đồng bào yêu mến” của ông nhiều năm trước đó (Mô Rô Ni 7:2). Bài học này bao gồm phần đầu của bài giảng của Mặc Môn được tìm thấy trong Mô Rô Ni 7. Bài học này đề cập đến những điều giảng dạy của ông về những việc làm ngay chính với ý định chân thật và lời giải thích của ông về cách chúng ta có thể phân biệt giữa thiện và ác. Trong bài học tiếp theo, các em sẽ học phần còn lại của bài giảng của Mặc Môn trong Mô Rô Ni 7.

Mô Rô Ni 7:1–10

Mặc Môn dạy các tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô về việc làm và ý định

Hình Ảnh
quả táo

Các em có bao giờ khám phá ra rằng có một vật nào đó không tốt ở bên trong khi nó dường như tốt ở bên ngoài không? Một ví dụ về điều này có thể là một miếng trái cây, chẳng hạn như một quả táo chua hoặc quá chín. Liệt kê hai hoặc ba ví dụ khác mà các em có thể nghĩ ra:

Hãy cân nhắc cách mà những ví dụ này về những vật trông tốt ở bên ngoài nhưng trong thực tế lại không như vậy có thể được so sánh với hình dáng bên ngoài và động cơ bên trong của con người. Mô Rô Ni ghi lại những lời của cha ông là Mặc Môn, liên quan đến trạng thái của tâm hồn chúng ta khi chúng ta làm công việc ngay chính. Đọc Mô Rô Ni 7:2–3 để nhận ra Mặc Môn đang ngỏ lời với những nhóm độc giả nào.

Mặc Môn đề cập đến các đồng bào của ông là những người ông đang ngỏ lời với là “những tín đồ hiền hòa của Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:3). Học Mô Rô Ni 7:4–5 để khám phá ra làm thế nào Mặc Môn đã biết những người dân Nê Phi này là thực sự các môn đồ của Đấng Cứu Rỗi.

Các em có nghĩ rằng một người có thể giả vờ là ngay chính không? Tại sao có và tại sao không?

Mặc Môn giải quyết vấn đề này trong Mô Rô Ni 7:6. Khi học câu này, các em có thể muốn đánh dấu cụm từ “ý định chân thật.” Lời giải thích sau đây của Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ có thể giúp các em hiểu ý nghĩa của việc có ý định chân thật. Gạch dưới những phần giải thích đó của ông mà nổi bật đối với các em.

“Chúng ta không những phải làm điều đúng. Mà chúng ta còn phải hành động vì những lý do đúng nữa. Thuật ngữ hiện đại là động cơ tốt. Thánh thư thường biểu hiện thái độ tinh thần phù hợp này với những lời tấm lòng cương quyết hoặc chủ ý thực sự.

“Thánh thư nói rõ rằng Thượng Đế hiểu động cơ của chúng ta và sẽ phán xét hành động của chúng ta theo như vậy” (Pure in Heart [1988], 15).

Mặc Môn mô tả các kết quả của một người đang tìm cách làm việc thiện mà không có chủ ý thực sự. Hãy tìm Mô Rô Ni 7:7–10, và nhận ra điều gì xảy ra khi chúng ta làm những hành động ngay chính nhưng không có ý định đúng. Từ những câu thánh thư này chúng ta biết được rằng để được ban phước vì làm việc thiện, chúng ta phải làm với chủ ý thực sự trong lòng. Chủ ý thực sự gồm có việc làm những điều thiện vì một tình yêu mến dành cho Thượng Đế và những người khác.

  1. Trả lời câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Các em đã thấy những khác biệt nào khi các em làm những việc thiện với chủ ý đúng trái với việc đã làm một điều gì đó tốt lành với một chủ ý ích kỷ?

  2. Để giúp các em hiểu rõ hơn nguyên tắc để được ban phước vì những việc thiện, chúng ta cần phải làm những việc với chủ ý định thực sự của tấm lòng, hãy cân nhắc tình huống sau đây: Một người bạn đã đọc Sách Mặc Môn yêu cầu các em giúp để hiểu Mô Rô Ni 7:9 và nói: “Tôi đã đọc rằng nếu một người cầu nguyện mà không có chủ ý thực sự, thì ‘sự cầu nguyện đó sẽ không đem lại lợi ích gì cho kẻ đó, vì Thượng Đế không thu nhận một người như vậy.’ Tôi thường cảm thấy là tôi không cầu nguyện với chủ ý thực sự. Tôi có nên bỏ cầu nguyện không?” Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết cách các em sẽ trả lời cho câu hỏi đó, và giải thích lý do tại sao các em sẽ trả lời theo cách đó.

Chủ Tịch Brigham Young đưa ra lời khuyên hữu ích này về cách chúng ta có thể đạt được một ước muốn để cầu nguyện với chủ ý thực sự: “Cho dù các [anh chị] em hay tôi có cảm thấy muốn cầu nguyện hay không, thì khi đến lúc để cầu nguyện, sẽ cầu nguyện. Nếu chúng ta không cảm thấy muốn cầu nguyện thì chúng ta nên cầu nguyện cho đến khi chúng ta muốn cầu nguyện” (Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young [1997], 45).

Hãy nghĩ về lời khuyên dạy của Chủ Tịch Young có thể liên quan như thế nào đến việc tuân theo các giáo lệnh khác ngoài việc cầu nguyện. Thường thường việc làm điều đúng có thể giúp mang lại một ước muốn để tiếp tục tuân theo giáo lệnh đó vì những lý do đúng.

  1. Để áp dụng những điều giảng dạy của Mặc Môn về tầm quan trọng của việc làm điều thiện với chủ ý thực sự, hãy chọn một trong các giáo lệnh sau đây: nhịn ăn, đóng tiền thập phân, phục vụ người khác, học thánh thư, hiếu kính cha mẹ, luôn luôn trong sạch về mặt đạo đức. (Việc luôn trong sạch về mặt đạo đức gồm có việc sống đạo đức trong khi sử dụng Internet hoặc phương tiện truyền thông xã hội. Việc này cũng gồm có việc không làm bất cứ điều gì mà có thể dẫn đến sự phạm giới về mặt tình dục). Rồi trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Các em đã được ban phước như thế nào khi các em đã tìm cách tuân theo lệnh truyền đó với chủ ý thực sự?

    2. Các em có lời khuyên nào cho những người bạn của mình về cách tuân theo lệnh truyền đó với chủ ý thực sự?

Mô Rô Ni 7:11–19

Mặc Môn dạy cách xét đoán giữa thiện và ác

Làm thế nào chúng ta có thể biết rằng một điều gì đó là xấu xa mà không thực sự thử làm điều đó? Mặc Môn đưa ra lời khuyên bảo để giúp đỡ chúng ta khi phải đối phó với một tình huống như vậy.

  1. Đọc Mô Rô Ni 7:11–13, và tìm cách xét đoán điều tốt với điều xấu. Các em có thể muốn đánh dấu những cụm từ nào nổi bật đối với các em. Tóm lược điều các em học được từ những câu thánh thư này bằng cách hoàn tất những lời phát biểu sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Đó là từ Thượng Đế mà ra …

    2. Đó là từ quỷ dữ mà đến …

Mặc Môn khẳng định rằng Thượng Đế mời gọi và khuyên chúng ta nên liên tục làm điều thiện. Hãy lưu ý rằng theo Mô Rô Ni 7:12, quỷ dữ cũng mời gọi và dụ dỗ chúng ta. Hãy nghĩ về một số cách quỷ dữ mời gọi và dụ dỗ các em phạm tội.

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã thảo luận về những động cơ của Sa Tan để tìm cách dụ dỗ chúng ta liên tục làm điều xấu xa: “Sa Tan hay Lu Xi Phe hay là cha đẻ của mọi sự dối trá—hoặc các [anh] em muốn gọi nó là gì cũng được—là có thật, chính là hiện thân của điều tà ác. Động cơ của nó luôn luôn hiểm độc. … Nó luôn luôn chống đối tình yêu thương của Thượng Đế, Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, cũng như công việc về sự bình an và cứu rỗi. Nếu có thể, nó sẽ chống lại những điều này bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Nó biết rằng cuối cùng nó sẽ bị đánh bại và bị đuổi ra, nhưng quyết tâm mang theo càng nhiều người khác càng tốt” (“Tất Cả Chúng Ta Đều Tham Gia,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2011, 44).

  1. Để giúp các em chuẩn bị áp dụng những lời giảng dạy của Mặc Môn về việc xét đoán giữa thiện và ác, hãy liệt kê trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em một vài chương trình truyền hình, các bài hát, các ban nhạc, các trang mạng Internet, các ứng dụng, trò chơi video, hoặc của cải riêng ưa thích của các em. (Các em có thể muốn thay đổi bản liệt kê này tùy theo sở thích của các em). Các em sẽ quay trở lại với điều ghi chép này trong nhật ký sau này trong bài học này.

Đọc Mô Rô Ni 7:15–17, và tìm kiếm những lẽ thật mà sẽ giúp các em biết cách xét đoán xem điều đó có phải là của Thượng Đế hay của quỷ dữ.

Thánh Linh của Đấng Ky Tô cũng được gọi là Ánh Sáng của Đấng Ky Tô (xin xem Mô Rô Ni 7:18). Chủ Tịch Boyd K. Packer, Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, đã đưa ra lời giải thích này mà có thể giúp các em hiểu rõ hơn về Ánh Sáng của Đấng Ky Tô:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Boyd K. Packer

“Đức Thánh Linh và Ánh Sáng của Đấng Ky Tô là khác nhau. Mặc dù đôi khi Đức Thánh Linh và Ánh Sáng của Đấng Ky Tô được mô tả trong thánh thư với cùng một từ, nhưng Đức Thánh Linh và Ánh Sáng của Đấng Ky Tô là hai thực thể khác nhau và riêng biệt. …

“Chúng ta càng biết về Ánh Sáng của Đấng Ky Tô, thì sẽ càng hiểu về cuộc sống và chúng ta sẽ có một tình yêu thương sâu đậm đối với tất cả nhân loại. …

“Cho dù ánh sáng nội tâm này, kiến thức này về điều đúng và điều sai, được gọi là Ánh Sáng của Đấng Ky Tô, ý thức đạo đức, hay lương tâm, thì nó cũng có thể hướng dẫn chúng ta đến việc dung hòa các hành động của chúng ta, đúng thế, trừ khi chúng ta áp chế hoặc làm nó im tiếng. …

“Mỗi người nam, người nữ, và trẻ em của mỗi dân tộc, tín ngưỡng, hoặc màu da—mọi người, cho dù họ sống ở đâu hoặc họ tin điều gì hoặc họ làm điều gì—đều có trong họ Ánh Sáng bất diệt của Đấng Ky Tô. Trong phương diện này tất cả mọi người đều được sáng tạo như nhau. Ánh Sáng của Đấng Ky Tô trong tất cả mọi người là một chứng ngôn rằng Thượng Đế không thiên vị một ai” (“The Light of Christ,” Ensign, tháng Tư năm 2005, 8–10).

Các tín hữu đã được báp têm của Giáo Hội cũng có ân tứ Đức Thánh Linh để giúp họ phân biệt giữa thiện và ác. Chủ Tịch Packer đã dạy: “Đức Thánh Linh có thể tác động qua Ánh Sáng của Đấng Ky Tô” (“Light of Christ,” 10).

Hãy tìm Mô Rô Ni 7:18–19 để tìm ra lời khuyên dạy của Mặc Môn về cách đáp ứng Ánh Sáng của Đấng Ky Tô ở bên trong chúng ta. Các em có thể muốn đánh dấu các từ hoặc cụm từ trong những câu này mà cho thấy rằng khi chuyên cần tìm cách tuân theo Ánh Sáng của Đấng Ky Tô, chúng ta có thể phân biệt được giữa thiện và ác.

Hãy tham khảo bản liệt kê các em đã lập trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em trong bài tập 5. Hãy suy ngẫm kỹ các mục trên bản liệt kê của các em, và “tìm kiếm một cách cần mẫn trong ánh sáng của Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:19) để xác định là các mục này có từ Thượng Đế mà ra hay không. Các câu hỏi sau đây có thể hữu ích để xem xét:

  • Những điều này mời các các em làm điều thiện, tin vào Đấng Ky Tô, yêu mến Thượng Đế và phục vụ Ngài một cách tốt đẹp như thế nào?

  • Có bất cứ điều nào trong những điều này thuyết phục các em “làm điều ác, … không tin nơi Đấng Ky Tô, … chối bỏ Ngài [hoặc] không phục vụ Thượng Đế” không? (Mô Rô Ni 7:17).

  • Các em có cảm thấy nên loại bỏ bất cứ mục nào trong những mục này ra khỏi cuộc sống của mình không? Nếu vậy, thì các em sẽ làm việc này như thế nào?

Mặc Môn đưa ra lời hứa rằng khi các em chọn để loại bỏ bất cứ điều gì không tốt ra khỏi cuộc sống của mình và tìm cách “nắm vững được mọi điều tốt lành,” thì các em trở thành “con cái của Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:19).

  1. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học Mô Rô Ni 7:1–19 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: