Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 31: Ngày 3, Mô Rô Ni 6


Đơn Vị 31: Ngày 3

Mô Rô Ni 6

Lời Giới Thiệu

Mô Rô Ni gần hoàn thành các bài viết của ông trên các bảng khắc bằng cách giải thích một số điều kiện cho một người để chuẩn bị cho phép báp têm vào Giáo Hội. Sau đó ông vạch ra các trách nhiệm của các tín hữu Giáo Hội để chăm sóc cho các tín hữu khác. Mô Rô Ni cũng giải thích mục đích của các buổi họp Giáo Hội và nhấn mạnh đến sự cần thiết để các buổi họp Giáo Hội được thực hiện qua ảnh hưởng của Đức Thánh Linh.

Mô Rô Ni 6:1–3

Mô Rô Ni mô tả những điều kiện cho phép báp têm

Hình Ảnh
cậu bé chịu phép báp têm

Hãy tưởng tượng các em có một đứa em bảy tuổi và một vài tháng nữa sẽ lên tám tuổi. Cha mẹ của các em đã yêu cầu các em giảng dạy một bài học cho buổi họp tối gia đình về cách chuẩn bị cho phép báp têm.

  1. Nếu phải dạy bài học đó ngay bây giờ, thì các em sẽ dạy điều gì để giúp đỡ đứa em của mình chuẩn bị để chịu phép báp têm? Viết những ý nghĩ của mình trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em.

Sau khi gồm những lời cầu nguyện Tiệc Thánh vào biên sử của mình (xin xem Mô Rô Ni 4–5), Mô Rô Ni thêm vào lời chỉ dẫn về giáo lễ báp têm. Hãy tìm Mô Rô Ni 6:1–3, tìm kiếm những điều kiện cho phép báp têm. Các em có thể muốn đánh dấu những điều kiện các em nhận ra trong thánh thư của mình.

Các em nghĩ việc những người muốn chịu phép báp têm phải “đưa ra những thành quả chứng minh rằng họ xứng đáng được báp têm” có nghĩa là gì? (Mô Rô Ni 6:1).

Suy ngẫm việc các em nghĩ có “một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối” (Mô Rô Ni 6:2) có nghĩa là gì. Như đã được ghi trong Mô Rô Ni 6:1–3, Mô Rô Ni giải thích rằng qua phép báp têm chúng ta giao ước mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô và phục vụ Ngài cho đến cùng. Các em đang làm gì để duy trì và củng cố quyết tâm của mình để phục vụ Chúa Giê Su Ky Tô?

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy mô tả một số cách các em đã cố gắng kể từ khi chịu phép báp têm để duy trì và củng cố quyết tâm của mình để phục vụ Chúa Giê Su Ky Tô.

Mô Rô Ni 6:4

Mô Rô Ni giải thích cách chăm sóc và nuôi dưỡng phần thuộc linh của các tín hữu của Giáo Hội

Sau khi giải thích những điều kiện mà các cá nhân phải đáp ứng trước khi được làm phép báp têm, rồi Mô Rô Ni giải thích về những người mới chịu phép báp têm vẫn tiếp tục trung thành với các giao ước của họ như thế nào. Đọc Mô Rô Ni 6:4, và tìm kiếm điều đã được thực hiện để giúp những người mới cải đạo tiếp tục trung thành.

Tóm lược điều các em học được từ Mô Rô Ni 6:4 về các trách nhiệm của mình đối với các tín hữu khác của Giáo Hội.

Các phước lành nào mà Mô Rô Ni 6:4 cho biết sẽ đến từ việc được nuôi dưỡng bằng lời nói của Thượng Đế?

Một lẽ thật quan trọng được giảng dạy trong Mô Rô Ni 6:4chúng ta có một trách nhiệm để nhớ tới và nuôi dưỡng phần thuộc linh của các tín hữu khác của Giáo Hội.

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã làm chứng về tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng nhau bằng lời nói của Thượng Đế: “Hầu hết mọi người không đến nhà thờ chỉ để tìm kiếm một vài sự kiện phúc âm mới mẻ hoặc thăm bạn cũ, mặc dù tất cả điều đó đều là quan trọng. Họ đến để tìm kiếm một kinh nghiệm thuộc linh. Họ muốn có bình an. Họ muốn đức tin của họ được củng cố và hy vọng của họ được đổi mới. Nói tóm lại, họ muốn được nuôi dưỡng bởi lời nói tốt lành của Thượng Đế, được củng cố bởi quyền năng của thiên thượng. Những người trong chúng ta được kêu gọi để nói chuyện hoặc giảng dạy hay lãnh đạo đều có nghĩa vụ phải giúp cung cấp điều đó với hết khả năng của mình nếu có thể được” (“A Teacher Come from God,” Ensign, tháng Năm năm 1998, 26).

Các em có bao giờ nghĩ về một số đông người đã cầu nguyện cho các em, chuẩn bị bài học cho các em, khuyến khích các em và sinh hoạt của các em trong Giáo Hội, và giúp đỡ các em qua những thử thách không?

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết về hai hoặc ba người đã nhớ đến các em trong một cách quan trọng hoặc nuôi dưỡng phần thuộc linh của các em.

Hãy sớm thảo luận với một người trong gia đình hoặc một người bạn về việc các em đã được ban phước như thế nào vì có một người nào đó đã nhớ tới các em hoặc nuôi dưỡng các em bằng lời nói của Thượng Đế.

Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn kể chuyện về một thầy trợ tế trong tiểu giáo khu của ông; người thiếu niên này đã hiểu về việc cần thiết phải làm tròn trách nhiệm đối với các thành viên khác trong nhóm túc số của mình:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Henry B. Eyring

“Một trong các thành viên nhóm túc số của người ấy sống gần nhà tôi. Em thiếu niên hàng xóm đó chưa bao giờ tham dự một buổi họp nhóm túc số, cũng như chưa bao giờ làm bất cứ điều gì với các thành viên trong nhóm túc số của em. Cha ghẻ của em không phải là tín hữu và mẹ của em không đi nhà thờ.

“Chủ tịch đoàn nhóm túc số thầy trợ tế của em họp hội đồng lại vào một buổi sáng Chủ Nhật. … … Trong buổi họp chủ tịch đoàn của mình, những người chăn 13 tuổi đó đã nhớ đến em thiếu niên ấy là đứa chưa bao giờ đến họp cả. Chúng nói về em ấy cần biết bao điều mà chúng đã nhận được. Người chủ tịch chỉ định cố vấn của mình theo đuổi con chiên đang lạc đường ấy.

“Tôi biết em cố vấn đó, và tôi biết em rất nhút nhát, và tôi biết công việc chỉ định ấy khó khăn biết bao, vì thế tôi kinh ngạc quan sát qua cửa sổ phía trước của tôi trong khi em cố vấn lê bước ngang qua nhà tôi, đi lên con đường dẫn đến căn nhà của em thiếu niên chưa bao giờ đến nhà thờ đó. Người chăn bỏ tay vào túi của mình. Mắt em nhìn xuống đất. Em bước đi chậm rãi, cách các anh em thường bước đi nếu không chắc là mình có muốn đến nơi mà các anh em đang đi tới đó. Trong khoảng 20 phút, em quay trở lại con đường, cùng với thầy trợ tế đang lạc lối bước đi bên cạnh em. Quang cảnh đó tái diễn trong mấy ngày Chủ Nhật nữa. Rồi em thiếu niên bị lạc lối ấy được tìm lại, đã dọn nhà đi nơi khác.

“… Nhiều năm sau, tôi đang tham dự một đại hội giáo khu, tại một lục địa cách rất xa căn phòng mà chủ tịch đoàn ấy đã họp hội đồng. Một người đàn ông tóc bạc đến gặp tôi và khẽ nói: ‘Cháu trai của tôi sống trong tiểu giáo khu của anh cách đây nhiều năm.’ Với giọng nói dịu dàng, ông ta kể cho tôi nghe về cuộc sống của em thiếu niên ấy. Và sau đó ông hỏi tôi có thể tìm được người thầy trợ tế mà đã bước đi chậm rãi trên con đường đó không. Và ông muốn biết tôi có thể cám ơn em ấy và cho em ấy biết rằng cháu trai của ông, hiện giờ đã trưởng thành, vẫn còn nhớ” (“Tỉnh Thức với Ta,” Ensign, tháng Năm năm 2001, 38–39).

Hãy suy nghĩ về các cá nhân cụ thể mà Chúa có thể muốn các em phải “nhớ tới” hay “nuôi dưỡng.” Lập một kế hoạch mà các em có thể giúp nuôi dưỡng phần thuộc linh của những người đó. Viết tên của họ trên một tờ giấy, và đặt nó ở một nơi mà sẽ giúp các em nhớ tới họ.

Mô Rô Ni 6:5–9

Mô Rô Ni mô tả mục đích của các buổi họp Giáo Hội và các buổi họp này được thực hiện như thế nào

Hãy tưởng tượng các em là cha hay mẹ của một đứa con trong tuổi niên thiếu, và trong vài tuần qua đã nói rằng nó không muốn đi nhà thờ vì điều đó dường như vô nghĩa và nhàm chán. Hãy cân nhắc điều các em sẽ nói để giúp khuyến khích con mình đi nhà thờ và hiểu được lý do đúng là phải tham dự thường xuyên.

Trong biên sử của ông, Mô Rô Ni được soi dẫn để mô tả những lý do mà các tín hữu của Giáo Hội nhóm họp với nhau trong thời ông. Học Mô Rô Ni 6:5–6, và tìm kiếm cách các em có thể hoàn tất câu sau đây: Là tín hữu của Giáo Hội, chúng ta phải nhóm họp với nhau thường xuyên để .

Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ một phần bức thư của một người bạn bày tỏ một thái độ thay đổi về việc đi nhà thờ:

Hình Ảnh
Anh Cả Dallin H. Oaks

“Một người bạn khôn ngoan đã viết:

“‘Cách đây nhiều năm, tôi đã thay đổi thái độ của mình về việc đi nhà thờ. Tôi không còn đi nhà thờ vì lợi ích của tôi nữa, mà để nghĩ về những người khác. Tôi cố gắng chào hỏi những người ngồi một mình, chào mừng những người khách đến thăm, … tình nguyện làm một công việc được chỉ định… …

“‘Nói tóm lại, tôi đi nhà thờ mỗi tuần với ý định phải tích cực, chứ không tiêu cực, và tạo ra một sự khác biệt tích cực trong cuộc sống của các tín hữu. Do đó, việc tôi tham dự các buổi họp nhà thờ đã trở nên thú vị và thỏa mãn rất nhiều.’

“Tất cả những điều này minh họa nguyên tắc vĩnh cửu rằng chúng ta được hạnh phúc và được thỏa mãn hơn khi chúng ta hành động và phục vụ vì điều chúng ta ban phát, chứ không phải về điều mà chúng ta nhận được” (“Sự Phục Vụ Vô Vị Kỷ,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2009, 96).

Các em có thể hoàn tất lời phát biểu ở trên với một số ý nghĩ sau đây.

Là tín hữu Giáo Hội, chúng ta phải nhóm họp với nhau thường xuyên để:

  • Nhịn ăn và cầu nguyện.

  • Củng cố phần thuộc linh của nhau.

  • Dự phần Tiệc Thánh để tưởng nhớ tới Chúa Giê Su Ky Tô.

Suy ngẫm về những kinh nghiệm các em đã có mà dạy các em về tầm quan trọng của việc cầu nguyện hoặc nhịn ăn cùng với các tín hữu trong tiểu giáo khu hay chi nhánh của các em.

Hình Ảnh
các gia đình trong lễ Tiệc Thánh
  1. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Kinh nghiệm của các em tại nhà thờ sẽ thay đổi như thế nào nếu các em tham dự với ước muốn củng cố phần thuộc linh của những người khác?

    2. Tại sao việc thường xuyên dự phần Tiệc Thánh để tưởng nhớ tới Chúa Giê Su Ky Tô là quan trọng?

    3. Làm thế nào việc đi nhà thờ vì các mục đích được liệt kê ở trên có thể giúp “giữ [các em] đi con đường đúng”? (Mô Rô Ni 6:4).

Đọc Mô Rô Ni 6:7–8, và tìm kiếm điều các tín hữu của Giáo Hội trong thời Mô Rô Ni “nghiêm nhặt gìn giữ ,” hay nói cách khác, điều họ đã đặc biệt quan tâm đến. Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để chúng ta giảng dạy và khuyến khích lẫn nhau nhằm mục đích tránh xa và hối cải tội lỗi?

Mô Rô Ni làm chứng rằng nếu chúng ta thường xuyên hối cải và tìm kiếm sự tha thứ với ý định chân thật thì chúng ta sẽ được tha thứ. Các em có thể muốn đánh dấu lẽ thật này trong Mô Rô Ni 6:8.

Mô Rô Ni đã kết luận chương này bằng cách giảng dạy về các buổi họp Giáo Hội của chúng ta nên được thực hiện như thế nào. Đọc Mô Rô Ni 6:9, và nhận ra người nào nên hướng dẫn các buổi họp của chúng ta trong Giáo Hội. Hãy nghĩ về một lúc mà các em đã đặc biệt nhận thức được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh trong một buổi họp Giáo Hội.

Nguyên tắc mà các buổi họp Giáo Hội phải được thực hiện bởi quyền năng của Đức Thánh Linh có thể áp dụng cho các em như thế nào? Nếu các em được yêu cầu nói chuyện hoặc giảng dạy một bài học trong một buổi họp Giáo Hội, làm thế nào các em có thể giúp đảm bảo rằng điều các em nói góp phần vào sự hướng dẫn và ảnh hưởng của Đức Thánh Linh trong buổi họp đó?

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết một kế hoạch về cách các em sắp tham dự các buổi họp Giáo Hội của mình vào ngày Chủ Nhật tới. Các em có thể muốn gồm vào những cách để mời Đức Thánh Linh vào việc thờ phượng của mình và cách các em có thể nhớ tới và nuôi dưỡng những người khác qua việc tham dự của mình.

  2. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học Mô Rô Ni 6 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: