Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 10: Ngày 3, Ê Nót


Đơn Vị 10: Ngày 3

Ê Nót

Lời Giới Thiệu

Sau khi suy ngẫm những lời của cha mình, Ê Nót cầu nguyện và nhận được sự xá miễn tội lỗi của ông. Sau đó ông đã cầu nguyện cho sự an lạc thuộc linh của dân Nê Phi và dân La Man và dành cả đời ông để lao nhọc cho sự cứu rỗi của họ.

Ê Nót 1:1–8

Sau khi suy ngẫm những lời của cha mình, Ê Nót cầu nguyện và nhận được sự xá miễn các tội lỗi của ông

Đọc Ê Nót 1:1, 3, và lưu ý đến ảnh hưởng mà Gia Cốp đã có đối với Ê Nót. Mặc dù Ê Nót là con trai và cháu nội của vị tiên tri, nhưng bản thân ông vẫn cần phải cảm nhận được quyền năng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Hãy nghĩ về một thời gian khi các em cảm thấy rất đói. Hãy khoanh tròn một số từ bên dưới đây mô tả điều các em cảm thấy khi đang đói:

  • trống rỗng

  • yếu

  • không hài lòng

  • đói

  • đau

  • lo lắng

  • thèm thuồng

Tô đậm cụm từ “tâm hồn tôi tràn đầy sự khao khát” in Ê Nót 1:4. Các em nghĩ cụm từ này có nghĩa là gì?

Cụm từ “tâm hồn tôi tràn đầy sự khao khát” có thể bao gồm những cảm nghĩ như sự trống rỗng tinh thần hoặc đau khổ hay ước muốn được tràn đầy thuộc linh. Ê Nót đã viết về một thời gian khi ông trải qua cảnh đói khát phần thuộc linh này. Ông viết rằng những lời của cha ông đã “in sâu vào tim [ông]” (Ê Nót 1:3). Khi suy ngẫm về những lời đó, ông đã trải qua những ước muốn mà đã dẫn dắt ông đến việc hành động trong đức tin. Các hành động trung tín của ông mang lại những thay đổi trong cuộc sống của ông và các phước lành của Chúa.

Hình Ảnh
Ê Nót Cầu Nguyện
  1. Bắt đầu một loạt các bài tập để giúp các em hiểu kinh nghiệm của Ê Nót và liên kết kinh nghiệm này với cuộc sống của các em bằng cách chia một trang trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em ra thành sáu phần và viết tựa đề cho mỗi phần như sau:

Điều Ê Nót mong muốn:

Điều tôi mong muốn:

Điều Ê Nót làm:

Điều tôi cần làm:

Điều Ê Nót đã trải qua:

Kinh nghiệm của tôi:

  1. Đọc Ê Nót 1:2–3, và tìm kiếm các cụm từ trong mỗi câu nào cho thấy điều Ê Nót mong muốn có trong cuộc sống của mình. Viết các cụm từ này trong phần được đánh dấu “Điều Ê Nót mong muốn” trong biểu đồ nghiên cứu việc học thánh thư của các em.

Ước muốn của Ê Nót về sự xá miễn các tội lỗi của ông giúp chúng ta hiểu điều ông có ý nói trong Ê Nót 1:4 khi ông viết: “Tâm hồn tôi tràn đầy sự khao khát.” Ngoài việc khao khát được tha thứ, Ê Nót cũng mong muốn “cuộc sống vĩnh cửu và niềm vui của các thánh đồ” (Ê Nót 1:3). Ông muốn cảm thấy hạnh phúc đến từ việc sống xứng đáng với Chúa và những người ngay chính khác.

  1. Hãy cân nhắc xem các em có một số cảm nghĩ như vậy về nỗi khao khát thuộc linh mà Ê Nót đã mô tả. Trong biểu đồ nghiên cứu việc học thánh thư của các em, trong phần được đánh dấu “Điều tôi mong muốn,” hãy viết về một số ước muốn thuộc linh mà các em khao khát trong cuộc sống của mình.

Những ước muốn của Ê Nót đã dẫn dắt ông đến việc sử dụng đức tin và hành động của ông. Trong Ê Nót 1:2, hãy nhận ra và đánh dấu lời nói Ê Nót đã sử dụng để mô tả nỗ lực của ông. Hãy lưu ý rằng Ê Nót đã không phấn đấu với Thượng Đế, nhưng trước Thượng Đế trong lời cầu nguyện. Sự phấn đấu như vậy gồm có một sự đấu tranh về mặt tâm thần lẫn thuộc linh để cho Cha Thiên Thượng thấy rằng chúng ta có ước muốn chân thành và sẵn lòng để hối cải và có những thay đổi cần thiết trong cuộc sống của chúng ta. Trong Ê Nót 1:4, Ê Nót đã ghi lại một số chi tiết mô tả sự phấn đấu của ông.

  1. Đọc Ê Nót 1:4, và đánh dấu những điều Ê Nót đã làm để cho thấy rằng ông đã chân thành khi tìm kiếm một sự xá miễn các tội lỗi của mình. Hãy liệt kê điều các em nhận ra ở bên dưới “Điều Ê Nót làm” trong biểu đồ nhật ký nghiên cứu việc học thánh thư của các em.

Từ khẩn cầu mãnh liệt trong Ê Nót 1:4 có nghĩa là cầu xin một cách khiêm nhường và với ước muốn lớn lao. Những lời cầu nguyện của chúng ta có thể không được dài như của Ê Nót, nhưng những lời cầu nguyện đó cũng cần phải chân thành.

  1. Trong biểu đồ nhật ký nghiên cứu việc học thánh thư của các em, ở bên dưới “Điều tôi cần phải làm,” hãy viết xuống những suy nghĩ của các em về cách các em có thể cho Chúa thấy mình chân thành biết bao khi cầu nguyện và tìm kiếm các phước lành thuộc linh của Ngài.

  2. Các nỗ lực trung tín và chân thành của Ê Nót dẫn đến các phước lành lớn lao trong cuộc sống của ông. Đọc Ê Nót 1:5–8, và đánh dấu điều Ê Nót đã trải qua. Hãy liệt kê trong phần “Điều Ê Nót đã trải qua” của biểu đồ nhật ký nghiên cứu việc học thánh thư của các em. Khi các em đọc câu 5 và 6, hãy lưu ý xem làm thế nào Ê Nót biết là ông đã được tha thứ. Tiếng nói được đề cập trong câu 5 là một tiếng nói đã đến với tâm trí của Ê Nót (xin xem Ê Nót 1:10).

Ê Nót 1:7–8 dạy rằng khi chúng ta sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, các tội lỗi của chúng ta có thể được tha thứ và chúng ta có thể được trọn lành. Ước muốn của chúng ta để cải thiện, những lời cầu nguyện chân thành, và các nỗ lực để hối cải là những cách chúng ta có thể cho thấy đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã giải thích về tội lỗi của chúng ta có thể được tẩy sạch như thế nào khi chúng ta sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và hối cải các tội lỗi của mình:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf

“Một khi chúng ta đã thực sự hối cải, Đấng Ky Tô sẽ cất đi gánh nặng tội lỗi của chúng ta. Chúng ta có thể tự mình biết rằng chúng ta đã được tha thứ và được làm cho sạch tội. Đức Thánh Linh sẽ kiểm chứng điều này với chúng ta; Ngài là Đấng Thánh Hóa. Không có một chứng ngôn nào khác về sự tha thứ có thể kỳ diệu hơn. …

“[Chúa] phán: ‘Này, kẻ nào biết hối cải những tội lỗi của mình, thì kẻ đó sẽ được tha thứ, và ta, là Chúa, sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa’ (GLGƯ 58:42).

“Sa Tan sẽ cố gắng làm cho chúng ta tin rằng các tội lỗi của chúng ta sẽ không được tha thứ vì chúng ta có thể nhớ đến chúng. Sa Tan là kẻ nói dối; nó cố gắng làm mờ mắt chúng ta và dẫn chúng ta xa khỏi con đường hối cải và tha thứ. Thượng Đế đã không hứa rằng chúng ta sẽ không nhớ đến các tội lỗi của mình. Việc ghi nhớ sẽ giúp chúng ta tránh tái phạm những lỗi lầm cũ. Nhưng nếu chúng ta vẫn luôn chân thật và trung tín thì ký ức về các tội lỗi của chúng ta theo thời gian sẽ được làm cho phai mờ. Điều này sẽ là một phần của tiến trình chữa lành và thánh hóa cần thiết” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2007, 101).

Để giúp các em áp dụng những lời của Chủ tịch Uchtdorf, hãy suy ngẫm các câu hỏi sau đây: Khi nào các em đã cảm thấy rằng Chúa đã tha thứ cho các em về tội lỗi của mình? Làm thế nào các em biết là mình đã được tha thứ? Các em đã cảm thấy sự tha thứ của Chúa mới đây không?

  1. Sau khi suy ngẫm các câu hỏi ở trên, hãy ghi lại trong phần “Kinh nghiệm của tôi” của biểu đồ nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em kinh nghiệm của mình với những cảm nghĩ về sự tha thứ. Hoặc các em có thể viết về điều các em hy vọng có được khi sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Ê Nót 1:9–27

Ê Nót cầu nguyện cho dân Nê Phi và dân La Man và lao nhọc với những người khác vì sự cứu rỗi của họ

Hình Ảnh
các vòng tròn đồng tâm

Sơ đồ này minh họa lời cầu nguyện của Ê Nót. Đầu tiên ông đã cầu nguyện cho bản thân mình và sau đó mở rộng lời cầu nguyện của mình để bao gồm những người khác. Đọc Ê Nót 1:9–10, và đánh dấu trong thánh thư của các em người mà Ê Nót cầu nguyện cho lần thứ hai. Đọc Ê Nót 1:11–14, và đánh dấu người nào Ê Nót cầu nguyện cho lần thứ ba.

  1. Hãy trả lời câu dưới đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Căn cứ vào phần mô tả của Ê Nót về những ý định của dân La Man trong Ê Nót 1:14, điều gì gây ấn tượng cho các em về việc ông cầu nguyện cho họ?

Chúng ta học hỏi từ tấm gương của Ê Nót rằng khi chúng ta có được kinh nghiệm về các phước lành của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, thì chúng ta sẽ tìm cách giúp những người khác nhận được sự cứu rỗi. Để giúp các em nhớ lẽ thật này, các em có thể muốn viết tất cả hoặc một phần của lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Howard W. Hunter ở ngoài lề trang thánh thư của các em:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Howard W. Hunter

“Bất cứ lúc nào chúng ta cảm nhận các phước lành của Sự Chuộc Tội trong cuộc sống của mình, thì chúng ta không thể nào không quan tâm đến sự an lạc của anh em chúng ta. …

“Một dấu chỉ rất rõ về sự cải đạo cá nhân của một người là ước muốn chia sẻ phúc âm với những người khác” (The Teachings of Howard W. Hunter, do Clyde J. Williams [1997], 248–49 biên soạn).

Đọc Ê Nót 1:19–20, 26, và đánh dấu những từ hoặc cụm từ nào cho thấy những ước muốn chân thành của Ê Nót dành cho dân Nê Phi và dân La Man sau khi ông đã cầu nguyện cho họ.

Đọc Ê Nót 1:27, và tìm kiếm bằng chứng về niềm vui Ê Nót đã cảm nhận được về các nỗ lực của ông và sự bảo đảm về cuộc sống vĩnh cửu ông đã nhận được.

  1. Để giúp các em áp dụng điều các em đã học được trong bài học này, hãy thành tâm quyết định một hoặc nhiều cách hơn các em có thể noi theo tấm gương của Ê Nót. Hãy chọn một lời phát biểu dưới đây, và hoàn tất lời phát biểu đó trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Giống như Ê Nót, tôi mong muốn nhận được một sự xá miễn các tội lỗi của mình. Tôi sẽ cho Chúa thấy tôi chân thành trong ước muốn này bằng cách …

    2. Giống như Ê Nót, tôi mong muốn giúp những người trong gia đình và bạn bè của tôi đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi sẽ tìm cách giúp đỡ một người tên là (tên của người đó). Tôi sẽ tìm cách giúp đỡ người này bằng cách …

    3. Ê Nót cầu nguyện cho dân La Man, là những người có thể được coi là kẻ thù của ông. Giống như Ê Nót, tôi muốn cho thấy tình yêu thương của Chúa đối với những người không tử tế với tôi. Một cách tôi sẽ làm điều này là …

Hãy tìm cách thực hiện điều các em đã viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em. Khi sử dụng đức tin nơi Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và hối cải, các em có thể có được kinh nghiệm về sự tha thứ, niềm vui, và gia tăng ước muốn để giúp đỡ những người khác.

  1. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học Ê Nót 1 và hoàn tất bài học này (vào ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: