Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 8: Ngày 1, 2 Nephi 26–27


Đơn Vị 8: Ngày 1

2 Nê Phi 26–27

Lời Giới Thiệu

Nê Phi đã thấy trước việc Chúa Giê Su Ky Tô đến thăm châu Mỹ và sự hủy diệt mà sẽ giáng xuống dân của ông sau này. Nê Phi cũng đã thấy trước những người sống trong những ngày sau cùng và cảnh báo họ chống lại tính kiêu căng, những tập đoàn bí mật, và những mưu chước tăng tế. Để minh họa cách Chúa cung cấp cho chúng ta một đường lối để khắc phục những ảnh hưởng của sự tà ác và bội giáo, Nê Phi đã gồm vào những lời tiên tri của Ê Sai về Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong những ngày sau.

2 Nê Phi 26

Nê Phi tiên tri về những ngày sau cùng và mời gọi tất cả mọi người đến cùng Đấng Ky Tô

Các em có bao giờ ở giữa một trận động đất, bão tố sấm sét dữ dội, hoặc sự kiện tàn phá khác hoặc nhìn thấy hình ảnh hay video về những sự kiện này không? Nê Phi đã thấy rằng trong những ngày sau các cư dân trên thế gian “sẽ bị sấm sét, động đất, cùng tất cả mọi sự tàn phá khác” (2 Nê Phi 26:6). Điều gì đến với tâm trí của các em khi đọc về “lửa giận của Chúa” (2 Nê Phi 26:6) hoặc “những sự phán xét của Thượng Đế” (2 Nê Phi 25:3)? Những sự phán xét của Thượng Đế—nhằm ban phước cho con cái của Ngài để mang kẻ tà ác đến sự hối cải và để bảo vệ người ngay chính. Trong 2 Nê Phi 26:1–11, Nê Phi tiên tri về sự tàn phá mà sẽ xảy ra trước khi Chúa Giê Su Ky Tô đến thăm châu Mỹ và về sự hủy diệt cuối cùng của dân ông vì sự tà ác của họ. Đọc 2 Nê Phi 26:8–9, và tìm kiếm các phước lành mà Nê Phi nói sẽ đến với con cháu ngay chính của ông. Sau đó đọc 2 Nê Phi 26:12–13, và tìm kiếm điều đã được hứa với chúng ta khi chúng ta sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

  1. Chúa Giê Su Ky Tô tự biểu hiện cho những người sử dụng đức tin nơi Ngài và chịu đựng trong sự ngay chính. Ghi lại các câu trả lời của các em cho những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Chúa Giê Su Ky Tô tự biểu hiện như thế nào cho những người sử dụng đức tin nơi Ngài? (Xin xem 2 Nê Phi 26:13).

    2. Các em đã chứng kiến hoặc có được kinh nghiệm về một số biểu hiện này của Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách nào?

Trong 2 Nê Phi 26:14–19, Nê Phi đã tiên tri rằng trong những ngày sau, sau khi dân của ông và dòng dõi của các anh của ông đang bị suy yếu do sự không tin, thì Sách Mặc Môn sẽ ra đời. Trong 2 Nê Phi 26:20–22, ông đã mô tả về nhiều người trong những ngày sau này sẽ đầy kiêu căng, chối bỏ các phép lạ của Thượng Đế, và trông cậy vào sự khôn ngoan và kiến thức của mình như thế nào. Trong những cách nào các em đã nhìn thấy ví dụ về các lời tiên tri của Nê Phi đã được ứng nghiệm?

Nê Phi đã cảnh báo chúng ta rằng quỷ dữ sử dụng tính kiêu căng, tham lam, và các công việc bí mật để phá hỏng hoặc hủy diệt chúng ta. Trong thánh thư của các em bên cạnh 2 Nê Phi 26:22, hãy đánh dấu việc Sa Tan tìm cách trói buộc chúng ta như thế nào. Dây gai là một sợi dây lanh mỏng có thể dễ bị đứt. Tuy nhiên, khi nhiều sợi dây đó được bện lại với nhau thì chúng trở thành một sợi dây thừng chắc chắn. Đọc 2 Nê Phi 26:32, và lưu ý đến các ví dụ về “những việc làm trong bóng tối” mà Chúa truyền lệnh cho chúng ta phải tránh. Hãy suy ngẫm làm thế nào một sợi dây duy nhất có thể trở thành “dây thừng chắc chắn” trong 2 Nê Phi 26:22 .

  1. Hãy tưởng tượng rằng các em đang giảng dạy một người bạn cách tránh những cạm bẫy của quỷ dữ (Sa Tan). Bằng cách sử dụng 2 Nê Phi 26:20–22, 32, viết một đoạn trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em để giải thích tiến trình mà quỷ dữ tìm cách trói buộc chúng ta. Hãy đặc biệt lưu ý trong 2 Nê Phi 26:22 về việc kẻ nghịch thù sử dụng dây gai như thế nào cho đến khi nạn nhân của nó bị trói buộc với dây thừng chắc chắn hơn, và đưa ra một ví dụ.

Nê Phi đã thấy sự tàn phá do kẻ nghịch thù gây ra và cảnh báo về các cạm bẫy và ảnh hưởng của Sa Tan trong những ngày cuối cùng. Ngược lại với những việc làm trong bóng tối của Sa Tan, Nê Phi đã dạy rằng tình yêu thương của Thượng Đế được ban rộng rãi cho tất cả mọi người và rằng mục đích của Ngài là để cứu rỗi tất cả những người chịu đến cùng Ngài. Đọc 2 Nê Phi 26:23–24, và tô đậm các từ và cụm từ mô tả cách Thượng Đế làm việc với con cái của Ngài như thế nào. Theo 2 Nê Phi 26:24, mục đích của Thượng Đế trong tất cả mọi thứ Ngài làm là gì? Các em có thể muốn tô đậm cụm từ giảng dạy giáo lý này: Tất cả mọi điều Chúa làm là vì lợi ích của thế gian.

  1. Trả lời câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Làm thế nào việc hiểu rằng tất cả mọi điều Chúa làm là vì lợi ích của thế gian giúp các em gia tăng đức tin của mình nơi Cha Thiên Thượng và cho các em sự bình an và bảo đảm trong cuộc sống này?

Đọc lướt qua 2 Nê Phi 26:25–28, 33, và đánh dấu mỗi lần thấy các từ mọi người, bất cứ một ai,không một ai. Sau đó quay trở lại và đọc lại những câu này, đặc biệt chú ý đến những lời này và cách Nê Phi dạy rằng Chúa yêu thương tất cả mọi người và mời tất cả đến cùng Ngài và dự phần vào sự cứu rỗi của Ngài. Hãy suy ngẫm về nguyên tắc này ảnh hưởng như thế nào đến cách các em xem các lệnh truyền, các tiêu chuẩn, và những người khác.

  1. Đọc 2 Nê Phi 26:29–31. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy liệt kê hai hoặc ba đặc điểm của mưu chước tăng tế được liệt kê trong câu 29, và sau đó trả lời các câu hỏi sau đây:

    1. Tại sao các em nghĩ rằng mưu chước tăng tế đang gây thiệt hại cho Giáo Hội?

    2. Theo 2 Nê Phi 26:30, làm thế nào để ngăn chặn được mưu chước tăng tế?

2 Nê Phi 27:1–23

Nê Phi tiên tri về sự ra đời của Sách Mặc Môn

Hình Ảnh
Kinh Thánh bằng nhiều ngôn ngữ
  1. Trả lời câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Làm thế nào các em biết (hoặc tại sao các em tin tưởng) rằng Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế?

Chúa đã mặc khải cho tiên tri Ê Sai các chi tiết về sự ra đời của Sách Mặc Môn, mà Nê Phi đã ghi trong 2 Nê Phi 27. Sau khi Ê Sai đã tiên tri rằng trong những ngày sau cùng, nhiều người sẽ vô cùng gian ác và chối bỏ các vị tiên tri, ông dạy rằng Thượng Đế sẽ mặc khải một cuốn sách có những lời viết ra từ thời xưa (xin xem 2 Nê Phi 27:1–7). Đọc 2 Nê Phi 27:12–14, và tìm kiếm điều được dạy trong câu này về điều Chúa sẽ làm để thiết lập lẽ thật của sách đó mà sẽ ra đời trong những ngày sau cùng.

Một cách mà Chúa đã thiết lập lẽ trung thực của Sách Mặc Môn là cho phép những người khác làm nhân chứng về các bảng khắc bằng vàng. Oliver Cowdery, David Whitmer, và Martin Harris đã được chọn làm Ba Nhân Chứng và được nhắc đến trong 2 Nê Phi 27:12. (Xin xem “Chứng Ngôn của Ba Nhân Chứng” ở phía trước của Sách Mặc Môn).

“Một số ít người” được nhắc đến trong 2 Nê Phi 27:13 gồm có Tám Nhân Chứng (xin xem “Chứng Ngôn của Tám Nhân Chứng” ở phía trước của Sách Mặc Môn). Hãy cân nhắc việc đánh dấu cụm từ “những nhân chứng mà Ngài thấy thích hợp” trong 2 Nê Phi 27:14. Khi nhận được và chia sẻ chứng ngôn của mình về Sách Mặc Môn, thì các em cũng trở thành nhân chứng về lẽ trung thực của sách này. Các em có thể muốn viết tên của mình bên cạnh 2 Nê Phi 27:14 như là một trong các nhân chứng bổ sung về lẽ trung thực của Sách Mặc Môn.

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ chứng ngôn của ông về Sách Mặc Môn:

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

“Tôi làm chứng rằng không một người nào có thể đạt đến mức độ có đức tin trọn vẹn trong công việc ngày sau này—và nhờ đó tìm ra được mức độ bình an và an ủi trọn vẹn nhất trong thời kỳ này của chúng ta—cho đến khi người ấy chấp nhận sự thiêng liêng của Sách Mặc Môn và Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng được sách ấy làm chứng. …

“Tôi cầu xin rằng chứng ngôn của tôi về Sách Mặc Môn cùng tất cả những gì chứa đựng trong sách đó, được đưa ra trong ngày nay với lời thề nguyện và chức phẩm của tôi, được con người trên thế gian và thiên sứ trên trời ghi chép lại. … Tôi muốn được hoàn toàn rõ ràng khi đứng trước rào phán xét của Thượng Đế để tuyên bố với thế gian, bằng lời lẽ trung thực nhất mà tôi có thể nói lên được, rằng Sách Mặc Môn là chân chính, ra đời theo như Joseph đã nói là sẽ ra đời và được ban cho để mang đến hạnh phúc cũng như hy vọng cho người trung tín trong nỗi đau khổ của những ngày sau này.” (“Sự An Toàn cho Linh Hồn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 89–90).

Hãy suy nghĩ về điều các em có thể làm để củng cố niềm tin chắc chắn của các em về lẽ trung thực của Sách Mặc Môn.

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết xuống điều các em sẽ làm trong năm nay để củng cố lời chứng của các em về lẽ trung thực của Sách Mặc Môn.

Để hoàn tất sinh hoạt sau đây, các em sẽ cần phải tham khảo Joseph Smith—Lịch Sử, nằm trong sách Trân Châu Vô Giá. Đọc Joseph Smith—Lịch Sử 1:63–65, và nhận ra các cá nhân trong phần tường thuật đó. Sau đó đọc các đoạn đã được chỉ định từ 2 Nê Phi 27 trong biểu đồ dưới đây, và so một cái tên sao cho phù hợp với mỗi nhóm câu.

  1. Charles Anthon

  2. Joseph Smith

  3. Martin Harris

Hình Ảnh
Sách Mặc Môn và những chữ cổ xưa

Từ những chữ trong Joseph Smith—Lịch Sử 1:63–65 đề cập đến những chữ Ai Cập cải cách mà Joseph Smith đã chép và phiên dịch từ các bảng khắc bằng vàng mà Martin Harris đã trình cho Giáo Sư Charles Anthon xem. Charles Anthon là một giảng viên tại Đại học Columbia và một người nổi tiếng uyên thâm về ngôn ngữ cổ xưa. Sau khi tuyên bố và chứng nhận bằng văn bản rằng bản dịch của Joseph Smith về những chữ đó là chính xác, Giáo sư Anthon xé tờ giấy chứng nhận của ông về bản dịch khi ông được cho biết về cách thức kỳ diệu để nhận được các bảng khắc. Ông đề nghị sẽ tự mình phiên dịch biên sử đó. Khi Martin Harris giải thích rằng một số các bảng khắc đã bị niêm phong, Giáo sư Anthon nói rằng ông không thể đọc một cuốn sách bị niêm phong. Theo 2 Nê Phi 27:16, chúng ta biết gì về động cơ của Charles Anthon muốn phiên dịch các bảng khắc?

Đọc 2 Nê Phi 27:20–23, và đánh dấu cụm từ đã được lặp lại trong các câu 20 và 21.

  1. Viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư điều các em đã nghiên cứu cho đến nay trong 2 Nê Phi 27:1–23 xác nhận rằng Thượng Đế có thể làm công việc của Ngài như thế nào. (Nếu các em cần thêm thông tin về sự ra đời của Sách Mặc Môn, thì xin xem GLGƯ 20:8–12).

Các em có thể muốn viết lẽ thật sau đây trong thánh thư của các em: Sự ra đời của Sách Mặc Môn là một trong những cách Thượng Đế sẽ hoàn thành công việc của ông trong những ngày sau.

  1. Trả lời cho câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Việc lời tiên tri cổ xưa về Sách Mặc Môn được ứng nghiệm đã củng cố chứng ngôn của các em về sách đó và vai trò của sách trong Sự Phục Hồi Giáo Hội của Chúa như thế nào?

2 Nê Phi 27:24–35

Nê Phi tiên tri về ảnh hưởng tích cực của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô

Hình Ảnh
Joseph Smith trong Khu Rừng Thiêng Liêng

Thượng Đế đã chọn một thiếu niên tên là Joseph Smith làm vị tiên tri của Sự Phục Hồi và mang lại công việc kỳ diệu của Ngài trong những ngày sau cùng. “Công việc lạ lùng” được đề cập trong thánh thư là Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, mà gồm có sự ra đời của Sách Mặc Môn. Đọc 2 Nê Phi 27:25–26, hãy đánh dấu cụm từ “một công việc lạ lùng và một điều kỳ diệu,” và nhận ra một số tình trạng mà sẽ tồn tại khi Chúa bắt đầu công việc lạ lùng. Hãy suy ngẫm về Sách Mặc Môn và Sự Phục Hồi đã giúp các em tránh những tình trạng đó như thế nào.

Đọc 2 Nê Phi 27:29–30, 34–35, và đánh dấu các phước lành có được nhờ vào sự ra đời của Sách Mặc Môn và Sự Phục Hồi phúc âm. Sách Mặc Môn và phúc âm phục hồi sẽ mang lại niềm vui và sự hiểu biết cho những người học và chấp nhận Sách Mặc Môn và phúc âm.

  1. Ghi lại câu trả lời của các em cho câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Làm thế nào Sự Phục Hồi phúc âm, mà trong đó bao gồm sự ra đời của Sách Mặc Môn, là một “công việc lạ lùng” trong cuộc sống của các em?

  2. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học 2 Nê Phi 26–27 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: