Viện Giáo Lý
Bài học 18 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Trở Nên Giống Như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô


“Bài học 18 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Trở Nên Giống Như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2021)

“Bài học 18 Tài Liệu dành cho Giảng Viên”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Bài học 18 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Trở Nên Giống Như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô

Chúa Giê Su Ky Tô phán bảo dân Nê Phi và dân La Man ở xứ Phong Phú rằng Ngài đã làm tròn luật pháp Môi Se. Khi Ngài dạy một luật pháp cao hơn, Ngài đã mời gọi dân chúng trở nên hoàn hảo như Ngài và Cha Thiên Thượng. (Xin xem 3 Nê Phi 12:17–48.) Trong bài học này, học viên sẽ có cơ hội để giải thích những lời giảng dạy của Chúa về sự hoàn hảo. Học viên cũng sẽ nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của luật pháp cao hơn và xác định điều họ có thể làm để sống theo luật này một cách tốt hơn và trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Đấng Cứu Rỗi dạy dân Nê Phi và dân Nê Phi về cách để trở nên toàn hảo.

Trưng bày các câu hỏi sau đây và mời học viên suy ngẫm về những câu hỏi này:

  • Khi suy ngẫm về tiềm năng thiêng liêng của mình, anh chị em hy vọng sẽ phát triển các thuộc tính nào giống như Đấng Ky Tô trong năm tới? Trong 10 năm tới?

  • Anh chị em hy vọng sẽ phát triển những thuộc tính nào vào cuối cuộc đời mình?

Nếu anh chị em cảm thấy phù hợp, thì hãy mời học viên chia sẻ câu trả lời với học viên khác hoặc mời một hoặc hai học viên chia sẻ câu trả lời của họ với cả lớp.

Giải thích rằng trong thời gian giáo vụ của Ngài dành cho dân Nê Phi và dân La Man, Chúa Giê Su đã dạy những lẽ thật quan trọng về tiềm năng thiêng liêng của chúng ta. Mời học viên xem lại 3 Nê Phi 12:19–20, 46–48, tìm kiếm những điều Chúa muốn chúng ta trở thành.

  • Theo các câu này, Chúa nhìn thấy tiềm năng nào ở chúng ta?

  • Những câu này giảng dạy gì về việc chúng ta có thể trở nên toàn hảo giống như Chúa Giê Su Ky Tô và Cha Thiên Thượng? (Học viên có thể nhận ra một nguyên tắc tương tự như nguyên tắc sau đây: Khi chúng ta đến gần Chúa Giê Su Ky Tô và tuân theo luật pháp và lệnh truyền của Ngài, chúng ta có thể trở nên hoàn hảo giống như Ngài và Cha Thiên Thượng.)

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Giúp học viên sử dụng các công cụ trợ huấn học tập và nguồn tài liệu học thánh thư. Giáo Hội cũng cung ứng các công cụ trợ huấn học tập và nguồn tài liệu để nâng cao việc học thánh thư của chúng ta. Phần Giúp Đỡ Học Tập Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, Sách Hướng Dẫn theo Đề Tài, Từ Điển Kinh Thánh, Bản Dịch của Joseph Smith, cước chú, tiêu đề của chương và bản đồ có thể giúp học viên hiểu rõ hơn những gì họ đang đọc. Trong khi anh chị em giảng dạy, hãy tìm kiếm những cơ hội để giúp học viên sử dụng các công cụ trợ huấn và nguồn tài liệu này.

Hãy nêu ra rằng có một số người gặp khó khăn trong việc hiểu lệnh truyền phải trở nên hoàn hảo. Mời học viên khám phá đề tài “hoàn hảo” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư. Anh chị em cũng có thể mời học viên xem lại Mô Rô Ni 10:32–33lời phát biểu của Anh Cả Jeffrey R. Holland trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị. Cân nhắc hỏi một hoặc nhiều câu hỏi trong số những câu hỏi sau đây:

  • Tại sao là điều hữu ích để hiểu rằng sự hoàn hảo có nghĩa là “hoàn chỉnh, lành và phát triển trọn vẹn”? (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Hoàn Hảo,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Sự hoàn hảo có thể đạt được khi nào và bằng cách nào?

  • Anh chị em sẽ tóm tắt như thế nào về những điều Mô Rô Ni đã dạy về việc trở nên hoàn hảo? Làm thế nào mà việc hiểu được lời giảng dạy này có thể mang lại hy vọng cho anh chị em khi anh chị em có những thiếu sót và mắc sai lầm? Có khi nào anh chị em cảm thấy Chúa cung cấp cho anh chị em sự trợ giúp và sức mạnh thiêng liêng không?

  • Khi biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô đang dang rộng đôi tay để ban ân điển của Ngài cho anh chị em và đã chuẩn bị con đường để anh chị em trở nên giống như Ngài và Cha Ngài thì điều đó có nghĩa gì đối với anh chị em?

Để giúp học viên áp dụng điều họ đã học, anh chị em có thể muốn trình bày tình huống sau đây:

Joan là một tín hữu trung tín của Giáo Hội. Mặc dù có chứng ngôn về phúc âm, cô ấy lo lắng rằng cô ấy sẽ không bao giờ được hoàn hảo. Khi đề tài về sự hoàn hảo xuất hiện, tất cả những gì cô ấy có thể nghĩ đến là những thiếu sót và sai lầm của mình. Cô ấy tin rằng mình không đủ tốt để đến được thượng thiên giới.

  • Khi suy ngẫm về những điều anh chị em đã học được ngày hôm nay, anh chị em có thể chia sẻ lẽ thật nào với Joan để giúp cô ấy có hy vọng nhiều hơn vào lời mời gọi trở nên hoàn hảo của Chúa?

Chúa Giê Su Ky Tô dạy luật pháp cao hơn của phúc âm Ngài.

Nhắc học viên rằng sau khi Đấng Cứu Rỗi giải thích rằng Ngài đã làm tròn luật pháp Môi Se, Ngài dạy cho dân chúng luật pháp cao hơn của phúc âm.

  • Anh chị em sẽ định nghĩa luật pháp cao hơn là gì? Mục đích của tiêu chuẩn này là gì? (Nếu cần, học viên có thể tham khảo phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)

Mời học viên xem lại các đoạn thánh thư họ đã học trước buổi học này trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị. (Nếu một số học viên không chuẩn bị trước, hãy mời họ chọn một đoạn thánh thư và học đoạn đó bây giờ.) Sau khi học viên đã có đủ thời gian để xem lại, hãy chọn một trong các sinh hoạt sau đây hoặc tạo một sinh hoạt của riêng anh chị em để học viên có cơ hội tốt nhất để chia sẻ và thảo luận về những gì họ đã khám phá được:

  • Lựa chọn 1: Chia các học viên ra thành những nhóm nhỏ. Mời học viên lần lượt chia sẻ với nhóm những điều họ học được từ một đoạn thánh thư mà họ đã nghiên cứu. Sau khi học viên thảo luận trong nhóm xong, mời họ chia sẻ với cả lớp những điều mà họ đã khám phá được.

  • Lựa chọn 2: Trưng bày các câu hỏi có trong sinh hoạt “Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em” trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị. Mời học viên suy ngẫm xem họ sẽ trả lời các câu hỏi này như thế nào dựa trên đoạn thánh thư mà họ đã học. Mời học viên chia sẻ với một người bạn hoặc nhóm nhỏ cách họ sẽ trả lời câu hỏi này.

  • Lựa chọn 3: Mời học viên nghĩ về một tình huống mà họ có thể áp dụng lời giảng dạy từ đoạn thánh thư mà họ đã chọn. Cho học viên cơ hội trình bày tình huống của mình trong nhóm nhỏ hoặc trước cả lớp và giải thích xem họ đã áp dụng những lời giảng dạy mà họ đã chọn như thế nào.

Mời học viên chọn một nguyên tắc hoặc thuộc tính giống như Đấng Ky Tô mà họ muốn sống theo tốt hơn. Khuyến khích học viên viết ra cách họ có thể cải thiện trong việc sống theo nguyên tắc này hoặc phát triển thuộc tính này. Hãy cân nhắc mời một hoặc hai học viên chia sẻ lời chứng của họ về lòng nhân từ và ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô.

Cho Buổi Học Lần Sau

Chỉ ra rằng Chủ Tịch Boyd K. Packer thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ gợi ý rằng những người trẻ tuổi trong thời đại chúng ta đang “lớn lên trong lãnh thổ của kẻ thù” vì ảnh hưởng của kẻ thù ở khắp mọi nơi. (“How to Survive in Enemy Territory,” New Era, tháng Tư năm 2012, trang 2). Khi học viên bắt đầu bài học về những mối nguy hiểm về mặt thuộc linh trong thời đại của chúng ta và nghiên cứu tài liệu chuẩn bị cho bài học sau, hãy mời họ tìm kiếm cách Sách Mặc Môn có thể giúp họ sống ngay chính trong một thế giới tà ác.