Viện Giáo Lý
Bài học 22 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Bảo Vệ Bản Thân Mình Trước Những Giáo Lý Sai Lạc trong Những Ngày Sau Cùng


“Bài học 22 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Bảo Vệ Bản Thân Mình Trước Những Giáo Lý Sai Lạc trong Những Ngày Sau Cùng”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2021)

“Bài học 22 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Bài học 22 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Bảo Vệ Bản Thân Mình Trước Những Giáo Lý Sai Lạc trong Những Ngày Sau Cùng

Hình Ảnh
em thiếu niên đang cầm thánh thư

Anh Cả Quentin L. Cook thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Chúng ta đang sống trong những thời kỳ khó khăn. Càng ngày càng có nhiều khuynh hướng để “gọi dữ là lành, và gọi lành là dữ” [2 Nê Phi 15:20; xin xem thêm Ê Sai 5:20]” (“Ngăn Nắp và Biết Cách Tổ Chức Giỏi theo Kiểu Bristol: Xứng Đáng Đi Đền Thờ—trong Lúc Hạnh Phúc lẫn Lúc Khổ Sở,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 40). Với khả năng biết trước và tình thương yêu lớn lao, Chúa đã cung cấp Sách Mặc Môn, sách này giúp phơi bày những lời giảng dạy và ý tưởng sai lạc đang phổ biến trong thời kỳ của chúng ta. Trong khi học tài liệu này, hãy suy ngẫm xem những nguyên tắc nào từ Sách Mặc Môn có thể giúp anh chị em nhận ra sự lừa dối và bênh vực cho lẽ thật.

Phần 1

Làm thế nào Sách Mặc Môn có thể bảo vệ tôi chống lại những lời giảng dạy sai lạc trong thế giới ngày nay?

Chủ Tịch Ezra Taft Benson và Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy những điều sau đây về quyền năng của Sách Mặc Môn để bảo vệ chúng ta trước những lời giảng dạy sai lạc:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Ezra Taft Benson

Sách Mặc Môn phơi bày những kẻ thù của Đấng Ky Tô. Sách bác bỏ các giáo lý sai lạc. … Sách củng cố các tín đồ khiêm nhường của Đấng Ky Tô chống lại các kế hoạch tà ác, các chiến lược và các giáo lý của quỷ dữ trong thời kỳ của chúng ta. (Teachings of Presidents of the Church: Ezra Taft Benson [năm 2014], trang 132)

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Sách Mặc Môn vừa làm sáng tỏ những lời giảng dạy của Đức Thầy vừa phơi bày những chiến thuật của kẻ nghịch thù [xin xem 2 Nê Phi 26–33]. Sách Mặc Môn giảng dạy giáo lý chân chính để xua tan những truyền thống tôn giáo sai lạc. (“Sách Mặc Môn: Cuộc Sống Của Chúng Ta Sẽ Ra Sao Nếu Không Có Sách Này?Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 62)

Nê Phi đã ghi chép lại một lời tiên tri quan trọng liên quan đến sự ra đời của Sách Mặc Môn, là một phần thiết yếu của Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem 2 Nê Phi 27:6–23). Sau đó, Nê Phi đã tiên tri về những thầy giảng giả, những giáo lý điên rồ và những chiến thuật của quỷ dữ sẽ khiến con người lạc lối (xin xem 2 Nê Phi 28).

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc 2 Nê Phi 28:7–9, 20–22, 29–30 và cân nhắc đánh dấu những lời giảng dạy sai lạc mà Nê Phi nói rằng chúng ta sẽ phải gặp trong những ngày sau cùng.

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Nghiên cứu hàng ngày về Sách Mặc Môn sẽ mời gọi Đức Thánh Linh vào cuộc sống của chúng ta. Đức Thánh Linh là sự giúp đỡ lớn nhất để phân biệt lẽ thật với sự sai lầm. Có khi nào anh chị em thấy ví dụ về những lời giảng dạy sai lạc mà Nê Phi đã cảnh báo rằng chúng ta sẽ phải gặp trong những ngày sau cùng không? Làm sao anh chị em nhận ra được những ví dụ đó? Anh chị em đã làm gì để tự bảo vệ bản thân trước những lời giảng dạy sai lạc này?

Phần 2

Làm thế nào tôi có thể tự chuẩn bị để chống lại những kẻ có thể tìm cách hủy diệt đức tin của tôi nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

Sách Mặc Môn cảnh báo về những kẻ chống báng Đấng Ky Tô. Kẻ chống báng Đấng Ky Tô là “bất cứ người nào hay bất cứ điều gì mà làm giả mạo kế hoạch phúc âm chân chính của sự cứu rỗi và công khai hoặc kín đáo chống đối Đấng Ky Tô” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Kẻ Chống Lại Đấng Ky Tô”, scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Nói về kẻ chống báng Đấng Ky Tô, Chủ Tịch Nelson đã nói:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Anh chị em còn nhớ Cô Ri Ho, kẻ chống báng Đấng Ky Tô chứ? Trong khi phun ra những điều sai trái về Đấng Cứu Rỗi, Cô Ri Ho đi từ nơi này đến nơi khác cho đến khi hắn bị giải ra trước một thầy tư tế thượng phẩm là người đã hỏi hắn: “Tại sao ngươi đi khắp nơi để làm sai lạc đường lối của Chúa như vậy? Tại sao ngươi thuyết giảng dân này là sẽ không có Đấng Ky Tô, để làm gián đoạn sự vui mừng của họ?” [An Ma 30:22].

Bất cứ điều gì chống lại Đấng Ky Tô hay giáo lý của Ngài sẽ làm gián đoạn niềm vui của chúng ta. Điều đó gồm có triết lý của người đời, có rất nhiều điều trực tuyến và trong thế giới blog, làm đúng theo điều mà Cô Ri Ho đã làm. (“Niềm Vui và Sự Sống Còn của Phần Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 83–84)

Hình Ảnh
biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

Để chuẩn bị cho buổi học, hãy nghiên cứu một trong các câu chuyện sau đây: (1) Sê Rem và Gia Cốp, (2) Nê Hô và Ghê Đê Ôn hoặc (3) Cô Ri Ho và An Ma. (Lưu ý: Phần tham khảo thánh thư tương ứng cho những đoạn thánh thư này được cung cấp ở các phần sau đây.) Mỗi câu chuyện đều kể về một kẻ chống báng Đấng Ky Tô, là người chống lại Chúa và Giáo Hội của Ngài, đồng thời về một người nào đó đã phản ứng lại với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Khi anh chị em nghiên cứu, hãy viết câu trả lời của anh chị em cho những câu hỏi sau đây vào nhật ký học tập. Hãy chuẩn bị chia sẻ những điều anh chị em học được khi đến lớp.

Câu Hỏi Hướng Dẫn Học Tập

  1. Kẻ chống báng Đấng Ky Tô này đã sử dụng những chiến thuật nào để hủy hoại đức tin của mọi người nơi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài?

  2. Một số ví dụ thời hiện đại về những ý tưởng sai lạc đã được giảng dạy hoặc các cách tiếp cận mà kẻ chống báng Đấng Ky Tô đã sử dụng trong câu chuyện này là gì? Sa Tan truyền bá những ý tưởng này trong thời kỳ của chúng ta như thế nào?

  3. Anh chị em học được một số nguyên tắc hoặc cách thực hành nào từ tấm gương trung tín của người đương đầu với các sứ điệp sai lạc? (Liệt kê ít nhất ba nguyên tắc hoặc cách thực hành.) Làm thế nào một người nào đó thời nay có thể sử dụng các nguyên tắc và cách thực hành này để phản ứng lại các giáo lý và lời cáo buộc sai lạc?

Sử dụng các nguồn tài liệu dưới đây khi anh chị em học về câu chuyện mà anh chị em đã chọn.

Sê Rem và Gia Cốp

Hình Ảnh
Sê Rem tranh cãi với Gia Cốp

Hãy đọc Gia Cốp 7:1–14 và trả lời các câu hỏi trước đó.

Nền tảng thuộc linh của Gia Cốp là nguồn sức mạnh để vượt qua những lời khẳng định của Sê Rem (xin xem Gia Cốp 7:5). Hãy đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Ronald A. Rasband thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và suy ngẫm xem làm thế nào anh chị em có thể noi theo tấm gương của Gia Cốp.

Hình Ảnh
Anh Cả Ronald A. Rasband

Khi khuyên bảo những người như anh bạn tôi [những người đang bị lay chuyển đức tin], thì tôi khám phá ra các quyết định của họ trong những năm qua mà đã dẫn họ đến việc quên đi những kinh nghiệm thiêng liêng, rồi bị suy yếu, và nghi ngờ. Tôi khuyến khích họ giống như bây giờ tôi đang khuyến khích anh chị em hãy nhớ lại, nhất là trong thời gian khủng hoảng, khi anh chị em cảm nhận được Thánh Linh và chứng ngôn của mình được mạnh mẽ; hãy nhớ tới những nền tảng thuộc linh anh chị em đã xây đắp. Tôi hứa rằng nếu anh chị em chịu làm như vậy, tránh những điều mà không xây đắp và củng cố chứng ngôn của mình hoặc nhạo báng niềm tin của anh chị em, thì những lần quý báu đó khi chứng ngôn của anh chị em phát triển đều sẽ trở lại với ký ức của anh chị em qua lời cầu nguyện khiêm nhường và việc nhịn ăn. Tôi bảo đảm với anh chị em rằng anh chị em sẽ lại một lần nữa cảm thấy sự an toàn và ấm áp của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. (“ENgươi Quên,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 114)

Hãy ghi chép lại trong nhật ký của anh chị em ít nhất một kinh nghiệm thuộc linh mà anh chị em có thể nhớ đến về khoảnh khắc khi đức tin của anh chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô hoặc nơi phúc âm của Ngài đang bị thử thách.

Nê Hô và Ghê Đê Ôn

Hình Ảnh
Nê Hô, tranh do James H. Fullmer họa

Hãy đọc An Ma 1:2–16 và trả lời các câu hỏi trước đó. Có thể là hữu ích để lưu ý rằng Nê Phi đã dạy “những mưu chước tăng tế có nghĩa là những người nam [hoặc người nữ] đi thuyết giảng và trưng mình làm ánh sáng cho thế gian để họ có thể tìm lợi lộc và sự ca tụng của thế gian; nhưng họ lại không tìm sự an lạc của Si Ôn” (2 Nê Phi 26:29).

Tại sao anh chị em nghĩ những lời giảng dạy sai lạc của Nê Hô lại trở nên phổ biến đối với một số người? Đọc phần mô tả sau đây về các chiến thuật của kẻ nghịch thù từ Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và nghĩ xem chiến thuật đó áp dụng như thế nào vào những lời giảng dạy của Nê Hô được ghi chép lại trong An Ma 1:4.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Sa Tan là kẻ lừa dối khủng khiếp, cha đẻ của mọi lời dối trá (xin xem Giăng 8:44). Đây không phải là vì Sa Tan chỉ nói dối. Những lời nói dối hiệu quả nhất của hắn là chỉ nói một nửa lẽ thật hoặc những lời nói dối đi kèm với lẽ thật. (“Reading Church History” [bài nói chuyện với các nhà giáo dục tôn giáo Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội, ngày 16 tháng Tám năm 1985], trang 9)

Ghi lại vào nhật ký học tập câu trả lời của anh chị em cho câu hỏi sau đây: Làm thế nào tôi có thể có được lòng can đảm lớn lao hơn để chọn điều gì đúng thay vì điều phổ biến nhưng sai?

Cô Ri Ho và An Ma

Hình Ảnh
Tất Cả Mọi Vật Đều Chứng Tỏ Là Có Thượng Đế (An Ma và Cô Ri Ho), tranh do Walter Rane họa

Hãy đọc An Ma 30:12–18, 23, 27–28, 32–33, 39–46 và trả lời các câu hỏi trước đó.

Chủ Tịch M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đưa ra lời khuyên bảo sau đây cho các tín hữu Giáo Hội:

Hình Ảnh
Chủ Tịch M. Russell Ballard

Chúng ta hãy coi chừng các tiên tri giả và thầy giảng giả, cả nam lẫn nữ, là những người tự chỉ định mình làm người tuyên bố về các giáo lý của Giáo Hội và tìm cách truyền bá phúc âm sai lạc của họ và thu hút những người đi theo bằng cách tài trợ cho hội nghị và sách báo có nội dung thách thức các giáo lý cơ bản của Giáo Hội. Hãy coi chừng những người nói chuyện và công bố những điều chống đối các vị tiên tri chân chính của Thượng Đế và tích cực truyền bá cho những người khác một cách bừa bãi, bất chấp sự an lạc vĩnh cửu của những người họ dụ dỗ. (“Beware of False Prophets and False Teachers,” Ensign, tháng Mười Một năm 1999, trang 63)

Khi chia sẻ chứng ngôn về lẽ thật, An Ma đã đưa cho Cô Ri Ho một số bằng chứng về sự hiện hữu của Thượng Đế. Ghi chép lại trong nhật ký học tập những bằng chứng anh chị em đã thấy rằng “chứng tỏ là có Thượng Đế” (An Ma 30:44). Những bằng chứng này có thể củng cố đức tin và chứng ngôn của anh chị em về Thượng Đế bằng các cách thức nào?