Viện Giáo Lý
Bài học 24 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Quyền Năng Giải Cứu của Chúa


“Bài học 24 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Quyền Năng Giải Cứu của Chúa”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2021)

“Bài học 24 Tài Liệu dành cho Giảng Viên”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Bài học 24 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Quyền Năng Giải Cứu của Chúa

Kinh nghiệm của dân của Lim Hi và dân của An Ma đều chứng tỏ khả năng của Chúa trong việc hỗ trợ và giải cứu những người hướng tới Ngài trong thử thách của họ. Trong bài học này, học viên sẽ hiểu sâu sắc hơn về cách thức họ có thể phát triển quan điểm vĩnh cửu về quyền năng giải cứu của Chúa. Học viên cũng sẽ được mời để xác định những điều họ có thể làm để tiếp cận quyền năng của Chúa khi họ đương đầu với những thử thách của riêng mình.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Dân La Man đặt dân của An Ma và dân của Lim Hi vào vòng nô lệ.

Mời học viên chia sẻ các ví dụ về thử thách mà họ hoặc những người họ biết hiện đang gặp phải.

  • Một số lý do khác nhau cho các thử thách của chúng ta là gì? (Có thể là hữu ích để xem lại các ví dụ trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị.)

  • Những câu hỏi, mối quan tâm hoặc cảm nghĩ phổ biến mà mọi người có thể có khi họ gặp thử thách là gì?

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Hãy xem xét các khái niệm và câu hỏi với một quan điểm vĩnh cửu. Học viên có thể sắp xếp các vấn đề và câu hỏi bằng cách sử dụng những ý tưởng mà họ nghe được ở trường học hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện truyền thông xã hội. Thông thường những nguồn tài liệu này chỉ cung cấp một quan điểm thế tục, một quan điểm không dựa vào những lời giảng dạy phúc âm. Hãy tìm kiếm cơ hội để giúp học viên thực hành việc sắp xếp lại các vấn đề và câu hỏi “trong ngữ cảnh của kế hoạch cứu rỗi và những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi” (Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý [năm 2018], “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh,” đoạn 8).

Dân của An Ma

Hãy xem lại vắn tắt các tình huống dẫn đến việc dân của An Ma bị dân của La Man đặt vào vòng nô lệ. Anh chị em có thể mời học viên tưởng tượng dân của An Ma, những người đang sống ngay chính, sẽ cảm thấy như thế nào khi đột nhiên bị mất tự do và bị buộc phải phục dịch dân La Man.

Mời học viên xem lại Mô Si A 23:21–24, tìm kiếm những lý do khả thi mà Chúa có thể đã cho phép dân của An Ma trải qua thử thách.

  • Dựa vào những câu này, mục đích của Chúa khi cho phép dân của An Ma trải qua những thử thách này là gì?

  • Trong những phương diện nào mà việc tìm cách hiểu quan điểm vĩnh cửu của Chúa về những thử thách có thể giúp chúng ta điều chỉnh lại cách chúng ta nhìn nhận những thử thách của chính mình?

Khuyến khích học viên tìm kiếm lẽ thật trong suốt bài học này mà có thể giúp họ có được quan điểm vĩnh cửu về những thử thách của họ.

Dân của Lim Hi

Nhắc học viên rằng dân của Lim Hi cũng đang ở trong vòng nô lệ. Hãy tóm tắt hoàn cảnh về cảnh tù đày của họ. Mời học viên xem lướt qua Mô Si A 21:6–12, tìm kiếm xem dân của Lim Hi đã tìm cách thoát khỏi vòng nô lệ như thế nào. Hãy cân nhắc việc hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Điều gì đã xảy ra với dân của Lim Hi khi họ cố gắng giải thoát mình khỏi vòng nô lệ?

  • Chúng ta có thể gặp những vấn đề gì khi cố gắng vượt qua thử thách mà không tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa? Điều gì có thể ngăn cản chúng ta hướng tới Chúa trong những thử thách của chúng ta?

Mời học viên xem lại Mô Si A 21:13–16 hoặc mời một học viên tóm tắt những điều dân của Lim Hi đã làm sau khi nhận ra rằng họ không thể thoát khỏi vòng nô lệ. Sau đó, mời một học viên tóm tắt xem dân của Lim Hi cuối cùng đã được giải thoát như thế nào. Cân nhắc đặt một hoặc nhiều câu hỏi sau đây để giúp học viên phát triển quan điểm vĩnh cửu về những thử thách của riêng họ:

  • Anh chị em đã học được điều gì từ kinh nghiệm của dân Lim Hi về cách thức Thượng Đế hỗ trợ hoặc giải thoát những người hướng tới Ngài trong thử thách của họ? (Ngoài những lẽ thật mà học viên chia sẻ, hãy giúp họ xác định một nguyên tắc tương tự như sau: Khi chúng ta khiêm nhường và cầu vấn Thượng Đế, thì Ngài sẽ nghe lời cầu nguyện của chúng ta và giải cứu chúng ta khỏi thử thách theo kỳ định riêng của Ngài.)

  • Làm thế nào chúng ta có thể tin cậy vào thời gian của Chúa thay vì thời gian của chúng ta khi chúng ta gặp thử thách? (Có thể là hữu ích để xem lại lời phát biểu của Chủ Tịch Dallin H. Oaks trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)

  • Anh chị em đã nhận được những phước lành nào khi tuân theo ý muốn của Chúa và tin cậy vào kỳ định của Ngài cho cuộc đời của anh chị em?

Anh chị em có thể dành cho học viên một vài phút để suy ngẫm về một thử thách mà họ hiện đang đối phó và xác định xem làm thế nào họ có thể điều chỉnh lại thử thách đó với một quan điểm vĩnh cửu.

Chúa củng cố dân của An Ma và giải cứu họ khỏi vòng nô lệ.

Nhắc học viên rằng dân của An Ma cũng đang làm nô lệ cho dân La Man. Cho học viên một vài phút để xem lại Mô Si A 24:10–16 và tìm kiếm những điểm tương đồng và khác biệt giữa những thử thách mà dân của An Ma và dân của Lim Hi đã trải qua.

  • Anh chị em tìm thấy những điểm tương đồng nào? Kinh nghiệm của hai nhóm dân này khác nhau như thế nào? (Các câu trả lời có thể chấp nhận được bao gồm như sau: Cả hai nhóm dân đều được Chúa hỗ trợ và cuối cùng đã được giải cứu; ách nô lệ của dân An Ma đến như một thử thách về đức tin của họ khi họ đang cố gắng noi theo Chúa, trong khi đó, ách nô lệ của dân của Lim Hi đến do tội lỗi của họ; dân của An Ma hướng ngay tới Chúa, trong khi dân của Lim Hi hướng tới Ngài sau khi cố gắng tự giải thoát mình trước.)

  • Anh chị em thấy bằng chứng nào về tình thương yêu của Chúa trong cả hai câu chuyện này?

  • Chúng ta có thể học được thêm bài học gì từ kinh nghiệm của dân An Ma về cách thức Thượng Đế hỗ trợ hoặc giải cứu những người hướng tới Ngài trong thử thách của họ? (Khi học viên chia sẻ lẽ thật mà họ đã nhận ra, hãy giúp họ nhận ra một nguyên tắc tương tự như sau: Khi chúng ta thực hành đức tin và kiên nhẫn trong nỗi thống khổ của mình và cầu vấn Thượng Đế, thì Ngài có thể củng cố chúng ta để mang những gánh nặng ấy một cách dễ dàng. Lưu ý: An Ma Con dạy một nguyên tắc tương tự trong An Ma 36:3, 27.)

Chia lớp học thành các nhóm gồm hai hoặc ba học viên và mời họ xem lại lời phát biểu của Anh Cả David A. Bednar trong phần 3 của tài liệu chuẩn bị. Trưng bày các câu hỏi sau đây và mời học viên thảo luận theo nhóm:

  • Có thể là hữu ích như thế nào khi biết rằng Chúa không phải lúc nào cũng lấy đi những thử thách của chúng ta ngay lập tức?

  • Theo Anh Cả Bednar, làm thế nào mà việc tuân giữ các giao ước có thể cung cấp thêm sức mạnh cho chúng ta khi chúng ta đương đầu với thử thách?

  • Chúa đã hỗ trợ và củng cố anh chị em, hoặc một người nào đó mà anh chị em biết, khi anh chị em phải chịu đựng thử thách hoặc mang gánh nặng như thế nào? Những phước lành nào đến từ việc không được giải cứu ngay lập tức khỏi thử thách?

Mời một hoặc hai học viên chia sẻ những điểm nổi bật đối với họ trong cuộc thảo luận nhóm. Cho học viên vài phút để ghi chép lại bất kỳ ấn tượng nào mà họ đã tiếp nhận được về cách họ có thể gia tăng sự tin cậy nơi Chúa khi họ gặp thử thách.

Cho Buổi Học Lần Sau

Hỏi học viên xem họ có bất kỳ câu hỏi nào mà họ muốn Chúa trả lời hay không. Hãy khuyến khích học viên học kỹ Sách Mặc Môn và tài liệu chuẩn bị cho buổi học tiếp theo để xem họ có thể học được điều gì khi nhận được câu trả lời từ Chúa.