Viện Giáo Lý
Bài học 16 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Chúa Giê Su Ky Tô Phục Sự Từng Người Một


“Bài học 16 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Chúa Giê Su Ky Tô Phục Sự Từng Người Một”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2021)

“Bài học 16 Tài Liệu dành cho Giảng Viên”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Bài học 16 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Chúa Giê Su Ky Tô Phục Sự Từng Người Một

Việc Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến với dân Nê Phi và dân La Man là lời chứng mạnh mẽ về thiên tính của Ngài. Khi Chúa Giê Su phục sự từng người một, Ngài đã nêu gương về lòng nhân từ và lòng trắc ẩn. Trong bài học này, học viên sẽ được mời nhận ra những cách thức khác nhau mà họ có thể đến cùng Đấng Ky Tô và có được lời chứng cá nhân sâu sắc hơn rằng Ngài là Đấng Cứu Rỗi của họ. Học viên cũng cân nhắc những điều họ có thể làm để noi theo cách thức phục sự của Đấng Cứu Rỗi.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Đấng Ky Tô được phục sinh hiện đến cùng dân Nê Phi và dân La Man và mời họ cảm nhận những vết thương trên tay và chân của Ngài.

Anh chị em có thể muốn bắt đầu bài học bằng cách trưng bày hình ảnh đi kèm với bài học và mời học viên thuật lại các sự kiện dẫn đến sự hiện đến của Chúa Giê Su Ky Tô cùng dân Nê Phi và dân La Man.

Hình Ảnh
Từng Người Một, tranh do Walter Rane họa

Mời học viên xem lại lời trích dẫn của Anh Cả Jeffrey R. Holland trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị và hỏi họ tại sao sự hiện đến của Chúa Giê Su Ky Tô giữa dân chúng là sự kiện quan trọng nhất trong Sách Mặc Môn.

Mời học viên xem lại 3 Nê Phi 11:13–17, tìm kiếm những bài học mà chúng ta có thể học được từ bài tường thuật này về sự tương tác của Đấng Ky Tô với dân chúng. Hãy cân nhắc những câu hỏi nào sau đây mà anh chị em có thể muốn hỏi để giúp học viên hiểu và áp dụng những điều họ học được:

  • Chúng ta học được điều gì từ những câu thánh thư này về tính cách của Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Anh chị em có cảm nghĩ gì nếu được mời lên cảm nhận những vết thương trên tay và chân của Đấng Cứu Rỗi?

  • Chúng ta có thể học được điều gì về Đấng Cứu Rỗi qua lời mời gọi của Ngài cho dân chúng để từng người một đến cảm nhận những vết thương trên tay và chân của Ngài? (Nếu cần, hãy nhắc học viên rằng lúc đó có 2.500 người.)

  • Kinh nghiệm này có thể tượng trưng như thế nào cho điều Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi mỗi người chúng ta làm? (Dùng câu trả lời của học viên, hãy nhận ra một lẽ thật tương tự như sau: Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi chúng ta đến cùng Ngài và nhận được chứng ngôn cá nhân rằng Ngài là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.)

  • Chúng ta có thể làm gì để đến cùng Đấng Ky Tô và tiếp nhận chứng ngôn cá nhân của riêng mình rằng Ngài là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta? (Để có thêm những hiểu biết sâu sắc, có thể là hữu ích để cho học viên xem lại lời phát biểu của Anh Cả Walter F. González trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị.)

Mời học viên xem lại sinh hoạt “Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em” trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị. Cho học viên vài phút để xem lại những gì họ đã chuẩn bị, sau đó mời một vài học viên chia sẻ những điều họ đã viết. Nếu thời gian cho phép, anh chị em có thể muốn mời một hoặc hai học viên đưa ra một câu trong bài thánh ca mà họ đã chọn và chia sẻ lý do tại sao câu đó lại có ý nghĩa đối với họ. Anh chị em cũng có thể cùng nhau hát bài thánh ca đó.

Cân nhắc trưng bày câu hỏi sau đây và khuyến khích học viên suy ngẫm và ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc của họ:

  • Tôi có thể làm gì để củng cố chứng ngôn của mình rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của tôi?

Chúa Giê Su Ky Tô phục sự cho đám đông từng người một.

Nhắc học viên rằng gần cuối ngày đầu tiên của Ngài với dân chúng, Đấng Cứu Rỗi đã mời đám đông trở về nhà và chuẩn bị cho sự trở lại của Ngài vào ngày hôm sau (xin xem 3 Nê Phi 17:1–3).

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Khuyến khích học viên học và noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi. Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, lúc bấy giờ thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã nói với các giảng viên lớp giáo lý và viện giáo lý rằng “Những người trẻ tuổi của chúng ta muốn tin tưởng; họ khao khát để biết thêm về Đấng Cứu Rỗi” (“A Teacher of God’s Children”, Nhà Giáo Dục Tôn Giáo, tập 12, số 3 [năm 2011], trang 7). Một cách để học viên có thể biết thêm về Đấng Cứu Rỗi là tập trung vào tấm gương hoàn hảo của Ngài. Khi học viên học về tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô, hãy mời họ suy ngẫm những điều họ có thể làm để noi gương Ngài. Anh Cả Neal A. Maxwell thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nhận xét rằng: “Sự noi gương này trực tiếp nâng cao sự tôn thờ của chúng ta đối với Chúa Giê Su” (“Becoming a Disciple,” Ensign, tháng Sáu năm 1996, trang 12).

Chia các học viên ra thành những nhóm nhỏ. Mời học viên xem lại 3 Nê Phi 17:5–9, 20–24 và thảo luận xem Đấng Cứu Rỗi đã phục sự dân chúng như thế nào. Trong khi thảo luận, hãy khuyến khích học viên suy ngẫm các cách khác nhau mà họ có thể hoàn thành lời phát biểu sau đây: “Chúng tôi phục sự giống như Đấng Cứu Rỗi khi …”

Sau khi học viên đã có nhiều thời gian để học hỏi lẫn nhau, hãy mời học viên chia sẻ một số cách mà họ đã hoàn thành lời phát biểu còn dở dang lúc trước. Khi học viên chia sẻ lời phát biểu của họ, cân nhắc việc hỏi một số các câu hỏi sau đây để giúp làm cho cuộc thảo luận được sâu sắc hơn:

  • Tình thương yêu đóng vai trò gì trong việc phục sự? (Anh chị em có thể muốn xem lại lời trích dẫn của Chủ Tịch Jean B. Bingham trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)

  • Anh chị em nghĩ tại sao việc phục sự mang lại niềm vui cho Đấng Cứu Rỗi? Có khi nào anh chị em cảm thấy vui mừng trong khi phục vụ người cần sự giúp đỡ không?

  • Tại sao cảm thấy trắc ẩn là một phần quan trọng của việc phục sự? Có khi nào anh chị em cảm thấy lòng trắc ẩn của Đấng Cứu Rỗi qua nỗ lực phục sự của người khác không? Làm thế nào anh chị em có thể cho thấy lòng trắc ẩn của Đấng Ky Tô đối với những người khác thông qua nỗ lực phục sự của riêng anh chị em?

  • Làm thế nào chúng ta có thể giúp ai đó cảm nhận được quyền năng chữa lành của Chúa khi chúng ta phục sự?

Để giúp học viên áp dụng điều họ đã học được về việc phục sự, hãy cân nhắc chia sẻ tình huống sau đây:

Alejandro là một thành niên trẻ tuổi độc thân. Anh đã tiếp nhận lời mời gọi phục sự cho Pablo và José. Anh đã nói chuyện với Pablo một vài lần lúc ở nhà thờ nhưng chưa bao giờ gặp José. Sau khi nói chuyện với chủ tịch nhóm túc số các anh cả, Alejandro biết rằng Pablo đang phải vật lộn với một vấn đề về sức khỏe và José đã nói với giám trợ rằng hiện giờ anh không muốn đi nhà thờ. Alejandro muốn làm tròn sự kêu gọi của mình nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu.

Mời học viên hướng về tấm gương của Đấng Cứu Rỗi và chia sẻ lời khuyên bảo mà họ có thể đưa ra cho Alejandro. Đồng thời hãy khuyến khích học viên chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của riêng họ về việc phục sự.

Nhắc học viên rằng để chuẩn bị cho bài học này, họ được mời nghĩ về một người mà họ có thể phục sự (xin xem phần 2 của tài liệu chuẩn bị). Mời học viên cân nhắc tình huống của người này. Sau đó, cho học viên một vài phút để suy ngẫm và ghi lại ấn tượng của họ về câu hỏi sau đây:

  • Anh chị em sẽ làm gì để noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi và phục sự người này với lòng nhân từ và lòng trắc ẩn?

Cho Buổi Học Lần Sau

Mời học viên suy ngẫm những thách thức mà các tín hữu của Giáo Hội hoặc người tầm đạo gặp phải khi họ cảm thấy không được các tín hữu khác của Giáo Hội chấp nhận. Khuyến khích học viên nghiên cứu tài liệu chuẩn bị cho buổi học lần sau, tìm cách chúng ta có thể giúp những người khác cảm thấy rằng có một nơi cho tất cả chúng ta trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô.