Viện Giáo Lý
Bài Học 8 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Cuộc Sống sau khi Chết


“Bài Học 8 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Cuộc Sống sau khi Chết,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (Năm 2021)

“Bài Học 8 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Bài Học 8 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Cuộc Sống sau khi Chết

Khi học viên học hết đơn vị 2, “Kế Hoạch Cứu Chuộc Vĩ Đại,” họ sẽ có cơ hội để giải thích cách mà sự hiểu biết chính xác về cuộc sống sau khi chết có thể mang đến cho họ niềm an ủi và hy vọng nhiều hơn trong cuộc đời này. Họ cũng sẽ nhận ra những việc mà họ có thể làm để chuẩn bị bản thân kỹ hơn để gặp Thượng Đế.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

An Ma và A Mu Léc dạy về thế giới linh hồn và Sự Phục Sinh.

Bắt đầu lớp học bằng cách chia sẻ tình huống sau đây và mời học viên thảo luận họ sẽ nói điều gì hoặc sẽ phản ứng như thế nào:

Hãy tưởng tượng anh chị em đến thăm gia đình của một người bạn thân, tên là Anna, mới vừa qua đời. Anna gia nhập Giáo Hội cách đây vài tháng. Gia đình bạn ấy không theo đạo. Khi anh chị em chia buồn với mẹ của Anna, bà nắm lấy tay anh chị em, nhìn vào mắt anh chị em và nói: “Cháu có thể cho bác biết điều gì sẽ xảy ra sau khi chúng ta chết không?”

Mời học viên xem lại An Ma 11:43–44An Ma 40:11–14, tìm kiếm các lẽ thật về cuộc sống sau khi chết mà có thể mang đến niềm an ủi và hy vọng cho mẹ của Anna. (Học viên có thể nhận ra các nguyên tắc như sau: Nhờ có Chúa Giê Su Ky Tô, tất cả mọi người sẽ được phục sinh và được mang trở lại đứng trước Thượng Đế để được phán xét. Trong Sự Phục Sinh, thể xác chúng ta sẽ trở nên hoàn hảo. Nếu chúng ta ngay chính thì chúng ta sẽ được nghỉ ngơi khỏi mọi nỗi khó khăn và buồn phiền trong thế giới linh hồn.)

  • Điều gì nổi bật đối với anh chị em về những lời giảng dạy của An Ma và A Mu Léc về Sự Phục Sinh? Làm thế nào mà việc có một chứng ngôn về Sự Phục Sinh có thể giúp chúng ta đối phó với những thử thách của cuộc sống trần thế với hy vọng và lòng can đảm lớn lao hơn? (Cân nhắc đọc lời phát biểu của Chủ Tịch Susan W. Tanner trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)

  • Chúng ta còn biết điều gì nữa về thế giới linh hồn từ thánh thư và điều mặc khải hiện đại? (Anh chị em có thể muốn mời học viên xem lại lời phát biểu của Chủ Tịch Dallin H. Oaks trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị.)

  • Trong những phương diện nào, giáo lý của Chúa về thế giới linh hồn và Sự Phục Sinh cho thấy tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta và lòng thương xót của Ngài đối với chúng ta?

Mời học viên yên lặng suy ngẫm xem ai là người mà có thể cần nghe chứng ngôn của họ về cuộc sống sau khi chết và bằng cách nào họ có thể chia sẻ chứng ngôn của họ với những người cần nghe chứng ngôn đó. (Cho học viên đủ thời gian để suy ngẫm câu trả lời của họ.)

Lưu Ý: Học viên có thể đã nghe nhiều quan niệm khác nhau về cuộc sống sau khi chết. Hãy nhắc họ nhớ rằng chúng ta nên sử dụng những nguồn tài liệu đã được Chúa quy định, như thánh thư và những lời giảng dạy của các vị lãnh đạo Giáo Hội, để đánh giá những quan niệm này. Anh chị em có thể thấy có ích để chia sẻ và thảo luận lời cảnh báo sau đây của Chủ Tịch Dallin H. Oaks:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Vậy thì chúng ta biết điều gì khác [ngoài những điều chúng ta học được từ thánh thư kinh điển của mình] về thế giới linh hồn? Nhiều tín hữu của Giáo Hội nhận được những khải tượng hoặc những sự soi dẫn khác cho họ biết về cách thức hoạt động và tổ chức trong thế giới linh hồn, nhưng những kinh nghiệm thuộc linh cá nhân này không thể được xem là hoặc được giảng dạy như là giáo lý chính thức của Giáo Hội. Và, dĩ nhiên, có vô vàn sự suy đoán từ tín hữu và những người khác đã được xuất bản trong các tài liệu như là các quyển sách về kinh nghiệm kề cận cái chết. (“Tin Cậy Nơi Chúa,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 27)

An Ma và A Mu Léc dạy rằng chúng ta cần chuẩn bị để gặp Thượng Đế.

Trưng bày những lời phát biểu sau đây:

  • Tôi biết có người vi phạm các giáo lệnh và nói là “Chẳng có gì to tát đâu, vì tôi luôn có thể hối cải sau.”

  • Thượng Đế thật nhân từ. Ngài sẽ không ngăn cản tôi vào vương quốc thượng thiên chỉ vì tôi trì hoãn hối cải một vài tội lỗi.

  • Dù tôi có cố gắng nhiều đến mấy, thì tôi cũng luôn luôn lầm lỗi và sẽ không bao giờ sẵn sàng để gặp Thượng Đế.

Cân nhắc chia học viên thành các nhóm nhỏ và mời mỗi nhóm chọn ra một trong các câu vừa rồi mà họ muốn thảo luận. Mời mỗi nhóm đọc An Ma 34:32–34 và sử dụng những lời giảng dạy trong đoạn này để đánh giá lời phát biểu mà họ đã chọn. Anh chị em có thể muốn đưa cho mỗi nhóm các câu hỏi sau đây để giúp cho cuộc thảo luận của họ được sâu sắc hơn:

  • Phần nào của câu nói này là đúng, và phần nào có thể là sai hoặc dễ gây hiểu lầm?

  • Nguyên tắc nào được dạy trong An Ma 34:32–34 là phù hợp nhất với lời phát biểu này? Anh chị em sẽ giải thích các nguyên tắc này cho người mà đã đưa ra lời phát biểu đó như thế nào? (Học viên có thể nhận ra và giải thích một số nguyên tắc sau đây: Cuộc sống này là thời gian để chuẩn bị gặp Thượng Đế và thực thi những công việc lao nhọc của mình. Chúng ta chuẩn bị để gặp Thượng Đế bằng cách hối cải và cải thiện ngày hôm nay. Nếu chúng ta trì hoãn sự hối cải của mình, thì chúng ta sẽ không sẵn sàng để gặp Thượng Đế.)

Sau khi học viên đã có thời gian để thảo luận các câu hỏi này, hãy mời một vài nhóm chia sẻ những gì họ học được với cả lớp.

  • Một số những điều nào khác mà ngăn cản con người chuẩn bị để gặp Thượng Đế? (Hãy liệt kê lên trên bảng các câu trả lời của học viên.)

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Cho học viên thời gian để suy ngẫm. Một cách mà chúng ta có thể giúp học viên cố gắng hết sức để thấu hiểu một cách hữu hiệu hơn là cho họ “thời gian trong lớp để ngẫm nghĩ, suy ngẫm, hoặc viết về những gì họ hiểu và cảm nhận được, và để xem việc nào họ nên làm để áp dụng điều đó trong cuộc sống của họ” (Gospel Teaching and Learning: A Handbook for Teachers and Leaders in Seminaries and Institutes of Religion [năm 2012], 2.5.4).

Nhắc học viên nhớ rằng An Ma đã hỏi dân Gia Ra Hem La một số câu hỏi tự vấn lương tâm. (Học viên xem lại những câu hỏi này trong khi họ học An Ma 5:15–17, 19, 27, 33 trong phần 3 của tài liệu chuẩn bị.) Mời học viên dành ra vài phút để nghiên cứu kỹ hơn bằng cách đọc lại và suy ngẫm nhiều hơn về những câu hỏi của An Ma và những lời giảng dạy được tìm thấy trong An Ma 5:14–35. Anh chị em có thể muốn giúp họ biết rằng điều mà họ suy ngẫm còn quan trọng hơn là họ đọc được bao nhiêu câu.

Sau khi đã thấy đủ thời gian rồi, anh chị em có thể muốn hỏi một hoặc cả hai câu hỏi sau đây để học viên suy ngẫm:

  • Trong những phương diện nào Đấng Cứu Rỗi sẽ giúp anh chị em khi anh chị em cố gắng chuẩn bị để gặp Thượng Đế?

  • Anh chị em cần có sự thay đổi gì để làm cho ngày hôm nay trở thành ngày mà anh chị em sẵn sàng hơn để gặp Thượng Đế?

Cân nhắc chia sẻ lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Oaks:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Sự Phán Xét Cuối Cùng không chỉ là một sự đánh giá tất cả những hành động tốt lành hay tà ác—những gì chúng ta đã làm. Mà đó là việc nhìn nhận thành quả cuối cùng của hành động và ý nghĩ của chúng ta—con người mà chúng ta đã trở thành. (“The Challenge to Become,” Ensign, tháng Mười Một năm 2000, trang 32)

Anh chị em có thể mời học viên nghĩ về con người mà họ mong muốn trở thành. Cân nhắc chia sẻ với học viên chứng ngôn của anh chị em rằng Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi mong muốn và có khả năng để giúp họ trở thành những người mà sẽ cảm thấy bình an trong sự hiện diện của Hai Ngài.

Khuyến khích học viên suy ngẫm, hoạch định, hoặc viết xuống hành động cụ thể nào mà họ sẽ làm ngày hôm nay nhằm mục đích bày tỏ ước muốn chân thành của họ để sẵn sàng hơn để gặp Thượng Đế. (Cũng có thể là hữu ích để ôn lại lời phát biểu của Chủ Tịch Henry B. Eyring trong phần 3 của tài liệu chuẩn bị.)

Anh chị em có thể kết thúc buổi học bằng cách mời học viên chia sẻ những điều họ học được từ kinh nghiệm của họ khi cùng nhau học đơn vị 2, “Kế Hoạch Cứu Chuộc Vĩ Đại.” Anh chị em cũng có thể mời học viên làm chứng về sự hiểu biết này ảnh hưởng như thế nào đến lòng biết ơn của họ đối với Đấng Cứu Rỗi và ước muốn của họ để trở nên giống Ngài hơn.

Cho Buổi Học Lần Sau

Chia sẻ chứng ngôn rằng Chúa đã chuẩn bị sẵn con đường cho mỗi người chúng ta trở về nơi hiện diện của Thượng Đế. Con đường này để chúng ta trở về cùng Ngài được gọi là giáo lý của Đấng Ky Tô, và đề tài đó là trọng tâm của đơn vị kế tiếp. Trong khi học viên chuẩn bị cho buổi học kế tiếp, mời họ suy ngẫm về việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô chuẩn bị cho họ như thế nào để gặp Thượng Đế.