Viện Giáo Lý
Bài Học 4 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Tra Cứu Thánh Thư


“Bài Học 4 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Tra Cứu Thánh Thư,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2021)

“Bài Học 4 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Bài Học 4 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Tra Cứu Thánh Thư

Tiên tri Mặc Môn nói: “Kẻ nào có thánh thư thì hãy tìm tòi” (3 Nê Phi 10:14). Bài học này sẽ tạo ra cho học viên cơ hội để nhận ra một vài phước lành mà có thể đến với những người siêng năng tra cứu thánh thư. Học viên cũng quyết định xem họ có thể làm gì để làm cho việc học thánh thư trở thành một phần có ý nghĩa hơn trong cuộc sống của họ.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Lê Hi và gia đình ông học biết rằng thánh thư có giá trị lớn lao.

Cân nhắc chia sẻ tình huống sau đây:

Tasha là một người thành niên trẻ tuổi rất bận bịu. Em ấy đi học, đi làm bán thời gian, phục vụ trong Giáo Hội, tham gia tích cực trên mạng truyền thông xã hội, và dành nhiều thời gian với bạn bè vào những ngày cuối tuần. Em ấy muốn học tập thánh thư riêng cá nhân, nhưng rất khó để có được thời gian và sức lực.

  • Anh chị em sẽ chia sẻ với Tasha lời khuyên nào?

Mời học viên kể lại câu chuyện về những gì mà các con trai của Lê Hi đã phải đối phó để lấy được các bảng khắc bằng đồng. Sau đó cùng nhau đọc 1 Nê Phi 5:20–21.

Viết câu chưa hoàn chỉnh sau đây lên trên bảng, và trong cuộc thảo luận sau khi đọc đoạn thánh thư đó, hãy khuyến khích học viên ghi xuống những cách khác nhau để hoàn thành câu này: Thánh thư có giá trị lớn lao bởi vì …

  • Lê Hi và Nê Phi sẽ có thể hoàn chỉnh câu trên bảng như thế nào?

  • Từ kinh nghiệm riêng của anh chị em với thánh thư, anh chị em sẽ hoàn thành câu này như thế nào?

Trưng bày các đoạn sau đây, và giải thích rằng các vị tiên tri trong Sách Mặc Môn đã tuyên bố giá trị của thánh thư: 1 Nê Phi 15:23–24; Gia Cốp 2:8; Gia Cốp 4:4; An Ma 31:5; An Ma 37:8–10; Hê La Man 3:29–30.

Chia lớp học ra thành các nhóm nhỏ. Chỉ dẫn mỗi nhóm chia các đoạn này ra để mỗi người trong nhóm sẽ đọc một hoặc hai câu. Mời học viên đọc thầm các câu thánh thư được chỉ định và nhận ra những điểm khác nữa cho thấy thánh thư có giá trị lớn lao.

Khuyến khích mọi người trong nhóm chia sẻ những gì họ học được và họ sẽ thêm vào bản liệt kê những cách để hoàn thành câu trên bảng như thế nào. Là một phần của cuộc thảo luận của họ, học viên có thể chia sẻ về lúc mà họ cảm nhận được những lợi ích của thánh thư như được mô tả trong các đoạn họ đang thảo luận.

Sau khi sinh hoạt theo nhóm, anh chị em có thể hỏi cả lớp những câu hỏi sau đây:

  • Trong số tất cả những lý do thánh thư có giá trị lớn lao, các em nghĩ lý do nào là quan trọng nhất?

  • Các em đã tiến đến việc biết và cảm thấy điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô khi các em đọc thánh thư—đặc biệt là Sách Mặc Môn? Có đoạn nào cụ thể mà đã mang các em đến gần Ngài hơn không?

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Cho học viên cơ hội để ghi lại những ấn tượng. Khi học viên tập ghi lại những ấn tượng mà họ có được từ Đức Thánh Linh, họ có thể trở nên dễ lãnh hội hơn với những thúc giục thuộc linh. Mời học viên ghi lại những ấn tượng như vậy ở chỗ mà họ có thể xem lại và ở chỗ mà họ cũng có thể lập kế hoạch và đặt mục tiêu. Anh chị em có thể khuyến khích họ sử dụng ứng dụng Sống Theo Phúc Âm để làm như vậy. Khuyến khích học viên hành động theo những ấn tượng của họ.

Trưng bày các câu hỏi sau đây, và cho học viên thời gian để suy ngẫm hoặc ghi xuống những ấn tượng mà họ có thể đã nhận được trong lớp học.

  • Dựa trên những gì các em đã học về các phước lành của việc học thánh thư, các phước lành cụ thể nào các em muốn nhận được dồi dào hơn?

  • Hãy nghĩ xem các em học thánh thư thường xuyên và hiệu quả như thế nào. Điều gì, nếu có, ngăn cản các em học thánh thư một cách hiệu quả? Các em có thể làm gì khác biệt để cải thiện kinh nghiệm của mình với thánh thư?

An Ma so sánh lời của Đấng Ky Tô với quả cầu Li A Hô Na.

Trưng bày hình ảnh đi kèm với bài học, và yêu cầu học viên mô tả những khó khăn mà gia đình Lê Hi gặp phải trong khi hành trình qua vùng hoang dã. Trong những phương diện nào cuộc sống của chúng ta cũng giống như cuộc hành trình qua vùng hoang dã?

Hình Ảnh
Lê Hi và gia đình ông hành trình trong vùng hoang dã

Trưng bày hình ảnh quả cầu Li A Hô Na đi kèm với bài học, và mời học viên giải thích cách thức hoạt động của quả cầu. (Nếu cần, yêu cầu học viên tham khảo phần 3 của tài liệu chuẩn bị.)

Hình Ảnh
quả cầu Li A Hô Na
  • Những bài học thuộc linh nào mà gia đình Lê Hi có thể đã rút ra bằng cách sử dụng quả cầu Li A Hô Na?

Trưng bày hình ảnh đi kèm mô tả một người trẻ tuổi đang đọc thánh thư trong điện thoại thông minh, và mời học viên đọc hoặc xem lại An Ma 37:43–46.

Hình Ảnh
một người trẻ tuổi đang đọc thánh thư trong điện thoại thông minh
  • Chúng ta có thể tìm thấy những lời của Đấng Ky Tô ở đâu? Lời của Đấng Ky Tô có thể trở thành quả cầu Li A Hô Na riêng của chúng ta như thế nào?

Trưng bày nguyên tắc sau đây: Khi chúng ta lưu tâm đến những lời của Đấng Ky Tô, những lời ấy sẽ dẫn dắt chúng ta vượt qua những thử thách của cuộc sống này hướng đến niềm vui vĩnh cửu.

Để giúp học viên hiểu cách mà lời của Đấng Ky Tô thường hướng dẫn chúng ta, trưng bày tình huống sau đây rồi mời một học viên đọc to tình huống đó:

Luis nghe nói là trong thánh thư có lời giải đáp cho mọi thắc mắc. Bạn ấy bắt đầu thấy nản lòng vì không tìm được giải đáp cụ thể cho một thắc mắc quan trọng của cá nhân trong thánh thư. Bạn ấy càng tra cứu nhiều hơn, thì càng cảm thấy nản lòng hơn.

  • Lời khuyên nào các em sẽ đưa ra cho Luis?

Trưng bày và đọc to lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Chúng ta nói rằng trong thánh thư có lời giải đáp cho mọi thắc mắc vì thánh thư có thể dẫn dắt chúng ta đến mọi lời giải đáp. …

… Mặc dù thánh thư [có thể] không chứa đựng lời nào để giải đáp cho thắc mắc cá nhân cụ thể của chúng ta, nhưng việc thành tâm học thánh thư sẽ giúp chúng ta có được lời giải đáp. Lý do là việc học thánh thư sẽ giúp chúng ta nhạy cảm đối với sự soi dẫn của Đức Thánh Linh. …

… Thánh thư sẽ giúp chúng ta giải quyết tất cả những thắc mắc cá nhân của mình bởi vì nhờ đọc thánh thư chúng ta mời sự soi dẫn của Đức Thánh Linh và làm cho bản thân xứng đáng để được Ngài hướng dẫn đến mọi lẽ thật. (“Studying the Scriptures” [buổi họp đặc biệt tại trường Brigham Young University–Hawaii, ngày 14 tháng Ba năm 1986], trang 18–21, Church History Library, Salt Lake City)

  • Chủ Tịch Oaks đã dạy chúng ta lẽ thật nào về cách Chúa hướng dẫn chúng ta qua lời của Ngài? (Học viên có thể nhận ra một lẽ thật tương tự như sau: Học thánh thư mời gọi sự mặc khải cá nhân.)

  • Có khi nào thánh thư hoặc những lời của các vị tiên tri thời hiện đại đã mở cánh cửa cho sự mặc khải cá nhân trong cuộc sống của các em chưa?

Chia sẻ chứng ngôn về giá trị của việc học thánh thư thường xuyên riêng cá nhân và khuyến khích học viên hành động theo những thúc giục từ Đức Thánh Linh mà họ nhận được trong khi tự học và học trên lớp.

Cho Buổi Học Lần Sau

Nêu ra rằng trong buổi học lần sau, lớp học sẽ bắt đầu một phần mới tên là “Kế Hoạch Cứu Chuộc Vĩ Đại.” Khi học viên học tài liệu chuẩn bị cho bài học 5, hãy mời họ cân nhắc những điều họ biết về Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va và những lựa chọn mà nó mở ra cho chúng ta.