Viện Giáo Lý
Bài Học 2 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Đáp Ứng với Các Vị Tiên Tri của Chúa


“Bài Học 2 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Đáp Ứng với Các Vị Tiên Tri của Chúa,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2021)

“Bài Học 2 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Bài Học 2 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Đáp Ứng với Các Vị Tiên Tri của Chúa

Các vị tiên tri của Chúa tiết lộ và giảng dạy lời của Thượng Đế. Khi chúng ta nghe theo những lời giảng dạy của họ, chúng ta có thể cảm nhận được quyền năng của lời Thượng Đế trong cuộc sống của chúng ta. Sau bài học này, học viên sẽ có thể giải thích rằng chúng ta đã được ban phước như thế nào khi chúng ta tin cậy vào các vị tiên tri của Chúa và các sứ điệp họ được kêu gọi để đưa ra. Học viên cũng sẽ đánh giá nỗ lực của riêng họ để nghe theo lời khuyên bảo hiện tại của vị tiên tri.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Làm cho bài học phù hợp với nhu cầu của học viên. Đôi khi các bài học bao gồm nhiều tài liệu hơn là anh chị em có thể có đủ thời gian để giảng dạy trong lớp học. Thay vì lên kế hoạch để cố gắng dạy hết bài học, hãy tập trung vào thánh thư và tài liệu mà sẽ giúp đỡ tốt nhất cho học viên của anh chị em hành động một cách hiệu quả và ngay chính để họ có thể trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Hãy tìm kiếm sự hướng dẫn từ Đức Thánh Linh và từ học viên để giúp anh chị em biết nên sử dụng nguyên tắc nào, câu hỏi nào, và sinh hoạt nào trong lớp học.

Chúa gửi Lê Hi đến để tiên tri cho dân chúng ở Giê Ru Sa Lem.

Bắt đầu lớp học bằng cách yêu cầu học viên nghĩ về lúc mà một người nào đó có phản ứng tiêu cực đối với một thông điệp hoặc ý kiến mà họ đang cố gắng chia sẻ.

  • Tại sao các tín hữu, những người truyền giáo, và các vị tiên tri tiếp tục chia sẻ các sứ điệp mà họ biết là có thể không được ưa chuộng?

Hình Ảnh
Lê Hi Thuyết Giảng ở Giê Ru Sa Lem, tranh do Del Parson vẽ

Trưng bày ảnh Lê Hi đang thuyết giảng. Mời một học viên mô tả bối cảnh ở phần đầu của Sách Mặc Môn như được ghi chép trong 1 Nê Phi 1. (Nếu anh chị em đang dạy gộp cả hai bài học đầu tiên của khóa học này, thì học viên có thể không có cơ hội để nghiên cứu tài liệu chuẩn bị cho bài học này. Anh chị em có thể muốn mời một học viên đọc to 1 Nê Phi 1:4.)

Giải thích rằng trong một khải tượng, Chúa đã đưa cho Lê Hi một quyển sách để đọc. Lê Hi đọc thấy rằng Giê Ru Sa Lem sẽ bị hủy diệt. (Xin xem 1 Nê Phi 1:12–13.)

Cùng đọc 1 Nê Phi 1:14, tìm kiếm xem Lê Hi đã phản ứng như thế nào với khải tượng đó.

  • Lê Hi đã học được điều gì về đặc tính của Chúa? Các em nghĩ sự hiểu biết này về lòng thương xót của Chúa ảnh hưởng như thế nào đến quyết tâm của Lê Hi để nói lời tiên tri cho dân chúng ở Giê Ru Sa Lem?

Mời học viên đọc 1 Nê Phi 1:18–19, tìm kiếm những điều chúng ta có thể học được về các vị tiên tri qua kinh nghiệm của Lê Hi. Giúp học viên nhận ra các lẽ thật chẳng hạn như các lẽ thật sau đây: Các vị tiên tri tuyên bố lời và ý muốn của Chúa. Các vị tiên tri giảng dạy và làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và sự cứu chuộc mà có được nhờ Ngài.

  • Một số những sứ điệp nào mới đây của các vị tiên tri và sứ đồ tại thế tuyên bố về lời và ý muốn của Chúa?

Mời học viên xem lại các lời phát biểu của Anh Cả D. Todd ChristoffersonAnh Cả Ulisses Soares trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị và chia sẻ điều gì là nổi bật đối với họ.

  • Những lời phát biểu này ảnh hưởng như thế nào đến cảm nghĩ của các em về vị tiên tri tại thế của chúng ta? Những câu này ảnh hưởng như thế nào đến cách các em cảm nhận về Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Những sứ điệp tiên tri nào gần đây đã giúp các em nhận thấy rõ hơn tình yêu thương của Thượng Đế dành cho con cái Ngài? (Các học viên đã suy ngẫm một câu hỏi giống như câu hỏi này khi họ học phần 1 của tài liệu chuẩn bị.)

Nê Phi nhận được một sự xác nhận rằng các vị tiên tri giảng dạy lời của Thượng Đế.

Mời học viên nhận ra một số lời giảng dạy tiên tri mà mọi người có thể khó chấp nhận trong thời kỳ của chúng ta. (Lưu Ý: Nếu cần, nhắc học viên nhớ rằng mục đích của chúng ta không phải là chỉ trích các vị tiên tri của Chúa mà là để thảo luận cách chúng ta có thể đáp lại bằng đức tin đối với một sứ điệp tiên tri mà chúng ta hoặc người nào đó chúng ta biết có thể thấy khó để hiểu hoặc chấp nhận.)

  • Tại sao đôi khi là điều khó khăn để chấp nhận những điều vị tiên tri tuyên bố?

Trưng bày hoặc hỏi câu hỏi sau đây: Tôi có thể làm gì nếu tôi gặp khó khăn với một điều gì đó mà vị tiên tri giảng dạy? Trong khi học viên thảo luận câu hỏi này, hãy thoải mái sử dụng một số hoặc tất cả tài liệu sau đây để giúp họ cân nhắc xem họ sẽ đáp ứng như thế nào nếu họ hoặc một người nào đó họ biết cũng có mối quan tâm này.

Yêu cầu học viên hình dung xem gia đình Lê Hi có thể đã cảm thấy thế nào khi Lê Hi nói với họ rằng Chúa muốn họ bỏ lại nhà cửa của họ và hành trình vào vùng hoang dã.

  • La Man và Lê Mu Ên đã phản ứng như thế nào khi phải bỏ lại nhà cửa của họ? Nê Phi đã phản ứng như thế nào? (Mời họ xem lại 1 Nê Phi 2:11–13, 16–17. Anh chị em có thể nêu ra rằng Nê Phi cũng có thể cần được làm mềm lòng [xin xem 1 Nê Phi 2:16].)

  • Một số cách thức khác nhau nào mà dân chúng trong Sách Mặc Môn đã đáp ứng với các vị tiên tri và các sứ điệp của họ? (Anh chị em có thể muốn cho học viên thời gian để xem lại những điều họ học được trong khi học phần 3 của tài liệu chuẩn bị.) Hậu quả của những cách phản ứng của họ là gì? Có khi nào các em đã thấy những ví dụ tương tự về các cách đáp ứng như vậy trong thời kỳ chúng ta?

  • Chúng ta có thể học hỏi điều gì từ phản ứng của Nê Phi đối với sứ điệp của cha ông? Vai trò của Chúa là gì trong việc giúp chúng ta biết liệu lời của các vị tiên tri là đúng hay không? (Học viên có thể nhận ra một nguyên tắc chẳng hạn như nguyên tắc này: Khi chúng ta hạ mình và hướng đến Chúa, Ngài có thể giúp làm mềm lòng chúng ta đối với lẽ trung thực của lời của các vị tiên tri.)

Đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Anh chị em có thể tự mình biết điều gì là đúng và điều gì là không đúng bằng cách học cách phân biệt những lời mách bảo của Thánh Linh. …

Anh chị em yêu quí của tôi, tôi khẩn nài anh chị em hãy nghiêm túc tìm kiếm sự xác nhận từ Thánh Linh rằng những điều tôi vừa nói với anh chị em là đúng và là từ Chúa. Ngài đã tuyên phán rằng chúng ta có thể tìm kiếm sự hiểu biết từ thiên thượng và mong đợi sẽ nhận được nó [xin xem Giáo Lý và Giao Ước 42:61]. …

Hãy cầu vấn Cha Thiên Thượng của anh chị em để biết liệu chúng tôi có thực sự là các vị tiên tri và sứ đồ của Chúa hay không. (“The Love and Laws of God” [bài nói chuyện được đưa ra tại một buổi họp đặc biệt tại trường Brigham Young University, ngày 17 tháng Chín năm 2019], trang 4–5, speeches.byu.edu)

  • Các em đã có những kinh nghiệm nào với việc tự mình học hỏi lẽ trung thực của sự kêu gọi thiêng liêng hoặc sứ điệp của vị tiên tri?

Khi anh chị em kết thúc cuộc thảo luận về câu hỏi “Tôi có thể làm gì nếu tôi gặp khó khăn đối với một điều gì đó vị tiên tri giảng dạy?”, hãy cân nhắc cho học viên thời gian để suy ngẫm và ghi lại những điều họ cảm thấy hoặc học được mà có thể giúp đỡ họ hoặc một người nào khác có câu hỏi tương tự.

Anh chị em có thể muốn mời một vài học viên chia sẻ họ sẽ làm điều gì khác biệt trong tương lai nếu họ gặp khó khăn với một điều gì đó do vị tiên tri dạy.

Cho Buổi Học Lần Sau

Anh chị em có thể muốn trưng bày một bức tranh vẽ khải tượng của Lê Hi về cây sự sống và mời học viên cân nhắc trong khi họ học tài liệu chuẩn bị cho buổi học lần sau về điều mà khải tượng này có thể dạy chúng ta về quyền năng của lời Thượng Đế.