Viện Giáo Lý
Bài Học 9 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô


“Bài Học 9 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (Năm 2021)

“Bài Học 9 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Bài Học 9 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô

Hình Ảnh
một người thiếu nữ đang cầm bức ảnh Chúa Giê Su Ky Tô

Anh chị em đã bao giờ cảm thấy khao khát mãnh liệt để cải thiện và thay đổi để có thể trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn chưa? Anh Brian K. Ashton, cựu Đệ Nhị Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Trường Chủ Nhật, đã dạy, “Giáo lý của Đấng Ky Tô cho phép chúng ta tiếp cận với quyền năng thuộc linh mà sẽ nâng chúng ta lên từ trạng thái thuộc linh đến một trạng thái mà chúng ta có thể trở nên được toàn thiện như Đấng Cứu Rỗi” (“Giáo Lý của Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 106). Giáo lý của Đấng Ky Tô tức là có đức tin nơi Ngài và Sự Chuộc Tội của Ngài, sự hối cải, phép báp têm, tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, và kiên trì đến cùng (xin xem 2 Nê Phi 31:2, 10–21; 3 Nê Phi 27:13–22). Khi anh chị em học giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô, bắt đầu với đức tin nơi Ngài, hãy nghĩ về những cách mà anh chị em muốn thay đổi và con người mà mình muốn trở thành.

Phần 1

Tôi có thể làm gì để củng cố đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

Phần tóm tắt sau đây giải thích ý nghĩa của việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô:

Việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là hoàn toàn trông cậy nơi Ngài—tin tưởng nơi quyền năng vô hạn, sự thông sáng và tình yêu thương của Ngài. Điều đó gồm có sự tin tưởng vào những lời giảng dạy của Ngài. Điều đó có nghĩa là tin tưởng rằng mặc dù chúng ta không hiểu thấu mọi sự việc, nhưng Ngài hiểu. … Ngài luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta khi chúng ta nhớ tới lời khẩn nài của Ngài: “Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi.” (Giáo Lý và Giao Ước 6:36). (“Faith in Jesus Christ,” Gospel Topics, topics.ChurchofJesusChrist.org)

Giám Trợ Richard C. Edgley, cựu cố vấn trong Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa, đã nói rằng “đức tin là một sự lựa chọn, cũng như phải được tìm kiếm và phát triển” (“Đức Tin—Sự Lựa Chọn Là Của Các Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, trang 32).

Tiên tri An Ma đã dạy một cách hùng hồn về nguyên tắc của đức tin. An Ma lo lắng về dân Giô Ram, là dân mà không còn tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô nữa và đã rời bỏ Giáo Hội Ngài. Khi An Ma và những người bạn đồng hành truyền giáo của ông đi thuyết giảng giữa dân này, ông thấy rằng một số người Giô Ram đã trở nên khiêm nhường vì sự nghèo khó của họ và sẵn sàng lắng nghe sứ điệp của ông. Ông muốn họ hiểu rằng Đấng Cứu Rỗi có thể thay đổi cuộc sống của họ như thế nào. (Xin xem An Ma 31–32.)

Trong khi giảng dạy dân Giô Ram, An Ma đã so sánh lời của Thượng Đế với một hạt giống và giải thích rằng nó sẽ phát triển khi chúng ta gieo nó vào lòng và cẩn thận nuôi dưỡng nó bằng cách thực hành đức tin (xin xem An Ma 32:26–33).

Hình Ảnh
hạt giống bắt đầu nảy mầm
Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Trong khi anh chị em đọc An Ma 32:21, 27–30, hãy cân nhắc đánh dấu những từ hoặc cụm từ giảng dạy cách chúng ta có thể tăng trưởng trong đức tin.

Bình luận về ẩn dụ của An Ma về một hạt giống tượng trưng cho lời của Thượng Đế, Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, lúc đó đang phục vụ trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã dạy rằng:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf

Chúng ta thường tiến đến gần phúc âm giống như một người nông dân gieo một hạt giống xuống đất vào buổi sáng và trông mong bắp sẽ chín vào ban trưa. …

Việc biết rằng hạt giống đó là tốt thì chưa đủ. Chúng ta còn cần phải “nuôi dưỡng cây này hết sức cẩn thận để nó mọc rễ” [An Ma 32:37]. …

… Vai trò môn đồ không phải là một môn thể thao để xem. Chúng ta không thể trông mong kinh nghiệm có được các phước lành của đức tin bằng cách đứng một cách thụ động ở bên ngoài đường biên nhiều hơn là chúng ta có thể biết được những lợi ích của sức khỏe bằng cách ngồi trên ghế xem các trận đấu thể thao trên ti vi và đưa ra lời khuyên cho các vận động viên. (“Con Đường Môn Đồ,” Liahona, tháng Năm năm 2009, trang 76, 77)

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Anh chị em có thể đưa ra lời khuyên bảo nào cho một người nào đó đang chán nản vì đã hành động trong đức tin nhưng chưa biết được thành quả của đức tin?

Phần 2

Làm thế nào việc nuôi dưỡng lời của Thượng Đế bằng đức tin có thể mang chúng ta đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn?

An Ma đã dạy rằng khi hạt giống nảy mầm và bắt đầu phát triển, thì chúng ta sẽ biết được hạt giống đó là tốt và đức tin của chúng ta sẽ được củng cố. Sau sự tăng trưởng ban đầu này, An Ma đã cảnh báo chúng ta đừng “dẹp đức tin qua một bên” và xao lãng việc chăm sóc cho cây của mình (xin xem Alma 32:30–38).

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc An Ma 32:41–43, tìm kiếm các phước lành có được khi chúng ta nuôi dưỡng cây với đức tin vững chắc và suốt đời.

Hình Ảnh
những người đang ăn trái của cây sự sống

Khi An Ma kết thúc việc giảng dạy dân Giô Ram về đức tin, ông nêu ra rằng hạt giống mà ông muốn họ gieo vào lòng là sứ điệp rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế, mà sẽ “chuộc tội cho họ, và rằng Ngài sẽ sống lại từ cõi chết” (An Ma 33:22–23). Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã viết:

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

Trong bài giảng tuyệt vời này, An Ma dẫn độc giả đi từ nhận xét chung về đức tin là lời của Thượng Đế được ví như một hạt giống đến một bài giảng tập trung vào đức tin nơi Đấng Ky Tô là lời của Thượng Đế, được phát triển thành một cây đơm trái, loại cây có trái giống y như trái mà Lê Hi đã nhận thấy từ lúc ban đầu là tình yêu thương của Đấng Ky Tô. … Đấng Ky Tô là hạt giống, là cây, và là trái của cuộc sống vĩnh cửu. (Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [năm 1997], trang 169)

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô
Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Việc hành động trong đức tin và gieo vào lòng mình Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài ảnh hưởng đến chứng ngôn và sự cải đạo của anh chị em như thế nào?

Phần 3

Trong những phương diện nào tôi có thể được ban phước bằng cách thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

Khi Mô Rô Ni hoàn tất công việc của ông đối với Sách Mặc Môn, ông đã gồm vào một bài giảng mà cha ông, Mặc Môn, đã đưa ra nhiều năm trước (xin xem Mô Rô Ni 7:1). Trong bài giảng này, Mặc Môn đã dạy về những điều mà có thể được thực hiện qua quyền năng của đức tin.

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Mô Rô Ni 7:25–26, 33, và suy ngẫm các phước lành và các phép lạ mà chúng ta có thể nếm được khi chúng ta thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy về cách mà đức tin nơi Đấng Ky Tô mang thêm nhiều quyền năng vào cuộc sống của chúng ta:

Hình Ảnh
Anh Cả Richard G. Scott

Có được đức tin không lay chuyển nơi Chúa Giê Su Ky Tô tức là làm tràn ngập cuộc sống của anh chị em với ánh sáng rực rỡ. Anh chị em không còn phải một mình tranh đấu với những thử thách mà anh chị em biết rằng mình không thể tự giải quyết hoặc kiểm soát được, vì Ngài đã phán: “Nếu có đức tin nơi ta các ngươi sẽ có quyền năng để làm tất cả những điều gì thích đáng đối với ta” [Mô Rô Ni 7:33; chữ nghiêng được thêm vào].

Nếu anh chị em cảm thấy chán nản, bị xâu xé bởi sự phạm giới, đang đau ốm, cô đơn, hay khao khát cần được an ủi và hỗ trợ, thì tôi long trọng làm chứng rằng Chúa sẽ giúp đỡ anh chị em khi anh chị em cẩn thận tuân theo luật pháp thuộc linh mà sự giúp đỡ được căn cứ theo đó. Ngài là Đức Chúa Cha của anh chị em. Anh chị em là con của Ngài. Ngài yêu thương anh chị em. Ngài sẽ không bao giờ để cho anh chị em thất vọng. Tôi biết rằng Ngài sẽ ban phước cho anh chị em. (“Obtaining Help from the Lord,” Ensign, tháng Mười Một năm 1991, trang 86)

Hình Ảnh
biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

Hãy chỉ ra một hoặc hai người trong Sách Mặc Môn mà cho thấy đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và viết về cách họ đã được ban phước. Hãy chuẩn bị để chia sẻ những ví dụ của anh chị em trong lớp học. Anh chị em cũng có thể muốn cân nhắc cách thức mà mình cảm nhận được quyền năng của Chúa khi thực hành đức tin nơi Ngài.