Viện Giáo Lý
Bài học 15 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Chuẩn Bị cho Sự Giáng Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô


“Bài học 15 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Chuẩn Bị cho Sự Giáng Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2021)

“Bài học 15 Tài Liệu dành cho Giảng Viên”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Bài học 15 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Chuẩn Bị cho Sự Giáng Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô

Trong đơn vị này, học viên sẽ học về các sự kiện và giáo lý quan trọng liên quan đến giáo vụ của Chúa Giê Su Ky Tô ở giữa dân Nê Phi và dân La Man. Khi anh chị em chuẩn bị thảo luận về tài liệu trong đơn vị này, hãy tìm cách giúp học viên gia tăng chứng ngôn của họ về sứ mệnh thiêng liêng của Ngài.

Trong bài học này, học viên sẽ có cơ hội tìm hiểu cách mà Sách Mặc Môn đưa ra một mẫu mực để chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi. Học viên sẽ cân nhắc những điều họ có thể làm để khắc phục cảm giác sợ hãi và chống lại những thông điệp có thể gây nghi ngờ để họ có thể cảm thấy được chuẩn bị tốt hơn cho sự trở lại của Ngài.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Sa Mu Ên người La Man tiên tri về những điềm triệu mà sẽ xảy ra trước khi Chúa Giê Su Ky Tô giáng sinh.

Hình Ảnh
Ngày Tái Lâm, tranh do Harry Anderson họa

Trưng bày hình ảnh Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô đi kèm với bài học và hỏi:

  • Những điềm triệu hoặc điều kiện nào đã được tiên tri liên quan đến những ngày sau cùng và Ngày Tái Lâm có thể khiến cho người ta cảm thấy lo lắng? (Nếu học viên gặp khó khăn trong việc xác định điềm triệu về những thời kỳ, anh chị em có thể mời học viên xem vắn tắt đề mục “Điềm Triệu về Những Thời Kỳ” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư [xin xem scriptures.ChurchofJesusChrist.org].)

  • Chúng ta có thể học được gì từ sự kiện Chúa mặc khải những điềm triệu trước khi Ngài đến với dân Ngài?

  • Làm thế nào mà Sách Mặc Môn có thể giúp chúng ta bớt lo lắng hơn, chuẩn bị tốt hơn và vui mừng hơn về việc Chúa trở lại thế gian? (Anh chị em có thể muốn xem lại Lời phát biểu của Chủ Tịch Benson trong phần giới thiệu của tài liệu chuẩn bị.)

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Hãy cho học viên cơ hội để củng cố lẫn nhau. Chúng ta gặp nhau với tư cách là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô không chỉ để học hỏi cho bản thân mình mà còn để giúp đỡ và củng cố lẫn nhau (xin xem Mô Rô Ni 6:4–5). Trong buổi học, hãy tìm cách tạo cơ hội cho các học viên trò chuyện với nhau. Thời gian tuyệt vời cho những cuộc trò chuyện này có thể là khi học viên được mời nói chuyện với một người bạn cùng nhóm hoặc thành lập một nhóm thảo luận nhỏ. Trong các cuộc thảo luận trên lớp, hãy cẩn thận để không chi phối cuộc trò chuyện. Ví dụ, trước khi anh chị em trả lời câu hỏi hoặc mối quan tâm của học viên, hãy cân nhắc mời các học viên khác trả lời trước. Thay vì chia sẻ kinh nghiệm cá nhân yêu thích của anh chị em, hãy khuyến khích học viên chia sẻ kinh nghiệm của họ. Đừng chỉ tìm kiếm cơ hội để chia sẻ chứng ngôn của anh chị em mà hãy cho học viên cơ hội để chia sẻ chứng ngôn của họ.

Hãy trưng bày câu hỏi sau đây: Theo Hê La Man 14:9–13, tại sao Sa Mu Ên đến thuyết giảng và nói tiên tri cho dân Nê Phi?

Cân nhắc mời học viên làm việc theo từng cặp để nghiên cứu đoạn thánh thư được chỉ định và thảo luận về cách họ sẽ trả lời câu hỏi đó. Mời một vài học viên chia sẻ điều họ đã học được. Dựa trên nhận xét của học viên, hãy cân nhắc xem anh chị em có thể hỏi câu hỏi nào sau đây để giúp học viên chuẩn bị để áp dụng những gì họ đang học:

  • Làm thế nào mà việc biết và tin vào những điềm triệu và những điều kỳ diệu về sự giáng lâm của Đấng Ky Tô có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta? (Cho học viên thời gian để thảo luận về câu hỏi này với nhau, sau đó mời họ chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của mình với các học viên còn lại. Giúp học viên nhận ra một nguyên tắc tương tự như sau: Việc biết và nhận ra những điềm triệu về sự giáng lâm của Đấng Ky Tô có thể dẫn dắt chúng ta tin vào Ngài và hối cải tội lỗi của mình.)

  • Tại sao những điềm triệu và những điều kỳ diệu liên quan đến Ngày Tái Lâm của Chúa nên làm tăng hy vọng chứ không nên làm tăng nỗi sợ hãi của chúng ta? Trong các phương diện nào mà những điềm triệu và những điều kỳ diệu liên quan đến Ngày Tái Lâm cho thấy tình yêu thương và mối quan tâm của Thượng Đế cho con cái của Ngài?

  • Những lời giảng dạy hoặc điềm triệu nào đã được tiên tri về Ngày Tái Lâm giúp soi dẫn anh chị em để chuẩn bị tốt hơn cho sự trở lại của Chúa? (Để giúp học viên nhận thấy được tình yêu thương của Thượng Đế đang được thể hiện như thế nào trong thời kỳ của chúng ta, anh chị em có thể mời học viên chia sẻ hoặc tra cứu những điều mà gần đây các vị tiên tri tại thế và sứ đồ đã dạy về việc chuẩn bị cho sự trở lại của Chúa.)

Trưng bày lời phát biểu sau đây của Anh Cả D. Todd Christofferson:

Hình Ảnh
Anh Cả D. Todd Christofferson

Điều đầu tiên và tối quan trọng đối với sự trở lại của Chúa là sự hiện diện trên thế gian của những người sẵn sàng đón nhận Ngài vào lúc Ngài trở lại. (“Chuẩn Bị cho Sự Trở Lại của Chúa,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 82)

Cho học viên một vài phút để suy ngẫm và ghi lại suy nghĩ của họ cho câu hỏi sau đây:

  • Anh chị em cần bắt đầu làm gì hoặc ngừng làm gì để có thể cảm thấy chuẩn bị tốt hơn để tiếp nhận Chúa Giê Su Ky Tô khi Ngài giáng lâm?

Đức tin của những người tin được thử thách khi họ kiên trì chờ đợi những điềm triệu của vị tiên tri được ứng nghiệm.

Cân nhắc chia lớp học ra thành các nhóm thảo luận nhỏ. Mời mỗi nhóm cùng xem lại Hê La Man 16:13–223 Nê Phi 1:4–15, 22, tìm kiếm xem Sa Tan đã khuấy động nỗi nghi ngờ về sự giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi như thế nào và các tín hữu trung thành đã phản ứng lại điều này ra sao. Sau khi đủ thời gian, mời một học viên trong mỗi nhóm chia sẻ điều người ấy khám phá được. Khi học viên chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của họ, cân nhắc việc hỏi một số hoặc tất cả các câu hỏi sau đây để giúp làm sâu sắc hơn cuộc thảo luận trong lớp của anh chị em:

  • Những chiến thuật gieo rắc nghi ngờ tương tự này được sử dụng trong thời đại của chúng ta như thế nào?

  • Một số dân Nê Phi và dân La Man đã làm gì để tiếp tục trung tín khi họ phải đối mặt với sự nghi ngờ và chống đối từ những kẻ không tin? (Anh chị em có thể trưng bày một nguyên tắc như sau: Trông cậy nơi Chúa và kiên trì mong chờ sự giáng lâm của Ngài có thể giúp chúng ta đáp lại sự hoài nghi và nghi ngờ bằng đức tin.)

  • Chúng ta có thể làm gì để đảm bảo rằng chúng ta tiếp tục vững vàng và kiên trì khi trông chờ Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô? (Cân nhắc xem lại những lời phát biểu của Chủ Tịch Bonnie L. OscarsonAnh Cả D. Todd Christofferson trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)

  • Việc trông cậy nơi Chúa đã giúp anh chị em như thế nào khi đối mặt với những người hoài nghi và những thông điệp có thể gây nghi ngờ? Làm thế nào chúng ta có thể giúp nhau tiếp tục kiên định khi chuẩn bị cho sự trở lại của Chúa?

Mời các học viên suy ngẫm thầm về những điều họ đã học được và cảm nhận về Chúa Giê Su Ky Tô và Ngày Tái Lâm khi họ chuẩn bị và tham gia lớp học này. Sau đó, cho học viên thời gian để chia sẻ chứng ngôn của họ về Chúa và niềm hy vọng mà họ có khi biết rằng Ngài sẽ trở lại.

Cho Buổi Học Lần Sau

Giải thích rằng để chuẩn bị cho buổi học lần sau, học viên sẽ có cơ hội để cân nhắc việc ở trong sự hiện diện của Đấng Cứu Rỗi và tương tác với Ngài thì sẽ như thế nào. Khi học viên học tài liệu chuẩn bị cho buổi học, mời họ tìm kiếm những điều họ có thể học được về thiên tính và tính cách của Chúa Giê Su Ky Tô từ giáo vụ của Ngài ở giữa những người ở Châu Mỹ.