Viện Giáo Lý
Bài Học 12 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Chúng Ta Cần Sự Sinh Lại Phần Thuộc Linh


“Bài Học 12 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Chúng Ta Cần Sự Sinh Lại Phần Thuộc Linh,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (Năm 2021)

“Bài Học 12 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Bài Học 12 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Chúng Ta Cần Sự Sinh Lại Phần Thuộc Linh

Hình Ảnh
người đang đi bộ trên đồng cỏ

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nhận xét: “Sách Mặc Môn là quyển sách hướng dẫn khi chúng ta hành trình trên lối đi từ xấu đến tốt đến tốt hơn và cố gắng thay đổi tấm lòng của mình” (“Sự Chuộc Tội và Hành Trình Trên Trần Thế,” Liahona, tháng Tư năm 2012, trang 40). Trong Sách Mặc Môn, sự thay đổi này được mô tả là sự sinh lại phần thuộc linh, một sự thay đổi tấm lòng, và sự cải đạo. Khi anh chị em nghiên cứu tài liệu này để chuẩn bị cho lớp học, hãy cân nhắc làm thế nào việc sống theo giáo lý của Đấng Ky Tô có thể giúp gia tăng sự cải đạo của anh chị em và giúp anh chị em trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn.

Phần 1

Làm thế nào việc sống theo giáo lý của Đấng Ky Tô có thể làm gia tăng sự cải đạo của tôi?

Phần tóm tắt sau đây mô tả điều gì xảy ra khi chúng ta trở nên thực sự được cải đạo:

Sự cải đạo gồm có thay đổi trong hành vi, nhưng còn hơn cả hành vi nữa; đó là một sự thay đổi bản tính thực sự của chúng ta. Đó là một sự thay đổi đáng kể đến nỗi Chúa và các vị tiên tri của Ngài đã gọi điều này là sự sinh lại, sự thay đổi tấm lòng, và phép báp têm bằng lửa. (“Conversion,” Gospel Topics, topics.ChurchofJesusChrist.org)

Ví dụ, sau khi An Ma Con được một thiên sứ kêu gọi phải hối cải, ông đã chịu đựng nỗi hối hận dữ dội về tội lỗi của ông. Trong khi An Ma đau khổ, ông đã tìm đến Chúa để được giúp đỡ, tội lỗi của ông đã được tha thứ, và ông trải qua một sự sinh lại phần thuộc linh (xin xem Mô Si A 27:11–23).

Hình Ảnh
An Ma Con cầu nguyện
Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Mô Si A 27:25–26, tìm kiếm những điều Chúa dạy An Ma về việc cần phải có sự sinh lại phần thuộc linh.

Sự sinh lại phần thuộc linh, hoặc sự cải đạo, không phải là một sự kiện thụ động. “Sự cải đạo là kết quả của các nỗ lực ngay chính để noi theo Đấng Cứu Rỗi. Các nỗ lực này gồm có việc thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải tội lỗi, chịu phép báp têm, tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, và kiên trì đến cùng trong đức tin [khi áp dụng giáo lý của Đấng Ky Tô]” (“Conversion,” Gospel Topics, topics.ChurchofJesusChrist.org).

Kinh nghiệm của dân của Vua Bên Gia Min cho thấy việc áp dụng giáo lý của Đấng Ky Tô dẫn đến sự sinh lại phần thuộc linh và sự cải đạo theo Chúa như thế nào.

Hình Ảnh
Vua Bên Gia Min đang đưa ra một bài giảng

Trong bài giảng cuối cùng của ông, Vua Bên Gia Min đã dạy rằng chúng ta tất cả đều là “tôi tớ vô dụng” và “mắc nợ [Thượng Đế] mãi mãi” (Mô Si A 2:21–25, 34). Rồi ông làm chứng rằng chúng ta chỉ có thể được cứu chuộc qua Chúa Giê Su Ky Tô. Bị choáng ngợp bởi sứ điệp này, dân của Vua Bên Gia Min ngã xuống đất trong sự tôn kính và kính sợ (xin xem Mô Si A 3:17–4:2).

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Mô Si A 4:2–3, và tìm kiếm cách mà dân của Vua Bên Gia Min đã áp dụng giáo lý của Đấng Ky Tô và các phước lành nào họ đã nhận được.

Chúng ta học được từ Mô Si A 4 rằng sau khi dân ông được tha thứ các tội lỗi của họ, Vua Bên Gia Min đã dạy họ tin tưởng nơi Thượng Đế và sống với đức tin để họ có thể “luôn luôn được xá miễn các tội lỗi [của họ]” (câu 12). Sau khi kết thúc bài giảng của mình, Vua Bên Gia Min đã muốn biết liệu dân chúng có tin tưởng vào những điều ông giảng dạy cho họ không (xin xem Mô Si A 5:1).

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc Mô Si A 5:2–7, tìm kiếm những điều mà Chúa đã làm cho dân của Vua Bên Gia Min khi họ áp dụng giáo lý của Đấng Ky Tô vào cuộc sống của họ.

Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nhận xét như sau về sự sinh lại phần thuộc linh:

Hình Ảnh
Anh Cả D. Todd Christofferson

Các anh chị em có thể hỏi: Tại sao sự thay đổi mạnh mẽ này không xảy ra nhanh hơn với tôi? Các anh chị em cần phải nhớ rằng các tấm gương phi thường của những người dân của Vua Bên Gia Min, An Ma và một số người khác trong thánh thư cũng đều như thế—phi thường và không điển hình [xin xem Ezra Taft Benson, “A Mighty Change of Heart,” Ensign, tháng Mười năm 1989, trang 2–5]. Đối với đa số chúng ta, những thay đổi xảy ra dần dần và theo thời gian. Việc được sinh lại, không giống như sự sinh ra thân xác của chúng ta, là một tiến trình hơn là một sự kiện. Và việc tham gia vào tiến trình đó là mục đích chính yếu của cuộc sống trần thế.

… Chúng ta hãy xứng đáng khi dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần và tiếp tục nhờ đến Đức Thánh Linh để loại bỏ hoàn toàn vết tích cuối cùng của sự không thanh sạch ở bên trong chúng ta. Tôi làm chứng rằng khi các anh chị em tiếp tục con đường của sự sinh lại phần thuộc linh, thì ân điển chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ cất đi tội lỗi của các anh chị em và vết nhơ của các tội lỗi đó nơi các anh chị em, những cám dỗ sẽ mất sức thu hút của chúng, và nhờ vào Đấng Ky Tô, các anh chị em sẽ trở nên thánh thiện, như Ngài và Cha Ngài là thánh thiện. (“Được Sinh Lại,” Liahona, tháng Năm năm 2008, trang 78)

Chủ Tịch Bonnie L. Oscarson, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Nữ, đã dạy:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Bonnie L. Oscarson

Chúng ta đều cần phải tìm cách thay đổi tấm lòng và bản tính của mình để không còn có ước muốn đi theo con đường của thế gian mà để làm hài lòng Thượng Đế. Sự cải đạo thật sự là một tiến trình diễn ra trong một khoảng thời gian và gồm có sự sẵn lòng để thực hành đức tin. … Điều này đòi hỏi phải kiên định và nỗ lực hằng ngày. (“Tôi Có Tin Không?Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 88)

Hình Ảnh
biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

Phần 2

Làm thế nào tôi có thể cho Chúa thấy rằng tôi thực sự muốn có sự thay đổi trong lòng?

Cân nhắc những điều mà chúng ta có thể học hỏi được từ tấm gương của dân An Ti Nê Phi Lê Hi về việc có chủ ý trong những nỗ lực của chúng ta để có được và duy trì một sự thay đổi lớn lao trong lòng. Những người này mà trước kia là dân La Man đã từng là “một dân tộc man dã, chai đá và tàn bạo; một dân tộc lấy sự đánh giết dân Nê Phi và trộm cắp cùng cướp bóc của cải của họ làm thích thú” (An Ma 17:14). Vậy mà dân An Ti Nê Phi Lê Hi đã nhận được phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô khi họ được Am Môn và các anh em của ông giảng dạy, và nhiều người “đã cải đạo theo Chúa, họ không hề bỏ đạo” (An Ma 23:6).

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc An Ma 24:9–11, 15, 19, tìm kiếm những điều mà dân An Ti Nê Phi Lê Hi đã làm để củng cố sự cải đạo của họ theo Chúa.

Hình Ảnh
The Purifying Path of Obedience, Sacrifice, and Consecration (Con Đường của Sự Vâng Lời, Hy Sinh, và Dâng Hiến dẫn đến Sự Thanh Tẩy), tranh do Dan Burr họa

Anh Cả Bednar đã khuyên bảo như sau khi nhận xét về sự thay đổi lớn lao trong tấm lòng mà những người này đã trải qua:

Hình Ảnh
Anh Cả David A. Bednar

Việc dẹp bỏ “các khí giới phản nghịch” yêu quý của họ như tính ích kỷ, kiêu ngạo và bất tuân đòi hỏi nhiều hơn là chỉ tin và biết. Lòng tin chắc, tính khiêm nhường, sự hối cải, và tuân phục đi trước việc dẹp bỏ các khí giới phản nghịch của chúng ta. Các anh chị em và tôi vẫn còn có các khí giới phản nghịch không cho chúng ta trở nên được cải đạo theo Chúa không? Nếu có, thì chúng ta cần phải hối cải ngay bây giờ. (“Được Cải Đạo theo Chúa,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 108–109)

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

“Khí giới phản nghịch” nào mà có thể ngăn cản anh chị em có được sự thay đổi trong tấm lòng?