Viện Giáo Lý
Bài học 20 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Các Phước Lành của Sự Tự Do Tôn Giáo


“Bài học 20 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Các Phước Lành của Sự Tự Do Tôn Giáo”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2021)

“Bài học 20 Tài Liệu dành cho Giảng Viên”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Bài học 20 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Các Phước Lành của Sự Tự Do Tôn Giáo

Tự do tôn giáo là một quyền cơ bản của con người. Sách Mặc Môn chứa đựng nhiều ví dụ về cả những phước lành của sự tự do tôn giáo lẫn hậu quả của việc hạn chế quyền tự do tôn giáo. Trong bài học này, học viên sẽ có cơ hội nhận ra các phước lành của sự tự do tôn giáo và đánh giá những điều họ có thể làm để giúp giữ gìn và bảo vệ quyền tự do tôn giáo trong thời kỳ của chúng ta.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Vua Mô Si A thiết lập một hình thức cai trị bảo vệ quyền tự do tôn giáo.

Lưu ý: Tình trạng tự do tôn giáo rất khác nhau trên khắp thế giới. Khi anh chị em thảo luận về quyền tự do tôn giáo, hãy nhạy cảm với những hoàn cảnh đặc biệt ở nơi anh chị em đang sinh sống. Khuyến khích học viên nói về các chính phủ, các Giáo Hội khác và tất cả các truyền thống tôn giáo với sự tôn trọng.

Nhắc học viên rằng để chuẩn bị cho buổi học, họ được mời trò chuyện với một hoặc nhiều người có tín ngưỡng khác. Khuyến khích học viên hỏi những người này tại sao tôn giáo của họ lại quan trọng đối với họ và liệu họ đã từng bị ngược đãi tôn giáo chưa. Mời một số học viên chia sẻ những điều họ đã biết được từ các cuộc trò chuyện này hoặc từ kinh nghiệm trong quá khứ với những người có tín ngưỡng khác.

Cân nhắc hỏi một hoặc nhiều câu hỏi trong số những câu hỏi sau đây:

  • Anh chị em định nghĩa sự tự do tôn giáo là gì? (Nếu cần, mời học viên xem lại phần giới thiệuphần 1 của tài liệu chuẩn bị.)

  • Anh chị em nghĩ tại sao là điều quan trọng để cho mọi người đều có quyền bày tỏ và hành động theo các niềm tin tôn giáo của mình? (Có thể là hữu ích để xem lại tín điều thứ mười mộtlời phát biểu của Joseph Smith trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị.)

  • Cuộc sống của chúng ta có thể bị ảnh hưởng như thế nào nếu chúng ta không được tự do bày tỏ hoặc hành động theo tín ngưỡng cốt lõi của mình, bao gồm cả quan điểm tôn giáo? Một số ví dụ về các quyền tự do tôn giáo đang bị đe dọa trong thời kỳ của chúng ta là gì?

Nhắc học viên nhớ rằng Vua Mô Si A đã thiết lập luật pháp để bảo vệ dân chúng trong vương quốc của ông, những người đang bị ngược đãi vì niềm tin của họ. Anh chị em có thể xem lại Mô Si A 27:1–4 cùng với học viên và hỏi:

  • Chúng ta có thể học được điều gì về quyền tự do tôn giáo từ hịch truyền của Vua Mô Si A?

Hình Ảnh
Cô Ri Ho Chống Lại An Ma, tranh do Robert T. Barrett họa

Cân nhắc trưng bày hình ảnh đi kèm với bài học và mời học viên tóm tắt một số tư tưởng mà Cô Ri Ho đang giảng dạy (xin xem phần 1 của tài liệu chuẩn bị). Mời học viên xem lại An Ma 30:7–9, 11 và tìm kiếm xem những câu này dạy điều gì về quyền tự do tôn giáo. Hãy cân nhắc xem anh chị em có thể hỏi câu hỏi nào sau đây để giúp ích nhiều nhất cho học viên học hỏi sâu hơn:

  • Chúng ta có thể học được điều gì từ những câu này về giá trị mà Cha Thiên Thượng dành cho quyền tự do tôn giáo? (Học viên có thể nhận ra một nguyên tắc tương tự như sau: Thượng Đế mong muốn tất cả con cái của Ngài có quyền và đặc ân bình đẳng để họ tự do lựa chọn phục vụ Ngài mà không bị xúi giục, cũng như tự do lựa chọn không phục vụ Ngài.)

  • Trong kế hoạch của Thượng Đế, tại sao điều quan trọng là chúng ta không bị ép buộc phải tin hoặc noi theo Ngài?

  • Việc Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô sẽ không bao giờ ép buộc anh chị em phải tin hoặc noi theo các Ngài có nghĩa đối với anh chị em? Điều này dạy cho anh chị em điều gì về tính cách của các Ngài?

  • Quyền tự do tôn giáo mang lại lợi ích như thế nào cho mọi thành phần trong xã hội? Quyền tự do tôn giáo mang lại lợi ích như thế nào cho anh chị em?

Lãnh Binh Mô Rô Ni nâng cao lá cờ tự do và quy tụ dân chúng để bảo vệ quyền tự do.

Mời một vài học viên chia sẻ những ví dụ về cách mà quyền tự do tôn giáo có thể bị đe dọa. (Nếu cần, anh chị em có thể mời học viên xem lại phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)

Mời học viên đọc An Ma 46:4, 10, sau đó giải thích việc A Ma Lịch Gia đe dọa quyền tự do của dân Nê Phi, bao gồm cả quyền tự do tôn giáo của họ, như thế nào. Hỏi học viên xem Mô Rô Ni đã đối phó với mối đe dọa này như thế nào. (Nếu cần, mời học viên xem lại An Ma 46:12–13, 19–20.) Cân nhắc thảo luận những câu hỏi sau đây:

  • Chúng ta có thể học được những nguyên tắc phúc âm nào về quyền tự do tôn giáo từ những nỗ lực của Lãnh Binh Mô Rô Ni và dân ông? (Giúp học viên nhận ra một nguyên tắc tương tự như sau Khi chúng ta cầu vấn Thượng Đế và chuẩn bị hành động, Ngài sẽ củng cố chúng ta trong việc bảo vệ gia đình, tôn giáo và sự tự do của chúng ta.)

  • Lãnh Binh Mô Rô Ni và lá cờ tự do có tác động gì đến dân chúng? Tại sao chúng ta cần sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng trong nỗ lực bảo vệ quyền tự do tôn giáo?

  • Trong những phương diện nào mà việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo của Lãnh Binh Mô Rô Ni giống với cách Chúa Giê Su Ky Tô bảo vệ quyền tự do lựa chọn của chúng ta?

Để giúp học viên cân nhắc cách cư xử lịch sự khi bảo vệ quyền tự do tôn giáo, anh chị em có thể trưng bày lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người, biết lắng nghe, và cho thấy mối quan tâm đối với niềm tin chân thành của người khác. Chúng ta cần phải khôn ngoan khi giải thích và theo đuổi lập trường của mình và ảnh hưởng đến người khác. Chúng ta nên tìm kiếm sự hiểu biết và hỗ trợ của những người không tin đạo. Đồng thời, chúng ta cũng phải tranh thủ hành động chính thức của các chính phủ và các tổ chức đa quốc gia thích hợp. Tất cả những điều này đều cần thiết để gìn giữ những điều tốt đẹp mà các tổ chức tôn giáo và những người tin có thể thực hiện vì lợi ích của toàn thể nhân loại. (“Challenges to Religious Freedom” [bài nói chuyện tại Argentina Council for Foreign Relations (CARI), ngày 23 tháng Tư năm 2015], newsroom.ChurchofJesusChrist.org)

Để giúp học viên thực hành bảo vệ quyền tự do tôn giáo, hãy mời họ làm việc với một người bạn cùng lớp và thảo luận về cách họ sẽ phản ứng với tình huống sau đây:

Anh chị emm có một người bạn theo đạo Hồi ở nơi làm việc muốn tìm một nơi riêng tư để cầu nguyện trong thời gian nghỉ giải lao. Một số đồng nghiệp bắt đầu nhạo báng lối thực hành này. Cuối cùng, một đồng nghiệp nói: “Anh chỉ nên giữ tôn giáo của mình cho riêng mình và không nên thực hành tôn giáo đó tại nơi làm việc”. Sau đó, cô ấy quay sang anh chị em và hỏi: “Anh/Chị nghĩ sao?”

Sau khi học viên có thời gian thảo luận về phản ứng của họ với bạn cùng lớp, hãy mời một vài học viên chia sẻ cách họ phản ứng với tình huống đó.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Mời học viên đặt ra các mục tiêu. Chủ Tịch M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nhận xét: “Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng nếu chúng ta không đặt mục tiêu trong cuộc sống và học cách tinh thông kỹ thuật sống để đạt được các mục tiêu đó, thì khi chúng ta lớn tuổi và nhìn lại cuộc đời mình, chúng ta sẽ thấy rằng mình đã đạt được chỉ một phần nhỏ trong tiềm năng trọn vẹn của chúng ta” (“Do Things That Make a Difference,” Ensign, tháng Sáu năm 1983, trang 69–70). Cho học viên cơ hội để suy nghĩ và tạo ra các mục tiêu cụ thể mà có thể giúp họ hành động hiệu quả và ngay chính. Trừ khi mục tiêu của học viên là quá riêng tư không thể chia sẻ, hãy mời họ chia sẻ mục tiêu của họ với anh chị em và cân nhắc xem làm thế nào anh chị em có thể theo dõi các học viên về mục tiêu của họ.

Mời học viên đặt mục tiêu cụ thể về những điều họ có thể làm để chuẩn bị tốt hơn để bảo vệ quyền lợi thiêng liêng của sự tự do tôn giáo. (Có thể là hữu ích để trưng bày và xem lại lời phát biểu của Anh Cả Robert D. Hales trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị.) Cân nhắc mời học viên viết một kế hoạch hành động đơn giản để hoàn thành mục tiêu của họ. Hãy cân nhắc việc chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về tầm quan trọng của quyền tự do tôn giáo để kết thúc buổi học.

Cho Buổi Học Lần Sau

Mời học viên cân nhắc xem tại sao tính kiêu ngạo lại là chủ đề thường gặp như vậy trong Sách Mặc Môn. Nêu ra rằng Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã nhận xét: “Kiêu ngạo là một tội lỗi có thể dễ dàng nhận thấy ở người khác nhưng hiếm khi được chính chúng ta thừa nhận” (“Beware of Pride,” Ensign, tháng Năm năm 1989, trang 5). Mời học viên gia tăng sự hiểu biết của họ về những lời giảng dạy về tính kiêu ngạo trong Sách Mặc Môn và tính kiêu ngạo có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như thế nào.