Những Sự Kêu Gọi trong Phái Bộ Truyền Giáo
Chương 3: Bài 4—Trở Thành Các Môn Đồ Suốt Đời của Chúa Giê Su Ky Tô


“Chương 3: Bài 4—Trở Thành Các Môn Đồ Suốt Đời của Chúa Giê Su Ky Tô,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Cách Chia Sẻ Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô (năm 2023)

“Chương 3: Bài 4,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta

Chương 3: Bài 4

Trở Thành Các Môn Đồ Suốt Đời của Chúa Giê Su Ky Tô

Hình Ảnh
The Lost Lamb [Con Chiên Thất Lạc], tranh của Del Parson

Giảng Dạy Bài Học Này

Phép báp têm là một giáo lễ vui mừng đầy hy vọng. Khi chịu phép báp têm, chúng ta cho thấy ước muốn noi theo Thượng Đế và bước vào con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta cũng cho thấy sự cam kết của mình để trở thành môn đồ suốt đời của Chúa Giê Su Ky Tô.

Bài học này được sắp xếp theo các giao ước chúng ta lập tại lễ báp têm. Nó gồm có các phần chính sau đây, mỗi phần có các phần phụ:

Giúp mọi người hiểu rằng các nguyên tắc và các giáo lệnh mà anh chị em giảng dạy là một phần của giao ước mà họ sẽ lập lúc chịu phép báp têm. Chỉ cho họ thấy mỗi phần của bài học này sẽ giúp họ “đến cùng Đấng Ky Tô … và chia sẻ sự cứu rỗi của Ngài” (Ôm Ni 1:26; xin xem thêm 1 Nê Phi 15:14).

Anh chị em sẽ muốn dạy bài học này trong nhiều lần đến thăm. Hiếm khi một buổi đến thăm giảng dạy kéo dài hơn 30 phút. Thường là tốt hơn nếu có các chuyến đến thăm ngắn, thường xuyên hơn để giảng dạy các phần nhỏ hơn trong tài liệu.

Hoạch định những gì anh chị em sẽ giảng dạy, khi nào anh chị em sẽ giảng dạy tài liệu đó, và anh chị em sẽ mất bao nhiêu thời gian. Cân nhắc nhu cầu của những người mà anh chị em đang giảng dạy và tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh. Anh chị em có thể linh động để giảng dạy tùy theo những gì mà sẽ giúp mọi người chuẩn bị kỹ hơn cho phép báp têm và lễ xác nhận.

Một số phần trong bài học này gồm có những lời mời cụ thể. Tìm kiếm sự soi dẫn trong việc quyết định cách thức và thời điểm đưa ra lời mời. Hãy lưu tâm đến mức độ hiểu biết của mỗi người. Giúp người đó sống theo phúc âm từng bước một.

Hình Ảnh
người phụ nữ đang dự phần Tiệc Thánh

Giao Ước của Chúng Ta để Sẵn Lòng Mang Lấy Danh của Chúa Giê Su Ky Tô

Khi chịu phép báp têm, chúng ta giao ước sẽ noi theo Chúa Giê Su Ky Tô “một cách hết lòng.” Chúng ta cũng làm chứng rằng chúng ta “sẵn lòng muốn được mang danh Đấng Ky Tô” (2 Nê Phi 31:13; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 20:37).

Việc mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là chúng ta tưởng nhớ đến Ngài và cố gắng sống với tư cách là môn đồ suốt đời của Ngài. Chúng ta để ánh sáng của Ngài chiếu rọi qua chúng ta đến những người khác. Chúng ta tự coi mình là thuộc về Ngài và đặt Ngài lên trước hết trong cuộc sống của mình.

Các phần sau đây mô tả hai cách chúng ta tưởng nhớ và noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Cầu Nguyện Thường Xuyên

Lời cầu nguyện có thể là một cuộc trò chuyện đơn giản với Cha Thiên Thượng mà xuất phát từ tấm lòng. Trong lời cầu nguyện, chúng ta nói chuyện với Ngài một cách cởi mở và thành thật. Chúng ta bày tỏ tình yêu thương và lòng biết ơn đối với Ngài về các phước lành của chúng ta. Chúng ta cũng yêu cầu được giúp đỡ, bảo vệ và hướng dẫn. Khi kết thúc lời cầu nguyện của mình, chúng ta nên dành thời gian để tạm dừng lại và lắng nghe.

Chúa Giê Su đã dạy: “Các ngươi phải luôn luôn cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha trong danh ta” (3 Nê Phi 18:19, sự nhấn mạnh được thêm vào; xin xem thêm Môi Se 5:8). Khi cầu nguyện trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, thì chúng ta tưởng nhớ đến Ngài và Cha Thiên Thượng.

Chúa Giê Su nêu gương cho chúng ta noi theo khi chúng ta cầu nguyện. Chúng ta có thể học được nhiều điều về sự cầu nguyện bằng cách nghiên cứu những lời cầu nguyện của Đấng Cứu Rỗi trong thánh thư (xin xem Ma Thi Ơ 6:9–13; Giăng 17).

Những lời cầu nguyện của chúng ta có thể gồm có các phần sau đây:

  • Bắt đầu bằng cách thưa Cha Thiên Thượng.

  • Bày tỏ những cảm xúc trong lòng, chẳng hạn như lòng biết ơn đối với những phước lành mà chúng ta đã nhận được.

  • Đặt câu hỏi, tìm kiếm sự hướng dẫn và cầu xin các phước lành.

  • Kết thúc bằng câu: “Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.”

Thánh thư khuyên nhủ chúng ta nên cầu nguyện vào buổi sáng và buổi tối. Tuy nhiên, chúng ta có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đối với những lời cầu nguyện riêng cá nhân và chung gia đình của mình thì việc quỳ xuống khi chúng ta cầu nguyện có thể có ý nghĩa. Chúng ta nên luôn luôn có một lời cầu nguyện trong lòng mình. (Xin xem An Ma 34:27; 37:36–37; 3 Nê Phi 17:13; 19:16.)

Những lời cầu nguyện của chúng ta cần phải có suy nghĩ và chân thành. Khi cầu nguyện, chúng ta nên tránh nói những điều giống nhau theo cùng một cách.

Chúng ta cầu nguyện với đức tin, sự chân thành và chủ ý thật sự để hành động theo những sự đáp ứng mà chúng ta nhận được. Khi chúng ta làm như vậy thì Thượng Đế sẽ hướng dẫn và giúp chúng ta đưa ra những quyết định đúng đắn. Chúng ta sẽ cảm thấy gần Ngài hơn. Ngài sẽ ban cho chúng ta sự hiểu biết và lẽ thật. Ngài sẽ ban phước cho chúng ta với sự thoải mái, bình an và sức mạnh.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

  • Sách Hướng Dẫn Thánh Thư: “Cầu Nguyện

  • Bible Dictionary: “Prayer

  • Các Đề Tài Phúc Âm: “Cầu Nguyện

Nghiên Cứu Thánh Thư

Nê Phi dạy: “Các người hãy nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô; vì này, những lời nói của Đấng Ky Tô sẽ cho các người biết tất cả những gì các người phải làm” (2 Nê Phi 32:3; xin xem thêm 31:20).

Việc nghiên cứu thánh thư là một cách thiết yếu để ghi nhớ và noi theo Chúa Giê Su Ky Tô. Trong thánh thư, chúng ta học về cuộc đời, giáo vụ và những lời giảng dạy của Ngài. Chúng ta cũng học về những lời hứa của Ngài. Khi đọc thánh thư, chúng ta cảm nhận được tình yêu thương của Ngài. Tâm hồn chúng ta mở rộng, đức tin của chúng ta nơi Ngài gia tăng, và tâm trí chúng ta được soi sáng. Chứng ngôn của chúng ta về sứ mệnh thiêng liêng của Ngài trở nên mạnh mẽ hơn.

Chúng ta ghi nhớ và noi theo Chúa Giê Su khi áp dụng những lời nói của Ngài trong cuộc sống của mình. Chúng ta nên nghiên cứu thánh thư hằng ngày nhất là Sách Mặc Môn.

Thánh thư của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là Kinh Thánh, Sách Mặc Môn, Giáo Lý và Giao Ước, và Trân Châu Vô Giá. Những thánh thư này cũng được gọi là “các tác phẩm tiêu chuẩn.”

Nghiên Cứu Thánh Thư

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

  • Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Thánh Thư

  • Các Đề Tài Phúc Âm: “Thánh Thư

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô đang giảng dạy đám đông

Giao Ước của Chúng Ta để Tuân Giữ Các Giáo Lệnh của Thượng Đế

Ghi Chú: Có nhiều cách để giảng dạy các giáo lệnh trong phần này. Ví dụ, anh chị em có thể giảng dạy các giáo lệnh này trong một vài lần đến thăm. Hoặc anh chị em có thể giảng dạy một vài giáo lệnh là một phần của ba bài học đầu tiên. Khi giảng dạy các giáo lệnh, thì hãy chắc chắn phải liên kết chúng với giao ước báp têm và kế hoạch cứu rỗi.

Khi chịu phép báp têm, chúng ta giao ước với Thượng Đế rằng chúng ta sẽ “tuân giữ những lệnh truyền của Ngài” (Mô Si A 18:10; An Ma 7:15).

Thượng Đế đã ban cho chúng ta các giáo lệnh vì Ngài yêu thương chúng ta. Ngài muốn điều tốt nhất cho chúng ta, bây giờ lẫn trong thời vĩnh cửu. Là Cha Thiên Thượng của chúng ta nên Ngài biết những gì chúng ta cần cho sự an lạc về mặt thuộc linh và vật chất của mình. Ngài cũng biết điều sẽ mang lại cho chúng ta niềm hạnh phúc lớn lao nhất. Mỗi giáo lệnh là một ân tứ thiêng liêng, được ban cho để hướng dẫn các quyết định của chúng ta, bảo vệ chúng ta và giúp chúng ta tăng trưởng.

Một lý do mà chúng ta đến thế gian là để học hỏi và tăng trưởng qua việc sử dụng quyền tự quyết của mình một cách khôn ngoan (xin xem Áp Ra Ham 3:25). Việc chọn tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế—và hối cải khi chúng ta vấp phạm—giúp chúng ta điều hướng cuộc hành trình trần thế thường đầy thử thách này.

Các giáo lệnh của Thượng Đế là nguồn sức mạnh và các phước lành (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 82:8–9). Bằng cách tuân giữ các giáo lệnh, chúng ta biết rằng chúng không phải là những luật lệ nặng nề hạn chế sự tự do của chúng ta. Sự tự do đích thực phát xuất từ việc tuân theo các giáo lệnh. Sự vâng lời là nguồn sức mạnh mà mang đến cho chúng ta ánh sáng và sự hiểu biết qua Đức Thánh Linh. Điều này mang lại cho chúng ta nhiều hạnh phúc hơn và giúp chúng ta đạt được tiềm năng thiêng liêng của mình với tư cách là con cái của Thượng Đế.

Thượng Đế hứa ban phước cho chúng ta khi chúng ta tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Một số phước lành dành riêng cho một số giáo lệnh nào đó. Các phước lành tột bậc của Ngài là sự bình an trong cuộc sống này và cuộc sống vĩnh cửu của thế giới mai sau. (Xin xem Mô Si A 2:41; An Ma 7:16; Giáo Lý và Giao Ước 14:7; 59:23; 93:28; 130:20–21.)

Các phước lành của Thượng Đế là về mặt thuộc linh lẫn vật chất. Đôi khi, chúng ta cần phải kiên nhẫn chờ đợi chúng, tin tưởng rằng chúng sẽ đến đúng theo ý muốn và kỳ định của Ngài (xin xem Mô Si A 7:33; Giáo Lý và Giao Ước 88:68). Để phân biệt một số phước lành, chúng ta cần chú ý và quan sát về mặt thuộc linh. Điều này đặc biệt là đúng với các phước lành mà đến theo những cách đơn giản và dường như bình thường.

Một số phước lành có thể chỉ hiển nhiên trong nhận thức muộn màng. Một số phước lành khác có thể không đến cho đến sau cuộc sống này. Bất luận thời điểm hay tính chất của các phước lành của Thượng Đế là gì đi nữa thì chúng ta cũng có thể yên tâm rằng chúng sẽ đến khi chúng ta cố gắng sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 82:10).

Thượng Đế yêu thương tất cả các con cái của Ngài một cách trọn vẹn. Ngài kiên nhẫn với sự yếu kém của chúng ta, và Ngài tha thứ khi chúng ta hối cải.

Hai Giáo Lệnh Lớn

Khi Chúa Giê Su được hỏi: “Trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết?” Ngài đáp: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.”

Rồi Chúa Giê Su nói giáo lệnh lớn thứ hai cũng giống như giáo lệnh thứ nhất: “Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình” (Ma Thi Ơ 22:36–39). “Chẳng có điều răn nào lớn hơn hai điều đó” (Mác 12:31).

Là con cái linh hồn của Thượng Đế, chúng ta có rất nhiều khả năng để yêu thương. Đó là một phần di sản thiêng liêng của chúng ta. Việc sống theo hai giáo lệnh lớn—yêu kính Thượng Đế và yêu thương người lân cận của chúng ta—là đặc điểm hiển nhiên của các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Lòng Yêu Kính Thượng Đế

Có nhiều cách chúng ta có thể bày tỏ lòng yêu kính của mình đối với Thượng Đế. Chúng ta có thể tuân giữ các giáo lệnh của Ngài (xin xem Giăng 14:15, 21). Chúng ta có thể đặt Ngài lên trước hết trong cuộc sống của mình bằng cách tuân phục ý muốn của chúng ta theo Ngài. Chúng ta có thể tập trung những ước muốn, ý nghĩ và tâm hồn của mình vào Ngài (xin xem An Ma 37:36). Chúng ta có thể sống với lòng biết ơn về các phước lành mà Ngài đã ban cho chúng ta—và chia sẻ rộng rãi các phước lành đó (xin xem Mô Si A 2:21–24; 4:16–21). Qua sự cầu nguyện và phục vụ những người khác, chúng ta có thể bày tỏ và gia tăng lòng yêu kính của mình đối với Ngài.

Giống như các giáo lệnh khác, giáo lệnh phải yêu kính Thượng Đế là vì lợi ích của chúng ta. Điều chúng ta yêu mến xác định điều chúng ta tìm kiếm. Điều chúng ta tìm kiếm xác định điều chúng ta suy nghĩ và hành động. Và điều chúng ta suy nghĩ và hành động xác định con người hiện tại—và con người tương lai của chúng ta.

Yêu Thương Những Người Khác

Việc yêu thương những người khác là phần tiếp nối của lòng yêu kính của chúng ta đối với Thượng Đế. Đấng Cứu Rỗi đã dạy chúng ta nhiều cách để yêu thương những người khác (xin xem ví dụ Lu Ca 10:25–37Ma Thi Ơ 25:31–46). Chúng ta tìm đến chào đón họ vào tấm lòng và cuộc sống của chúng ta. Chúng ta yêu thương bằng cách phục vụ—bằng cách hy sinh bản thân mình dù chỉ bằng những cách nhỏ bé. Chúng ta yêu thương người khác bằng cách sử dụng các ân tứ mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta để ban phước cho họ.

Việc yêu thương người khác gồm có sự kiên nhẫn, tử tế và trung thực. Điều này gồm có sự rộng lòng tha thứ. Điều này có nghĩa là đối xử với tất cả mọi người bằng sự tôn trọng.

Khi chúng ta yêu thương ai thì chúng ta và người đó đều được ban phước. Tấm lòng của chúng ta mở rộng, cuộc sống của chúng ta trở nên có ý nghĩa hơn và niềm vui của chúng ta gia tăng.

Các Phước Lành

Hai giáo lệnh lớn—yêu kính Thượng Đế và yêu thương người lân cận của chúng ta—là nền tảng của tất cả các giáo lệnh của Thượng Đế (xin xem Ma Thi Ơ 22:40). Khi chúng ta yêu kính Thượng Đế trước hết và cũng yêu thương người khác thì mọi điều trong cuộc sống của chúng ta sẽ đi vào đúng vị trí của nó. Tình yêu thương này sẽ ảnh hưởng đến quan điểm của chúng ta, cách sử dụng thời gian của chúng ta, sở thích mà chúng ta theo đuổi và thứ tự ưu tiên của chúng ta.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

Tuân Theo Vị Tiên Tri

Thượng Đế kêu gọi các vị tiên tri làm những người đại diện của Ngài trên thế gian. Qua các vị tiên tri của Ngài, Ngài mặc khải lẽ thật và ban cho sự hướng dẫn cũng như những lời cảnh báo.

Thượng Đế đã kêu gọi Joseph Smith với tư cách là vị tiên tri đầu tiên của những ngày sau (xin xem bài học 1). Tương tự như vậy, những người kế vị Joseph Smith đã được Thượng Đế kêu gọi để lãnh đạo Giáo Hội của Ngài, kể cả vị tiên tri đang lãnh đạo Giáo Hội ngày nay. Chúng ta cần phải có lòng tin chắc về sự kêu gọi thiêng liêng của vị tiên tri tại thế và tuân theo những lời dạy của ông.

Những lời dạy của các vị tiên tri và sứ đồ tại thế mang đến một nền tảng của lẽ thật vĩnh cửu trong một thế giới đang có nhiều giá trị luôn thay đổi. Khi chúng ta tuân theo các vị tiên tri của Thượng Đế thì sự hỗn loạn và xung đột của thế giới sẽ không áp đảo chúng ta. Chúng ta sẽ tìm thấy nhiều hạnh phúc hơn trong cuộc sống này và nhận được sự hướng dẫn cho phần này của cuộc hành trình vĩnh cửu của mình.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

Tuân Thủ Mười Điều Giáo Lệnh

Thượng Đế đã mặc khải Mười Điều Giáo Lệnh cho một vị tiên tri thời xưa tên là Môi Se để hướng dẫn dân ông. Các giáo lệnh này cũng áp dụng nhiều trong thời kỳ của chúng ta. Chúng dạy chúng ta phải thờ phượng và cho thấy sự tôn kính đối với Thượng Đế. Chúng cũng dạy chúng ta cách đối xử với nhau.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

Hình Ảnh
người đàn ông đang cõng người phụ nữ

Sống Theo Luật Trinh Khiết

Luật trinh khiết là một phần thiết yếu trong kế hoạch của Thượng Đế dành cho sự cứu rỗi và tôn cao của chúng ta. Sự thân mật tình dục giữa vợ và chồng được Thượng Đế quy định để tạo ra con cái và để bày tỏ tình yêu trong vòng hôn nhân. Sự gần gũi này và khả năng tạo ra sự sống của con người là nhằm mục đích cao đẹp và thiêng liêng.

Luật trinh khiết của Thượng Đế là hoàn toàn không quan hệ tình dục ở bên ngoài vòng hôn nhân hợp pháp giữa một người nam và một người nữ. Luật này cũng có nghĩa là phải hoàn toàn chung thủy và trung thành với người phối ngẫu của một người sau khi kết hôn.

Để giúp chúng ta tuân giữ luật trinh khiết, các vị tiên tri đã khuyên bảo chúng ta phải trong sạch trong ý nghĩ và lời nói của mình. Chúng ta nên tránh hình ảnh sách báo khiêu dâm dưới mọi hình thức. Để tuân theo luật trinh khiết, chúng ta nên khiêm tốn trong hành vi và diện mạo của mình.

Những người sắp chịu phép báp têm phải sống theo luật trinh khiết.

Sự Hối Cải và Tha Thứ

Dưới mắt Thượng Đế, sự vi phạm luật trinh khiết là rất nghiêm trọng (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 20:14; Ê Phê Sô 5:3). Nó lạm dụng khả năng thiêng liêng mà Ngài đã ban để tạo ra sự sống. Nhưng Ngài vẫn tiếp tục yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta đã vi phạm luật này. Ngài mời gọi chúng ta phải hối cải và trở nên trong sạch nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Nỗi tuyệt vọng về tội lỗi có thể được thay thế bằng sự bình an tuyệt vời của sự tha thứ của Thượng Đế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 58:42–43).

Các Phước Lành

Thượng Đế đã ban cho luật trinh khiết để ban phước cho chúng ta và những đứa con linh hồn mà Ngài gửi đến thế gian. Việc tuân theo luật này là thiết yếu để có được sự bình an cá nhân và có được tình yêu thương, sự tin cậy và đoàn kết trong các mối quan hệ gia đình của chúng ta.

Khi sống theo luật trinh khiết, chúng ta sẽ được bảo vệ khỏi sự nguy hại của phần thuộc linh mà đến từ sự gần gũi tình dục bên ngoài vòng hôn nhân. Chúng ta cũng sẽ tránh những vấn đề về tình cảm và thể chất mà thường đi kèm với những mối quan hệ như vậy. Chúng ta sẽ tăng trưởng trong sự tin tưởng của mình trước mặt Thượng Đế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 121:45). Chúng ta sẽ cởi mở hơn với ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Chúng ta sẽ được chuẩn bị kỹ hơn để lập các giao ước thiêng liêng trong đền thờ mà kết hợp gia đình của chúng ta vĩnh viễn.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

  • Sách Hướng Dẫn Thánh Thư: “Sự Trinh Khiết

  • Các Đề Tài Phúc Âm: “Sự Trinh Khiết

Tuân Giữ Luật Thập Phân

Một đặc ân lớn lao của tư cách tín hữu trong Giáo Hội là cơ hội đóng tiền thập phân. Khi đóng thập phân, chúng ta giúp đẩy mạnh công việc của Thượng Đế và ban phước cho con cái của Ngài.

Luật thập phân đã có nguồn gốc từ thời Cựu Ước. Ví dụ, tiên tri Áp Ra Ham đóng một phần mười của tất cả những gì ông sở hữu (xin xem An Ma 13:15; Sáng Thế Ký 14:18–20).

Từ thập phân có nghĩa thực sự là một phần mười. Khi đóng thập phân, chúng ta hiến tặng một phần mười thu nhập của mình cho Giáo Hội (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 119:3–4; lợi tức được hiểu là thu nhập). Tất cả những gì chúng ta có là sự ban cho của Thượng Đế. Khi đóng tiền thập phân, chúng ta cho thấy lòng biết ơn đối với Ngài bằng cách trả lại một phần những gì Ngài đã ban cho chúng ta.

Việc đóng tiền thập phân là một cách bày tỏ đức tin. Đó cũng là một cách tôn vinh Thượng Đế. Chúa Giê Su đã dạy rằng chúng ta “trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời” (Ma Thi Ơ 6:33), và tiền thập phân là một cách thức để làm điều đó.

Hình Ảnh
Widow’s Mite (Đồng Tiền của Người Đàn Bà Góa), tranh của Sandra Rast

Sử Dụng Quỹ Thập Phân

Quỹ thập phân rất thiêng liêng. Chúng ta đưa tiền thập phân của mình cho một thành viên của giám trợ đoàn, hoặc trong nhiều khu vực, chúng ta có thể đóng tiền trực tuyến. Khi giám trợ đoàn nhận được tiền thập phân, họ sẽ chuyển số tiền đó đến trụ sở Giáo Hội.

Một hội đồng gồm có Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa quyết định cách sử dụng quỹ thập phân trong công việc của Thượng Đế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 120:1). Những cách sử dụng này gồm có:

  • Xây cất và bảo trì các đền thờ và các nhà hội.

  • Phiên dịch và xuất bản thánh thư.

  • Hỗ trợ các sinh hoạt và hoạt động của các giáo đoàn của Giáo Hội địa phương.

  • Hỗ trợ công việc truyền giáo trên khắp thế giới.

  • Hỗ trợ công việc lịch sử gia đình.

  • Tài trợ cho các trường học và chương trình giáo dục.

Tiền thập phân không được sử dụng để trả cho các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương. Họ tự nguyện phục vụ mà không nhận bất cứ khoản tiền nào.

Các Phước Lành

Khi chúng ta đóng tiền thập phân, Thượng Đế hứa ban các phước lành lớn lao hơn nhiều so với những gì chúng ta hiến tặng. Ngài sẽ “mở các cửa sổ trên trời … , đổ phước xuống … đến nỗi không chỗ chứa” (Ma La Chi 3:10; xin xem các câu 7–12). Các phước lành này có thể là về mặt thuộc linh lẫn vật chất.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

Tuân Theo Lời Thông Sáng

Luật Sức Khỏe của Chúa

Thể xác của chúng ta là ân tứ thiêng liêng từ Thượng Đế. Mỗi chúng ta đều cần một thể xác để trở nên giống như Ngài hơn. Thể xác của chúng ta quan trọng đến nỗi thánh thư so sánh chúng với đền thờ (xin xem 1 Cô Rinh Tô 6:19–20).

Chúa muốn chúng ta tôn trọng thân thể mình. Để giúp chúng ta làm điều này, Ngài đã mặc khải một điều luật về sức khỏe được gọi là Lời Thông Sáng. Điều mặc khải này dạy chúng ta về việc ăn những thực phẩm lành mạnh và không sử dụng những chất gây hại cho cơ thể của chúng ta—cụ thể là rượu mạnh, thuốc lá và đồ uống nóng (có nghĩa là trà và cà phê).

Theo tinh thần của Lời Thông Sáng, các vị tiên tri hiện đại đã cảnh báo về việc sử dụng các chất gây hại, bất hợp pháp hoặc gây nghiện khác. Các vị tiên tri cũng đã cảnh báo về việc lạm dụng thuốc theo toa bác sĩ. (Vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của anh chị em sẽ trả lời các câu hỏi về việc có nên sử dụng các chất khác trong khu vực địa lý của anh chị em hay không.)

Các phước lành

Chúa đã ban cho Lời Thông Sáng vì sự an lạc về phần thể chất và thuộc linh của chúng ta. Ngài hứa các phước lành lớn lao khi chúng ta tuân giữ giáo lệnh này. Các phước lành này gồm có sức khỏe, sự khôn ngoan, kho tàng kiến thức và sự bảo vệ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 89:18–21).

Việc tuân theo Lời Thông Sáng sẽ giúp chúng ta dễ tiếp nhận hơn những sự thúc giục của Đức Thánh Linh. Mặc dù chúng ta đều trải qua những thử thách về sức khỏe, nhưng việc tuân theo luật này sẽ giúp chúng ta khỏe mạnh hơn về thể chất, trí óc và tinh thần.

Những người sắp chịu phép báp têm phải tuân theo Lời Thông Sáng.

Để có được sự hướng dẫn về việc giúp đỡ những người đang vật lộn với chứng nghiện ngập, xin xem chương 10.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

Giữ Cho Ngày Sa Bát Được Thánh

Một Ngày Nghỉ Ngơi và Thờ Phượng

Ngày Sa Bát là một ngày thánh mà Thượng Đế đã dành riêng cho chúng ta mỗi tuần để chúng ta nghỉ ngơi sau những công việc thường ngày và để thờ phượng Ngài. Một trong Mười Điều Giáo Lệnh được ban cho Môi Se là “hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:8; xin xem thêm các câu 9–11).

Trong một điều mặc khải hiện đại, Chúa đã tái xác nhận rằng ngày Sa Bát “là ngày đã được định để cho các ngươi nghỉ ngơi khỏi phải lao nhọc, và để trả sự ngoan đạo cho Đấng Tối Cao” (Giáo Lý và Giao Ước 59:10). Ngài cũng phán rằng ngày Sa Bát phải là một ngày vui mừng, cầu nguyện và cảm tạ (xin xem các câu 14–15).

Là một phần của việc thờ phượng trong ngày Sa Bát của mình, chúng ta tham dự lễ Tiệc Thánh mỗi tuần. Trong buổi họp này, chúng ta thờ phượng Thượng Đế và dự phần Tiệc Thánh để tưởng nhớ tới Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài. Khi dự phần Tiệc Thánh, chúng ta tái lập các giao ước của mình với Thượng Đế và cho thấy rằng chúng ta sẵn lòng hối cải các tội lỗi của mình. Giáo lễ Tiệc Thánh là trọng tâm của việc chúng ta tuân thủ Ngày Sa Bát.

Ở nhà thờ, chúng ta cũng tham dự các lớp học mà trong đó chúng ta học thêm về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Đức tin của chúng ta tăng trưởng khi chúng ta cùng nghiên cứu thánh thư với nhau. Tình yêu thương của chúng ta phát triển khi chúng ta phục vụ và củng cố lẫn nhau.

Ngoài việc nghỉ ngơi khỏi những công việc của mình trong ngày Sa Bát, chúng ta cũng nên tránh mua sắm và các sinh hoạt khác mà làm cho ngày Sa Bát giống như một ngày thường. Chúng ta để qua một bên các sinh hoạt của thế gian và tập trung những ý nghĩ và hành động của mình vào các vấn đề thuộc linh.

Một Ngày để Làm Việc Thiện

Làm việc thiện vào ngày Sa Bát ít nhất cũng quan trọng như những điều chúng ta không làm để giữ cho ngày đó được thánh. Chúng ta học phúc âm, củng cố đức tin, xây đắp các mối quan hệ, phục vụ và tham gia vào các sinh hoạt khác mà nâng cao tinh thần với gia đình và bạn bè.

Hình Ảnh
cặp nam nữ đang đọc thánh thư

Các phước lành

Việc giữ cho ngày Sa Bát được thánh là một cách thể hiện lòng tận tụy của chúng ta đối với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Khi làm cho các sinh hoạt trong ngày Sa Bát của mình phù hợp với ý định của Thượng Đế về ngày đó, chúng ta sẽ cảm thấy vui vẻ và bình an. Chúng ta sẽ được nuôi dưỡng về phần thuộc linh và sảng khoái về phần thể chất. Chúng ta cũng sẽ cảm thấy gần gũi với Thượng Đế hơn và làm đậm đà thêm mối quan hệ của chúng ta với Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta sẽ hoàn toàn giữ cho mình “khỏi tì vết của thế gian” (Giáo Lý và Giao Ước 59:9). Ngày Sa Bát sẽ trở thành “ngày vui thích” (Ê Sai 58:13; xin xem thêm câu 14).

Nghiên Cứu Thánh Thư

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

  • Các Đề Tài Phúc Âm: “Ngày Sa Bát

  • Sách Hướng Dẫn Thánh Thư: “Ngày Sa Bát

Tuân Thủ và Tôn Trọng Luật Pháp

Các Thánh Hữu Ngày Sau tin vào việc tuân thủ luật pháp và làm các công dân tốt (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 134; Những Tín Điều 1:12). Các tín hữu Giáo Hội được khuyến khích nên phục vụ để cải thiện các cộng đồng và quốc gia của họ. Họ cũng được khuyến khích trở thành người có ảnh hưởng đối với các giá trị đạo đức lành mạnh trong xã hội và chính phủ.

Các tín hữu Giáo Hội được mời tham gia vào chính phủ và tiến trình chính trị đúng theo luật pháp. Các tín hữu nào nắm giữ các chức vụ trong chính phủ đều hành động theo tư cách là những công dân có quan tâm, chứ không phải với tư cách là đại diện của Giáo Hội.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

Hình Ảnh
Greatest in the Kingdom (Lớn Hơn Hết trong Nước Thiên Đàng), tranh của J. Kirk Richards

Giao Ước của Chúng Ta để Phục Vụ Thượng Đế và Những Người Khác

Sự phục vụ

Khi được báp têm, chúng ta lập giao ước để phục vụ Thượng Đế và những người khác. Việc phục vụ những người khác là một trong những lý do chính mà chúng ta phục vụ Thượng Đế (xin xem Mô Si A 2:17). Tiên tri An Ma đã dạy những người mong muốn chịu phép báp têm rằng họ phải “mang gánh nặng lẫn cho nhau, … than khóc với những ai than khóc …, và an ủi những ai cần được an ủi” (Mô Si A 18:8–9).

Ngay sau lễ báp têm, các tín hữu mới thường nhận được một sự kêu gọi để phục vụ trong Giáo Hội. Những sự kêu gọi này là tự nguyện và không được trả lương. Khi chấp nhận những sự kêu gọi này và siêng năng phục vụ, thì chúng ta sẽ tăng trưởng trong đức tin, phát triển tài năng và ban phước cho những người khác.

Một phần khác của sự phục vụ của chúng ta trong Giáo Hội là trở thành một “người anh em phục sự” hoặc “người chị em phục sự.” Trong trách nhiệm này, chúng ta phục vụ các cá nhân và gia đình đã được chỉ định.

Là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta tìm kiếm cơ hội để phục vụ mỗi ngày. Giống như Ngài, chúng ta “đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38). Chúng ta phục vụ những người lân cận của mình và những người khác trong cộng đồng của mình. Chúng ta có thể tham gia vào các cơ hội phục vụ qua chương trình JustServe nếu có. Chúng ta có thể hỗ trợ các nỗ lực nhân đạo của Giáo Hội và tham gia trong việc ứng phó với thảm họa.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

  • Sách Hướng Dẫn Thánh Thư: “Sự Phục Vụ

  • Các Đề Tài Phúc Âm: “Sự Phục Vụ

Hình Ảnh
mọi người đang trò chuyện

Chia Sẻ Phúc Âm

Là một phần của giao ước báp têm của mình, chúng ta hứa sẽ “đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế” (Mô Si A 18:9). Một cách chúng ta đứng lên làm nhân chứng là chia sẻ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Giúp những người khác tiếp nhận phúc âm là một trong những hình thức phục vụ vui sướng nhất mà chúng ta có thể thực hiện được (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 18:15–16). Đó là một cách bày tỏ mạnh mẽ về tình yêu thương của chúng ta.

Khi cảm nhận được các phước lành của việc sống theo phúc âm, thì chúng ta muốn chia sẻ các phước lành đó một cách tự nhiên. Những người trong gia đình, bạn bè và những người quen biết thường trở nên quan tâm khi chúng ta nêu gương thành tín và họ thấy phúc âm ban phước cho cuộc sống của chúng ta như thế nào. Chúng ta có thể chia sẻ phúc âm theo những cách bình thường và tự nhiên (xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, chương 23).

Chúng ta mời những người khác tham gia với chúng ta trong các sinh hoạt phục vụ, cộng đồng, giải trí và Giáo Hội. Chúng ta có thể mời họ đến dự một buổi họp của Giáo Hội hoặc một lễ báp têm. Chúng ta có thể mời họ xem một video trực tuyến để giải thích phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, đọc Sách Mặc Môn hoặc đến thăm một đền thờ đang mở cửa cho công chúng vào tham quan. Có hàng trăm lời mời mà chúng ta có thể đưa ra. Thông thường, lời mời chỉ có nghĩa là gồm vào gia đình, bạn bè và người hàng xóm của chúng ta trong những gì chúng ta đã làm rồi.

Nếu chúng ta cầu xin, Thượng Đế sẽ giúp chúng ta nhận ra các cơ hội để chia sẻ phúc âm và nói với những người khác về cách phúc âm ban phước cho cuộc sống của chúng ta.

Để biết thêm thông tin về việc áp dụng các nguyên tắc yêu thương, chia sẻ và mời gọi, xin xem “Hợp Nhất với Các Tín Hữu” trong chương 9.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

Nhịn Ăn và Các Của Lễ Nhịn Ăn

Thượng Đế thiết lập luật nhịn ăn là một cách để chúng ta phát triển sức mạnh thuộc linh và giúp đỡ những người gặp hoạn nạn.

Nhịn ăn có nghĩa là không ăn không uống trong một thời gian. Giáo Hội thường dành ra ngày Chủ Nhật đầu tiên của mỗi tháng làm ngày nhịn ăn. Một ngày nhịn ăn thường gồm có việc không ăn không uống trong khoảng thời gian 24 giờ nếu chúng ta có đủ sức khỏe. Các phần quan trọng khác của ngày Chủ Nhật nhịn ăn gồm có việc cầu nguyện và chia sẻ chứng ngôn. Chúng ta cũng được khuyến khích nhịn ăn vào những thời điểm khác khi chúng ta cảm thấy là cần thiết.

Xây Đắp Sức Mạnh Thuộc Linh

Việc nhịn ăn có thể giúp chúng ta trở nên khiêm nhường, đến gần Thượng Đế hơn và cảm thấy được đổi mới về phần thuộc linh. Trước khi bắt đầu giáo vụ của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã nhịn ăn (xin xem Ma Thi Ơ 4:1–2). Thánh thư ghi lại nhiều câu chuyện về các vị tiên tri và những người khác nhịn ăn để họ có thể gia tăng sức mạnh thuộc linh của mình và tìm kiếm các phước lành đặc biệt cho chính họ hoặc những người khác.

Nhịn ăn và cầu nguyện đi chung với nhau. Khi nhịn ăn và cầu nguyện với đức tin, thì chúng ta dễ nhận được sự mặc khải cá nhân hơn. Chúng ta cũng dễ lĩnh hội hơn để nhận ra lẽ thật và hiểu được ý muốn của Thượng Đế.

Giúp Đỡ Những Người Gặp Hoạn Nạn

Khi nhịn ăn, chúng ta hiến tặng tiền bạc cho Giáo Hội để giúp chăm sóc những người gặp hoạn nạn. Điều này được gọi là của lễ nhịn ăn. Chúng ta được mời hiến tặng một của lễ ít nhất ngang bằng giá trị của các bữa ăn đã không ăn. Chúng ta được khuyến khích nên rộng rãi và hiến tặng nhiều hơn giá trị của các bữa ăn này nếu có thể làm được như vậy. Việc hiến tặng một của lễ nhịn ăn là một cách mà chúng ta có thể phục vụ những người khác.

Của lễ nhịn ăn được sử dụng để cung cấp thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho những người đang gặp hoạn nạn, ở địa phương lẫn toàn cầu. Để biết thông tin về cách đóng góp của lễ nhịn ăn, xin xem “Hiến Tặng Tiền Thập Phân và Các Của Lễ Khác” trong bài học này.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Nhịn Ăn

Chăm Sóc Những Người Gặp Hoạn Nạn

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

  • Sách Hướng Dẫn Thánh Thư: “Nhịn Ăn, Sự Nhịn Ăn

  • Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: đoạn 22.2.2

  • Các Đề Tài Phúc Âm: “Nhịn Ăn và Của Lễ Nhịn Ăn

Hình Ảnh
gia đình ở bên ngoài đền thờ

Giao Ước của Chúng Ta để Kiên Trì đến Cùng

Khi chịu phép báp têm, chúng ta giao ước với Thượng Đế sẽ “kiên trì đến cùng” trong việc sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô (2 Nê Phi 31:20; xin xem thêm Mô Si A 18:13). Chúng ta cố gắng trở thành các môn đồ suốt đời của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tiên Tri Nê Phi trong Sách Mặc Môn đã mô tả phép báp têm là cánh cổng mà qua đó chúng ta bước vào con đường phúc âm (xin xem 2 Nê Phi 31:17). Sau phép báp têm, chúng ta tiếp tục “tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô” (2 Nê Phi 31:20).

Khi “tiến tới” trên con đường làm môn đồ, chúng ta chuẩn bị đi đền thờ. Ở đó, chúng ta sẽ lập giao ước với Thượng Đế khi tiếp nhận các giáo lễ đền thờ. Trong đền thờ, chúng ta sẽ được ban cho quyền năng và có thể được làm lễ gắn bó chung với gia đình cho thời vĩnh cửu. Việc tuân giữ các giao ước chúng ta lập trong đền thờ sẽ mở ra cánh cửa cho mọi đặc ân và phước lành thuộc linh mà Thượng Đế dành cho chúng ta.

Khi tiếp tục thành tín đi theo con đường phúc âm, thì cuối cùng chúng ta cũng sẽ nhận được ân tứ vĩ đại nhất của Thượng Đế—ân tứ về cuộc sống vĩnh cửu (xin xem 2 Nê Phi 31:20; Giáo Lý và Giao Ước 14:7).

Các phần sau đây giải thích một số khía cạnh của điều mà Thượng Đế đã ban cho để giúp chúng ta kiên trì đến cuối cuộc hành trình trên trần thế của mình—và tìm thấy niềm vui trong đó.

Chức Tư Tế và Các Tổ Chức Giáo Hội

Chức tư tế là thẩm quyền và quyền năng của Thượng Đế. Qua chức tư tế, Cha Thiên Thượng thực hiện công việc của Ngài “là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu” cho con cái của Ngài (Môi Se 1:39). Thượng Đế ban thẩm quyền và quyền năng cho các con trai và con gái của Ngài trên thế gian để giúp thực hiện công việc này.

Chức tư tế ban phước cho tất cả chúng ta. Những giáo lễ như phép báp têm và Tiệc Thánh được tiếp nhận qua những người nắm giữ các chức phẩm chức tư tế. Chúng ta cũng nhận được các phước lành về sự chữa lành, an ủi, và khuyên dạy.

Chức Tư Tế và Sự Lãnh Đạo cùng Những Sự Kêu Gọi của Giáo Hội

Giáo Hội được Chúa Giê Su Ky Tô lãnh đạo qua các vị tiên tri và sứ đồ. Các vị lãnh đạo này được Thượng Đế kêu gọi, sắc phong và ban cho thẩm quyền của chức tư tế để hành động trong danh của Đấng Cứu Rỗi.

Thời xưa, Đấng Ky Tô đã ban cho Các Sứ Đồ của Ngài cùng một thẩm quyền của chức tư tế này mà cho phép họ lãnh đạo Giáo Hội của Ngài sau khi Ngài thăng thiên. Cuối cùng, thẩm quyền đó đã bị mất khi mọi người chối bỏ phúc âm và các Sứ Đồ qua đời.

Các sứ giả thiên thượng đã phục hồi chức tư tế vào năm 1829 qua Tiên Tri Joseph Smith, và Chúa đã thiết lập lại Giáo Hội của Ngài với các sứ đồ và tiên tri. (Xin xem bài học 1.)

Ở cấp địa phương, các vị giám trợ và chủ tịch giáo khu có thẩm quyền của chức tư tế để lãnh đạo các giáo đoàn của Giáo Hội.

Khi những người nam và người nữ được kêu gọi và phong nhiệm để phục vụ trong Giáo Hội, thì họ được Thượng Đế ban cho thẩm quyền để hành động trong sự kêu gọi đó. Thẩm quyền này được ban cho những người truyền giáo, các vị lãnh đạo, các giảng viên và những người khác cho đến khi họ được giải nhiệm khỏi chức vụ kêu gọi của mình. Thẩm quyền này được ủy quyền dưới sự hướng dẫn của những người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế.

Thẩm quyền này của chức tư tế chỉ có thể được sử dụng trong sự ngay chính (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 121:34–46). Thẩm quyền này là một sự tin cậy thiêng liêng để đại diện cho Đấng Cứu Rỗi và hành động trong danh Ngài. Thẩm quyền này luôn nhằm mục đích ban phước và phục vụ những người khác.

Hình Ảnh
các thiếu niên trong trường chủ nhật

Chức Tư Tế A Rôn và Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc

Trong Giáo Hội, chức tư tế gồm có Chức Tư Tế A Rôn và Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Dưới sự hướng dẫn của những người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế, Chức Tư Tế A Rôn và Mên Chi Xê Đéc được truyền giao cho các nam tín hữu xứng đáng của Giáo Hội. Sau khi chức tư tế thích hợp đã được truyền giao, người nam này được sắc phong một chức phẩm trong chức tư tế đó, chẳng hạn như thầy trợ tế hoặc anh cả. Người này phải được sắc phong bởi một người có thẩm quyền cần thiết.

Khi một người đàn ông hoặc thiếu niên tiếp nhận chức tư tế, thì người đó lập giao ước với Thượng Đế để làm tròn các bổn phận thiêng liêng, phục vụ những người khác và giúp xây đắp Giáo Hội.

Các thiếu niên có thể tiếp nhận Chức Tư Tế A Rôn và được sắc phong thầy trợ tế bắt đầu vào tháng Một của năm mà họ lên 12 tuổi. Họ có thể được sắc phong thầy giảng trong năm mà họ lên 14 tuổi và thầy tư tế trong năm mà họ lên 16 tuổi. Những người nam cải đạo nào đủ tuổi đều có thể nhận được Chức Tư Tế A Rôn ngay sau khi chịu phép báp têm và lễ xác nhận. Những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn thực hiện các giáo lễ chẳng hạn như Tiệc Thánh và phép báp têm.

Sau một thời gian phục vụ với tư cách là thầy tư tế trong Chức Tư Tế A Rôn, một người nam xứng đáng 18 tuổi trở lên có thể nhận được Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và được sắc phong anh cả. Những người nam nào tiếp nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đều có thể thực hiện các giáo lễ của chức tư tế chẳng hạn như ban các phước lành chữa lành và an ủi cho những người trong gia đình và những người khác.

Xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, mục 38.2.9.1, để biết thông tin về các tín hữu mới tiếp nhận chức tư tế.

Các Nhóm Túc Số và Các Tổ Chức Giáo Hội

Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế. Một nhóm túc số là một nhóm được tổ chức với những người nắm giữ chức tư tế. Mỗi tiểu giáo khu có một nhóm túc số các anh cả dành cho những người nam đã trưởng thành. Các nhóm túc số thầy trợ tế, thầy giảng và thầy tư tế là dành cho các thiếu niên.

Hội Phụ Nữ. Hội Phụ Nữ gồm có những phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. Các thành viên của Hội Phụ Nữ củng cố gia đình, cá nhân và cộng đồng.

Hội Thiếu Nữ. Các thiếu nữ gia nhập tổ chức Hội Thiếu Nữ bắt đầu vào tháng Một của năm mà các em lên 12 tuổi.

Hình Ảnh
người phụ nữ đang giảng dạy lớp học

Hội Thiếu Nhi. Các trẻ em từ 3 đến 11 tuổi thuộc tổ chức Hội Thiếu Nhi.

Trường Chủ Nhật. Tất cả những người thành niên và thanh thiếu niên đều tham dự Trường Chủ Nhật là nơi họ gặp nhau để cùng học thánh thư với nhau.

Để biết thêm thông tin về chức tư tế, xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, chương 3.

Để biết thêm thông tin về các nhóm túc số chức tư tế và các tổ chức Giáo Hội, xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, các chương 8–13.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

  • Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, chương 3: “Các Nguyên Tắc của Chức Tư Tế

  • Các Đề Tài Phúc Âm: “Chức Tư Tế A Rôn,” “Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc,” “Chức Tư Tế

Hôn Nhân và Gia Đình

Hôn Nhân

Hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là do Thượng Đế quy định. Đó là trọng tâm kế hoạch của Ngài cho sự tiến triển vĩnh cửu của con cái Ngài.

Sự kết hợp giữa vợ và chồng trong hôn nhân nên là mối quan hệ được trân quý nhất của họ trên trần thế. Họ có trách nhiệm thiêng liêng là chung thủy với nhau và thành tín với giao ước hôn nhân của họ.

Vợ chồng đều bình đẳng dưới mắt Thượng Đế. Người này không nên lấn át người kia. Những quyết định của họ nên được đưa ra trong sự nhất trí và yêu thương với sự tham gia trọn vẹn của cả hai.

Khi vợ chồng yêu thương nhau và cùng nhau làm việc, thì hôn nhân của họ có thể là nguồn hạnh phúc lớn lao nhất của họ. Họ có thể giúp nhau và con cái của họ để tiến tới cuộc sống vĩnh cửu.

Gia Đình

Giống như hôn nhân, gia đình đã được Thượng Đế quy định và là trọng tâm trong kế hoạch của Ngài dành cho hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta. Gia đình của chúng ta chắc chắn sẽ được hạnh phúc khi chúng ta sống theo những lời dạy của Chúa Giê Su Ky Tô. Cha mẹ dạy con cái họ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và nêu gương trong việc sống theo phúc âm đó. Gia đình tạo cơ hội cho chúng ta yêu thương và phục vụ lẫn nhau.

Cha mẹ nên đặt gia đình của họ làm ưu tiên hàng đầu. Việc chăm sóc con cái mà họ có thể sinh ra hoặc nhận nuôi là một đặc ân và trách nhiệm thiêng liêng đối với cha mẹ.

Tất cả mọi gia đình đều có thử thách. Khi chúng ta tìm kiếm sự hỗ trợ của Thượng Đế và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, thì những thử thách trong gia đình có thể giúp chúng ta học hỏi và tăng trưởng. Đôi khi những thử thách này giúp chúng ta học cách hối cải và tha thứ.

Hình Ảnh
người cha đang giảng dạy cho gia đình

Các vị lãnh đạo Giáo Hội đã khuyến khích các tín hữu nên tổ chức một buổi họp tối gia đình tại nhà hằng tuần. Cha mẹ sử dụng thời gian này để giảng dạy phúc âm cho con cái của họ, củng cố mối quan hệ gia đình và vui chơi cùng nhau. Các vị lãnh đạo Giáo Hội cũng đã công bố một bản tuyên ngôn để giảng dạy các lẽ thật quan trọng về gia đình (xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org).

Những cách khác để củng cố gia đình gồm có việc cầu nguyện chung với gia đình, học thánh thư và cùng nhau thờ phượng tại nhà thờ. Chúng ta cũng có thể sưu tầm lịch sử gia đình, thu thập các câu chuyện gia đình và phục vụ những người khác.

Nhiều người có rất ít cơ hội để kết hôn hoặc có những mối quan hệ yêu thương trong gia đình. Nhiều người đã trải qua cảnh ly hôn và những hoàn cảnh khó khăn khác trong gia đình. Tuy nhiên, phúc âm ban phước cho mỗi người chúng ta bất kể hoàn cảnh gia đình của chúng ta ra sao đi nữa. Và khi chúng ta thành tín thì Thượng Đế sẽ ban cho một cách để chúng ta có được các phước lành của các gia đình yêu thương, cho dù trong cuộc sống này hay trong cuộc sống mai sau.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Hôn Nhân

Gia Đình

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

Công Việc Đền Thờ và Lịch Sử Gia Đình dành cho Các Tổ Tiên Đã Qua Đời

Cha Thiên Thượng yêu thương tất cả con cái của Ngài và mong muốn sự cứu rỗi và sự tôn cao cho họ. Tuy nhiên, hàng tỷ người đã chết mà không được nghe phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô hoặc nhận được các giáo lễ cứu rỗi của phúc âm. Các giáo lễ này gồm có phép báp têm, lễ xác nhận, lễ sắc phong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc dành cho nam giới, lễ thiên ân trong đền thờ và lễ hôn phối vĩnh cửu.

Qua ân điển và lòng thương xót của Ngài, Chúa đã ban cho một cách thức khác để những người này nhận được phúc âm và các giáo lễ phúc âm. Trong thế giới linh hồn, phúc âm được thuyết giảng cho những người đã chết mà không nhận được phúc âm (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138). Trong đền thờ, chúng ta có thể thực hiện các giáo lễ thay cho tổ tiên đã qua đời của mình và những người khác. Lúc ấy, những người đã chết này trong thế giới linh hồn có thể chấp nhận hoặc từ chối phúc âm và các giáo lễ được thực hiện cho họ.

Hình Ảnh
gia đình đang học tập thánh thư

Trước khi có thể thực hiện các giáo lễ này, chúng ta cần nhận ra các tổ tiên của mình là những người chưa nhận được các giáo lễ này. Việc nhận ra những người trong gia đình của chúng ta để họ có thể nhận được các giáo lễ là mục đích chính của công việc lịch sử gia đình của chúng ta. Khi tìm thấy thông tin về họ, chúng ta thêm thông tin đó vào cơ sở dữ liệu của Giáo Hội tại trang mạng FamilySearch.org. Sau đó, chúng ta (hoặc những người khác) có thể thực hiện các giáo lễ thay cho họ trong đền thờ.

Khi chúng ta nhận ra các tổ tiên của mình và thực hiện các giáo lễ cho họ thì gia đình của chúng ta có thể được hợp nhất trong thời vĩnh cửu.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này

Đền Thờ, Lễ Thiên Ân, Hôn Nhân Vĩnh Cửu và Gia Đình Vĩnh Cửu

Đền Thờ

Đền thờ là nhà của Chúa. Đó là một nơi thánh mà chúng ta có thể lập giao ước với Thượng Đế khi chúng ta tiếp nhận các giáo lễ thiêng liêng của Ngài. Khi tuân giữ các giao ước này, chúng ta sẽ có quyền năng của sự tin kính thể hiện trong cuộc sống của mình (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:19–22; 109:22–23).

Lễ Thiên Ân

Một trong các giáo lễ mà chúng ta nhận được trong đền thờ gọi là lễ thiên ân. Từ thiên ân có nghĩa là “một ân tứ.” Ân tứ về sự hiểu biết và quyền năng này đến từ Thượng Đế. Trong lễ thiên ân, chúng ta lập các giao ước với Thượng Đế để ràng buộc chúng ta với Ngài và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem chương 1).

Những người thành niên có thể hội đủ điều kiện để tiếp nhận lễ thiên ân trong đền thờ cho chính họ sau ít nhất một năm là tín hữu của Giáo Hội. Để biết thêm thông tin về lễ thiên ân, xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, phần 27.2.

Hôn Nhân Vĩnh Cửu và Gia Đình Vĩnh Cửu

Kế hoạch hạnh phúc của Thượng Đế làm cho mối quan hệ gia đình có thể được tồn tại sau cái chết. Trong đền thờ, chúng ta có thể kết hôn cho thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu. Điều này làm cho các gia đình có thể ở bên nhau vĩnh viễn.

Sau khi các cặp vợ chồng đã nhận được lễ thiên ân trong đền thờ thì họ có thể được làm lễ gắn bó hoặc kết hôn cho thời vĩnh cửu. Con cái của họ có thể được làm lễ gắn bó với họ.

Vợ chồng đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ đều phải tuân giữ các giao ước mà họ đã lập để tiếp nhận các phước lành của hôn nhân vĩnh cửu.

Hình Ảnh
cặp nam nữ đi dạo trên đường

Nghiên Cứu Thánh Thư

Học Hỏi Thêm về Nguyên Tắc Này