Những Sự Kêu Gọi trong Phái Bộ Truyền Giáo
Chương 6: Tìm Kiếm Các Thuộc Tính Giống Như Đấng Ky Tô


“Chương 6: Tìm Kiếm Các Thuộc Tính Giống Như Đấng Ky Tô,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Cách Chia Sẻ Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô (năm 2023)

“Chương 6,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta

Hình Ảnh
Calling of the Fishermen (Sự Kêu Gọi Những Người Đánh Cá), tranh của Harry Anderson

Chương 6

Tìm Kiếm Các Thuộc Tính Giống Như Đấng Ky Tô

Hãy Suy Ngẫm về Những Câu Hỏi Này

  • Làm thế nào việc tìm kiếm các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô sẽ giúp tôi hoàn thành mục đích của mình với tư cách là một người truyền giáo?

  • Làm thế nào tôi có thể tìm kiếm lẫn nhận được các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô?

  • Bây giờ tôi nên tập trung vào thuộc tính nào hoặc các thuộc tính nào?

Lời Giới Thiệu

Khi bắt đầu giáo vụ trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đã đi dọc theo bờ Biển Ga Li Lê và kêu gọi hai người đánh cá, Phi E Rơ và Anh Rê. Ngài phán: “Hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người” (Ma Thi Ơ 4:19; xin xem thêm Mác 1:17).

Chúa cũng đã kêu gọi anh chị em làm công việc của Ngài và Ngài cũng mời gọi anh chị em đi theo Ngài. “Các ngươi nên là những người như thế nào?” Ngài hỏi. “Quả thật, ta nói cho các ngươi hay, các ngươi phải giống như ta vậy” (3 Nê Phi 27:27).

Một số chương trong Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta tập trung vào điều anh chị em cần phải làm với tư cách là người truyền giáo, chẳng hạn như cách học, cách giảng dạy và cách đặt mục tiêu. Việc anh chị em là aianh chị em đang trở thành người như thế nào cũng thiết yếu như những gì anh chị em làm. Đó là trọng tâm của chương này.

Thánh thư mô tả các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô mà rất cần thiết để anh chị em tìm kiếm với tư cách là người truyền giáo và trong suốt cuộc đời của anh chị em. Thuộc tính giống như Đấng Ky Tô là đức tính hoặc đặc điểm của thiên tính và đặc tính của Đấng Cứu Rỗi. Chương này mô tả một số thuộc tính đó. Nghiên cứu những thuộc tính này và các câu thánh thư liên quan đến chúng. Tìm kiếm các thuộc tính khác mà giống như Đấng Ky Tô khi anh chị em nghiên cứu các đoạn thánh thư khác.

Học Tập Riêng Cá Nhân

Nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 4. Những thuộc tính nào Chúa xác định là quan trọng đối với những người truyền giáo? Làm thế nào việc tìm kiếm những thuộc tính này giúp anh chị em hoàn thành mục đích truyền giáo của mình?

“Hãy Tìm Kiếm Chúa Giê Su Này”

Tiên Tri Mô Rô Ni khuyên nhủ: “Tôi muốn khuyên nhủ các người hãy tìm kiếm Chúa Giê Su này, tức là Đấng mà các tiên tri và các sứ đồ đã từng viết đến” (Ê The 12:41). Một cách quan trọng để tìm kiếm Chúa Giê Su là nỗ lực chuyên cần học hỏi về Ngài và trở nên giống như Ngài hơn. Công việc truyền giáo của anh chị em là thời điểm lý tưởng để tập trung vào điều này.

Khi cố gắng trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn, thì anh chị em sẽ hoàn thành tốt hơn mục đích của mình với tư cách là người truyền giáo. Anh chị em sẽ kinh nghiệm được niềm vui, sự bình an và sự tăng trưởng thuộc linh khi các thuộc tính của Ngài trở thành một phần trong đặc tính của anh chị em. Anh chị em cũng sẽ thiết lập một nền tảng để tiếp tục đi theo Ngài trong suốt cuộc đời của mình.

Các Ân Tứ từ Thượng Đế

Các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô là ân tứ từ Thượng Đế. Giống như tất cả những điều tốt lành, các ân tứ này đến nhờ vào “ân điển của Thượng Đế Đức Chúa Cha, và Chúa Giê Su Ky Tô, và Đức Thánh Linh” (Ê The 12:41).

Hãy tập trung vào Đấng Ky Tô khi anh chị em tìm cách trau dồi các thuộc tính của Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 6:36). Các thuộc tính này không phải là các mục trong một bản liệt kê. Chúng không phải là những kỹ thuật mà anh chị em phát triển trong một chương trình cải thiện bản thân. Chúng không đạt được chỉ nhờ qua quyết tâm cá nhân. Đúng hơn, anh chị em có thể nhận được chúng khi cố gắng trở thành một môn đồ tận tụy hơn của Chúa Giê Su Ky Tô.

Hãy cầu nguyện để Thượng Đế ban phước cho anh chị em với những thuộc tính này. Hãy khiêm tốn thừa nhận sự yếu kém của anh chị em và sự cần thiết để có được quyền năng của Ngài trong cuộc sống của anh chị em. Khi anh chị em làm như vậy, Ngài sẽ “làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với [anh chị em]” (Ê The 12:27).

Một Tiến Trình Diễn Ra Dần Dần

Việc trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn là một tiến trình diễn ra dần dần và suốt đời. Với ước muốn làm hài lòng Thượng Đế, hãy cải thiện từng quyết định một.

Hãy kiên nhẫn với bản thân mình. Thượng Đế biết rằng cần có thời gian để thay đổi và tăng trưởng. Ngài hài lòng với những ước muốn chân thành của anh chị em và sẽ ban phước cho mọi nỗ lực của anh chị em.

Khi anh chị em tìm cách trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn, những ước muốn, ý nghĩ và hành động của anh chị em sẽ thay đổi. Qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và quyền năng của Đức Thánh Linh, chính bản tính của anh chị em sẽ được tôi luyện (xin xem Mô Si A 3:19).

Hình Ảnh
Parley P. Pratt

Đức Thánh Linh phát huy và gia tăng khả năng của chúng ta. Ngài “soi dẫn đức hạnh, lòng tử tế, lòng nhân từ, tính dịu dàng hòa nhã và lòng bác ái. … Nói tóm lại, nó đang và đã như là tủy cho xương, niềm vui cho tâm hồn, ánh sáng cho đôi mắt, âm nhạc cho đôi tai và sự sống cho toàn thân người” (Parley P. Pratt, Key to the Science of Theology [năm 1855], trang 98–99).

Nghiên Cứu Thánh Thư

Những câu thánh thư này dạy điều gì về việc noi theo gương của Chúa Giê Su Ky Tô?

Anh chị em có thể học được điều gì từ những câu thánh thư sau đây về việc tìm kiếm các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô?

Hình Ảnh
Arise and Walk (Hãy Đứng Dậy Mà Đi), tranh của Simon Dewey

Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô

Để đức tin dẫn đến sự cứu rỗi, anh chị em phải tập trung đức tin vào Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 4:10–12; Mô Si A 3:17; Mô Rô Ni 7:24–26). Khi có đức tin nơi Đấng Ky Tô, anh chị em tin cậy nơi Ngài là Con Độc Sinh của Thượng Đế. Anh chị em tin tưởng rằng nếu hối cải, thì anh chị em sẽ được tha thứ các tội lỗi của mình qua sự hy sinh chuộc tội của Ngài và được thánh hóa bởi Đức Thánh Linh (xin xem 3 Nê Phi 27:16, 20).

Đức tin không phải là có được sự hiểu biết hoàn hảo. Đúng hơn, đó là sự bảo đảm từ Thánh Linh về những sự việc mà anh chị em không nhìn thấy nhưng có thật. (Xin xem An Ma 32:21.)

Anh chị em cho thấy đức tin của mình qua hành động. Những hành động này gồm có việc tuân theo những lời giảng dạy và noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi. Chúng gồm có việc phục vụ những người khác và giúp họ chọn đi theo Đấng Ky Tô. Anh chị em cũng cho thấy đức tin của mình qua sự siêng năng, hối cải và tình yêu thương.

Đức tin là một nguyên tắc của quyền năng. Khi thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, anh chị em sẽ được ban phước với quyền năng của Ngài phù hợp với hoàn cảnh của anh chị em. Anh chị em sẽ có thể kinh nghiệm những phép lạ theo ý muốn của Chúa. (Xin xem Gia Cốp 4:4–7; Mô Rô Ni 7:33; 10:7.)

Đức tin của anh chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô sẽ tăng trưởng khi anh chị em trở nên quen thuộc hơn với Ngài và những lời giảng dạy của Ngài. Đức tin đó sẽ gia tăng khi anh chị em tra cứu thánh thư, cầu nguyện chân thành và tuân theo các lệnh truyền. Sự nghi ngờ và tội lỗi làm suy yếu đức tin.

Hình Ảnh
Anh Cả Neil L. Andersen

“Đức tin không phải chỉ là một cảm giác; mà còn là một quyết định. Với sự cầu nguyện, học hỏi, vâng lời và các giao ước, chúng ta xây đắp và củng cố đức tin của mình. Lòng tin chắc của chúng ta về Đấng Cứu Rỗi và công việc ngày sau của Ngài trở thành một thấu kính phi thường mà qua đó chúng ta xét đoán mọi điều khác một cách thích đáng. Sau đó, khi thấy mình đang ở trong thử thách cam go của cuộc sống, … thì chúng ta có sức mạnh để đi theo con đường đúng” (Neil L. Andersen, “It’s True, Isn’t It? Then What Else Matters?Liahona, tháng Năm năm 2007, trang 74).

Nghiên Cứu Thánh Thư

Đức tin là gì?

Bằng cách nào anh chị em có được đức tin, và anh chị em có thể làm gì nhờ vào đức tin?

Những phước lành nào có được nhờ vào đức tin?

Hình Ảnh
Risen Hope (Hy Vọng được Vươn Lên) tranh của Joseph Brickey

Hy vọng

Hy vọng không phải chỉ là mơ tưởng. Đúng hơn, đó là sự tin tưởng lâu dài, dựa trên đức tin của anh chị em nơi Đấng Ky Tô, rằng Thượng Đế sẽ làm tròn những lời hứa của Ngài với anh chị em (xin xem Mô Rô Ni 7:42). Đó là sự mong đợi “những sự tốt lành sau này” nhờ vào Đấng Ky Tô (Hê Bơ Rơ 9:11).

Nguồn hy vọng tột bậc của anh chị em là Chúa Giê Su Ky Tô. Tiên tri Mặc Môn đã hỏi: “Các người sẽ hy vọng điều gì?” Rồi ông đáp: “Qua sự chuộc tội của Đấng Ky Tô cùng quyền năng phục sinh của Ngài, các người sẽ có hy vọng được sống lại vĩnh cửu, và sở dĩ được vậy là nhờ các người có đức tin nơi Ngài theo như lời hứa” (Mô Rô Ni 7:41; xin xem các câu 40–43).

Khi tập trung niềm hy vọng của mình vào Đấng Ky Tô, thì anh chị em có sự bảo đảm rằng tất cả mọi việc sẽ hiệp lại với nhau vì lợi ích của anh chị em (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 90:24). Sự bảo đảm này giúp anh chị em kiên trì với đức tin khi đương đầu với thử thách. Nó cũng có thể giúp anh chị em tăng trưởng từ những thử thách và phát triển sự kiên cường và sức mạnh thuộc linh. Hy vọng nơi Đấng Ky Tô mang đến một cái neo cho linh hồn của anh chị em (xin xem Ê The 12:4).

Hy vọng mang đến cho anh chị em sự tin tưởng rằng Thượng Đế sẽ làm vinh hiển những nỗ lực siêng năng, ngay chính của anh chị em (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 123:17).

Một cách để gia tăng hy vọng là qua sự hối cải. Việc trở nên được thanh tẩy và được tha thứ nhờ sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô khơi dậy và làm sống lại niềm hy vọng (xin xem An Ma 22:16).

Nê Phi khuyên nhủ: “Phải tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức xán lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người” (2 Nê Phi 31:20). Khi sống theo phúc âm, anh chị em sẽ phát triển khả năng của mình để “được dư dật sự trông cậy” (Rô Ma 15:13).

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf

“Trong những lúc đau buồn, chúng ta có thể giữ chặt hy vọng rằng mọi việc sẽ ‘hiệp lại với nhau vì lợi ích của [chúng ta]’ khi chúng ta tuân theo lời khuyên dạy của các vị tiên tri của Thượng Đế. Loại hy vọng này nơi Thượng Đế, lòng nhân từ của Ngài và quyền năng của Ngài để làm khơi lại sự can đảm nơi chúng ta trong những lúc thử thách khó khăn và mang đến sức mạnh cho những ai cảm thấy bị đe dọa bởi những bức tường sợ hãi, nghi ngờ và tuyệt vọng” (Dieter F. Uchtdorf, “The Infinite Power of Hope,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 23).

Nghiên Cứu Thánh Thư

Hy vọng là gì và chúng ta hy vọng điều gì?

Hình Ảnh
Christ and the Children (Đấng Ky Tô và Trẻ Nhỏ), tranh của Minerva Teichert

Lòng Bác Ái và Tình Yêu Thương

Có lần một người đã hỏi Chúa Giê Su: “Thưa thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết?” Chúa Giê Su đáp: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình” (Ma Thi Ơ 22:36–39).

Lòng bác ái là “tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:47). Nó bao gồm có tình yêu thương vĩnh cửu của Thượng Đế dành cho tất cả con cái của Ngài.

Tiên tri Mặc Môn dạy: “Cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh lực của lòng mình, để các người được tràn đầy tình yêu thương này” (Mô Rô Ni 7:48). Khi cầu nguyện để có lòng bác ái tràn đầy, anh chị em sẽ cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế. Tình yêu thương của anh chị em dành cho mọi người sẽ gia tăng và anh chị em sẽ tiến đến việc cảm thấy một mối quan tâm chân thành đến hạnh phúc vĩnh cửu của họ. Anh chị em sẽ thấy họ là con cái của Thượng Đế với tiềm năng được trở nên giống như Ngài, và anh chị em sẽ lao nhọc thay cho họ.

Khi cầu nguyện để có được ân tứ về lòng bác ái, anh chị em sẽ ít có khuynh hướng giữ chặt những cảm nghĩ tiêu cực chẳng hạn như cơn tức giận hoặc lòng ganh tị. Anh chị em sẽ trở nên ít phê phán hay chỉ trích người khác hơn. Anh chị em sẽ có nhiều ước muốn hơn để cố gắng hiểu họ và hiểu quan điểm của họ. Anh chị em sẽ trở nên kiên nhẫn hơn và cố gắng giúp đỡ mọi người khi họ gặp khó khăn hoặc nản lòng. (Xin xem Mô Rô Ni 7:45.)

Giống như đức tin, lòng bác ái dẫn đến hành động. Anh chị em củng cố lòng bác ái khi phục vụ người khác và hy sinh bản thân mình.

Lòng bác ái có khả năng chuyển hóa. Cha Thiên Thượng ban lòng bác ái cho “tất cả những tín đồ chân chính của Vị Nam Tử của Ngài, tức là Chúa Giê Su Ky Tô; … để khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ được giống như Ngài, … ngõ hầu chúng ta được thanh khiết giống như Ngài thanh khiết vậy” (Mô Rô Ni 7:48).

Nghiên Cứu Thánh Thư

Lòng bác ái là gì?

Chúa Giê Su Ky Tô đã cho thấy lòng bác ái như thế nào?

Anh chị em có thể học được gì về lòng bác ái từ những câu thánh thư sau đây?

Hình Ảnh
Ê Xơ Tê (Hoàng Hậu Ê Xơ Tê), tranh của Minerva Teichert

Đức Hạnh

Những Tín Điều nói rõ: “Chúng tôi tin ở … đạo đức” (1:13). Đức hạnh là mẫu mực suy nghĩ và hành động dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức cao. Đó là lòng trung thành đối với Thượng Đế và những người khác. Một phần thiết yếu của đức hạnh là cố gắng sống trong sạch và thanh khiết về phần thuộc linh lẫn thể chất.

Đức hạnh bắt nguồn từ những ý nghĩ và ước muốn của anh chị em. Chúa phán: “Hãy để cho đức hạnh của ngươi làm đẹp tư tưởng của ngươi luôn luôn” (Giáo Lý và Giao Ước 121:45). Tập trung vào những ý nghĩ ngay chính, những suy nghĩ nâng cao tinh thần. Hãy loại bỏ những ý nghĩ không xứng đáng ra khỏi tâm trí của anh chị em thay vì giữ chặt chúng.

Tâm trí của anh chị em giống như một sân khấu trong rạp hát. Nếu cho phép những ý nghĩ không lành mạnh nán lại trong tâm trí của mình thì anh chị em có nhiều khả năng phạm tội hơn. Nếu tích cực lấp đầy tâm trí mình bằng những điều lành mạnh thì anh chị em có nhiều khả năng đón nhận những điều đức hạnh hơn và tránh xa những điều xấu xa. Hãy khôn ngoan về những gì anh chị em cho phép vào và ở lại trên sân khấu của tâm trí mình.

Khi cố gắng sống đạo đức thì “niềm tin của [anh chị em] sẽ vững mạnh trong sự hiện diện của Thượng Đế, và … Đức Thánh Linh sẽ là người bạn đồng hành luôn luôn ở bên [anh chị em]” (Giáo Lý và Giao Ước 121:45–46).

Nghiên Cứu Thánh Thư

Sống đạo đức có nghĩa là gì?

Sự Liêm Chính

Sự liêm chính bắt nguồn từ giáo lệnh lớn đầu tiên là yêu kính Thượng Đế (xin xem Ma Thi Ơ 22:37). Vì yêu kính Thượng Đế nên anh chị em luôn trung thành với Ngài. Giống như các con trai của Hê La Man, anh chị em “bước đi ngay thẳng trước mặt Ngài” (An Ma 53:21).

Khi có tính liêm chính, anh chị em hiểu rằng có đúng và có sai và có lẽ thật tuyệt đối—lẽ thật của Thượng Đế. Anh chị em sử dụng quyền tự quyết của mình để chọn theo lẽ thật của Thượng Đế, và nhanh chóng hối cải khi không làm như vậy. Những gì anh chị em chọn để suy nghĩ—và những gì anh chị em làm khi tin rằng không có ai đang nhìn—là thước đo mạnh mẽ cho sự liêm chính của anh chị em.

Hình Ảnh
Daniel in the Lions’ Den (Đa Ni Ên trong Hang Sư Tử), tranh của Clark Kelley Price

Liêm chính có nghĩa là anh chị em không hạ thấp tiêu chuẩn hoặc hành vi của mình để có thể gây ấn tượng hoặc được người khác chấp nhận. Anh chị em làm điều đúng ngay cả khi người khác chế giễu ước muốn của mình là phải trung thành với Thượng Đế (xin xem 1 Nê Phi 8:24–28). Anh chị em sống có danh dự trong mọi môi trường, kể cả cách anh chị em góp mặt trực tuyến.

Khi có tính liêm chính, anh chị em tuân giữ các giao ước của mình với Thượng Đế cũng như các cam kết ngay chính của mình với những người khác.

Sự liêm chính gồm có sự trung thực đối với Thượng Đế, với chính mình, với các vị lãnh đạo của mình và với những người khác. Anh chị em không nói dối, ăn cắp, gian lận hoặc lừa gạt. Khi làm điều sai, anh chị em nhận trách nhiệm và hối cải thay vì cố gắng biện minh hoặc hợp lý hóa điều đó.

Khi sống liêm chính, anh chị em sẽ có được sự bình an nội tâm và lòng tự trọng. Chúa và những người khác sẽ tin tưởng anh chị em.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Chúa Giê Su đã cho thấy sự liêm chính như thế nào ngay cả trong những lúc yếu đuối nhất của Ngài?

Các chiến sĩ trẻ tuổi trong quân đội của Hê La Man cho thấy tính liêm chính như thế nào?

Đa Ni Ên cho thấy tính liêm chính như thế nào? Thượng Đế đã ban phước cho Đa Ni Ên như thế nào vì tính liêm chính của ông?

Tại sao Chúa yêu thương anh trai Hyrum của Joseph Smith?

Hình Ảnh
Add to Faith, Virtue (Thêm Đức Hạnh vào Đức Tin) tranh của Walter Rane

Sự hiểu biết

Chúa đã dạy: “Hãy tìm kiếm sự hiểu biết, ngay cả bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin” (Giáo Lý và Giao Ước 88:118). Trong khi truyền giáo và trong suốt cuộc đời của anh chị em, hãy tìm kiếm sự hiểu biết, nhất là sự hiểu biết về phần thuộc linh.

Học thánh thư mỗi ngày, cũng như những lời của các vị tiên tri tại thế. Qua việc học tập và cầu nguyện, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ cho những câu hỏi, thử thách và cơ hội cụ thể. Hãy tìm những đoạn thánh thư mà anh chị em có thể sử dụng trong việc giảng dạy và trả lời các câu hỏi về phúc âm.

Khi anh chị em siêng năng và thành tâm học hỏi thì Đức Thánh Linh sẽ soi sáng tâm trí của anh chị em. Ngài sẽ giảng dạy cho anh chị em và ban sự hiểu biết cho anh chị em. Ngài sẽ giúp anh chị em áp dụng những lời giảng dạy của thánh thư và của các vị tiên tri ngày sau vào cuộc sống của anh chị em. Giống như Nê Phi, anh chị em có thể nói:

“Vì tâm hồn tôi rất vui thích các thánh thư, và lòng tôi suy ngẫm nhiều về thánh thư. … Này, tâm hồn tôi rất vui thích những công việc của Chúa; và lòng tôi không ngớt suy ngẫm về những điều tôi đã nghe và thấy” (2 Nê Phi 4:15–16).

Nghiên Cứu Thánh Thư

Làm thế nào sự hiểu biết có thể giúp anh chị em làm công việc của Chúa?

Anh chị em có thể đạt được sự hiểu biết bằng cách nào?

Hình Ảnh
ánh nắng mặt trời rọi bóng một người

Sự Kiên Nhẫn

Sự kiên nhẫn là khả năng tin cậy Thượng Đế khi anh chị em gặp phải sự trì hoãn, chống đối hoặc đau khổ. Nhờ đức tin của mình, anh chị em tin cậy vào kỳ định của Thượng Đế cho các phước lành đã hứa của Ngài được ứng nghiệm.

Khi có kiên nhẫn, anh chị em nhìn cuộc sống từ một quan điểm vĩnh cửu. Anh chị em không mong đợi các phước lành hoặc kết quả ngay lập tức. Những ước muốn ngay chính của anh chị em thường sẽ được thực hiện “từng hàng chữ một, … nơi này một ít, nơi kia một ít” (2 Nê Phi 28:30). Một số ước muốn ngay chính có thể không được thực hiện cho đến sau cuộc sống này.

Kiên nhẫn không phải là lười nhác hay cam chịu thụ động. Mà đó là “vui vẻ làm mọi công việc trong tầm khả năng của [anh chị em]” trong khi phục vụ Thượng Đế (Giáo Lý và Giao Ước 123:17). Anh chị em gieo trồng, tưới nước và nuôi dưỡng hạt giống, và “chẳng bao lâu” Thượng Đế ban cho sự gia tăng (An Ma 32:42; xin xem thêm 1 Cô Rinh Tô 3:6–8). Anh chị em hợp tác làm việc với Thượng Đế, tin tưởng rằng khi anh chị em làm xong phần vụ của mình thì Ngài sẽ hoàn thành công việc của Ngài vào kỳ định của Ngài và tùy theo quyền tự quyết của từng cá nhân.

Kiên nhẫn cũng có nghĩa là khi không thể thay đổi một điều gì đó thì anh chị em sẽ chấp nhận nó với lòng can đảm, ân điển và đức tin.

Phát triển sự kiên nhẫn với những người khác, kể cả người bạn đồng hành của anh chị em và những người mà anh chị em phục vụ. Cũng phải kiên nhẫn với bản thân mình nữa. Cố gắng hết mình trong khi nhận ra rằng anh chị em sẽ tăng trưởng từng bước một.

Cũng như các thuộc tính khác mà giống như Đấng Ky Tô, việc tăng trưởng với sự kiên nhẫn là một tiến trình suốt đời. Việc rèn luyện tính kiên nhẫn có thể có tác dụng chữa lành tâm hồn của anh chị em và của những người xung quanh mình.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf

“Kiên nhẫn có nghĩa là tích cực chờ đợi và chịu đựng. Nó có nghĩa là bền bỉ trong một điều gì đó và làm hết sức mình—làm việc, hy vọng và vận dụng đức tin; trải qua nỗi gian khổ bằng cách dũng cảm chịu đựng, ngay cả khi những ước muốn trong lòng mình bị trì hoãn. Tính kiên nhẫn không chỉ đơn thuần là chịu đựng không thôi; mà còn là kiên trì chịu đựng nữa!” (Dieter F. Uchtdorf, “Tiếp Tục Kiên Nhẫn,” Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 57).

Học Tập Riêng Cá Nhân

Nghiên cứu Mô Si A 28:1–9.

  • Những ước muốn của các con trai của Mô Si A là gì?

  • Lời khuyên dạy của Chúa dành cho những người truyền giáo đó là gì? (Xin xem An Ma 17:10–11; 26:27.)

  • Một số kết quả của sự kiên nhẫn và siêng năng của họ là gì? (Xin xem An Ma 26.)

Viết những câu trả lời của anh chị em vào nhật ký ghi chép việc học tập của mình.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Tại sao sự kiên nhẫn là quan trọng? Sự kiên nhẫn và đức tin liên quan với nhau như thế nào?

Hình Ảnh
In Favour with God; Jesus Praying with His Mother (Càng Được Đẹp Lòng Thượng Đế; Chúa Giê Su Cầu Nguyện với Mẹ của Ngài), tranh của Simon Dewey

Sự Khiêm Nhường

Khiêm nhường là sẵn lòng vâng phục ý muốn của Chúa. Đó là sự sẵn lòng vinh danh Ngài về những gì đã được hoàn thành. Đó là sự dễ dạy (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 136:32). Sự khiêm nhường gồm có lòng biết ơn đối với các phước lành của Thượng Đế và thừa nhận là anh chị em luôn luôn cần đến sự giúp đỡ của Ngài. Ngài giúp đỡ những ai khiêm nhường.

Sự khiêm nhường là một dấu hiệu của sức mạnh tinh thần, chứ không phải là một dấu hiệu của sự yếu kém. Sự khiêm nhường là chất xúc tác thiết yếu cho sự tăng trưởng phần thuộc linh (xin xem Ê The 12:27).

Khi khiêm nhường tin cậy Chúa, thì anh chị em có thể chắc chắn rằng các lệnh truyền của Ngài là vì lợi ích của anh chị em. Anh chị em tin chắc rằng mình có thể làm bất cứ điều gì Ngài đòi hỏi nơi mình nếu anh chị em tin cậy vào Ngài. Anh chị em cũng sẵn lòng tin cậy các tôi tớ của Ngài và tuân theo lời khuyên bảo của họ. Sự khiêm nhường sẽ giúp anh chị em biết vâng lời, làm việc siêng năng và phục vụ.

Trái ngược với khiêm nhường là kiêu ngạo. Kiêu ngạo có nghĩa là trông cậy vào bản thân mình nhiều hơn là vào Thượng Đế. Điều đó cũng có nghĩa là đặt những sự việc của thế gian lên trên những sự việc của Thượng Đế. Kiêu ngạo là đua tranh; những người kiêu ngạo tìm cách có nhiều hơn và cho rằng họ tốt hơn những người khác. Kiêu ngạo là một trở ngại lớn.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Khiêm nhường có nghĩa là gì?

Anh chị em nhận được những phước lành nào khi khiêm nhường?

Làm thế nào anh chị em có thể nhận ra sự kiêu ngạo nơi bản thân mình?

Hình Ảnh
Sứ đồ Phao Lô đang giảng dạy đám đông

Sự Siêng Năng

Siêng năng là nỗ lực kiên định, nghiêm túc. Trong công việc truyền giáo, sự siêng năng là cho thấy tình yêu kính của anh chị em dành cho Chúa. Khi siêng năng, anh chị em tìm thấy niềm vui và sự toại nguyện trong công việc của Chúa (xin xem An Ma 26:16).

Sự siêng năng là tự nguyện làm nhiều điều tốt lành thay vì chờ đợi những người lãnh đạo bảo anh chị em phải làm gì (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 58:27–29).

Tiếp tục làm điều tốt lành ngay cả khi khó khăn hoặc anh chị em mệt mỏi. Tuy nhiên, hãy nhận ra sự cần thiết để cân bằng và nghỉ ngơi để anh chị em không “chạy mau hơn sức mình có thể chạy” (Mô Si A 4:27).

Tập trung tấm lòng và những mối quan tâm của anh chị em vào Chúa và công việc của Ngài. Tránh những điều làm anh chị em xao lãng khỏi các ưu tiên của mình. Tập trung thời gian và nỗ lực của anh chị em vào các sinh hoạt mà sẽ có hiệu quả nhất trong khu vực của anh chị em và hữu ích nhất cho những người mà anh chị em đang giảng dạy.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Henry B. Eyring

“Đây là Giáo Hội của Chúa. Ngài kêu gọi chúng ta và tin cậy chúng ta mặc dù Ngài biết là chúng ta có những yếu kém. Ngài biết những thử thách chúng ta sẽ đối phó. Nhờ sự phục vụ trung tín và qua Sự Chuộc Tội của Ngài, chúng ta có thể dần dần muốn điều Ngài muốn và trở thành con người chúng ta phải trở thành để ban phước cho những người mà mình phục vụ thay cho Ngài. Khi phục vụ Ngài đủ lâu rồi và một cách siêng năng thì chúng ta sẽ thay đổi. Chúng ta có thể trở nên giống như Ngài hơn bao giờ hết” (Henry B. Eyring, “Hành Động Với Tất Cả Sự Siêng Năng,” Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 62–63).

Nghiên Cứu Thánh Thư

Siêng năng có nghĩa là gì?

Tại sao Chúa kỳ vọng chúng ta phải siêng năng?

Sự siêng năng liên quan như thế nào với quyền tự quyết?

Hình Ảnh
Two Thousand Young Warriors (Hai Ngàn Chiến Sĩ Trẻ Tuổi), tranh của Arnold Friberg

Sự Vâng Lời

Sự phục vụ của anh chị em với tư cách là một người truyền giáo là một phần tiếp nối của các giao ước mà anh chị em đã lập với Thượng Đế tại lễ báp têm và trong đền thờ. Khi nhận được các giáo lễ báp têm và lễ thiên ân, anh chị em đã giao ước rằng mình sẽ tuân giữ các lệnh truyền của Ngài.

Vua Bên Gia Min đã dạy: “Tôi mong rằng các người hãy nên suy ngẫm về trạng thái đầy phước lành và hạnh phúc của những người tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế. Vì này, họ được ban phước lành trong tất cả mọi điều, cả vật chất lẫn tinh thần; và nếu họ trung thành cho đến cùng thì họ sẽ được thu nhận vào thiên thượng, để nhờ đó họ có thể ở với Thượng Đế trong một trạng thái hạnh phúc bất tận” (Mô Si A 2:41).

Việc tuân theo các giáo lệnh là một sự bày tỏ lòng kính mến đối với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Giăng 14:15). Chúa Giê Su phán: “Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài” (Giăng 15:10).

Tuân theo những chỉ dẫn trong Các Tiêu Chuẩn Truyền Giáo dành cho Môn Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Cũng hãy tuân theo lời khuyên bảo của chủ tịch phái bộ truyền giáo của anh chị em và vợ của ông ấy khi họ khuyên bảo anh chị em trong sự ngay chính.

Hình Ảnh
Anh Cả Dale G. Renlund

“Sự vâng lời là điều chúng ta chọn. Đấng Cứu Rỗi đã nói rõ điều này. Như đã được ghi lại trong Bản Dịch Lu Ca 14:28, của Joseph Smith, Chúa Giê Su đã ra lệnh: ‘Vậy nên, hãy ghi khắc điều này trong lòng các ngươi để các ngươi sẽ làm theo những điều ta sẽ dạy và truyền lệnh cho các ngươi.’ Đơn giản là thế. … Khi chúng ta làm theo như vậy thì sự ổn định về phần thuộc linh của chúng ta sẽ được nâng cao rất nhiều. Chúng ta sẽ tránh lãng phí các nguồn tài nguyên do Thượng Đế ban cho và tránh đi những con đường vòng không hữu ích và có tính hủy hoại trong cuộc sống của mình” (Dale G. Renlund, “Constructing Spiritual Stability” [Buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 16 tháng Chín năm 2014], trang 2, speeches.byu.edu).

Nghiên Cứu Thánh Thư

Anh chị em có thể học được điều gì về sự vâng lời từ các câu thánh thư sau đây?

Hình Ảnh
Christ and the Fishermen; Lovest Thou Me More Than These (Đấng Ky Tô và Những Người Đánh Cá, Ngươi Yêu Ta Hơn Những Kẻ Này Chăng), tranh của J. Kirk Richards

Một Mẫu Mực để Trở Nên Giống Đấng Ky Tô Hơn

Mẫu mực sau đây có thể giúp anh chị em phát triển và nhận được các thuộc tính được mô tả trong chương này và các thuộc tính khác được mô tả trong thánh thư:

  • Nhận ra thuộc tính mà anh chị em muốn tìm kiếm.

  • Viết xuống phần mô tả về thuộc tính này.

  • Liệt kê và nghiên cứu các đoạn thánh thư mà cho thấy các ví dụ về thuộc tính hoặc giảng dạy về thuộc tính đó.

  • Ghi lại những cảm nghĩ và ấn tượng của anh chị em.

  • Đặt mục tiêu và lập kế hoạch để tiến triển trong thuộc tính đó.

  • Cầu nguyện để Thượng Đế giúp anh chị em phát triển và tiếp nhận thuộc tính đó.

  • Đánh giá sự tiến triển của anh chị em một cách định kỳ.

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

“Chúa ban phước cho những người muốn cải thiện, là những người chấp nhận sự cần thiết phải có các giáo lệnh và cố gắng tuân giữ các giáo lệnh, là những người quý trọng các đức hạnh giống như Đấng Ky Tô và cố gắng hết sức để đạt được các đức hạnh này. Nếu anh chị em thất bại trong nỗ lực đó, ai cũng vậy; thì Đấng Cứu Rỗi sẽ ở cạnh bên để giúp anh chị em tiếp tục cố gắng. … Chẳng bao lâu, anh chị em sẽ được thành công với những điều mình tìm kiếm” (Jeffrey R. Holland, “Ngày Mai Đức Giê Hô Va Sẽ Làm Những Việc Lạ Lùng giữa Các Ngươi,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 126).

Học Tập Riêng Cá Nhân

Nhận ra một thuộc tính từ chương này hoặc từ thánh thư. Tuân theo mẫu mực mới vừa được mô tả để hiểu và tìm kiếm thuộc tính đó.

Nhìn vào bảng tên truyền giáo của anh chị em. Tấm thẻ đó khác như thế nào với những bảng tên được các nhân viên của một công ty đeo? Lưu ý rằng hai phần nổi bật nhất là tên của anh chị em và tên của Đấng Cứu Rỗi.

  • Làm thế nào anh chị em có thể đại diện tốt hơn cho Đấng Cứu Rỗi với tư cách là một trong các môn đồ của Ngài?

  • Tại sao việc mọi người liên kết tên của anh chị em với tên của Đấng Cứu Rỗi theo một cách tích cực là điều quan trọng?

Viết những ý nghĩ của anh chị em vào nhật ký ghi chép việc học tập của mình.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Xem lại các thuộc tính được liệt kê trong các câu thánh thư sau đây. Ghi lại bất cứ ấn tượng nào vào nhật ký ghi chép việc học tập của anh chị em.


Những Ý Kiến để Học Tập và Áp Dụng

Học Tập Riêng Cá Nhân

  • Hoàn thành “Sinh Hoạt về Thuộc Tính” một cách định kỳ ở cuối chương này.

  • Nhận ra một thuộc tính trong chương này. Hãy tự hỏi:

    • Làm thế nào tôi có thể học hỏi thêm về thuộc tính này?

    • Việc tìm kiếm thuộc tính này sẽ giúp tôi trở thành một người phục sự cho phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô tốt hơn như thế nào?

  • Tìm các ví dụ về các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô trong cuộc sống của những người nam và người nữ trong thánh thư. Ghi lại những ấn tượng của anh chị em vào nhật ký ghi chép việc học tập của mình.

  • Tìm các ví dụ về các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô trong âm nhạc thiêng liêng của Giáo Hội. Khi anh chị em tìm kiếm một thuộc tính, thì hãy học thuộc lòng những lời của các bài thánh ca hoặc bài hát để tìm thấy sức mạnh và quyền năng. Lặp lại hoặc hát những lời đó cho chính mình nghe để được soi dẫn và mời ảnh hưởng của Thánh Linh đến.

Học Tập Chung với Bạn Đồng Hành và Hoán Đổi Bạn Đồng Hành

  • Nghiên cứu các tài liệu tham khảo về các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô trong Thư Viện Phúc Âm hoặc các nguồn tài liệu đã được chấp thuận khác. Thảo luận cách áp dụng điều anh chị em học được. Anh chị em cũng có thể thảo luận về những gì mình đã học được trong nỗ lực cá nhân để trở nên giống như Đấng Ky Tô.

Buổi Họp Hội Đồng Chi Bộ, Các Đại Hội Khu Bộ, và Buổi Họp Hội Đồng Lãnh Đạo Phái Bộ

  • Vài ngày trước đại hội, hãy yêu cầu mỗi người truyền giáo chuẩn bị một bài nói chuyện dài năm phút về một thuộc tính giống như Đấng Ky Tô. Dành thời gian trong buổi họp để một vài người truyền giáo chia sẻ bài nói chuyện của họ.

  • Chia những người truyền giáo ra thành bốn nhóm và đưa cho họ sự chỉ định sau đây:

    Nhóm 1: Đọc 1 Nê Phi 17:7–16 và trả lời những câu hỏi sau đây:

    • Nê Phi đã vận dụng đức tin của mình như thế nào?

    • Nê Phi đã làm điều gì mà giống như Đấng Ky Tô?

    • Chúa đã đưa ra những lời hứa nào cho Nê Phi?

    • Câu chuyện này áp dụng như thế nào cho công việc truyền giáo?

    Nhóm 2: Đọc Mác 5:24–34 và trả lời những câu hỏi sau đây:

    • Người đàn bà này đã vận dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào?

    • Tại sao người ấy được chữa lành?

    • Làm thế nào chúng ta có thể noi theo gương của người ấy trong các nỗ lực truyền giáo của mình?

    Nhóm 3: Đọc Gia Cốp 7:1–15 và trả lời những câu hỏi sau đây:

    • Tại sao đức tin của Gia Cốp đủ mạnh để chống lại sự tấn công của Sê Rem?

    • Gia Cốp vận dụng đức tin như thế nào khi nói chuyện với Sê Rem?

    • Những hành động của Gia Cốp giống như Đấng Ky Tô như thế nào?

    Nhóm 4: Đọc Joseph Smith—Lịch Sử 1:8–18 và trả lời những câu hỏi sau đây:

    • Joseph Smith đã thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô theo những cách nào?

    • Đức tin của ông đã bị thử thách như thế nào?

    • Ông đã làm điều gì giống như Đấng Ky Tô?

    • Chúng ta có thể noi theo tấm gương của Joseph Smith bằng cách nào?

    Sau khi các nhóm đã hoàn tất, hãy tập hợp những người truyền giáo lại với nhau và yêu cầu họ chia sẻ điều họ đã thảo luận.

Các Vị Lãnh Đạo Phái Bộ Truyền Giáo và Các Cố Vấn Phái Bộ Truyền Giáo

  • Yêu cầu những người truyền giáo đọc một trong bốn sách Phúc Âm trong Kinh Tân Ước hoặc 3 Nê Phi 11–28. Yêu cầu họ gạch dưới điều Đấng Cứu Rỗi đã làm mà họ cũng có thể làm.

  • Sử dụng việc đặt mục tiêu và lập kế hoạch để giảng dạy những người truyền giáo về sự siêng năng. Cho thấy việc siêng năng tập trung vào người khác là một sự bày tỏ tình yêu thương như thế nào.

  • Trong các cuộc phỏng vấn hoặc trong các cuộc trò chuyện, hãy yêu cầu những người truyền giáo nói về một thuộc tính giống như Đấng Ky Tô mà họ đang tìm kiếm.

Sinh Hoạt về Thuộc Tính

Mục đích của sinh hoạt này là giúp anh chị em nhận ra các cơ hội cho sự tăng trưởng phần thuộc linh. Đọc từng mục dưới đây. Hãy quyết định xem câu nói đó đúng như thế nào về anh chị em và chọn câu trả lời thích hợp. Viết các câu trả lời của anh chị em vào nhật ký ghi chép việc học tập của mình.

Không ai có thể trả lời “luôn luôn” cho mọi câu nói cả. Sự tăng trưởng phần thuộc linh là một tiến trình suốt đời. Đó là một lý do khiến nó trở nên thú vị và bổ ích—vì có vô số cơ hội để tăng trưởng và cảm nhận những phước lành về sự tăng trưởng.

Hãy thoải mái với việc bắt đầu từ hiện trạng của anh chị em. Tự cam kết để thực hiện công việc thuộc linh cần thiết để tăng trưởng. Tìm kiếm sự giúp đỡ của Thượng Đế. Khi anh chị em gặp thất bại, hãy tin tưởng rằng Ngài sẽ giúp đỡ mình. Khi anh chị em cầu nguyện, hãy tìm kiếm sự hướng dẫn về những thuộc tính nào cần tập trung vào tại những thời điểm khác nhau trong khi đang truyền giáo.

Bảng Trả Lời

  • 1 = không bao giờ

  • 2 = thỉnh thoảng

  • 3 = thường xuyên

  • 4 = gần như luôn luôn

  • 5 = luôn luôn

Đức Tin

  1. Tôi tin nơi Đấng Ky Tô và chấp nhận Ngài là Đấng Cứu Rỗi của tôi. (2 Nê Phi 25:29)

  2. Tôi cảm thấy tin tưởng rằng Thượng Đế yêu thương tôi. (1 Nê Phi 11:17)

  3. Tôi tin cậy Đấng Cứu Rỗi đủ để chấp nhận ý muốn của Ngài và làm bất cứ điều gì Ngài yêu cầu. (1 Nê Phi 3:7)

  4. Tôi tin rằng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và quyền năng của Đức Thánh Linh, tôi có thể được tha thứ các tội lỗi của mình và được thánh hóa khi tôi hối cải. (Ê Nót 1:2–8)

  5. Tôi tin rằng Thượng Đế có nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện của tôi. (Mô Si A 27:14)

  6. Tôi nghĩ về Đấng Cứu Rỗi suốt cả ngày và ghi nhớ những gì Ngài đã làm cho tôi. (Giáo Lý và Giao Ước 20:77, 79)

  7. Tôi tin rằng Thượng Đế sẽ mang lại những điều tốt lành trong cuộc sống của tôi và cuộc sống của những người khác khi chúng tôi cống hiến hết mình cho Ngài và Vị Nam Tử của Ngài. (Ê The 12:12)

  8. Bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, tôi biết rằng Sách Mặc Môn là chân chính. (Mô Rô Ni 10:3–5)

  9. Tôi có đức tin để hoàn thành điều mà Đấng Ky Tô muốn tôi làm. (Moroni 7:33)

Hy Vọng

  1. Một trong những ước muốn lớn nhất của tôi là thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu trong thượng thiên giới. (Mô Rô Ni 7:41)

  2. Tôi tin rằng mình sẽ có một sứ mệnh hạnh phúc và thành công. (Giáo Lý và Giao Ước 31:3–5)

  3. Tôi cảm thấy bình an và lạc quan về tương lai. (Giáo Lý và Giao Ước 59:23)

  4. Tôi tin rằng một ngày nào đó tôi sẽ ở với Thượng Đế và trở nên giống như Ngài. (Ê The 12:4)

Lòng Bác Ái và Tình Yêu Thương

  1. Tôi cảm thấy có một ước muốn chân thành về sự an lạc và hạnh phúc vĩnh cửu cho người khác. (Mô Si A 28:3)

  2. Khi cầu nguyện, tôi cầu xin có lòng bác ái—tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô. (Mô Rô Ni 7:47–48)

  3. Tôi cố gắng hiểu những cảm xúc của người khác và thấy được quan điểm của họ. (Giu Đe 1:22)

  4. Tôi tha thứ cho những người đã xúc phạm hoặc làm điều sai trái với tôi. (Ê Phê Sô 4:32)

  5. Tôi tìm đến trong tình yêu thương để giúp đỡ những người cô đơn, gặp khó khăn hoặc nản lòng. (Mô Si A 18:9)

  6. Khi thích hợp, tôi bày tỏ tình yêu thương và sự quan tâm của mình đối với người khác bằng cách phục sự họ qua lời nói và việc làm. (Lu Ca 7:12–15)

  7. Tôi tìm kiếm cơ hội để phục vụ người khác. (Mô Si A 2:17)

  8. Tôi nói những điều tích cực về người khác. (Giáo Lý và Giao Ước 42:27)

  9. Tôi tử tế và kiên nhẫn với người khác, ngay cả khi họ khó hòa hợp. (Mô Rô Ni 7:45)

  10. Tôi tìm thấy niềm vui trong những thành tựu của người khác. (An Ma 17:2–4)

Đức Hạnh

  1. Tôi được trong sạch và có tấm lòng thanh khiết. (Thi Thiên 24:3–4)

  2. Tôi mong muốn làm điều tốt lành. (Mô Si A 5:2)

  3. Tôi tập trung vào những ý nghĩ ngay chính, những suy nghĩ nâng cao tinh thần và loại bỏ những ý nghĩ không lành mạnh ra khỏi tâm trí của tôi. (Giáo Lý và Giao Ước 121:45)

  4. Tôi hối cải các tội lỗi của mình và cố gắng khắc phục những yếu kém của mình. (Giáo Lý và Giao Ước 49:26–28; Ê The 12:27)

  5. Tôi cảm nhận được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh trong cuộc sống của mình. (Giáo Lý và Giao Ước 11:12–13)

Sự Liêm Chính

  1. Tôi luôn luôn trung thành với Thượng Đế. (Mô Si A 18:9)

  2. Tôi không hạ thấp các tiêu chuẩn hoặc hành vi của mình để gây ấn tượng hoặc được người khác chấp nhận. (1 Nê Phi 8:24–28)

  3. Tôi trung thực với Thượng Đế, bản thân mình, các vị lãnh đạo của tôi và những người khác. (Giáo Lý và Giao Ước 51:9)

  4. Tôi là người đáng tin cậy. (An Ma 53:20)

Sự hiểu biết

  1. Tôi cảm thấy tin tưởng trong sự hiểu biết của mình về giáo lý phúc âm và các nguyên tắc. (An Ma 17:2–3)

  2. Tôi nghiên cứu thánh thư hằng ngày. (2 Ti Mô Thê 3:16–17)

  3. Tôi tìm cách hiểu biết lẽ thật và tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi của tôi. (Giáo Lý và Giao Ước 6:7)

  4. Tôi tìm kiếm kiến thức và sự hướng dẫn qua Thánh Linh. (1 Nê Phi 4:6)

  5. Tôi trân quý giáo lý và các nguyên tắc phúc âm. (2 Nê Phi 4:15)

Sự Kiên Nhẫn

  1. Tôi kiên nhẫn chờ đợi các phước lành và những lời hứa của Chúa được ứng nghiệm. (2 Nê Phi 10:17)

  2. Tôi có thể chờ đợi mọi điều mà không cảm thấy khó chịu hoặc bực mình. (Rô Ma 8:25)

  3. Tôi kiên nhẫn với những thử thách của việc làm người truyền giáo. (An Ma 17:11)

  4. Tôi kiên nhẫn với người khác. (Rô Ma 15:1)

  5. Tôi kiên nhẫn với bản thân mình và trông cậy vào Chúa khi tôi cố gắng khắc phục những yếu kém của mình. (Ê The 12:27)

  6. Tôi đương đầu với nghịch cảnh bằng sự kiên nhẫn và đức tin. (An Ma 34:40–41)

Sự Khiêm Nhường

  1. Tôi có lòng nhu mì và khiêm nhường. (Ma Thi Ơ 11:29)

  2. Tôi trông cậy vào Thượng Đế để được giúp đỡ. (An Ma 26:12)

  3. Tôi biết ơn về các phước lành tôi đã nhận được từ Thượng Đế. (An Ma 7:23)

  4. Những lời cầu nguyện của tôi đầy thiết tha và chân thành. (Ê Nót 1:4)

  5. Tôi biết ơn sự hướng dẫn từ các vị lãnh đạo và giảng viên của mình. (2 Nê Phi 9:28–29)

  6. Tôi cố gắng vâng phục theo ý muốn của Thượng Đế. (Mô Si A 24:15)

Sự Siêng Năng

  1. Tôi làm việc hiệu quả ngay cả khi không bị giám sát chặt chẽ. (Giáo Lý và Giao Ước 58:26–27)

  2. Tôi tập trung các nỗ lực vào những điều quan trọng nhất. (Ma Thi Ơ 23:23)

  3. Tôi cầu nguyện riêng ít nhất hai lần một ngày. (An Ma 34:17–27)

  4. Tôi tập trung ý nghĩ vào sự kêu gọi của mình với tư cách là một người truyền giáo. (Giáo Lý và Giao Ước 4:2, 5)

  5. Tôi thường xuyên đặt mục tiêu và lập kế hoạch. (Giáo Lý và Giao Ước 88:119)

  6. Tôi làm việc chăm chỉ cho đến khi hoàn thành công việc. (Giáo Lý và Giao Ước 10:4)

  7. Tôi tìm thấy niềm vui và sự hài lòng trong công việc của mình. (An Ma 36:24–25)

Sự Vâng Lời

  1. Khi cầu nguyện, tôi cầu xin sức mạnh để chống lại cám dỗ và làm điều đúng. (3 Nê Phi 18:15)

  2. Tôi xứng đáng để có được một giấy giới thiệu đi đền thờ. (Giáo Lý và Giao Ước 97:8)

  3. Tôi sẵn lòng tuân theo luật truyền giáo và làm theo lời khuyên dạy của các vị lãnh đạo của mình. (Hê Bơ Rơ 13:17)

  4. Tôi cố gắng sống đúng theo các luật lệ và nguyên tắc của phúc âm. (Giáo Lý và Giao Ước 41:5)