Những Sự Kêu Gọi trong Phái Bộ Truyền Giáo
Chương 10: Giảng Dạy Cách Xây Đắp Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô


“Chương 10: Giảng Dạy Cách Xây Đắp Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Cách Chia Sẻ Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô (năm 2023)

“Chương 10,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta

Hình Ảnh
Bài Giảng trên Núi, tranh của Jorge Cocco

Chương 10

Giảng Dạy Cách Xây Đắp Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô

Hãy Suy Ngẫm về Những Câu Hỏi Này

  • Làm thế nào tôi có thể giảng dạy bằng Thánh Linh?

  • Làm thế nào tôi có thể giảng dạy từ thánh thư?

  • Tôi nên chia sẻ chứng ngôn của mình khi giảng dạy như thế nào?

  • Làm thế nào tôi có thể hoạch định và điều chỉnh cách giảng dạy của mình để đáp ứng nhu cầu của mọi người?

  • Làm thế nào tôi có thể đặt những câu hỏi hay hơn và trở thành một người lắng nghe nhiều hơn?

  • Làm thế nào tôi có thể giúp mọi người tìm ra câu giải đáp cho những thắc mắc của họ và nhận được sự hướng dẫn cũng như sức mạnh?

Anh chị em được kêu gọi để giảng dạy phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô cho càng nhiều người mà sẽ tiếp nhận anh chị em. Việc giảng dạy là trọng tâm của tất cả mọi điều anh chị em làm. Khi anh chị em trông cậy vào Chúa để được giúp đỡ, thì Ngài đã hứa:

“Và kẻ nào tiếp nhận các ngươi thì ta cũng sẽ ở đó, vì ta sẽ đi trước mặt các ngươi. Ta sẽ ở bên tay mặt các ngươi và ở bên trái các ngươi, và Thánh Linh của ta sẽ ở trong tấm lòng các ngươi, và các thiên sứ của ta sẽ vây quanh các ngươi để nâng đỡ các ngươi” (Giáo Lý và Giao Ước 84:88).

Hãy cầu nguyện, học hỏi và thực hành để cải thiện khả năng giảng dạy của anh chị em. Áp dụng các nguyên tắc trong chương này và trong các chương khác của sách này. Hãy nhiệt thành tìm kiếm ân tứ giảng dạy để anh chị em có thể ban phước cho người khác và tôn vinh Thượng Đế. Chúa sẽ giúp anh chị em giảng dạy với quyền năng và thẩm quyền khi anh chị em siêng năng tìm kiếm Ngài và học hỏi lời Ngài.

Cố Gắng Giảng Dạy giống như Đấng Cứu Rỗi đã Giảng Dạy

Trong lúc giáo vụ trần thế của Ngài, Chúa Giê Su “đi khắp xứ … dạy dỗ … , và chữa lành” (Ma Thi Ơ 4:23). Ngài đã giảng dạy trong nhiều bối cảnh—trong nhà hội, tại nhà và trên đường đi. Ngài đã giảng dạy trong các buổi họp mặt đông người và trong các cuộc trò chuyện riêng tư. Một số giao tiếp mạnh mẽ nhất của Ngài diễn ra rất ngắn gọn hoặc trong những bối cảnh khác thường. Ngài đã giảng dạy qua hành động cũng như lời nói của Ngài.

Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy mỗi người tùy theo nhu cầu riêng của họ. Ví dụ, khi phục vụ một người bị bệnh bại liệt, Ngài đã tha thứ tội lỗi của người ấy và chữa lành cho người ấy (xin xem Mác 2:1–12). Khi phục sự một người phụ nữ đã phạm tội ngoại tình, Ngài đã bảo vệ người ấy và mời người ấy đừng phạm tội nữa (xin xem Giăng 8:2–11). Khi nói chuyện với một người trai trẻ giàu có mà mong muốn cuộc sống vĩnh cửu, Ngài đã “ngó người mà yêu” mặc dù người trai trẻ này từ chối chấp nhận lời mời đi theo Ngài (Mác 10:21; xin xem các câu 17–21).

Anh chị em có thể cải thiện việc giảng dạy của mình khi học cách Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy. Ví dụ, Ngài yêu mến Đức Chúa Cha và những người Ngài giảng dạy. Ngài hay cầu nguyện. Ngài giảng dạy từ thánh thư. Ngài chuẩn bị phần thuộc linh. Ngài đưa ra những câu hỏi soi dẫn. Ngài mời mọi người hành động theo đức tin. Ngài áp dụng các nguyên tắc phúc âm vào cuộc sống hằng ngày.

Việc cố gắng giảng dạy như Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy là một mục tiêu theo đuổi suốt đời. Việc này sẽ đến với anh chị em từng hàng chữ một khi anh chị em noi theo Ngài (xin xem 2 Nê Phi 28:30; Ê The 12:41).

“Hãy Tìm Kiếm Để Thu Nhận Lời của Ta.”

Để giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, anh chị em cần biết giáo lý và các nguyên tắc cơ bản của phúc âm. Anh chị em cũng cần có kiến thức về phần thuộc linh và sự xác nhận về các lẽ thật phúc âm. Chúa phán: “Chớ tìm cách rao truyền lời của ta, mà trước hết hãy tìm kiếm để thu nhận lời của ta.”

“Thu nhận” lời của Chúa có nghĩa là nghiên cứu lời này và để nó thấm sâu vào lòng anh chị em. Khi anh chị em làm nỗ lực này, Ngài hứa: “Và rồi lưỡi ngươi sẽ được thong thả; rồi nếu ngươi ước muốn, ngươi sẽ có được Thánh Linh của ta và lời của ta, phải, quyền năng của Thượng Đế để thuyết phục loài người” (Giáo Lý và Giao Ước 11:21).

Hình Ảnh
một người đang đánh dấu trong thánh thư

Chúa cũng phán phải “luôn tích trữ trong tâm trí mình những lời nói về cuộc sống” (Giáo Lý và Giao Ước 84:85). Việc tích trữ những lời của Chúa sẽ gia tăng kiến thức của anh chị em và củng cố chứng ngôn của anh chị em. Ước muốn và khả năng của anh chị em để giảng dạy phúc âm cũng sẽ gia tăng. (Xin xem Gia Cốp 4:6–7; An Ma 32:27–42; 36:26; 37:8–9.)

Thành tâm thu nhận và tích trữ lời của Chúa bằng cách nghiên cứu thánh thư, những lời của các vị tiên tri tại thế và các bài học trong chương 3.

Giảng Dạy bằng Thánh Linh

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là “quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rô Ma 1:16). Vì lý do đó, sứ điệp về Sự Phục Hồi phúc âm cần phải được giảng dạy bằng quyền năng thiêng liêng—quyền năng của Đức Thánh Linh.

Điều quan trọng là anh chị em phát triển kỹ năng giảng dạy. Điều quan trọng nữa là anh chị em học giáo lý và các nguyên tắc mà anh chị em giảng dạy. Tuy nhiên, khi giảng dạy các lẽ thật thiêng liêng, anh chị em không chủ yếu dựa vào khả năng và kiến thức của riêng mình.

Các lẽ thật thiêng liêng được giảng dạy bằng quyền năng của Đức Thánh Linh. Chúa phán: “Các ngươi sẽ được ban cho Thánh Linh qua lời cầu nguyện bởi đức tin; và nếu các ngươi không nhận được Thánh Linh thì các ngươi chớ giảng dạy” (Giáo Lý và Giao Ước 42:14; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 50:13–14, 17–22).

Giảng Dạy bằng Thánh Linh Có Nghĩa Là Gì

Khi giảng dạy bằng Thánh Linh, anh chị em cầu nguyện để có được quyền năng của Đức Thánh Linh trong việc giảng dạy của mình. Anh chị em cũng cầu nguyện rằng mọi người sẽ nhận được các lẽ thật qua Thánh Linh. Mọi người có thể được thuyết phục về một số lẽ thật, nhưng để được cải đạo, họ cần phải có kinh nghiệm với Thánh Linh (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 8:2–3).

Hãy tự chuẩn bị để trở thành một công cụ mà qua đó Thánh Linh có thể giảng dạy. Hãy nghĩ Đức Thánh Linh là người bạn đồng hành của anh chị em trong việc giảng dạy.

Hãy trông cậy vào Thánh Linh để giúp anh chị em biết phải nói gì. Ngài sẽ nhắc nhở anh chị em nhớ giáo lý mà anh chị em đã nghiên cứu. Ngài sẽ giúp anh chị em hoạch định và điều chỉnh những gì anh chị em giảng dạy theo nhu cầu của một người.

Khi anh chị em giảng dạy bằng Thánh Linh, Ngài sẽ mang sứ điệp của anh chị em vào lòng của mọi người. Ngài sẽ xác nhận sứ điệp của anh chị em khi anh chị em làm chứng. Anh chị em và những người nào tiếp nhận điều anh chị em giảng dạy bởi Thánh Linh sẽ được gây dựng, hiểu nhau và cùng nhau vui mừng. (Xin xem 2 Nê Phi 33:1; Giáo Lý và Giao Ước 50:13–22.)

Hình Ảnh
Chủ Tịch Ezra Taft Benson

“Thánh Linh là yếu tố quan trọng độc nhất trong công việc này. Với việc Thánh Linh làm vinh hiển sự kêu gọi của mình, anh chị em có thể làm các phép lạ thay cho Chúa ở nơi phục vụ truyền giáo. Nếu không có Thánh Linh, anh chị em sẽ không bao giờ thành công bất chấp tài năng và khả năng của mình” (Ezra Taft Benson, buổi hội thảo dành cho các chủ tịch phái bộ truyền giáo mới, ngày 25 tháng Sáu năm 1986).

Lời Hứa về Sự Kêu Gọi của Anh Chị Em

Anh chị em đã được kêu gọi và phong nhiệm “để thuyết giảng phúc âm của ta qua Thánh Linh, là Đấng An Ủi được phái xuống để giảng dạy lẽ thật” (Giáo Lý và Giao Ước 50:14). Đôi khi anh chị em có thể cảm thấy lo lắng hoặc không đủ khả năng. Có lẽ anh chị em lo lắng rằng mình không biết đủ hoặc không có đủ kinh nghiệm.

Cha Thiên Thượng, là Đấng biết rõ anh chị em, đã kêu gọi anh chị em vì điều anh chị em có thể đóng góp với tư cách là một tín đồ đầy cam kết của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài sẽ không bỏ rơi anh chị em. Hãy tin tưởng rằng Thánh Linh sẽ gia tăng khả năng của anh chị em và sẽ giảng dạy lẽ thật cho những người chịu tiếp thu.

Hình Ảnh
Anh Cả Neil L. Andersen

Anh Cả Neil L. Andersen nói: “Khi suy ngẫm về thử thách của công việc truyền giáo, tôi đã cảm thấy không đủ khả năng và không sẵn sàng. Tôi nhớ đã cầu nguyện rằng: ‘Thưa Cha Thiên Thượng, làm thế nào con có thể phục vụ truyền giáo khi con biết quá ít?’ Tôi tin nơi Giáo Hội, nhưng tôi cảm thấy sự hiểu biết về phần thuộc linh của mình rất giới hạn. Khi tôi cầu nguyện, thì cảm giác đến: ‘Ngươi không biết hết mọi điều nhưng ngươi biết đủ!’ Sự bảo đảm đó đã mang đến cho tôi sự can đảm để thực hiện bước tiếp theo trong công việc truyền giáo” (“You Know Enough,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 13).

Mời Thánh Linh trong khi Anh Chị Em Bắt Đầu Giảng Dạy

Những khoảnh khắc đầu tiên với mọi người rất là quan trọng. Hãy chân thành và tôn trọng. Cho thấy mối quan tâm và tình yêu thương chân thành. Tìm cách để có được sự tin tưởng của họ. Một cách để có được sự tin tưởng là khi mọi người cảm nhận được Thánh Linh ở cùng anh chị em.

Đặt một vài câu hỏi đơn giản để giúp anh chị em hiểu được lai lịch của họ và kỳ vọng của họ về những lần anh chị em đến thăm. Hãy lắng nghe kỹ.

Trước khi anh chị em bắt đầu, hãy mời tất cả những người có mặt tham gia vào bài học. Khuyến khích họ bỏ đi những điều gây xao lãng để có thể cảm nhận được Thánh Linh của Chúa.

Giải thích rằng anh chị em muốn bắt đầu và kết thúc mỗi bài học bằng lời cầu nguyện. Đề nghị dâng lời nguyện mở đầu. Hãy cầu nguyện một cách đơn giản và chân thành rằng Thượng Đế sẽ ban phước cho những người mà anh chị em đang giảng dạy trong mọi khía cạnh của cuộc sống họ. Hãy cầu nguyện để họ có thể cảm nhận được lẽ thật về điều anh chị em sẽ giảng dạy. Hãy nhớ rằng “người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều” (Gia Cơ 5:16).

Hãy tin vào quyền năng cải đạo của Đức Thánh Linh. Khi được Thánh Linh hướng dẫn, anh chị em có thể bày tỏ những ý nghĩ sau đây khi bắt đầu giảng dạy:

  • Thượng Đế là Cha Thiên Thượng nhân từ của chúng ta. Chúng ta đều là anh chị em với nhau. Ngài muốn chúng ta cảm nhận niềm vui.

  • Chúng ta đều có thử thách và khó khăn. Bất kể anh chị em đang trải qua điều gì thì Chúa Giê Su Ky Tô và những lời giảng dạy của Ngài cũng có thể giúp đỡ anh chị em. Ngài có thể giúp anh chị em cảm thấy bình an, hy vọng, được chữa lành và hạnh phúc. Chúa Giê Su có thể giúp anh chị em có thêm sức mạnh để đối phó với những thử thách trong cuộc sống.

  • Chúng ta đều phạm sai lầm mà có thể tạo ra những cảm giác tội lỗi, xấu hổ và hối tiếc. Những cảm giác này sẽ không còn nữa chỉ khi chúng ta hối cải và tìm kiếm sự tha thứ của Thượng Đế. Chỉ nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta mới có thể được chữa lành trọn vẹn khỏi tội lỗi của mình.

  • Chúng tôi sẽ là những người hướng dẫn để anh chị em có thể tìm hiểu lẽ thật về sứ điệp cho chính mình. Chúng tôi sẽ mời anh chị em làm một số điều, chẳng hạn như đọc sách, cầu nguyện và đi nhà thờ. Vai trò của chúng tôi là để giúp anh chị em hành động theo những lời mời này và giải thích những phước lành mà anh chị em có thể nhận được. Xin hãy đặt câu hỏi.

  • Chúng tôi đã được kêu gọi bởi một vị tiên tri của Thượng Đế để chia sẻ điều chúng tôi biết. Chúng tôi biết rằng sứ điệp của chúng tôi là chân chính.

  • Chúng tôi sẽ giảng dạy cho anh chị em cách lập các giao ước, hoặc những lời hứa đặc biệt với Thượng Đế. Các giao ước này sẽ kết nối anh chị em với Thượng Đế và cho phép anh chị em nhận được niềm vui, sức mạnh và những lời hứa đặc biệt từ Ngài.

  • Anh chị em sẽ học cách thực hiện những thay đổi trong cuộc sống của mình và noi theo Chúa Giê Su Ky Tô cũng như những lời dạy của Ngài. Một lời giảng dạy thiết yếu của Chúa Giê Su Ky Tô, và giao ước đầu tiên mà chúng ta lập, là noi theo gương của Ngài và chịu phép báp têm bởi thẩm quyền thích hợp (xin xem Giăng 3:5; Giáo Lý và Giao Ước 22).

Hình Ảnh
những người truyền giáo đang cầu nguyện

Trước khi giảng dạy một bài học, hãy nói ngắn gọn khái quát về điều anh chị em sẽ giảng dạy. Giúp mọi người thấy điều này sẽ liên quan đến họ như thế nào. Ví dụ, anh chị em có thể nói: “Chúng tôi đến đây để chia sẻ sứ điệp rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã thiết lập Giáo Hội của Ngài trên thế gian ngày nay và đã kêu gọi các vị tiên tri tại thế để hướng dẫn chúng ta.” Hoặc anh chị em có thể nói: “Chúng tôi đến đây để giúp anh chị em biết rằng Thượng Đế yêu thương anh chị em và có một kế hoạch cho hạnh phúc của anh chị em.”

Tất cả mọi người sẽ được lợi ích khi chấp nhận và sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Cha Thiên Thượng có thể đã ban phước cho những người mà anh chị em tìm thấy với sự chuẩn bị quý báu về phần thuộc linh (xin xem An Ma 16:16–17).

Việc mời Thánh Linh đến và chia sẻ lẽ thật trong buổi gặp đầu tiên sẽ giúp mọi người nhận ra anh chị em là tôi tớ của Chúa.

Học Tập Riêng Cá Nhân hay Học Tập Chung Với Bạn Đồng Hành

Sử dụng những đề nghị trong phần này nhằm thực hành các cách khác nhau để bắt đầu một bài học.

Sử Dụng Thánh Thư

Các tác phẩm tiêu chuẩn của Giáo Hội là nguồn tài liệu cơ bản của anh chị em để giảng dạy phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Có nhiều lý do tại sao việc sử dụng thánh thư làm nền tảng cho cách giảng dạy của anh chị em là rất quan trọng. Ví dụ:

  • Thánh thư mời Đức Thánh Linh vào việc giảng dạy của anh chị em (xin xem Lu Ca 24:13–32).

  • Thánh thư có một ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến tâm trí của mọi người hơn bất cứ điều gì khác (xin xem An Ma 31:5).

  • Thánh thư đề cập đến những câu hỏi quan trọng về cuộc sống (xin xem chương 5; xin xem thêm 2 Nê Phi 32:3; Gia Cốp 2:8).

  • Thánh thư mang đến thẩm quyền và giá trị cho cách giảng dạy của anh chị em.

  • Chúa và các vị tiên tri của Ngài đã bảo phải làm như vậy (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 42:12, 56–58; 71:1).

Bằng cách sử dụng thánh thư trong việc giảng dạy của mình, anh chị em có thể giúp những người khác bắt đầu tự nghiên cứu thánh thư. Khi họ thấy anh chị em yêu thích thánh thư, họ sẽ được khích lệ để học hỏi. Cho thấy việc nghiên cứu thánh thư sẽ giúp họ học hỏi phúc âm và cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế như thế nào. Đưa ra các ví dụ về cách thánh thư có thể giúp họ tìm ra những câu trả lời cho những câu hỏi của họ và nhận được sự hướng dẫn cũng như sức mạnh.

Hãy tận tâm nghiên cứu thánh thư để anh chị em có thể giảng dạy từ thánh thư một cách hiệu quả (xin xem chương 2). Khả năng giảng dạy từ thánh thư của anh chị em sẽ cải thiện khi anh chị em nghiên cứu thánh thư mỗi ngày, riêng cá nhân lẫn chung với người bạn đồng hành của mình.

Giúp mọi người phát triển đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô qua việc học thánh thư, nhất là Sách Mặc Môn. Những đề nghị sau đây có thể là hữu ích.

Hình Ảnh
nhóm nghiên cứu thánh thư

Giới Thiệu Thánh Thư

Mô tả ngắn gọn bối cảnh của đoạn thánh thư. Các ví dụ sau đây cho thấy một số cách thức để giới thiệu một câu thánh thư:

  • “Trong lịch sử của Joseph Smith, Joseph kể cho chúng ta bằng chính lời của ông điều gì đã xảy ra khi ông đi vào khu rừng để cầu nguyện. Ông nói: ‘Tôi thấy một luồng ánh sáng …’”

  • “Trong đoạn này, tiên tri An Ma đang giảng dạy cho những người nghèo vận dụng đức tin của họ nơi lời của Thượng Đế. Ông so sánh lời của Thượng Đế giống như một hạt giống mà có thể được gieo vào lòng của chúng ta. Xin mời anh chị em bắt đầu đọc câu … ?”

Đọc Đoạn Thánh Thư

Đọc to các câu thánh thư hoặc yêu cầu người mà anh chị em đang giảng dạy đọc to. Hãy nhạy cảm với những người đọc không thạo. Nếu một đoạn thánh thư khó hiểu đối với họ thì hãy cùng đọc với họ và giải thích nếu cần. Định nghĩa bất cứ từ hoặc cụm từ khó nào. Hoặc đưa cho họ một đoạn thánh thư đơn giản hơn để đọc. Mời họ tìm kiếm những điểm đặc biệt trong đoạn thánh thư.

Áp Dụng Thánh Thư

Nê Phi nói: “Tôi muốn áp dụng tất cả các thánh thư cho chúng tôi, ngõ hầu đem lại nhiều lợi ích cho sự học hỏi của chúng tôi” (1 Nê Phi 19:23). Từ “áp dụng” có nghĩa là áp dụng các thánh thư vào cuộc sống của anh chị em.

Áp dụng thánh thư cho những người mà anh chị em giảng dạy bằng cách cho thấy những câu chuyện và các nguyên tắc liên quan đến cá nhân họ như thế nào. Ví dụ:

  • “Giống như anh chị em, dân của An Ma cũng có những gánh nặng, hầu như vượt quá sức chịu đựng của họ. Nhưng khi họ vận dụng đức tin và cầu nguyện thì Thượng Đế đã củng cố họ để họ có thể chịu đựng những thử thách. Sau đó, Ngài đã giải cứu họ khỏi những thử thách của họ. Cũng giống như Ngài đã làm với những người này, tôi biết Thượng Đế sẽ giúp anh chị em trong những thử thách của anh chị em khi anh chị em …” (Xin xem Mô Si A 24.)

  • “Lời chỉ dẫn của An Ma cho những người tại Dòng Suối Mặc Môn áp dụng cho chúng ta ngày nay. Anh John, anh có sẵn lòng … không?” (Xin xem Mô Si A 18.)

Giảng dạy cho mọi người cách tự mình “áp dụng” thánh thư. Việc khám phá ra những cách áp dụng cá nhân sẽ giúp họ áp dụng và cảm nhận quyền năng của lời Thượng Đế.

Mời và Giúp Mọi Người Tự Đọc

Những người mà anh chị em giảng dạy cần phải đọc thánh thư, nhất là Sách Mặc Môn, để đạt được chứng ngôn về lẽ thật. Bằng cách sử dụng thánh thư một cách hiệu quả trong việc giảng dạy của mình, anh chị em có thể giúp mọi người bắt đầu tự nghiên cứu thánh thư.

Sau mỗi lần đến thăm, hãy đề nghị những chương hoặc câu cụ thể để họ đọc. Đề nghị những câu hỏi để họ suy nghĩ khi đọc. Khuyến khích họ nghiên cứu thánh thư hằng ngày riêng cá nhân họ lẫn chung với gia đình họ. Anh chị em cũng có thể yêu cầu các tín hữu cùng đọc với họ trong thời gian giữa các bài học.

Trước khi bắt đầu bài học tiếp theo, hãy tiếp tục theo sát bằng cách thảo luận về những gì anh chị em đã mời mọi người đọc. Khi cần, hãy giúp họ hiểu và “áp dụng” những câu thánh thư này. Khuyến khích họ ghi lại những ý nghĩ và câu hỏi của họ.

Khi anh chị em giúp mọi người đọc, hiểu và áp dụng thánh thư—nhất là Sách Mặc Môn—họ sẽ có những kinh nghiệm thuộc linh với lời của Thượng Đế. Có lẽ họ sẽ tự đọc và làm thánh thư trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của họ.

Hình Ảnh
những người truyền giáo đang giảng dạy cho một gia đình

Giúp Mọi Người Tiếp Cận với Thánh Thư

Thánh thư và những lời của các vị tiên tri tại thế có sẵn bằng nhiều cách thức và nhiều ngôn ngữ hơn bao giờ hết. Tìm hiểu những tùy chọn in ấn và kỹ thuật số nào có sẵn cho những người mà anh chị em giảng dạy. Giúp mọi người tiếp cận với thánh thư theo những cách thức phù hợp với nhu cầu và sở thích của họ. Hãy cân nhắc những điều sau đây:

  • Hỏi mọi người xem họ muốn đọc hoặc nghe thánh thư bằng ngôn ngữ nào.

  • Những người đọc không thạo hoặc không hiểu những gì họ đọc đều có thể được lợi ích khi cùng nhau đọc to hoặc nghe bản ghi âm. Những bản ghi âm này có sẵn qua các ứng dụng và trang web miễn phí của Giáo Hội.

  • Nếu một người có thiết bị kỹ thuật số, thì hãy giúp người đó truy cập thánh thư, nhất là Sách Mặc Môn. Ứng dụng Sách Mặc Môn và Thư Viện Phúc Âm đều miễn phí và dễ chia sẻ.

  • Nếu sử dụng tin nhắn bằng văn bản, trò chuyện hoặc email, thì hãy gửi đường liên kết hoặc hình ảnh của thánh thư. Khi giảng dạy qua trò chuyện video, hãy suy nghĩ về việc chia sẻ màn hình của anh chị em để anh chị em có thể cùng đọc các câu thánh thư với nhau.

  • Giúp mọi người tiếp cận những lời của các vị tiên tri tại thế.

Học Tập Riêng Cá Nhân hay Học Tập Chung Với Bạn Đồng Hành

Hãy chắc chắn rằng anh chị em và người bạn đồng hành của anh chị em có các nguồn thánh thư được cập nhật trên điện thoại của mình, kể cả ứng dụng Sách Mặc Môn và Thư Viện Phúc Âm.

Chọn một trong các đoạn thánh thư sau đây: trang tựa của Sách Mặc Môn; 3 Nê Phi 11; Mô Rô Ni 10:3–8; Giăng 17:3; Rô Ma 8:16–17; 1 Cô Rinh Tô 15:29; Gia Cơ 1:5; 1 Phi E Rơ 3:19–20; A Mốt 3:7.

Quyết định cách anh chị em sẽ:

  • Giới thiệu đoạn thánh thư.

  • Cung cấp hoàn cảnh và văn cảnh.

  • Đọc đoạn thánh thư và giải thích ý nghĩa của đoạn đó.

  • Giải nghĩa những từ khó.

  • Giúp những người mà anh chị em giảng dạy áp dụng đoạn thánh thư này vào cuộc sống của họ.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Tại sao cách giảng dạy từ thánh thư là quan trọng?

Chia Sẻ Chứng Ngôn của Anh Chị Em

Chứng ngôn là một sự làm chứng thiêng liêng do Đức Thánh Linh đưa ra. Chia sẻ chứng ngôn của anh chị em là đưa ra một lời tuyên bố đơn giản, thẳng thắn về kiến thức hoặc niềm tin về một lẽ thật phúc âm. Việc chia sẻ chứng ngôn của anh chị em thêm vào lời chứng cá nhân của anh chị em về các lẽ thật mà anh chị em đã giảng dạy từ thánh thư.

Việc chia sẻ chứng ngôn của anh chị em là một cách thức mạnh mẽ để mời Thánh Linh đến và giúp những người khác cảm nhận được ảnh hưởng của Ngài. Một trong những sứ mệnh của Đức Thánh Linh là làm chứng về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài thường làm ứng nghiệm lời chứng này khi đồng hành với anh chị em lúc anh chị em chia sẻ chứng ngôn.

Một chứng ngôn vững mạnh không tùy thuộc vào tài hùng biện hay âm lượng của giọng nói của anh chị em—mà tùy thuộc vào lòng tin chắc và chân thành của anh chị em. Hãy cẩn thận đừng vội vàng hoặc kịch tính hóa chứng ngôn của anh chị em. Cho mọi người cơ hội để cảm thấy Đức Thánh Linh làm chứng cho họ rằng điều mà anh chị em đã giảng dạy là chân chính.

Chứng ngôn của anh chị em có thể đơn giản như là “Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta” hoặc “Tôi đã tự mình biết được rằng Sách Mặc Môn là chân chính.” Anh chị em cũng có thể chia sẻ một kinh nghiệm ngắn gọn về cách mình đã đạt được chứng ngôn này.

Khi anh chị em giảng dạy, hãy chia sẻ chứng ngôn của mình lúc anh chị em cảm thấy được thúc giục, chứ không chỉ lúc kết thúc bài học mà thôi. Khi người bạn đồng hành của anh chị em đang giảng dạy, hãy chia sẻ chứng ngôn của anh chị em để đưa ra một lời chứng thứ hai về điều mà người đó đã giảng dạy.

Chia sẻ chứng ngôn của anh chị em rằng nguyên tắc mà anh chị em đang giảng dạy sẽ ban phước cho cuộc sống của người đó nếu người đó tuân theo nguyên tắc đó. Cho biết việc sống theo nguyên tắc ấy đã ban phước cho cuộc sống của anh chị em như thế nào. Chứng ngôn chân thành của anh chị em sẽ giúp tạo ra một môi trường để mọi người cảm thấy Đức Thánh Linh xác nhận lẽ thật.

Học Tập Riêng Cá Nhân

Các đoạn thánh thư sau đây là những ví dụ về việc chia sẻ chứng ngôn. Hãy suy nghĩ về những câu hỏi khi anh chị em đọc mỗi câu thánh thư. Hãy ghi lại những câu trả lời của anh chị em trong nhật ký ghi chép việc học tập.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Những câu thánh thư sau đây giảng dạy điều gì về các nguyên tắc và lời hứa của việc chia sẻ chứng ngôn?

Hoạch Định và Điều Chỉnh Cách Giảng Dạy của Anh Chị Em để Đáp Ứng Nhu Cầu

Mỗi người mà anh chị em giảng dạy đều khác biệt. Cố gắng thông cảm với những mối quan tâm về phần thuộc linh, nhu cầu và mối lo lắng của họ. Đặt ra những câu hỏi và lắng nghe kỹ. Mặc dù anh chị em có thể không hiểu hết nhu cầu của người đó, nhưng hãy nhớ rằng Cha Thiên Thượng hiểu hết. Ngài sẽ hướng dẫn anh chị em qua Đức Thánh Linh.

Hình Ảnh
những người truyền giáo đang giảng dạy cặp nam nữ

Hãy Để Thánh Linh Hướng Dẫn Thứ Tự của các Bài Học

Hãy để Thánh Linh hướng dẫn thứ tự mà anh chị em giảng dạy các bài học. Anh chị em có thể linh hoạt để giảng dạy các bài học theo thứ tự phù hợp nhất với các nhu cầu, thắc mắc và hoàn cảnh của những người mà anh chị em giảng dạy.

Thỉnh thoảng, anh chị em có thể kết hợp các nguyên tắc từ các bài học khác nhau để đáp ứng nhu cầu và mối quan tâm của một người. Xem qua ba ví dụ sau đây.

Yuki gặp được anh chị em trên mạng và đang hỏi tại sao bạn bè của cô ấy trong Giáo Hội không hút thuốc hoặc uống rượu. Anh chị em có thể giảng dạy cho cô ấy về các phước lành của các giáo lệnh bằng cách sử dụng các phần sau đây từ chương 3:

Samuel không cảm thấy mình thuộc vào bất cứ đâu. Anh chị em có thể giảng dạy anh ấy về nguồn gốc và vị trí của anh ấy trong gia đình của Thượng Đế bằng cách sử dụng các phần sau đây từ chương 3:

Tatyana đã nghiên cứu nhiều tôn giáo và muốn biết điều gì làm cho Giáo Hội trở thành khác biệt. Anh chị em có thể giảng dạy cô ấy về Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách sử dụng các phần sau đây từ chương 3:

Cha Thiên Thượng biết con cái của Ngài, vì vậy hãy tìm kiếm sự soi dẫn để đưa ra những quyết định này khi anh chị em chuẩn bị giảng dạy. Hãy cầu nguyện để có được ân tứ phân biệt khi anh chị em quyết định giảng dạy điều gì. Hãy lưu ý đến những ý nghĩ và cảm giác đang đến với anh chị em.

Hình Ảnh
gia đình đang đọc thánh thư

Dành Thời Gian để Mọi Người Áp Dụng Điều Họ Đang Học

Khi anh chị em giảng dạy, hãy dành thời gian để mọi người áp dụng điều họ đang học (xin xem 3 Nê Phi 17:2–3). Tìm kiếm những cách thích hợp để hỗ trợ họ tuân giữ những cam kết của họ. Tập trung vào việc giúp đỡ họ bằng những hành động mà sẽ xây đắp nền tảng đức tin, chẳng hạn như cầu nguyện, đọc thánh thư và tham dự nhà thờ. Điều này sẽ cho phép họ tuân giữ thêm những cam kết.

Khi anh chị em hoạch định và giảng dạy, hãy thận trọng về lượng thông tin mới mà anh chị em chia sẻ. Mục tiêu chính của việc giảng dạy của anh chị em là giúp một người xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô để đức tin đó dẫn đến sự hối cải. Mục tiêu của anh chị em không phải là xem anh chị em có thể chia sẻ được bao nhiêu thông tin.

Giảng dạy với tốc độ phù hợp cho người đó. Đặt câu hỏi và lắng nghe kỹ để anh chị em hiểu người đó đang học và áp dụng hữu hiệu đến mức độ nào những gì anh chị em đang giảng dạy.

Các lẽ thật mà anh chị em giảng dạy, cùng với quyền năng của Đức Thánh Linh, có thể ảnh hưởng đến mọi người để vận dụng quyền tự quyết của họ theo những cách xây đắp đức tin của họ nơi Đấng Ky Tô. Khi họ vận dụng đức tin nơi Chúa bằng cách áp dụng điều họ học thì họ sẽ tiến đến việc biết được nhờ vào Thánh Linh rằng phúc âm là chân chính.

Sử Dụng Một Loạt Cơ Hội Giảng Dạy Khác Nhau

Cơ hội giảng dạy có nhiều hình thức, chẳng hạn như đích thân đến thăm, trò chuyện qua video, gọi điện thoại, nhắn tin trên điện thoại và mạng truyền thông xã hội.

Tôn Trọng Thời Giờ của Mọi Người

Giữ cho cách giảng dạy của anh chị em đơn giản và ngắn gọn. Mọi người có thể gặp gỡ anh chị em thường hơn khi anh chị em tôn trọng thời giờ và yêu cầu của họ. Hỏi họ có bao nhiêu thời gian cho chuyến viếng thăm. Bắt đầu và kết thúc bất cứ cuộc trò chuyện nào vào thời gian đã thỏa thuận, cho dù là dạy trực tiếp hay trực tuyến. Hãy biết rằng ở một số nơi, các cuộc gọi điện thoại, trò chuyện qua video có thể tốn kém.

Anh chị em sẽ cần nhiều buổi gặp để giảng dạy các nguyên tắc trong một bài học. Thông thường, một buổi giảng dạy thăm viếng không nên dài hơn 30 phút và anh chị em có thể giảng dạy cho một người chỉ trong vòng 5 phút. Điều chỉnh cách giảng dạy của anh chị em theo thời giờ của mọi người.

Sử Dụng Công Nghệ Một Cách Khôn Ngoan

Anh chị em có nhiều cơ hội để giảng dạy mọi người sử dụng công nghệ. Một số người thích sự tiện lợi hoặc riêng tư khi tiếp xúc với các phương tiện điện tử. Ngay cả những mà người anh chị em đến thăm trực tiếp cũng đều có thể được lợi ích từ sự hỗ trợ thêm qua công nghệ. Thảo luận về các nguồn lực có sẵn để giao tiếp. Sau đó tiếp tục theo sát và vẫn giữ liên lạc. Để cho sở thích của mỗi người hướng dẫn sự tương tác của anh chị em.

Công nghệ như cuộc gọi qua video có thể đặc biệt hữu ích trong việc giảng dạy những người có lịch trình bận rộn hoặc sống ở xa. Đôi khi là điều dễ dàng hơn cho các tín hữu để tham gia vào một bài học qua công nghệ.

Giúp Đỡ Các Học Viên Trẻ Tuổi Hơn

Trong lúc giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi, Ngài đã phán bảo các môn đồ của Ngài: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó; vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy” (Mác 10:14). Khi anh chị em giảng dạy trẻ em, hãy điều chỉnh lại phương pháp và sứ điệp của mình để đáp ứng nhu cầu của các em. Giúp các em học phúc âm bằng cách thảo luận những điều quen thuộc với các em. Bảo đảm rằng các em hiểu những gì anh chị em đang giảng dạy.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 84:85. Việc được ban cho “phần đó là phần sẽ thích hợp cho từng người” có nghĩa là gì? Anh chị em có thể áp dụng câu thánh thư này vào cách giảng dạy của anh chị em như thế nào?

Chúa đã hứa với những người truyền giáo trung tín về việc biết phải nói gì?

Giảng Dạy với Bạn Đồng Hành của Anh Chị Em trong Tình Đoàn Kết

Chúa phán: “Các ngươi phải ra đi trong quyền năng của Thánh Linh của ta, để thuyết giảng phúc âm của ta, từng cặp một” (Giáo Lý và Giao Ước 42:6). Chúa cũng ra lệnh cho anh chị em và người bạn đồng hành của anh chị em phải “hiệp làm một” (Giáo Lý và Giao Ước 38:27). Cách giảng dạy của anh chị em sẽ mạnh mẽ và thú vị hơn nếu anh chị em và người bạn đồng hành của anh chị em cùng làm việc trong tình đoàn kết. Thay phiên đưa ra các phần ngắn gọn của bài học.

Trong lúc học chung với người bạn đồng hành, hãy thảo luận và thực hành cách anh chị em sẽ giảng dạy để anh chị em có thể đồng nhất với nhau. Chuẩn bị cách anh chị em sẽ làm việc cùng nhau khi giảng dạy mọi người trực tuyến. Tuân theo các biện pháp an toàn cho việc sử dụng công nghệ, được mô tả trong chương 2.

Hình Ảnh
những người truyền giáo đang giảng dạy một người đàn ông

Khi người bạn đồng hành của anh chị em đang giảng dạy, thì hãy cầu nguyện cho người ấy, lắng nghe và nhìn vào người ấy. Hỗ trợ người bạn đồng hành của anh chị em bằng cách đưa ra lời chứng thứ hai cho các lẽ thật mà người ấy đã giảng dạy (xin xem An Ma 12:1). Tuân theo những ấn tượng của anh chị em khi Thánh Linh thúc giục anh chị em để nói một điều gì đó.

Hãy chân thành quan tâm đến những người mà anh chị em giảng dạy. Lắng Nghe Họ. Duy trì giao tiếp bằng mắt khi họ hoặc anh chị em đang nói. Quan sát kỹ những phản ứng của họ và lắng nghe những thúc giục của Thánh Linh.

Mời Các Tín Hữu Tham Gia

Mời các tín hữu giúp anh chị em giảng dạy và hỗ trợ những người mà anh chị em đang làm việc cùng. Điều này có thể xảy ra trực tiếp hoặc trực tuyến. Trong buổi họp điều phối hằng tuần, hãy hội ý với các vị lãnh đạo tiểu giáo khu về những người nào có thể giúp đỡ.

Khi các tín hữu tham gia giảng dạy và kết tình thân hữu thì họ có thể thêm vào những sự hiểu biết và kết nối với tư cách là bạn bè. Họ sẽ cảm nhận được niềm vui của công việc truyền giáo.

Mời Các Tín Hữu Giúp Anh Chị Em Giảng Dạy

Trước khi học, hãy hoạch định với các tín hữu về cách cùng nhau làm việc. Anh chị em có thể sử dụng một tin nhắn trên điện thoại hoặc một cuộc gọi điện thoại ngắn gọn để xác nhận điều anh chị em sẽ giảng dạy, ai sẽ cầu nguyện, ai sẽ hướng dẫn cuộc nói chuyện và các chi tiết khác.

Vai trò chính của các tín hữu trong các bài học là đưa ra chứng ngôn chân thành, chia sẻ ngắn gọn những kinh nghiệm cá nhân và phát triển mối quan hệ với những người đang được giảng dạy. Anh chị em có thể yêu cầu các tín hữu chia sẻ cách họ có thể học hỏi, chấp nhận và sống theo một nguyên tắc đặc biệt trong bài học. Nếu họ là những người cải đạo, thì hãy mời họ chia sẻ cách họ đã quyết định gia nhập Giáo Hội.

Khi các tín hữu giới thiệu một ai đó, thì hãy yêu cầu họ tham gia giảng dạy. Các tín hữu có thể tham gia nhiều hơn trong những tình huống này. Hội ý với họ về cách họ muốn tham gia.

Cân nhắc xem việc sử dụng công nghệ để giảng dạy với các tín hữu có thể phù hợp như thế nào. Công nghệ cho phép các tín hữu tham gia cùng anh chị em mà không cần cam kết về thời gian trong khi một chuyến đến thăm trực tiếp đòi hỏi phải có.

Trong buổi họp điều phối hằng tuần, hãy hoạch định với các vị lãnh đạo tiểu giáo khu để có một tín hữu tham gia vào càng nhiều bài học càng tốt (xin xem chương 13). Cân nhắc việc yêu cầu các tín hữu mới giúp anh chị em giảng dạy.

Học Tập Riêng Cá Nhân hay Học Tập Chung Với Bạn Đồng Hành

Hãy tưởng tượng rằng anh chị em có hẹn để giảng dạy bài học cho một gia đình tại nhà của một tín hữu. Thảo luận cách anh chị em sẽ mời mỗi tín hữu sau đây giúp anh chị em giảng dạy:

  • Một người truyền giáo trong tiểu giáo khu vừa trở về từ một công việc truyền giáo toàn thời gian

  • Một thầy tư tế

  • Một tín hữu mới

  • Chủ tịch nhóm túc số các anh cả hoặc chủ tịch Hội Phụ Nữ

Mời Các Tín Hữu Hỗ Trợ

Các tín hữu cũng có thể mang đến sự hỗ trợ có giá trị cho mọi người trong thời gian giữa những lần giảng dạy. Họ có thể nhắn tin trên điện thoại, cùng đọc thánh thư chung với nhau, mời mọi người đến nhà họ hoặc tham dự các sinh hoạt hay mời họ ngồi chung tại nhà thờ. Họ có thể trả lời các câu hỏi và cho thấy cuộc sống của họ như thế nào với tư cách là tín hữu của Giáo Hội. Kinh nghiệm sống và quan điểm của họ có thể giúp họ thấy thông cảm với người khác theo những cách mà đôi khi rất khác với cách những người truyền giáo thông cảm.

Hội ý với các tín hữu về những cách mà anh chị em có thể cùng làm việc với nhau để hỗ trợ mọi người ngoài các chuyến đến thăm giảng dạy.

Giảng Dạy để Hiểu

Giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô để mọi người hiểu được. Nghiên cứu thánh thư và các bài học để anh chị em có thể giảng dạy rõ ràng từ đó. Anh chị em càng giảng dạy rõ ràng thì càng có nhiều cơ hội để Đức Thánh Linh làm chứng về lẽ thật.

Đưa ra những câu hỏi để giúp mọi người suy nghĩ về điều mà anh chị em đã giảng dạy. Sau đó lắng nghe xem họ có hiểu và chấp nhận điều đó không.

Một phần của cách giảng dạy để hiểu là giải thích các từ, cụm từ và ý tưởng. Anh chị em có thể cải thiện khả năng giảng dạy phúc âm bằng cách:

  • Hiểu những từ mà anh chị em sử dụng.

  • Định nghĩa những từ mà người khác có thể không hiểu.

  • Đặt câu hỏi cho mọi người như “Anh (chị, em) có thể chia sẻ với chúng tôi sự hiểu biết của anh (chị, em) về điều chúng tôi vừa giải thích không?” hoặc “Anh (chị, em) có sẵn lòng tóm tắt những gì chúng ta đã nói không?”

Khi anh chị em giảng dạy giáo lý trong chương 3, hãy lưu ý đến bất cứ từ, cụm từ và ý tưởng nào mà mọi người có thể không hiểu. Định nghĩa những từ, cụm từ và ý tưởng này bằng cách sử dụng các nguồn tài liệu trong Thư Viện Phúc Âm, chẳng hạn như Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, Bible Dictionary, và Các Đề Tài Phúc Âm.

Giữ cho cách giảng dạy của anh chị em đơn giản và ngắn gọn. Duy trì cách giảng dạy tập trung vào phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, xây đắp sự hiểu biết về giáo lý và các nguyên tắc cơ bản. Giúp mọi người tìm kiếm sự hiểu biết đến từ Đức Thánh Linh. Khi có được sự hiểu biết này, họ sẽ tiến đến việc tin vào sứ điệp của phúc âm.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Tại sao chúng ta nên giải thích kỹ giáo lý?

Chúng ta học bằng cách nào? Tại sao việc giảng dạy thông tin dần dần là quan trọng?

Tại sao sự minh bạch rõ ràng là quan trọng?

Anh chị em có thể học được điều gì từ những câu sau đây về cách Thượng Đế giao tiếp với con cái của Ngài?

Đặt Câu Hỏi

Đấng Cứu Rỗi đã đặt những câu hỏi để mời mọi người suy nghĩ và cảm nhận cặn kẽ về các lẽ thật mà Ngài đã giảng dạy. Những câu hỏi của Ngài đã thúc giục sự đắn đo suy nghĩ và cam kết.

Những câu hỏi hay cũng rất quan trọng trong cách giảng dạy của anh chị em. Chúng sẽ giúp anh chị em hiểu mối quan tâm, nỗi lo lắng và những thắc mắc của mọi người. Những câu hỏi hay có thể mời Thánh Linh đến và giúp mọi người học hỏi.

Đặt Những Câu Hỏi Soi Dẫn

Tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh trong việc đặt những câu hỏi hay. Những câu hỏi phù hợp vào đúng thời điểm có thể giúp mọi người học hỏi phúc âm và cảm nhận được Thánh Linh.

Những câu hỏi truyền cảm hứng và sự lắng nghe chân thành sẽ giúp mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi nói chuyện cởi mở và chia sẻ cảm nghĩ của họ. Điều này có thể giúp họ khám phá ra một chứng ngôn đang tăng trưởng. Họ cũng sẽ thoải mái hơn để đặt câu hỏi cho anh chị em khi họ không hiểu một điều gì đó hoặc có nỗi bận tâm.

Bảng sau đây cho thấy một số nguyên tắc đặt những câu hỏi soi dẫn cùng với một số ví dụ.

Các Nguyên tắc và Ví dụ về Các Câu Hỏi Soi Dẫn

Các nguyên tắc

Các ví dụ

Đặt những câu hỏi mà giúp mọi người cảm nhận được Thánh Linh.

  • Anh (chị, em) có thể chia sẻ một kinh nghiệm khi cảm nhận được ảnh hưởng của Thượng Đế trong cuộc sống của mình không?

  • Anh (chị, em) đã cảm nhận được tình thương yêu của Thượng Đế dành cho mình như thế nào?

Đặt những câu hỏi đơn giản và dễ hiểu.

  • Anh (chị, em) đã học được điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô từ câu thánh thư này?

Đặt những câu hỏi mà giúp mọi người suy nghĩ về những gì anh chị em đang giảng dạy.

  • Điều này tương tự như thế nào với điều mà anh (chị, em) đã tin? Nó khác biệt như thế nào?

Đặt những câu hỏi mà giúp anh chị em biết mọi người hiểu đến mức nào những gì anh chị em đang giảng dạy.

  • Anh (chị, em) có câu hỏi về những gì chúng tôi đã giảng dạy ngày hôm nay không?

  • Anh (chị, em) sẽ tóm tắt như thế nào cuộc trò chuyện của chúng ta ngày hôm nay?

Đặt những câu hỏi giúp mọi người chia sẻ những gì họ đang cảm thấy.

  • Chúa Giê Su Ky Tô đã giúp đỡ anh (chị, em) như thế nào trong cuộc sống của anh (chị, em)?

  • Điều gì là quan trọng nhất đối với anh (chị, em) từ những gì mà chúng ta đã nói trong ngày hôm nay?

Đặt những câu hỏi mà cho thấy tình yêu thương và mối quan tâm.

  • Chúng tôi có thể giúp đỡ anh (chị, em) thế nào đây?

Đặt những câu hỏi mà giúp mọi người áp dụng điều họ học được.

  • Chúng ta có thể học được gì từ câu thánh thư này?

  • Câu thánh thư này có thể giúp đỡ anh (chị, em) như thế nào trong cuộc sống của anh (chị, em)?

  • Như chúng ta đã nói chuyện, anh (chị, em) đã cảm thấy có ấn tượng để làm gì từ những điều anh (chị, em) đã học được?

Học Tập Chung với Bạn Đồng Hành

Xem lại dàn bài của anh chị em từ một bài học gần đây mà anh chị em đã giảng dạy. Viết một câu hỏi cho mỗi nguyên tắc chính được mô tả trong dàn bài của anh chị em.

Xem lại những câu hỏi của anh chị em để xem chúng có phù hợp với các nguyên tắc trong phần này không.

Kế đến, hãy trả lời cho mỗi câu hỏi như thể anh chị em là người đang được giảng dạy.

Chia sẻ những câu hỏi của anh chị em với bạn đồng hành của mình. Cùng nhau đánh giá và cải thiện những câu hỏi của anh chị em.

Học Tập Riêng Cá Nhân hay Học Tập Chung Với Bạn Đồng Hành

Những người mà anh chị em đang giảng dạy có thể gặp phải những kinh nghiệm sau đây:

  • Họ có một kinh nghiệm thuộc linh trong khi đọc Sách Mặc Môn.

  • Những đồng nghiệp thường xuyên chế nhạo những sự việc thuộc linh.

  • Những người trong gia đình là các tín hữu vững mạnh của một giáo hội khác.

  • Bạn bè tin rằng “người Mặc Môn” không phải là Ky Tô hữu.

Hãy nghĩ về một câu hỏi mà anh chị em sẽ hỏi để tìm hiểu thêm về mỗi tình huống này. Viết những câu hỏi này vào nhật ký ghi chép việc học tập của anh chị em. Thảo luận với người bạn đồng hành của anh chị em về cách anh chị em có thể cải thiện các câu hỏi mà mình đã viết xuống.

Tránh Các Câu Hỏi Không Hiệu Quả hoặc Thừa Thải

Cố gắng không đặt câu hỏi mà:

  • Có câu trả lời hiển nhiên.

  • Có thể làm cho một người nào đó ngượng ngùng nếu họ không biết câu trả lời.

  • Gồm vào nhiều hơn một ý tưởng.

  • Liên quan đến giáo lý mà anh chị em chưa giảng dạy.

  • Không có mục đích rõ ràng.

  • Quá thừa thải.

  • Đang xoi mói hoặc có thể gây khó chịu và xúc phạm người khác.

Sau đây là những ví dụ về các câu hỏi kém hiệu quả:

  • Vị tiên tri đầu tiên là ai? (Người đó có thể không biết câu trả lời.)

  • Làm thế nào việc gìn giữ cho thân thể được thanh sạch sẽ giúp chúng ta có được Thánh Linh và cho thấy rằng chúng ta sẵn lòng tuân theo vị tiên tri của Thượng Đế? (Có nhiều hơn một ý tưởng.)

  • Tại sao lại là điều quan trọng để biết về những giáo lệnh của Thượng Đế? (Đây là câu hỏi để trả lời có hay không và câu trả lời là hiển nhiên.)

  • Điều gì chúng ta có thể làm mỗi ngày mà sẽ giúp chúng ta cảm thấy gần gũi với Thượng Đế? (Đây là một câu hỏi mơ hồ đang tìm kiếm một câu trả lời cụ thể: hãy cầu nguyện.)

  • Vị tiên tri tiếp theo sau Nô Ê là ai? (Người đó có thể không biết câu trả lời và câu hỏi là không quan trọng đối với sứ điệp của anh chị em.)

  • Anh (chị, em) có hiểu tôi đang nói gì không? (Người đó có thể cảm thấy như anh chị em đang lên giọng trịch thượng với họ.)

Học Tập Riêng Cá Nhân hay Học Tập Chung Với Bạn Đồng Hành

Xem xét nhu cầu của những người mà anh chị em đang giảng dạy. Thảo luận về cách họ có thể trả lời các câu hỏi của anh chị em. Hoạch định một số câu hỏi để hỏi theo những chỉ dẫn trong phần này. Thảo luận về cách mà những câu hỏi này có thể mời Thánh Linh đến và giúp người đó học hỏi phúc âm.

Lắng Nghe

Khi lắng nghe kỹ người khác, anh chị em sẽ hiểu họ rõ hơn. Khi mọi người biết rằng những ý nghĩ và cảm tưởng của họ là quan trọng đối với anh chị em, thì họ có thể dễ lĩnh hội hơn với những điều giảng dạy của anh chị em, chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân và lập cam kết.

Khi lắng nghe, anh chị em sẽ hiểu rõ về cách thích nghi việc giảng dạy của mình cho phù hợp với nhu cầu và sở thích của họ. Anh chị em sẽ hiểu rõ hơn về những lẽ thật phúc âm nào mà sẽ có lợi nhất cho họ.

Nhất là lắng nghe những lời mách bảo của Thánh Linh. Khi những người khác chia sẻ cảm nghĩ của họ, thì Đức Thánh Linh có thể thúc giục anh chị em có những ý tưởng hoặc ý kiến. Thánh Linh cũng có thể giúp anh chị em hiểu điều mà người khác đang cố gắng bày tỏ.

Hình Ảnh
những người truyền giáo đang nói chuyện với một gia đình

Lắng Nghe bằng Sự Quan Tâm Chân Thành

Việc lắng nghe cần có nỗ lực và sự quan tâm chân thành. Trong khi những người khác đang nói, hãy chắc chắn rằng anh chị em đang tập trung vào điều họ đang nói. Tránh có khuynh hướng hoạch định những gì anh chị em sẽ nói.

Anh Cả Jeffrey R. Holland đã dạy: “Lắng nghe còn quan trọng hơn cả nói. Những người này không phải là những đồ vật vô tri vô giác được ngụy trang dưới dạng số liệu thống kê về phép báp têm. … Hãy hỏi những người bạn này điều gì là quan trọng nhất đối với họ. Họ trân trọng điều gì và họ yêu quý điều gì? Và rồi lắng nghe. Nếu hoàn cảnh phù hợp thì anh chị em có thể hỏi họ sợ hãi điều gì, họ khao khát điều gì hoặc họ cảm thấy thiếu điều gì trong cuộc sống của họ. Tôi hứa với anh chị em rằng một điều gì đó trong những gì họ nói sẽ luôn luôn làm nổi bật một lẽ thật của phúc âm mà anh chị em có thể làm chứng về lẽ thật đó và rồi anh chị em có thể mang đến thêm lẽ thật nữa. … Nếu lắng nghe với tình yêu thương, thì chúng ta sẽ không cần tự hỏi phải nói điều gì. Điều đó sẽ được ban cho chúng ta—bởi Thánh Linh và bởi những người bạn của chúng ta” (“Witnesses unto Me,” Ensign, tháng Năm năm 2001, trang 15).

Quan Sát Những Thông Điệp Ngầm

Mọi người cũng giao tiếp qua lời lẽ bằng cử chỉ điệu bộ của họ. Lưu ý cách họ ngồi, nét mặt, động tác tay của họ, giọng nói và hướng nhìn của họ. Việc quan sát những thông điệp ngầm này có thể giúp anh chị em hiểu được cảm xúc của những người mà mình giảng dạy.

Cũng hãy ý thức lời lẽ qua cử chỉ điệu bộ của mình. Gửi ra một thông điệp về sự quan tâm và nhiệt tình bằng cách lắng nghe một cách chân thành.

Để Cho Mọi Người Thời Gian Suy Nghĩ và Trả Lời

Đấng Cứu Rỗi thường hỏi những câu hỏi mà cần thời gian để cho một người trả lời. Khi anh chị em đặt câu hỏi, hãy tạm dừng một chút để cho người đó có cơ hội suy nghĩ và trả lời. Đừng sợ sự im lặng. Mọi người thường cần thời gian để suy nghĩ và trả lời các câu hỏi hoặc để bày tỏ những gì họ đang cảm nhận.

Anh chị em có thể tạm dừng một chút sau khi đặt câu hỏi, sau khi chia sẻ một kinh nghiệm thuộc linh hoặc khi mọi người gặp khó khăn trong việc tự bày tỏ lời lẽ của họ. Hãy chắc chắn cho họ thời gian để hoàn tất những ý nghĩ của họ trước khi anh chị em trả lời. Đừng ngắt lời khi họ đang nói.

Đáp Lại bằng Sự Đồng Cảm

Khi một người trả lời một câu hỏi, thì hãy bắt đầu câu trả lời của anh chị em bằng cách bày tỏ sự đồng cảm nếu thích hợp. Sự đồng cảm cho thấy rằng anh chị em quan tâm thực sự. Tránh kết luận vội vàng, đưa ra giải pháp ngay lập tức hoặc tỏ ra có tất cả các câu trả lời.

Xác Nhận Rằng Anh Chị Em Hiểu Điều Người Khác Nói

Khi cố gắng hiểu điều một người đang nói, thì hãy hỏi lại để bảo đảm rằng anh chị em hiểu. Ví dụ, anh chị em có thể hỏi: “Vậy điều anh chị em đang nói là . Có đúng thế không?” hoặc “Nếu tôi hiểu đúng thì anh chị em đang cảm thấy rằng .” Khi anh chị em không chắc mình có hiểu hay không, thì hãy hỏi lại người đó để được rõ ràng.

Điều Hướng Những Tương Tác Đầy Khó Khăn

Anh chị em sẽ giúp ích nhiều nhất cho mọi người bằng cách giảng dạy cho họ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Một số người có thể muốn giành nói hết. Đôi khi mọi người chỉ cần ai đó lắng nghe với lòng trắc ẩn về những khó khăn và cảm xúc của họ. Những người khác có thể tìm cách chiếm ưu thế hoặc tranh luận.

Hãy học cách giải quyết những tình huống như vậy một cách khéo léo và đầy yêu thương. Anh chị em có thể điều chỉnh cách giảng dạy của mình để đề cập đến một điều gì đó mà một người đã chia sẻ. Hoặc anh chị em có thể cần lịch sự nói rằng anh chị em muốn thảo luận về mối bận tâm của họ vào lúc khác. Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết cách ứng phó trong những tình huống khó khăn.

Giúp Mọi Người Cảm Thấy Thoải Mái Khi Chia Sẻ Những Cảm Nghĩ Thật

Để tránh ngượng ngùng, một số người sẽ trả lời các câu hỏi theo cách mà họ nghĩ rằng anh chị em muốn họ trả lời hơn là chia sẻ cảm nghĩ thật của họ. Cố gắng phát triển một mối quan hệ mà cho phép họ được thoải mái khi chia sẻ những cảm nghĩ thật của họ với anh chị em.

Việc hiểu biết và kết nối với mọi người sẽ cho phép anh chị em giúp đỡ họ, đáp ứng mối quan tâm và nhu cầu của họ, đồng thời bày tỏ tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi dành cho họ. Tạo mối quan hệ tin cậy bằng cách thành thật với họ, duy trì mối quan hệ truyền giáo thích hợp và cho thấy sự tôn trọng.

Học Tập Riêng Cá Nhân hay Học Tập Chung Với Bạn Đồng Hành

Suy ngẫm việc anh chị em đang lắng nghe kỹ người khác đến mức độ nào. Viết câu trả lời vào nhật ký ghi chép việc học tập của anh chị em cho những câu hỏi dưới đây. Hoặc thảo luận những câu hỏi này với bạn đồng hành của anh chị em.

A = Không bao giờ đúng với tôi, B = Đôi khi đúng với tôi, C = Thường đúng với tôi, D = Luôn luôn đúng với tôi

  • Khi những người khác nói chuyện với tôi, thì tôi nghĩ về những kinh nghiệm tương tự mà tôi có thể chia sẻ thay vì lắng nghe kỹ.

  • Khi người khác nói với tôi về cảm nghĩ của họ, thì tôi thử đặt mình vào vị trí của họ để xem tôi sẽ cảm thấy như thế nào.

  • Khi giảng dạy mọi người, tôi nghĩ về điều tôi sẽ nói hoặc giảng dạy kế tiếp.

  • Tôi cảm thấy khó chịu khi người khác nói quá nhiều.

  • Tôi cố gắng để nghe kịp hoặc hiểu kịp những gì người khác đang cố gắng nói với tôi.

  • Tôi thường nghĩ lan man trong khi người bạn đồng hành của tôi đang giảng dạy.

  • Tôi cảm thấy khó chịu nếu ai đó đang nói chuyện với tôi và những người khác cắt ngang hoặc làm tôi mất tập trung.

  • Tôi nhận được những thúc giục của Thánh Linh để nói hoặc làm một điều gì đó, nhưng tôi phớt lờ.

Giúp Mọi Người Tìm Kiếm Câu Trả Lời cho Những Câu Hỏi và Thắc Mắc của họ

Sốt sắng nỗ lực để giải đáp các câu hỏi của mọi người và giúp họ giải quyết các mối bận tâm của họ. Tuy nhiên, anh chị em không có trách nhiệm phải trả lời mọi câu hỏi. Cuối cùng, mọi người phải tự giải quyết các câu hỏi và thắc mắc của họ cho chính họ.

Hãy biết rằng không phải tất cả các câu hỏi và mối bận tâm đều có thể được trả lời hết. Một số câu trả lời trở nên rõ ràng hơn theo thời gian. Một số khác vẫn chưa được tiết lộ. Hãy tập trung vào việc xây đắp một nền tảng vững chắc về các lẽ thật cơ bản, thiết yếu của phúc âm. Nền tảng này sẽ giúp anh chị em và những người mà anh chị em giảng dạy tiến bước với lòng kiên nhẫn và đức tin khi có những câu hỏi khó hoặc chưa được giải đáp.

Một số nguyên tắc để trả lời những câu hỏi đều được mô tả trong phần này.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su và Người Đàn Bà Sa Ma Ri Tại Giếng Nước

Hiểu Rõ Sự Thắc Mắc

Một số điều mà anh chị em giảng dạy mọi người có vẻ khó hoặc không quen thuộc đối với họ. Nếu mọi người có câu hỏi hoặc thắc mắc, thì trước hết hãy cố gắng hiểu rõ các câu hỏi và thắc mắc này. Đôi khi những thắc mắc của mọi người giống như một tảng băng trôi. Chỉ có thể nhìn thấy một phần nhỏ trên bề mặt. Những thắc mắc này có thể là phức tạp. Hãy cầu nguyện để có được ân tứ về sự phân biệt, và tuân theo Thánh Linh trong cách anh chị em trả lời. Cha Thiên Thượng biết tấm lòng và kinh nghiệm của tất cả mọi người (toàn bộ tảng băng trôi). Ngài sẽ giúp anh chị em biết điều gì là tốt nhất cho mỗi người.

Những thắc mắc thường mang tính chất xã hội hơn là giáo lý. Ví dụ, một số người có thể sợ sự phản đối từ những người trong gia đình họ nếu họ gia nhập Giáo Hội. Hoặc họ có thể sợ bị bạn bè ở nơi làm việc từ khước.

Cố gắng hiểu nguồn thắc mắc này bằng cách đặt câu hỏi và lắng nghe. Có phải thắc mắc này nảy sinh vì người đó không có sự xác nhận của Thánh Linh về lẽ thật của Sự Phục Hồi không? Có phải thắc mắc này nảy sinh vì người đó không muốn cam kết sống theo một nguyên tắc phúc âm không? Biết được căn nguyên của thắc mắc của họ sẽ giúp anh chị em biết nên tập trung vào chứng ngôn hay sự cam kết.

Sử Dụng Thánh Thư, Nhất Là Sách Mặc Môn, Để Giúp Trả Lời Các Câu Hỏi

Cho mọi người thấy các lẽ thật trong thánh thư có thể giúp trả lời các câu hỏi của họ và giải quyết những thắc mắc của họ như thế nào. (Xin xem “Sách Mặc Môn Giải Đáp Những Câu Hỏi Sâu Thẳm Nhất của Tâm Hồn” trong chương 5.) Khi mọi người tìm kiếm sự soi dẫn bằng cách nghiên cứu và áp dụng thánh thư, thì họ sẽ gia tăng khả năng nghe và noi theo Chúa. Đức tin của họ nơi Ngài sẽ gia tăng. Chứng ngôn, sự hối cải và giáo lễ báp têm sẽ đến với đức tin gia tăng.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Henry B. Eyring

“Đôi khi tôi tìm đến thánh thư để học giáo lý. Đôi khi tôi tìm đến thánh thư để được chỉ dẫn. Tôi tìm đến với một câu hỏi, và câu hỏi đó thường là ‘Thượng Đế muốn tôi làm gì?’ hoặc ‘Ngài muốn tôi cảm thấy như thế nào?’ Lúc nào tôi cũng tìm thấy những ý kiến mới, những ý nghĩ mà tôi chưa từng có trước đây, và tôi nhận được sự soi dẫn, chỉ dẫn và câu trả lời cho những câu hỏi của tôi” (Henry B. Eyring, trong “A Discussion on Scripture Study,” Ensign, tháng Bảy năm 2005, trang 22).

Có thể là điều hữu ích để giải thích rằng phần lớn sự hiểu biết của chúng ta về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đến từ điều đã được mặc khải cho Tiên Tri Joseph Smith và những người kế nhiệm ông. Những thắc mắc về lẽ trung thực của phúc âm có thể được giải quyết bằng cách đạt được chứng ngôn rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Thượng Đế. Đọc và cầu nguyện về Sách Mặc Môn là một cách thiết yếu để đạt được chứng ngôn này.

Giúp mọi người tập trung vào việc củng cố đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Đọc và cầu nguyện về Sách Mặc Môn là một cách thức quan trọng để củng cố đức tin của họ.

Mời Mọi Người Hành Động Bằng Đức Tin

Khi mọi người phát triển và củng cố chứng ngôn của họ về phúc âm phục hồi, họ sẽ có thể giải quyết các câu hỏi và thắc mắc của mình từ nền tảng đức tin. Khi hành động bằng đức tin dựa trên các lẽ thật mà họ tin tưởng, thì họ sẽ có thể đạt được chứng ngôn về các lẽ thật khác của phúc âm.

Một số cách để hành động bằng đức tin gồm có:

  • Cầu nguyện thường xuyên và với chủ ý thực sự để được soi dẫn và hướng dẫn.

  • Nghiên cứu thánh thư nhất là Sách Mặc Môn.

  • Tham dự nhà thờ.

Học Tập Chung với Bạn Đồng Hành

Chọn một lời mời để đưa ra khi anh chị em giảng dạy một bài học. Sau đó, nhận ra những thắc mắc mà có thể khiến cho một ai đó không chấp nhận lời mời hoặc giữ cam kết. Thảo luận và thực hành cách anh chị em có thể giúp mọi người giải quyết những thắc mắc của họ.

Học Tập Riêng Cá Nhân hay Học Tập Chung Với Bạn Đồng Hành

Trong nhật ký ghi chép việc học tập của mình, hãy viết xuống cách mà anh chị em sẽ đề cập đến Joseph Smith và Sách Mặc Môn để trả lời những thắc mắc sau đây:

  • “Tôi không tin rằng Thượng Đế còn nói chuyện với mọi người nữa.”

  • “Tôi tin rằng tôi có thể thờ phượng Thượng Đế theo cách riêng của mình thay vì qua một tôn giáo có tổ chức.”

  • “Tại sao tôi phải bỏ uống rượu trong bữa ăn của mình nếu tôi gia nhập giáo hội của bạn?”

  • “Tại sao tôi cần tôn giáo?”

Để Lại Một Điều Gì Đó để Nghiên Cứu và Cầu Nguyện

Vào cuối mỗi buổi đến thăm giảng dạy, hãy cho mọi người một điều gì đó để nghiên cứu, suy ngẫm và cầu nguyện để chuẩn bị cho buổi họp kế tiếp. Việc đọc, cầu nguyện và suy ngẫm trong thời gian giữa những lần đến thăm giảng dạy đều mời gọi ảnh hưởng của Đức Thánh Linh vào cuộc sống của họ.

Anh chị em có thể mời mọi người đọc các chương cụ thể trong Sách Mặc Môn. Hoặc anh chị em có thể khuyến khích họ sử dụng các nguồn tài liệu của Giáo Hội, chẳng hạn như Thư Viện Phúc Âm, để tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi, tìm hiểu về một đề tài hoặc xem một video. Điều này có thể trở thành một đề tài thảo luận mở đầu trong lần gặp gỡ kế tiếp.

Hình Ảnh
một người đang học thánh thư

Tránh giao cho mọi người quá nhiều việc phải làm, nhất là nếu anh chị em có những tương tác giảng dạy ngắn và thường xuyên với họ.

Học Tập Riêng Cá Nhân hay Học Tập Chung Với Bạn Đồng Hành

Hãy xem xét mỗi người mà anh chị em dự định sẽ giảng dạy trong tuần này. Các chương nào trong Sách Mặc Môn sẽ là hữu ích nhất cho họ? Những nguồn tài liệu nào khác sẽ có lợi ích cho họ? Ghi lại điều anh chị em dự định mang đến cho mỗi người. Cũng ghi lại điều mà anh chị em sẽ làm để tiếp tục theo sát trong lần đến thăm tiếp theo của mình.

Giúp Đỡ Những Người Bị Nghiện Ngập

Anh chị em có thể giúp đỡ những người đang đấu tranh để khắc phục thói nghiện bằng cách thảo luận bằng tình yêu thương về những khó khăn của họ, hỗ trợ họ và kết nối họ với các nguồn lực. Anh chị em có thể khuyến khích họ tham dự một trong các nhóm hỗ trợ cai nghiện của Giáo Hội. Các nhóm này có thể họp trực tiếp hoặc trực tuyến. (Xin xem AddictionRecovery.ChurchofJesusChrist.org.) Khuyến khích họ sử dụng các nguồn tài liệu trong phần “Thói Nghiện” thuộc Sự Giúp Đỡ trong Cuộc Sống của Thư Viện Phúc Âm.

Các vị lãnh đạo và tín hữu của Giáo Hội ở địa phương cũng có thể hỗ trợ. Một số người bị nghiện ngập có thể cần điều trị y tế và sức khỏe tâm thần chuyên nghiệp.

Sau đây là một vài đề nghị về cách anh chị em có thể hỗ trợ những người đang đấu tranh để khắc phục thói nghiện:

  • Củng cố những nỗ lực của họ để đến cùng Đấng Ky Tô. Giúp họ thấy rằng những nỗ lực phục hồi và chữa lành của họ được Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô công nhận và quý trọng. Dạy họ biết rằng họ có thể được củng cố nhờ vào Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài. Ngài hoàn toàn nhận biết ý định làm điều tốt trong lòng họ.

  • Hãy cầu nguyện cho họ khi anh chị em cầu nguyện riêng và cầu nguyện chung với họ. Khi thích hợp, hãy khuyến khích họ tìm kiếm một phước lành chức tư tế từ các vị lãnh đạo chức tư tế địa phương.

  • Tiếp tục giảng dạy cho họ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Dạy cho họ biết rằng Cha Thiên Thượng, Đấng Cứu Rỗi và Đức Thánh Linh yêu thương họ và muốn họ được thành công.

  • Khuyến khích họ tham dự nhà thờ thường xuyên và phát triển tình thân hữu với các tín hữu.

  • Hãy lạc quan và hỗ trợ, nhất là nếu họ nghiện trở lại.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su tìm đến giúp đỡ người đàn bà

Thói nghiện rất khó khắc phục và sự nghiện trở lại có thể xảy ra. Các vị lãnh đạo và các tín hữu của Giáo Hội không nên hốt hoảng vì điều này. Họ nên cho thấy tình yêu thương chứ không phải sự phê phán.

Một tín hữu mới ngừng đi nhà thờ có thể quay trở lại thói nghiện cũ và có thể cảm thấy không xứng đáng và chán nản. Một chuyến đến thăm ngay lập tức để khuyến khích và hỗ trợ có thể giúp ích. Các tín hữu nên cho thấy bằng lời nói và hành động rằng Giáo Hội là nơi có thể tìm thấy tình yêu thương của Đấng Ky Tô (xin xem 3 Nê Phi 18:32).

Học Tập Riêng Cá Nhân hay Học Tập Chung Với Bạn Đồng Hành

Hãy nghĩ về một người nào đó mà anh chị em đang giảng dạy hoặc một tín hữu mới hay một tín hữu đang tích cực trở lại và đang cố gắng khắc phục thói nghiện. Xem lại “Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô” và “Sự Hối Cải” từ bài học “Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô” trong chương 3.

  • Anh chị em có thể giảng dạy người này điều gì từ bài học đó và từ chương này để có thể giúp đỡ họ?

  • Tạo một dàn bài để giúp đỡ người này.

Giảng Dạy Những Người Không Có Nguồn Gốc Ky Tô Giáo

Một số người mà anh chị em giảng dạy đều có thể không có nguồn gốc Ky Tô giáo hoặc có thể không tin nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Tuy nhiên, nhiều người trong số này có tín ngưỡng, thói quen và những nơi họ coi là thiêng liêng. Điều thiết yếu là anh chị em phải cho thấy sự tôn trọng đối với tín ngưỡng và truyền thống tôn giáo của họ.

Giúp Họ Hiểu Thượng Đế Là Ai

Anh chị em có thể tự hỏi mình nên điều chỉnh cách giảng dạy như thế nào cho những người không có nguồn gốc Ky Tô giáo. Các nguyên tắc mà giúp một người xây đắp đức tin đều giống nhau trong mọi nền văn hóa. Giúp mọi người có được sự hiểu biết đúng đắn về Thượng Đế và sứ mệnh thiêng liêng của Chúa Giê Su Ky Tô. Cách tốt nhất để họ học hỏi những lẽ thật này là có những kinh nghiệm thuộc linh cá nhân. Một số cách anh chị em có thể giúp họ có được những kinh nghiệm này được mô tả dưới đây:

  • Giảng dạy rằng Thượng Đế là Cha Thiên Thượng của chúng ta, và Ngài yêu thương chúng ta. Chúng ta là con cái của Ngài. Mời họ tìm kiếm sự làm chứng đó cho chính họ.

  • Giảng dạy về kế hoạch cứu rỗi.

  • Giảng dạy rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô đã hiện đến cùng Tiên Tri Joseph Smith.

  • Chia sẻ chứng ngôn chân thật về phúc âm, kể cả cảm nghĩ của anh chị em về tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và lý do tại sao anh chị em chọn noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Mời họ dâng lên những lời cầu nguyện đơn giản, chân thành—với anh chị em và riêng mình họ.

  • Mời họ đọc Sách Mặc Môn hằng ngày—với anh chị em và riêng mình họ.

  • Mời họ tham dự nhà thờ.

  • Giới thiệu họ với các tín hữu của Giáo Hội là những người có thể giải thích cách họ tin nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Mời họ tuân giữ các giáo lệnh.

Hầu hết mọi người mong muốn có mối quan hệ mật thiết hơn với Thượng Đế và tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống. Giúp họ thấy họ là con cái của Cha Thiên Thượng nhân từ như thế nào và Ngài có một kế hoạch dành cho họ như thế nào. Ví dụ, anh chị em có thể bắt đầu bằng cách nói một điều gì đó như sau:

Thượng Đế là Cha Thiên Thượng của chúng ta, và Ngài yêu thương chúng ta. Chúng ta là con cái của Ngài. Chúng ta đã sống với Ngài trước khi chúng ta sinh ra. Vì đều là con cái của Ngài nên chúng ta đều là anh chị em với nhau. Ngài mong muốn chúng ta trở về cùng Ngài. Vì tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta, nên Ngài đã cung cấp một con đường để chúng ta trở lại với Ngài qua Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.

Sửa Đổi Cách Giảng Dạy của Anh Chị Em khi Cần

Nhiều người cải đạo từ nguồn gốc không phải là Ky Tô giáo nói rằng họ không hiểu nhiều về điều những người truyền giáo đang giảng dạy. Tuy nhiên, họ cảm nhận được Thánh Linh và muốn làm theo điều mà những người truyền giáo yêu cầu. Hãy làm hết sức mình để giúp mọi người hiểu giáo lý của phúc âm. Hãy kiên nhẫn và hỗ trợ. Có thể mất thời gian để mọi người học cách nhận ra và bày tỏ cảm nghĩ của họ. Anh chị em có thể cần điều chỉnh tốc độ và chiều sâu của cách giảng dạy của mình để giúp đỡ họ.

Những đề nghị sau đây có thể hữu ích khi anh chị em chuẩn bị dạy cho những người không có nguồn gốc Ky Tô giáo:

  • Hiểu nhu cầu thuộc linh hoặc mối quan tâm nào mà khiến họ đến gặp anh chị em.

  • Cung cấp phần tổng quan đơn giản và xem lại mỗi bài học.

  • Yêu cầu họ cho anh chị em biết những gì họ hiểu và những gì họ đã khinh nghiệm được.

  • Định nghĩa các từ và các nguyên tắc thiết yếu. Mọi người có thể không quen thuộc với nhiều từ mà anh chị em sử dụng khi giảng dạy.

  • Trở lại một bài học đã dạy trước đó để giảng dạy giáo lý rõ ràng hơn. Việc này có thể là cần thiết bất cứ lúc nào trong tiến trình giảng dạy.

  • Nhận ra những lời mời mà anh chị em có thể đưa ra để giúp mọi người kinh nghiệm các phước lành của phúc âm.

Dưới đây là một số nguồn tài liệu trong Thư Viện Phúc Âm mà anh chị em có thể sử dụng để giúp đỡ những người không có nguồn gốc Ky Tô giáo:

  • Thượng Đế Là Ai?

  • Chúa Giê Su Ky Tô Là Ai?

  • Chúa Giê Su Ky Tô, Con Trai của Thượng Đế

  • Những Điều Kỳ Vọng Khi Gặp Gỡ Những Người Truyền Giáo của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

  • Các Tín Đồ Hồi Giáo và Các Thánh Hữu Ngày Sau: Niềm Tin, Giá Trị, và Lối Sống

Học Tập Riêng Cá Nhân hay Học Tập Chung Với Bạn Đồng Hành

Nếu có thể được, hãy nhận ra một người cải đạo mà không có nguồn gốc của Ky Tô giáo trước khi gặp những người truyền giáo. Sắp xếp để gặp và hỏi về kinh nghiệm cải đạo của người ấy. Ví dụ, anh chị em có thể hỏi người ấy về:

  • Điều gì đã khiến người ấy tin nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Kinh nghiệm cầu nguyện lần đầu tiên là như thế nào.

  • Người ấy cảm giác như thế nào khi lần đầu tiên cảm thấy được đáp ứng cho lời cầu nguyện.

  • Vai trò của thánh thư trong sự cải đạo của người ấy.

  • Cảm giác như thế nào khi tham dự nhà thờ.

Viết những gì anh chị em học được vào nhật ký ghi chép việc học tập của anh chị em.

Cân nhắc việc mời người ấy giúp anh chị em giảng dạy cho một người nào đó mà không có nguồn gốc Ky Tô giáo.


Những Ý Kiến để Học Tập và Áp Dụng

Học Tập Riêng Cá Nhân

  • Giả sử anh chị em được đặt vào các tình huống sau đây. Anh chị em có thể sử dụng các nguyên tắc và kỹ năng trong chương này như thế nào để giúp đỡ những người này tiến triển? Hoạch định cách anh chị em sẽ áp dụng các nguyên tắc và kỹ năng này trong mỗi tình huống.

    • Một người đang chuẩn bị chịu phép báp têm nói với anh chị em rằng người ấy không còn muốn gặp anh chị em nữa.

    • Anh chị em gặp gỡ lần thứ bảy một người đã được vài người truyền giáo giảng dạy trong khoảng thời gian hơn hai năm. Rất ít dấu hiệu tiến triển nào nếu có.

  • Chọn một trong số những bài học của người truyền giáo. Nhận ra một hoặc hai đoạn thánh thư từ mỗi nguyên tắc chính. Thực hành việc giảng dạy từ những đoạn đó như đã được mô tả trong phần “Sử Dụng Thánh Thư” của chương này.

Học Tập Chung với Bạn Đồng Hành và Hoán Đổi Bạn Đồng Hành

  • Đọc câu chuyện về Am Môn và Vua La Mô Ni trong An Ma 18–19 và câu chuyện về A Rôn trong An Ma 22:4–18. Trong khi anh chị em đọc, hãy nhận ra và mô tả cách Am Môn và A Rôn:

    • Tuân theo Thánh Linh và giảng dạy với tình yêu thương.

    • Chuẩn bị giảng dạy.

    • Sửa đổi cách giảng dạy của họ để đáp ứng nhu cầu.

    • Làm chứng.

    • Sử dụng thánh thư.

    • Đặt câu hỏi, lắng nghe và giúp đỡ những người mà họ đã giảng dạy để giải quyết những thắc mắc của những người đó.

    • Khuyến khích những người mà họ đã giảng dạy để lập cam kết.

    Thảo luận về cách mà sự phục vụ và giảng dạy của họ đã ảnh hưởng đến Vua La Mô Ni, cha của ông và A Bích.

Buổi Họp Hội Đồng Chi Bộ, Các Đại Hội Khu Bộ, và Buổi Họp Hội Đồng Lãnh Đạo Phái Bộ

  • Mời các tín hữu hoặc những người hiện đang được giảng dạy đến buổi họp của anh chị em. Giải thích với nhóm rằng anh chị em muốn những người truyền giáo cải thiện khả năng chia sẻ sứ điệp quan trọng của họ. Chọn một bài học và một kỹ năng. Yêu cầu những người truyền giáo giảng dạy cho người đó hoặc những người khác bài học mà anh chị em đã chọn trong 20 phút cùng tập trung vào kỹ năng mà anh chị em đã nhận ra. Yêu cầu họ đổi người giảng dạy sau 20 phút. Sau khi những người truyền giáo đã giảng dạy xong, hãy tập hợp cả nhóm lại với nhau. Yêu cầu người đó hoặc những người khác nói cho những người truyền giáo biết điều gì hiệu quả nhất và một cách thức để họ có thể cải thiện.

  • Cho thấy những ví dụ bằng video về những người truyền giáo đang giảng dạy hoặc tiếp xúc với mọi người. Chọn một kỹ năng và thảo luận xem những người truyền giáo đã áp dụng hữu hiệu như thế nào các nguyên tắc cho kỹ năng đó.

  • Chọn một kỹ năng và nhận ra giáo lý hoặc các đoạn thánh thư mà hỗ trợ kỹ năng đó. Giảng dạy nền tảng giáo lý của kỹ năng cho những người truyền giáo.

Các Vị Lãnh Đạo Phái Bộ Truyền Giáo và Các Cố Vấn Phái Bộ Truyền Giáo

  • Thỉnh thoảng đi cùng với những người truyền giáo khi họ giảng dạy. Hoạch định cách các anh em có thể tham gia vào việc giảng dạy.

  • Khuyến khích các vị lãnh đạo địa phương tham gia với những người truyền giáo trong những lần họ đến thăm giảng dạy.

  • Giải thích cho thấy và giúp đỡ những người truyền giáo thực hành một trong những kỹ năng giảng dạy được mô tả trong chương này, chẳng hạn như đặt những câu hỏi hay và lắng nghe.

  • Giải thích cho thấy cách sử dụng hiệu quả thánh thư khi giảng dạy những người truyền giáo trong các đại hội khu bộ, đại hội giới lãnh đạo phái bộ truyền giáo và các cuộc phỏng vấn. Cũng làm tương tự khi các anh em giảng dạy với họ.

  • Giúp những người truyền giáo hiểu thánh thư và phát triển lòng yêu thích thánh thư. Anh Cả Jeffrey R. Holland đã khuyên bảo các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo:

    “Hãy đặt tình yêu mến đối với lời của Thượng Đế làm trọng tâm tuyệt đối trong văn hóa truyền giáo của các anh em. … Hãy quen thuộc với những điều mặc khải và việc sử dụng thường xuyên các tác phẩm tiêu chuẩn là một trong những đặc điểm chính của những người truyền giáo của các anh em trong suốt quãng đời còn lại của họ.

    “Khi các anh em giảng dạy cho những người truyền giáo của mình—và luôn luôn là vậy—thì hãy giảng dạy họ từ thánh thư. Hãy cho họ thấy các anh em nhận được sức mạnh và nguồn soi dẫn từ đâu. Hãy dạy họ biết yêu thương và dựa vào những điều mặc khải được tích lũy đó.

    “Chủ tịch phái bộ truyền giáo [của tôi] đã giảng dạy từ Sách Mặc Môn và các thánh thư [khác] mỗi lần chúng tôi có mặt bên ông, hoặc dường như là vậy. Các cuộc phỏng vấn cá nhân được lồng ghép với thánh thư. Những phần mô tả cho … các buổi họp được trích ra từ các tác phẩm tiêu chuẩn. …

    “Vào thời điểm đó, chúng tôi đã không biết điều ấy nhưng chủ tịch của chúng tôi đã trang bị cho chúng tôi ở bên phải và ở bên trái, khuyên nhủ chúng tôi bằng tất cả mãnh lực của tâm hồn ông và bằng tất cả khả năng mà ông ấy có để giữ chặt thanh sắt hầu cho chúng tôi sẽ không bao giờ bị diệt vong [xin xem 1 Nê Phi 15:23–25]” (“The Power of the Scriptures” buổi hội thảo dành cho các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo mới, ngày 25 tháng Sáu năm 2022).