Những Sự Kêu Gọi trong Phái Bộ Truyền Giáo
Chương 8: Hoàn Thành Công Việc qua Các Mục Tiêu và Kế Hoạch


“Chương 8: Hoàn Thành Công Việc qua Các Mục Tiêu và Kế Hoạch,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Cách Chia Sẻ Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô (năm 2023)

“Chương 8,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta

Hình Ảnh
Go Ye Therefore (Go Ye Therefore, and Teach All Nations) [Vậy, Hãy Đi (Vậy, Hãy Đi Dạy Dỗ Muôn Dân)] tranh của Harry Anderson

Chương 8

Hoàn Thành Công Việc qua Các Mục Tiêu và Kế Hoạch

Hãy Suy Ngẫm về Những Câu Hỏi Này

  • Tại sao tôi cần phải đặt mục tiêu?

  • Làm thế nào các chỉ số then chốt về sự cải đạo có thể giúp tôi tập trung vào sự tiến triển phần thuộc linh của các cá nhân?

  • Tôi đặt các mục tiêu, lập kế hoạch để hoàn thành chúng và thực hiện kế hoạch của mình bằng cách nào?

  • Tôi điều khiển các phiên họp hoạch định hằng tuần và hằng ngày bằng cách nào?

  • Làm thế nào tôi có thể dùng ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta để giúp tôi hoàn thành công việc?

  • Thế nào là nguyên tắc trách nhiệm giải trình? Nguyên tắc này sẽ ban phước cho những nỗ lực của tôi như thế nào?

Anh chị em được chỉ định để giúp đỡ công việc của Chúa trong một khu vực đặc biệt. Ngài muốn anh chị em ban phước cho mọi người với tình yêu thương và lẽ thật của Ngài. Ngài muốn anh chị em mời và giúp họ đến cùng Ngài.

Chúa mong muốn anh chị em “phải biết thiết tha nhiệt thành với chính nghĩa [này].” Ngài yêu cầu anh chị em “làm được nhiều việc theo ý muốn của mình, và thực hiện nhiều điều ngay chính” (Giáo Lý và Giao Ước 58:27; xin xem các câu 26–29). Hãy làm tất cả những gì anh chị em có thể làm để khi rời khỏi mỗi tiểu giáo khu hoặc chi nhánh là nơi anh chị em phục vụ thì nơi đó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn so với khi anh chị em đến.

Chương này sẽ giúp anh chị em học cách đặt mục tiêu, lập kế hoạch để hoàn thành chúng và siêng năng thực hiện kế hoạch của mình. Chương này mô tả các chỉ số then chốt về sự cải đạo mà hướng dẫn các nỗ lực của anh chị em để giúp con cái của Thượng Đế tiến triển về phần thuộc linh. Sau đó, chương này trình bày một tiến trình đặt mục tiêu đơn giản mà anh chị em có thể sử dụng trong tất cả các khía cạnh của công việc truyền giáo, kể cả các mục tiêu riêng của anh chị em và các mục tiêu chung với bạn đồng hành. Chương này cũng mô tả cách điều khiển các phiên họp hoạch định hằng tuần và hằng ngày với bạn đồng hành của anh chị em.

Việc học cách đặt mục tiêu và lập kế hoạch có thể ban phước cho anh chị em trong suốt cuộc đời anh chị em. Nó có thể giúp anh chị em lập và tuân giữ các giao ước với Thượng Đế, phục vụ trung thành trong Giáo Hội, theo đuổi học vấn, thăng tiến trong việc làm và xây dựng một gia đình vững mạnh.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Anh chị em có thể học được điều gì từ những câu thánh thư sau đây về việc hoạch định để giúp hoàn thành công việc của Thượng Đế?

Hình Ảnh
He Healed Many of Diverse Diseases (Ngài Chữa Lành Nhiều Người Có Nhiều Căn Bệnh Khác Nhau), tranh của J. Kirk Richards

Giúp Những Người Khác Trở Nên Cải Đạo theo Đấng Cứu Rỗi

Tập Trung vào Mục Đích Công Việc Truyền Giáo của Anh Chị Em

Có lẽ anh chị em đã tự hỏi rằng nhiệm vụ nào trong số nhiều nhiệm vụ truyền giáo của mình là quan trọng nhất. Đây là một câu hỏi hay để suy ngẫm khi anh chị em đặt mục tiêu và hoạch định mỗi tuần và mỗi ngày. Để giúp trả lời câu hỏi đó, hãy nghĩ về mục đích của anh chị em với tư cách là một người truyền giáo:

“Mời những người khác đến cùng Đấng Ky Tô bằng cách giúp họ tiếp nhận phúc âm phục hồi nhờ vào đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, sự hối cải, phép báp têm, tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, và kiên trì đến cùng.”

Hãy để mục đích truyền giáo của anh chị em hướng dẫn các mục tiêu và kế hoạch của anh chị em. Tập trung vào cách anh chị em có thể giúp các cá nhân sử dụng quyền tự quyết của họ để trở nên cải đạo theo Đấng Cứu Rỗi và tiếp nhận phúc âm của Ngài.

Tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh và hội ý với người bạn đồng hành của mình khi anh chị em đặt mục tiêu và lập kế hoạch. Sau đó làm theo kế hoạch của anh chị em và sử dụng thời gian của mình một cách hiệu quả.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dallin H. Oaks

“Chúng ta không thuyết giảng và giảng dạy để ‘mang mọi người đến với Giáo Hội’ hoặc để gia tăng con số tín hữu của Giáo Hội. Chúng ta không thuyết giảng và giảng dạy chỉ để thuyết phục mọi người sống một cuộc sống tốt hơn. … Chúng ta mời tất cả mọi người đến cùng Đấng Ky Tô qua sự hối cải, phép báp têm và lễ xác nhận để mở cánh cửa của vương quốc thượng thiên cho các con trai và con gái của Thượng Đế. Không có ai khác có thể làm được việc này” (Dallin H. Oaks, “The Purpose of Missionary Work,” buổi phát sóng qua hệ thống vệ tinh dành cho người truyền giáo, tháng Tư năm 1995).

Nghiên Cứu Thánh Thư

Những người truyền giáo và các vị tiên tri này hoàn thành các kế hoạch của họ với sự giúp đỡ của Chúa như thế nào?

Liên Kết Những Chỉ Số Then Chốt cho Sự Cải Đạo

Các vị lãnh đạo Giáo Hội đã xác định sáu chỉ số then chốt cho sự cải đạo. Các chỉ số then chốt giúp anh chị em tập trung vào sự tiến triển về phần thuộc linh của con cái của Thượng Đế. Chúng nhằm mục đích giúp anh chị em liên kết các nỗ lực hằng ngày của mình với mục đích truyền giáo của mình.

Các chỉ số then chốt về sự cải đạo được cho thấy bên dưới.

Hình Ảnh
những người truyền giáo bắt tay với người đàn ông

Những Người Mới Đang Được Giảng Dạy. Mỗi người mới (chưa được báp têm) mà đã tiếp nhận một bài học trong một tuần (nhưng chưa được giảng dạy trong ba tháng qua) và đã chấp nhận một lịch hẹn trở lại cụ thể. Một bài học thường gồm có lời cầu nguyện (khi thích hợp), giảng dạy ít nhất một nguyên tắc phúc âm và đưa ra lời mời.

Hình Ảnh
những người truyền giáo đang giảng dạy

Các Bài Học với Sự Tham Gia của Tín Hữu. Số lượng bài học trong một tuần nhất định mà một người (chưa được báp têm) được giảng dạy và có một tín hữu tham gia.

Hình Ảnh
gia đình tại nhà thờ

Những Người Đang Được Giảng Dạy Tham Dự Lễ Tiệc Thánh. Mỗi người (chưa được báp têm) nào anh chị em đang giảng dạy đã tham dự lễ Tiệc Thánh trong một tuần nhất định.

Hình Ảnh
gia đình đang cầu nguyện

Những Người đã có một Ngày Báp Têm. Mỗi người nào đã đồng ý để chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận vào một ngày cụ thể.

Hình Ảnh
phép báp têm

Những Người Chịu Phép Báp Têm và Được Làm Lễ Xác Nhận. Mỗi người cải đạo nào đã nhận được các giáo lễ báp têm và xác nhận và có mẫu đơn được nộp theo hệ thống điện tử trong một tuần nhất định. (Xin xem chương 12 để biết định nghĩa về phép báp têm của người cải đạo và để biết thông tin về cách lập hồ sơ.)

Hình Ảnh
những người phụ nữ tại nhà thờ

Các Tín Hữu Mới Đang Tham Dự Lễ Tiệc Thánh. Mỗi người tín hữu mới nào có Mẫu Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận được nộp trong vòng 12 tháng vừa qua đã tham dự lễ Tiệc Thánh trong một tuần nhất định.

Tóm lại, hãy ưu tiên giúp mọi người chọn tham gia vào những kinh nghiệm này. Tập trung nỗ lực của anh chị em vào các sinh hoạt sau đây:

  • Những người giúp anh chị em tìm kiếm những người mới để giảng dạy

  • Những người giúp người khác tiến tới việc lập và tuân giữ các giao ước

  • Những người giúp đỡ người khác đã chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận trong năm qua

Nếu anh chị em không thể thấy nỗ lực của mình có thể giúp một người tiến triển theo cách được phản ánh trong các chỉ số then chốt của mình, thì hãy đánh giá xem sinh hoạt đó có sử dụng hữu hiệu thời gian của anh chị em hay không.

Đối với những người mà anh chị em dành ít thời gian hơn cho họ, thì hãy tiếp tục nuôi dưỡng mối quan tâm của họ nơi phúc âm. Anh chị em có thể mời các tín hữu tìm đến họ. Anh chị em cũng có thể sử dụng công nghệ để khuyến khích họ và tiếp tục phục sự họ. Xin xem “Sử Dụng Công Nghệ” trong chương 9 để có thêm ý kiến.

Hình Ảnh
Anh Cả Quentin L. Cook

“Mục tiêu tột bậc của việc hoạch định và đặt mục tiêu là đào tạo các môn đồ—tức là có những người cải đạo tận tụy và tuân giữ các giao ước thiêng liêng, bắt đầu bằng giao ước báp têm dẫn đến các giao ước đền thờ” (Quentin L. Cook, “Purpose and Planning,” buổi hội thảo của giới lãnh đạo phái bộ truyền giáo, ngày 25 tháng Sáu năm 2019).

Đặt Các Mục Tiêu cho Chỉ Số Then Chốt và Lập Kế Hoạch

Trong lúc hoạch định hằng tuần, anh chị em và bạn đồng hành của mình đặt mục tiêu cho tất cả các chỉ số then chốt. Các mục tiêu cho chỉ số then chốt của anh chị em nên phản ánh ước muốn của anh chị em để giúp nhiều người hơn cảm nhận những phước lành của sự cải đạo.

Đặt mục tiêu và lập kế hoạch để làm những điều nằm trong tầm kiểm soát của anh chị em mà có thể ảnh hưởng đến kết quả của chỉ số then chốt. Ví dụ:

  • Anh chị em có thể đặt mục tiêu cho chỉ số then chốt để bắt đầu giảng dạy một số lượng cụ thể những người mới trong tuần. Anh chị em có đạt được mục tiêu đó hay không thì cũng tùy thuộc vào quyền tự quyết của người khác. Nhưng hãy làm những gì nằm trong tầm kiểm soát của anh chị em để hoàn thành nó. Một cách là đặt mục tiêu nói chuyện với một số lượng nhất định những người mới mỗi ngày. Rồi hoạch định cách anh chị em sẽ làm điều đó. Xin xem những ý kiến trong Phụ Lục 2 của chương này và trong chương 9.

  • Anh chị em có thể đặt mục tiêu cho chỉ số then chốt để có được một số lượng cụ thể các tín hữu mới và những người mà anh chị em đang giảng dạy tham dự lễ Tiệc Thánh. Họ có đến hay không cũng tùy thuộc vào quyền tự quyết của họ. Nhưng hãy làm những gì nằm trong tầm kiểm soát của anh chị em để ảnh hưởng đến kết quả của chỉ số then chốt này. Hoạch định khi nào thì mời họ và cách để tiếp tục theo sát.

  • Anh chị em có thể đặt mục tiêu cho chỉ số then chốt để yêu cầu các tín hữu tham gia vào một số lượng cụ thể các bài học trong tuần. Anh chị em có đạt được mục tiêu đó hay không thì cũng tùy thuộc vào các tín hữu và những người mà anh chị em đang giảng dạy. Nhưng hãy làm những gì anh chị em có thể làm để ảnh hưởng đến kết quả của chỉ số then chốt này. Đặt mục tiêu làm việc với các vị lãnh đạo tiểu giáo khu để có sự hiện diện của các tín hữu. Sau đó hoạch định cách anh chị em sẽ điều phối sự tham gia của họ.

Với tư cách là một cặp bạn đồng hành, anh chị em đặt mục tiêu cho chỉ số then chốt cho khu vực của mình. Dựa trên (1) sự tiến triển của những người mà anh chị em đang giảng dạy và (2) nhu cầu tìm kiếm người mới để giảng dạy. Việc tìm kiếm người mới để giảng dạy là một nhu cầu thường xuyên.

Các mục tiêu cho chỉ số then chốt trong khắp phái bộ truyền giáo được dựa trên các mục tiêu do mỗi cặp bạn đồng hành đặt ra.

Ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta sẽ giúp anh chị em luôn tập trung vào mọi người khi anh chị em đặt các mục tiêu cho chỉ số then chốt. Ứng dụng này cũng sẽ giúp anh chị em học hỏi từ các mục tiêu trong quá khứ và cho thấy sự tiến triển của anh chị em đối với các mục tiêu hiện tại.

Các mục tiêu và kết quả của chỉ số then chốt được tự động báo cáo cho các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo và những người lãnh đạo truyền giáo trẻ tuổi của anh chị em qua ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta.

Hãy cẩn thận đừng chú trọng một mục tiêu cho chỉ số then chốt hơn các mục tiêu khác. Việc liên tục tập trung vào tất cả các chỉ số then chốt sẽ giúp anh chị em kiên định mời những người khác đến cùng Đấng Ky Tô và lập giao ước.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Thomas S. Monson

“Khi hiệu suất được đánh giá thì hiệu suất được cải thiện. Khi hiệu suất được đánh giá và báo cáo, thì tốc độ cải thiện sẽ tăng nhanh” (do Thomas S. Monson trích dẫn, “Thou Art a Teacher Come from God,” tạp chí Improvement Era, tháng Mười Hai năm 1970, trang 101).

Làm Việc Siêng Năng

Chúa mong muốn anh chị em “siêng năng thi hành” trong sự phục vụ truyền giáo của mình (Giáo Lý và Giao Ước 107:99). Sự siêng năng là một nỗ lực kiên định, dũng cảm.

Làm việc siêng năng với các mục tiêu cho chỉ số then chốt của anh chị em. Mời mọi người lập những cam kết mà dẫn đến sự cải đạo. Những nỗ lực siêng năng của anh chị em có thể truyền cảm hứng cho họ để thực hiện những hành động mà sẽ giúp họ đến cùng Đấng Ky Tô (xin xem 2 Nê Phi 2:14–16).

Giảng dạy phúc âm theo những cách mà đáp ứng nhu cầu của mọi người. Giáo lý, khi được hiểu rõ bằng Thánh Linh, có nhiều khả năng truyền cảm hứng cho họ để hành động hơn bất cứ điều gì khác.

Đồng thời, nhận ra rằng các mục tiêu cho chỉ số then chốt tùy thuộc vào quyền tự quyết của người khác. Luôn luôn tôn trọng quyền tự quyết của mọi người.

Hãy nhớ rằng các chỉ số then chốt chính không phải là mục tiêu cuối cùng. Đúng hơn, chúng tượng trưng cho sự tiến triển đầy tiềm năng về phần thuộc linh hướng tới phép báp têm, lễ xác nhận và sự cải đạo lâu dài. Sự tiến triển thực sự của mọi người sẽ tùy thuộc vào sự lựa chọn của họ. Anh chị em hỗ trợ sự tiến triển của họ bằng cách thay mặt họ vận dụng đức tin nơi Đấng Ky Tô khi anh chị em đặt mục tiêu, hoạch định, hành động siêng năng và phục sự họ theo cách được soi dẫn.

Cách Đặt Mục Tiêu và Lập Kế Hoạch để Hoàn Thành Chúng

Việc đặt mục tiêu và hoạch định là hành động của đức tin. Các mục tiêu phản ánh những ước muốn trong lòng và sự hiểu biết của anh chị em để tự giúp mình và những người khác đến với Đấng Cứu Rỗi.

Các mục tiêu và kế hoạch nếu được cân nhắc kỹ sẽ mang đến cho anh chị em phương hướng rõ ràng. Các mục tiêu và kế hoạch này có thể giúp anh chị em tìm kiếm thêm người để giảng dạy. Chúng có thể hướng dẫn anh chị em trong việc giúp đỡ những người mà anh chị em giảng dạy củng cố đức tin của họ và tiến tới sự cải đạo.

Đặt mục tiêu của anh chị em và hoạch định cho một kinh nghiệm đầy cảm hứng. Hãy tha thiết cầu nguyện, vận dụng đức tin, hội ý với bạn đồng hành của mình và tuân theo những thúc giục của Thánh Linh. Khi hoạch định theo cách này, anh chị em sẽ cảm thấy Chúa đang làm việc qua anh chị em để ban phước cho những người khác.

Hình Ảnh
Chủ Tịch M. Russell Ballard

“Mục tiêu là điểm đến hoặc điểm kết thúc, trong khi kế hoạch là lộ trình mà qua nó anh chị em đi đến đó. … Về cơ bản, việc đặt mục tiêu là biết được từ đầu kết quả mà ta mong muốn. Và hoạch định là nghĩ ra một cách để đạt được kết quả đó” (M. Russell Ballard, “Trở Lại và Nhận Được,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 62–63).

Nguyên Tắc Đặt và Hoàn Thành Mục Tiêu

Tiến trình sau đây sẽ giúp anh chị em đặt và hoàn thành mục tiêu.

Hình Ảnh
biểu đồ đặt mục tiêu
  1. Thành tâm đặt mục tiêu và lập kế hoạch. Đặt mục tiêu sát với thực tế nhưng điều đó sẽ gia tăng khả năng của anh chị em và đòi hỏi đức tin. Tránh đặt mục tiêu quá cao hoặc quá thấp. Hoạch định cách mà anh chị em sẽ hoàn thành mục tiêu.

  2. Ghi chép và sắp xếp lịch trình. Ghi lại các mục tiêu và kế hoạch của anh chị em trong một lịch trình chi tiết.

  3. Thực hiện kế hoạch của anh chị em. Làm việc siêng năng để hoàn thành các mục tiêu của anh chị em. Vận dụng đức tin nơi Chúa để giúp đỡ anh chị em.

  4. Xem lại và tiếp tục theo sát. Đánh giá sự tiến triển và thường xuyên ghi lại những nỗ lực của anh chị em. Quyết định những gì cần phải làm khác đi và cách để cải thiện. Điều chỉnh các kế hoạch khi cần.

Khi anh chị em sử dụng tiến trình đặt mục tiêu này, thì Chúa sẽ gia tăng những nỗ lực của anh chị em. Anh chị em sẽ phát triển khả năng của mình với tư cách là một công cụ trong tay Ngài. Anh chị em sẽ mang lại nhiều điều tốt lành trong việc ban phước cho con cái của Cha Thiên Thượng.

Đặt Mục Tiêu và Lập Kế Hoạch trong Mọi Mặt của Công Việc

Thành tâm tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh khi anh chị em áp dụng tiến trình đặt mục tiêu cho tất cả các khía cạnh của công việc truyền giáo. Một số khía cạnh này gồm có:

  • Giúp những người mà anh chị em đang giảng dạy đạt được sự tiến triển (xin xem Phụ Lục 1 trong chương này).

  • Tìm kiếm người mới để giảng dạy (xin xem Phụ Lục 2 trong chương này).

  • Làm việc với các tín hữu và phục vụ mọi người trong cộng đồng và tiểu giáo khu (xin xem các chương 9 và 13).

  • Làm việc trong sự đoàn kết với bạn đồng hành của anh chị em (xin xem mục 6 trong “Phiên Họp Hoạch Định Hằng Tuần”).

  • Củng cố đức tin của anh chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Nâng cao sự hiểu biết và khả năng của anh chị em, kể cả việc học ngôn ngữ (xin xem chương 7).

Đặt Mục Tiêu Thích Hợp

Tránh đặt các mục tiêu cho chỉ số then chốt cho những người truyền giáo khác. Tuy nhiên, anh chị em có thể hướng dẫn và khuyến khích họ áp dụng các nguyên tắc đặt mục tiêu khi họ đặt mục tiêu cho riêng họ.

Hãy cẩn thận đừng so sánh với những người khác.

Không sử dụng thành tích hoàn tất mục tiêu làm chỉ tiêu, để được công nhận trước công chúng hoặc để khiển trách công khai hay làm bất cứ ai phải ngượng nghịu.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Spencer W. Kimball

“Chúng ta tin vào việc đặt mục tiêu. Chúng ta sống theo mục tiêu. … [Một] mục tiêu quan trọng là mang phúc âm đến cho tất cả mọi người. … Mục tiêu của chúng ta là đạt được cuộc sống vĩnh cửu. Đó là mục tiêu cao quý nhất trên thế gian” (Spencer W. Kimball, buổi hội thảo dành cho những người đại diện khu vực, ngày 3 tháng Tư năm 1975, trang 6).

Điều Khiển Các Phiên Họp Hoạch Định Hằng Tuần và Hằng Ngày

Việc hoạch định hằng tuần giúp anh chị em nhìn thấy toàn cảnh sự việc và tập trung vào mọi người. Việc này cũng giúp anh chị em tập trung vào các sinh hoạt quan trọng nhất. Hoạch định hằng ngày giúp anh chị em thích nghi và chuẩn bị thực hiện các hành động cụ thể mỗi ngày. Anh chị em muốn làm việc hiệu quả, chứ không phải chỉ bận rộn.

Trong các buổi họp hoạch định, hãy tự hỏi mình những câu hỏi cơ bản về điều mà anh chị em cảm thấy Chúa muốn anh chị em phải làm. Tìm kiếm nguồn soi dẫn để trả lời những câu hỏi này theo những cách phù hợp với từng tình huống và từng người. Sau đó, các câu trả lời sẽ hình thành trong kế hoạch của anh chị em.

Buổi Họp Hoạch Định Hằng Tuần

Tổ chức một buổi họp hoạch định hằng tuần với bạn đồng hành của anh chị em vào ngày và giờ do chủ tịch phái bộ truyền giáo của anh chị em ấn định. Làm theo các bước dưới đây.

  1. Cầu nguyện và tìm kiếm nguồn soi dẫn. Cầu xin Cha Thiên Thượng hướng dẫn anh chị em lập kế hoạch mà sẽ giúp hoàn thành các mục đích của Ngài. Cầu xin Ngài ban phước cho những nỗ lực của anh chị em để giúp mọi người tiến triển và đến cùng Đấng Ky Tô.

  2. Đặt mục tiêu và lập kế hoạch cho tất cả các chỉ số then chốt bằng cách sử dụng ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Sử dụng tiến trình đặt mục tiêu được mô tả trước đây trong chương này. Bắt đầu với:

    • Những người nào đã được làm phép báp têm và lễ xác nhận trong năm ngoái.

    • Những người nào đã có ngày báp têm.

    • Những người nào mà anh chị em đang giảng dạy có tham dự lễ Tiệc Thánh.

    • Những người mới đang được giảng dạy.

    • Các tín hữu tích cực trở lại, những gia đình có một hoặc vài người là tín hữu và các anh cả tương lai.

    • Những người đã được giảng dạy trước đây.

    Xin xem Phụ Lục 1 trong chương này để có ý kiến về việc sử dụng tiến trình đặt mục tiêu khi làm việc với những người mà anh chị em đang giảng dạy.

  3. Sử dụng tiến trình đặt mục tiêu hầu tìm kiếm người để giảng dạy (xin xem Phụ lục 2 trong chương này và chương 9 để được giúp đỡ trong việc tìm kiếm).

  4. Sử dụng tiến trình đặt mục tiêu để xây đắp mối quan hệ với các vị lãnh đạo và các tín hữu của tiểu giáo khu. Đặt mục tiêu và lập kế hoạch về cách anh chị em sẽ hỗ trợ họ trong nỗ lực chia sẻ phúc âm (xin xem các ý kiến trong các chương 9 và 13). Chuẩn bị cho buổi họp điều phối hằng tuần của tiểu giáo khu (xin xem chương 13).

  5. Xem lại những kế hoạch và mục tiêu của anh chị em trong ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Xác nhận những cuộc hẹn và các buổi họp.

  6. Tổ chức buổi họp cặp bạn đồng hành. Việc này thường gồm có những yếu tố sau đây:

    • Nếu muốn, hãy chia sẻ các mục tiêu cá nhân thích hợp và nhờ người bạn đồng hành của anh chị em giúp đỡ để hoàn thành chúng.

    • Thảo luận về sức mạnh của mối quan hệ của anh chị em. Thảo luận về bất cứ thử thách nào liên quan đến việc vâng lời hoặc làm việc hợp nhất. Giải quyết bất cứ mâu thuẫn nào bằng cách (1) cho phép mỗi người bày tỏ hết quan điểm của mình, (2) hiểu và chấp nhận mối quan tâm của mỗi người, và (3) cùng nhau xây dựng một giải pháp để giải quyết những mối quan tâm quan trọng nhất.

    • Chia sẻ với người bạn đồng hành của anh chị em điều mà anh chị em nghĩ là ưu điểm của người ấy là gì. Nhờ đưa ra những đề nghị về cách anh chị em có thể cải thiện.

    • Đặt các mục tiêu mà sẽ cải thiện mối quan hệ của anh chị em.

    Các buổi họp cặp bạn đồng hành có thể giúp anh chị em phát triển các kỹ năng quan trọng mà anh chị em có thể sử dụng trong cuộc sống cá nhân và gia đình, sự phục vụ trong Giáo Hội, việc làm và các mối quan hệ khác.

  7. Kết thúc bằng lời cầu nguyện.

Buổi Họp Hoạch Định Hằng Ngày

Đặt mục tiêu và lập kế hoạch với bạn đồng hành của anh chị em trong 30 phút mỗi buổi sáng. Làm theo các bước dưới đây.

  1. Cầu nguyện và tìm kiếm nguồn soi dẫn.

  2. Xem lại mức độ tiến triển hướng tới các mục tiêu cho chỉ số then chốt hằng tuần của anh chị em.

  3. Xem lại các kế hoạch của anh chị em để giúp đỡ những người mà anh chị em đang giảng dạy. Giành ưu tiên cho những nỗ lực của anh chị em để giúp đỡ những người đang tiến triển nhiều nhất. Điều chỉnh các mục tiêu và kế hoạch hằng ngày khi cần.

  4. Cam kết với những hành động mà anh chị em sẽ thực hiện vào ngày hôm đó hầu tìm kiếm những người mới để giảng dạy và giúp đỡ những người mà anh chị em đang giảng dạy.

  5. Hoạch định cách anh chị em sẽ làm việc với các vị lãnh đạo và các tín hữu địa phương.

  6. Kết thúc bằng lời cầu nguyện.

Học Tập Chung với Bạn Đồng Hành

Xem lại Phụ Lục 1Phụ Lục 2 ở cuối chương này để có những ý kiến về cách áp dụng tiến trình đặt mục tiêu trong việc giảng dạy và tìm kiếm. Xác định cách anh chị em có thể sử dụng một số ý kiến này.

Sử dụng Ứng Dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta

Mô Rô Ni đã nói về những người chịu phép báp têm vào thời kỳ của ông: “Và tên họ được ghi nhận, ngõ hầu họ được nhớ tới và được nuôi dưỡng bằng lời nói tốt lành của Thượng Đế, để giữ họ đi con đường đúng” (Mô Rô Ni 6:4). Việc lưu giữ hồ sơ chính xác là một cách anh chị em có thể áp dụng nguyên tắc này.

Ghi Lại Những Nỗ Lực của Anh Chị Em

Việc lưu giữ hồ sơ là một phần của việc siêng năng giám sát khu vực của anh chị em với tình yêu thương và mối quan tâm. Lưu giữ hồ sơ của anh chị em được chính xác và được cập nhật. Điều này sẽ giúp anh chị em ghi nhớ những gì anh chị em cần phải làm để giúp đỡ mọi người.

Ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta cho phép anh chị em điều phối và chia sẻ thông tin quan trọng với các vị lãnh đạo và các tín hữu địa phương về sự tiến triển của những người khác và công việc.

Tuân Thủ Những Chỉ Dẫn về Dữ Liệu và Sự Bảo Mật

Tuân thủ những chỉ dẫn về cách lưu giữ dữ liệu và sự bảo mật khi ghi lại các mục tiêu và kế hoạch trong ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta và trong các công cụ in ấn. Để có thông tin, xin xem Các Tiêu Chuẩn Truyền Giáo dành cho Các Môn Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, phần 7.5.

Hãy tự hỏi những câu hỏi sau đây trước khi anh chị em ghi lại hoặc chia sẻ thông tin trong ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, email, mạng truyền thông xã hội, những ghi chú hoặc các hình thức truyền đạt khác:

  • Người này sẽ cảm thấy như thế nào về những gì tôi đang ghi lại?

  • Tôi sẽ cảm thấy như thế nào nếu một người nào đó đã chia sẻ loại thông tin này về tôi với người khác?

  • Tôi có tuân thủ các chính sách của Giáo Hội và luật bảo mật dữ liệu cho khu vực của mình nếu tôi ghi lại hoặc chia sẻ thông tin này không?

Hình Ảnh
những người truyền giáo đang cầu nguyện

Trách Nhiệm Giải Trình

Nguyên tắc về trách nhiệm giải trình là nền tảng trong kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế (xin xem An Ma 5:15–19; Giáo Lý và Giao Ước 104:13; 137:9). Nguyên tắc này ảnh hưởng đến cách anh chị em suy nghĩ và cảm nhận về trách nhiệm thiêng liêng mà Chúa đã ban cho anh chị em. Trách nhiệm giải trình cũng ảnh hưởng đến cách anh chị em tiếp cận công việc của mình.

Trong giáo vụ của Ngài trên trần thế, Đấng Cứu Rỗi đã giao các nhiệm vụ cho các môn đồ của Ngài để giúp họ tăng trưởng, phát triển và hoàn thành công việc của Ngài. Ngài cũng ban cho họ cơ hội để giải trình về công việc họ được giao cho làm (xin xem Lu Ca 9:10; 3 Nê Phi 23:6–13). Là người truyền giáo, anh chị em cũng phải giải trình công việc mà Chúa đã giao cho anh chị em để làm.

Tiếp cận việc đặt mục tiêu và hoạch định của anh chị em với ý nghĩ rằng anh chị em sẽ giải trình lên Chúa qua lời cầu nguyện mỗi ngày. Ngoài ra, cũng hãy chịu trách nhiệm với bản thân mình và với các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo của anh chị em.

Việc báo cáo một bản phúc trình về trách nhiệm nên là một kinh nghiệm yêu thương, tích cực, mà trong đó những nỗ lực của anh chị em được công nhận và anh chị em nhận ra những cách mà anh chị em có thể cải thiện.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Chịu trách nhiệm có nghĩa là gì?

Tại sao quyền tự quyết lại quan trọng trong trách nhiệm giải trình?

Một người truyền giáo và vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo nên làm việc cùng nhau như thế nào?

Chúa hứa điều gì với những người trung tín trong trách nhiệm của họ?


Những Ý Kiến để Học Tập và Áp Dụng

Học Tập Riêng Cá Nhân

  • Hãy xem xét câu sau đây từ lá thư kêu gọi của anh chị em: “Khi anh chị em dành hết thời gian và sự chú tâm của mình để phục vụ Chúa, bỏ lại sau lưng tất cả những công việc cá nhân khác, thì Chúa sẽ ban phước cho anh chị em với sự hiểu biết và gia tăng chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài.” Hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau đây và ghi lại ấn tượng của anh chị em.

    • Tôi đang dành hết thời gian và sự chú tâm của mình như thế nào để phục vụ Chúa?

    • Tôi đã cảm nhận được các phước lành nào?

    • Chứng ngôn của tôi đã được củng cố như thế nào?

    • Làm thế nào tôi có thể cải thiện được?

  • Hãy dành một chút thời gian để nghĩ về ngày cuối cùng của anh chị em trong công việc truyền giáo. Khi ngày đó đến:

    • Anh chị em muốn mối quan hệ của mình với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô sẽ như thế nào?

    • Anh chị em muốn trở thành người như thế nào?

    Trong nhật ký ghi chép việc học tập của anh chị em, hãy viết câu trả lời cho mỗi câu hỏi này. Sử dụng tiến trình đặt mục tiêu để hoạch định những gì anh chị em có thể làm bây giờ hầu tiến tới những mục tiêu này. Ghi lại những kế hoạch của anh chị em.

Học Tập Chung với Bạn Đồng Hành và Hoán Đổi Bạn Đồng Hành

  • Trả lời các câu hỏi dưới đây bằng cách sử dụng ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta:

    • Có phải tất cả các hồ sơ đều cập nhật và chính xác không?

    • Liệu một người truyền giáo mới đến khu vực này có được lợi ích từ sổ ghi chép các nỗ lực của anh chị em hầu tìm kiếm người mới để giảng dạy không?

    • Nếu anh chị em phải xem lại ứng dụng của mình ngay bây giờ, thì nó có giúp anh chị em biết mọi người đang ở đâu không? Ứng dụng này có giúp anh chị em biết về sự tiến triển của họ không?

Buổi Họp Hội Đồng Chi Bộ, Các Đại Hội Khu Bộ, và Buổi Họp Hội Đồng Lãnh Đạo Phái Bộ

  • Mời những người truyền giáo chia sẻ kinh nghiệm về các mục tiêu họ đã đặt ra và các kế hoạch họ đã lập để giúp mọi người tiến triển. Các ví dụ có thể bao gồm các mục tiêu và kế hoạch để giúp mọi người:

    • Phát triển thêm đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi.

    • Hối cải và thay đổi để đến gần Thượng Đế hơn.

    • Chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận.

    • Trở lại với Giáo Hội và lập lại giao ước báp têm của họ.

  • Đọc một trong những tình huống sau đây cho những người truyền giáo nghe. Yêu cầu những người truyền giáo chia thành các nhóm nhỏ. Yêu cầu mỗi nhóm sử dụng các bước 1 và 2 trong tiến trình đặt mục tiêu để giúp những người trong các ví dụ này tiến tới phép báp têm và lễ xác nhận. Yêu cầu mỗi nhóm chia sẻ ý kiến của họ.

    • Một người mà anh chị em đang giảng dạy đã nhận lời mời tham dự nhà thờ tuần này.

    • Một người đã chấp nhận lời mời chịu phép báp têm và đã đặt mục tiêu với anh chị em để được báp têm.

    • Một người đã chấp nhận lời mời của anh chị em để đọc Sách Mặc Môn của anh chị em và đã cam kết đọc 1 Nê Phi 1.

  • Mời những người truyền giáo sử dụng ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta để giúp họ đặt ra các mục tiêu sát với thực tế nhưng triển khai các mục tiêu bằng cách:

    • Xem lại lịch sử và sự tiến triển của chỉ số then chốt trong quá khứ.

    • Đặt mục tiêu hằng ngày, hằng tuần và hằng tháng.

    • Thêm người vào các mục tiêu về chỉ số then chốt.

    Thảo luận về cách những bước này có thể giúp những người truyền giáo hoạch định hiệu quả hơn khi họ giúp mọi người tiến triển. Yêu cầu những người truyền giáo cân nhắc những điều sau đây:

    • Anh chị em sẽ sử dụng ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta như thế nào trong tương lai theo kế hoạch của anh chị em?

    • Anh chị em đã khám phá ra những cách nào khác để sử dụng ứng dụng hiệu quả hơn?

Các Vị Lãnh Đạo Phái Bộ Truyền Giáo và Các Cố Vấn Phái Bộ Truyền Giáo

  • Thường xuyên xem lại ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta của những người truyền giáo. Mời họ chia sẻ cách họ sử dụng ứng dụng để theo dõi các mục tiêu và kế hoạch của họ và để giúp mọi người tiến triển.

  • Thỉnh thoảng quan sát các phiên họp hoạch định hằng tuần hoặc hằng ngày của những người truyền giáo.

Phụ Lục 1

Áp Dụng Tiến Trình Đặt Mục Tiêu Khi Làm Việc Với Những Người mà Anh Chị Em Đang Giảng Dạy

Phần này cung cấp các ví dụ về cách anh chị em có thể áp dụng tiến trình đặt mục tiêu để giúp đỡ những người mà anh chị em đang giảng dạy.

1. Đặt Mục Tiêu và Lập Kế Hoạch

Thành tâm cân nhắc nhu cầu thuộc linh của những người mà anh chị em đang giảng dạy. Đặt mục tiêu và lập kế hoạch để giúp họ đáp ứng những nhu cầu này. Sử dụng ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta để xem lại sự tiến triển của mỗi người. Sử dụng các chỉ số then chốt về sự cải đạo để nhận ra các hành động mà sẽ giúp mỗi người thực hiện bước tiếp theo trong việc đến cùng Đấng Ky Tô.

Khi anh chị em đặt mục tiêu và lập kế hoạch, thì hãy tự hỏi mình những câu hỏi như sau:

  • Người đó đang có những lựa chọn nào mà cho thấy đức tin ngày càng gia tăng nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Người đó có những kinh nghiệm nào với Thánh Linh?

  • Người đó có thể đang gặp phải những thử thách nào?

  • Chúng ta có thể học thêm được gì từ người này để giúp đỡ họ?

  • Điều gì cần phải xảy ra để giúp người này phát triển đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, cảm nhận và nhận ra Thánh Linh, hối cải và chịu phép báp têm?

  • Làm thế nào chúng ta có thể chuẩn bị cho buổi họp điều phối hằng tuần của tiểu giáo khu để mời các vị lãnh đạo và các tín hữu trong tiểu giáo khu tham gia trong việc giúp đỡ người này? (Xin xem chương 13.)

  • Chúng ta có thể đặt ra những mục tiêu cho chỉ số then chốt nào mà phản ánh đức tin của mình nơi Chúa?

2. Ghi Lại và Sắp Xếp Lịch Trình cho Các Kế Hoạch của Anh Chị Em

Sử dụng ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta để ghi lại và sắp xếp lịch trình một cách chi tiết cho các mục tiêu và kế hoạch của anh chị em. Điều này sẽ giúp anh chị em sắp xếp công việc và nhận ra các hành động cần thực hiện mỗi ngày. Tuân thủ luật bảo mật dữ liệu cho khu vực của anh chị em.

Khi anh chị em ghi lại và sắp xếp lịch trình cho các kế hoạch của mình, hãy tự hỏi mình những câu hỏi như sau:

  • Những việc cụ thể nào chúng ta có thể làm hôm nay và tuần này để hỗ trợ sự tiến triển của người này?

  • Giáo lý (hoặc bài học) nào sẽ giúp người này phát triển đức tin mạnh mẽ hơn nơi Đấng Ky Tô và sống theo phúc âm? Chúng ta có thể giảng dạy giáo lý này như thế nào để người đó hiểu và được Đức Thánh Linh gây dựng?

  • Bằng cách nào và khi nào chúng ta sẽ xác nhận các cuộc hẹn?

  • Chúng ta nên đưa ra hoặc tiếp tục theo sát những lời mời nào? Bằng cách nào và khi nào chúng ta sẽ tiếp tục theo sát?

  • Bằng cách nào và khi nào chúng ta sẽ giúp người đó tham dự nhà thờ, đọc thánh thư, cầu nguyện và tuân giữ các cam kết mà dẫn đến việc lập giao ước với Thượng Đế?

  • Các tín hữu có thể tham gia bằng cách nào?

  • Chúng ta có thể chia sẻ với người đó những nguồn tài liệu trực tuyến nào?

  • Chúng ta có thể lập kế hoạch dự phòng nào nếu có một điều gì đó không diễn ra như đã hoạch định?

3. Thực Hiện Kế Hoạch của Anh Chị Em

Hãy luôn cầu nguyện trong lòng trong suốt cả ngày khi anh chị em thực hiện kế hoạch của mình. Thánh Linh sẽ giúp anh chị em biết phải đi đâu, phải làm gì, phải nói gì và phải có những sửa đổi nào.

Trong ngày, hãy tự hỏi mình những câu hỏi như sau:

  • Bằng cách nào chúng ta có thể làm việc với đức tin, tin cậy Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta và gia tăng những nỗ lực của chúng ta để phục vụ con cái của Ngài?

  • Bằng cách nào chúng ta có thể có óc sáng tạo và can đảm khi thực hiện các kế hoạch của mình?

  • Bằng cách nào chúng ta có thể thích nghi các kế hoạch của mình theo nhu cầu và hoàn cảnh của mọi người?

Các kế hoạch không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ như anh chị em hy vọng. Hãy linh động và sử dụng các kế hoạch dự phòng khi cần.

4. Xem Xét Sự Tiến Triển và Tiếp Tục Theo Sát

Cùng với người bạn đồng hành của mình, hãy xem lại sự tiến triển hướng đến các mục tiêu mà anh chị em đã đặt ra để giảng dạy mọi người và giúp họ tiến triển. Hoạch định những cách để tiếp tục theo sát. Điều chỉnh các kế hoạch của mình nếu cần khi anh chị em cố gắng đạt được mục tiêu của mình.

Hãy tự hỏi mình những câu hỏi như sau:

  • Những người mà chúng ta đang giảng dạy có đang tiến tới việc lập giao ước với Thượng Đế không?

  • Họ đang gặp phải những thử thách nào? Mối quan tâm của họ là gì?

  • Hôm nay chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ và khuyến khích họ hành động—trực tiếp hoặc qua công nghệ?

  • Họ có kinh nghiệm cảm nhận được Thánh Linh không?

  • Họ có giao kết với các vị lãnh đạo và các tín hữu của Giáo Hội và xây đắp tình bằng hữu không? Ai có thể tham gia vào lần tới khi chúng ta giảng dạy?

  • Chúng ta có thể học được gì từ những thất bại?

  • Chúng ta đã đạt được mục tiêu của mình tốt đến mức độ nào? Có điều gì chúng ta nên sửa đổi hoặc làm khác đi không?

  • Đã đến lúc nên giảm mật độ liên lạc hơn chăng?

Xin xem chương 11 để biết thêm các nguyên tắc và ý kiến về cách tiếp tục theo sát và giúp mọi người tiến triển.

Phụ Lục 2

Áp Dụng Tiến Trình Đặt Mục Tiêu trong Việc Tìm Kiếm Người để Giảng Dạy

Phần này cung cấp các ví dụ về cách anh chị em có thể áp dụng tiến trình đặt mục tiêu trong việc tìm kiếm người mới để giảng dạy. Sử dụng tiến trình này trong kế hoạch hằng tuần và hằng ngày của anh chị em.

1. Đặt Mục Tiêu và Lập Kế Hoạch

Cùng với người bạn đồng hành của mình, hãy thành tâm cân nhắc điều mà Cha Thiên Thượng muốn anh chị em phải làm hầu tìm kiếm thêm người để giảng dạy. Làm điều này mỗi tuần và mỗi ngày. Hãy tin rằng Ngài đang chuẩn bị mọi người cho anh chị em (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 100:3–8).

Đặt mục tiêu tìm kiếm mỗi ngày. Lập kế hoạch cho các hành động trong tầm kiểm soát của anh chị em mà ảnh hưởng đến kết quả của chỉ số then chốt. Những ví dụ gồm có:

  • Mỗi ngày, anh chị em sẽ nói chuyện với bao nhiêu người mới về phúc âm.

  • Bao nhiêu lần anh chị em sẽ hỏi các tín hữu, những người mà anh chị em đang giảng dạy và những người mà anh chị em tiếp xúc xem họ có biết một ai đó có thể quan tâm đến sứ điệp của anh chị em.

  • Anh chị em sẽ trả lời nhanh như thế nào cho những lời giới thiệu hoặc góp ý về các bài đăng trên mạng xã hội.

Xem lại ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta và tự hỏi mình những câu hỏi như sau:

  • Cha Thiên Thượng sẽ muốn chúng ta làm gì hôm nay và tuần này hầu tìm người để giảng dạy?

  • Chúng ta có thể đặt mục tiêu cho chỉ số then chốt nào hằng ngày và hằng tuần hầu tìm người để giảng dạy?

  • Sinh hoạt tìm kiếm nào là tốt nhất cho thời gian trong ngày và địa điểm này?

  • Bằng cách nào chúng ta có thể truyền cảm hứng và hỗ trợ các tín hữu trong tiểu giáo khu trong nỗ lực của họ để chia sẻ phúc âm qua các nguyên tắc yêu thương, chia sẻ và mời gọi?

  • Chúng ta có thể liên lạc với những tín hữu mới nào để giúp họ tham dự lễ Tiệc Thánh? Họ có người bạn nào mà họ có thể mời không?

  • Bằng cách nào chúng ta có thể làm việc với hội đồng tiểu giáo khu hoặc những người tham gia trong buổi họp điều phối hằng tuần của tiểu giáo khu để nhận ra các gia đình có một hoặc vài tín hữu, các tín hữu tích cực trở lại và các anh cả tương lai để liên lạc?

  • Chúng ta có thể liên lạc với những người nào hiện đang được giảng dạy, những người nào đã từng được giảng dạy trước đây và những người nào được giới thiệu? Chúng ta sẽ liên lạc với họ bằng cách nào? (Trực tiếp, qua công nghệ, qua điện thoại hoặc bằng những cách khác)

  • Một số cách mới nào mà chúng ta có thể tìm kiếm mọi người?

  • Chúng ta có thể sử dụng những tài năng và ưu điểm cá nhân nào?

  • Bằng cách nào chúng ta có thể cải thiện khả năng của mình hầu tìm kiếm người để giảng dạy?

  • Bằng cách nào chúng ta có thể giúp những người chúng ta tiếp xúc cảm nhận được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh?

Để biết những ví dụ về các sinh hoạt tìm kiếm, xin xem các chương 9, 10, và 13.

Sử dụng ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta để giúp anh chị em nhận ra các sinh hoạt tìm kiếm mà đã có hiệu quả trong quá khứ. Ví dụ, anh chị em có thể thấy những người cải đạo gần đây được tìm thấy bằng cách nào.

Tìm kiếm nguồn soi dẫn và cởi mở với những ấn tượng và ý kiến mới. Tránh bị kẹt trong một thói quen cũ. Những người truyền giáo nào luôn tìm kiếm những người mới để giảng dạy đều thường sử dụng nhiều cách khác nhau mỗi tuần. Họ liên tục làm như thế.

2. Ghi Lại và Sắp Xếp Lịch Trình cho Các Kế Hoạch của Anh Chị Em

Cùng với người bạn đồng hành của mình, hãy sử dụng ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta để ghi lại và sắp xếp lịch trình một cách chi tiết cho các mục tiêu và kế hoạch của anh chị em. Việc ghi lại và sắp xếp lịch trình cho các kế hoạch của mình sẽ giúp anh chị em nhận ra những hành động và thời điểm cần thực hiện.

Hãy tự hỏi mình những câu hỏi như sau:

  • Chúng ta sẽ liên lạc với mọi người khi nào và bằng cách nào? Những cách tiếp cận nào là tốt nhất? Những địa điểm tốt nhất là ở đâu? Lúc nào là thời gian tốt nhất trong ngày cho các cách thức khác nhau để tìm kiếm người ta?

  • Làm thế nào chúng ta có thể có những cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa với những người chúng ta gặp?

  • Làm thế nào và khi nào chúng ta sẽ tìm kiếm trực tuyến bằng việc sử dụng mạng xã hội và công nghệ khác?

  • Khi nào chúng ta sẽ liên lạc với người giới thiệu?

  • Chúng ta sẽ lập kế hoạch dự phòng nào khi các kế hoạch khác thất bại?

3. Thực Hiện Kế Hoạch của Anh Chị Em

Siêng năng cố gắng để đạt được các mục tiêu của anh chị em hầu tìm kiếm người để giảng dạy. Hãy luôn cầu nguyện trong lòng trong suốt cả ngày. Hãy cởi mở chào hỏi và nói chuyện với những người mà anh chị em gặp. Thánh Linh sẽ giúp anh chị em biết phải đi đâu, phải làm gì, phải nói gì và phải có những sửa đổi nào.

Trong ngày, hãy tự hỏi mình những câu hỏi như sau:

  • Bằng cách nào chúng ta có thể làm việc với đức tin, tin cậy Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta và gia tăng những nỗ lực của chúng ta để phục vụ con cái của Ngài?

  • Bằng cách nào chúng ta có thể có óc sáng tạo và can đảm khi thực hiện các kế hoạch của mình?

  • Bằng cách nào chúng ta có thể thích nghi các kế hoạch của mình theo nhu cầu và hoàn cảnh của mọi người?

  • Bằng cách nào chúng ta có thể giúp mọi người cảm nhận ảnh hưởng của Đức Thánh Linh?

Các kế hoạch không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ như anh chị em hy vọng. Hãy linh động và sử dụng các kế hoạch dự phòng khi cần.

4. Xem Xét Sự Tiến Triển và Tiếp Tục Theo Sát

Trong suốt cả ngày và tuần, hãy thành tâm xem lại sự tiến triển trong việc đạt được các mục tiêu của anh chị em hầu tìm kiếm người để giảng dạy. Hãy tự hỏi mình những câu hỏi như sau:

  • Chúng ta đã đạt được mục tiêu của mình và làm theo các kế hoạch của mình tốt đến mức độ nào?

  • Có những sửa đổi nào chúng ta cần thực hiện để đáp ứng các mục tiêu tìm kiếm người khác của mình?

  • Làm thế nào chúng ta có thể tránh rơi vào một thói quen không hiệu quả trong việc tìm kiếm người để giảng dạy?

  • Chúng ta có thể thử một điều gì mới trong thời gian này trong ngày không?

  • Chúng ta có thể thảo luận một số ý kiến nào trong buổi họp điều phối hằng tuần của tiểu giáo khu hầu giúp chúng ta tìm kiếm người để giảng dạy? (Xin xem chương 13.)

Cùng với người bạn đồng hành, hãy sử dụng biểu đồ “Các Nỗ Lực Tìm Kiếm” trong chương 9 để đánh giá nỗ lực tìm kiếm hằng tuần và hằng ngày của anh chị em. Nhận ra những điều anh chị em đang làm tốt và cân nhắc cách anh chị em có thể cải thiện.

Trong suốt cả ngày, hãy dừng lại vài phút để nhận ra bàn tay của Thượng Đế trong công việc của anh chị em.