Những Sự Kêu Gọi trong Phái Bộ Truyền Giáo
Chương 11: Giúp Mọi Người Lập và Tuân Giữ Những Cam Kết


“Chương 11: Giúp Mọi Người Lập và Tuân Giữ Những Cam Kết,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Cách Chia Sẻ Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô (năm 2023)

“Chương 11,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta

Hình Ảnh
I Shall Not Want (Tôi Sẽ Chẳng Thiếu Thốn Gì), tranh của Yongsung Kim

Chương 11

Giúp Mọi Người Lập và Tuân Giữ Những Cam Kết

Hãy Suy Ngẫm về Những Câu Hỏi Này

  • Việc tuân giữ những cam kết liên quan như thế nào với sự cải đạo?

  • Việc tuân giữ những cam kết liên quan như thế nào với việc tuân giữ các giao ước?

  • Làm thế nào tôi có thể đưa ra những lời mời để giúp mọi người phát triển về mặt thuộc linh và củng cố đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Tại sao là điều quan trọng để chia sẻ một chứng ngôn chân thành?

  • Tôi có thể được hứa cho các phước lành nào?

  • Làm thế nào tôi có thể giúp mọi người tuân giữ những cam kết?

Sự Hối Cải, Cam Kết, và Cải Đạo

Là một người truyền giáo và môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, anh chị em mong muốn sự cứu rỗi các linh hồn (xin xem Mô Si A 28:3). Đấng Cứu Rỗi “có quyền năng cứu rỗi” những người nào tuân giữ các giao ước mà họ lập qua việc tiếp nhận các giáo lễ thiết yếu của chức tư tế, bắt đầu bằng phép báp têm (xin xem 2 Nê Phi 31:19). Việc đưa ra những lời mời và giúp mọi người tuân giữ những cam kết sẽ giúp họ chuẩn bị chịu phép báp têm.

Mọi người được cứu dựa trên điều kiện hối cải (xin xem Hê La Man 5:11). Sự hối cải là hoàn toàn và chân thành tìm tới Chúa Giê Su Ky Tô. Sự cam kết là một phần thiết yếu của sự hối cải. Khi mời mọi người lập những cam kết như là một phần trong việc giảng dạy của mình, là anh chị em đang mời họ hối cải.

Cam kết có nghĩa là chọn một phương hướng hành động và theo đuổi đến cùng sự lựa chọn đó. Việc kiên định hành động theo các lẽ thật của phúc âm dẫn đến sự cải đạo.

Sự cải đạo là sự thay đổi trong niềm tin, tấm lòng và cuộc sống của một người để chấp nhận và tuân theo ý muốn của Thượng Đế. Đó là một quyết định có ý thức để trở thành môn đồ của Đấng Ky Tô. Sự cải đạo xảy ra khi mọi người vận dụng đức tin nơi Đấng Ky Tô, hối cải tội lỗi của họ, chịu phép báp têm, tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh và kiên trì đến cùng. Chúa và các vị tiên tri của Ngài gọi sự thay đổi này là sự tái sinh về phần thuộc linh (xin xem Giăng 3:3–5; Mô Si A 27:25–26).

Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi làm cho sự cải đạo có thể thực hiện được và Đức Thánh Linh mang đến sự thay đổi lớn lao này trong lòng (xin xem Mô Si A 5:2; An Ma 5:12–14).

Sự cải đạo là một tiến trình chứ không phải là một sự kiện. Việc giúp mọi người trở nên cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô là trọng tâm của mục đích truyền giáo của anh chị em. Khi được Thánh Linh hướng dẫn, anh chị em mời mọi người lập những cam kết mà sẽ giúp họ phát triển về phần thuộc linh và cảm nhận được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh trong cuộc sống của họ. Sau đó, anh chị em hỗ trợ mọi người tuân giữ những cam kết mà họ đã lập. Anh chị em giúp họ hành động theo đức tin hướng tới sự thay đổi lâu dài (xin xem Mô Si A 6:3).

Những người nào tuân giữ những cam kết trước khi chịu phép báp têm có thể lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng sau đó. Khi dạy mọi người tuân giữ những cam kết, thì anh chị em đang dạy họ tuân giữ các giao ước. Việc lập và tuân giữ các giao ước là một phần thiết yếu của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và kế hoạch của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài.

Chương này bao gồm những hướng dẫn để đưa ra những lời mời, hứa hẹn các phước lành, chia sẻ chứng ngôn của anh chị em và giúp mọi người tuân giữ những cam kết của họ để họ có thể đến cùng Đấng Cứu Rỗi và được cứu.

Hình Ảnh
những người truyền giáo đang giảng dạy người phụ nữ

Đưa Ra Những Lời Mời

Là người đại diện của Chúa Giê Su Ky Tô, anh chị em mời mọi người noi theo Ngài và tiếp nhận niềm vui của phúc âm Ngài. Anh chị em đưa ra những lời mời cụ thể cho họ để làm những điều sẽ xây đắp đức tin của họ nơi Đấng Ky Tô. Sau đó, anh chị em hỗ trợ họ tuân giữ những cam kết của họ.

Những lời mời và cam kết rất quan trọng vì những lý do sau đây:

  • Chúng giúp mọi người sống theo các nguyên tắc mà họ học được để họ cảm nhận được lời chứng xác nhận của Thánh Linh.

  • Việc tuân giữ những cam kết là một cách mà người ta cho thấy sự hối cải (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:37).

  • Sự hối cải giúp mọi người cảm nhận được sự bình an và niềm vui từ sự tha thứ của Thượng Đế. Họ cũng sẽ có thêm sự giúp đỡ từ Thượng Đế cho những thử thách của họ.

  • Việc tuân giữ những cam kết chuẩn bị cho mọi người lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng.

  • Anh chị em có thể cho thấy tình yêu thương của mình đối với mọi người và đức tin của anh chị em nơi những lời hứa của Thượng Đế bằng cách giúp mọi người tuân giữ những cam kết của họ.

Mời khi Được Thánh Linh Hướng Dẫn

Tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh về những lời mời nào nên đưa ra và khi nào nên đưa ra những lời mời đó. Hãy cân nhắc điều giảng dạy hay giáo lý nào, nếu được hiểu đúng, sẽ giúp một người chấp nhận lời mời của anh chị em. Lời mời thích hợp vào đúng thời điểm có thể thúc giục mọi người làm những điều mà giúp xây đắp đức tin của họ. Những hành động này có thể dẫn đến một sự thay đổi lớn lao trong lòng (xin xem Mô Si A 5:2; An Ma 5:12–14).

Những lời mời anh chị em đưa ra có thể đơn giản, chẳng hạn như đọc một chương thánh thư hoặc đến dự lễ Tiệc Thánh. Hoặc những lời mời có thể quan trọng như chịu phép báp têm. Những lời mời nên phù hợp với hiện trạng của một người trong cuộc hành trình thuộc linh của họ.

Những lời mời do Thánh Linh hướng dẫn cho anh chị em đưa ra sẽ dẫn đến những lời mời khác để giúp một người tiến triển về mặt thuộc linh (xin xem 2 Nê Phi 28:30; Giáo Lý và Giao Ước 93:12–13). Hãy tự hỏi: “Người ấy đang tuân giữ những cam kết nào? Người ấy cần làm gì tiếp theo để tiến triển?”

Lắng nghe những người anh chị em đang nói chuyện với hoặc giảng dạy. Từ những gì anh chị em nghe và cảm nhận, hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh về những lời mời nào sẽ giúp mỗi người tiến triển tới việc lập các giao ước thiêng liêng.

Các Nguyên Tắc để Đưa Ra Những Lời Mời

Việc đưa ra những lời mời đòi hỏi đức tin nơi Đấng Ky Tô. Hãy tin rằng Ngài sẽ ban phước cho mọi người khi họ chấp nhận và làm theo những lời mời của anh chị em.

Người ta có lẽ sẽ thay đổi khi anh chị em mời họ hành động theo lẽ thật của phúc âm và giúp họ thấy được sự thay đổi sẽ ban phước cho họ như thế nào. Họ sẽ thay đổi theo mức độ mà họ cảm nhận được Thánh Linh và trải qua niềm vui khi sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Bất cứ khi nào anh chị em giao tiếp với mọi người, trực tiếp hoặc trực tuyến, thì hãy cân nhắc xem lời mời nào có thể giúp họ củng cố đức tin của họ nơi Đấng Ky Tô và cảm nhận được Thánh Linh. Đôi khi điều này có thể đơn giản như gặp lại anh chị em hoặc tham dự một sinh hoạt của Giáo Hội.

Khi anh chị em chuẩn bị giảng dạy một bài học, hãy xem xét những nhu cầu và sự tiến triển của mỗi người. Hãy chắc chắn rằng dàn bài của anh chị em gồm có một hoặc nhiều lời mời mà sẽ giúp người ấy tiến triển.

Hãy cẩn thận đừng đưa ra quá nhiều lời mời cùng một lúc. Một người cần thời gian để hành động, tăng trưởng và học hỏi từ mỗi lời mời.

Hãy mạnh dạn nhưng không độc đoán khi anh chị em mời mọi người lập những cam kết (xin xem An Ma 38:12). Tôn trọng quyền tự quyết của người khác.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Tại sao những cam kết là quan trọng?

Mời bằng Lời Lẽ Tử Tế và Rõ Ràng

Lời mời thường ở dạng câu hỏi “anh chị em có muốn không”. Câu hỏi này cần có câu trả lời có hoặc không. Hãy đưa ra lời mời tử tế, cụ thể và rõ ràng. Những lời mời này nên mời gọi hoặc đưa dẫn mọi người cam kết để hành động với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Mặc dù những lời mời của anh chị em sẽ là riêng biệt đối với mỗi người những hãy cân nhắc các ví dụ sau đây:

  • Việc tham dự nhà thờ mang đến thời gian và địa điểm để anh chị em thờ phượng Thượng Đế và cảm nhận Thánh Linh của Ngài. Nó cũng có thể giúp anh chị em trở thành một phần của cộng đồng đầy hỗ trợ khi anh chị em có những thay đổi để đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn. Anh chị em có muốn đến dự lễ Tiệc Thánh với chúng tôi vào Chủ Nhật tuần này không?

  • Bây giờ chúng ta đã thảo luận về tầm quan trọng của việc học thánh thư, anh chị em có muốn đọc [một đoạn thánh thư cụ thể] không? Anh chị em có muốn viết xuống bất cứ ấn tượng hoặc câu hỏi nào mà anh chị em có thể không? Chúng ta có thể thảo luận về những ý nghĩ của anh chị em vào lần tới khi chúng ta gặp nhau.

  • Chúng ta đã thảo luận về cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi và các lệnh truyền của Ngài. Anh chị em có muốn noi theo gương của Ngài bằng cách chịu phép báp têm vào Giáo Hội của Ngài và lập những lời hứa với Ngài không? (Xin xem “Lời Mời Chịu Phép Báp Têm và Được Làm Lễ Xác Nhận” trong chương 3.)

  • Anh chị em bày tỏ sự quan tâm đến việc kết nối nhiều hơn với Thượng Đế trong cuộc sống của mình. Anh chị em sẽ cầu nguyện với đức tin trong vài ngày tới để anh chị em có thể kinh nghiệm những phước lành của việc cầu nguyện không?

  • Chúng tôi có một video mà chúng tôi nghĩ rằng anh chị em sẽ thấy là hữu ích. Chúng tôi có thể chiếu nó cho anh chị em xem hoặc gửi cho anh chị em một đường liên kết không? Anh chị em có muốn xem video đó không? Chúng tôi có thể kiểm tra lại với anh chị em vào ngày mai để xem anh chị em nghĩ gì không?

Tìm kiếm những thúc giục của Đức Thánh Linh khi anh chị em cân nhắc những cách tự nhiên để đưa ra những lời mời tử tế, cụ thể và rõ ràng.

Học Tập Riêng Cá Nhân hay Học Tập Chung Với Bạn Đồng Hành

Trong nhật ký ghi chép việc học tập của anh chị em, hãy viết xuống một lời mời đơn giản, thẳng thắn và rõ ràng cho mỗi cam kết trong một bài học. Nếu anh chị em đã làm sinh hoạt này trước đây, thì hãy lặp lại sinh hoạt này và so sánh những lời mời mới của anh chị em với những lời mời trước.

Xem lại với người bạn đồng hành của mình những lời mời anh chị em đã viết xuống. Sau đó thảo luận những câu hỏi sau đây:

  • Làm thế nào chúng ta có thể giúp mọi người hiểu các phước lành đã được hứa của Chúa liên quan đến lời mời này?

  • Tại sao lời mời này là quan trọng đối với cá nhân tôi?

  • Làm thế nào tôi có thể giúp người khác cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế dành cho họ khi tôi đưa ra lời mời?

  • Làm thế nào tôi có thể cải thiện việc giúp người khác hành động theo những lời mời mà tôi đưa ra?

Hãy nghĩ về một người nào đó mà anh chị em đang giảng dạy. Tập đưa ra những lời mời này như thể anh chị em đang nói chuyện với người đó. Sửa lại những lời mời của anh chị em khi cần thiết.

Hứa với Mọi Người về Các Phước Lành Họ Sẽ Nhận Được

Thượng Đế hứa sẽ ban phước cho chúng ta khi chúng ta tuân giữ các lệnh truyền của Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 130:20–21). Những người nào tuân giữ các lệnh truyền và luôn trung thành đều “được ban phước lành trong tất cả mọi điều” và sẽ “ở với Thượng Đế trong một trạng thái hạnh phúc bất tận” (Mô Si A 2:41).

Khi anh chị em mời mọi người lập các cam kết, hãy hứa với họ về các phước lành họ sẽ nhận được vì tuân giữ cam kết của họ. Anh chị em có thể nhận ra nhiều phước lành này bằng cách học thánh thư, những lời giảng dạy của các vị tiên tri ngày sau và các bài học trong chương 3. Cũng hãy nghĩ về các phước lành trong chính cuộc sống của anh chị em. Hãy thành tâm quyết định những phước lành nào để hứa với mỗi người khi anh chị em đưa ra những lời mời.

Khi mời một người sống theo một giáo lệnh, hãy giảng dạy những điều sau đây:

  • Việc tuân theo các giáo lệnh cho thấy tình yêu thương của chúng ta đối với Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Giăng 14:15).

  • Việc tuân theo các giáo lệnh cho Thượng Đế thấy rằng chúng ta tin cậy Ngài (xin xem Châm Ngôn 3:5–6).

  • Các phước lành của Thượng Đế là cả về mặt thuộc linh lẫn vật chất (xin xem Mô Si A 2:41).

  • Phước lành lớn lao nhất của Thượng Đế là cuộc sống vĩnh cửu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 14:7).

  • Khi chúng ta chân thành cầu nguyện và hành động theo đức tin, thì Thượng Đế sẽ giúp chúng ta hoàn thành những điều Ngài đã truyền lệnh cho chúng ta phải làm (xin xem 1 Nê Phi 3:7).

  • Thượng Đế làm tròn những lời hứa của Ngài để ban phước cho chúng ta theo cách thức và kỳ định của Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:68).

Người ta thường gặp phải sự chống đối trong việc tuân giữ các giáo lệnh. Hỗ trợ những người nào anh chị em giảng dạy và bảo đảm với họ rằng Thượng Đế sẽ ban phước cho họ khi họ cố gắng làm theo ý muốn của Ngài. Giúp họ hiểu rằng sự chống đối là một cơ hội để tăng trưởng bằng cách chọn đi theo Đấng Ky Tô cho dù điều đó là rất khó (xin xem 2 Nê Phi 2:11, 13–16).

Anh Cả Jeffrey R. Holland đã dạy: “Một số phước lành đến sớm, một số phước lành đến muộn, và một số phước lành không đến cho đến lúc ở trên thiên thượng; nhưng đối với những người chấp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, thì các phước lành đó sẽ đến” (“An High Priest of Good Things to Come,” Ensign, tháng Mười Một năm 1999, trang 38).

Nghiên Cứu Thánh Thư

Những câu thánh thư sau đây dạy điều gì về ước muốn của Chúa để ban phước cho chúng ta?

Học Tập Riêng Cá Nhân

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 82:10130:20–21. Sau đó nghiên cứu các câu thánh thư sau đây. Làm hai cột trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của anh chị em. Ở một bên, viết điều giáo lệnh mà anh chị em tìm thấy trong mỗi đoạn. Ở bên kia, viết lời hứa sẽ tuân giữ giáo lệnh đó.

Chia Sẻ Chứng Ngôn của Anh Chị Em

Chia sẻ chứng ngôn của anh chị em bất cứ lúc nào anh chị em đưa ra lời mời và hứa các phước lành họ sẽ nhận được. Cho biết anh chị em đã được ban phước như thế nào khi đã sống theo nguyên tắc mà anh chị em đang giảng dạy. Chia sẻ chứng ngôn của anh chị em rằng nguyên tắc này sẽ ban phước cho cuộc sống của một người khi họ sống theo nguyên tắc đó.

Chứng ngôn chân thành của anh chị em sẽ giúp tạo ra một môi trường để mọi người cảm thấy Đức Thánh Linh xác nhận lẽ thật. Điều này sẽ khuyến khích họ chấp nhận những lời mời mà anh chị em sẽ đưa ra.

Để có thêm thông tin, xin xem phần “Chia Sẻ Chứng Ngôn của Anh Chị Em” trong chương 10.

Hình Ảnh
nhóm người đang cầu nguyện

Giúp Mọi Người Tuân Giữ Cam Kết của Họ

Khi mọi người chấp nhận những lời mời của anh chị em để làm điều gì đó, thì hãy tiếp tục theo sát để giúp họ tuân giữ cam kết của họ. Anh chị em đang giúp mọi người phát triển đức tin nơi Đấng Ky Tô. Vai trò của anh chị em là giúp họ củng cố đức tin và quyết tâm của họ để tiến tới sự cải đạo trọn vẹn. Đừng chỉ mời mọi người thay đổi; mà hãy hỗ trợ họ làm theo lời mời.

Mọi người sẽ nhận được một sự làm chứng của Thánh Linh khi họ thực hành đức tin dẫn đến sự hối cải bằng cách tuân giữ các cam kết. Sự làm chứng đó thường không đến “cho đến khi đức tin [của họ] được thử thách” (Ê The 12:6). Đừng ngạc nhiên khi có sự phản đối. Hãy hoạch định cách anh chị em sẽ giúp họ vượt qua thử thách để họ nhận được sự làm chứng của Thánh Linh. Các tín hữu khác của Giáo Hội cũng có thể hỗ trợ.

Mọi người thường cảm thấy ảnh hưởng của Thánh Linh khi anh chị em đang có mặt với họ. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện, đọc thánh thư và làm theo những lời mời của anh chị em để họ sẽ có những cảm nghĩ này khi họ ở một mình.

Việc tuân giữ các cam kết chuẩn bị cho mọi người về các giáo lễ và giao ước dọc theo con đường cải đạo suốt đời. Những nỗ lực của anh chị em có thể giúp họ “biểu lộ qua những việc làm của họ” ước muốn của họ để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô (Giáo Lý và Giao Ước 20:37).

Hình Ảnh
các chị em phụ nữ đang ôm nhau

Hoạch Định Sự Liên Lạc Tiếp Xúc Ngắn Hằng Ngày

Việc giúp mọi người tuân giữ những cam kết bắt đầu khi anh chị em lần đầu tiên đến thăm và giảng dạy họ. Yêu cầu họ ghi lại cam kết của họ trên điện thoại, tờ lịch hoặc một cái gì đó mà anh chị em để lại cho họ.

Hỏi xem anh chị em, hoặc một tín hữu đã tham gia, có thể liên lạc tiếp xúc ngắn hằng ngày giữa những lần đến thăm giảng dạy không. Giải thích rằng mục đích của những sự liên lạc tiếp xúc này là để hỗ trợ họ và mô tả một số cách mà anh chị em có thể làm điều đó. Những sự liên lạc tiếp xúc này là một cách để áp dụng nguyên tắc trong Giáo Lý và Giao Ước 84:106.

Định rõ phương cách liên lạc tiếp xúc hiệu quả nhất, chẳng hạn như một cuộc viếng thăm ngắn, gọi điện thoại, nhắn tin hoặc tin nhắn trên mạng xã hội. Công nghệ cung cấp nhiều sự lựa chọn để nhắc nhở và hỗ trợ thêm.

Khuyến Khích và Giúp Đỡ Mọi Người trong Sự Liên Lạc Tiếp Xúc Hằng Ngày của Anh Chị Em

Đối với mỗi lời mời mà anh chị em đưa ra, hãy ghi lại các ghi chú trong ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta về cách tiếp tục theo sát vào ngày hôm sau. Khi anh chị em lập kế hoạch cho ngày hôm sau, hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh khi thảo luận về cách giúp mọi người tuân giữ những cam kết của họ.

Làm cho sự liên lạc tiếp xúc hằng ngày của anh chị em với mọi người trở thành tích cực và đầy khích lệ. Cầu nguyện cho họ. Cho thấy tình yêu thương và sự thông cảm khi anh chị em giúp họ tuân giữ những cam kết của họ. Trả lời các câu hỏi và giúp họ vượt qua những thử thách. Nếu có thời gian, hãy cùng đọc Sách Mặc Môn với nhau. Chia sẻ các phương tiện truyền thông có liên quan của Giáo Hội kể cả âm nhạc do Giáo hội sản xuất mà có thể nâng cao tinh thần của họ. Hãy tôn trọng thời gian và điều mong muốn của họ.

Giới thiệu họ với các tín hữu khác của Giáo Hội. Khi thích hợp, hãy yêu cầu các tín hữu giúp mọi người tuân giữ những cam kết của họ (xin xem chương 10).

Khen ngợi những người đang cố gắng tuân giữ những cam kết của họ. Giúp họ thấy Chúa hài lòng như thế nào với những nỗ lực của họ. Những người này đang thay đổi cuộc sống của họ là điều cần rất nhiều công sức và kiên nhẫn. Giúp họ nhận ra các phước lành mà họ đang nhận được. Bày tỏ sự tin tưởng rằng họ có thể thành công.

Cũng cho thấy tình yêu thương nếu mọi người đã không tuân giữ những cam kết của họ. Đề nghị hỗ trợ họ trong lúc anh chị em liên lạc tiếp xúc hằng ngày. Ví dụ, nếu một người nào đó đã chấp nhận lời mời đọc một chương trong Sách Mặc Môn nhưng vẫn chưa đọc thì hãy đề nghị cùng đọc với nhau. Giúp người đó khám phá bằng kinh nghiệm về việc tuân giữ những cam kết có thể ban phước cho cuộc sống của họ như thế nào.

Mọi người có thể phải thử nhiều lần mới tuân giữ được một cam kết và anh chị em có thể cần đến thăm vài lần để giúp đỡ họ. Thảo luận cách họ có thể vượt qua những thử thách để tuân giữ những cam kết. Hãy kiên nhẫn và thông cảm, không chỉ trích hoặc phê phán.

Có Ảnh Hưởng của Đức Thánh Linh trong Sự Liên Lạc Tiếp Xúc Hằng Ngày của Anh Chị Em

Khi anh chị em tiếp tục theo sát mọi người, hãy yêu cầu họ chia sẻ kinh nghiệm của họ về việc tuân giữ những cam kết. Hỏi họ đã học được và cảm thấy điều gì. Điều này sẽ giúp họ nhận ra ảnh hưởng của Thánh Linh trong cuộc sống của họ và giúp họ nhận ra bước kế tiếp.

Khi anh chị em liên lạc tiếp xúc với mọi người mỗi ngày, thì một phần quan trọng trong mục đích của anh chị em là mời ảnh hưởng của Đức Thánh Linh vào cuộc sống của họ. Giúp họ nhận ra cách cảm nhận Thánh Linh khi anh chị em không có mặt với họ. Sự liên lạc tiếp xúc hằng ngày của anh chị em nên củng cố những cảm nghĩ thuộc linh mà họ cảm thấy khi anh chị em giảng dạy cho họ. Họ sẽ được cải đạo khi họ cảm nhận được quyền năng và ảnh hưởng của Đức Thánh Linh.

Cho Thấy Tình Yêu Thương

Tiến trình cải đạo được tập trung vào tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô (xin xem 4 Nê Phi 1:15). Tìm kiếm ân tứ về lòng bác ái. Việc cho thấy tình yêu thương chân thành có thể giúp mọi người cảm nhận được Thánh Linh trong cuộc sống của họ. Những biểu hiện yêu thương của anh chị em cũng có thể giúp họ chấp nhận những lời mời và tuân giữ những cam kết mà dẫn đến sự cải đạo.

Khi anh chị em yêu thương và giảng dạy những người khác, thì sự cải đạo của anh chị em theo Đấng Cứu Rỗi sẽ gia tăng.

Việc phụ giúp người khác cải đảo là một công việc thiêng liêng. Anh chị em sẽ tìm thấy niềm vui lâu dài khi cống hiến hết mình cho công việc này và phục vụ những người khác (xin xem Ma Thi Ơ 10:39; Mô Si A 2:17; An Ma 27:17–18; Giáo Lý và Giao Ước 18:10–16).

Học Tập Riêng Cá Nhân hay Học Tập Chung Với Bạn Đồng Hành

Ghi lại trong ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta những kế hoạch của anh chị em để liên lạc tiếp xúc hằng ngày với mỗi người mà anh chị em đang giảng dạy. Hoạch định trước vài ngày điều anh chị em sẽ làm để tiếp tục theo sát với mỗi người.

Chọn một lời mời mà anh chị em sẽ đưa ra khi giảng dạy mỗi người. Sau đó, nhận ra những mối quan tâm khác nhau mà có thể ngăn không cho một người nào đó chấp nhận hoặc tuân giữ cam kết đó. Thảo luận và thực hành cách anh chị em có thể giúp đỡ mọi người hữu hiệu nhất khi họ cố gắng giải quyết các mối quan tâm của họ.

Chúa Muốn Mọi Người Đến và Ở Lại

Công việc truyền giáo có hiệu quả lớn nhất khi mọi người lập và tuân giữ cam kết để sống theo phúc âm và luôn tích cực trong Giáo Hội suốt đời họ. Việc chỉ gia nhập Giáo Hội không thôi thì không đủ đối với họ. Chúa mong muốn họ đến và ở lại (xin xem Giăng 15:16). Hãy hướng tất cả mọi điều giảng dạy và lời mời của anh chị em đến mục đích đó. Để nhận được tất cả các phước lành mà Cha Thiên Thượng ban cho họ, các tín hữu phải tiếp tục sống theo phúc âm bằng cách tuân giữ các giáo lệnh và các giao ước mà họ đã lập trong khi họ tiếp tục tích cực trong Giáo Hội.

Nê Phi dạy: “Tôi xin hỏi các người rằng, sau khi các người đã đi vào con đường chật và hẹp ấy rồi, như vậy có thể gọi là xong được chưa? Này, tôi nói cho các người hay: Chưa; … các người phải tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, …và [nếu các người] kiên trì đến cùng, này, Đức Chúa Cha có phán rằng: Các ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu” (2 Nê Phi 31:19–20).

Cố gắng hết sức để giúp mọi người hội đủ điều kiện nhận được “cuộc sống vĩnh cửu là ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế” (Giáo Lý và Giao Ước 14:7).


Những Ý Kiến để Học Tập và Áp Dụng

Học Tập Riêng Cá Nhân

  • Nhận ra một giáo lệnh từ bài học 4. Tìm kiếm và ghi lại những phần tham khảo thánh thư và những lời trích dẫn từ các vị tiên tri ngày sau mà mô tả các phước lành đã được hứa liên quan đến giáo lệnh này. Hãy nghĩ về các phước lành mà anh chị em đã nhận được bằng cách tuân theo giáo lệnh này, và viết vào nhật ký của anh chị em.

  • Khi anh chị em nói chuyện với gia đình mình hoặc những người khác, hãy hỏi xem họ đã được ban phước như thế nào khi tuân theo một giáo lệnh cụ thể (ví dụ, giữ ngày Sa Bát được thánh, tuân theo luật thập phân hoặc tuân giữ một giáo lệnh khó đối với người mà anh chị em đang giảng dạy).

  • Trả lời các câu hỏi sau đây để giúp anh chị em nhận ra những lĩnh vực mà anh chị em có thể cải thiện khi đưa ra những lời mời. Lập kế hoạch để cải thiện.

    • Mọi người có biết rằng tôi yêu thương họ không?

    • Tôi có tin chắc rằng họ sẽ được ban phước khi làm theo những lời mời của chúng tôi không?

    • Tôi có dành thời gian và sự quan tâm thích hợp trong khi liên lạc tiếp xúc hằng ngày với người khác để giúp họ tuân giữ những cam kết của họ không?

    • Các dàn bài của chúng tôi có bao gồm những lời mời cụ thể để hành động theo không?

Học Tập Chung với Bạn Đồng Hành và Hoán Đổi Bạn Đồng Hành

  • Xem lại những lời mời trong một bài học của người truyền giáo. Đối với mỗi lời mời, hãy trả lời các câu hỏi sau đây:

    • Chúa đã hứa những phước lành nào cho những người tuân giữ cam kết này?

    • Làm thế nào việc tuân theo nguyên tắc này sẽ giúp mọi người gia tăng đức tin và chứng ngôn của họ?

    • Làm thế nào cam kết này sẽ giúp mọi người hối cải và nhạy cảm hơn với Thánh Linh?

  • Từ các công cụ hoạch định của anh chị em, hãy lập danh sách những người anh chị em đã liên lạc tiếp xúc trong hai ngày qua. Gồm vào những người anh chị em đang giảng dạy và các tín hữu.

    • Đối với mỗi người, hãy viết những lời mời mà anh chị em đã đưa ra và những cam kết mà họ đã lập.

    • Cân nhắc những lời mời khác mà anh chị em có thể đã đưa ra.

    • Thảo luận về lý do tại sao anh chị em có thể nhận được những cam kết từ một số người này nhưng không phải từ những người kia.

    • Anh chị em sẽ làm gì để tiếp tục theo sát những lời mời này?

Buổi Họp Hội Đồng Chi Bộ, Các Đại Hội Khu Bộ, và Buổi Họp Hội Đồng Lãnh Đạo Phái Bộ

  • Thảo luận những ý kiến hữu hiệu và đầy sáng tạo để liên lạc tiếp xúc hằng ngày với những người mà anh chị em đang giảng dạy. Những người truyền giáo đã làm việc hiệu quả với các tín hữu như thế nào? Phương tiện in ấn hoặc kỹ thuật số nào là hữu ích? Anh chị em có thể làm gì khi mọi người không có ở nhà hoặc quá bận rộn để gặp anh chị em?

  • Thảo luận về những cách mà những người truyền giáo đã giảng dạy các giáo lệnh một cách hiệu quả trong bài học 4.

Các Vị Lãnh Đạo Phái Bộ Truyền Giáo và Các Cố Vấn Phái Bộ Truyền Giáo

  • Khi có thể được, hãy đi cùng với những người truyền giáo khi họ giảng dạy. Giúp họ tập trung vào việc giúp mọi người lập và tuân giữ những cam kết.

  • Khuyến khích những người lãnh đạo chức tư tế trong tiểu giáo khu, những người lãnh đạo tổ chức và các tín hữu liên lạc tiếp xúc hằng ngày với những người mà những người truyền giáo đang giảng dạy—nếu những người đó đã đồng ý với sự liên lạc tiếp xúc này.