Những Sự Kêu Gọi trong Phái Bộ Truyền Giáo
Chương 4: Tìm Kiếm và Trông Cậy vào Thánh Linh


“Chương 4: Tìm Kiếm và Trông Cậy vào Thánh Linh,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Cách Chia Sẻ Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô (năm 2023)

“Chương 4: Tìm Kiếm và Trông Cậy vào Thánh Linh,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta

Hình Ảnh
Liahona (Quả Cầu Li A Hô Na), tranh của Arnold Friberg

Chương 4

Tìm Kiếm và Trông Cậy vào Thánh Linh

Hãy Suy Ngẫm về Những Câu Hỏi Này

  • Tôi có thể làm gì để có được quyền năng của Đức Thánh Linh trong cuộc sống và công việc phục vụ truyền giáo của mình?

  • Vai trò của Đức Thánh Linh trong sự cải đạo là gì?

  • Làm thế nào tôi có thể giúp những người mà tôi giảng dạy cảm nhận được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh?

  • Làm thế nào tôi có thể làm cho những lời cầu nguyện của mình có ý nghĩa hơn?

  • Làm thế nào tôi có thể học được cách nhận ra những thúc giục của Đức Thánh Linh?

Tìm Kiếm Sự Hướng Dẫn của Đức Thánh Linh

Ân tứ Đức Thánh Linh là một trong những ân tứ vĩ đại nhất mà Thượng Đế đã ban cho con cái của Ngài. Ân tứ này rất quan trọng trong công việc của anh chị em với tư cách là một người truyền giáo. Anh chị em cần quyền năng dìu dắt, mặc khải của Đức Thánh Linh khi anh chị em giúp mọi người chịu phép báp têm, được làm lễ xác nhận và cải đạo.

Việc có được sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh trong cuộc sống của anh chị em đòi hỏi phải làm công việc thuộc linh. Công việc này gồm có sự cầu nguyện sốt sắng và nghiên cứu thánh thư đều đặn. Công việc cũng gồm có việc tuân giữ các giao ước của anh chị em và các giáo lệnh của Thượng Đế (xin xem Mô Si A 18:8–10, 13). Công việc gồm có việc dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng mỗi tuần (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:77, 79).

Anh chị em phải đối mặt với những nhu cầu và hoàn cảnh khác nhau mỗi ngày. Những thúc giục từ Thánh Linh sẽ giúp anh chị em biết phải làm gì và nói gì. Khi anh chị em tìm kiếm và hành động theo những thúc giục này, thì Đức Thánh Linh sẽ làm vinh hiển khả năng và sự phục vụ của anh chị em để vượt xa những gì mà anh chị em có thể tự làm. Ngài sẽ giúp anh chị em trong mọi khía cạnh của sự phục vụ truyền giáo và đời sống cá nhân của anh chị em. (Xin xem 2 Nê Phi 32:2–5; An Ma 17:3; Hê La Man 5:17–19; Giáo Lý và Giao Ước 43:15–16; 84:85.)

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

“Trong những ngày tới, chúng ta sẽ không thể nào tồn tại được về mặt thuộc linh nếu không có ảnh hưởng dìu dắt, hướng dẫn và an ủi liên tục của Đức Thánh Linh” (Russell M. Nelson, “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 96).

Hình Ảnh
Light and Truth (Ánh Sáng và Lẽ Thật), tranh của Simon Dewey

Ánh Sáng của Đấng Ky Tô

Ánh Sáng của Đấng Ky Tô “được ban cho mọi người, để họ có thể biết phân biệt được thiện và ác” (Mô Rô Ni 7:16; xin xem các câu 14–19; xin xem thêm Giăng 1:9). Ánh Sáng của Đấng Ky Tô là sự soi sáng, kiến thức và ảnh hưởng được ban cho qua Chúa Giê Su Ky Tô. Ảnh hưởng này là bước mở đầu để nhận được ân tứ Đức Thánh Linh. Ảnh hưởng này sẽ hướng dẫn những người nào sẵn sàng học hỏi và sống theo phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.

Đức Thánh Linh

Nhân Vật Đức Thánh Linh

Đức Thánh Linh là Đấng thứ ba trong Thiên Chủ Đoàn. Ngài là một Đấng linh hồn và không có thể xác bằng xương bằng thịt (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 130:22). Ngài là Đấng An Ủi, mà Đấng Cứu Rỗi đã hứa là sẽ giảng dạy mọi điều cho các tín đồ của Ngài và nhắc nhở họ về những gì Chúa Giê Su đã giảng dạy (xin xem Giăng 14:26).

Quyền năng của Đức Thánh Linh

Sự làm chứng đến với những người chân thành tìm kiếm lẽ thật trước khi phép báp têm đến qua quyền năng của Đức Thánh Linh. Tất cả mọi người đều có thể nhận được chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài qua quyền năng của Đức Thánh Linh. “Bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, [chúng ta] sẽ có thể biết được lẽ thật của tất cả mọi điều” (Mô Rô Ni 10:5).

Ân Tứ Đức Thánh Linh

Ân tứ Đức Thánh Linh là quyền có được sự đồng hành liên tục của Đức Thánh Linh khi chúng ta sống xứng đáng. Chúng ta nhận được ân tứ Đức Thánh Linh sau khi chịu phép báp têm bằng nước. Giáo lễ này được truyền giao qua giáo lễ xác nhận.

Tiên Tri Joseph Smith nói: “Có một sự khác biệt giữa Đức Thánh Linh và ân tứ Đức Thánh Linh. Cọt Nây đã nhận được Đức Thánh Linh trước khi ông chịu phép báp têm, tức là quyền năng thuyết phục của Thượng Đế đến với ông về lẽ thật của Phúc Âm, nhưng ông không thể nhận được ân tứ Đức Thánh Linh cho đến sau khi ông chịu phép báp têm” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [năm 2007], trang 97).

Chính là nhờ vào ân tứ và quyền năng của Đức Thánh Linh mà chúng ta được thánh hóa—được làm cho thánh thiện hơn, trọn vẹn hơn, nguyên vẹn hơn, giống Thượng Đế hơn. Chính là nhờ vào sự cứu chuộc của Đấng Ky Tô và quyền năng thánh hóa của Đức Thánh Linh mà chúng ta có thể được sinh lại về phần thuộc linh khi tuân giữ các giao ước mà mình lập với Thượng Đế (xin xem Mô Si A 27:25–26).

Đức Thánh Linh Hứa Hẹn

Đức Thánh Linh còn được gọi là Đức Thánh Linh Hứa Hẹn (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:3). Với khả năng này, Đức Thánh Linh xác nhận rằng các giáo lễ chức tư tế mà chúng ta nhận được và các giao ước mà chúng ta lập đều được Thượng Đế chấp nhận. Những người nào được ấn chứng bởi Đức Thánh Linh Hứa Hẹn đều sẽ nhận được tất cả những gì Đức Chúa Cha có (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 76:51–60; Ê Phê Sô 1:13–14; Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Đức Thánh Linh Hứa Hẹn”).

Tất cả các giáo lễ và giao ước phải được Đức Thánh Linh Hứa Hẹn ấn chứng để có hiệu lực sau cuộc sống này (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 132:7, 18–19, 26). Sự ấn chứng đó tùy thuộc vào lòng thành tín liên tục của chúng ta.

Các Ân Tứ của Thánh Linh

Chúa ban cho chúng ta các ân tứ của Thánh Linh để ban phước cho chúng ta và sử dụng để ban phước cho những người khác (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 46:8–9, 26). Ví dụ, những người truyền giáo nào học một ngôn ngữ mới đều có thể nhận được ân tứ về ngôn ngữ để ban cho họ sự giúp đỡ thiêng liêng hầu giảng dạy những người khác bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của những người này.

Một số ân tứ của Thánh Linh được mô tả trong Mô Rô Ni 10:8–18, Giáo Lý và Giao Ước 46:11–33, và 1 Cô Rinh Tô 12:1–12. Đây chỉ là một số ân tứ trong nhiều ân tứ của Thánh Linh. Chúa có thể ban phước cho chúng ta với những ân tứ khác tùy thuộc vào lòng thành tín, nhu cầu của chúng ta và nhu cầu của những người khác.

Đấng Cứu Rỗi mời chúng ta tha thiết tìm kiếm các ân tứ của Thánh Linh (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 46:8; 1 Cô Rinh Tô 14:1, 12). Các ân tứ này đến nhờ vào sự cầu nguyện, đức tin và nỗ lực—và theo ý muốn của Thượng Đế.

Học Tập Riêng Cá Nhân hay Học Tập Chung Với Bạn Đồng Hành

Trong Bible Dictionary, hãy đọc “Đức Thánh Linh,” “Ánh Sáng của Đấng Ky Tô,” và “Thánh Linh, Đức Thánh Linh.” Viết một đoạn mô tả về thiên tính và vai trò của Đức Thánh Linh.

Đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 4:1–33.

  • Phi E Rơ và Giăng đã tìm kiếm các ân tứ thuộc linh như thế nào?

  • Thượng Đế đã đáp ứng như thế nào cho những lời cầu nguyện của họ?

  • Anh chị em có thể học được gì từ kinh nghiệm này về công việc của mình?

Hình Ảnh
nhóm người đang cầu nguyện

Quyền Năng của Thánh Linh trong Sự Cải Đạo

Sự cải đạo xảy đến nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh. Vai trò của anh chị em là nhằm giúp mang quyền năng của Thánh Linh vào cuộc sống của một người. Một số cách thức anh chị em có thể làm điều này được đề nghị dưới đây.

  • Tìm cách để được Thánh Linh ở cùng với mình qua việc cầu nguyện, tra cứu thánh thư và tuân giữ các giao ước của anh chị em.

  • Giảng dạy bằng Thánh Linh về Đấng Cứu Rỗi và sứ điệp về Sự Phục Hồi. Tuân theo sự hướng dẫn của Thánh Linh trong việc thích nghi sứ điệp của anh chị em với nhu cầu của mỗi người.

  • Làm chứng rằng anh chị em biết được bởi quyền năng của Đức Thánh Linh rằng điều mà anh chị em giảng dạy là đúng. Khi anh chị em làm chứng, Đức Thánh Linh cũng có thể làm chứng cho những người khác.

  • Mời mọi người hành động và hỗ trợ họ trong việc tuân giữ các cam kết của họ. Khi tuân giữ các cam kết, thì mọi người sẽ cảm thấy quyền năng của Đức Thánh Linh mạnh mẽ hơn. Xin xem chương 11.

  • Tiếp tục theo sát bằng cách hỏi mọi người về những kinh nghiệm của họ khi họ đã hành động theo lời mời. Đức tin của họ sẽ tăng trưởng khi họ hối cải, tuân theo các giáo lệnh và tuân giữ các cam kết của mình. Giúp họ nhận ra Thánh Linh đang tác động lòng họ.

Hình Ảnh
Chủ Tịch M. Russell Ballard

Chủ Tịch M. Russell Ballard đã dạy: “Sự cải đạo thực sự đến nhờ quyền năng của Thánh Linh. Khi Thánh Linh chạm đến tấm lòng thì tấm lòng được thay đổi. Khi những cá nhân … cảm thấy Thánh Linh tác động lòng họ, hoặc khi họ thấy bằng chứng về tình yêu thương và lòng thương xót của Chúa trong cuộc sống của họ, thì họ được gây dựng và củng cố phần thuộc linh và đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô gia tăng. Những kinh nghiệm này với Thánh Linh sẽ tự nhiên xảy ra khi một người sẵn lòng trắc nghiệm lời của Thượng Đế [xin xem An Ma 32:27]. Đây là cách chúng ta bắt đầu cảm thấy phúc âm là chân chính” (“Now Is the Time,” Ensign, tháng Mười Một năm 2000, trang 75).

Học Tập Riêng Cá Nhân hay Học Tập Chung Với Bạn Đồng Hành

  • Nghiên cứu một hoặc nhiều đoạn thánh thư sau đây. Khi anh chị em đọc, hãy tìm cách hiểu cảm nghĩ của một người trong tiến trình cải đạo. Ghi lại những ấn tượng của anh chị em vào nhật ký ghi chép việc học tập của mình. Thảo luận những hiểu biết của anh chị em với những người truyền giáo và các tín hữu khác.

    2 Nê Phi 4:16–35; Ê Nót 1; Mô Si A 4–5; 18:7–14; 27–28; An Ma 5; 17–22; 32; 3638

  • Nghiên cứu một hoặc nhiều đoạn thánh thư sau đây. Khi anh chị em đọc, hãy cân nhắc cách anh chị em có thể giảng dạy hữu hiệu hơn với quyền năng cải đạo của Thánh Linh. Ghi lại những cảm nghĩ và ấn tượng của anh chị em vào nhật ký ghi chép việc học tập của mình. Thảo luận những ý kiến của anh chị em với những người truyền giáo và các tín hữu khác.

    1 Nê Phi 8:11–12; Mô Si A 28:1–4; An Ma 26; 29; 31:26–38; 32; Mô Rô Ni 7:43–48; Giáo Lý và Giao Ước 4; 18:10–16; 50:21–22.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Những câu thánh thư sau đây dạy điều gì về quyền năng của Thánh Linh trong công việc của anh chị em?

Anh chị em có thể làm gì để có được quyền năng của Thánh Linh trong công việc của mình?

Hình Ảnh
những người truyền giáo đang cầu nguyện

Cầu Nguyện với Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô

Để giúp những người khác trở nên cải đạo, anh chị em cần phải giảng dạy bằng quyền năng của Thánh Linh (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 50:13–14, 17–22). Chúa phán: “Các ngươi sẽ được ban cho Thánh Linh qua lời cầu nguyện bởi đức tin; và nếu các ngươi không nhận được Thánh Linh thì các ngươi chớ giảng dạy” (Giáo Lý và Giao Ước 42:14).

Khi anh chị em cầu nguyện để được giúp đỡ trong việc giảng dạy của mình, quyền năng của Đức Thánh Linh sẽ truyền những lời giảng dạy của anh chị em vào “tâm hồn con cái loài người” (2 Nê Phi 33:1). Khi anh chị em giảng dạy bởi Thánh Linh và những người khác tiếp nhận bởi Thánh Linh, thì anh chị em sẽ “hiểu được nhau” và “được gây dựng và cùng nhau vui vẻ” (Giáo Lý và Giao Ước 50:22).

Cách Thức Cầu Nguyện

Chúa Giê Su đã dạy chúng ta cách cầu nguyện (xin xem Ma Thi Ơ 6:9–13; 3 Nê Phi 18:19). Hãy cầu nguyện một cách chân thành và với chủ ý thật sự để hành động theo những thúc giục mà anh chị em nhận được từ Đức Thánh Linh. Việc cầu nguyện hiệu quả đòi hỏi nỗ lực khiêm nhường và bền bỉ (xin xem Mô Rô Ni 10:3–4; Giáo Lý và Giao Ước 8:10).

Sử dụng lời lẽ mà truyền tải mối quan hệ yêu thương, đáng tôn kính với Thượng Đế. Trong tiếng Anh, hãy sử dụng lời lẽ từ thánh thư chẳng hạn như Thee, Thou, Thy, và Thine thay vì các đại từ phổ biến hơn là you, your, và yours.

Luôn bày tỏ lòng biết ơn. Một nỗ lực có ý thức để biết ơn sẽ giúp anh chị em nhận ra Thượng Đế đã nhân từ biết bao trong cuộc đời của anh chị em. Nỗ lực này sẽ mở rộng tâm hồn và tâm trí của anh chị em để nhận được sự soi dẫn.

Hãy cầu nguyện “với tất cả mãnh lực của lòng mình” để anh chị em được ban cho lòng bác ái (Mô Rô Ni 7:48). Cầu nguyện cho người khác bằng đích danh của họ. Hãy cầu nguyện cho người mà anh chị em đang giảng dạy. Tìm kiếm nguồn cảm hứng về cách anh chị em sẽ mời và giúp họ đến cùng Đấng Ky Tô.

Học Tập Riêng Cá Nhân

Nghiên cứu lời cầu nguyện của Chúa trong Ma Thi Ơ 6:9–13. Tự hỏi bản thân những câu hỏi sau đây và ghi lại những ấn tượng vào nhật ký ghi chép việc học tập của anh chị em.

  • Trách nhiệm hiện tại của anh chị em với tư cách là người truyền giáo ảnh hưởng như thế nào đến những lời cầu nguyện của anh chị em?

  • Những lời cầu nguyện của anh chị em đang cố gắng ban phước cho cuộc sống của những người khác theo những cách nào?

  • Anh chị em đang cầu nguyện như thế nào để có thể vượt qua cám dỗ?

  • Anh chị em cầu nguyện như thế nào để được giúp đỡ trong việc đáp ứng các nhu cầu thuộc linh và vật chất của mình?

  • Anh chị em tôn vinh Thượng Đế như thế nào khi cầu nguyện?

Khi Nào Cầu Nguyện

Anh chị em nên cầu nguyện khi nào? Chúa phán: “Hãy siêng năng tìm kiếm, hãy cầu nguyện luôn luôn và tin tưởng, rồi mọi việc sẽ hiệp lại làm lợi ích cho các ngươi” (Giáo Lý và Giao Ước 90:24).

An Ma nói: “Hãy hội ý với Chúa trong mọi việc làm của mình, và Ngài sẽ hướng dẫn con đến điều thiện; phải, khi đêm đến, con nằm xuống, hãy nằm xuống trong Chúa, để Ngài chăm sóc con trong giấc ngủ của con. Khi sáng thức dậy, con hãy để lòng mình tràn đầy lời tạ ơn Thượng Đế” (An Ma 37:37; xin xem thêm 34:17–27).

Chúa mời anh chị em nên dành thời gian yên tĩnh, riêng tư để cầu nguyện: “Hãy vào phòng kín của mình, và … cầu nguyện Cha ngươi” (3 Nê Phi 13:6; xin xem thêm các câu 7–13).

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã dạy: “Mỗi buổi sáng … , những người truyền giáo nên quỳ xuống và cầu xin Chúa nới lỏng lưỡi của họ và nói qua họ để ban phước lành cho những người mà họ sẽ giảng dạy. Nếu họ chịu làm điều này, thì một ánh sáng mới sẽ đến với cuộc sống của họ. Sẽ có nhiều nhiệt tình hơn cho công việc. Họ sẽ bắt đầu biết rằng theo một ý nghĩa thật sự, họ là tôi tớ của Chúa đang nói thay cho Ngài” (“Missionary Service,” Buổi Họp Huấn Luyện Giới Lãnh Đạo Toàn Cầu Thứ Nhất, ngày 11 tháng Một năm 2003, trang 20).

Tin Cậy Thượng Đế Khi Chúng Ta Cầu Nguyện

Có đức tin nơi Thượng Đế có nghĩa là tin cậy Ngài. Điều này gồm có việc tin cậy ý muốn và kỳ định của Ngài trong việc đáp ứng những lời cầu nguyện của anh chị em (xin xem Ê Sai 55:8–9). Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy:

“Cho dù đức tin của chúng ta có mạnh mẽ đến đâu đi nữa thì nó cũng không thể tạo ra một kết quả trái với ý muốn của Ngài, là Đấng mà chúng ta tin tưởng. Hãy nhớ điều đó khi những lời cầu nguyện của anh chị em dường như không được đáp ứng theo cách thức hoặc vào thời điểm anh chị em mong muốn. Việc vận dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô luôn luôn tuân theo trật tự của thiên thượng, lòng nhân từ, ý muốn, sự thông sáng và kỳ định của Chúa. Khi có đức tin và sự tin cậy như thế nơi Chúa, thì chúng ta có được sự an toàn và bình an thực sự trong cuộc sống của mình” (“The Atonement and Faith,” Ensign, tháng Tư năm 2010, trang 30).

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói về những lời cầu nguyện dường như không được đáp ứng:

“Tôi biết đuợc cảm nghĩ đó! Tôi biết những nỗi lo sợ và nước mắt đổ xuống trong những giây phút như thế. Nhưng tôi cũng biết rằng những lời cầu nguyện của chúng ta không bao giờ bị lờ đi. Đức tin của chúng ta không bao giờ bị làm ngơ. Tôi biết rằng quan điểm của Cha Thiên Thượng đầy thông sáng thì rộng lớn nhiều hơn quan điểm của chúng ta. Trong khi chúng ta biết các vấn đề hữu diệt và nỗi đau đớn của mình, thì Ngài biết về sự tiến triển và tiềm năng bất diệt của chúng ta. Nếu chúng ta cầu nguyện để biết được ý muốn của Ngài và tự mình tuân phục theo ý muốn đó, với lòng kiên nhẫn và can đảm, thì sự chữa lành của thiên thượng có thể xảy đến theo cách thức và kỳ định của Ngài” (“Chúa Giê Su Ky Tô—Đấng Thầy Chữa Lành,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, trang 86).

Hình Ảnh
Road to Emmaus (Đường Đi đến Em Ma Út), tranh của Greg Olsen

Học Cách Nhận Ra Những Sự Thúc Giục của Thánh Linh

Điều quan trọng đối với anh chị em và những người mà anh chị em giảng dạy là học cách nhận ra những sự giao tiếp từ Thánh Linh. Thánh Linh thường giao tiếp một cách thầm lặng, qua cảm xúc, tâm trí và tâm hồn của anh chị em. Tiên tri Ê Li nhận thấy rằng tiếng nói của Chúa không ở trong gió, động đất hay lửa—mà là “một tiếng êm dịu nhỏ nhẹ” (1 Các Vua 19:12). Đó “không phải là tiếng sấm sét,” mà đúng hơn là “một tiếng nói hết sức dịu dàng, tựa hồ như một lời thì thầm,” và nó còn “xuyên thấu tận tâm hồn” (Hê La Man 5:30).

Những sự giao tiếp từ Thánh Linh có thể mang lại cảm giác khác nhau đối với những người khác nhau. Bất luận người ta cảm thấy những sự giao tiếp này như thế nào đi nữa thì thánh thư cũng dạy cách nhận ra chúng. Ví dụ, Thánh Linh sẽ gây dựng anh chị em và đưa dẫn anh chị em làm điều tốt lành. Ngài sẽ soi sáng tâm trí của anh chị em. Ngài sẽ dìu dắt anh chị em bước đi một cách khiêm nhường và xét đoán một cách công bình. (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 11:12–14 và ô “Học Tập Riêng Cá Nhân” về sau trong phần này.)

Để trả lời câu hỏi: “Làm thế nào để chúng ta nhận ra những sự thúc giục của Thánh Linh?” Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đọc Mô Rô Ni 7:13, 16–17. Sau đó ông nói:

“Cuối cùng, đó chính là cuộc trắc nghiệm. Liệu điều đó có thuyết phục được một người để làm điều tốt, để tiến lên, để đứng vững vàng, để làm điều đúng, để tử tế, để rộng lượng không? Thì đó là Thánh Linh của Thượng Đế. …

“… Nếu là lời mời để làm điều tốt, thì đó là của Thượng Đế. Nếu là lời mời để làm điều xấu, thì đó là của quỷ dữ. … Và nếu đang làm điều đúng và đang sống theo cách ngay chính, thì anh chị em sẽ biết trong lòng mình những gì Thánh Linh đang nói với anh chị em.

“Anh chị em nhận ra những sự thúc giục của Thánh Linh bởi các trái của Thánh Linh—điều gì soi sáng, điều gì xây dựng, điều gì tích cực và khẳng định cùng nâng cao tinh thần và đưa dẫn chúng ta đến những ý nghĩ tốt hơn, lời nói tốt hơn và hành động tốt hơn thình chính là thuộc về Thánh Linh của Thượng Đế” (Teachings of Presidents of the Church: Gordon B. Hinckley [năm 1997], các trang 260–261).

Khi anh chị em tìm kiếm và tuân theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, thì khả năng của anh chị em để phân biệt và hiểu được những sự thúc giục của Ngài sẽ phát triển theo thời gian (xin xem 2 Nê Phi 28:30). Theo một số cách thức, việc trở nên hòa hợp hơn với ngôn ngữ của Thánh Linh cũng giống như học một ngôn ngữ khác vậy. Đó là một tiến trình theo từng bước một mà đòi hỏi nỗ lực siêng năng, kiên nhẫn.

Hãy hết lòng tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Nếu đang bận tâm đến những điều khác, thì anh chị em có thể không cảm nhận được những lời thì thầm nhỏ nhẹ của Thánh Linh. Hoặc Ngài có thể đợi để giao tiếp cho đến khi anh chị em tìm kiếm ảnh hưởng của Ngài với sự sẵn lòng khiêm nhường để hành động theo những sự thúc giục của Ngài.

Những tiếng nói trên thế gian đang tranh giành sự chú ý của anh chị em. Chúng có thể dễ dàng lấn át những ấn tượng thuộc linh trừ khi anh chị em dành chỗ cho Thánh Linh trong lòng mình. Hãy ghi nhớ lời khuyên dạy này từ Chúa: “Hãy yên tâm và hiểu rằng ta là Thượng Đế” (Thi Thiên 46:10; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 101:16).

Hình Ảnh
Anh Cả David A. Bednar

“Thượng Đế sử dụng nhiều mẫu mực khác nhau để truyền tải những điều mặc khải cho các con trai và con gái của Ngài, chẳng hạn như những ý nghĩ đến với tâm trí và những cảm nghĩ trong lòng, những giấc mơ, … và nguồn cảm hứng. Một số điều mặc khải được tiếp nhận sốt sắng và ngay lập tức; một số khác được nhận ra dần dần và một cách tinh tế. Việc tiếp nhận, nhận ra và đáp ứng những điều mặc khải từ Thượng Đế là những ân tứ thuộc linh mà chúng ta đều nên khao khát và tìm kiếm một cách thích hợp” (David A. Bednar, “The Spirit of Revelation in the Work,” buổi hội thảo của giới lãnh đạo phái bộ truyền giáo năm 2018).

Học Tập Riêng Cá Nhân

Nghiên cứu thánh thư trong bảng sau đây. Hãy nghĩ về những lúc mà anh chị em đã trải qua bất cứ cảm nghĩ, ý nghĩ hoặc ấn tượng nào mà đã được mô tả trong những câu này. Khi anh chị em nghiên cứu và đạt được kinh nghiệm, hãy thêm những câu thánh thư khác vào bản liệt kê này. Hãy nghĩ về cách anh chị em có thể sử dụng các nguyên tắc này để giúp những người khác cảm nhận và nhận ra Thánh Linh.

Giáo Lý và Giao Ước 6:23; 11:12–14; 88:3; Giăng 14:26–27; Rô Ma 15:13; Ga La Ti 5:22–23

Mang đến những cảm giác yêu thương, vui mừng, bình an, an ủi, kiên nhẫn, nhu mì, hiền lành, đức tin và hy vọng.

An Ma 32:28; Giáo Lý và Giao Ước 6:14–15; 8:2–3; 1 Cô Rinh Tô 2:9–11

Soi sáng và đưa ra những ý kiến trong tâm trí và những cảm xúc trong lòng.

Joseph Smith—Lịch Sử 1:11–12

Giúp thánh thư có được tác dụng mạnh.

An Ma 19:6

Thay thế bóng tối bằng ánh sáng.

Mô Si A 5:2–5

Củng cố ước muốn tránh điều xấu và tuân theo các giáo lệnh.

Mô Rô Ni 10:5; Giáo Lý và Giao Ước 21:9; 100:8; Giăng 14:26; 15:26; 16:13

Giảng dạy lẽ thật và nhắc lại để nhớ.

Giáo Lý và Giao Ước 45:57

Hướng dẫn và bảo vệ khỏi sự lừa dối.

2 Nê Phi 31:18; Giáo Lý và Giao Ước 20:27; Giăng 16:13–14

Tôn vinh và làm chứng về Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô.

Giáo Lý và Giao Ước 42:16; 84:85; 100:5–8; Lu Ca 12:11–12

Hướng dẫn lời nói của các giảng viên khiêm nhường.

Mô Rô Ni 10:8–17; Giáo Lý và Giao Ước 46:8–26; 1 Cô Rinh Tô 12

Mang đến các ân tứ của Thánh Linh.

Giáo Lý và Giao Ước 46:30; 50:29–30

Cho biết phải cầu nguyện về điều gì.

2 Nê Phi 32:1–5; Giáo Lý và Giao Ước 28:15

Cho biết phải làm gì.

1 Nê Phi 10:22; An Ma 18:35

Giúp người ngay chính nói bằng sức mạnh và thẩm quyền.

2 Nê Phi 31:17; An Ma 13:12; 3 Nê Phi 27:20

Thánh hóa và mang lại sự xá miễn tội lỗi.

1 Nê Phi 2:16–17; 2 Nê Phi 33:1; An Ma 24:8

Truyền tải lẽ thật đến tấm lòng của người nghe.

1 Nê Phi 18:1–3; Xuất Ê Díp Tô Ký 31:3–5

Gia tăng kỹ năng và khả năng.

1 Nê Phi 7:15; 2 Nê Phi 28:1; 32:7; An Ma 14:11; Mặc Môn 3:16; Ê The 12:2

Thúc giục tiến tới hoặc ngăn giữ lại.

Giáo Lý và Giao Ước 50:13–22

Gây dựng giảng viên lẫn học viên.

Trông cậy vào Thánh Linh

Với tư cách là tôi tớ của Chúa, anh chị em phải làm công việc của Ngài theo cách của Ngài và bằng quyền năng của Ngài. Tiên Tri Joseph Smith đã dạy rằng “không ai có thể thuyết giảng Phúc Âm nếu không có Đức Thánh Linh” (Những Lời Giảng Dạy: Joseph Smith, trang 332).

Hãy trông cậy vào Thánh Linh để hướng dẫn anh chị em trong mọi khía cạnh công việc của anh chị em. Ngài sẽ khai sáng và soi dẫn cho anh chị em. Ngài sẽ giúp anh chị em tìm người để giảng dạy và sẽ mang lại quyền năng cho việc giảng dạy của anh chị em. Ngài sẽ phụ giúp khi anh chị em giúp đỡ các tín hữu, các tín hữu tích cực trở lại và những người mới cải đạo củng cố đức tin của họ.

Một số người truyền giáo cảm thấy tin tưởng vào bản thân họ. Những người khác thiếu sự tự tin như vậy. Hãy khiêm nhường đặt sự tin tưởng và đức tin của anh chị em vào Chúa Giê Su Ky Tô, chứ không phải vào bản thân mình. Trông cậy vào Thánh Linh hơn là tài năng và khả năng của chính mình. Đức Thánh Linh sẽ gia tăng những nỗ lực của anh chị em vượt xa những gì anh chị em có thể tự làm.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Nghiên cứu những câu thánh thư sau đây và xem cách chúng trả lời cho những câu hỏi quan trọng mà anh chị em nên hỏi mỗi ngày. Làm thế nào anh chị em có thể áp dụng những lời giảng dạy trong các đoạn này vào nỗ lực tìm kiếm, các buổi họp hoạch định và việc học tập riêng cá nhân cùng việc học tập chung với bạn đồng hành của mình? Làm thế nào anh chị em có thể áp dụng những đoạn này vào nỗ lực của mình để giảng dạy, mời mọi người lập các cam kết và tiếp tục theo sát các cam kết?

Tôi nên bắt đầu từ đâu?

Tôi nên làm gì?

Tôi nên nói gì?

Tôi nên sử dụng thánh thư như thế nào trong việc giảng dạy của mình?

Một Vài Lời Cảnh Báo

Xác Nhận Những Ấn Tượng của Anh Chị Em với Các Nguồn Đáng Tin Cậy

Khi anh chị em cầu nguyện để được soi dẫn, hãy so sánh những ấn tượng thuộc linh của mình với thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri tại thế. Những ấn tượng từ Thánh Linh sẽ phù hợp với những nguồn này.

Tìm Kiếm Sự Mặc Khải bên trong Sự Chỉ Định của Anh Chị Em

Hãy chắc chắn rằng những cảm nghĩ mà anh chị em nhận được đều phù hợp với sự chỉ định của anh chị em. Trừ khi anh chị em được kêu gọi bởi thẩm quyền thích đáng, các ấn tượng từ Thánh Linh sẽ không được ban cho anh chị em để khuyên bảo hoặc sửa chỉnh người khác. Ví dụ, anh chị em sẽ không nhận được sự mặc khải để nói cho vị giám trợ biết điều mà ông ấy nên làm trong sự kêu gọi của ông.

Hình Ảnh
Ân Tứ về Ánh Sáng

Phân Biệt Ảnh Hưởng Thực Sự của Thánh Linh

Chủ Tịch Howard W. Hunter khuyên dạy: “Tôi xin đưa ra một lời cảnh báo. … Tôi nghĩ nếu không cẩn thận … , chúng ta có thể bắt đầu cố gắng giả mạo ảnh hưởng thực sự của Thánh Linh của Chúa bằng những phương tiện không xứng đáng và có tính cách thao túng. Tôi cảm thấy lo âu khi cảm xúc dường như mãnh liệt hoặc những giọt nước mắt tuôn chảy lại được cho rằng đó là sự hiện diện của Thánh Linh. Chắc chắn là Thánh Linh của Chúa có thể mang đến những cảm nghĩ xúc động mãnh liệt, kể cả những giọt lệ, nhưng cách biểu hiện bên ngoài đó không được nhầm lẫn với sự hiện diện của chính Thánh Linh” (The Teachings of Howard W. Hunter [năm 1997], trang 184).

Đừng Cố Ép Buộc Những Sự Việc Thuộc Linh

Không thể ép buộc những vấn đề thuộc linh. Anh chị em có thể nuôi dưỡng một thái độ và một môi trường mà mời Thánh Linh đến, và anh chị em có thể tự chuẩn bị mình, nhưng anh chị em không thể đòi hỏi sự soi dẫn phải đến bằng cách nào hoặc khi nào. Hãy kiên nhẫn và tin tưởng rằng anh chị em sẽ nhận được những gì anh chị em cần khi đến thời điểm thích hợp.

Giữ Những Kinh Nghiệm Thuộc Linh luôn được Thiêng Liêng

Là người truyền giáo, anh chị em có thể nhận biết rõ hơn về những kinh nghiệm thuộc linh so với trước đây trong cuộc sống của anh chị em. Những kinh nghiệm này là thiêng liêng và thường là để gây dựng, chỉ dẫn hoặc chỉnh sửa cho chính anh chị em.

Nhiều kinh nghiệm trong số này được giữ kín. Chỉ chia sẻ khi nào Thánh Linh cho biết rằng anh chị em có thể ban phước cho người khác bằng cách làm như vậy (xin xem An Ma 12:9; Giáo Lý và Giao Ước 63:64; 84:73).

Sử Dụng Óc Xét Đoán Sáng Suốt Nhất của Anh Chị Em trong Một Số Trường Hợp

Đôi khi chúng ta muốn được Thánh Linh dìu dắt trong mọi sự việc. Tuy nhiên, thường thì Chúa muốn chúng ta hành động bằng cách sử dụng óc xét đoán sáng suốt nhất của mình (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 60:5; 61:22; 62:5). Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy:

“Một ước muốn được Chúa hướng dẫn là sức mạnh, nhưng ước muốn này cũng cần phải được kèm theo sự hiểu biết rằng Cha Thiên Thượng đã để cho chúng ta tự quyết định nhiều điều. Việc đưa ra quyết định cá nhân là một trong những nguồn tăng trưởng mà nhằm giúp chúng ta kinh nghiệm được trong cuộc sống trần thế. Những người cố gắng giao phó mọi quyết định cho Chúa và cầu xin có được điều mặc khải trong mỗi sự lựa chọn thì sẽ sớm nhận thấy những hoàn cảnh mà trong đó họ cầu xin được hướng dẫn và không nhận được điều đó. Ví dụ, việc này thường dễ xảy ra trong nhiều hoàn cảnh mà trong đó những sự lựa chọn không thật sự quan trọng hoặc lựa chọn nào cũng có thể chấp nhận được.

“Chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ trong tâm trí mình, bằng cách sử dụng khả năng suy luận mà Đấng Sáng Tạo đã đặt vào bên trong chúng ta. Sau đó, chúng ta cần phải cầu nguyện để được hướng dẫn và hành động theo nếu nhận được hướng dẫn. Nếu không nhận được hướng dẫn, chúng ta cần phải hành động theo óc xét đoán tốt nhất của mình. Những người nào kiên trì trong việc tìm kiếm điều mặc khải hướng dẫn về các vấn đề mà Chúa đã không chọn để hướng dẫn chúng ta thì có thể tạo ra một câu trả lời từ khả năng tưởng tượng hay khuynh hướng của họ, hoặc họ còn có thể nhận được câu trả lời qua điều mặc khải trung gian sai lạc” (“Our Strengths Can Become Our Downfall,” Ensign, tháng Mười năm 1994, trang 13–14).

Nghiên Cứu Thánh Thư

Việc trông cậy vào Thánh Linh là rất quan trọng đến mức Chúa cảnh cáo chúng ta đừng chối bỏ hoặc ngăn chặn Thánh Linh. Anh chị em học được điều gì từ các đoạn thánh thư sau đây?


Những Ý Kiến để Học Tập và Áp Dụng

Học Tập Riêng Cá Nhân

  • Chia một trang ra thành hai cột. Một cột ghi là “Điều Chúa Đã Làm” và cột kia là “Điều Lê Hi hoặc Nê Phi Đã Làm.” Đọc câu chuyện về quả cầu Li A Hôn Na và cái cung bị gãy (1 Nê Phi 16:9–31) hoặc câu chuyện về Nê Phi đóng một con tàu (1 Nê Phi 17:7–16; 18:1–6). Liệt kê các sự kiện từ câu chuyện vào trong các cột thích hợp. Cân nhắc xem câu chuyện có thể dạy anh chị em điều gì về bản chất của sự soi dẫn.

  • Xem lại nhật ký của anh chị em và tìm ra những dịp mà anh chị em đã được Thánh Linh dìu dắt hoặc đã kinh nghiệm một ân tứ của Thánh Linh. Nghĩ về những kinh nghiệm này đã xảy ra khi nào, ở đâu và tại sao. Bàn tay của Chúa biểu hiện như thế nào? Anh chị em cảm thấy như thế nào? Việc ghi nhớ những kinh nghiệm này có thể giúp anh chị em nhận ra Thánh Linh.

  • Nghiên cứu Mô Si A 33:1–12An Ma 34:17–31. An Ma và A Mu Léc đã trả lời những câu hỏi nào? (Xem lại An Ma 33:1–2.) Họ đã trả lời những câu hỏi này như thế nào? Họ đã đưa ra những sự bảo đảm gì?

  • Chúa đã hứa rằng Thánh Linh sẽ hướng dẫn chúng ta trong nhiều cách quan trọng. Khi anh chị em đọc các đoạn thánh thư sau đây, hãy nhận ra các khía cạnh công việc của anh chị em mà cần có sự hướng dẫn của Thánh Linh. Các nguyên tắc trong các câu thánh thư sau đây có ý nghĩa gì đối với việc học tập riêng cá nhân và việc học tập chung với bạn đồng hành của anh chị em? cho các buổi họp hội đồng chi bộ, các đại hội khu bộ, lễ báp têm và các buổi họp khác?

    Cầu nguyện

    Điều khiển các buổi họp

Học Tập Chung với Bạn Đồng Hành và Hoán Đổi Bạn Đồng Hành

  • Nói về những lời cầu nguyện mà anh chị em dâng lên chung với những người bạn đồng hành. Những lời cầu nguyện này có được Đức Thánh Linh hướng dẫn không? Làm cách nào anh chị em đã nhận được sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện của anh chị em với những người bạn đồng hành? Khi cầu nguyện chung với những người bạn đồng hành, anh chị em có:

    • Tin rằng Thượng Đế sẽ ban cho anh chị em điều anh chị em cầu xin trong sự ngay chính và theo ý Ngài không?

    • Công nhận và tỏ lòng biết ơn về những sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện của anh chị em không?

    • Cầu nguyện cho mọi người theo đích danh của họ và xem xét các nhu cầu của họ không?

    • Cầu nguyện cho nhau và để cho Thánh Linh hướng dẫn anh chị em không?

    • Nhận ra sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện của anh chị em không?

    • Cầu nguyện với sự cam kết để hành động theo những sự thúc giục mà anh chị em nhận được không?

  • Thảo luận về cách anh chị em sẽ tìm kiếm Thánh Linh một cách sốt sắng hơn.

  • Thảo luận về những cách khác nhau mà người ta mô tả ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Lưu giữ vào nhật ký ghi chép việc học tập của anh chị em những lời nhận xét mà những người anh chị em giảng dạy đã đưa ra về những kinh nghiệm của họ với Thánh Linh. Làm thế nào anh chị em có thể giúp những người khác nhận ra ảnh hưởng thiêng liêng này?

Buổi Họp Hội Đồng Chi Bộ, Các Đại Hội Khu Bộ, và Buổi Họp Hội Đồng Lãnh Đạo Phái Bộ

  • Nếu thích hợp, hãy yêu cầu những người truyền giáo chia sẻ một câu chuyện hoặc kinh nghiệm mà họ đã nghe được trong một buổi họp chứng ngôn mới gần đây, kinh nghiệm giảng dạy hoặc bối cảnh khác. Những câu chuyện và kinh nghiệm thuộc linh mà những người khác kể lại có thể giúp anh chị em phát triển đức tin và nhận ra rằng ảnh hưởng của Thánh Linh được biểu hiện rộng rãi và thường xuyên.

  • Yêu cầu những người truyền giáo đưa ra bài nói chuyện về sứ mệnh và quyền năng của Đức Thánh Linh.

  • Thảo luận làm thế nào việc bày tỏ lòng biết ơn giúp anh chị em thấy được những cách thức nhỏ nhặt nhưng rất quan trọng mà Chúa ban phước cho anh chị em (xin xem Ê The 3:5; Giáo Lý và Giao Ước 59:21). Thảo luận về những cách bày tỏ lòng biết ơn.

  • Cân nhắc việc yêu cầu một tín hữu mới nói về việc người đó đã được Thánh Linh ảnh hưởng như thế nào khi tìm hiểu về Giáo Hội. Yêu cầu người đó chỉ chia sẻ những kinh nghiệm mà họ cảm thấy thích hợp.

Các Vị Lãnh Đạo Phái Bộ Truyền Giáo và Các Cố Vấn Phái Bộ Truyền Giáo

  • Các anh em có thể yêu cầu những người truyền giáo gồm vào những kinh nghiệm thuộc linh thích hợp trong lá thư hằng tuần của họ gửi cho các anh em.

  • Trong các cuộc phỏng vấn hoặc trong các cuộc trò chuyện, thỉnh thoảng hãy hỏi những người truyền giáo về những lời cầu nguyện buổi sáng và buổi tối của họ. Nếu cần, hội ý với họ về cách làm cho lời cầu nguyện của họ có ý nghĩa hơn.

  • Hỏi những người truyền giáo về cách họ giúp những người mà họ giảng dạy cảm nhận và nhận ra Thánh Linh.