Những Sự Kêu Gọi trong Phái Bộ Truyền Giáo
Chương 7: Học Ngôn Ngữ Truyền Giáo của Anh Chị Em


“Chương 7: Học Ngôn Ngữ Truyền Giáo của Anh Chị Em,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Cách Chia Sẻ Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô (năm 2023)

“Chương 7,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta

Hình Ảnh
quả địa cầu và quốc kỳ

Chương 7

Học Ngôn Ngữ Truyền Giáo của Anh Chị Em

Hãy Suy Ngẫm về Những Câu Hỏi Này

  • Bằng cách nào tôi có thể củng cố đức tin của mình nơi Chúa để giúp tôi học một ngôn ngữ mới?

  • Tại sao tôi nên liên tục cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình?

  • Bằng cách nào tôi có thể cải thiện khả năng nói và giảng dạy bằng ngôn ngữ truyền giáo của mình?

  • Tôi có thể nhận được ân tứ về ngôn ngữ bằng cách nào?

Tự Chuẩn Bị về Phần Thuộc Linh

Chúa đã phán: “Mọi người sẽ được nghe phúc âm trọn vẹn bằng ngôn ngữ của mình, và bằng tiếng của mình, qua những người được sắc phong cho quyền năng này” (Giáo Lý và Giao Ước 90:11).

Dưới đây là những cách mà anh chị em có thể củng cố đức tin của mình rằng Chúa sẽ giúp anh chị em giảng dạy và làm chứng bằng ngôn ngữ truyền giáo của mình:

  • Tin rằng anh chị em đã được Thượng Đế kêu gọi qua một vị tiên tri.

  • Cầu xin Thượng Đế giúp đỡ qua lời cầu nguyện chân thành.

  • Làm việc siêng năng bằng cách học tập, thực hành và sử dụng ngôn ngữ truyền giáo của anh chị em mỗi ngày.

  • Xứng đáng với sự đồng hành của Đức Thánh Linh bằng cách tuân giữ các giáo lệnh và sống theo các tiêu chuẩn của người truyền giáo.

  • Thanh tẩy các động cơ của anh chị em bằng cách yêu kính Thượng Đế và bằng cách yêu thương con cái của Ngài và mong muốn được ban phước cho họ.

Tận Tâm và Siêng Năng

Việc học cách giảng dạy một cách hiệu quả bằng ngôn ngữ truyền giáo của anh chị em đòi hỏi nỗ lực siêng năng và các ân tứ của Thánh Linh. Đừng ngạc nhiên nếu nhiệm vụ đó có vẻ khó. Cần phải có thời gian. Hãy kiên nhẫn với bản thân mình. Khi tận tâm học ngôn ngữ này, anh chị em sẽ có được những kỹ năng cần thiết để hoàn thành mục đích của mình với tư cách là người truyền giáo.

Anh chị em không đơn độc một mình trong việc học ngôn ngữ truyền giáo của mình. Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô sẽ giúp đỡ anh chị em khi anh chị em tìm kiếm sự giúp đỡ của hai Ngài. Tìm kiếm và sẵn sàng đón nhận sự giúp đỡ của người bạn đồng hành, các tín hữu, những người mà anh chị em giảng dạy, những người truyền giáo khác và những người khác.

Lắng nghe kỹ và nói ngôn ngữ trong mọi cơ hội. Đừng sợ mắc lỗi. Mọi người học một ngôn ngữ mới đều mắc lỗi. Mọi người sẽ hiểu và họ sẽ trân trọng các nỗ lực của anh chị em để học ngôn ngữ của họ.

Tiếp tục cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của anh chị em cho đến khi kết thúc công việc truyền giáo của anh chị em. Khi khả năng nói ngôn ngữ của anh chị em phát triển, mọi người sẽ lắng nghe những gì anh chị em nói nhiều hơn là cách anh chị em nói. Anh chị em sẽ bớt lo lắng hơn về cách giao tiếp và có khả năng đáp ứng nhu cầu của người khác nhiều hơn.

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

“Chúng tôi sẽ … hy vọng rằng mỗi người truyền giáo nào đang học một ngôn ngữ … mới sẽ thông thạo ngôn ngữ đó bằng mọi cách có thể được. … Và khi anh chị em làm như vậy, kỹ năng [giảng dạy] và làm chứng của anh chị em sẽ được cải thiện. Anh chị em sẽ được tiếp nhận nhiệt tình hơn và ấn tượng về phần thuộc linh nhiều hơn bởi [những người mà anh chị em giảng dạy]. …

“Đừng hài lòng với những gì chúng ta gọi là từ vựng của người truyền giáo không thôi. Hãy cố gắng hết sức mình trong việc học ngôn ngữ truyền giáo và anh chị em sẽ tiếp cận được tấm lòng của nhiều người hơn” (Jeffrey R. Holland, buổi họp truyền giáo phát sóng qua vệ tinh, tháng Tám năm 1998).

Tiếp tục sử dụng ngôn ngữ truyền giáo của anh chị em sau khi trở về nhà. Chúa đã đầu tư nhiều vào anh chị em, và Ngài có thể sử dụng khả năng ngôn ngữ của anh chị em về sau này trong cuộc sống của anh chị em.

Học Tiếng Anh

Nếu không nói được tiếng Anh, anh chị em nên học ngôn ngữ đó với tư cách là người truyền giáo. Điều này sẽ ban phước cho anh chị em trong khi truyền giáo và trong suốt cuộc đời của anh chị em. Việc học tiếng Anh cũng sẽ ban phước cho gia đình anh chị em.

Để được giúp đỡ thêm trong việc học tiếng Anh, xin xem EnglishConnect for Missionaries.

Hình Ảnh
người phụ nữ đang viết nhật ký

Các Nguyên Tắc về Việc Học Ngôn Ngữ

Nhận Lãnh Trách Nhiệm

Đặt mục tiêu để cải thiện khả năng ngôn ngữ của anh chị em và thường xuyên điều chỉnh các mục tiêu này. Lập ra một kế hoạch học ngôn ngữ. Sử dụng ngôn ngữ đó trong mọi cơ hội.

Làm Cho Việc Họp Tập của Anh Chị Em Có Ý Nghĩa

Áp dụng những gì anh chị em học vào các tình huống đời thường và trong các sinh hoạt hằng ngày của mình. Tập trung vào ngôn ngữ mà sẽ giúp anh chị em nói những gì anh chị em cần nói.

Tìm Cách Truyền Đạt

Nói ngôn ngữ truyền giáo với bạn đồng hành của anh chị em càng nhiều càng tốt. Tận dụng mọi cơ hội để học hỏi và luyện tập. Ví dụ, anh chị em có thể nhờ một tín hữu tích cực trở lại hoặc một người mà anh chị em đang giảng dạy giúp anh chị em về ngôn ngữ. Không gì thay thế được việc nói chuyện với người bản xứ của ngôn ngữ đó.

Đừng So Sánh

Đừng so sánh kỹ năng ngôn ngữ của anh chị em với kỹ năng ngôn ngữ của bạn đồng hành của mình hoặc những người truyền giáo khác. Sự so sánh dẫn đến sự kiêu ngạo hoặc nản lòng.

Tìm Hiểu Cặn Kẽ Các Khái Niệm Mới

Thường xuyên xem lại những gì anh chị em đã học và luyện tập trong những tình huống mới. Điều này sẽ giúp anh chị em nhớ lại và áp dụng những gì anh chị em đang học.

Hình Ảnh
người đàn ông đang xem cuốn sách

Lập Ra một Kế Hoạch Học Ngôn Ngữ

Một kế hoạch học ngôn ngữ giúp những người truyền giáo mới lẫn những người truyền giáo đã có kinh nghiệm tập trung vào những gì họ có thể làm mỗi ngày để cải thiện khả năng nói ngôn ngữ truyền giáo của họ. Kế hoạch của anh chị em sẽ gồm có những gì anh chị em sẽ làm trong thời gian học ngôn ngữ và trong suốt cả ngày.

Các bước sau đây cho thấy cách anh chị em có thể lập kế hoạch học ngôn ngữ bằng cách sử dụng tiến trình đặt mục tiêu từ chương 8. Sửa đổi tiến trình này khi cần.

  1. Thành tâm đặt mục tiêu và lập kế hoạch. Đặt mục tiêu hằng tuần và hằng ngày để cải thiện khả năng chung của anh chị em để truyền đạt và giảng dạy phúc âm. Bao gồm những điều mà anh chị em muốn cam kết để ghi nhớ, chẳng hạn như các từ, cụm từ, câu thánh thư và đoạn thánh thư.

  2. Ghi chép và sắp xếp lịch trình. Quyết định các công cụ ngôn ngữ nào sẽ giúp anh chị em đạt được mục tiêu của mình. Các công cụ ngôn ngữ có thể gồm có thánh thư, từ điển, sách văn phạm, ứng dụng TALL Embark và các công cụ khác. Sắp xếp thời gian khi nào thì anh chị em sẽ chính thức học và sử dụng ngôn ngữ. Ví dụ, anh chị em có thể sắp xếp lịch trình đọc to Sách Mặc Môn trong 15 phút mỗi ngày trong giờ ăn trưa.

  3. Thực hiện kế hoạch của anh chị em. Chúa yêu thích nỗ lực, vì vậy hãy siêng năng làm việc để đạt được mục tiêu của mình. Hãy bảo toàn thời gian học ngôn ngữ của anh chị em và sắp xếp lại thời gian học bù nếu bị gián đoạn.

  4. Xem lại và tiếp tục theo sát. Thường xuyên xem lại kế hoạch học tập của anh chị em để đánh giá nó được hữu hiệu như thế nào. Mời người bạn đồng hành, các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo, các tín hữu và những người khác trong khu vực của anh chị em đề nghị những cách anh chị em có thể cải thiện. Tham gia đều đặn vào các bài đánh giá ngôn ngữ theo lịch trình để lập biểu đồ về sự tiến triển của anh chị em và nhận ra những cách để cải thiện.

Cân bằng việc học ngôn ngữ của anh chị em giữa các mục tiêu dài hạn để tạo nền tảng ngôn ngữ với các mục tiêu ngắn hạn cho các sinh hoạt cụ thể và những người mà anh chị em đang giảng dạy.

Trong thời gian chính thức học ngôn ngữ của anh chị em, hãy cân bằng các mục tiêu và kế hoạch của anh chị em trên các lĩnh vực ngôn ngữ cơ bản được cho thấy dưới đây. Quyết định những gì anh chị em sẽ học trong suốt cả ngày.

kỹ năng nghe

kỹ năng đọc

văn phạm

kỹ năng nói

kỹ năng viết

từ vựng

Học Tập Riêng Cá Nhân hay Học Tập Chung Với Bạn Đồng Hành

Dành thời gian mỗi tuần để đánh giá việc học ngôn ngữ của anh chị em bằng cách hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Tôi có học ngôn ngữ truyền giáo của mình mỗi ngày trong tuần này không? Tôi có thể làm gì để liên tục cải thiện ngôn ngữ truyền giáo của mình?

  • Kế hoạch của tôi có giúp tôi tìm kiếm, giảng dạy và làm việc với các tín hữu hiệu quả hơn không? Tôi cần thực hiện những sửa đổi nào đối với kế hoạch của mình?

  • Tôi thích điều gì nhất về việc học ngôn ngữ của mình? Tôi có thể làm gì để thích nhiều hơn?

  • Tôi nên dành ra bao nhiêu thời gian để luyện nghe, đọc, viết và nói? Làm sao tôi có thể học từ vựng, văn phạm và cách phát âm tốt hơn?

  • Tôi đang sử dụng các sinh hoạt và các nguồn tài liệu nào để học ngôn ngữ? Những phần nào đang giúp tôi nhiều nhất? Những nguồn tài liệu và các sinh hoạt nào khác có thể là hữu ích?

  • Điều gì cần chú ý hơn?

Sau khi trả lời những câu hỏi này, hãy điều chỉnh các kế hoạch học tập của anh chị em và xem chúng có cải thiện kết quả của anh chị em không. Thánh Linh sẽ hướng dẫn anh chị em khi anh chị em liên tục tìm cách cải thiện việc học ngôn ngữ của mình.

Học Chung với Những Người Bạn Đồng Hành của Anh Chị Em

Giúp những người bạn đồng hành của anh chị em trải qua sự thành công và đạt được sự tự tin trong việc học ngôn ngữ truyền giáo hoặc học tiếng Anh. Hãy chân thành và thường xuyên khen ngợi những người bạn đồng hành của anh chị em và những người truyền giáo khác về sự tiến triển của họ.

Đưa ra thông tin phản hồi đơn giản và thiết thực với sự tử tế. Cho họ nhiều cơ hội giảng dạy và làm chứng một cách thuận lợi. Hãy lưu ý cách một người truyền giáo giàu kinh nghiệm hơn đã giúp đỡ bạn đồng hành của người ấy trong câu chuyện có thật sau đây.

Tôi vừa mới đến khu vực thứ hai của mình thì người bạn đồng hành của tôi nói với tôi rằng đã đến lượt tôi đưa ra sứ điệp thuộc linh ngắn tại một cuộc hẹn ăn tối. Người bạn đồng hành đầu tiên của tôi luôn vui vẻ đảm trách việc giảng dạy, và tôi đã quen với việc đưa ra một phần nhỏ trong bài học và sau đó lắng nghe.

Tôi cố gắng thuyết phục người bạn đồng hành của mình rằng anh ấy nên đưa ra sứ điệp thuộc linh ngắn nhưng anh ấy đã khuyến khích tôi nhận sự chỉ định đó. Tôi đã luyện tập với sự giúp đỡ của anh ấy.

Khi đến lúc, tôi mở thánh thư của mình ra và đọc từ 3 Nê Phi 5 và 7. Tôi gặp khó khăn nhưng đã cố gắng xoay xở để giải thích được lý do tại sao tôi cảm thấy những đoạn mình đã chọn rất quan trọng và tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi tôi làm xong. Khi một câu hỏi được đặt ra, tôi nhìn người bạn đồng hành của mình để chờ anh ấy trả lời, nhưng anh ta đã không mở miệng. Chính lúc đó tôi đã tự ngạc nhiên khi nghĩ ra được một câu trả lời bằng tiếng Pháp dễ hiểu. Tôi còn ngạc nhiên hơn khi người tín hữu đó dường như không cảm thấy rằng tôi thiếu tự tin về kỹ năng giao tiếp của mình. Tôi đã đạt được sự tự tin và nhận ra rằng tiếng Pháp của tôi giỏi hơn những gì tôi tự nghĩ.

Nhiều tuần trôi qua, và người bạn đồng hành của tôi tiếp tục để tôi giảng dạy—ngay cả khi tôi không nghĩ rằng mình có thể làm được và mặc dù anh ấy có lẽ cũng tự hỏi liệu tôi có thể làm được không. Tôi cảm thấy rằng mình đã trở thành một công cụ của Cha Thiên Thượng thay vì chỉ là một người bạn đồng hành thầm lặng.

Học Tập Riêng Cá Nhân hay Học Tập Chung Với Bạn Đồng Hành

Làm việc với những người truyền giáo khác để giúp anh chị em học ngôn ngữ truyền giáo của mình.

  • Nếu anh chị em đang làm việc với một người truyền giáo mới, thì làm sao anh chị em có thể giúp người bạn đồng hành của mình học ngôn ngữ hoặc học tiếng Anh hữu hiệu hơn?

  • Nếu là một người truyền giáo mới, thì anh chị em có thể yêu cầu người bạn đồng hành của mình giúp đỡ như thế nào?

Hình Ảnh
những người truyền giáo đang giảng dạy người phụ nữ

Học Văn Hóa và Ngôn Ngữ

Văn hóa và ngôn ngữ có liên quan chặt chẽ với nhau. Việc hiểu được văn hóa của người khác sẽ giúp giải thích cách ngôn ngữ được sử dụng. Sự hiểu biết này cũng sẽ giúp anh chị em truyền đạt những khía cạnh độc đáo của sứ điệp về Sự Phục Hồi theo cách dễ hiểu đối với mọi người.

Một trong những điều tuyệt vời nhất anh chị em có thể làm để có được sự tin cậy và tình yêu thương của mọi người là tôn trọng và chấp nhận văn hóa của họ theo những cách thích hợp. Nhiều người truyền giáo giỏi đã làm điều này (xin xem 1 Cô Rinh Tô 9:20–23).

Học Tập Riêng Cá Nhân hay Học Tập Chung Với Bạn Đồng Hành

Sử dụng ý kiến dưới đây để giúp anh chị em chuẩn bị giảng dạy cho một người có văn hóa hoặc lai lịch gốc gác khác.

  • Hãy suy nghĩ về nền tảng văn hóa và tôn giáo của những người mà anh chị em giảng dạy. Nhận ra một khía cạnh trong lai lịch gốc gác của họ mà có thể khiến cho họ khó hiểu một nguyên tắc phúc âm. Hoạch định những cách để giảng dạy nguyên tắc này một cách rõ ràng.

Ân Tứ về Ngôn Ngữ

Các ân tứ của Thánh Linh là có thật. Ân tứ về ngôn ngữ và sự thông dịch các ngôn ngữ có nhiều khía cạnh. Một số khía cạnh này gồm có việc nói, hiểu và thông dịch ngôn ngữ. Ngày nay, ân tứ về ngôn ngữ thường được thể hiện nhiều nhất trong việc học hỏi và nghiên cứu được Thánh Linh nâng cao để giúp những người truyền giáo học ngôn ngữ này trong công việc truyền giáo của họ.

Đức Thánh Linh có thể biểu hiện lẽ thật trong chứng ngôn của anh chị em mặc dù có thể có trở ngại về ngôn ngữ giữa anh chị em và những người anh chị em giảng dạy. Tương tự như vậy, Đức Thánh Linh có thể mang đến những từ và cụm từ để anh chị em ghi nhớ và giúp anh chị em hiểu những gì mọi người đang nói từ tấm lòng của họ.

Phần lớn, anh chị em sẽ không nhận được các ân tứ này nếu không nỗ lực. Anh chị em cần tích cực tìm kiếm các ân tứ này để ban phước cho những người khác (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 46:8–9, 26). Một phần của việc tìm kiếm ân tứ về ngôn ngữ là phải lao nhọc và làm hết sức mình để học ngôn ngữ đó. Hãy kiên nhẫn khi anh chị em thành tâm học và luyện tập ngôn ngữ đó. Hãy tin tưởng rằng Thánh Linh sẽ giúp anh chị em khi anh chị em siêng năng cố gắng. Hãy tin rằng anh chị em có thể có ân tứ về ngôn ngữ để giúp anh chị em và những người anh chị em giảng dạy.

Khi anh chị em gặp khó khăn để tự mình bày tỏ một cách rõ ràng như anh chị em mong muốn, thì hãy nhớ rằng Thánh Linh có thể ngỏ lời với tâm hồn của con cái Thượng Đế. Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy:

“Có một ngôn ngữ … chung cho mỗi người truyền giáo—ngôn ngữ của Thánh Linh. Ngôn ngữ này không được học từ sách giáo khoa do những nhà văn viết, cũng không phải đạt được qua việc đọc và học thuộc lòng. Ngôn ngữ của Thánh Linh đến với người nào hết lòng tìm kiếm để biết Thượng Đế và tuân giữ các giáo lệnh thiêng liêng của Ngài. Sự thông thạo ngôn ngữ này cho phép một người vượt qua các rào cản, khắc phục các trở ngại, và chạm đến tâm hồn con người” (“The Spirit Giveth Life,” Ensign, tháng Sáu năm 1997, trang 2).

Học Tập Riêng Cá Nhân hay Học Tập Chung Với Bạn Đồng Hành

Sử dụng những lời phát biểu sau đây để đánh giá các nỗ lực tìm kiếm ân tứ về ngôn ngữ của anh chị em. Ghi lại các ấn tượng và mục tiêu để giúp anh chị em cải thiện việc học ngôn ngữ của mình.


Những Ý Kiến để Học Tập và Áp Dụng

Học Tập Riêng Cá Nhân

  • Xem lại các nguồn tài liệu về ngôn ngữ trên Missionary Portal. Nhận ra một cách gì đó mà anh chị em chưa thử và đặt mục tiêu để thử cách đó trong vài ngày tới.

  • Tại buổi họp chi bộ lần tới của anh chị em, hãy hỏi một người truyền giáo có kinh nghiệm với khả năng ngôn ngữ giỏi xem người đó đã làm gì để học ngôn ngữ.

Học Tập Chung với Bạn Đồng Hành và Hoán Đổi Bạn Đồng Hành

  • Tập dạy cho nhau những bài học truyền giáo bằng ngôn ngữ truyền giáo của anh chị em. Lúc đầu, những người truyền giáo mới có thể giảng dạy một cách rất đơn giản, chia sẻ chứng ngôn đơn giản và đọc thuộc lòng những câu thánh thư. Khi sự tự tin và khả năng của họ gia tăng, họ sẽ có thể tham gia đầy đủ hơn vào việc giảng dạy.

  • Xem lại các ý kiến trong chương này và các nguồn tài liệu về ngôn ngữ trên Missionary Portal. Thảo luận xem anh chị em có thể sử dụng những đề nghị nào trong buổi học tập chung với bạn đồng hành trong tuần tới.

  • Yêu cầu bạn đồng hành của anh chị em lắng nghe cách phát âm của anh chị em và giúp anh chị em cải thiện. Yêu cầu người ấy ghi lại những tình huống khi người ta không hiểu anh chị em. Lập một bản liệt kê các từ, cụm từ hoặc văn phạm mà sẽ hữu ích. Giải thích và tập cách sử dụng những gì ở trên bản liệt kê các sinh hoạt sắp tới.

  • Tích cực luyện tập kỹ năng nghe. Hoạch định thời gian trong ngày nhằm tích cực lắng nghe để nhận ra từ vựng và khuôn mẫu anh chị em đã học. Khi anh chị em nghe một cụm từ được diễn đạt khác với cách anh chị em thường nói thì hãy viết nó xuống và luyện tập.

  • Lập một bản liệt kê những điều mà mọi người có thể nói vào ngày hôm đó. Lập kế hoạch và luyện tập những cách mà anh chị em có thể trả lời.

Buổi Họp Hội Đồng Chi Bộ, Các Đại Hội Khu Bộ, và Buổi Họp Hội Đồng Lãnh Đạo Phái Bộ

  • Mời người bản xứ tham dự một trong những buổi họp này. Sắp xếp để những người truyền giáo giảng dạy họ trong các nhóm nhỏ. Yêu cầu người bản xứ ghi chép và đưa ra phản hồi về khả năng ngôn ngữ của những người truyền giáo.

  • Chỉ định trước một hoặc hai người truyền giáo để kể về những thành công mà họ đã đạt được trong việc học ngôn ngữ.

  • Chỉ định một người truyền giáo có kinh nghiệm trình bày ngắn gọn một phần nào đó của ngôn ngữ thường là khó đối với những người truyền giáo. Yêu cầu người đó trình bày các ví dụ về cách sử dụng tốt ngôn ngữ và yêu cầu những người truyền giáo luyện tập theo các ví dụ đó.

  • Yêu cầu những người truyền giáo là người bản xứ của nền văn hóa này chia sẻ những hiểu biết của họ.

Các Vị Lãnh Đạo Phái Bộ Truyền Giáo và Các Cố Vấn Phái Bộ Truyền Giáo

  • Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học ngôn ngữ một cách kiên định mỗi ngày.

  • Khuyến khích những người truyền giáo sử dụng ngôn ngữ truyền giáo càng nhiều càng tốt.

  • Cung cấp các yếu tố của một kế hoạch học ngôn ngữ truyền giáo trong một lịch trình học có hệ thống. Xem lại điều này trong các buổi họp chi bộ.

  • Tìm cơ hội để nói chuyện với những người truyền giáo bằng ngôn ngữ mà họ đang học. Định kỳ phỏng vấn họ bằng ngôn ngữ này.

  • Hỏi các vị lãnh đạo và các tín hữu địa phương để biết ý kiến về cách những người truyền giáo có thể cải thiện khả năng ngôn ngữ của họ.

  • Đưa ra chỉ dẫn trong đại hội khu bộ hoặc buổi họp hội đồng lãnh đạo phái bộ truyền giáo về những sai lầm phổ biến nhất của những người truyền giáo đang học ngôn ngữ truyền giáo của các anh em.

  • Giảng dạy cho những người truyền giáo về các ân tứ thuộc linh.

  • Quan sát những người truyền giáo khi họ giảng dạy bằng ngôn ngữ truyền giáo.